Đến thăm Giáo điểm truyền giáo Tân Khai – Bình Long, Bình Phước

Truyền giáo là căn tính, là trách nhiệm, bổn phận của người Kitô hữu từ hai ngàn năm nay kể từ khi Chúa Kitô lệnh truyền: “Anh em hãy ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28,19). Trong xã hội ngày nay, với biết bao vấn nạn, nhất là trào lưu thế tục, duy vật chất, việc loan báo Tin Mừng, loan báo nền văn minh tình thương khẩn thiết hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, chính quyền theo thuyết vô thần luôn tìm mọi cách ngăn cản sự phát triển của tôn giáo, nhưng không vì thế mà công cuộc truyền giáo không được các vị chủ chăn xem trọng.

Xem hình giáo điểm truyền giáo Tân Khai

Tại một vùng ven của tỉnh Bình Phước, thể theo nguyện vọng của khoảng 600 giáo dân lên vùng này lập nghiệp từ hơn 30 năm trước, Tòa Giám Mục Phú Cường đã thành lập một Giáo điểm truyền giáo vào năm 2007 với tên Giáo xứ Tân Khai để đáp ứng nhu cầu của giáo dân đồng thời cũng là nơi chăm sóc mục vụ và đời sống cho đồng bào dân tộc S’Tieng.

Đô thị hóa và hậu quả đối với người dân tộc Stiêng

Đầu năm 2010, truyền thông trong nước thường nhắc đến những thành quả trong việc phát triển kinh tế, cụ thể là trong năm 2009 vừa qua, GDP (Gross Domestic Product - Tổng sản phẩm nội địa) của Việt Nam tăng 5,30% (1). Thậm chí tờ Tuổi Trẻ còn dẫn nguồn tin The Business Insider cho hay Việt Nam “trỗi dậy chóng mặt”(2). Nhưng cũng chính tờ Tuổi Trẻ cũng cho hay chênh lệch giàu nghèo ở đất Sài Gòn là gần 7 lần (2). Ngay tại Sài Gòn, một đô thị được xem như phát triển bật nhất Việt Nam mà chênh lệch giàu nghèo đã là 7 lần thì thử hỏi nếu so sánh giữa giới giàu có và giới nghèo khổ tại Việt Nam tỷ lệ đó là bao nhiêu?

Bình Dương, Bình Phước là hai tỉnh thuộc Sông Bé cũ, được xem là một trong những tỉnh thành công trong việc đô thị hóa, trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng người ta đâu có biết rằng chính sự thành công đó đã đẩy một lớp người nghèo khổ lại càng khổ cực hơn. Tại nơi vùng ven huyện Bình Long, những người dân tộc Stiêng, do hậu quả đô thị hóa, đất đai mất dần, họ phải sống cuộc sống nghèo khổ tiến sâu trong rừng cao su. Đô thị hóa cũng làm cho bản sắc văn hóa của họ bị mất dần cộng thêm trình độ dân trí thấp, không được quan tâm tạo điều kiện để có nghề kiếm sống nên họ luôn bị thua thiệt khi hòa nhập vào cuộc sống được gọi là “công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.

Những mảnh đất canh tác của người dân tộc Stiêng dù nhỏ nhoi, ít ỏi giờ cũng không còn để mà trồng trọt, chăn nuôi kiếm sống. Cuộc sống của họ giờ chỉ làm thuê với thu nhập thấp và chủ yếu vẫn là đi mót mủ cao su để có cuộc sống đắp đổi qua ngày. Hiểu được nổi khổ cực đó, mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần, dù thiếu thốn trăm bề nơi xứ truyền giáo mới vừa được khai sinh hai năm, nhưng giáo xứ cũng thuê hai chuyến xe 25 chỗ (1,2 triệu đồng – khoảng 65 Mỹ kim) để đón đồng bào dân tộc Stiêng ở những sóc xa cách nhà thờ 5-7 cây số đến tham dự Thánh Lễ, sau đó họ được tham gia sinh hoạt, các lớp giáo lý, và được khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí trước khi giáo xứ lo cho buổi ăn sáng là gói mì đơn sơ.

Nhà thờ tạm cột gỗ, mái lá, vách trống trơn

Trò chuyện với chúng tôi sáng hôm 09/01/2010, Cha Phêrô Phan Như Ngân, linh mục chánh xứ giáo xứ Tân Khai cho hay việc giúp đỡ đồng bào nghèo người dân tộc Stiêng chủ yếu là vì lý do nhân đạo, việc theo đạo hay không ngài cho họ tùy nghi lựa chọn. Bởi vậy mà hai năm nay ngài chỉ mới rửa tội cho 6 người mặc dù hiện nay con số người dự tòng theo học giáo lý từ một năm đến một năm rưỡi đã lên đến 300 từ các sóc của người Stiêng: Sóc Răng, Sóc Lớn, Sóc Bưng, Sóc Dày, Sóc Đông Phất, Sóc

