TUYỂN CỬ HỘI ÐỒNG VÙNG PHÁP QUỐC 2010

45 triệu cử tri người Pháp được mời gọi tham gia các cuộc bầu cử Hội đồng Vùng (Conseil régional) sẽ cùng diễn ra hai vòng vào ngày 14 và 21.03.2010, chiếu theo Nghị định 2010-119 của Bộ Nội vụ ngày 04.02.2010.

I. VÀI DÒNG LỊCH SỬ.

Các nghị viên vùng (conseillers régionaux) được người dân cử qua cuộc phổ thông đầu phiếu (quyền bầu cử được chấp thuận cho mọi công dân trưởng thành), trực tiếp và kín ngày 16.03.1986.

Năm 1986, cuộc tuyển cử phổ thông đầu phiếu lần đầu chỉ có một vòng và số ghế chia theo tỷ lệ giữa các liên danh thu được ít nhất 5% số phiếu hợp lệ. Thứ sáu kế tiếp ngày bầu cử (thường là chúa nhật), các nghị viên vùng họp thành Hội đồng Vùng để bầu Chủ tịch Hội đồng Vùng. Trong 22 vùng nội địa (métropolitaine), RPR (Rassemblement pour la République - Tập hợp vì Nền Cộng hoà, hữu phái) chiếm ghế Chủ tịch Hội đồng tại 6 vùng; UDF (Union Démocratique Français, Liên hiệp Dân chủ Pháp, trung hữu) tại 14 vùng và PS (Parti Socialiste, đảng Xã hội, tả phái) tại 2 vùng.

Năm 1992, ngày 22.03.1992, cuộc tuyển cử một vòng đưa đến kết quả: RPR chiếm ghế Chủ tịch Hội đồng tại 7 vùng, UDF 10 vùng, PS 1 vùng, đảng Xanh (Verts) 1 vùng và 1 vùng do Mouvement des Réformateurs điều khiển.

Trong thời gian đó, từ năm 1981, sau khi ông François Mitterand (PS) đắc cử Tổng thống, nền kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn, số người thất nghiệp gia tăng, đề tài ngoại kiều được đề cập đến và đảng Font National (Mặt trận Quốc gia, cực hữu) do ông Jean-Marie Le Pen lãnh đạo lớn dần. Trong cuộc tuyển cử lập pháp (élections législatives) ngày 16.03.1986, lần đầu tiên và duy nhất, nhờ chủ trương của đảng Xã hội, Font National, với 6,1% số phiếu bầu hợp lệ và chiếm 35 trên 577 ghế tại Quốc hội. Sau đó, Ông Jean-Marie Le Pen ứng cử Tổng thống lần lượt thu được 14,38% (năm 1988), 15% (năm 1995) và 16,86% (năm 2002) số phiếu bầu hợp lệ và đánh bại ứng cử viên PS Lionel Jospin để vào vòng nhì với đương kiêm Tổng thống Jacques Chirac.

Do đó, trong cuộc bầu cử Hội đồng vùng ngày 15.03.1998, đảng Font National đã chiếm được số ghế để làm thay đổi chức vụ Chủ tịch Vùng, đã làm cho các Vùng khó có một đa số rõ rệt để chấp chính. Các liên danh thuộc đảng RPR hay UDF không thể liên kết với Font National vì ‘e ngại’ dư luận, trong khi đảng Xã hội được phép đứng chung hàng ngũ với Cộng sản (đệ tam, theo Staline, hay đệ tứ Troskyste).

Công bình mà nói, trong một quốc gia dân chủ, khi một đảng được phép hoạt động hợp pháp, nên để cho đảng đó được đối xử như tất cả các đảng khác, hưởng quyền lợi và chịu trách nhiệm như nhau. Muốn loại trừ Mặt trận Quốc gia, các đảng khác thay vì chửi rũa Jean-Marie Le Pen, Chủ tịch đảng đó, các đảng khác chỉ cần tạo thêm uy tín nơi các cử tri. Sự thật hiển nhiên là, vì các ông Chirac và Jospin đã không thực hiện lời hứa với người dân Pháp trong nhiều năm dài. Do đó, khi cơ hội đến, như cách đây gần hai năm, ngày 21.04.2002, cử tri Pháp đã nghiêm khắc cảnh cáo Tổng Thống lẫn Thủ Tướng đương quyền, bằng cách đưa ông Jean-Marie Le Pen vào vòng hai: cuộc ‘địa chấn chánh trị’ đã xảy ra. Bởi thế, các cuộc chuẩn bị trước đó cho cuộc tranh cử ‘đối diện’ giữa các ông Chirac và Jospin bị bãi bỏ… vì ứng cử viên Chirac từ chối tranh luận với ông Le Pen.

