MỘT ĐÓA HỒNG CHO NGÀY 8 THÁNG 3


Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Hội Nghị Quốc Tế lần II (08-03-1910) chọn ngày 08/03 làm ngày Quốc Tế phụ nữ, để nhớ ơn những người phụ nữ đã đấu tranh cho nhân quyền, bình đẳng giới và nhân phẩm người nữ trên toàn thế giới. Hôm nay ngày 6/3/2010 Chương Trình Chuyên Đề Chiều Thứ Bảy của Ban Mục Vụ Gia Đình – GP Sài Gòn đã tổ chức một buổi tọa đàm nhằm nhìn lại “Vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong xã hội và giáo hội”, cũng là để suy tôn vai trò và vị trí của người phụ nữ không thể thiếu trong gia đình nói riêng và trong cộng đồng nhân loại nói chung. Đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong thế kỷ 21 ngày nay đã tự khẳng định được vai trò và tiếng nói của mình trong công cuộc xây dựng gia đình và xã hội. Những điều mà mọi người ngày nay đều nhận thấy là phụ nữ ngày nay xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và thành đạt hơn. Người phụ nữ đã theo kịp những bước tiến của xã hội không thua kém gì nam giới, đã đóng góp những thành quả không nhỏ cho gia đình và cộng đồng. Đó chính là lý do mà Chương Trình Chuyên Đề hôm nay muốn có một buổi suy tôn vai trò của người phụ nữ.

Trong buổi tọa đàm mừng ngày 8/3 hôm nay còn sự tham dự của:

-Giáo sư Uông Đại Bằng, Hiệu trưởng trường Nam Mỹ
-Bà Maria Nguyễn Thị Ngọc, Hội trưởng hội các bà mẹ Tổng Gp Tp Sài Gòn
-Bà Maria Nguyễn Thị Xuyến, hội thẩm phán tòa án nhân dân Q 3, hội trưởng các bà mẹ Gx An Lạc
-Chị Têrexa Nguyễn Thị Thanh Thúy, cộng tác viên Ban Mục Vụ HN&GĐ
-Bác Xuân Thái, người phụ nữ đảm đang gánh vác việc gia đình cho chồng tham gia công tác truyền thông của giáo phận
-Bà Bà Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trưởng nhóm Kinh thánh cầu nguyện Mai Khôi 5, ân nhân của CTCD
-Maria Đoàn Thị Nhài, ân nhân của CTCD
-Cô Têrexa Nguyễn Thị Bạch Vân, cộng tác viên đắc lực của CTCD
-Quý Nữ Tu Dòng Trinh Vương – Bùi Môn. Cộng tác viên CTCD.

Và hơn 200 tham dự viên thường xuyên của Chương Trình Chuyên Đề.

Trước hết Sr Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã ôn lại một chặng đường lịch sử đấu tranh dài của người phụ nữ đòi quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng đúng phẩm giá của mình. Những nỗi gian nan, vất vả, bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng trong cuộc sống trước đây, những áp bức càng ngày cứ tiếp tục đè nặng trên vai người phụ nữ.

Vào từ năm 1857 sự khởi xướng đấu tranh đầu tiên của các nữ công nhân ngành dệt ở New York chống chế độ bóc lột sức lao động làm việc 12 tiếng/1 ngày và đòi cải thiện môi trường làm việc của họ. Phải đến 2 năm sau 1859 họ mới giành được một số quyền lợi trong việc cải thiện đời sống cho công nhân.

Tình trạng bất công với người phụ nữ vẫn cứ âm ỉ kéo dài, đến năm 1908, 15.000 phụ nữ xuống đường, diễu hành qua các đường phố để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng như giảm giờ lao động, tăng lương, chống lạm dụng sức lao động trẻ em, họ đã dương cao khẩu hiệu “BREAD ANH ROSES” (Bánh Mì và Hoa Hồng) để nói lên khát vọng sống còn của họ và một cuộc sống được tôn trọng phẩm giá đúng nghĩa. Một năm sau, ngày 28 tháng 2 năm 1909 Đảng Xã Hội Mỹ công nhận và tuyên bố là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Vào ngày 08/03/1910 trong Hội Nghị Phụ Nữ Quốc Tế Lần Thứ II (khối Xã Hội Chủ Nghĩa) 100 nữ đại biểu thuộc 17 nước đã lên tiếng đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Bà Chủ tịch Clara Zetkin là một phụ nữ Đức, bà đã đề nghị chọn một ngày để toàn thế giới tri ân những người nữ đã đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm của nữ giới trên toàn cầu. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Những bất công vẫn giáng xuống trên người phụ nữ Ngày 25-03-1911, một sự kiện đau lòng 145 nữ công nhân của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York, phần lớn là người di dân Ái Nhĩ Lan và người Do Thái đã chết thảm trong một vụ cháy xưởng dệt, vì luật lệ khắc khe của giới chủ nhân, họ khóa chặt của không cho công nhân ra ngoài trong giờ làm việc. Vì thế, các công nhân đã bị chết cháy. Nỗi uất ức trào dâng, 80.000 người diễu hành để đưa đám tang và phản đối luật lệ lao động bất công thời ấy.

