Những ngày này, giáo phận Phát Diệm đang rộn lên niềm phấn khởi chuẩn bị cho ngày lễ tấn phong tân Giám mục Giuse Nguyễn Năng, vị giám mục thứ tám kể từ khi giáo phận Phát Diệm được thành lập năm 1901.

Cũng nhân dịp này, con cái Phát Diệm xa gần đang lần mở lại những trang sử vinh quang và bi đát của Mẹ mình: giáo phận Phát Diệm.

Cơ sở tòa giám mục và nhà thờ chính tòa được đặt trên đất của ngôi làng quê xưa có tên Phát Diệm. Không là tình cờ hay ngẫu hứng gì đó mà Cụ Nguyễn Công Trứ đã gọi vùng đất này lá Phát Diệm (Tỏa ra vẻ đẹp).

Chắc là đã có một dấu hiệu gì đó khiến ông quan Doanh Điền Sứ của triều đình cắm vè, đào ngòi, khoanh vùng cho mảnh đất này, rồi đặt tên cho nó là Phát Diệm.

Thật vậy, chẳng bao lâu sau khi được thành lập, Phát Diệm đã trở nên một xứ đạo sầm uất và một ngày hồng phúc được đón nhận cha Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu) làm chính xứ năm (1865). Hơn 34 năm coi sóc xứ Phát Diệm, cha Trần Lục đã kiến thiết cho Phát Diệm một quần thể kiến trúc thánh đường đồ sộ, khang trang, mỹ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt là hai ngôi nhà thờ: Kính Trái Tim Chúa, chạm trổ bằng gỗ gụ và nhà thờ Kính Trái Tim Đức Mẹ, chạm trổ bằng đá núi Nhồi (Thanh Hóa). Hai ngôi nhà thờ này nhằm thực hiện những điều Ngài đã khấn hứa với Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ.

Đối với Phát Diệm, cha Trần Lục là một cha xứ đức độ, là một nhà kiến trúc tài ba. Ngoài việc mục vụ, lo cho giáo dân về tinh thần lẫn vật chất, cha còn cho đắp đê ngăn nước mặn, ngăn lũ và đắp đập tưới tiêu để biến hàng ngàn mẫu đất ngập mặn thành đồng ruộng phì nhiêu làm cho Phát Diệm thêm trù phú.

Công trình vĩ đại của cha Trần Lục chẳng những đã thu hút khách du lịch trong nước cũng như ngoại quốc mà còn níu kéo được sự chú ý của hàng giáo phẩm nữa, cho nên năm 1896 Đức Cha Marcou Thành tới Phát Diệm ngỏ ý và cho cha Trần Lục biết: Ngài muốn lập tòa giám mục mới ở Phát Diệm. Cha Trần Lục vui mừng thưa: “Bẩm Đức Cha, tòa giám mục đặt ở Phát Diệm tương lai cho Phát Diệm, con mừng lắm, giả như Đức Cha cho con biết sớm, thì nay lo liệu đã được nhiều việc.”

Ngày 6-07-1899, cha Phêrô Trần Lục tạ thế trước sự thương tiếc của nhiều người. Đức Cha Marcou Thành tổ chức lễ tang cho cha Trần Lục.

Ngày 15-4-1901, Đức Thánh Cha Lêo XIII ký tông sắc thiết lập giáo phận Bắc Kỳ Duyên Hải và đặt Đức Cha Marcou Thành làm Giám mục tiên khởi. Ngày 8-2-1902, Đức Cha Marcou Thành về nhận địa phận. Phát Diệm trở thành trung tâm mục vụ của giáo phận mới.

Công việc đầu tiên: Ngài thành lập Dòng Mến Thánh Giá, đào tạo các nữ tu lâu năm và năm 1925, các nữ tu được phép khấn theo giáo luật, xây dựng đại chủng viện Thượng Kiệm, khánh thành năm 1912. Ngài còn lập Trường Thử ở Phát Diệm, lập trường Thày Giảng ở Tam Châu. Ngài phát động phong trào “xưng tội rước lễ toàn giáo phận”, tổ chức đại hội thánh thể cấp giáo phận, bình quân mỗi năm Ngài ngồi tòa giải tội cho 15.000 giáo dân. Ngài sáng lập việc Chầu Giờ Thánh ban đêm cho các đấng bậc, chính Ngài chọn chầu Mình Thánh lúc nửa đêm, mặc dù Ngài đã ngồi tòa giải tội suốt chiều và tối.

