Nói về báo chí Công giáo, nhiều người đồng tình với nhận xét của GS.TS Đỗ Quang Hưng: “Người Công giáo, các tờ báo Công giáo được kể như người mở đầu trong hình thức sinh hoạt văn hoá mới (trong quỹ đạo tiếp xúc và đụng độ với nền văn minh phương Tây) và nói riêng là nghề làm báo ở nước ta” (1). Theo thống kê sơ bộ từ năm 1908 đến nay đã có khoảng 180 tờ báo Công giáo ra đời ở Việt Nam. Chúng ta cùng tìm hiểu về tình hình của báo chí Công giáo ở nước ta trước kia cũng như hiện nay.
Có thể chia lịch sử báo chí Công giáo ở Việt Nam làm ba thời kỳ:
1- Thời kỳ trước năm 1945
Khi truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam, các nhà truyền giáo châu Âu cũng mang vào nước ta luôn cả những thành tựu văn minh của phương Tây trong đó có kỹ thuật in ấn và làm báo. Vì vậy báo chí Công giáo và những người Công giáo viết báo sớm xuất hiện ở nước ta. Lịch sử báo chí tiếng Việt được kể từ ngày 15-4-1865 tức là khi tờ báo quốc ngữ Gia Định báo ra đời. Tờ này lúc đầu do Ernest Potteau- người Pháp làm chủ nhiệm nhưng các cây bút chủ lực của tờ báo lại hầu hết là người Công giáo như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), Pô luýt Lương, Pô luýt Tôi…Ngày 16-5-1869 khi Trương Vĩnh Ký được giáo phụ trách tờ Gia định báo thì diện mạo tờ báo thay đổi hẳn. Từ một tờ báo chỉ đăng các thông cáo, văn bản của chính quyền cai trị thành một tờ báo theo phương pháp “ nói viết như thường”, nội dung khá phong phú. Có đủ cả tin tức, văn học nghệ thuật, nghiên cứu và tích cực cổ động cho việc học chữ quốc ngữ.
Một tờ báo Công giáo đúng nghĩa cũng xuất hiện sớm và tồn tại lâu đời ở Việt Nam đó là tờ Nam Kỳ địa phận. Số đầu tiên ra ngày 26-11-1908 và số cuối cùng ra ngày 1-3-1945. Ngay trang bìa của báo có in huy hiệu Toà Giám mục và mục đích của tờ báo là “ để cho bà con An Nam thông phần đạo, ngoan phần đời”. Tờ báo có rất nhiều chuyên mục từ tin tức, thư chung, lời Kinh thánh, chuyện phong hoá, thi ca, bài thuốc, chuyện canh nông, thương mại, chuyện giải buồn và cả quảng cáo nữa. Tờ báo rất chú trọng giáo dục phong hoá, chống lại các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện hay ăn chơi đàng điếm. Có những cây bút rất gây ấn tượng cho độc giả như linh mục DM. Hồ Ngọc Cẩn, sau này trở thành vị Giám mục thứ hai người Việt ở nước ta.
Sang đầu thế kỷ XX, báo chí Công giáo phát triển mạnh mẽ về số lượng. Trong số 40 tờ báo tôn giáo bấy giờ thì báo Công giáo chiếm hơn nửa. Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo. Hà Nội có Trung Hoà nhật báo tồn tại 22 năm từ tháng 9- 1923 đến 1945 với mục tiêu: “ giữ đức ái nhân, noi theo chân lý” do ông Nguyễn Hưng Thi hiệu Đông Bích là chủ bút. Tại Nam Định có tờ Văn côi, Phát Diệm có Thánh thể báo (ra đời năm 1919), Huế có nguyệt san Sancerdos Indosinensis do linh mục Cadiere Cả phụ trách, xuất bản ngày 19-3-1927. Tờ tam nhật tuần báo Vì Chúa của linh mục G.M Thích xuất bản năm 1936 ở Huế, bằng cả quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, phát hành ra cả nước ngoài. Nhà chí sĩ Phan Bội Châu từng cộng tác với báo này. Còn Sài Gòn cũng có nguyệt san Vì Chúa (năm 1939). Dòng Đa minh có tờ Đa minh, dòng Chúa Cứu thế Hà Nội có tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (năm 1929), dòng Đa minh Hải Phòng có tờ Hy vọng (năm 1937)…
Có một số tờ báo ảnh hưởng sâu rộng trong độc giả nhất là giới trí thức như tờ Công giáo đồng thinh (La voix commune du Missions Catholicques) tồn tại từ 1927 đến 1930 và tờ tuần báo Công giáo tiến hành (1936-1938). Tờ Công giáo Nam Thanh sau đổi tên là Thanh niên do Phạm Đình Khiêm chủ bút ở là tiếng nói của phong trào Thanh lao công Công giáo Bắc Kỳ (1936-1944) cũng là tờ có nhiều đóng góp về văn học, nghệ thuật.
Sau cách mạng tháng 8-1945, tờ Đa minh ở Bùi Chu có nhiều bài cổ vũ cho tinh thần dân tộc. Số 149 ra ngày 1-10-1945 có in bài phát biểu của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn trong tuần lễ vàng rất cảm động và vị Giám mục này đã ủng hộ cả dây chuyền vàng cho chính phủ kháng chiến. Còn số 150 ra ngày 1-11-1945 có in ở trang bìa cùng với dòng chữ “ Mến Thiên Chúa- Yêu Tổ quốc”.