Tức nước vỡ bờ, năm 1912, Các nữ công nhân đã đồng lòng đình công 3 tháng và 14.000 công nhân hãng dệt la lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Những nỗi gian truân của người phụ nữ cứ phải hứng chịu và học vẫn tiếp tục đấu tranh.

Mãi đến ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, năm 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 đã được chọn để trở thành ngày lễ chung cho người nữ ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

I. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH

Đối với người phụ nữ Việt Nam của chúng ta, trong mọi thời đại vẫn nêu cao giá trị phẩm chất của mình trong gia đình, người phụ nữ được coi như ngọn lửa hồng của gia đình trong những ngày đông giá, là chiếc quạt nan trong những buổi trưa hè, những hy sinh âm thầm của người phụ nữ cho chồng, cho con đề giữ vững niềm hạnh phúc cho gia đình đã tô đậm nét sự hy sinh thầm lặng của một trái tim anh hùng, nhờ đó mà cuộc đời này có thêm nhiều ý nghĩa.

Gia đình là cái nôi đầu tiên trong việc giáo dục con cái. Người mẹ mang con trong dạ 9 tháng 10 ngày, nuôi con lớn lên không những bằng dòng sữa ngọt ngào yêu thương, mà còn bằng lời ru êm đềm qua những điệu hò cầu ví,….Người con vẫn âm thầm lớn lên qua lời ru của mẹ, lời ru đã đi vào giấc ngủ, đọng lại sâu lắng trong tiềm thức của người con. Người phụ nữ đã cho con những bài học đầu đời bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Vì thế, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong việc giáo dục con cái. Vì một người mẹ tốt là một mối lợi cho gia đình và cho cộng đồng, gia đình là nơi hình thành nhân cách đầu tiên của con cái, là thế hệ tương lai của xã hội và đất nước. Trách nhiệm thiêng liêng của các bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái từ tuổi bé thơ đến lúc trưởng thành thật cao quí và đã được xã hội ta trong mọi thời đại đánh giá cao: “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”.

Người phụ nữ là người có một tâm hồn nhạy cảm, chịu thương chịu khó, gắn bó và biết quan tâm đến mọi thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ, quan hệ họ hàng, khéo léo thu vén công việc gia đình.. v..v.. Người phụ nữ có tấm lòng yêu thương chân thực bao la vô bờ bến, tấm lòng quảng đại vị tha và một ý chí kiên cường mới khiến cho người phụ nữ vượt qua mọi gian khổ, gánh vác cả một giang san gia đình, những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến nay trong ca dao Việt Nam chúng ta vẫn thường ca ngợi:

Như ca ngợi về tấm lòng hiếu thảo của người phụ nữ:

“Bao giờ cá chép hóa rồng
Đền ơn Cha mẹ ẵm bồng khi xưa”

Hoặc:

“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”

Hoặc:

“Em nguyện ở vậy không chồng
Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con”


Hoặc:

“Giữa đêm con thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”


Như ca ngợi về tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ:

“Yêu anh cốt rũ xương mòn,
Yêu Anh đến thác vẫn còn yêu anh”


Hoặc:

“Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”


Hoặc:

“Chồng người võng ngựa người yêu
Chồng em khố bện, em chiều em thương”


Hoặc:

“Đói no em chịu với chàng
Xuống sông, ra biển, lên ngàn cũng theo”


Như ca ngợi trong việc giáo dục con cái:

“Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”


Hoặc:

“Thà chết trong còn hơn sống đục”

Hoặc:

“Tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ”

Như ca ngợi về người phụ nữ đóng góp cho sự thành đạt của chồng

“Theo chàng em quyết từ đây
Nâng khăn sửa túi, ra tay giúp mình
Sớm hôm trong chốn gia đình
Tề gia nội trợ xin mình mặc em
Việc ngoài chàng gắng cho nên
Học hành đèn sách đua chen với đời
Vụng hèn phận thiếp cũng thời thơm lây”


II. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ thời Vua Hùng dựng nước, những lớp người phụ nữ đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm kịch sử đã ghi lại không khí hào hùng của những người phụ nữ can trường trong các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược từ thời Bắc Thuộc và các thời kỳ khác trong lịch sử như: Hai Bà Trưng- oai dũng, khởi binh chống lại quân Hán; Bà Triệu -đánh đuổi quân Ngô; Thái hậu Dương Vân Nga – người anh thư đã tự tay tháo long bào, hy sinh danh tiếng và quyền lợi riêng tư cho sự tồn vong của đất nước; Ỷ Lan nguyên phi- đảm đang, chăm lo quốc sự, để Vua Lý Thánh Tông an tâm thân chinh đánh giặc; Đô đốc Bùi Thị Xuân – người nữ Bình Định kiên cường trong cuộc chiến chống quân Nguyễn...

Lịch sử dân tộc đã khắc nét về người nữ VN hào hùng trên chiến tuyến đã dành đến một phần ba thời gian cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước vi quy mô cả nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành độc lập cho dân tộc.

“Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”.


Trong thời đại phong kiến, những luật lệ bất công gây bức xúc tâm lý cho người phụ nữ với quan niệm: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” đã tước đoạt của người phụ nữ niềm hạnh phúc chính đáng về một gia đình trọn vẹn, đồng thời hạ thấp nhân phẩm của họ trong gia đình và xã hội. Đau đớn trước thân phận của người phụ nữ Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã tố cáo chế độ hôn nhân phong kiến bất công trong thời kỳ đó, qua những uẩn khúc trong tâm hồn và cuộc sống của bà qua những vần thơ sau:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công”


Trong bất cứ thời đại nào, cũng nói lên vai trò của người phụ nữ đóng góp xây dựng xã hội và làm biến đổi xã hội. Ngày nay, thời đại của Công Nghệ Thông Tin, người phụ nữ của thời đại mới cũng đã thể hiện được chính vài trò của mình, đã tham gia và nắm giữ nhiều công việc, ngành nghề, chức vụ quan trọng trong xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận công lao đóng góp rất lớn lao của người phụ nữ trong việc làm thăng hoa đời sống xã hội.

III. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI

Trong hai thập kỷ qua, người phụ nữ đã tham gia trong mọi lãnh vực giáo hội: từ việc giảng dạy về thần học cho đến dạy giáo lý cho các em và những người dự tòng. Tham gia vào việc cử hành phụng vụ Lời Chúa. Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang lại nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn giới hạn.

Như trong Tin Mừng, Thánh Mac-cô cũng cho chúng ta biết Đức Giêsu đã đề cao hành động của một người phụ nữ đã đập bình dầu bạch ngọc quí giá để xức chân Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà” (Mc 14, 9). Qua đó, bà cho thấy rằng phụ nữ là nhân tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.

Trong gia đình, người phụ nữ là người truyền thụ đời sống đức tin cho con cái, những bài giáo lý khai tâm đầu tiên qua việc dạy con làm dấu Thánh Giá, đọc kinh cầu nguyện trước mỗi bữa ăn hay trước khi đi ngủ. Người phụ nữ trong gia đình đã ươm mần hạt giống đức tin cho thế hệ tương lai và gieo trồng nhân lực cho Giáo hội. Ngoài ra, người phụ nữ còn là những nhân tố đóng góp tích cực cho giáo hội trong việc phục vụ tông đồ.

Trong lá thư gửi phụ nữ, tháng 6 năm 1995 Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ như sau: “xin cám ơn chị em, hỡi các người nữ”

“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người.

Trước Ngài còn có ĐTC Phaolo VI, trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng Vatican II ngày 08.12.1965, cũng đã kêu gọi phụ nữ trong việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình ở từng bậc sống khác nhau như sau:

“Hỡi các hiền thê, từ mẫu, những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại, trong chốn âm thầm của gia đình, xin chị em lưu lại cho con cái truyền thống của cha ông, đồng thời chuẩn bị cho chúng đón nhận tương lai chưa thể dò thấu được.”

“Hỡi các trinh nữ dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà tính ích kỷ và sự tìm kiếm lạc thú muốn ngự trị, chị em hãy là những người bảo vệ đức thanh tịnh, tính vô vị lợi và lòng đạo đức. Chúa Giêsu đã làm cho tình yêu phụ nữ được viên mãn, Người cũng đã đề cao sự từ bỏ mối tình nhân loại này, khi người ta hy sinh nó vì tình yêu vô hạn và để phục vụ mọi người.”