Ngài đã viết ba cuốn thư chung (mỗi cuốn dày trên 300 trang). Những thư riêng có tính cách quan trọng, Ngài viết hai bản, những bản lưu lại, đã trở thành những pho sách lớn. Mỗi năm hai kỳ Đức Cha đi kinh lược và đồng thời mở tuần đại phúc.

Ngoài việc mục vụ, Ngài còn quan tâm tới đời sống xã hội như y tế, giáo dục và dân sinh: Ngài đã xây dựng cho giáo phận một bệnh viện tại Phú Vinh và năm 1913 Ngài vận động chính quyền lập thêm bệnh viện Trì Chính. Đức Cha đã vận động và mở trường tư thục cho Phát Diệm và các xứ trong giáo phận. Đức Cha cũng tổ chức đắp con đê Tân Khẩn gần 10km, ngăn nước mặn để bảo vệ cho cả một vùng đồng bằng nông nghiệp bao la. Ngoài ra Đức Cha còn cho một số người đi học thêu ở Hà Nội, Ngài cũng lập nên những tổ dệt chiếu, trồng cói, trồng đay. Đức Cha Alexandre Marcou Thành chẳng những đã dày công trong việc thiết lập giáo phận Bắc Kỳ Duyên Hải, lập tòa giám mục tại Phát Diệm, còn đem lại vinh quang cho Giao hội Việt Nam, gây dựng cho Giáo hội Việt Nam một giáo phận đầu tiên có giám mục bản quốc coi sóc.

Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng: Ngày 10-1-1933, Đức Thánh Cha Piô XI ban tông sắc đặt Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, giám mục Việt Nam tiên khởi, làm giám mục phó với quyền kế vị cho Đức Cha Marcou Thành. Đức Thánh Cha đã tấn phong giám mục cho Ngài tại đền thờ thánh Phêrô ngày 11-6-1933. Tháng 11-1933 Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đến Phát Diệm với tư cách là Giám mục phó. Hai năm sau: 15-10-1935, Ngài là Giám mục Phát Diệm.

Trong 9 năm cai quản Giáo phận, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng luôn tỏ ra là một vị chủ chăn tài ba và ham hoạt động, khéo tổ chức. Ngài đã viết 70 thư chung, kinh lược các giáo xứ hàng năm, tận tình lo cho đờ sống tinh thần và vật chất của mọi đấng bậc trong giáo phận. Ngài đặc biệt quan tâm tới các linh mục và tu sỹ vùng tân tòng, hướng dẫn đời sống nhân bản cho linh mục và tu sỹ, nêu gương sống đơn sơ, nhiệm nhặt từ nhà ở đến cách giao tế. Ngài luôn khuyến khích và hỗ trợ cho việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ (nhà ở của cha xứ) trong giáo phận.

Về giáo dục: Ngài phát huy tinh thần giáo dục của Đức Cha Marcou Thành, phát triển và giữ vững các trường tư thục tại các xứ trong giáo phận. Sáng lập Liên đoàn thanh niên công giáo. Ngài xây dựng nhà Tập Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương, xây trường Thử tại Trì Chính, xây hội quán Nam Thanh cạnh nhà thờ chính tòa. Ngài lập dòng kín tại Trì Chính và dự định xây thánh đường lớn dâng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Năm Dân-Phát Diệm. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng nhiệt tình thương giúp và nâng đỡ mọi người, không phân biệt lương giáo. Ngài tự đầu tư kinh phí đắp cho dân một con đê mới sau đê Tân Khẩn không cho nước mặn tràn vào đồng lúa: đê Cồn Thoi, đê này dài 10km.

Ngài đã liệu cho Phát Diệm giám mục phó, Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng, sinh quán tại Kiến Thái – Phát Diệm. Ngày 27-12-1943, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng hưu trí, Đức Cha Phan Đình Phùng trở thành Giám mục Phát Diệm. Nhưng ngày 23-5-1944, Đức Cha Phan Đình Phùng qua đời đột ngột tại Dòng Châu Sơn, sau khi chủ sự lễ khấn dòng của các tu sĩ Xitô.