2- Thời kỳ trước ngày 30- 4-1975
Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955. Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh. Khó mà có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này nhưng hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Chẳng hạn, khi thành lập Liên đoàn sinh viên Công giáo Sài Gòn năm 1954 thì linh mục Nguyễn Huy Lịch cũng lập nguyệt san Thông cảm. Còn khi linh mục Thanh Lãng được bổ nhiệm là Giám đốc cơ quan Thông tin báo chí Công giáo tháng 6-1958 thì cũng sáp nhập ba tờ báo Công giáo Thẳng tiến (của linh mục Phạm Văn Thăm), Sao Việt (của linh mục Đỗ Minh Lý) và Yếng sáng (của linh mục Võ Văn Bộ) thành tờ Việt tiến với tuyên ngôn: “ Việt tiến từ đây sẽ được coi là tiếng nói của người Công giáo Việt Nam trước tất cả những vấn đề đang đòi hỏi người Công giáo phải minh định thái độ và lập trường”. Tờ báo này đình bản từ tháng 3-1960 vì linh mục Thanh Lãng chuyển sang làm Giám đốc trường tư thục Lê Bảo Tịnh. Riêng người di cư từ Bắc vào Nam cũng có tờ tuần báo Đường sống ra mắt tháng 2-1955 do linh mục Vũ Đình Trác là chủ nhiệm. Có những tờ báo từ Bắc sau khi di cư vào Nam vẫn tiếp tục phát hành như tờ Đức Mẹ Hằng cứu giúp đến tận năm 1975 và sau đó lại phát hành ở Hoa Kỳ từ năm 1985 mà số lượng rất lớn tới 26.000 bản. Giai đoạn này ở miền Nam dòng tu nào, địa phận nào cũng có tờ báo riêng như dòng Chúa cứu thế có tờ Tin tức do linh mục Trần Hữu Thanh là chủ bút. Giáo phận Sài Gòn có tờ Linh mục nguyệt san có lượng phát hành lớn. Huế có tờ Tin mừng(1970), Cần Thơ có tờ Thực hành do Đức giám mục Nguyễn Văn Bình lập năm 1955. Phong trào Hội học Kitô giáo (Cursillos) có tờ Thông tin. Vĩnh Long thời Đức Giám mục Nguyễn Văn Thiện (1961-1967) có tới 4 tờ báo Lửa mến, Thánh nghiệp, Nghĩa binh và Catena Legionis. Linh mục Nguyễn Quang Lãm ra tờ Xây dựng năm 1964. Linh mục Chân Tín lập tờ Đối diện năm 1969 với mục đích: “Đối diện là nơi gặp gỡ tất cả những ai tha thiết với vấn đề xã hội, cùng nhau mổ xẻ tình trạng của đất nước sau gần 25 năm chiến tranh, cùng nhau nghiên cứu những giải pháp thực tế thích ứng để san bằng những bất công xã hội và tiến tới phát triển con người toàn diện. Các vấn đề của đệ tam thế giới, những chủ nghĩa tư bản và xã hội sẽ được đề cập đến” (2) …
Một đặc điểm của báo chí Công giáo thời kỳ này là xuất hiện nhiều tờ báo có khuynh hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc và canh tân giáo hội. Linh mục Trần Hữu Thanh còn viết cáo trạng kể 5 tội tham nhũng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tháng 9-1974 trên báo chí. Linh mục Võ Thành Trinh nhận xét:
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng của những người Việt Nam Công giáo này. Họ đã chủ trương một loạt những tạp chí, nguyệt san, tuần báo như Sống đạo, Đất nước, Đối diện, Chọn, Tin mừng hôm nay, Làm dân…Những tờ báo này chẳng những góp vào tiếng nói của cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Sài Gòn, là khí cụ của cuộc đấu tranh này…mà còn phản ánh quá trình đặt vấn đề về chỗ đứng của giáo hội Công giáo Việt Nam với dân tộc” (3).
Tại nước ngoài cũng có những tờ Công giáo của người Việt có khuynh hướng này như tờ Công giáo và dân tộc do linh mục Nguyễn Đình Thi là chủ nhiệm xuất bản ở Paris từ năm 1968.
Sau ngày 30-4-1975, hầu hết các tờ báo Công giáo trên đây đều đóng cửa hoặc di tản ra nước ngoài. Chỉ có tờ Công giáo và dân tộc từ Pháp trở về và hoạt động tại Sài Gòn từ ngày 10-7-1975.
3- Giai đoạn sau 30- 4-1975
3.1: Báo viết
3.1.1: Báo công khai
Về phía tổ chức yêu nước của người Công giáo có 2 tờ.
- Báo Chính nghiã - cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hoà bình phát hành số đầu tiên ngày 30-3-1955. Tờ này là sự hợp nhất của các tờ Vì Chúa vì Tổ quốc ở Nam Bộ, Sáng danh Chúa ở Khu Ba và Tả Ngạn. Sau khi Uỷ ban Liên lạc Công giáo toàn quốc đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, báo Chính nghĩa cũng đổi tên thành báo Người Công giáo Việt Nam phát hành từ ngày 2-9-1984. Số lượng phát hành của tuần báo này hiện khoảng trên dưới 2000 bản.
- Báo Công giáo và dân tộc: là cơ quan ngôn luận của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Tp. HCM. Tờ này hiện có hai ấn bản: Nguyệt san phát hành từ tháng 12-1994 hàng tháng với số lượng khoảng 3500 bản/kỳ. Tờ báo này là thành viên của Hiệp hội báo chí Công giáo thế giới từ 19-5-1994 và được tổ chức này (UCIP) tặng Huy chương vàng ngày 21-9-2001. Tuần báo có khoảng 15-18.000 bản/kỳ.
