KẾT QUẢ TUYỂN CỬ HỘI ÐỒNG VÙNG PHÁP QUỐC 2010

43,64 triệu cử tri người Pháp được mời gọi tham gia các cuộc bầu cử Hội đồng Vùng (Conseil régional) đã cùng diễn ra hai vòng vào ngày 14 và 21.03.2010, chiếu theo Nghị định 2010-119 của Bộ Nội vụ ngày 04.02.2010.

Cuộc tuyển cử chỉ được tổ chức bầu tại 22 Vùng nội địa (régions métropolitaines) và 4 Vùng hải ngoại (régions d’outre-mer, Guadeloupe, Guyane, Martinique, Réunion). Như vậy, không có bầu cử tại các đơn vị hành hải ngoại như Saint-Pierre-et-Miquelon, Mayotte… và Nouvelle-Calédonie.

Các nghị viên vùng (conseillers régionaux) được người dân cử qua cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín lần đầu ngày 16.03.1986.

Trong các năm 1986, 1992 và 1998, thể thức bầu cử một vòng tỷ lệ được áp dụng. Nhưng vì, các Hội đồng Vùng không có đa số tuyệt đối để hoạt động do số nghị viên Mặt trận quốc gia (Front national, FN) gia tăng, nên từ cuộc tuyển cử năm 2004, thể thức đầu phiếu đã đổi thành hai vòng và tỷ lệ, nếu vòng một không có đa số tuyệt đối.

I. TUYỂN CỬ HAI VÒNG.

Cử tri bầu các nghị viên Vùng từ những liên danh theo một hệ thống bầu cử kết hợp tuyển cử đa số và đại diện tỉ lệ, bằng một hay hai vòng đầu phiếu phổ thông và kín.

A.- Vòng Một (Chúa nhật ngày 14.03.2004).

1. Làm sao các ứng viên ra ứng cử ?

Liên danh mang tính danh các Vùng, nhưng các ứng cử viên được chia ra ứng cử trong những Tỉnh (département, được gọi là sections départementales. Để đơn giản hóa, chúng ta tạm dùng Tỉnh để phân biệt với Vùng). Trong mỗi liên danh, bắt buộc phải xen kẻ một Nam và một Nữ ứng cử viên.

Thí dụ, tại Vùng Alsace, những phiếu bầu sẽ ghi tên một trong hai Tỉnh (départements): Bas-Rhin với 29 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết) và Haut-Rhin với 22 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết). Số ứng cử viên trên lá phiếu phù hợp với số nghị viên mà mỗi Tỉnh sẽ gởi để họp thành Hội đồng Vùng (47 ghế).

Cuộc tuyển cử năm 2010 được tổ chức để chọn 1.880 nghị viên vùng (conseillers régionaux) trong số 20.584 ứng cử viên ghi danh trên 255 liên danh.

2. Việc phân chia các ghế nghị viên ?

a.- Luật định.

Nếu có liên danh đạt được đa số tuyệt đối (ít nhất 50% số phiếu hợp lệ) ở vòng một nầy. Cuộc bầu cử ngưng tại đây và bắt đầu tính số ghế chia cho mỗi liên danh. Liên danh có đa số tuyệt đối được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

b.- Kết quả đầu phiếu vòng 1.

Ngày 14.03.2010, chỉ có 20,23 triệu cử tri (46,36% số người Pháp ghi danh) đã cất bước đến phòng phiếu và đặt lá phiếu vào thùng và, trong đó, chỉ có 19,476 triệu phiếu bầu hợp lệ đã tín nhiệm (% số phiếu bầu hợp lệ) các phe phái chánh trị như sau:
- Lutte Ouvrière, Tranh đấu Thợ thuyền: 1,90%
- Nouveau Parti anticapitaliste, Tân đảng chống tư bản: 2,50%
- Front de gauche, Mặt trận tả phái: 5,84%
- Parti socialiste (PS), đảng xã hội và đồng minh (alliés): 29,14%
- Europe écologie, Aâu châu về sinh thái: 12,15%
- Divers gauche, Tả phái khác (như liên danh Frêche): 3,06%
- Union pour un Mouvement Populaire (UMP),
Liên minh vì một Phong trào Nhân dân và đồng minh: 26,02%
- Front national, Mặt trận quốc gia: 11,42%
và nhiều đảng, nhóm khác mà số phiếu thu được không đáng kể.

c. Bình luận.

c.1 - Với bách phân 53,64% số cử tri ghi danh không đi bầu, không ai có thể chối cải sự vắng mặt đã ‘thắng’ cuộc đầu phiếu ngày hôm nay.