“Hỡi chị em phụ nữ, các chị em là những người được trao phó cho nhiệm vụ chăm sóc, vun trồng sự sống. Trong giờ phút nghiêm trọng này của lịch sử, phần việc của chị em là cứu vãn hòa bình cho thế giới…”

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trong lời giới thiệu quyển sách “Tâm lý nữ giới và chức năng mục tử của Linh Mục” đã nhìn nhận và đánh giá rất cao vai trò của nữ giáo dân và nữ tu trong Giáo Hội:

“Người phụ nữ trong họ đạo cũng được giao cho những sứ mệnh chăm sóc và vun trồng sự sống, và họ cần đến sự chỉ dẫn, trợ giúp của Linh Mục để chu toàn sứ mệnh của mình. Vậy người phụ nữ trong họ đạo là một đối tượng đặc biệt của chức năng mục tử của Linh mục, đối tượng đặc biệt vì sứ mệnh đặc biệt của họ, sứ mệnh mà người nam không thể thay thế được. Ngoài ra, người phụ nữ trong họ đạo, giáo dân cũng như nữ tu, còn là những trợ lực, những cộng tác viên của Linh mục, đồng thời cũng là những gương mẫu về kiên nhẫn, từ tốn, hy sinh tận tụy, thanh tịnh…cho Linh Mục.”

Và đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, chúng ta không thể không nhắc đến sự hiện diện của Đức Maria - người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Mẹ Maria là mẫu gương của một đời sống mạnh mẽ trong đức tin, kiên trì trong cầu nguyện, khiêm tốn trọng phục vụ, hy sinh trong yêu thương, dịu dàng trong lời nói... Người là tấm gương của ơn gọi làm phụ nữ trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phẩm giá của nữ giới được nâng cao qua việc trao dồi đời sống và thực thi công trình của Đức Maria – đem Chúa đến cho mọi người, giữa lòng thế gian.

***

Tôn vinh người phụ nữ trong đời sống là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng vì không ai có thể phủ nhận những công lao đóng góp to lớn của người phụ nữ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt là trong lãnh vực giáo hội. những cống hiến hy sinh âm thầm của họ thật đáng trân quí. Sáng nay trong lớp học Hôn Nhân Mục Vụ Gia Đình cũng có những giây phút chúc mừng ngày 8/3 có một anh đại diện đã phát biều: “Vẫn biết người phụ nữ là người gây ra những mối tội đầu, nhưng đó là “tội hồng phúc”, nhờ đó mà Thiên Chúa mới có kế hoạch để Con của Ngài xuống thế làm người và ở giữa chúng ta, qua tiếng “Xin Vâng” của một người phụ nữ. Vì thế, nếu không có người phụ nữ trên cuộc đời này thì chúng ta còn sống làm chi”, những tràng pháo tay dòn giã vang lên chúc mừng các bạn nữ trong lớp học.

Chiều nay trong lớp học CTCT này cũng dành những giây phút trang trọng để suy tôn người phụ nữ. Tiếng hát của ca sĩ Thanh Sử chiều này đã đem lại những cảm xúc lắng đọng cho mọi người về những hình ảnh hy sinh cao quí của người phụ nữ qua 2 bài hát “Hòn Vọng Phu” và “Chị Tôi”. Trong lúc ca sĩ Thanh Sử hát mỗi người được nhận một mảnh giấy, người nữ thì nhận mãnh giấy màu hồng để ghi vào đó những ước muốn của mình trong ngày 8/3 này, người nam thì nhận mảnh giấy màu vàng ghi những lời chúc dành cho ai đó trong ngày 8/3, các tu sĩ thì nhận mảnh giấy màu xanh cũng ghi những cảm nghĩ và ước muốn của mình về một ai đó, người đó có thể là một linh mục, một nam tu sĩ hay một người cha, người anh trai, em trai của mình.

Sau khi ca sĩ Thanh Sử hát xong thì Sr Hòng Quế và một bạn nam đọc lên những thông điệp được ghi trên những mảnh giấy đó:

Hằng trăm thông điệp được gởi lên. Những lời lẽ thật chân tình và yêu thương phát xuất tận đáy lòng của những tâm hồn thầm lặng mà có lẽ trong những ngày bình thường khó nói ra. Xin được trích một số những thông điệp gây cảm xúc mạnh nơi tâm hồn người nghe.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu hồng:

1. Em mong anh đừng nghĩ đến mình mà hãy quan tâm đến vợ con nhiều hơn.

2. Mong ước của em là luôn được anh tôn trọng nhân phẩm và dìu dắt vợ con bước theo hành trình của Chúa trên trần gian này.

