ROME (Zenit.org).- Tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội khẳng định: Thế giới ngày nay cần đến những chứng nhân kỹ thuật số, có thể rao truyền Tin mừng và đối thoại với các tôn giáo khác qua Internet.

Đó là lời Tổng giám mục Claudio Maria Celli trong một diễn từ đọc trước các tham dự viên cuộc hội nghị về “Những Chứng nhân Kỹ thuật Số: Các khuôn mặt và Ngôn ngữ trong Thời đại Truyền thông Giao lưu”, là một sáng kiến được hội đồng giám mục nước Ý phát động.

Cuộc hội nghị khai mạc thứ Năm tuần qua và kết thúc vào thứ Bẩy với cuộc triều yết Đức giáo hoàng Benedict XVI tại Sảnh đường Phaolô VI.

Tổng giám mục Celli nói: “Ngày nay chúng ta thấy mình như đang thám hiểm một thế giới mới. Bây giờ thì người ta không đặt nặng về tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông cho bằng về người chủ đạo, người chứng.”

“Người chứng, trong khi đã trở thành kỹ thuật số, bằng chi tiết kỹ thuật này, nhấn mạnh vào một sự biến hóa mỗi ngày thực sự mở ra và phô bầy trước đôi mắt chúng ta một thế giới mới mẻ.”

Những tiến bộ này đã đòi hỏi phải có “một sự đổi thay nhịp điệu trong những tương quan mà kiến thức và sự học hỏi của con người đã luôn luôn đan dệt với xã hội dân sự.”

Định hướng

Tổng giám mục khẳng định: “Cuộc sống, các biến cố, tất cả những gì đang bao quanh chúng ta đều là một sự nhắc nhở tiếp nối và không ngưng rằng: Truyền thông đã đi vào cuộc đời chúng ta bằng nhiều cách, và thường không chỉ định hướng cuộc đời đó mà còn điều kiện hóa nó nữa; có thể nói, chúng đòi hỏi phải coi đó tương đương như quyền lợi.”

Vì lý do này, nay mọi chú ý đều phải đặt trọng tâm vào con người, “đang có nguy cơ bị nghiền nát bởi sự xâm lăng của những kỹ thuật mới, và được yêu cầu phải đoạt lại hoàn toàn trách nhiệm của mình.”

Ngày nay, “chúng ta không được kêu gọi chỉ đơn thuần làm những công dân, có lẽ bị lạc lõng hay bị tràn ngập trong thế giới kỹ thuật số đầy kỷ ảo.”

“Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là chiếm cứ một khoảng không gian nào đó và bày tỏ một sự hiện diện, bởi vì chúng ta không còn có gì hơn để làm.”

“Mà trái lại, chúng ta được kêu gọi, phải lưu lại một dấu ấn nhìn thấy được, những dấu ấn nhận ra được, làm cho người ta nghĩ là nhờ những dấu vết đó mà quả thực chúng ta đã để lại sự hiện diện của mình.”

“Nếu Internet, theo định nghĩa, là ảo, thì với chúng ta nhiệm vụ là phải làm cho nó thành cụ thể, cho nó một chiều sâu, cung ứng cho nó – theo một ý nghĩa nào đó – một linh hồn, và do đó, sự sống.”

Những nẻo đường ảo

Tổng giám mục khẳng định: “Như các vị tông đồ đầu tiên xuất phát đi vào những nẻo đường quen thuộc lúc đó, thì cũng thế, Internet sẽ phải phục vụ chúng ta để gieo rắc Tin Mừng”, đó không phải chỉ là một “hình ảnh thơ mộng.”

“Dĩ nhiên chúng ta phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức và, do đó, đòi hỏi chúng ta phải biết rõ những cách thức và vững chắc tiến đi. Nhưng trên hết cả, chúng ta ngày nay phải có một mục tiêu rõ rệt và biết rõ tường tận các đối tượng.”

Trưng dẫn lời Đức giáo hoàng Benedict XVI nói về Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 44, tổng giám mục kêu gọi sao cho có được “những chứng nhân chân chính và can trường” để cho đại lục kỹ thuật số sẽ “dàn xếp được những cuộc gặp gỡ mới, luôn bảo đảm được phẩm chất của sự tiếp xúc giữa con người và phục vụ con người cũng như các nhu cầu tâm linh đích thực.”

Điều này có nghĩa là sử dụng “nền văn hóa kỹ thuật số hiện nay không chỉ như là một dịch vụ hữu ích mà còn cần thiết, nhấn mạnh đến chiều kích nhân bản của toàn bộ hiện tượng thông truyền.”

Tổng giám mục kết luận bằng cách trưng dẫn hình ảnh “cái sân của người Dân Ngoại” đã được ĐGH Benedict XVI đề cập, đó là một khoảng không gian nơi Giáo hội có thể dấn thân đối thoại với tín đồ các tôn giáo khác và với những người không có niềm tin, như đã từng xảy ra tại Đền thờ Jerusalem ngày trước.”

“Tôi tin là Đức giáo hoàng đang mời gọi chúng đi vào một cuộc đối thoại 360 độ, mở ra cho tất cả mọi người và chúng ta nên suy nghĩ về ơn gọi đối với truyền thông của chúng ta khi về lại gia đình.”

“Truyền thông không phải là những trường học của chủ nghĩa cơ bản tôn giáo, nhưng hy vọng sẽ là những lúc thực sự gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, sống động trong sự tôn trọng mà cũng còn trong tính chân thực của con người chúng ta.”