Năm 2007, khi được Tòa Giám Mục Giáo phận Phú Cường giao cho cha trách nhiệm về nhận xứ, cơ sở ban đầu chỉ là mảnh đất hoang sơ 6.000 mét vuông do giáo dân hiến tặng. Hai tháng trời, cha phải dâng Thánh Lễ ngoài trời, sau đó ngài xây dựng nhà thờ tạm bằng cột cây, mái lá, không tường, không vách cho đến giờ. Cũng một thời gian dài vị linh mục đã phải sinh sống trong một túp lều tạm bợ thô sơ, tứ bề hiu quạnh. Hiện nay, sau nhà thờ tạm là căn phòng đơn sơ dành cho cha xứ và hai thầy giúp xứ. Tuy thế, trong câu chuyện ngài luôn nói đến những mảnh đời thiếu thốn, không có công ăn việc làm, có được hạt gạo nuôi sống qua bữa đã là may mắn. Kỳ vọng của ngài là làm sao vận động để có thể mở lớp dạy nghề dài hạn để họ có thể kiếm việc làm nuôi sống gia đình chứ mót mủ chén (mủ cao su) thì đồng tiền kiếm được thiếu trước, hụt sau không đủ để họ nuôi sống gia đình. Ưu tư của vị linh mục vẫn luôn là vấn đề nhân sự, ngài nói hai thầy giúp xứ chỉ mới đến đây thôi, bởi vậy từ đầu ngài phải đào tạo giáo lý viên, điều kiện rất cần thiết cho công tác truyền giáo và ngài cũng đã gửi đi đào tạo các tác viên Tin Mừng. Ngài cũng cho hay cái nghèo, cái khó cũng làm cho người dân tộc đánh mất dần đi bản sắc văn hóa của họ, thế nên ngài đã tìm mọi cách để phục hồi nền văn hóa đó bằng cách đặt hàng những người đứng tuổi còn biết dệt nên những tấm váy truyền thống, cũng là tạo việc làm cho họ, để dành tặng cho những người được Thanh Tẩy. Đồng thời, có dịp là ngài cho tổ chức hội cồng chiêng để quy tụ họ cùng nhau múa hát trong khuôn viên nhà thờ. Và xây một ngôi thánh đường nghiêm chỉnh hơn cũng không nằm ngoài dự kiến của cha chánh xứ.

Những cuộc đời cơ cực giữa rừng cao su

Được hướng dẫn đi thăm các sóc lọt thỏm trong rừng cao su hôm 28/11/2009, anh chị em chúng tôi đã chứng kiến những mảnh đời, những hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực thật xót xa trong những căn nhà tạm bợ xiêu vẹo.

- Đó là hình ảnh của một chị ốm nhom ngồi trên giường có hoàn cảnh rất đáng thương. Chị có tất cả 3 người con: đứa đầu được 12 tuổi thì chết đói, đứa út được 1 tháng tuổi thì cũng qua đời, còn lại một bé 9 tuổi “thì ốm như viên kẹo”, và chị bị chồng bỏ vì hoàn cảnh quá thê thảm. Mang trong người đủ thứ căn bệnh từ bao tử, sốt, viêm tử cung… nên người chị thật gầy gò, ốm yếu không làm gì nổi. Hôm chị đuối sức quá, một phần vì đói, may là Cha Phêrô hay tin vào cứu kịp chứ không thì đứa con 9 tuổi của chị đã ở lại bơ vơ không nơi nương tựa. Hôm chúng tôi đến, trong đoàn có chị Igner là bác sĩ đã khám bệnh, sau đó đã gởi thuốc cho chị nên bệnh tình phần nào thuyên giảm.

- Đó là hình ảnh 4 đứa bé ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, mẹ bị ung thư chết khi còn rất trẻ, ba vào làm trong mỏ than 1 tháng mới về 1 lần. Làm nghề thợ mỏ rất khổ nhưng đồng tiền kiếm được chẳng là bao nhiêu, nhưng anh không còn cách chọn lựa. Bốn đứa trẻ giờ phải sống với bà ngoại, bà đã lớn tuổi nên cũng không làm được gì nhiều để giúp cháu, lại thêm người con trai nhỏ bị lao phổi, nên cứ túm tụm nhau mà sống khổ với nhau. Khi chúng tôi đến thăm, bà vừa cho xem hình con gái vừa khóc thật thảm thương. Trong bốn đứa nhỏ, có 1 trẻ bị vết rách ở cổ không biết bị con gì cắn đến nổi bị nhiễm trùng trầm trọng. Sau hôm chúng tôi đến, tuy bác sĩ Igner có cho thuốc và hướng dẫn về vệ sinh vế thương nhưng vẫn không thuyên giảm nên một chị trong nhóm đã gửi tiền để giúp họ nằm viện. Rõ thật, hoàn cảnh khổ lại càng khổ thêm.

Còn nhiều lắm những hình ảnh, những mảnh đời, những hoàn cảnh khổ mà bà con người dân tộc Stiêng phải cam chịu mà chúng tôi chứng kiến tận mắt. Mong sao cha Phêrô vận động mở được các lớp hướng nghiệp cho họ, để đời sống họ được cải thiện.