3. Con không còn bố, cũng không còn chồng, chỉ còn 2 người con, con ước mong được Chúa nâng đỡ, hướng dẫn người con trai biết thương mẹ thương em gái. (gởi con trai Phạm Quang Huân).

4. Em ước mong anh hiểu nỗi lòng của em rất yêu chồng, yêu con. Xin anh đừng gắt gỏng mà hãy nói với em bằng những lời hòa nhã.

5. Em mong anh quan tâm hơn đến gia đình, quan tâm đến những vui – buồn, cố gắng của vợ con.

6. Ba ơi! Một điều mà con chưa bao giờ nói ra. Con đau lòng và xót xa lắm. Ba đã coi thường mẹ. Mẹ đã sinh cho Ba những đứa con dễ thương và ngoan lắm mà. Hãy một lần nhìn lại được không Ba. Con đã khóc thật nhiều Ba ạ. Khóc vì Ba, vì Mẹ và gia đình. Con đau lòng lắm. Con phải làm gì đây? Con yêu cả Ba và Mẹ. Con mong ước lắm Ba ạ.

7. Tôi mong ước được đối xử bình đẳng. Hãy cho tôi được làm người vợ đúng nghĩa.

8. Mong Ba mãi luôn là cột trụ trong gia đình và sẽ tổ chức được giờ kinh tối.

9. Tôi mong những người đàn ông hãy đối xử một cách công bằng với những người phụ nữ trong gia đình. Không còn cảnh bạo lực trong gia đình.

10. Ngày nào em cũng cảm thấy là ngày 8/3 kể từ ngày anh bỏ thuốc. Vì sức khỏe của anh là VÀNG đối với em.

11. Là một người phụ nữ, tôi mong có một gia đình hạnh phúc, một người chồng luôn đồng hành với tôi trong cuộc đời. Chúng tôi những người phụ nữ trong lớp Chuyên Đề mong luôn có được những buổi học giá trị cho phụ nữ, để giúp chúng tôi có những kiến thức căn bản xây dựng gia đình ngày càng tốt hơn.

12. Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban cho chồng con được bình an trong cuộc sống, để an ủi con những lúc khó khăn, nâng đỡ con những lúc đau bệnh, luôn là tấm gương sáng cho các con, để anh mãi mãi là người đi xây những công trình tốt đẹp cho đời.

13. Người phụ nữ dù có thành đạt hay mạnh mẽ thế nào đi nữa. Chúng tôi vẫn cần một bóng cây che chở.

14. Xin mọi người hãy cầu nguyện cho Ba tôi về tội tà dâm. Ông đã có tuổi, có 2 vợ và 11 người con mà ông vẫn chưa cảm thấy đủ hay sao? Xin Chúa đụng chạm vào tâm hồn tội lỗi này. Xin cám ơn mọi người.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu xanh:

1. Tôi mơ ước các nam tu luôn sống đúng với những gì mà Chúa đã ban cho họ. Cầu chúc họ sống tốt giữa thời đại đầy thách đố hôm nay.

2. Tôi mong muốn nam tu luôn luôn có một đời sống thánh hiến thật trọn vẹn cho Chúa trên con đường lý tưởng của mình giữa một thời đại xa đọa đang níu kéo người tu sĩ. Những lời chúc này xin được gởi đến người anh và cũng là người thầy: Giuse Nguyễn Văn Bằng – Đan Viện XiTô.

3. Tôi ước mong quí linh mục và giới tu sĩ nam biết tôn trọng nữ tu nhiều hơn. Hãy tôn trọng và yêu mến họ như là chính họ. Đừng so sánh và kì thị, cũng đừng phỉ báng họ trước đám đông. Đừng coi họ là “thùng rác” để trút những cơn tức giận của mình. Hãy biết tôn trọng họ trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

4. Tôi ước mong các linh mục quản xứ nên quan tâm và khích lệ những nữ tu cộng tác với mình, dù đó chỉ là một lời thăm hỏi, một nụ cười phấn khích, ít là vào ngày đặc biệt của họ như sinh nhật hay lễ quan thầy.

