CHẤT VẤN

Chúa Nhật XII TN B

Hai từ “chất vấn” xem ra ít gây thiện cảm hơn là các từ “hỏi” hay là “đặt vấn đề”. Không biết Quốc hội ở các nước khác ra sao, còn Quốc Hội nước Việt chúng ta mấy năm trở lại đây có vẻ là chính mình hơn khi được phép hay có quyền chất vấn các vị đứng đầu Nhà Nước. Dù là đặt vấn đề hay đặt câu hỏi hay chất vấn thì mục đích nhắm đều là để được sáng tỏ một vấn đề nào đó mà người chất vấn chưa nắm rõ hay chưa đồng thuận. Dĩ nhiên ở các xã hội độc tài, chuyên chế thì ít có ai dám to gan chất vấn người cầm quyền, vì sợ mang vạ vào thân. Lại có những thể chế muốn chứng tỏ rằng có sự dân chủ nên “cho phép” người ta chất vấn nhưng thực chất không muốn người bị trị có quyền chất vấn.

Không bàn chuyện thời sự thế trần, nhân dịp mẹ Hội Thánh dọn cho đoàn tín hữu bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng trong Chúa Nhật XII TN B, xin đặt câu hỏi là chúng ta có được phép chất vấn Thiên Chúa không ? Một trận cuồng phong trên biển cả xem ra là chuyện thường tình của giới tự nhiên. Thế nhưng, khi gió lớn, sóng to ập vào thuyền của tôi, thì đó không còn là chuyện bình thường. Những tai ương, hoạn nạn, dịch bệnh do thiên tai hay do nhân họa vẫn mãi là những sự dữ đối với những người trực tiếp hay gián tiếp gánh chịu. Chúng ta có quyền hỏi Thiên Chúa không hay chúng ta có nên đặt vấn đề không, nhất là những vấn đề liên quan đến sự dữ ?

Trước vấn nạn sự dữ thì dường như không chỉ khó hiểu mà còn khó chấp nhận. Người làm sự lành mà phải gánh sự dữ thì vẫn có đó trước mắt chúng ta, chứ đâu riêng gì mình ông Gióp. Về vấn đề này, không riêng gì sách Gióp mà nói chung Cựu ước thường có câu trả lời rằng như chiếc bình sành không thể và không có quyền chất vấn người thợ gốm, thì con người trong kiếp thụ tạo hữu hạn không có quyền chất vấn Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ vạn vật từ hư vô, Đấng dựng nên con người, dựng nên từng người không cần hỏi ý kiến một ai. Ông Gióp cuối cùng đã biết phận để rồi “ lấy tay che miệng” ( x.G 40,4 ) và “xin rút lại những gì đã nói” ( x. G 42,6 ).

Tân ước lại cho chúng ta một cái nhìn có vẻ như ngược lại nhưng thực ra là bổ túc, là hoàn thiện cái nhìn của Cựu ước. Đến thế gian, Chúa Kitô không ngại ngần trước các vấn nạn người ta đặt ra. Người còn gợi ý để cho các môn đệ chất vấn bằng việc đặt câu hỏi trước. “ Người ta bảo Con Người là ai ?...Còn các con, các con bảo thầy là ai ? ( Mt 16,13). Các tông đồ, các môn đệ đã không ngại ngần “chất vấn” Thầy chí Thánh. “ Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” ( Mc 4, 38 ). Chúa ơi, Chúa ở đâu khi con đang trong cảnh khốn cùng ? Con biết Chúa không vui thích gì khi con người phải khổ, phải chết, thế mà sao cái khổ, cái chết vẫn mãi đe dọa chúng con ? Sao con làm người trong cái hình hài này, ở một thời đại, một hoàn cảnh không chút gì thuận lợi ? Tại sao những người độc tài, độc quyền, độc ác cứ mãi nhởn nhơ trong nhung lụa ? Nhiều câu hỏi tại sao thỉnh thoảng lại đến mà như không có lời giải đáp, đúng hơn là khó làm thỏa lòng thỏa trí chúng ta.

