Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời năm nay, một thánh lễ mà chưa lần nào tôi thấy như mình sốt sắng và có ý nghĩa vì...

Thứ Sáu, hăm hở xách máy hình đi chụp con phố cũ vào sáng tinh mơ. Thành phố buổi sáng đã rộn lên sức sống bởi những bóng dáng người qua lại trên phố, bắt đầu cho một ngày mới. Mặt trời mọc không đúng hướng, tất cả những căn nhà cổ xưa đều bị ngược ánh sáng. Tấm hình nào cũng tối mù mù. Không bỏ cuộc, tự nhủ: “Sáng không có nắng thì ta đi buổi chiều vậy. Nắng buổi chiều chắc chắn sẽ làm đẹp cho những tấm hình hơn.” Hớn hở định ngày thứ bảy, ca trực sẽ hết lúc 4 giờ, giờ đó còn nắng, thong thả chụp sẽ có được chục tấm chứ chẳng về không ?

Bình thường tờ báo nhỏ là thứ gọn vừa tầm tay lại được ưa thích nghiền ngẫm từ đầu tới cuối mới buông tha nó. Thế mà không hiểu sao, tự dưng lại vớ đại tờ báo khổ lớn, loại đăng các tin “mì ăn liền” đọc cho lẹ. Coi hết tin thì đụng phải trang quảng cáo to bành: “Chương Trình Giảng Phòng Tam Nhật Mừng Kính Mẹ La Vang. Linh Mục Giảng Phòng: Cha Tiến Lộc, dòng Chúa Cứu Thế, VN”. Đã qua hai ngày rồi. Đã trể mất hai ngày, chỉ còn thứ bảy và Chúa Nhật. Cái đầu lại nhẩm tính giờ giấc để được một công mà ba chuyện: ca trực, chụp hình và dự lễ.

Thứ Bảy, tiếng chuông điện thoại thưa thớt reng, đồng hồ nhích từng chút một. Thoáng đó đã ba giờ. Còn một tiếng nữa là hết giờ. Ơi sao hôm nay nhàn thế nhỉ. Bốn giờ, cây kim dài đã nhích đúng con số 12. Ấy thế mà chẳng thế tắt máy đứng lên ra về như đã dự định. Cả buổi không bận, tới gần hết giờ thì việc đổ dồn. Cầm cự, nấn ná… Bốn giờ ba mươi. Hết việc. Thở dài. Thế là hết, không đủ thời gian đi chụp hình rồi. Chỉ có nước trực chỉ hướng “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam vùng Montréal” thôi vậy.

Mua vội cái bánh mì ngọt ở quán cơm dưới đường, phóng như bay ra trạm xe điện. Năm rưỡi, nhà thờ đã đông người. Tiếng cha Tiến Lộc đã oang oang vọng ra ngưỡng cửa. Chết rồi, không lẽ mình tới trễ, cha đã làm lễ rồi à? Bình tâm ngồi nghe, mới biết không phải, thì ra cha đang giải thích về nghi thức xưng tội, còn sớm. Lễ bắt đầu lúc sáu giờ rưỡi cơ mà.

Càng lắng tai nghe cha nói, lòng lại càng lo lắng. Chết rồi, từ hồi vô đạo tới giờ, không biết mình xưng tội bao nhiêu lần rồi? Tính trên đầu ngón tay. Có hai lần duy nhất đi xưng tội. Vậy kỳ này có nên xưng tội nữa không? Cha đang nói cái gì kìa… À cha nói về việc người xưng tội đã có xưng tội tuần trước, thì tuần sau lại xưng tội với cha nữa, lại cũng cái tội cũ ấy mà xưng… Cha càng nói thì càng vỡ lẽ. Ừ phải, đã lâu lắm rồi, hôm nay nhân dịp có các cha về, mình cũng nên thanh tẩy bản thân, xưng và ăn năn tội với Chúa cho nhẹ đỡ những dằn vặt trong tâm hồn về những tội lỗi cưu mang bấy lâu nay.