Trong nhiệm kỳ bắt đầu năm 1998, đảng RPR điều khiển 3 vùng, UDF 8 vùng, PS 7 vùng và MDR 3 vùng.

Để có được đa số tuyệt đối tại các Hội đồng Vùng, lần đầu tiên, một cuộc bầu cử cấp Vùng năm 2004 tại Pháp đãõ diễn ra hai vòng. Sự cải tổ nầy, được qui định bởi Luật ngày 09.04.2002.

II. TUYỂN CỬ HAI VÒNG.

Cử tri bầu các nghị viên Vùng có nhiệm kỳ 6 năm từ những liên danh theo một hệ thống bầu cử kết hợp tuyển cử đa số và đại diện tỉ lệ, bằng một hay hai vòng đầu phiếu phổ thông và kín.

A.- Vòng Một (Chúa nhật ngày 14.03.2004).

1. Làm sao các ứng viên ra ứng cử ?

Liên danh mang tính danh các Vùng, nhưng các ứng cử viên được chia ra ứng cử trong những Tỉnh (département, được gọi là sections départementales. Để đơn giản hóa, chúng ta tạm dùng Tỉnh để phân biệt với Vùng). Trong mỗi liên danh, bắt buộc phải xen kẻ một Nam và một Nữ ứng cử viên.

Thí dụ, tại Vùng Alsace, những phiếu bầu sẽ ghi tên một trong hai Tỉnh: Bas-Rhin với 29 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết) và Haut-Rhin với 22 ứng cử viên (trong đó có 2 dự khuyết). Số ứng cử viên trên lá phiếu phù hợp với số nghị viên mà mỗi Tỉnh sẽ gởi để họp thành Hội đồng Vùng (47 ghế).

2. Việc phân chia các ghế nghị viên ?

Nếu có liên danh đạt được đa số tuyệt đối (ít nhất 50% số phiếu hợp lệ) ở vòng một nầy. Cuộc bầu cử ngưng tại đây và bắt đầu tính số ghế chia cho mỗi liên danh. Liên danh có đa số tuyệt đối được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

Thí dụ đơn giản: Hội đồng Vùng R có 101 nghị viên (luôn là số lẻ). Có 4 liên danh ra ứng cử và đạt được những tỉ lệ như sau: liên danh A 50%; liên danh B 24%; liên danh C: 23,50% và liên danh D được 2,50% tổng số phiếu hợp lệ. Kết quả: liên danh D bị loại lập tức. Liên danh A được chia 63 ghế nghị viên; liên danh B được 19; và liên danh C được 19.

Số nghị viên được chia theo cấp Vùng nầy sẽ được phân chia lại theo cấp Tỉnh. Thí dụ, một liên danh được chia 10 ghế ở cấp Vùng sẽ được phân phát như sau: liên danh đó đạt được 50% số phiếu trong Tỉnh A, 30% trong Tỉnh B và 30% trong Tỉnh C. Như thế, số nghị viên sẽ được chia ra như sau: 5 trong tỉnh A; 3 trong tỉnh B và 2 cho tỉnh C.

Nếu không có liên danh nào đạt được đa số tuyệt đối, thì phải tiến hành vòng hai.

Cử tri đặt lá phiếu vào thùng, trong vòng một, đáp ứng theo tiếng gọi của con tim, tức chọn liên danh nào mình thích nhất. Nhưng, khi đầu phiếu, trong vòng hai, cử tri đầu phiếu theo lý trí, tức chọn liên danh nào có thể đem Công ích cho toàn dân hơn.

B. Vòng Hai (Chúa nhật ngày 21.03.2010)

1.- Các liên danh nào được phép tham dự ?

Được tham dự vòng nầy, các liên danh đạt được ít nhất là 10% số phiếu hợp lệ ở vòng một. Các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ được phép xóa bỏ liên danh củ để, chung nhau, thành lập một liên danh mới.

2.- Việc phân chia các ghế nghị viên ?

Liên danh về nhất sẽ được thưởng ngay 25% số ghế trong Hội đồng Vùng. Số ghế còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu hợp lệ.

TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT: CORSE

Cách thức bầu cử có những điểm khác biệt. Không có sự phân chia cấp Tỉnh. Trong một liên danh, mỗi nhóm 6 ứng cử viên mà số ứng viên Nam và Nữ phải bằng nhau nhưng không buộc phải xen kẻ nhau. Nếu không liên danh nào đạt được đa số tuyệt đối ở vòng Một, thì các liên danh chỉ cần đạt 5% số phiếu hợp lệ để có thể tham dự vòng Hai. Liên danh thu phiếu nhiều nhất chỉ được thưởng 3 ghế (trên tổng số 51), chứ không là 25% như các Vùng khác.