Về phía Giáo hội Công giáo có Bản tin Hiệp thông – cơ quan ngôn luận của Hội đồng giám mục Việt Nam được cấp phép ngày 26-7-2001 số 2544/VHTT-BC do ông Đỗ Quý Doãn- Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin ký với nội dung cho xuất bản 2 tháng/kỳ, khổ A4, 48 trang và số lượng 100 bản. Trước khi cấp phép, bản tin đã ra lưu hành nội bộ 10 số. Nội dung chủ yếu là đăng các văn kiện của Toà thánh và của Hội đồng giám mục Việt Nam. Mỗi số dày 250-350 trang A5. Sau khi có giấy phép thì chỉ có 4 số (từ 11 đến 14) là theo đúng nội dung giấy phép, còn từ số 16 trở đi là theo khổ A5 và số lượng in khoảng 2500 bản. Trước năm 2006 thì linh mục Nguyễn Ngọc Sơn thực hiện bản tin, sau đó giao sang cho Uỷ ban văn hoá của Đức Giám mục Vũ Duy Thống. Bản tin Hiệp thông đến tháng 5-2009 ra được 47 số và cũng đã được chuyển lên mạng internet qua trang dunglac.net từ số 33.
Ngoài ra một số giáo phận như Thái Bình, Hà Nội…gần đây cũng xin phép xuất bản sách để thông tin về tình hình giáo phận nhưng nội dung thì giống báo chí nhiều hơn ví dụ như cuốn Nhà chung (giáo phận Hà Nội) phát hành tháng 3-2009.
3.1.2 Báo lưu hành nội bộ
Báo lưu hành nội bộ của các giáo phận, dòng tu đều có nhưng không phát hành thường xuyên, định kỳ. Ví dụ giáo phận Thái Bình có tờ Ra khơi, Giáo phận Tp. HCM có Bài giảng chúa nhật ra hàng tháng, dòng Đa minh có nguyệt san Thần học. Dòng Chúa Cứu thế có Chuyên san giáo lý. Uỷ ban đoàn kết Công giáo Tp. HCM có Tuyển tập thần học…Thậm chí các tổ chức như giới trẻ Phát Diệm cũng có những bản tin riêng, chế bản điện tử để phổ biến.
Cộng đồng Công giáo ở nước ngoài từ năm 1975 trở đi cũng có nhiều tờ báo. Ra đời sớm nhất là tờ nguyệt san Chân Trời Mới của Trung Tâm Mục Vụ New Orleans thực hiện từ 1975-1976. Sau đó có Nguyệt san Dân Chúa do linh mục Việt Châu (dòng Thánh Thể) là chủ nhiệm, phát hành số đầu tiên ngày 15-2-1977 với lượng in là 8000 bản. Dân Chúa có 3 ấn bản ở ba châu lục gọi là Dân Chúa Âu châu, Dân Chúa Úc châu, Dân chúa Mỹ châu phát hành ở các lục địa sở tại khá phổ biến. Tờ Trái tim Đức Mẹ của chi dòng Đồng Công tục bản ở Hoa Kỳ năm 1977 đến tháng 10-1987 cũng có 10.000 độc giả dài hạn. Tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp do các linh mục dòng Chúa cứu thế Châu Xuân Báu, Hồng Phúc, Vũ Minh Nghiễm điều hành, có khuynh hướng chính trị ra đời muộn hơn vào năm 1985. Trong giao đoạn này một tờ nguyệt san Thời Điểm Công Giáo do LM Trần Công Nghị và một nhóm trí thức và văn sĩ chủ trương và cộng tác cũng ra đời. Ngoài ra còn có tờ nguyệt san Hiệp Nhất ra đời từ năm 1992 của Cộng đồng CGVN giáo phận Orange thực hiện có số độc giả đáng kể và sau đó có tờ nguyệt san Diễn đàn giáo dân cũng xuất bản ở Orange và do nhóm giáo dân Công giáo phụ trách.
Tờ báo Công giáo ở hải ngoại ra đời sớm nhất là tờ Chuông Việt (vào giữa thập niên 1950 và duy trì cho tới biến cố năm 1975) do Ban Tuyên Uý và Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Bắc Mỹ thực hiện. Tiếp đến là tờ thông tin có tên là Cộng Đồng Tu Sĩ chủ trương khi thành lập Cộng Đồng tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ (1971). Sau biến cố 1975 có nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tới định cư tại Hoa Kỳ với nhu cầu liên kết lại với nhau, nên đã thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ vào năm 1980 tại San Jose, và tiếp đến tờ Liên lạc do linh mục Nguyễn Văn Tịnh- Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ đầu tiên (1980-1984) làm chủ bút nhưng phát hành hạn chế ở khu vực bắc Cali và đóng cửa năm 1983. Tiếp đến khi có tiến trình Phong thánh Tử Đạo Việt Nam vào năm 1988 thì trước đó một năm Liên Đoàn CGVNHK có cho phát hành nguyệt san Chứng Nhân Công Giáo với lượng phát hành là 10.000 số báo mỗi tháng và được phân phối rộng rãi khắp các cộng đoàn Công giáo tại Hoa Kỳ.
3.2 Báo nói (đài phát thanh)
Hệ thống đài phát thanh Công giáo bằng tiếng Việt hiện đều ở nước ngoài. Đài Chân lý Á châu (Veritas of Asia) đặt ở Manila Philippines. Chương trình phát mỗi ngày 6 buổi, mỗi buổi 30 phút. Riêng chủ nhật có thánh lễ truyền thanh trực tiếp lúc 8h30. Hiện đài cũng có phát các bản tin qua mạng internet. Chương trình tiếng Việt chỉ là một trong 25 ngôn ngữ của đài Chân lý á châu được thành lập từ năm 1969.
Đài Vatican (Vatican Radio) đặt tại Roma, phát mỗi ngày về Việt Nam 2 buổi, mỗi buổi 30 phút. Đài này phát đi 37 ngôn ngữ. Bản tin của đài hiện cũng có trên mạng internet.
Hãng thông tấn Công giáo Á châu (UCAN) cũng có đài phát thanh và báo điện tử qua mạng internet bằng tiếng Việt.