Tòa Thánh lại bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Bá Tòng trong nhiệm vụ Giám quản tông tòa cho đến ngày Đức Cha Lê Hữu Từ nhận địa phận 1-10-1945. Ngày 19-7-1945, Tòa Thánh thông báo chính thức chọn cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, Bề trên dòng Xitô Châu Sơn-Nho Quan làm giám mục cai quản giáo phận Phát Diệm, kế vị Đức Cha Gioan. M. Phan Đình Phùng đã qua đời. Khi nhận được điện văn của Tòa Khâm Sứ thông tin việc tuyển chọn này, cha Anselmo Tađêô Lê Hữu Từ tìm đủ mọi cách từ chối trọng trách đó, nhưng cuối cùng Ngài đã vâng lời Tòa Thánh. Ngày 1-10-1945 Ngài về nhiệm sở Phát Diệm và đến ngày 28-10-1945 thụ phong giám mục và ngày 1-11-1945 chính thức nhận quyền cai quản giáo phận. Từ khi nhận giáo phận, Đức Cha Lê Hữu Từ đã phải chứng kiến và đương đầu với những biến cố lớn lao: hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) và những cuộc chính biến liên tiếp. Năm 1954, Ngài đã di cư vào Miền Nam.

Cha Phaolô Dương Đức Liêm làm giám quản cho tới năm 1957, cha Phaolô Bùi Chu Tạo nhận giám quản tông tòa Phát Diệm và đến 20-4-1959 Ngài trở thành giám mục Phát Diệm. Ngày 24-11-1960 là giám mục chính tòa giáo phận Phát Diệm. Hơn 40 năm chủ chăn giáo phận Phát Diệm, thì gần 30 năm Đức Cha Bùi Chu Tạo phải đương đầu với những đổ nát, mất mát, khó khăn và phức tạp về người và tài sản của giáo phận.

Cuộc di cư khổng lồ 1954-1955 đã kéo đi khỏi địa phận hơn 100 linh mục, toàn bộ các thày đại chủng viện, thày giảng, tiểu chủng sinh, số nữ tu Mến Thánh Giá cũng đi gần hết, giáo dân đi mất gần một nửa. Ở lại chỉ còn khoảng 60 ngàn tín hữu, một số thày Giảng già, và 32 linh mục triều và dòng: đó là các cha Cha Liêm, cha Kim, cha Phú, cha Hòa, cha Dụng, cha Tuân, cha Đức, cha Tạo, cha Hiếu, cha Trinh, cha Thanh, cha Cúc, cha Khuyến, cha Hậu I, cha Minh, cha Nghiễm, cha Huyên, cha Quế, cha Thanh, cha Luật, cha Vịnh, cha Sỹ, cha Trình, cha Thiều, cha Giám, cha Hậu II, cha Tường, cha Tự, cha Kính, cha Vọng, cha Năng, cha Trụ (Dòng Châu Sơn). Các cơ sở đào tạo, giáo dục, y tế đều hết sử dụng. Cuộc chiến tranh 1964-1975 đã gây thiệt hại lớn cho nhà thờ chính tòa, một phần cơ sở tại tòa giám mục, nhà hội quán Nam Thanh (1972), dòng Mến Thánh Giá (1968), dòng Kín bị bình địa.

Năm 1956, trường tiểu chủng viện được mở tại Thượng Kiệm, thì đến năm 1959 đóng cửa và đến năm 1963 thì đóng cửa hoàn toàn.

Thế là hết trường chủng viện, trường giáo lý đóng cửa, các linh mục mỗi ngày lại gần nhà Chúa hơn. Tre già mà măng không mọc. Đức Cha Bùi Chu Tạo chưa tới thăm các giáo xứ được một vòng. Ngài viết nhiều thư chung nhắc nhở, hướng dẫn và củng cố đức tin cho giáo dân, Ngài lập hội Gia Trưởng trong giáo phận. Ngài đã tìm đủ mọi phương thế để đào tạo linh mục, tu sĩ cho giáo phận. Ngài đã lần lượt chọn ba Đức Cha phó: Đức Cha Lê Quý Thanh (1964-1974), Đức Cha Nguyễn Thiện Khuyến (1976-1981), Đức Cha Nguyễn Văn Yến (1988-1998). Ngài đã lựa chọn, huấn luyện và truyền chức linh mục cho ba Thày Giảng: cha Gioan Trần Bá Vinh, cha Phêrô Phạm Văn Ven (1960), cha Gioan Phạm Linh Tấn (1982). Ngài hướng dẫn và truyền chức linh mục cho một số chủng sinh từ chủng viện Thánh Gioan về từ năm 1960 và một số chủng sinh từ chủng viện Thánh Giuse đang sống tại gia đình về từ năm 1959 và 1963: cha Giuse Trần Ngọc Văn, cha Ignatio Bùi Ngọc Hoàng, cha Phêrô Trần Văn Vũ, cha Giuse Vũ Công Hoàng, cha Gioan B. Đinh Công Dũng, cha Phaolô Trần Lưu Huynh (1982).