Nghĩ thế mà lòng không thấy thoải mái chút nào. Biết xưng tội làm sao đây? Mình không phải dân đạo gốc, lấy chồng thì theo đạo chồng. Có thuộc kinh nào ngoài ba kinh chính: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh. Ngay cả kinh Tin Kính dài ngoằn, học hoài vẫn không thuộc. Ngày mới vào đạo, cũng lật sách kinh ra ngồi học. Học được các kinh nho nhỏ như kinh Sấp Mình, Kinh Phù Hộ, Kinh Tin Kính, thế mà rồi trí khôn lại quên lẫn mất các kinh ấy. Còn nhớ, lần đầu xưng tội, vì là bổn đạo mới, cha giải tội không hỏi han lắc léo, cha nghe xưng tội xong thì ban phép lành rồi đi ra. Cảm giác lần đầu xưng tội, bình thường. Phải, chỉ là một cảm giác bình thường, không có gì đặc biệt cả. Lần thứ hai đi xưng tội. Khai đủ các tội lỗi xong thì cha ngồi giải tòa bắt đọc kinh Ăn Năn Tội. Đang đọc ngon lành, bổng khựng, quên mất câu kế là gì rồi. Như đứa trẻ phải trả bài cho thầy giáo ngày xưa còn bé học tiểu học. Tim hồi hộp, trí óc trắng như tờ giấy, chữ nghĩa chạy đi đâu mất rồi. Ấp a ấp úng rồi im tịt. Cha lên tiếng khó chịu. Bắt về nhà học kinh lại, lần sau đi xưng tội lại mới được cha ban phép lành. Rời khỏi phòng xưng tội mà lòng trí bực bội. Bao câu hỏi dồn dập hiện hình. Hồi học giáo lý, bác Tám già đâu có bảo phải đọc kinh khi xưng tội đâu? Không ai nói lúc vào xưng tội phải đọc kinh ăn năn sám hối cả. Ông bạn đời đơn giản giải thích: “ Em có lòng ăn năn hối lỗi xưng tội là tốt rồi.” Cứ tin là mình lòng thành xưng tội là được. Ai dè lại bị cha la một trận. Vừa bối rối lại vừa bực. Lòng thành tâm ăn năn tội biến thành lòng bực bội khó chịu. Tự nhủ sẽ không thèm đi xưng tội lần nữa. Vậy mà tối đó vẫn ngoan ngoãn giở sách ra ngồi học liền bài kinh Ăn Năn Tội. Ơ mà sao câu kinh kỳ thế này: “…Mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa…”, than thầm: “Mèn, mình có “phản nghịch” với “lỗi nghĩa” cùng Chúa hồi nào đâu mà lại phải xưng như thế. Chỉ là phạm tội thì đi thú tội cùng Chúa. Dốc lòng chừa cải, đấm ngực ăn năn cùng Chúa với lòng thành khẩn là đủ rồi, tại sao phải vơ vào mình cái tội tày đình mà mình không hề có thế này. Không được. Bài kinh này cũ rồi, ý từ không hợp với suy nghĩ của mình. Không chấp nhận. Thế là gấp sách lại. Không học nữa. Bài kinh bỏ dở. Mất cả việc xưng tội. Đã lâu lắm rồi. Hôm nay quyết định vào xưng tội mà lòng áy náy. Không biết cha ngồi giải tòa có bắt mình đọc bài kinh đó nữa không? Không biết cái tâm trạng xưng tội xong nó như thế nào? Nó có nhẹ nhàng tâm tư như đọc sách thấy các cha hay nói như thế? Hay là lại thấy tâm thần hãi sợ và không lấy gì làm hoan hỉ trong việc làm bổn phận này? Trên bục, cha Tiến Lộc vừa chấm dứt phần giải thích nghi lễ xưng tội và hòa giải thì đã thấy lác đác vài người đứng chờ trước phòng xưng tội rồi. Tưởng chỉ có hai cha ngồi giải tòa, nhưng mà không phải. Có cả thảy năm phòng giải tòa tất cả. Run run đẩy cửa bước vào. Lo lắng nhưng thành khẩn cung khai những điều lỗi và thành tâm xin Chúa tha tội, thành khẩn xin cha chúc lành cho linh hồn tội lỗi này. Cha ngồi giải tòa hiền lành ban nghi thức hòa giải. Đẩy cửa bước ra, lòng nhẹ nhàng như vừa trút được một gánh nặng cưu mang bấy lâu nay. Chưa tới giờ làm lễ, bước ra ngoài đi dạo vài vòng trước khi vào lễ chính thức. Vòng vòng đi, lòng vòng ngẫm nghĩ, phát hiện ra việc xưng tội không dễ dàng