3.3 Báo điện tử (internet)
Khi công nghệ thông tin phát triển thì báo điện tử Công giáo ở Việt Nam cũng nở rộ theo. Hầu hết các website này đặt server ở nước ngòai. Hiện nay từ Hội đồng GMVN đến các giáo phận, các dòng tu thậm chí nhiều giáo xứ, ca đoàn, nhóm sinh viên Công giáo cũng có website riêng. Con số các website này lên tới vài trăm vì được hỗ trợ đăng ký dịch vụ miễn phí qua trang conggiaovn.net.
Trong các báo điện tử của các giáo phận thì trang của giáo phận Phú Cường, Thái Bình, Nha Trang, Long Xuyên, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phan Thiết, Vĩnh Long có giao diện đẹp và bài vở khá phong phú. Có những trang của dòng tu hay giáo xứ nhưng thời gian qua mỗi ngày cũng cả hàng ngàn lượt người đọc, có ngày cao điểm vài trăm ngàn người ghé thăm như trang của dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (dcctvn.net) hay giáo xứ Thái Hà vì có vụ việc đất đai ở 178 Nguyễn Lương Bằng hay 42 Nhà Chung Hà Nội.
Các trang của Hội đồng Giám mục Việt Nam hay giáo phận Hà Nội cũng có từ năm 2005 vừa được thiết kế lại cũng có bài vở khá phong phú.
Cộng đồng người Công giáo ở nước ngoài cũng có rất nhiều website: Tiên phong trong lãnh vực này là trang Thông tấn xã Công giáo VietCatholic. net được đưa lên Net ngay từ năm 1986 khi internet mới ở trong giai đoạn khởi đầu phổ biến. Tiếp đến là các trang như Truyền giáo Việt nam tại Đài loan, Dân Chúa Mỹ châu, Dân Chúa Âu châu, Dân Chúa Úc Châu, … Lãnh đạo các tập đoàn truyền thông này cũng tập hợp với nhau thành Liên hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam. Sau này có thêm các trang khác như Người tín hữu, Diễn đàn giáo dân..., và các trang của một số Cộng đồng, cộng đoàn Việt nam. Nhưng đáng chú ý và được nhiều độc giả vào thăm viếng là các trang vietcatholic.net; dunglac.org; thanhlinh.net. Trang thanhlinh.net còn có kho tư liệu về Công giáo từ văn kiện đến hồ sơ liên quan tới Công giáo. Trang catruong.com là trang chuyên về thánh nhạc, nơi lưu trữ các bản thánh nhạc, văn kiện liên quan và hướng dẫn đào tạo cả kiến thức, chuyên môn về học và biểu diễn thánh nhạc nữa. Trang Vietcatholic.net dù bị tường lửa (fire wall) nhưng có ngày khi có những biến cố nóng bỏng cũng có đến cả gần trăm ngàn lượt người truy cập, nhất là từ khi có sự kiện 42 Nhà Chung và Linh địa Đức Bà.
Trang của Toà thánh Vatican.va cũng có chương trình tiếng Việt.
Hiện báo Công giáo và dân tộc cũng có website mang tên dcv.org.vn nhưng đang ở giai đoạn xây dựng dù được cấp giáy phép 182/GP-BVHTT từ ngày 12-6-2003.
3.4 Báo hình (Truyền hình)
Dòng Tên trước năm 1975 đã thử nghiệm chương trình truyền hình một thời gian nhưng sau 30-4-1975 thì dừng lại. Hiện nay chỉ có truyền hình Vatican nhưng không có chương trình tiếng Việt. Tại Hoa Kỳ có chương trình truyền hình và phát thanh của Thông tấn Công giáo Việt Nam, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, và các chương trình của các Trung Tâm Công Giáo Việt Nam địa phương, nhưng thời lượng và khán giả cũng hạn chế.
2- Vài nhận xét
- Rõ ràng số người Công giáo ở Việt Nam khá đông tới 7 triệu người, đứng thứ hai ở châu á (sau Philíppin) nhưng nhu cầu báo chí công khai chưa đáp ứng được nên nhiều độc giả phải sử dụng báo chí không chính thức. Điều này giải thích vì sao nhiều người nghe đài Vatican, Veritas và vào đọc internet Công giáo.
- Đạo Công giáo có truyền thống làm báo lâu năm và có nhiều người làm báo tài ba có nhiều đóng góp cho báo chí nước nhà nhưng rõ ràng hiện nay do hoàn cảnh nên giáo hội chưa có nhiều tờ báo công khai của mình song cần chuẩn bị chu đáo về nhân sự cũng như các điều kiện khác để khi có thời cơ có thể đáp ứng mà không bị lúng túng. Trường hợp của Ba Lan có thể cho chúng ta kinh nghiệm. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, giáo hội Ba Lan cần thành lập 300 tờ báo Công giáo nhưng nhân sự chỉ đủ cung cấp cho 18 tờ.
- Đại hội X của các GMVN (tháng 10-2007) đã thành lập Uỷ ban truyền thông do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ phụ trách và nhiều giáo phận cũng đã có Ban truyền thông để lo nhiệm vụ thông tin trong giáo hội. Những tổ chức này cũng như những người làm truyền thông Công giáo rất cần được quy tụ lại để trao đổi kinh nghiệm, tập huấn cả về nghiệp vụ và đức tin để có thể làm tròn nhiệm vụ truyền thông theo lời của Đức Benedicto XVI trong sứ điệp gửi ngày Quốc tế truyền thông năm nay là: “góp phần làm cho một thế giới tốt đẹp hơn”
Hà Nội, nhân ngày truyền thông Quốc tế 24-5
Chú thích:
1- Báo chí Công giáo Việt Nam thời kỳ đầu, Tham luận tại hội thảo” Một số vấn đề văn hoá Công giáo Việt Nam” tổ chức ở Huế tháng 10-2000 do Uỷ ban giáo dân HĐGMVN và Toà TGM Huế chủ trì.
