BÁO CÁO NHÂN QUYỀN VỀ VIỆT NAM
Phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Báo cáo về Thực thi Nhân quyền cấp Quốc gia năm 2008
25 tháng 2 năm 2009
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, là một nhà nước chuyên chế do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào tháng Năm 2007 đã không được tự do hoặc không công bằng vì tất cả những ứng cử viên điều được giới thiệu bởi Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) thuộc ĐCSVN, vốn là một cơ quan bao quát chuyên kiểm tra các tổ chức quần chúng trong nước. Chính quyền dân sự nhìn chung đã nắm giữ được việc quản lý các lực lượng an ninh một cách hiệu quả.
Hồ sơ nhân quyền của chính phủ vẫn nằm ở mức độ chưa được thỏa mãn. Người dân không thể thay đổi chính phủ và những hoạt động chính trị đối lập bị cấm đoán. Chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp những người đối lập, bắt giữ các nhà hoạt động chính trị, làm cho nhiều người đối lập phải rời khỏi đất nước. Cảnh sát thỉnh thoảng vẫn ngược đãi nghi phạm mỗi khi bắt giữ, tạm giam và thẩm vấn họ. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành công an, và đôi khi các nhân viên công an được bảo vệ nếu lạm quyền. Điều kiện trong nhà giam thì rất tệ hại. Cá nhân tham gia hoạt động chính trị bị bắt giữ tuỳ tiện và bị từ chối xét xử một cách công bằng và nhanh chóng. Chính quyền tiếp tục hạn chế quyền riêng tư của công dân và thắt chặt việc kiểm tra báo chí và tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình và lập hội. Chính quyền duy trì việc cấm đoán các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn là một vấn đề đáng quan ngại. Nạn buôn người vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Một số nhóm dân tộc thiểu số phải chịu đựng nạn kỳ thị trong xã hội. Chính quyền giới hạn các quyền lợi của người lao động và đã giam giữ hoặc quấy nhiễu các nhà hoạt động công đoàn.
TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN
Phần 1 - Tôn Trọng Quyền Con Người Trọn Vẹn, Bao Gồm Quyền Tự Do Không Bị
a. Cướp Đi Mạng Sống Một Cách Phạm Pháp hoặc Tuỳ Tiện:
Chính quyền hoặc nhân viên của họ không nhúng tay vào bất cứ việc giết người nào mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, đã có báo cáo về một trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ.
Vào ngày 1 tháng 5, Y Ben Hdok, một người dân tộc vùng cao nguyên tỉnh Đắc Lắc, đã chết trong trại giam công an tỉnh ở Ban Mê Thuột. Công an đã bắt giữ ông vào ngày 28 tháng 4 để thẩm vấn việc ông bị tình nghi tham gia xúi giục biểu tình. Các quan chức cho biết nghi can tự treo cổ khi đang nghỉ giải lao trong lúc bị thẩm vấn, nhưng gia đình nạn nhân cho biết có những vết bầm trên thi thể ông ta. Đã không hề có bất cứ cuộc điều tra nào về việc này và có báo cáo rằng gia đình nạn nhân đã bị từ chối không cho khám nghiệm tử thi.
Có những tường trình cho biết một tù nhân người dân tộc khác cũng đã chết không lâu sau khi được công an thả, nhưng nguyên nhân tử vong đã không được kiểm chứng.
Không có bất cứ tình tiết nào mới liên quan đến cái chết của Y Ngo Adrong vào năm 2006.
b. Mất Tích
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không được đăng ký chính thức) cho biết tu sĩ Thích Trí Khải đã bị công an bắt giữ tại nơi ông trụ trì ở Lâm Đồng vào tháng 4 nhưng đến cuối năm vẫn chưa có tung tích.
Theo nguồn tin của các tổ chức phi chính phủ và báo chí, nhà hoạt động chính trị Tim Sakhorn, người bị án tù một năm vào tháng 11 năm 2007 về tội "phá hoại sự toàn vẹn quốc gia" đã được thả ra vào tháng 7 và hiện đang quản thúc tại gia ở An Giang và bị công an theo dõi thường xuyên. Lê Trí (Tuệ), một công dân Việt Nam và nhà hoạt động chính trị, đã mất tích tại Campuchia vào tháng 5 năm 2007 và cho đến cuối năm vẫn không có tung tích.
c. Tra Tấn và Những Đối Xử hoặc Hình Phạt Tàn Ác, Hạ Thấp Nhân Phẩm hoặc Vô Nhân Đạo
Luật pháp cấm đoán việc hành hạ thân thể nhưng công an thường đối xử mạnh tay với nghi phạm trong quá trình bắt giữ hoặc tạm giam.
