Nạn sao chép lậu, huấn luyện tồi cản bước tiến điện toán ở Việt Nam
HÀ NỘI 30-7(TH).- Tệ nạn in lậu các nhu liệu, sự gia tăng chậm chạp số người sử dụng Internet và việc huấn luyện chuyên viên ngành tin học quá kém cỏi đã làm cho kỹ nghệ điện toán ở Việt Nam không thể phát triển được, báo chí trong nước tường thuật như vậy hôm thứ ba 30-7-2002.

Lê trương Tùng, chủ tịch Hội Điện Toán ở Sài Gòn nói rằng thị trường Tin Học năm 2001 trị giá khoảng 340 triệu đô la, trong đó, máy điện toán chiếm đến 280 triệu đô la, nhu liệu và dịch vụ sửa chữa chiếm phần còn lại.

Tuy con số này gia tăng 4% so với năm 2000, điều này cho thấy mức độ phát triển gần như không đáng kể, khi so với mức độ phát triển trên thế giới là 49%. Tờ Tin Tức bằng anh ngữ tường thuật lời ông Tùng trình bày trong một cuộc hội thảo ở Sài Gòn vào tuần trước.

Tùng cho hay sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư phát triển phần mềm gần như chắc chắn là phản ứng đối với tệ nạn sao chép lậu quá phổ biến ở trong nước. Hồi tháng 6 vừa qua, Liên Hiệp Kỹ Nghệ Nhu Liệu, một tổ chức điều tra về tệ trạng ăn cắp bản quyền trí tuệ, coi Việt Nam là nước đứng hàng đầu thế giới về nạn ăn cắp tác quyền trong năm 2001. Họ nói rằng 94% các chương trình điện toán dùng ở Việt Nam là sản phẩm bị sao chép lậu.

Công ty kiểm toán Andersen, trong bản phúc trình hồi tháng Ba, cũng nói rằng tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở và sự kiềm chế chặt chẽ của nhà cầm quyền CSVN về vấn đề thông tin, đã là các trở lực chính làm cho kỹ nghệ tin học ở Việt Nam không thể phát triển và đồng thời cũng là trở lực chính khiến giới đầu tư không muốn đầu tư ngành tin học ở đây.

Trong số các lý do cản bước phát triển của kỹ nghệ tin học trong nước, Tùng cho rằng số người sử dụng Internet quá ít so với tỉ lệ sử dụng trên thế giới, dù giá biểu thuê bao đã giảm xuống và nỗ lực quảng cáo gia tăng. Tính tới tháng 6 năm nay, cả nước chỉ có 175,000 nhà thuê bao Internet, gia tăng 30% so với năm 2001. Tuy nhiên, số người sử dụng Internet, phần lớn là qua các quán cà phê Internet, được phỏng đoán đến 600,000 người, trong một nước nông nghiệp có gần 80 triệu dân.

Số quán cà phê Internet tại Việt Nam giữa khoảng 4,000 đến 5,000. Mới đây, Hà Nội ra lệnh kiểm soát chặt chẽ sự sử dụng Internet tại các nơi này, lấy cớ là bảo vệ sinh viên và học sinh khỏi các địa chỉ bậy bạ tình dục, nhưng thực chất là ngăn chặn các nguồn thông tin về tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo từ trong nước với thế giới.

Giới quan sát nhận định rằng số gia đình có máy điện thoại ở Việt Nam còn rất thấp, số nhà có máy điện toán lại càng thấp hơn nữa, là các rào cản cho việc phát triển hệ thống Internet, từ khi nó được khởi sự ở đây vào năm 1997. Thống kê nói hiện nay chỉ có 3.2 máy điện thoại cho mỗi 100 người. Tại Việt Nam, ngoài tiền thuê bao căn bản hàng tháng, người sử dụng Internet còn phải trả lệ phí sử dụng tính từng phút nên không mấy ai dám ngồi trên máy điện toán lâu. Chưa kể đến những cấm cản thông tin như lập bức tường lửa, đọc trộm e-mail v.v...

Vì số người dùng Internet quá ít đã ảnh hưởng đến thị trường phần mềm, Lê trương Tùng nói vì vậy đã không hấp dẫn được đầu tư tin học. Ông còn thấy Việt Nam không có đủ người có trình độ chuyên môn cao trong ngành tin học để phục vụ cho kỹ nghệ tin học nếu nó có cơ hội bùng phát. Bởi vì, việc giáo dục tin học quá yếu kém.

Các tin tức trước đây cho hay, đa số các ông thầy dạy đại học ở Việt Nam chỉ là các người vừa học xong ban cử nhân, có vẻ khá hoặc con ông cháu cha được giữ lại trường để dạy học. Tình trạng như vậy không thể có nhiều chuyên viên giỏi, và có trình độ cao về tin học ở trong nước.

Hồi tháng Hai, Hà Nội lập kế hoạch phát triển Internet giai đoạn 2001-2005, nói rằng đến năm 2005, Việt Nam sẽ có mật độ thuê bao Internet từ 1.3 đến 1.5 trên tổng số 100 dân. Hiện nay tỉ lệ này là 0.25% trên 100 dân. Kế hoạch phát triển chậm như vậy cho thấy nhà cầm quyền CSVN muốn giới hạn số người sử dụng Internet trong nước qua sự siết chặt thông tin và kiểm soát người sử dụng tới tối đa trong khi lệ phí sử dụng lấy rất đắt.

Hiện nay, tất cả các công ty cung cấp dịch vụ truy cập Internet đều là của nhà nước và các nguồn thông tin đều phải qua một bức tường lửa làm rào chặn và kiểm duyệt. Không có công ty tư nhân hay ngoại quốc được chen chân vào.