2: Xem Nguyễn Thế Thoại: Công giáo VN với quê hương VN, Lưu hành nội bộ, tập 2, 2004, tr.592.
3- Về vấn đề phong thánh và lịch sử dân tộc VN, Uỷ ban KHXH 1988, tr.137
Có thể chia lịch sử báo chí Công giáo ở Việt Nam làm ba thời kỳ:
1- Thời kỳ trước năm 1945
Khi truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam, các nhà truyền giáo châu Âu cũng mang vào nước ta luôn cả những thành tựu văn minh của phương Tây trong đó có kỹ thuật in ấn và làm báo. Vì vậy báo chí Công giáo và những người Công giáo viết báo sớm xuất hiện ở nước ta. Lịch sử báo chí tiếng Việt được kể từ ngày 15-4-1865 tức là khi tờ báo quốc ngữ Gia Định báo ra đời. Tờ này lúc đầu do Ernest Potteau- người Pháp làm chủ nhiệm nhưng các cây bút chủ lực của tờ báo lại hầu hết là người Công giáo như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), Pô luýt Lương, Pô luýt Tôi…Ngày 16-5-1869 khi Trương Vĩnh Ký được giáo phụ trách tờ Gia định báo thì diện mạo tờ báo thay đổi hẳn. Từ một tờ báo chỉ đăng các thông cáo, văn bản của chính quyền cai trị thành một tờ báo theo phương pháp “ nói viết như thường”, nội dung khá phong phú. Có đủ cả tin tức, văn học nghệ thuật, nghiên cứu và tích cực cổ động cho việc học chữ quốc ngữ.
Một tờ báo Công giáo đúng nghĩa cũng xuất hiện sớm và tồn tại lâu đời ở Việt Nam đó là tờ Nam Kỳ địa phận. Số đầu tiên ra ngày 26-11-1908 và số cuối cùng ra ngày 1-3-1945. Ngay trang bìa của báo có in huy hiệu Toà Giám mục và mục đích của tờ báo là “ để cho bà con An Nam thông phần đạo, ngoan phần đời”. Tờ báo có rất nhiều chuyên mục từ tin tức, thư chung, lời Kinh thánh, chuyện phong hoá, thi ca, bài thuốc, chuyện canh nông, thương mại, chuyện giải buồn và cả quảng cáo nữa. Tờ báo rất chú trọng giáo dục phong hoá, chống lại các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện hay ăn chơi đàng điếm. Có những cây bút rất gây ấn tượng cho độc giả như linh mục DM. Hồ Ngọc Cẩn, sau này trở thành vị Giám mục thứ hai người Việt ở nước ta.
Sang đầu thế kỷ XX, báo chí Công giáo phát triển mạnh mẽ về số lượng. Trong số 40 tờ báo tôn giáo bấy giờ thì báo Công giáo chiếm hơn nửa. Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo. Hà Nội có Trung Hoà nhật báo tồn tại 22 năm từ tháng 9- 1923 đến 1945 với mục tiêu: “ giữ đức ái nhân, noi theo chân lý” do ông Nguyễn Hưng Thi hiệu Đông Bích là chủ bút. Tại Nam Định có tờ Văn côi, Phát Diệm có Thánh thể báo (ra đời năm 1919), Huế có nguyệt san Sancerdos Indosinensis do linh mục Cadiere Cả phụ trách, xuất bản ngày 19-3-1927. Tờ tam nhật tuần báo Vì Chúa của linh mục G.M Thích xuất bản năm 1936 ở Huế, bằng cả quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, phát hành ra cả nước ngoài. Nhà chí sĩ Phan Bội Châu từng cộng tác với báo này. Còn Sài Gòn cũng có nguyệt san Vì Chúa (năm 1939). Dòng Đa minh có tờ Đa minh, dòng Chúa Cứu thế Hà Nội có tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (năm 1929), dòng Đa minh Hải Phòng có tờ Hy vọng (năm 1937)…
Có một số tờ báo ảnh hưởng sâu rộng trong độc giả nhất là giới trí thức như tờ Công giáo đồng thinh (La voix commune du Missions Catholicques) tồn tại từ 1927 đến 1930 và tờ tuần báo Công giáo tiến hành (1936-1938). Tờ Công giáo Nam Thanh sau đổi tên là Thanh niên do Phạm Đình Khiêm chủ bút ở là tiếng nói của phong trào Thanh lao công Công giáo Bắc Kỳ (1936-1944) cũng là tờ có nhiều đóng góp về văn học, nghệ thuật.
Sau cách mạng tháng 8-1945, tờ Đa minh ở Bùi Chu có nhiều bài cổ vũ cho tinh thần dân tộc. Số 149 ra ngày 1-10-1945 có in bài phát biểu của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn trong tuần lễ vàng rất cảm động và vị Giám mục này đã ủng hộ cả dây chuyền vàng cho chính phủ kháng chiến. Còn số 150 ra ngày 1-11-1945 có in ở trang bìa cùng với dòng chữ “ Mến Thiên Chúa- Yêu Tổ quốc”.