Những trường hợp bị công an hà hiếp được báo cáo ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hoá, Sơn La, Thái Bình. Những người khiếu kiện về đất đai ở An Giang cũng báo rằng họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Đã có những báo cáo về việc công an hà hiếp hoặc đánh đập những người dân tộc thiểu số khi họ từ Campuchia quay về lại vùng Cao nguyên miền Trung, mặc dù hầu hết các báo cáo này không có đầy đủ bằng chứng. Các quan sát viên nhận thấy rằng đa số các trường hợp trên thường liên quan đến đất đai, tiền bạc hoặc mâu thuẫn trong gia đình.
Trong suốt cả năm chính quyền đã sử dụng việc ép buộc những nhà hoạt động vào các bệnh viên tâm thần như là một biện pháp để dẹp yên bất đồng chính kiến.
Tình Trạng của Nhà Tù và Trại Tạm Giam
Điều kiện nhà tù tuy tồi tệ nhưng nhìn chung không đe doạ đến mạng sống của tù nhân. Điều kiện sống chật chội, thức ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu nước uống sạch và tình trạng mất vệ sinh vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhiều nhà tù. Tù nhân được hưởng những chăm sóc y tế căn bản cộng thêm những dịch vụ y tế khác từ các bệnh viện cấp huyện và tỉnh. Nhưng trong nhiều trường hợp các nhân viên đã ngăn cản không cho thân nhân được tiếp tế thuốc men cho can phạm. Phạm nhân thường bị bắt phải lao động nhưng không được hưởng lương. Thỉnh thoảng, tù nhân bị giam cách ly và bị tước đi quyền được đọc và viết tài liệu trong thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Các thân nhân đã đưa ra một số thông tin đáng tin cậy rằng tù nhân sẽ được sự đối đãi tốt hơn nếu họ hối lộ cho nhân viên trại giam.
Thân nhân của những người bất đồng chính kiến cho biết điều kiện sống trong tù ở nhà tù Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai có tiến bộ. Trong thời gian viếng thăm nhà tù vào tháng 6, các nhà ngoại giao nước ngoài đã nhận thấy khu vực sinh sống trong tù còn hoang sơ nhưng sạch sẽ và các điều kiện lao động nói chung chấp nhận được. Thân nhân của một nhà hoạt động chống đối bị gãy tay trong một nhà tù ở Kiên Giang cho biết việc vì điều kiện y tế thiếu thôn nên cánh tay ông đã mất đi một số chức năng hoạt động. Thân nhân của linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết ông vẫn tiếp tục bị từ chối việc sở hữu một cuốn Thánh kinh.
Chính quyền nói chung không cho phép Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ hoặc các tổ chức phi chính phủ thăm viếng tù nhân và không hề có bất cứ cuộc thăm viếng nào diễn ra trong toàn bộ năm nay. Tuy nhiên, họ cho phép các nhà ngoại giao và các phái đoàn tôn giáo được phép thăm viếng nhà tù và gặp gỡ các tù nhân một cách có giới hạn. Hầu hết các đề nghị của các nhà quan sát quốc tế để được thăm viếng tù nhân đều bị từ chối.
d. Tuỳ Tiện Bắt Bớ hoặc Giam Giữ
Điều luật hình sự cho phép chính phủ được quyền giam giữ người dân vô thời hạn mà không cần án cáo dưới những điều khoản "an ninh quốc gia" chung chung như Điều luật số 84, 88 và 258. Chính phủ cũng bắt giam vô thời hạn người dân bằng những điều luật khác. Nhà cầm quyền cũng đã bắt một số nhà bất đồng chính kiến trong cả nước vào các trại quản lý hoặc quản thúc tại gia.