Ngài cũng kèm cặp và nhờ các cha xứ mở “Chủng viện kèm cặp” tại chỗ cho một số thanh niên công giáo có thiện chí, nhiệt tình với việc đạo, Ngài lựa chọn và truyền chức linh mục cho các cha: Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, Antôn Nguyễn Đức Quỳnh (1980), Giuse Mai Văn Thiện, Antôn Phạm Hoàng Lãm, Antôn Đoàn Minh Hải (1982), Giuse Phạm Ngọc Khuê, Antôn Phan Văn Tự, Giuse Trần Văn Khoa, Giuse Lê Đức Năng.

Khi hoàn cảnh thuận lợi Ngài đã gửi các chủng sinh theo học các khóa học tại Đại chủng viện Hà Nội, gửi các linh mục đi du học tại MEP (Missions Etrangères de Paris) và Roma, xây dựng và tái thiết nhiều nhà thờ xứ, họ, nhà chung, nhà xứ, thu hồi về cho “Nhà Chung” khu đất bị hội Đông y dân tộc chiếm dụng, toàn bộ khu “Nhà Gạo” của Nhà Chung khu này nay là xứ Phát Diệm.

Đời Ngài không một lần mở lạc quyên, Ngài chỉ cho đi, hết lòng thương giúp những người, những nơi thiếu thốn. Năm 1998 vì tuổi già sức yếu, Ngài được Tòa Thánh chấp nhận hưu trí. Đức Cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến trở thành Giám mục chính tòa kế vị Đức Cha Bùi Chu Tạo.

Trong 10 năm làm Giám mục phó và 9 năm làm Giám mục chính tòa, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến luôn nhiệt tình trong công việc mục vụ với đường hướng truyền thống từ đời Đức Cha Bùi Chu Tạo, chú tâm đào sâu lòng đạo đức cho giáo sĩ và giáo dân. Ngài có sáng kiến tổ chức tĩnh tâm cho giáo dân từng giáo hạt, từng vùng trong Mùa Chay và chính Ngài tới giảng và dâng lễ. Ngài lần lượt đi thăm các giáo xứ thường xuyên hàng năm nhân dịp tuần chầu lượt Ngài rất quan tâm tới việc đào tạo chủng sinh, lo liệu cho các thày chủng sinh của các khóa chủng viện trước đây được qua lớp tu nghiệp và được thụ phong linh mục: cha Định, cha Học, cha Hưởng, cha Thảo, cha Ứng, cha Ánh, cha Giao (2007). Ngài có cái nhìn tinh tế về nghệ thuật và kiến trúc. Ngài đã cho tái thiết và xây dựng nhiều nhà thờ xứ, họ, nhà giáo lý, đặc biệt Ngài đã trùng tu nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (2000) và tái thiết nhà thờ xứ Ninh Bình. Ngày 02-05-2007, Ngài rời giáo phận để đi nhận nhiệm vụ mới: đặc trách hội Bác Ái Xã Hội giáo tỉnh Hà Nội, trụ sở tại Sở Kiện-Hà Nội.

Đức Cha Nguyễn Chí Linh được bổ nhiệm Giám quản tông tòa Phát Diệm. Tuy ngắn ngủi hơn hai năm giám quản Giáo phận, Ngài đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc cho mọi thành phần trong giáo phận. Ngài quan tâm nhiều tới đời sống thiêng liêng của các linh mục, tạo mọi điều kiện thuận tiện để tới thăm các giáo xứ, thu hồi toàn bộ khu Trường Thử - Trì Chính. Đặc biệt Ngài đã lo liệu cho giáo phận có được vị chủ chăn mới: Đức cha Giuse Nguyễn Năng. Toàn giáo phận hôm nay đang vui mừng chuẩn bị cho thánh lễ tấn phong giám mục sẽ diễn ra vào ngày 08-9-2209 tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Đứng trước biến cố trọng đại của trang sử mới của đại gia đình giáo phận, mọi con cái giáo phận Phát Diệm muốn ôn lại mấy nét trong những trang sử đã qua, để củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa quan phòng, đặt niềm hy vọng nơi các chủ chăn của mình, luôn tin tưởng, kính mến và biết ơn đồng thời tăng thêm tình hiệp thông chung quanh vị cha chung giáo phận, cùng nhau phụng sự Chúa, phục vụ mọi người trong một đoàn chiên dưới quyền lãnh đạo của một chủ chăn, để từ đó Phát Diệm thực sự tỏa ra được vẻ đẹp của Thiên Chúa, của đức tin công giáo, của tình người, của tình đồng đạo.