2- Thời kỳ trước ngày 30- 4-1975
Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955. Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh. Khó mà có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này nhưng hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Chẳng hạn, khi thành lập Liên đoàn sinh viên Công giáo Sài Gòn năm 1954 thì linh mục Nguyễn Huy Lịch cũng lập nguyệt san Thông cảm. Còn khi linh mục Thanh Lãng được bổ nhiệm là Giám đốc cơ quan Thông tin báo chí Công giáo tháng 6-1958 thì cũng sáp nhập ba tờ báo Công giáo Thẳng tiến (của linh mục Phạm Văn Thăm), Sao Việt (của linh mục Đỗ Minh Lý) và Yếng sáng (của linh mục Võ Văn Bộ) thành tờ Việt tiến với tuyên ngôn: “ Việt tiến từ đây sẽ được coi là tiếng nói của người Công giáo Việt Nam trước tất cả những vấn đề đang đòi hỏi người Công giáo phải minh định thái độ và lập trường”. Tờ báo này đình bản từ tháng 3-1960 vì linh mục Thanh Lãng chuyển sang làm Giám đốc trường tư thục Lê Bảo Tịnh. Riêng người di cư từ Bắc vào Nam cũng có tờ tuần báo Đường sống ra mắt tháng 2-1955 do linh mục Vũ Đình Trác là chủ nhiệm. Có những tờ báo từ Bắc sau khi di cư vào Nam vẫn tiếp tục phát hành như tờ Đức Mẹ Hằng cứu giúp đến tận năm 1975 và sau đó lại phát hành ở Hoa Kỳ từ năm 1985 mà số lượng rất lớn tới 26.000 bản. Giai đoạn này ở miền Nam dòng tu nào, địa phận nào cũng có tờ báo riêng như dòng Chúa cứu thế có tờ Tin tức do linh mục Trần Hữu Thanh là chủ bút. Giáo phận Sài Gòn có tờ Linh mục nguyệt san có lượng phát hành lớn. Huế có tờ Tin mừng(1970), Cần Thơ có tờ Thực hành do Đức giám mục Nguyễn Văn Bình lập năm 1955. Phong trào Hội học Kitô giáo (Cursillos) có tờ Thông tin. Vĩnh Long thời Đức Giám mục Nguyễn Văn Thiện (1961-1967) có tới 4 tờ báo Lửa mến, Thánh nghiệp, Nghĩa binh và Catena Legionis. Linh mục Nguyễn Quang Lãm ra tờ Xây dựng năm 1964. Linh mục Chân Tín lập tờ Đối diện năm 1969 với mục đích: “Đối diện là nơi gặp gỡ tất cả những ai tha thiết với vấn đề xã hội, cùng nhau mổ xẻ tình trạng của đất nước sau gần 25 năm chiến tranh, cùng nhau nghiên cứu những giải pháp thực tế thích ứng để san bằng những bất công xã hội và tiến tới phát triển con người toàn diện. Các vấn đề của đệ tam thế giới, những chủ nghĩa tư bản và xã hội sẽ được đề cập đến” (2) …
Một đặc điểm của báo chí Công giáo thời kỳ này là xuất hiện nhiều tờ báo có khuynh hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc và canh tân giáo hội. Linh mục Trần Hữu Thanh còn viết cáo trạng kể 5 tội tham nhũng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tháng 9-1974 trên báo chí. Linh mục Võ Thành Trinh nhận xét:
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng của những người Việt Nam Công giáo này. Họ đã chủ trương một loạt những tạp chí, nguyệt san, tuần báo như Sống đạo, Đất nước, Đối diện, Chọn, Tin mừng hôm nay, Làm dân…Những tờ báo này chẳng những góp vào tiếng nói của cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Sài Gòn, là khí cụ của cuộc đấu tranh này…mà còn phản ánh quá trình đặt vấn đề về chỗ đứng của giáo hội Công giáo Việt Nam với dân tộc” (3).
Tại nước ngoài cũng có những tờ Công giáo của người Việt có khuynh hướng này như tờ Công giáo và dân tộc do linh mục Nguyễn Đình Thi là chủ nhiệm xuất bản ở Paris từ năm 1968.
Sau ngày 30-4-1975, hầu hết các tờ báo Công giáo trên đây đều đóng cửa hoặc di tản ra nước ngoài. Chỉ có tờ Công giáo và dân tộc từ Pháp trở về và hoạt động tại Sài Gòn từ ngày 10-7-1975.
3- Giai đoạn sau 30- 4-1975
3.1: Báo viết
3.1.1: Báo công khai
Về phía tổ chức yêu nước của người Công giáo có 2 tờ.
- Báo Chính nghiã - cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hoà bình phát hành số đầu tiên ngày 30-3-1955. Tờ này là sự hợp nhất của các tờ Vì Chúa vì Tổ quốc ở Nam Bộ, Sáng danh Chúa ở Khu Ba và Tả Ngạn. Sau khi Uỷ ban Liên lạc Công giáo toàn quốc đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, báo Chính nghĩa cũng đổi tên thành báo Người Công giáo Việt Nam phát hành từ ngày 2-9-1984. Số lượng phát hành của tuần báo này hiện khoảng trên dưới 2000 bản.
- Báo Công giáo và dân tộc: là cơ quan ngôn luận của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Tp. HCM. Tờ này hiện có hai ấn bản: Nguyệt san phát hành từ tháng 12-1994 hàng tháng với số lượng khoảng 3500 bản/kỳ. Tờ báo này là thành viên của Hiệp hội báo chí Công giáo thế giới từ 19-5-1994 và được tổ chức này (UCIP) tặng Huy chương vàng ngày 21-9-2001. Tuần báo có khoảng 15-18.000 bản/kỳ.
Về phía Giáo hội Công giáo có Bản tin Hiệp thông – cơ quan ngôn luận của Hội đồng giám mục Việt Nam được cấp phép ngày 26-7-2001 số 2544/VHTT-BC do ông Đỗ Quý Doãn- Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin ký với nội dung cho xuất bản 2 tháng/kỳ, khổ A4, 48 trang và số lượng 100 bản. Trước khi cấp phép, bản tin đã ra lưu hành nội bộ 10 số. Nội dung chủ yếu là đăng các văn kiện của Toà thánh và của Hội đồng giám mục Việt Nam. Mỗi số dày 250-350 trang A5. Sau khi có giấy phép thì chỉ có 4 số (từ 11 đến 14) là theo đúng nội dung giấy phép, còn từ số 16 trở đi là theo khổ A5 và số lượng in khoảng 2500 bản. Trước năm 2006 thì linh mục Nguyễn Ngọc Sơn thực hiện bản tin, sau đó giao sang cho Uỷ ban văn hoá của Đức Giám mục Vũ Duy Thống. Bản tin Hiệp thông đến tháng 5-2009 ra được 47 số và cũng đã được chuyển lên mạng internet qua trang dunglac.net từ số 33.