Vai Trò của Công An và Hệ Thống An Ninh
Hệ thống an ninh trong nước nằm dưới sự quản lý của Bộ Công An (BCA); nhưng ở những vùng sâu, quân đội là cơ quan chính của nhà nước trong công tác trị an, bao gồm việc giữ gìn trật tự công cộng trong trường hợp nổi loạn. BCA quản lý ngành cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia và những đơn vị nội an khác. Bộ này thiết lập một hệ thống hộ khẩu và tổ dân phố để theo dõi dân chúng. Nhìn chung những hệ thống này không quá xoi mói nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng để theo dõi những cá nhân bị tình nghi đang hoặc có ý đồ tham gia những hoạt động chính trị trái phép. Những báo cáo khả tín cho rằng các lực lượng công an địa phương đã sử dụng những "côn đồ đánh thuê" và "toán dân phòng" để sách nhiễu và tấn công những nhà hoạt động chính trị, những người theo tôn giáo, thường được xem là "phá rối" hoặc "đe doạ" đến an ninh xã hội.
Các cơ quan cảnh sát có mặt ở cấp tỉnh, huyện và địa phương và nằm dưới sự điều hành của hội đồng nhân dân các cấp. Nhìn chung ngành công an làm việc rất hiệu quả trong việc ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhưng khả năng của công an, đặc biệt là trong công tác điều tra thì rất thấp. Phương tiện và việc huấn luyện công an rất lỗi thời.
Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong tất cả mọi tầng lớp của ngành công an và nhân viên công an thường được bao che. Việc thanh tra nội bộ công an cũng có nhưng phải chịu ảnh hưởng chính trị. Trong năm qua chính quyền đã hợp tác với một số quốc gia khác để đề xuất một chương trình cho công an cấp tỉnh cũng như ngành quản lý trại giam nhằm giúp tăng cường tính chuyên nghiệp của các lực lượng an ninh.
Bắt Bớ và Giam Giữ
Luật hình sự đã hướng dẫn quá trình từ lúc bắt giữ, xử lý đối tượng cho đến khi họ được đưa ra toà phán xử. Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra lệnh bắt giữ, thường là do yêu cầu của công an. Nhưng công an cũng có thể bắt giữ mà không cần lệnh, chỉ dựa trên yêu cầu của bất cứ cá nhân nào. Viện Kiểm sát sẽ đưa lệnh có hiệu lực trước trong những trường hợp này. Viện Kiểm sát phải đưa ra quyết định để bắt đầu quá trình điều tra tội phạm chính thức đối với người bị bắt giữ trong vòng 9 ngày; nếu không, công an sẽ phải trả tự do cho người ấy. Trên thực tế thời hạn 9 ngày này thường bị phá lệ.
Thời gian điều tra thường kéo dài khoảng 3 tháng đối với những vi phạm nhẹ (hình phạt lên đến 3 năm tù) đến 16 tháng cho những tội phạm nghiêm trọng (hình phạt lên đến hơn 15 năm hoặc tử hình), hoặc 20 tháng cho những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng đôi khi việc điều tra kéo dài vô tận. Luật hình sự còn cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu giam giữ đối tượng thêm 2 tháng sau khi điều tra để cân nhắc việc khởi tố hoặc để yêu cầu công an điều tra thêm. Những nhân viên điều tra đôi khi sử dụng những phương pháp như cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn hoặc làm thiếu ngủ để bắt đối tượng nhận tội.
Theo luật pháp thì người bị bắt giữ được phép tiếp xúc với luật sư từ khi họ bị giam giữ. Nhưng nhà cầm quyền thường dùng những trì hoãn quan liêu để từ chối quyền tham vấn luật sư. Trong những trường hợp liên quan đến những điều luật khái quát về an ninh quốc gia, nhà cầm quyền thường trì hoãn việc luật sư bào chữa được gặp thân chủ của mình cho đến khi cuộc điều tra đã hoàn tất và nghi can đã chính thức bị truy tố phạm tội. Bên cạnh đấy tình trạng thiếu thốn luật sư chuyên nghiệp và quyền lợi nhằm bảo vệ bị cáo không được đầy đủ dẫn đến việc người bị bắt được gặp luật sư đúng lúc rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế chỉ có những cá nhân đã chính thức bị truy tố những tội sát nhân mới được chỉ định luật sư bào chữa.
Theo luật pháp luật sư phải được thông báo và được phép hiện diện trong những cuộc thẩm vấn của thân chủ. Nhưng trước tiên bị cáo phải yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng việc nhà cầm quyền có luôn cho bị cáo biết quyền lợi này hay không thì không rõ. Luật sư phải được quyền xem xét hồ sơ vụ án và được phép sao chép những tài liệu này. Đôi khi các luật sư đã có thể thực hiện những quyền này.