chút nào. Dù đã sắp xếp trong đầu các tội chính, dù đã xưng khai, mà sao còn áy náy trong lòng? Dường như mình chưa xưng hết thì phải! Dường như điều lỗi chính mình lại quên xưng mất rồi. Mà sao điều gì cũng thấy nó quan trọng cần phải xưng cả. “Quên” ? Không phải là quên, mà là không chỉ định rõ ý mình muốn cung xưng điều đó với cha. Lại tự hỏi: “Vậy mình có còn mắc tội không? Hay là phải chạy vào xưng thêm rõ ràng hơn nữa mới phải? Có cần thiết không?...” Ông bạn đời thấy tội nghiệp cái con người khù khờ tội lỗi nên bảo: “Em đã thành tâm xưng những tội chính thì được rồi, không cần phải xưng nữa làm gì.” Thế mà vẫn chưa yên lòng. Vẫn thấy khó chịu trong lòng. Có mấy khi mà mình đi xưng tội đâu chứ. Có mấy khi có nhiều cha về mở phòng giải tòa với hướng dẫn rõ ràng như thế đâu chứ. Thôi, vào xưng tội thêm lần nữa cho chắc ăn. Xưng với cha khi nãy hay chạy qua cha khác? Hồi nãy đã xưng mà không nhớ điều đáng phải khai, bây giờ chạy vào khai thêm, không biết cha sẽ nghĩ sao? Lòng ngại ngùng và ngượng ngập ghê đi! Thôi cứ đứng chờ, phòng nào trống thì vào, cha nào cũng là cha, các cha cùng ngồi nghe lời xưng tội thế gian để làm cái công việc hòa giải cho Chúa mà. Một cánh cửa xịt mở. Một người bước ra. Phòng trống, thôi cứ vào. “Thưa cha… khi nãy con đã có xưng tội rồi, nhưng mà con chưa xưng hết tội, thấy lòng áy náy, con vào xưng thêm tội …..”. Cha lắng nghe. Một sự im lặng ngột ngạt. Cha bắt đầu hỏi. Hơi bất ngờ vì không nghĩ cha sẽ hỏi kỷ càng tường tận. Bất ngờ hơn là điều mình cho rằng quan trọng thì lại không thấy cha hỏi đến. Ngập ngừng. Rồi thành thật trả lời. Cha không bắt phải đọc kinh, mà bảo phải làm cho đúng lẽ công bằng đối với tội của mình thì mới được hoàn toàn hết tội. Ra khỏi phòng giải tòa, một bao tạ phiền muộn nặng chình chịt trong lòng. Lòng hết còn phơi phới. Cái cảm giác khó chịu lại đến giống y như lần bị bắt về học lại kinh Ăn Năn Tội. Nỗi thất vọng và buồn bã xâm chiếm tâm hồn. Trong buổi thánh lễ, hai tiếng “lẽ công bằng” cứ vang vang trong đầu. Lẽ công bằng, lẽ công bằng là như thế nào. Làm sao để thực hiện được lẽ công bằng khi mà thực tế có rất nhiều điều bất công hiện hữu. Làm sao thực hiện được lẽ công bằng này để chuộc lại lỗi lầm của mình. Những bức xúc dường như lắng dịu khi để hết tâm hồn vào lời giảng của cha Tiến Lộc trên bục. Lời giảng cùng lối khôi hài tế nhị và sống động của cha đã làm mọi người bật cười. Tiếng cười vui vẻ như chấp nhận và hài lòng với lối giảng mộc mạc, gần gũi và rất thực tế đó. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tham dự một buổi lễ dài gần tiếng rưỡi mà không thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Những suy tư của cha thật là rất phù hợp, và dường như được cập nhật với lối suy nghĩ của thời đại hôm nay. Chính nhờ bài giảng của cha Tiến Lộc mà tự dưng tìm được đáp số cho cái thắc mắc về “lẽ công bằng”. Hết còn giận cha ngồi giải tòa. Lại thầm cám ơn cái khó tính đó của cha mà nhìn ra được đáp số cho việc chuộc lại lỗi lầm của mình. Chấm dứt bài giảng, cha Lộc còn hứa hẹn bài giảng ngày hôm sau cha sẽ nói về người bên đạo Tin Lành và Đức Mẹ Maria. Thầm nhủ, chắc chắn là phải có mặt vào buổi lễ ngày mai rồi. Cha giảng bài xúc tích và dí dỏm như vầy, hơn nữa đề tài cha nói, gợi trí tò mò quá. Không thể vắng mặt buổi lễ này được.