Ngoài ra một số giáo phận như Thái Bình, Hà Nội…gần đây cũng xin phép xuất bản sách để thông tin về tình hình giáo phận nhưng nội dung thì giống báo chí nhiều hơn ví dụ như cuốn Nhà chung (giáo phận Hà Nội) phát hành tháng 3-2009.
3.1.2 Báo lưu hành nội bộ
Báo lưu hành nội bộ của các giáo phận, dòng tu đều có nhưng không phát hành thường xuyên, định kỳ. Ví dụ giáo phận Thái Bình có tờ Ra khơi, Giáo phận Tp. HCM có Bài giảng chúa nhật ra hàng tháng, dòng Đa minh có nguyệt san Thần học. Dòng Chúa Cứu thế có Chuyên san giáo lý. Uỷ ban đoàn kết Công giáo Tp. HCM có Tuyển tập thần học…Thậm chí các tổ chức như giới trẻ Phát Diệm cũng có những bản tin riêng, chế bản điện tử để phổ biến.
Cộng đồng Công giáo ở nước ngoài từ năm 1975 trở đi cũng có nhiều tờ báo. Ra đời sớm nhất là tờ nguyệt san Chân Trời Mới của Trung Tâm Mục Vụ New Orleans thực hiện từ 1975-1976. Sau đó có Nguyệt san Dân Chúa do linh mục Việt Châu (dòng Thánh Thể) là chủ nhiệm, phát hành số đầu tiên ngày 15-2-1977 với lượng in là 8000 bản. Dân Chúa có 3 ấn bản ở ba châu lục gọi là Dân Chúa Âu châu, Dân Chúa Úc châu, Dân chúa Mỹ châu phát hành ở các lục địa sở tại khá phổ biến. Tờ Trái tim Đức Mẹ của chi dòng Đồng Công tục bản ở Hoa Kỳ năm 1977 đến tháng 10-1987 cũng có 10.000 độc giả dài hạn. Tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp do các linh mục dòng Chúa cứu thế Châu Xuân Báu, Hồng Phúc, Vũ Minh Nghiễm điều hành, có khuynh hướng chính trị ra đời muộn hơn vào năm 1985. Trong giao đoạn này một tờ nguyệt san Thời Điểm Công Giáo do LM Trần Công Nghị và một nhóm trí thức và văn sĩ chủ trương và cộng tác cũng ra đời. Ngoài ra còn có tờ nguyệt san Hiệp Nhất ra đời từ năm 1992 của Cộng đồng CGVN giáo phận Orange thực hiện có số độc giả đáng kể và sau đó có tờ nguyệt san Diễn đàn giáo dân cũng xuất bản ở Orange và do nhóm giáo dân Công giáo phụ trách.
Tờ báo Công giáo ở hải ngoại ra đời sớm nhất là tờ Chuông Việt (vào giữa thập niên 1950 và duy trì cho tới biến cố năm 1975) do Ban Tuyên Uý và Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Bắc Mỹ thực hiện. Tiếp đến là tờ thông tin có tên là Cộng Đồng Tu Sĩ chủ trương khi thành lập Cộng Đồng tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ (1971). Sau biến cố 1975 có nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tới định cư tại Hoa Kỳ với nhu cầu liên kết lại với nhau, nên đã thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ vào năm 1980 tại San Jose, và tiếp đến tờ Liên lạc do linh mục Nguyễn Văn Tịnh- Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ đầu tiên (1980-1984) làm chủ bút nhưng phát hành hạn chế ở khu vực bắc Cali và đóng cửa năm 1983. Tiếp đến khi có tiến trình Phong thánh Tử Đạo Việt Nam vào năm 1988 thì trước đó một năm Liên Đoàn CGVNHK có cho phát hành nguyệt san Chứng Nhân Công Giáo với lượng phát hành là 10.000 số báo mỗi tháng và được phân phối rộng rãi khắp các cộng đoàn Công giáo tại Hoa Kỳ.
3.2 Báo nói (đài phát thanh)
Hệ thống đài phát thanh Công giáo bằng tiếng Việt hiện đều ở nước ngoài. Đài Chân lý Á châu (Veritas of Asia) đặt ở Manila Philippines. Chương trình phát mỗi ngày 6 buổi, mỗi buổi 30 phút. Riêng chủ nhật có thánh lễ truyền thanh trực tiếp lúc 8h30. Hiện đài cũng có phát các bản tin qua mạng internet. Chương trình tiếng Việt chỉ là một trong 25 ngôn ngữ của đài Chân lý á châu được thành lập từ năm 1969.
Đài Vatican (Vatican Radio) đặt tại Roma, phát mỗi ngày về Việt Nam 2 buổi, mỗi buổi 30 phút. Đài này phát đi 37 ngôn ngữ. Bản tin của đài hiện cũng có trên mạng internet.
Hãng thông tấn Công giáo Á châu (UCAN) cũng có đài phát thanh và báo điện tử qua mạng internet bằng tiếng Việt.
3.3 Báo điện tử (internet)
Khi công nghệ thông tin phát triển thì báo điện tử Công giáo ở Việt Nam cũng nở rộ theo. Hầu hết các website này đặt server ở nước ngòai. Hiện nay từ Hội đồng GMVN đến các giáo phận, các dòng tu thậm chí nhiều giáo xứ, ca đoàn, nhóm sinh viên Công giáo cũng có website riêng. Con số các website này lên tới vài trăm vì được hỗ trợ đăng ký dịch vụ miễn phí qua trang conggiaovn.net.