Công an thường thông báo cho gia đình của người bị bắt rằng họ đang ở đâu, nhưng thân nhân chỉ được quyền thăm viếng khi được phép của nhân viên điều tra nhưng sự cho phép này không hẳn là tự động. Trong quá trình điều tra, nhà cầm quyền thường xuyên không cho phép đối tượng được gặp thân nhân, đặc biệt là trong những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Trước khi có bản cáo trạng chính thức, đối tượng được quyền thông báo cho thân nhân. Nhưng nhiều nghi can trong những trường hợp vi phạm an ninh quốc gia đã bị bắt giữ và không được liên lạc ra ngoài. Vào cuối năm vừa qua đã có một số người bị bắt giữ trong năm vẫn chưa được gặp gỡ thân nhân hoặc luật sư, và họ cũng không chính thức bị truy tố phạm tội.
Không có chức năng bảo lãnh tại ngoại hoặc những hệ thống tương tự. Thời gian tạm giam được tính gộp vào trong thời gian thụ án sau khi bị truy tố và tuyên án.
Toà án có thể gia hạn quản thúc đến 5 năm kể từ sau thời gian thụ án. Ngoài ra công an hoặc các tổ chức quần chúng có thể đề nghị thực hiện một trong năm "biện pháp quản lý" do chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh áp đặt mà không cần xử án. Những biện pháp này bao gồm hình phạt từ 6 đến 24 tháng trong các trại cải huấn thiếu niên hoặc trại giam và thường được dùng cho những trường hợp tái phạm với tiền sự phạm tội không nghiêm trọng như trộm cắp hoặc "hạ thấp phẩm giá người khác". Chủ tịch hội đồng nhân dân cũng có thể sử dụng khung hình "quản lý tạm tha", thường là dưới hình thức cấm đoán việc đi lại. Mặc dù Sắc lệnh 31 đã được bãi bỏ vào tháng 3 2007 nhưng chế độ quản lý vẫn thường được dùng để trừng phạt những người bị tình nghi là chống đối chính trị. Nhà cầm quyền tiếp tục trừng phạt một số cá nhân bằng những từ ngữ mơ hồ trong những điều khoản về an ninh quốc gia của bộ luật hình sự.
Việc bắt giữ tuỳ tiện, đặc biệt là đối với những nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề quan tâm. Nhà nước đã dùng những sắc lệnh, qui định và biện pháp để bắt giữ những người hoạt động khi họ bộc lộ quan điểm đối kháng chính trị một cách hoà bình. Trong năm qua chính quyền đã giữ một số người vì đã vi phạm Điều khoản 88, trong đó cấm đoán việc "tuyên truyền chống phá nhà nước." Những cáo buộc về việc vi phạm Điều khoản 88 thường bị tuyên án đến 5 năm tù. Trong khi một số nhà hoạt động được giảm án tù sau khi kháng cáo, một số khác bị tuyên bố y án với mức phạt ban đầu. Vào tháng 9, một người viết blog đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù khi ông viết về nạn tham nhũng và biểu tình phản đối về hành động của Trung Quốc trong vùng đảo tranh chấp Hoàng Sa/Trường Sa.
Vào tháng 8 và tháng 9, chính phủ đã bắt giữ ít nhất 13 nhà hoạt động mà phần đông có dính líu đến một phong trào chính trị mang tên Khối 8406, và cũng đã tạm giữ trên mười người khác. Vào ngày 7 tháng 11, thành viên Khối 8406 và là người khiếu kiện đất là bà Lê Thị Kim Thu đã bị tuyên án 18 tháng tù vì tội "phá rối trật tự công cộng." Cho đến cuối năm nay những nhà hoạt động còn lại vẫn chưa bị truy tố hoặc tuyên án.
Công an đã dùng vũ lực để xâm nhập vào nhà riêng của một số nhà bất đồng có tiếng trong nước như Nguyễn Khắc Toàn và Đỗ Nam Hải, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động và những tài liệu khác.
Trong năm qua đã có những báo cáo về việc nhân viên chính quyền ở vùng Cao nguyên miền Trung và Tây Bắc đã tạm giữ những người thiểu số vì đã liên lạc với cộng đồng của họ ở nước ngoài.
Những người biểu tình bất bạo động khiếu kiện đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bị tạm giam, theo dõi và một số người cầm đầu bị bắt giữ nhưng chính quyền đã không dùng vũ lực quá đáng khi đối phó với những cuộc biểu tình này. Những cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa cũng đã dẫn đến việc tạm giam và bắt giữ một số nhà hoạt động vì tội biểu tình không có giấy phép. Vào tháng 9 nhà cầm quyền đã bắt giữ bốn nhà hoạt động và tạm giam một số khác với mục đích dập tắt các cuộc biểu tình và làm nản lòng những nhóm này tụ họp công khai.
