LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
(Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3,13-17 )

Anh chị em rất thân mến,

1. Chúng ta rất vui mừng được cùng tham dự cuộc hành hương Năm Thánh của các Hội Dòng Mến Thánh Giá (HDMTG) thuộc giáo phận Sài Gòn tại Nhà thờ Chính tòa giáo phận. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa chúc lành cho cuộc hành hương của các chị em nữ tu rất yêu quý.

Năm nay kỷ niệm 350 năm việc thiết lập hai giáo đoàn Đàng Trong và Đàng Ngoài; kỷ niệm 350 ngày Đức Cha Lambert de la Motte được tấn phong làm giám mục đầu tiên của giáo đoàn Đàng Trong; ngoài ra các chị còn kỷ niệm 340 năm Đức cha Lambert thiết lập hai HDMTG đầu tiên, tại Phố Hiến thuộc Đàng Ngoài vào tháng 02 năm 1670, và tại An Chỉ thuộc Đàng Trong vào dịp Giáng Sinh năm 1671.

2. Chúng ta tin chắc các chị rất yêu mến Đức Cha Lambert, vì đã được thúc đẩy trở về với ngài, trở về với linh đạo của Đấng sáng lập, là “Tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá”. Đó cũng là nội dung chính yếu mà Thánh Phaolô Tông đồ đã rao giảng như lời Người khẳng định trong thư I Côrintô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2, 2 ).

3. Có người chỉ trích rằng, ngay trang đầu tiên của Hiến chương các HDMTG, điều được làm nổi bật là “Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” làm cho nhiều người không còn thấy mầu nhiệm Phục Sinh đâu nữa, và làm cho Kitô giáo chỉ còn là một “con đường thương khó”. Có lẽ vì lý do đó, mà các chị nữ tu ít cười hay không được phép cười. Tôi xin trả lời ngay rằng không phải như vậy. Điều 5 trong Hiến chương của các chị rất rõ ràng: “Lòng yêu mến Thánh Giá liên kết chị em một cách đặc biệt với công trình cứu độ của Chúa Kitô”, mà cả ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay đều nói tới.

4. Bài đọc I là “lời tiên báo” của sách Dân Số, một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người chúng ta, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

5. Bài đọc Thư Phaolô gởi tín hữu Phi-líp-phê thì nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Trước hết là sự hạ mình vô cùng tận của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (x. Pl 2,6-11).

6. Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Chỉ có một Đấng Chúa, ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác. Theo cả hai tác giả, chỉ có một sự tôn vinh, và đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”. Nếu Chúa Giêsu chịu đóng đinh là “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, thì không phải là điều gì quá đáng. Điều đáng lo không phải là “sự quá đáng”, mà là sự “bất cập”.

7. Chúng ta phải sợ là các Kitô hữu, trong đó có chúng ta, chưa hiểu đủ, chưa tin đủ, chưa yêu đủ, chưa sống đủ mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Kitô, và chính vì thế mà còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa Kitô. Một nhà thần học người Nhật là Koyama Kosuke vẫn thấy mình không giải thích được tại sao những người Phật giáo ở Á Châu chưa chấp nhận “Chúa Giêsu chịu đóng đinh”, trong khi quan niệm và cách sống “từ bỏ cái ngã” của họ hết sức rõ ràng và cụ thể, nhất là nơi nếp sống của đa số những nhà tu hành Phật giáo.

8. Hơn thế nữa, yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô đến nơi đến chốn, chắc chắn sẽ phát huy “tinh thần liên đới với những nỗi khổ đau của đồng loại”( HC, đ.5 ). Đây là điều rất hợp với thời đại, với những đau khổ triền miên của nhân loại khắp năm châu, mà càng ngày chúng ta càng thấy rõ nhờ các phương tiện truyền thông. Nói theo từ ngữ nhà Phật, thế gian là “bể khổ”, theo từ ngữ Kinh Lạy Nữ Vương, thế gian là “thung lũng nước mắt”, nơi con người không ngừng làm khổ con người. Con người ngày nay bị nhiều loại rắn độc cắn, phải được giúp đỡ nhìn lên “Rắn Đồng” để được sống.

9. Sự yêu mến và tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô còn “lấp đầy tâm hồn chị em bằng niềm vui và hy vọng, xuất phát từ niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh”( HC, đ.5 ). Chúa Kitô Phục Sinh là niềm Hy Vọng của chúng ta, là “Tương Lai đích thực của nhân loại”, là “Mục Đích cuối cùng của đời người”. Thập Giá và Phục Sinh là hai mặt không thể tách rời nhau của cùng một mầu nhiệm trọng tâm của đức tin, trọng tâm của đời sống phượng tự Kitô giáo: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến. Amen.