Trong các báo điện tử của các giáo phận thì trang của giáo phận Phú Cường, Thái Bình, Nha Trang, Long Xuyên, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phan Thiết, Vĩnh Long có giao diện đẹp và bài vở khá phong phú. Có những trang của dòng tu hay giáo xứ nhưng thời gian qua mỗi ngày cũng cả hàng ngàn lượt người đọc, có ngày cao điểm vài trăm ngàn người ghé thăm như trang của dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (dcctvn.net) hay giáo xứ Thái Hà vì có vụ việc đất đai ở 178 Nguyễn Lương Bằng hay 42 Nhà Chung Hà Nội.
Các trang của Hội đồng Giám mục Việt Nam hay giáo phận Hà Nội cũng có từ năm 2005 vừa được thiết kế lại cũng có bài vở khá phong phú.
Cộng đồng người Công giáo ở nước ngoài cũng có rất nhiều website: Tiên phong trong lãnh vực này là trang Thông tấn xã Công giáo VietCatholic. net được đưa lên Net ngay từ năm 1986 khi internet mới ở trong giai đoạn khởi đầu phổ biến. Tiếp đến là các trang như Truyền giáo Việt nam tại Đài loan, Dân Chúa Mỹ châu, Dân Chúa Âu châu, Dân Chúa Úc Châu, … Lãnh đạo các tập đoàn truyền thông này cũng tập hợp với nhau thành Liên hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam. Sau này có thêm các trang khác như Người tín hữu, Diễn đàn giáo dân..., và các trang của một số Cộng đồng, cộng đoàn Việt nam. Nhưng đáng chú ý và được nhiều độc giả vào thăm viếng là các trang vietcatholic.net; dunglac.org; thanhlinh.net. Trang thanhlinh.net còn có kho tư liệu về Công giáo từ văn kiện đến hồ sơ liên quan tới Công giáo. Trang catruong.com là trang chuyên về thánh nhạc, nơi lưu trữ các bản thánh nhạc, văn kiện liên quan và hướng dẫn đào tạo cả kiến thức, chuyên môn về học và biểu diễn thánh nhạc nữa. Trang Vietcatholic.net dù bị tường lửa (fire wall) nhưng có ngày khi có những biến cố nóng bỏng cũng có đến cả gần trăm ngàn lượt người truy cập, nhất là từ khi có sự kiện 42 Nhà Chung và Linh địa Đức Bà.
Trang của Toà thánh Vatican.va cũng có chương trình tiếng Việt.
Hiện báo Công giáo và dân tộc cũng có website mang tên dcv.org.vn nhưng đang ở giai đoạn xây dựng dù được cấp giáy phép 182/GP-BVHTT từ ngày 12-6-2003.
3.4 Báo hình (Truyền hình)
Dòng Tên trước năm 1975 đã thử nghiệm chương trình truyền hình một thời gian nhưng sau 30-4-1975 thì dừng lại. Hiện nay chỉ có truyền hình Vatican nhưng không có chương trình tiếng Việt. Tại Hoa Kỳ có chương trình truyền hình và phát thanh của Thông tấn Công giáo Việt Nam, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, và các chương trình của các Trung Tâm Công Giáo Việt Nam địa phương, nhưng thời lượng và khán giả cũng hạn chế.
2- Vài nhận xét
- Rõ ràng số người Công giáo ở Việt Nam khá đông tới 7 triệu người, đứng thứ hai ở châu á (sau Philíppin) nhưng nhu cầu báo chí công khai chưa đáp ứng được nên nhiều độc giả phải sử dụng báo chí không chính thức. Điều này giải thích vì sao nhiều người nghe đài Vatican, Veritas và vào đọc internet Công giáo.
- Đạo Công giáo có truyền thống làm báo lâu năm và có nhiều người làm báo tài ba có nhiều đóng góp cho báo chí nước nhà nhưng rõ ràng hiện nay do hoàn cảnh nên giáo hội chưa có nhiều tờ báo công khai của mình song cần chuẩn bị chu đáo về nhân sự cũng như các điều kiện khác để khi có thời cơ có thể đáp ứng mà không bị lúng túng. Trường hợp của Ba Lan có thể cho chúng ta kinh nghiệm. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, giáo hội Ba Lan cần thành lập 300 tờ báo Công giáo nhưng nhân sự chỉ đủ cung cấp cho 18 tờ.
- Đại hội X của các GMVN (tháng 10-2007) đã thành lập Uỷ ban truyền thông do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ phụ trách và nhiều giáo phận cũng đã có Ban truyền thông để lo nhiệm vụ thông tin trong giáo hội. Những tổ chức này cũng như những người làm truyền thông Công giáo rất cần được quy tụ lại để trao đổi kinh nghiệm, tập huấn cả về nghiệp vụ và đức tin để có thể làm tròn nhiệm vụ truyền thông theo lời của Đức Benedicto XVI trong sứ điệp gửi ngày Quốc tế truyền thông năm nay là: “góp phần làm cho một thế giới tốt đẹp hơn”
Hà Nội, nhân ngày truyền thông Quốc tế 24-5
Chú thích:
1- Báo chí Công giáo Việt Nam thời kỳ đầu, Tham luận tại hội thảo” Một số vấn đề văn hoá Công giáo Việt Nam” tổ chức ở Huế tháng 10-2000 do Uỷ ban giáo dân HĐGMVN và Toà TGM Huế chủ trì.
2: Xem Nguyễn Thế Thoại: Công giáo VN với quê hương VN, Lưu hành nội bộ, tập 2, 2004, tr.592.
3- Về vấn đề phong thánh và lịch sử dân tộc VN, Uỷ ban KHXH 1988, tr.137