Vào tháng 11 2007, năm nhà hoạt động chính trị gồm 2 người Việt và 3 người ngoại quốc đã bị bắt giữ, hai người ngoại quốc đã được trả tự do vào tháng 12 2007. Vào ngày 13 tháng 5, ba người còn lại đã bị truy tố và kết án về tội khủng bố với án tù được tính vào thời gian tạm giam; một người Việt được trả tự do ngay, những người ngoại quốc bị trục xuất vài ngày sau đó, người Việt còn lại đã được trả tự do vào tháng 8.
Một số trong khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt giữ trong một chiến dịch của chính phủ trong giai đoạn 2006-07 đã bị tuyên án trong năm qua. Những người còn lại vẫn đang bị điều tra và đang nằm trong diện quản lý mà không chính thức truy tố.
Những nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã phải chịu quản thúc dưới nhiều hình thức tại nơi cứ trú.
Ân Xá
Chính quyền trung ương không chính thức tuyên bố Tết hoặc Quốc khánh là dịp ân xá. Dù vậy, hội đồng nhân dân tỉnh trong cả nước thường thực hiện việc ân xá cho tù nhân trong khu vực của mình vào dịp Tết hoặc Quốc khánh. Những tù nhân có tên tuổi không được hưởng đặc ân này trong năm qua.
e. Từ Chối Xử Án Công Khai và Công Bằng
Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.
Hệ thống pháp lý bao gồm Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC); các toà án nhân dân cấp tỉnh và huyện; các toà án quân sự, hành chính; kinh tế, lao động và các toà án khác được luật pháp thiết lập. Mỗi huyện có một toà án nhân dân có nhiệm vụ là toà sơ thẩm chuyên thụ lý những vụ án gia đình, dân sự và hình sự. Mỗi tỉnh cũng có riêng toà án nhân dân có nhiệm vụ của một toà phúc thẩm cho những kháng cáo từ huyện. TANDTC, do Quốc hội quản lý, là toà án phúc thẩm cao nhất. Toà án hành chính chuyên xét xử những khiếu nại của công dân về những lạm quyền và tham nhũng của nhân viên chính phủ. Còn có những uỷ ban đặc biệt chuyên hoà giải những tranh chấp địa phương.
Số lượng thẩm phán và luật sư chuyên nghiệp đang bị thiếu hụt. Tình trạng lương thấp trong hệ thống pháp lý đã cản trở nỗ lực phát triển đội ngũ nhân viên tư pháp chuyên nghiệp. Một số ít thẩm phán được đào tạo chính qui nhưng thường là đã học tập từ những quốc gia có hệ thống pháp luật cộng sản.
Không có luật sư đoàn hoạt động độc lập. Vào tháng 1 thủ tướng đã phê chuẩn đề xuất thành lập một đoàn luật sư quốc gia nhưng đến cuối năm việc này vẫn chưa thực hiện.
Chính quyền vẫn đang tiếp tục thực thi những chương trình nhằm đối phó với vấn đề thiếu hụt lực lượng thẩm phán và nhân viên pháp luật chuyên nghiệp.
Những toà sơ thẩm cấp huyện và tỉnh gồm có thẩm phán và hội thẩm viên, nhưng toà phúc thẩm tỉnh và TANDTC chỉ có thẩm phán. Hội đồng nhân dân lựa chọn hội thẩm viên từ một nhóm người do MTTQ đề cử. Hội thẩm viên yêu cầu phải có "tư cách đạo đức tốt," nhưng không bắt buộc phải qua đào tạo pháp lý và vai trò của họ đa số chỉ mang tính tượng trưng.
Mặc dù được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng, toà án quân sự hoạt động theo những luật lệ giống như các toà án khác. Hội đồng xét xử đại diện cho bộ và đứng đầu hệ thống toà án quân sự là phó chủ tịch TANDTC. Các thẩm phán và bồi thẩm viên là những người tại ngũ do TANDTC và bộ quốc phòng lựa chọn nhưng chịu sự quản lý của TANDTC. Luật pháp cho phép toà án quân sự quyền pháp lý đối với những vụ án hình sự liên quan đến những thành phần của quân đội, kể cả những doanh nghiệp do quân đội làm chủ. Quân đội có sự lựa chọn trong việc sử dụng các toà án hành chính, kinh tế hoặc lao động cho các vụ án dân sự.
