NHƯ CÀNH NHO GẮN LIỀN VỚI CÂY MỚI SINH HOA TRÁI

Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm B
Cv 9:26-31; 1Ga 3:18-24; Ga 15:1-8


Ðể giúp người môn đệ hiểu mối liên hệ giữa Thầy và trò, Ðức Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày để diễn giải giáo lí Phúc âm và dậy họ bài học đạo giáo. Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Ðức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là con chiên và người chăn chiên để nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa với loài người. Trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu dùng ví dụ cây nho và ngành để nói lên sự hiệp nhất, nói cách xác thực hơn, sự thông hiệp giữa người môn đệ với Thầy. Ðức Giêsu ví Người như cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn người tín hữu là ngành nho. Nho là loại cây được trồng khá nhiều tại đất Pa-lét-tin. Trước khi đưa dân vào đất hứa, ông Môsê đã cho người đi do thám miền đất Ca-na-an (Ds 13:2) và hai người đã chặt được và khiêng về một ngành nho và một chùm nho nặng trĩu (Ds 13:23). Dân Chúa là nhà Ít-ra-en được ví như vườn nho mà Chúa trồng (Is 5:7).

Vậy làm sao để được hiệp nhất với Chúa? Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô không phải là kết hợp bên ngoài như gia nhập tổ chức nọ hay hội đoàn kia. Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô bằng ơn thánh. Vì thế tội lỗi làm cản trở ơn thánh, cho nên làm giảm sự hiệp nhất với Chúa. Ðể được hiệp nhất với Chúa, người tín hữu cần ở lại trong Chúa. Ở lại trong Chúa là tuân giữ giới răn Chúa như được viết trong thư thứ nhất của thánh Gioan: Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa, thì ở lại trong Thiên Chúa (1Ga 3:24). Ðức Giêsu hứa cho những ai ở lại trong Người, mà họ xin điều gì thì sẽ được ban cho (Ga 15:7).

Hiệp nhất trong Chúa còn có nghĩa là thần trí của Chúa phải thấm nhập vào mỗi lãnh vực của đời sống người tín hữu: tư tưởng, cảm tình, ước muốn và hành động. Ðể được như vậy, người tín hữu phải luyện lọc, thanh tẩy và thanh luyện cho tư tưởng và hành động của mình được hoà hợp và ăn nhịp với những giá trị của Phúc âm: những tư tưởng vị tha, bác ái. Hiệp nhất với Chúa Giêsu là chia sẻ những đau khổ, hi sinh, tử nạn và phục sinh của Người và cả những cảnh người đời tẩy chay và chống đối..

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa còn phán: Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thi người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15:5). Ðể cắt nghĩa sự hiệp nhất này, thánh Phaolô nại đến ví dụ cụ thể của thân thể loài người. Mặc dù được làm thành bởi nhiều phần chi thể, thân thể tạo thành một đơn vị duy nhất. Thánh Phaolô nhìn thấy sự hiệp nhất trong một thân thể tương tự như sự hiệp nhất trong nhiệm thể mầu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội. Trong Nhiệm Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội thì Chúa Kitô là đầu, còn người tín hữu là những phần chi thể. Thánh Phaolô là người - hơn ai hết - hiểu được ý niệm thần học về Nhiệm Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô vì đã có kinh nghiệm bản thân. Trên đường đi Ða-mas-cô để bách hại người Kitô giáo, Phaolô bị một luồng sáng chiếu toả xuống, làm ông choáng váng, ngã xuống đất, rồi nghe tiếng phán bảo: Saolô, Saolô, tại sao nhà ngươi bách hại Ta (Cv 9:4). Thực ra thì Phaolô chỉ bách hại người Kitô giáo, chứ không bách hại Người phán ra tiếng đó. Sau này nhờ cầu nguyện, suy niệm và được ơn thánh linh soi sáng, thánh Phaolô hiểu được tại sao bách hại người Kitô giáo, là bách hại chính Ðức Kitô vì người Kitô hữu là những chi thể trong Nhiệm Thể Màu Nhiệm của Ðức Kitô. Nói theo từ ngữ của Phúc âm hôm nay, người tín hữu là những ngành nho trong cây nho là Ðức Kitô.

Cây nho gồm nhiều ngành được hợp nhất với nhau, tạo thành một đơn vị, vì cành cây chia sẻ nhựa sống với thân cây, rồi gốc rễ. Vậy nếu không gắn liền với thân cây, cành cây sẽ không có nhựa sống. Cũng như ngành nho cần phải được gắn liền với thân cây thì mới sinh hoa kết quả, người tín hữu cũng cần được hiệp nhất với Chúa Kitô bằng ơn thánh để có thể sinh hoa kết quả thiêng liêng trong đời sống.

Ngành nho gắn liền với thân cây mà không sinh hoa trái là trường hợp người ta chỉ mang danh là người công giáo, chỉ giữ đạo một cách hình thức cho qua lần chiếu lệ mà đời sống lại đầy dẫy tội lỗi, bất công và bất chính, thì làm sao có thể mang lại hoa trái thiêng liêng trong đời sống? Ta có thể được rửa tội từ nhỏ, được gọi là theo đạo gốc. Tuy nhiên nếu đời sống đức tin của mình vẫn nguội lạnh thì làm sao hi vọng mang hoa trái thiêng liêng? Ta cũng có thể gia nhập hội đoàn công giáo tiến hành này, phong trào canh tân kia, nhưng nếu chỉ có tên mà không dấn thân hoạt động, thì làm sao đời sống ta trổ bông tráí thiêng liêng được?

Ðể cho cây được sinh nhiều hoa trái, người trồng nho còn phải cắt tiả những cành cây cằn cỗi để khỏi phí nhựa, cho nhựa cây có thể chảy vào những cành có trái. Họ còn dùng cọc có nạng để chống đỡ những ngành nho có trái cho chùm nho được hưởng khí trời và ánh sáng mặt trời và như vậy trái nho mới thêm tươi mọng. Cũng vậy để được sinh thêm hoa trái thiêng liêng, người tín hữu cần cắt bỏ tội lỗi và các tính mê nết xấu trong đời sống để ơn thánh có thể thấm nhập vào mọi phương diện trong đời sống và như vậy mới mang lại được nhiều hoa quả thiêng liêng.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn hiệp nhất với Chúa:

Lậy Chúa Chúa Giêsu!
Cũng như cành nho hợp nhất với thân cây,
Chúa muốn người tín hữu được kết hợp với Chúa.
Xin cho con được hiệp nhất với Chúa
bằng cách xa tránh tội lỗi và tuân giữ giới răn Chúa
để được ở lại trong ơn nghĩa với Chúa
hầu có thể sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống. Amen.


Lm Trần Bình Trọng
trongtb@yahoo.com