Các cử tri vắng mặt vì họ không còn tin tưởng nơi các chánh trị gia để giải quyết những vấn đề của họ nhất là việc làm. Họ không muốn chọn giữa:

- liên minh hữu và trung phái đang cầm quyền cấp quốc gia với Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng đầu. Trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo Hành pháp chỉ trợ giúp các ngân hàng kiếm thêm tiền lời. Tổng thống không ngừng chu du nước ngoài gây khiếm hụt ngân sách khiến không thể giúp họ khi hết quyền bồi thường thất nghiệp;

và:

- liên minh tả phái (hồng, đỏ và xanh) đang cầm quyền tại 24 trong 26 Vùng không làm tròn nhiệm vụ giúp họ trong việc huấn nghệ, cung cấp phương tiện di chuyển miễn phí đi tìm việc hay tài trợ các hợp đồng làm việc (contrats aidés), tài trợ các hiệp hội để chia bớt gánh nặng chi phí an ninh xã hội (charges sociales) theo lương.

C.2 – Bình luận về kết quả vòng một này, các lãnh tụ UMP (còn gọi là Majorité présidentielle, Đa số theo Tổng thống) cho rằng:
- Sự vắng người đi bầu không có nghĩa là một hành động trừng phạt (sanctionner) chánh phủ đương nhiệm;
- Đây chỉ là kết quả của vòng một giống như khi đá bóng tròn, kết quả hiệp một chưa phải là kết quả chung cuộc;
- Chờ vòng hai, các cử tri tham dự đông hơn sẽ dồn phiếu cho Chánh phủ mà họ đã trao nhiệm vụ cải tổ quốc gia năm 2007.

C.3 – Thư ký thứ nhất Đảng Xã hội, bà Martine Aubry, luôn mơ tưởng một sự toàn thắng (grand chelem), tức tất cả Chủ tịch Hội đồng 22 Vùng đều là đảng viên xã hội, cho rằng người dân Pháp không chấp nhận một chính sách ‘vừa không công bằng, vừa không hiệu quả’ của Tổng thống Sarkozy.
- Vì quyền lợi từng đảng phái, các đảng PS (hồng), EE (xanh) và Front de gauche (đỏ) đã thương lượng từng chiếc ghế một cho đến giờ chót vào ngày thứ ba 16.03.2010 để kịp nộp đơn cho vòng nhì. Front de gauche thì ‘an phận’ hơn vì có 4 vùng đã đạt số phiếu hợp lệ trên 10% để được vào vòng hai. Trái lại, EE phải tranh đấu nhiều để làm giảm sự ngự trị của PS. EE là tên mượn của một dân biểu Aâu châu, Daniel Cohn-Bendit, của đảng Xanh (Verts) tại Pháp.

Tóm lại, kết quả vòng một cho thấy:

- Cử tri không còn hy vọng nơi các chánh trị gia để giải quyết vấn đề việc làm cho họ nên họ muốn cảnh cáo các đảng đã thay nhau (hay liên hiệp với nhau) cầm quyền. Nếu đi bầu, họ chọn phe đối lập vừa để cảnh cáo chánh quyền đương nhiệm vừa cho thấy họ đành chấp nhận sự ‘ít xấu hơn’.

- Không còn tin tuởng hữu hay tả phái, có thể họ đã bỏ phiếu cho FN, cho nên FN đã có số phiếu trên 10% số phiếu hợp lệ để vào vòng hai tại 12 vùng.

Tại vòng một này, chỉ Guadeloupe có liên danh Victorin Lurel (liên kết các đãng: xã hội, xanh và MoDem (Mouvement démocratique, Phong trào dân chủ) chiếm 56,51% số phiếu bầu hợp lệ, tức trên đa số tuyệt đối và không phải tổ chức vòng hai.

Chúng ta có thể nói nếu Chủ tịch các Hội đồng Vùng xuất nhiệm đã làm việc tốt trong nhiệm kỳ qua hay các nghị viên vùng các đảng tả phái đã làm việc tốt với nhau thì cử tri đã tín nhiệm trên 50% số phiếu bầu hợp lệ để khỏi tổ chức vòng hai để tiết kiệm ngân sách đang khiếm hụt trầm trọng.

B. Vòng Hai (Chúa nhật ngày 21.03.2010)

1.- Các liên danh nào được phép tham dự ?