5. Cám ơn anh đã hy sinh lo lắng cho mẹ để em có thể an tâm theo đuổi lý tưởng của mình. Cám ơn anh nhiều.

6. Tôi ước mơ cho những người cha, đặc biệt là “Bố tôi” luôn cảm nghiệm được những vất vả hy sinh của mẹ tôi để yêu thương và đồng cảm, cộng tác với mẹ tôi trong mọi công việc trong gia đình. Xin những người cha, người chồng hãy luôn yêu thương, tôn trọng người vợ như chính bản thân mình.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu vàng:

1. Ca sĩ Thanh Sử: Tôi muốn các chị em luôn nở trên môi một nụ cười thật tươi ngay cả khi chị em đang gặp đau khổ.

2. Cám ơn mẹ đã chăm sóc con, có những lúc con đã quên điều đó. Nhưng không sao mẹ nhỉ, con hứa sẽ chăm sóc mẹ thật tốt sau này. Con: Nguyễn Quốc Bảo.

3. Trong ngày 8/3 tôi sẽ làm cho vợ và 2 con gái của tôi cảm thấy rằng: Tôi vô cùng hạnh phúc vì cuộc đời tôi có họ. Cám ơn em và 2 con gái cưng của Ba.

4. Anh nguyện vác thánh giá cùng em trọn đời.

5. Cám ơn Sr Hồng Quế đã cho phái nam chúng tôi cảm nhận được vai trò và vị trí của người phụ nữ trong đời sống chúng tôi. Chúng tôi ý thức hơn tinh thần ngày 8/3 trong cuộc sống gia đình và xã hội của mình. Cầu chúc các mẹ, các chị, các em mãi mãi luôn hạnh phúc.

6. Chúc em dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui của tuổi 70. Anh vô cùng biết ơn em về những hy sinh to lớn của em chăm sóc anh và gia đình. Hôm nay trong hội trường TTMV này, lần đầu tiên anh có dịp nói lên lời chúc lành và biết ơn em.

7. Nếu anh nói anh yêu em mà không làm gì cho em thì anh có lỗi với em và có lỗi trước mặt Chúa. Nhân dịp 8/3 Nguyện xin Chúa đổ tràn hồng ân xuống cho em, ban cho em sức khỏe dồi dào cùng anh sánh bước với nhau, chung vai sát cánh trong ngôi nhà nhỏ bé thân thương suốt trọn cuộc đời.

8. Anh sẽ bế em vào cuộc dời anh.

9. Mến chúc quí Soeurs những người thánh hiến luôn trẻ đẹp, vui tươi như Sr Hồng Quế để mọi người khi tiếp xúc cảm nhận được tình Chúa ngay trong cuộc sống đầy gian nan, thử thách này. Kính chúc Sr Hồng Quế hạnh phúc trong đời thánh hiến.

Một bầu khí yêu thương ngập tràn niềm vui, hạnh phúc khi những người nam trong phòng đi đến tặng quà cho từng người nữ, món quà tuy đơn sơ nhưng qua hành động đã nói lên tấm lòng của những người nam ý thức về vai trò của người nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Người phụ nữ rất đáng được trân trọng và yêu quí. Vì họ chính là nhân tố không thể thiếu trong cuộc đời này, họ đã đem đến niềm vui, hạnh phúc và phát triển sự sống cho cộng đồng nhân loại được thăng hoa. Và phụ nữ, những người mẹ, những người vợ, người yêu của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh.

Còn bạn. Bạn sẽ dành cho người phụ nữ của mình thông điệp bất ngờ nào vào ngày đặc biệt này? Một đóa hoa, một cánh thiệp, một lá thư, một món quà nho nhỏ… hay chính tay mình sửa soạn một bữa cơm ngon cũng đủ đem lại niềm vui cho nữ giới.

Ngày 8/3 chính là ngày mà những người chồng, người anh, người bạn, người con cần mang lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ bằng chính sự quan tâm xuất phát từ tình cảm trong trái tim mình.

Hãy dành một đóa hồng cho ngày 8/3 các bạn nhé.

***

Các chị em trong lớp Chuyên Đề Cuối Tuần chân thành cám ơn Linh Mục Nhạc Sĩ Phêrô Huy Hoàng, giáo xứ Bến Cát, GP, Phú Cường đã gởi tặng chị em 150 phần quà.

Cám ơn Nhà Xuất Bản Thái Hà Book và các thân hữu nam giới đã gởi hoa và quà tặng chị em trong ngày hôm nay.