Thăm hỏi, tặng quà, giao lưu

Chuẩn nghèo ở Sài Gòn là 1 triệu đồng/tháng (khoảng hơn 50 Mỹ kim), nhưng đối với những người dân tộc sống trong các sóc giữa bố bề cây cao su lại là một số tiền rất lớn trong đời họ, bởi vậy mà những món quà nhỏ nhoi mà sáng ngày thứ Bảy 09/01/2010 chúng tôi mang đến như gạo, đường, nước tương, nước mắm, muối, dầu ăn, cá khô… được nhiều người trong họ xem như món quà Tết sớm. Hoàn cảnh của họ cùng cực đến nổi có người trong chúng tôi đùa vui muốn ở lại sinh sống với người dân tộc, cha xứ liền bảo nếu hằng ngày chỉ ăn cơm với muối được thì hãy ở lại.

Những đôi dép nhựa bị người ta xem là tầm thường ở chốn đô thị lại được các trẻ nhỏ đón nhận một cách hớn hở, mừng vui ra mặt. Và còn đó những đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên ánh lên rạng rỡ khi màn hình máy chiếu chúng tôi mang theo trình chiếu vở kịch hài thiếu nhi cười vỡ bụng. Và cũng không hề thiếu niềm vui khi các em được quy tụ lại trong những trò chơi vận động do các bạn trẻ tổ chức.

Đây đó vang lên tiếng cồng chiêng vang vọng bản sắc văn hóa của người dân tộc. Tiết mục giao lưu múa cồng chiêng được cha xứ thếch đãi chúng tôi làm cho không khí thân mật lạ thường. Các cụ già rất nhiệt tình hăng say trong những điệu múa gần như thấm vào máu thịt của họ. Thế rồi hòa vào tiếng cồng chiêng là những bài hát ca ngợi Chúa mang âm hưởng của núi rừng. Cha xứ đã chủ động cùng thầy giúp xứ và anh chị em chúng tôi đã hòa nhịp vào điệu múa lời ca, không còn phân biệt dân tộc, giàu nghèo, người thành thị, người trong rừng sâu nữa mà chỉ còn tình người cùng một nước, con cùng một Cha trên trời đến với nhau bằng cả tấm lòng.

Thay lời kết

Công cuộc truyền giáo vẫn luôn khó khăn cho Giáo Hội Việt Nam khi mà tình trạng thiếu hụt nhân sự, thiếu linh mục, tu sĩ vẫn là thực trạng ngay cả trong những giáo phận lớn. Bên cạnh nhân sự thì kinh phí cho công cuộc truyền giáo vẫn là vấn đề nan giải vì trên thực tế đa số dân Việt Nam vẫn là những người phải chạy gạo từng bữa, nơi nơi khó nghèo chỉ có thể giúp nhau trong ngắn hạn. Đã vậy, việc xây dựng sửa chữa nhà thờ, và các công trình phụ cận không phải dễ dàng gì trong thời điểm mà luật lệ cứ rối tung lăm le bắt khó mọi người dân. Tuy nhiên, hạt gống đức tin 350 năm mà Giáo Hội Việt Nam đang mừng kính Năm Thánh vẫn luôn triển nở dù trải qua bao bách hại, ngược đãi của nhiều triều đại, nhiều thể chế cai trị. Thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi nhưng đức tin vào thập giá, thập giá không bao giờ đổ cho dù con người tàn phá, vào Thiên Chúa giáng thế làm người, vào Chúa Kitô Phục Sinh mang lại ơn cứu độ cho trần gian thì trường tồn cho đến tận thế.

Lại một lần nữa anh chị em ca viên ca đoàn Giáo xứ Xóm Chiếu đất Sài thành chúng tôi, nhờ sự giúp sức của những ân nhân xa gần, lại được chia sẻ, cảm nhận đức khó nghèo của Chúa Giêsu Hài Đồng hai ngàn năm trước nơi những đồng bào dân tộc Stiêng ở Giáo xứ Tân Khai. Mong lắm thay những bàn tay nâng đỡ cho một giáo điểm truyền giáo vừa khai sinh:

Lm. Phêrô Phan Như Ngân – Chánh xứ Giáo xứ Tân Khai, Giáo Phận Phú Cường

Adress: Tổ 1, ấp 3, xã Tân Khai, Hớn Quản, Bình Phước, Việt Nam

Tel: 0084-651-3633900, Cellphone: 0084-909824257

Email: phanngankh@yahoo.com

Ghi chú:

1. GDP tăng 5,30 %, nhưng ai hưởng?

http://vietcatholic.org/News/Html/75520.htm

2. The Business Insider: Việt Nam “trỗi dậy chóng mặt”

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=358012&ChannelID=2

3. Chênh lệch giàu nghèo ở TP.HCM gần 7 lần

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=357168&ChannelID=3

Viết từ Sài gòn, những ngày Giáo Hội Việt Nam vác thánh giá,