Được tham dự vòng nầy, các liên danh đạt được ít nhất là 10% số phiếu hợp lệ ở vòng một. Các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ được phép xóa bỏ liên danh cũ để, chung nhau, thành lập một liên danh mới.

Thí dụ, tại vùng Alsace, có 11 liên danh tham gia tranh cử vòng một và kết quả như sau cho 4 liên danh có quyền tranh vòng nhì (% số phiếu bầu hợp lệ):
- UMP đồng minh (alliés): 34,94%
- PS và đồng minh (alliés): 18,97%
- Europe écologie (EE), Âu châu về sinh thái: 15,60%
- Front national (FN), Mặt trận quốc gia: 13,49%

Sau đó, hai liên danh PS và EE kết hợp thành một do ứng cử viên Jacques Bigot (PS) đứng đầu và liên danh FN được tín nhiệm trên 10% số phiếu hợp lệ tiếp tục tham gia tranh cử vòng hai.

Tại các vùng phải tổ chức vòng hai, chúng ta có thấy những cuộc tranh cử:

- tay đôi (duel) tại 7 vùng giữa UMP và liên minh với PS cùng các đảng tả phái.
- tay ba (triangulaire) tại 17 vùng, trong đó 12 vùng với FN, 1 với MoDem (Aquitaine), 1 với Front de gauche/NPA (Limousin), 1 với Europe écologie (Bretagne).
- tay tư (quadrangulaire) tại 1 vùng (Corse).

2.- Kết quả đầu phiếu vòng hai (giữa các đảng).

Số người tham gia đầu phiếu cao hơn vòng một, lên đến 22,20 triệu tức 51,21% số cử tri đăng ký. Theo các viện thăm dò dân ý thì số cử tri làm gia tăng đều số phiếu bầu cho hữu cũng như tả phái.

Các liên danh cực tả: 0,26% có 6 ghế
Các cựu PS (liên danh Frêche): 3,11% - 58
Môi trường linh tinh (divers écologie): 0,98% - 11
Tả phái khác: 3,30% - 92
PS và các đảng liên minh: 46,40% - 1006
Các liên danh độc lập vùng: 0,56% - 27
MoDem: 0,84% - 10
Majorité présidentielle: 35,38% - 511
FN: 9,17% - 118

3.- Việc phân chia các ghế nghị viên ?

Liên danh về nhất sẽ được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

Kết quả vòng hai tại Alsace như sau:
- Liên danh P. Binder (FN) = 17,57% số phiếu hợp lệ
- Liên danh P. Richert (UMP) = 46,16%
- Liên danh J. Bigot (Gauche) = 39,27%

Theo số dân của Alsace, Hội đồng Vùng có 47 ghế nghị viên:

Liên danh P. Richert về đầu được thưởng 25% số ghế, tức 47*25% = 12 ghế.

Số ghế còn lại để chia theo tỷ lệ: 47 – 12 = 35 ghế.

- LD P. Binder: 35 * 17,57% = 5,0995 hay 5 ghế với số dư: 0,0995;
- LD P. Richert: 35 * 46,16% = 16,1560 hay 16 ghế với số dư: 0,1560;
- LD J. Bigot: 35 * 39,27% = 13,7445 hay 13 ghế với số dư: 0,7445.

Tới đây, chúng ta chia được 46 ghế cho: LD P. Binder 5, LD P. Richert 28 và LD J. Bigot 13. Ghế thứ 47 được chia cho LD J. Bigot vì liên danh này có số dư (còn gọi là số trung bình nếu tính theo số phiếu) cao nhất.

Kết quả: LD P. Binder 5 nghị viên, LD P. Richert 28 nghị viên và LD J. Bigot 14 nghị viên tại Hội đồng Vùng Alsace.

Sau đó, số ghế của mỗi liên danh phải đem chia theo danh sách từng Tỉnh (sections départementales):

® LD P. Binder:
Bas Rhin: LD C.Cotelle (12,46%) được 3 ghế;
Haut Rhin: LD P. Binder (17,44%) được 2 ghế.

® LD P. Richert:
Bas Rhin: LD P. Richert (48,12%) được 18 ghế;
Haut Rhin: LD A. Grsskort (43,29%) được 10 ghế.

® LD J. Bigot:
Bas Rhin: LD J. Bigot (39,24%) được 8 ghế;
Haut Rhin: LD A. Homé (39,31%) được 6 ghế.