III. VẤN ĐỀ TÀI CHÁNH CÁC ĐẢNG CHÁNH TRỊ.

A. Những chi tiêu thường nhật.

Cũng như các Hiệp hội, thành lập theo luật ngày 01.07.1901, các chánh đảng phải đối đầu với những chi tiêu đủ loại như thuê trụ sở và các văn phòng trực, những chi phí về văn phòng, trả lương nhân viên… Tại quốc gia dân chủ như Pháp, đảng cầm quyền không thể lấy ngân sách quốc gia chi xài cho đảng. Vì là quốc gia đa đảng, các đảng đối lập, qua các Viện lập pháp, kiểm soát chi tiêu từ ngân sách.

B. Những nguồn thu của các chánh đảng.

Để cân bằng ngân quỹ, các chánh đảng có hai nguồn thu chính:

1. Nguồn thu tư nhân.

a. Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

b. Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân, nhưng cấm từ những pháp nhân trong giới hạn 7.500 euro/năm/người (điều 16 luật ngày 19.01.1995). Các số tiền biếu cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu, chuyển trương,…

2. Nguồn thu từ ngân sách.

Việc làm chánh trị là một quyền của người dân làm chủ đất nước mình, không bị đe dọa, bắt bớ. Những vĩ nhân biết làm chánh trị nhằm phục vụ cho Công Ích cho toàn xã hội luôn được lịch sử ghi danh. Do đó, Nhà nước dùng ngân sách quốc gia để giúp, một cách công bình, các chánh đảng hầu đạo tạo thêm các chánh trị gia mới.

Những dự trù trong các luật năm 1988 và sau đó về việc tài trợ các chánh đảng theo hai tiêu chuẩn:

a. Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) trong 577 đơn vị và phải đạt 1% số phiếu hợp lệ, chiếu theo luật ngày 20.02.1993.

b. Tỉ lệ theo số dân biểu và nghị sĩ thuộc từng chính đảng theo luật ngày 19.01.1995. Số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt nếu đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau. Năm 2008, ngân sách quốc gia đã chi giúp về khoản nầy là 71.777.018 euro.

3. Bồi hoàn chi phí vận động tranh cử.

Những liên danh được cử tri tín nhiệm ít nhất 5% số phiếu hợp lệ và tôn trọng các qui định về kế toán cùng mức chi tiêu tối đa ấn định được bồi hoàn chi phí vận động bầu cử. Mục đích giảm bớt các liên danh không có tính cách đại diện.

IV. LINH TINH.

1. Hiện nay, đảng viên Xã hội đang giữ ghế Chủ tịch tại 20 trên 22 Vùng (trừ Alsace và Corse) và bà Martine Aubry, Đệ nhất bí thư, tuyên bố đảng Xã hội sẽ toàn thắng 22 Vùng. Điều đó khó có thể xảy ra vì tại Vùng Languedoc-Roussillon mà Chủ tịch Hội đồng Vùng đương nhiệm (và nhiều hy vọng được tái cử) là ông Georges Frêche đã rút bị đảng tịch. Ông cho là bà Aubry ghét ông vì ông không ủng hộ bà ứng cử Tổng thống. Nhiều đảng viên Xã hội cho là ông Frêche không kiểm lời nói. Tuy nhiên, các cử tri trong Vùng cho là ông nói thẳng thừng.

2. Thăm dò dân ý. Theo thăm dò Viện Sofres thực hiện ngày 1 và 2.02.2010 cho biết 53,5% số người được hỏi (1.000 khắp nước, trên 18 tuổi) trả lời sẽ bầu ‘tả phái’ và 39,5% sẽ bầu cho ‘hữu phái’.

Đi vào chi tiết, thì các liên danh Font National thu được 8,5% người có ý định bầu; các liên danh ‘Đa số Tổng thống’ (majorité présidentielle) về đầu với 30% và 1% cho hữu phái khác (Divers droite). MoDem (trung phái) chỉ được 4%. Bên ‘tả phái’, Xã hội 28%, Xanh 13%, Mặt trận tả phái 6%, Chống tư bản 3,5%, Lutte ouvrière 3%.

Các liên danh ‘Đa số Tổng thống’ có thể về đầu ở vòng đầu tại nhiều Vùng, nhưng khó thắng ở vòng nhì vì không có số phiếu sẳn sàng kết hợp.

3. Tuyển cử nghị viên Hội đồng Vùng lần chót ?

Dự luật cải cách chính quyền địa phương đã được thông qua tại Hội đồng Tổng trưởng ngày 21.10.2009 qui định bãi bỏ chức vụ nghị viên Vùng mà gọi là nghị viên lãnh thổ (conseiller territorial). Các cuộc bầu cử đầu tiên các cố vấn nghị viên lãnh thổ sẽ được tổ chức vào năm 2014.

Như vậy, các nghị viên Hội đồng Vùng đắc cử trong cuộc tuyển cử năm nay chỉ có nhiệm kỳ 4 năm.

HÀ–MINH THẢO