Quá Trình Xét Xử
Hiến pháp qui định rằng người công dân vẫn được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng phạm tội. Nhưng nhiều luật sư đã than phiền rằng các thẩm phán thường quyết đoán tội trạng. Phiên toà thường được xử công khai nhưng trong những vụ án nhạy cảm, thẩm phán thường xử kín hoặc giới hạn chặt chẽ số người tham dự. Toà không sử dụng hệ thống bồi thẩm đoàn. Bị cáo được quyền dùng luật sư đại diện trước toà mặc dù không nhất thiết là luật sư mà họ muốn, và trên thực tế quyền lợi này thường không được tôn trọng. Những bị cáo không có điều kiện mướn luật sư thường được chỉ định luật sư nhưng chỉ trong những vụ án mà họ có thể bị tuyên án chung thân hoặc tử hình. Bị cáo và luật sư bào chữa có quyền thẩm vấn các nhân chứng hoặc phản bác cáo trạng. Luật sư bào chữa thường có rất ít thời gian trước khi xử án để xem xét bằng chứng chống lại thân chủ mình. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các toà án cấp huyện và tỉnh không thông báo trình tự tố tụng. TANDTC tiếp tục thông báo các vụ án được tái xét.
Vẫn tiếp tục có những tường trình khả tín về việc luật sư bị áp lực không nhận bào chữa cho các bị cáo là các nhà hoạt động tôn giáo và dân chủ.
Viện kiểm sát nhân dân đề xuất việc truy tố nghi can và đóng vai trò công tố viên trong quá trình xét xử. Đã có những thay đổi trước đây trong luật xét xử án hình sự nhằm biến quá trình tố tụng từ hệ thống "điều tra", trong đó thẩm phán nắm quyền chất vấn, sang thành hệ thống "đối kháng", trong đó kiểm sát viên và luật sư bào chữa tranh luận quan điểm của hai bên. Việc thay đổi này nhằm tăng cường sự bảo vệ cho bị cáo và ngăn ngừa việc thẩm phán ép cung bắt bị cáo thừa nhận tội lỗi. Cải cách này được áp dụng không nhất quán giữa các tỉnh.
Vào tháng 5, các quan chức của chính quyền đã cho phép các đại diện ngoại giao nước ngoài tham dự vụ án xét xử 3 thành viên của Đảng Việt Tân. Và vào tháng 12, 4 nhân viên ngoại giao nước ngoài được phép tham dự phiên xử án chung của 8 bị cáo trong vụ Thái Hà. Những yêu cầu được tham dự các vụ án khác của những nhà ngoại giao nước ngoài đã bị từ chối.
Tù Nhân và Những Người Bị Giam Giữ Vì Lý Do Chính Trị
Không có ước lượng chính xác về con số tù nhân chính trị. Chính phủ tuyên bố rằng họ không giữ tù nhân chính trị, họ chỉ giữ những người phạm pháp. Cho đến cuối năm, chính phủ giam giữ ít nhất 35 tù nhân chính trị mặc dù nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng con số lên đến vài trăm.
Vào tháng 4, một làn sóng biểu tình mới ở Cao nguyên miền Trung đã dẫn đến vài chục vụ bắt bớ và giam cầm những người bị nghi ngờ tổ chức biểu tình. Những nhà quan sát địa phương kể rằng tham gia những cuộc biểu tình này là những người thuộc sắc tộc thiểu số phản đối chính sách sử dụng đất đai ở địa phương.
Ngày 14 tháng 8, nhà chức trách bắt giam một nhà tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai, bà Lê Thị Kim Thu ở Hà Nội với lý do phá rối trật tự công cộng bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình trong công viên đối diện Văn phòng Chính phủ. Vào ngày 7 tháng 11, bà ta đã bị kết án và bị phạt 18 tháng tù. Trong suốt năm, những người cầm đầu tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai đã tường trình là có khoảng chục người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã bị kết tội từ “phá rối trật tự công cộng” cho đến “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Trong tháng 9 và 10, các nhà hoạt động thuộc Khối 8406 như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc,Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Tinh, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Dương Văn Nam và Lê Thanh Tùng bị bắt vì đã tìm cách tổ chức biểu tình công khai, rải truyền đơn cổ vũ dân chủ, phản đối chính phủ tịch thu đất đai và những hành vi của chính quyền Trung Quốc và treo biểu ngữ phê bình chính phủ. Cho đến cuối năm, tất cả vẫn còn bị giam chờ ngày chính thức bị truy tố và xét xử.