Điểm tới của những lời chất vấn là lòng tin. “ Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” Dù như khiển trách, nhưng Chúa Giêsu đã biết các môn đệ vốn có lòng tin vào Người nhưng lòng tin ấy đang còn non yếu. Không tin vào Thầy thì cớ sao các ngài lại đánh thức Thầy dậy để xin cứu giúp. Đức tin không phải là một thực tại đã hoàn thành mà là một quá trình dấn thân. Niềm tin của Kitô hữu là tiến trình bước theo Đức Kitô. Tiến trình ấy không luôn trơn tru, thẳng tắp, kiểu thuận buồm xuôi gió. Có khi chững lại vì gặp vật cản, có khi chệch hướng, thậm chí có lúc bị giật lùi. Những câu hỏi, những lời chất vấn xuất hiện là một trong những động lực hay là cách thế để ta vượt qua vật cản, chỉnh hướng và tiến lên. Như thế, các câu hỏi hay những lời chất vấn trở thành phương thế củng cố niềm tin, thanh luyện đức tin.

Chúa Kitô không ngần ngại trước những lời chất vấn của người Do Thái và các câu hỏi của các môn đệ., vì nhờ chúng mà căn tính và sứ mạng của Người ngày càng được tỏ bày, và qua đó đức tin của nhiều người được hình thành và vững mạnh. Quả thật, chẳng có ai dám to gan cho rằng mình đã nắm trọn chân lý hay đã vững vàng trong đức tin. Thế mà đã có lúc chúng lại ngần ngại và có khi lại sợ người đồng đạo, sợ người “ngoại đạo” chất vấn niềm tin của chúng ta. Cần thú nhận rằng chính chúng ta cũng rất ngại ngùng chất vấn niềm tin của mình, đúng hơn là đặt vấn đề về một vài nội hàm của đức tin vì sợ rằng sẽ có nguy cơ lạc đạo hay bị gán ghép là rối đạo. Trong tình bạn thì các câu hỏi hay những lời chất vấn là chuyện thường tình như lẽ đương nhiên. Chúng chỉ là bất thường trong mối quan hệ chủ tớ. Chúa Kitô đã khẳng định Người không muốn chúng ta làm người tôi tớ mà là bạn hữu. ( x. Ga 15,15 ).

Chúa Kitô mãi là dấu hỏi cho con người đến tận cùng lịch sử. Hiện nay, chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong gương, sau này chúng ta sẽ thấy Người như chính Người là. Ngưòi thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy ( x. 1Cor 13,12 ). Chính vì thế, vị trí, vai trò của những câu hỏi luôn còn đó. Và một trong những vai trò chính yếu của chúng là dẫn chúng ta đến với niềm tin. Mỗi khi chúng ta không còn biết đặt vấn đề thì rất có thể là chúng ta đang ở trong tình trạng “cuồng tín” hay là vô tín. Khi chúng ta ngần ngại tha nhân đặt vấn đề hay chúng ta thấy khó chịu khi tha nhân, khi người dưới quyền chất vấn chúng ta thì có lẽ chính chúng ta đang có vấn đề. Một trong những vấn đề thật khó chối cãi, đó là chúng ta chưa thực sự tin vào sự ngay chính của bản thân hay của công việc mình đang thực hiện. Và một điều khá chắc chắn nữa, đó là người ta cũng chưa tin vào chúng ta.

Nhân “năm linh mục” đã khai mở, mong sao các mục tử trong Giáo Hội không cảm thấy khó chịu khi đoàn tín hữu, người dưới quyền đặt câu hỏi hay chất vấn mình về công việc mục vụ, về thái độ sống…của mình mà trái lại, vẫn thấy nhẹ nhàng, bình an. Càng có nhiều câu hỏi về linh mục thì căn tính của linh mục sẽ dần sáng tỏ, đồng thời vị trí vai trò của linh mục càng được người ta tin nhận.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.