Cuối cùng, thứ sáu 26.03.2010, các nghị viên tân cử và tái cử nhận ghế của mình tại Hội đồng Vùng để bầu cử Chủ tịch Hội đồng (kết quả biết trước trừ Corse vì Hội đồng Vùng nơi đây không có đa số tuyệt đối, đã phải bầu đến 3 lần), các Phó Chủ tịch theo sự thương lượng khi xóa bỏ các liên danh cũ để, chung nhau, thành lập một liên danh mới và các chức khác Văn phòng.
Chung cuộc, PS chỉ giữ được ghế Chủ tịch Hội đồng tại 20 vùng. Vùng Languedoc-Roussillon do ông Georges Frêche, người bị thư ký thứ nhất đảng PS rút thẻ đảng và lập một liên danh PS ‘đối thủ’ với ông và thất bại (7,74%) không được vào vòng hai, được mang danh ‘Divers gauche (Tả phái khác)’. Do đó, giấc mơ ‘toàn thắng’ của bà Martine Aubry, thư ký thứ nhất đảng PS, đã tan thành mây khói, nhất là khi 2 trong 4 vùng hải ngoại lọt vào tay đảng UMP.

III. VẤN ĐỀ TÀI CHÁNH.

Việc thực thi dân chủ luôn có một cái giá phải trả. Tính trung bình, mỗi cử tri tốn gần 4 euros cho cuộc tuyển cử hai vòng bằng tiền đóng thuế.

1.- Tổng chi phí tổ chức các cuộc tuyển cử vùng năm nay dự trừ, trong ngân sách năm 2010, tốn 136 triệu euros, tức 10 triệu nhiều hơn năm 2004. Chi phí chính là việc vận chuyển những tấn giấy in phiếu bầu, truyền đơn và bích chương (affiches) đến tay cử tri và các phòng phiếu.

2.- Những liên danh được cử tri tín nhiệm ít nhất 5% số phiếu hợp lệ và tôn trọng các qui định về kế toán cùng mức chi tiêu tối đa ấn định được bồi hoàn chi phí vận động bầu cử. Mục đích giảm bớt các liên danh không có tính cách đại diện.

a.- Bồi hoàn chi phí tuyên truyền (propagande). Đó là các chi phí in phiếu bầu, truyền đơn và bích chương chính thức cũng như dán các bích chương.

b.- Bồi hoàn khoán (remboursement forfaitaire) chi phí vận động bầu cử. Bồi hoàn chi phí tối đa chỉ bằng 50% mức trần tính theo dân số thị xã:
- dưới 100.000 người: 0,53 euro cho mỗi người dân;
- từ 100.001 đến 150.000 người: 0,38 euro cho mỗi người dân;
- từ 150.001 đến 250.000 người: 0,30 euro cho mỗi người dân;
-trên 250.000 người: 0,23 euro cho mỗi người dân.

3.- Hàng tháng, nghị viên vùng nhận phần phụ cấp chức vụ từ 1.513 đến 2.647 euros tùy theo vùng. Chủ tịch Hội đồng vùng nhận 5.484 euros và Phó Chủ tịch nhận 3.705 euros.

IV. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI.

Các cuộc bầu cử nghị viên vùng đã đi vào dĩ vãng và các đảng phái tại Pháp đang hướng về cuộc tổng tuyển cử Tổng Thống năm 2012. Nhiều câu hỏi đã được đưa ra:

- Đảng UMP: Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ tái ứng cử nhiệm kỳ 2? Hai ứng cử có thể: Alain Juppé và Dominique de Villepin đều là cựu Thủ tướng? Đương kiêm Thủ tướng Francois Fillon mà các điều tra dân ý (sondage) cho thấy đang lên. Tuy nhiên, trừ ông Georges Pompidou, trong nền đệ Ngũ Cộng hòa, các đương kiêm Thủ tướng ứng cử Tổng thống đã không thành công.

- Đảng PS thì cũng không ít đảng viên muốn dự tuyển như bà Martine Aubry, Francois Hollande, cựu thư ký thứ nhất, ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ mãn nhiệm năm 2012, hay bà Ségolène Royal, cựu ứng cử viên Tổng thống vòng hai năm 2007. Điều đáng lưu ý là ông Hollande đã nhắc bà Martine Aubry: năm 2004, đảng PS cũng thắng lớn cuộc bầu cử vùng năm 2004 và ông đã không ứng cử Tổng thống năm 2007.

Ngoài ra, chúng ta nhớ rằng đảng PS đã thắng lớn cuộc bầu cử vùng năm 2004, nhưng ứng cử viên đảng UMP đã thắng cử Tổng thống năm 2007.

Hà minh Thảo