Cuối lễ, có một bất ngờ. Nhà thờ thắp nến và kêu gọi giáo dân cùng cất tiếng hát xin Đức Mẹ thương đến con dân nước Việt.

“Mẹ ơi, đoái thương cho nước Việt Nam, trời u ám… Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an…”

Ngọn nến lung linh trong bóng tối, tay chuyền tay, ánh sáng loé lên ngọn sáng yếu ớt trong tiếng ca cầu xin Đức Mẹ che chở cho dân tộc Việt Nam có được những nhà lãnh đạo biết thương yêu dân tộc. Ngọn nến lung linh như niềm tin mong manh của giáo dân chỉ biết trông cậy vào Mẹ, cầu xin Mẹ hướng dẫn chở che cho các tín hữu đang cơ cực và yếu thế trong cuộc đấu tranh cho công lý trong hòa bình tại các giáo xứ Thái Hà và Tam Tòa.

Bài hát đã đưa tôi về lại những đêm họp mặt đọc kinh trong khu xóm đạo của vùng cao nguyên Đà Lạt xa xưa. Bài hát đưa tôi về lại công viên nhà thờ trên đường Yên Đổ vào ngày Giáng Sinh năm nào. Bài hát này đã được cất lên trong giai đoạn đất nước đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Hôm nay bài hát lại cất lên trong đêm đen của lòng nhân ái. Nơi thiếu vắng lòng vị tha của một dân tộc đang lạc bước. Ngọn nến nhỏ lung linh cho tâm hồn kẻ tha hương một chút ấm lòng như đang gần gũi với các giáo hữu bên kia bờ đại dương. Màu nến vàng lung linh theo tôi vào trong giấc ngủ muộn màng lúc hai giờ sáng, trong chập chờn âm vang của tiếng hát trầm thống cầu xin cùng Mẹ Thiên Chúa đoái thương cho dân tộc mình.

Mặc dù ngủ trễ, nhưng tám giờ sáng là đã ra khỏi giường chuẩn bị cho buổi lễ chính của ngày Chúa Nhật này. Đây là lần đầu tiên nhập đoàn cùng đám rước kiệu Đức Mẹ. Đoàn người đi trong im lặng, tiếng ca và giọng đọc của một giọng nam, cùng một giọng nữ để hướng dẫn đọc kinh thật truyền cảm. Tiếng đọc kinh lại vang rền trong đoàn người đưa kiệu. Người dân bản xứ túa ra đường hay đứng trên ban-công nhìn đoàn người trật tự rước kiệu Đức Mẹ trong không khí tôn nghiêm và thành kính. Những tà áo dài màu thiên thanh của các ca viên nữ của ca đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm nổi bật dáng dịu dàng của người thiếu nữ Việt Nam. Lâu lắm rồi mới được ngắm nhìn những tà áo thướt tha đó nơi này.

Tượng Đức Mẹ đã được đưa vào nhà thờ, bàn thờ đã được trưng bày với nến, với hoa. Các em thiếu nhi Thánh Thể mở đầu bằng hai điệu múa chào mừng lễ hội. Buổi lễ hôm nay không chỉ có một cha xứ mà có thảy năm cha cùng làm lễ đồng tế. Cha xứ giới thiệu từng người. Bấy giờ mới biết tên từng cha một, đồng thời còn được biết các cha từ xa cùng về dự lễ. Có cha từ quê hương Việt Nam xa xôi, có cha từ nước láng giềng Hoa Kỳ, có cha từng sinh hoạt với giáo dân từ nhiều năm nay. Cha xứ bảo đây là lần đầu tiên nhà thờ làm lễ mừng Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, lớn và đông các cha như thế này. Giảng phòng bốn ngày, ngày nào cũng đông giáo dân tham dự. Rước kiệu Đức Mẹ cũng đông đảo bà con, một điều chưa hề thấy của xứ đạo này. Cảm thấy vừa là vinh hạnh cho các cha khách, vừa là vinh hạnh cho giáo dân.