Vào ngày 8 tháng 12, tám người từng tham dự vào những buổi cầu nguyện ở giáo sứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị xử cùng lúc tại Tòa án Nhân dân Đống Đa ở Hà Nội và bị kết án phá rối trật tự và phá hoại tài sản công cộng. Bảy giáo dân bị tù treo từ 12 cho đến 15 tháng; trong số những người này, bốn người bị quản thúc hành chính từ 22 cho đến 24 tháng. Người thứ tám bị cảnh cáo và không ai bị kết án tù thêm.
Sau khi bị kết án vào năm 2007 vì vi phạm Điều khoản 88, một số nhà hoạt động có tên tuổi vẫn còn bị tù đày, họ gồm có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và hai luật sư về nhân quyền Nguyễn v\Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Ông Đài, bà Nhân và ba thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân được giảm án sau khi kháng cáo.
Vào tháng Giêng, nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy đã bị giam từ tháng 4 2007 vì vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị đưa ra tòa, kết án tù bằng thời gian đã bị giam, và được tha vì lý do chữa bệnh.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bá Đang bị bắt từ tháng Năm 2007 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước,” hình như vẫn còn bị giam trong Trại Kinh Chi ở tỉnh Hải Dương.
Vào tháng 5, một trong bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công nông (HHĐKCN) đã bị bắt và kết án từ tháng 12 2007 và được thả sau khi mãn tù; ba người còn lại vẫn còn trong tù (Xem phần 6.a.)
Vào tháng Giêng, sau 17 tháng bị giam giữ, Trương Quốc Huy, thành viên của Khối 8406 đã bị truy tố và kết án sáu năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Các nhà tranh đấu thuộc đảng Việt Tân gồm Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Quốc Hải bị bắt từ năm 2006, bị xử và kết án vào tháng 5 theo Điều khoản 84 vì tội liên quan đến khủng bố, họ đã được trả tự do sau khi hết hạn tù.
Một số nhân vật chống đối thuộc những tổ chức chính trị bị đặt ngoài vòng pháp luật như Khối 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Nhân dân Hành động, Tổ chức Việt Nam Tự do, Tổ chức Đoàn kết Công nông và những tổ chức khác vẫn còn bị giam trong tù hoặc bị quản thúc tại gia ở nhiều nơi khác nhau.
Những tổ chức phi chính phủ quốc tế ước đoán là có vài trăm người dân thiểu số vẫn còn bị cầm tù vì đã liên quan đến những cuộc biểu tình vào năm 2004 ở Cao nguyên miền Trung.
Thủ Tục Tố Tụng Dân Sự và Bồi Thường
Không có một cơ chế rõ ràng và hiệu quả để sử dụng luật dân sự nhằm đòi hỏi sửa đổi hay đền bù cho những trường hợp bị lạm dụng bởi nhà chức trách. Những vụ kiện dân sự được xử bởi tòa “hành chính,” tòa dân sự và tòa hình sự, tất cả đều giống thủ tục tố tụng của những vụ án hình sự và được xét xử bởi cũng chính những thẩm phán và hội thẩm viên. Cả ba loại toà án này đều mắc phải vấn đề về tham nhũng, thiếu độc lập và không có kinh nghiệm.
Theo luật pháp, một công dân muốn kiện một công chức về tội vi phạm nhân quyền phải làm đơn đề nghị viên chức đương sự cho phép đưa những khiếu nại của mình lên tòa án hành chính. Nếu đơn xin phép bị bác, người dân có thể đệ đơn lên thủ trưởng của viên chức. Nếu viên chức đó hay thủ trưởng đồng ý cho đệ đơn, hồ sơ sẽ được tòa hành chính chấp thuận. Nếu tòa hành chính đồng ý trường hợp nên được tiếp tục, đơn sẽ được đưa sang tòa dân sự cho những vụ kiện dính dáng đến thương tích mà nạn nhân đòi bồi thường dưới 20% phí tổn điều trị gây ra bởi sự lạm quyền, hoặc đưa lên tòa hình sự cho những vụ kiện đòi bồi thường trên 20% của phí tổn. Trên thực tế, hệ thống chuyển đơn và xin xỏ phức tạp này làm cho dân chúng có ít phương tiện hiệu quả để theo đuổi những thủ tục tố tụng dân sự và hình sự để đòi hỏi đền bù cho những vi phạm nhân quyền, và cũng ít có chuyên gia luật pháp đầy đủ kinh nghiệm về hệ thống này.