Có lẽ trên bục giảng vì có nhiều ánh sáng từ các đèn vàng tỏa ra, hơi nóng của nến, đồng thời nhiệt độ nóng không gió bên trong làm nhà thờ càng nóng hơn. Tội nghiệp cha Tiến Lộc, vừa giảng bài mà cứ chốc chốc cha lại phải lâu mồ hôi nhễ nhãi tuôn. Nhìn cha ngồi chiêm nghiệm lời Chúa, thấy thương cái dáng mộc mạc của cha. Bất chợt để ý thấy áo lễ của cha có hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bế Chúa Giêsu Hài Đồng. Bức hình nổi tiếng mà có lần nào đó đọc được lời giải thích rằng, Chúa Giêsu Hài Đồng đang nắm chặt cánh tay Mẹ khi chiếc giầy nơi chân của người sút dây như sắp rơi tuột. Mẹ Maria đã ôm chặt Chúa con vào lòng mà chở che khi người còn là hài đồng. Đó cũng là một hình ảnh tôn kính Mẹ Maria của dòng Chúa Cứu Thế. Cha Tiến Lộc bảo hôm nay nhà thờ nóng giống như cái nóng ở La-Vang vậy.

Rồi cha kể về đức tin của người được Đức Mẹ La-Vang dẫn đưa về lại với Chúa Cha. Trong một bài giảng của cha, không chỉ học được một bài, mà là hai-ba bài học khác nhau lồng trong một bài giảng. Các ý tứ không rời rạc mà lại ăn khớp nhau khiến bài giảng thật xúc tích. Lối kể chuyện dí dỏm của cha cũng là một điểm nhấn thu hút người nghe không thấy tẻ nhạt và nhàm chán. Sợ nhất là các cha chỉ thích trích sách phúc âm, câu thứ mấy, trang số mấy, của ông Thánh nào rồi cứ thế mà trích dẫn, chẳng có lấy một bài học sống động nào trong lời giảng. Một cha khách từ Châu Phi sang giảng ở nhà thờ Tây gần nhà đã làm mất buổi sáng vui vẻ khi bước vào dự lễ với lối giảng như thế. Có cha Tây với mái tóc đã điểm sương nhiều hơn màu muối tiêu thì lại càng não nùng. Khi cha giảng, chỉ thấy cha kể công đi nhà thờ này giảng, đến nhà thờ kia giảng, cha lúc nào cũng kể lể một chương trình bận rộn của mình. Thế mà việc làm lễ cho nhà thờ chính của giáo xứ do cha chủ trì, chẳng mấy khi thấy cha về làm lễ - chắc cha chê giáo dân nghèo! Buổi lễ nào cha giảng không hiểu cha muốn nói gì thì hai vợ chồng ngó nhau hỏi: “Cha nói gì? Hiểu không vậy?” – Lắc đầu, chẳng biết cha vừa nói gì! Dường như bài giảng đã không được soạn kỹ. Ý không mạch lạc, lung tung và hỗn tạp. Một buổi sáng không tiếp thu điều gì ngoài việc được rước mình thánh Chúa. Hôm nào đi lễ mà có cha Tây trẻ, giọng nói nhỏ nhẹ và hiền lành, thì mừng, vì cha siêng ơi là siêng. Mỗi bài giảng của cha là một đề tài hấp dẫn. Nghe cha giảng, cách cha nói, cảm nhận được cha yêu Chúa nhiều lắm, vì trong bài giảng là cả một tâm tình dành cho Thiên Chúa Cha. Những hôm được nghe bài giảng hay như thế, trên đường về nhà, thường có tâm tình vui vẻ và lòng muốn ca hát ngợi khen Chúa không thôi. Chẳng bù với những bài giảng cũ xì lập đi lập lại… cha nào làm biếng biết liền. Có một buổi lễ, ngỡ ngàng khi thấy một cha Việt lập lại bài giảng cách đây 2 năm ông đã giảng. Bài giảng có các năm A, B, C. Cứ tới năm A,B hay C, cũng vào mùa nào đó, thì cha cũng lại giảng một bài như vậy.Thất vọng ghê đi. Lại thắc mắc, vậy lời Chúa chỉ có bấy nhiêu, vậy cha soạn bài để đó, không cần học hỏi thêm, không cần tìm hiểu thêm về Chúa nữa hay sao? Ôi Chúa là nguồn vô tận, nên khi nào đọc hay nghe được một bài giảng có soạn thảo kỹ lưỡng, biết là cha đó yêu Chúa nhiều lắm mới có thể để hết tâm tình vào việc đem Chúa đến cho giáo dân. Cám ơn những vị đã viết sách, đã giảng dạy lời Chúa cho con với tâm tình hiến dâng đó.

Dù thiếu ngủ, sáng lại đi rước kiệu Đức Mẹ, nhà thờ lại nóng, mà đầu óc vẫn tỉnh táo, không thấy mệt mỏi hay buồn ngủ chút nào. Lại còn tiếc sao buổi lễ hôm nay nhanh quá, dù rằng buổi lễ hôm nay kéo hơn hai tiếng đồng hồ. Hồi nào tới giờ thấy nói các cha dòng CCT đi giảng phòng, mà không hiểu giảng phòng là gì? Bây giờ thì thắc mắc ấy đã được làm sáng tỏ. Những buổi giảng phòng như vậy, thật là ích lợi cho giáo dân, không phải vì là lễ hội, cũng không phải vì có nhiều cha về vì đông thì vui, mà vì đó là cơ hội cho những người mới gia nhập đạo hiểu thêm về sinh hoạt của đạo mình vừa bước vào. Bởi vì họ không phải là những bổn đạo gốc, nên những sinh hoạt của giáo xứ và những lề luật của giáo hội, thường không được nắm rõ và hiểu biết tường tận. Chính nhờ những dịp như vầy, người tân tòng mới có thể hội nhập vào đời sống người tín hữu Kitô, mới gần gũi và hiểu biết hơn lề lối sinh hoạt của bổn đạo.

Anh em ta về cùng nhau ta quay quần này,
Một, hai, ba, bốn, năm,
Anh em ta về cùng nhau ta xum họp này,
Năm, bốn, ba, hai, một,
Một đều chân bước nhé,
Hai quay nhìn nhau đi,
Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa,
Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể, anh em một nhà,
Năm nhớ mãi lời (tình) này trong câu ca.

Bài hát “Anh em ta về” của cha Tiến Lộc, năm xưa là bài ca tôi thường hát khi tập tễnh đi sinh hoạt. Hôm nay mới thật sự biết mặt, biết tên tác giả của bài hát này. Bao nhiêu người đã về tụ họp dưới bóng đức tin của Mẹ Hằng Cứu Giúp để cùng suy niệm lời Chúa, cùng suy niệm về ơn lành được Mẹ dẫn đưa đến Chúa, cùng cầu nguyện cho chính mình và người anh-chị-em nơi quê nhà. Lời kêu gọi về họp mặt quay quần bên nhau trong bài hát ấy cũng ý nghĩa không kém nếu đem áp dụng vào buổi họp mặt của buổi lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời hôm nay.

Âm vang của mùa giảng phòng năm nay thật là ý nghĩa với chính bản thân. Bởi vì, thấy mình được ơn ích về nhiều mặt. Thấy yêu kính Đức Mẹ hơn trong dịp lễ Mông Triệu này. Nhờ có Mẹ mà được nhận lãnh bí tích hòa giải cùng với Chúa. Nhờ Mẹ mà được thấy, được nghe lời giảng tâm tình của cha Tiến Lộc. Làn hơi mới của đức tin học được từ buổi giảng phòng này, niềm vui có được từ buổi lễ được tham dự, tất cả là một kỷ niệm khó quên mà âm vang của nó vẫn còn đọng lại khi viết những dòng chữ này.

24Aug 2009.