Bồi Thường Tài Sản
Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.
Vào tháng Giêng, những người Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn trước Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Toà nhà này đã bị chính phủ trưng thu và là đối tượng của tranh chấp hiện nay. Sau khi chính phủ hứa giải quyết vấn đề, những buổi cầu nguyện chấm dứt. Ngày 19 tháng 9, nhà chức trách thành phố thông báo rằng họ sẽ xây một công viên ở khu vực này và lấy Tòa Khâm Sứ làm thư viện. Ngay lập tức, các viên chức thành phố đã bắt đầu việc phá huỷ những căn nhà. Một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra vào ngày 21 tháng 9 với khoảng 15 nghìn giáo dân Công giáo tham dự buổi cầu nguyện và rước lễ đặc biệt do Đức Tổng Giám Mục làm chủ lễ.
Vào các tháng Giêng, tháng 4, và tháng 9, giáo dân Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn cho những khu đất đang bị tranh chấp mà giáo xứ Thái Hà từng sở hữu. Tám người đã bị bắt vào tháng 8 và tháng 9 và đã bị kết án vào tháng 11 vì đã tham gia vào những buổi cầu nguyện tại Thái Hà với tội phá hoại tài sản và phá rối trật tự công cộng. Những tổ chức tôn giáo khác cũng phản đối việc dùng đất bị tịch thu của họ cho mục đích của chính phủ hay thương mại.
Nhiều người thuộc những nhóm sắc tộc thiểu số ở Cao nguyên miền Trung và Tây bắc tiếp tục than phiền rằng họ chưa nhận được bồi thường tương xứng cho đất đai đã bị chính phủ tịch thu để thiết lập những đồn điền cà phê và cao su với qui mô lớn. Một vài người dân cho rằng nguyên nhân của những cuộc biểu tình vào tháng 4 ở Cao nguyên miền Trung là do dân thiểu số đã thất vọng và không hài lòng với những chính sách sử dụng đất đai của chính phủ.
f. Can Thiệp Tùy Tiện Vào Đời Sống Riêng Tư, Gia Đình, Chỗ Ở hoặc Thư Tín
Luật pháp cấm can thiệp tùy tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; tuy nhiên, trên thực tế chính phủ không tôn trọng những cấm đoán này. Hệ thống đăng ký hộ khẩu và dân phòng được thành lập để theo dõi tất cả công dân mặc dù nói chung những hệ thống này ít lạm dụng hơn so với trước đây. Chính quyền đặc biệt chú ý vào những người bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động chính trị hoặc tôn giáo bị cấm.
Không ai được phép dùng vũ lực để đột nhập vào nhà riêng nếu không có lệnh của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, lực lượng an ninh hiếm khi tuân thủ những thủ tục này, thay vì thế họ thường yêu cầu cho phép vào nhà với ngầm ý đe dọa là sẽ phải trả giá nếu không hợp tác. Nhiều người từ chối hợp tác với những "yêu cầu" như vậy. Công an đôi khi bỏ đi khi bị từ chối, nhất là ở những khu vực thành thị.
Chính phủ mở và kiểm duyệt thư từ của các đối tượng đang bị để ý, tịch thu bưu kiện và thư từ, và theo dõi các cuộc điện đàm, điện thư, tin nhắn qua điện thoại di động, và thông tin qua fax. Chính phủ cắt đường dây điện thoại nhà và làm gián đoạn điện thoại di động cũng dịch vụ cung cấp Internet của một số các nhà hoạt động dân chủ và thân nhân của họ.
Việc trở thành đảng viên ĐCSVN vẫn là một điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến đối với những ai làm việc trong chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp của chính phủ. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa kinh tế khiến cho việc trở thành đảng viên ĐCSVN và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo đã bớt quan trọng trong việc được tăng thưởng về tài chính và xã hội.
Chính phủ tiếp tục thi hành chính sách kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích các gia đình không được quá hai con, nhưng chính sách này chỉ nhấn mạnh về việc cổ vũ và giáo dục chứ không ép buộc. Chính phủ có thể từ chối không đề bạt hoặc tăng lương cho những công chức có quá hai con, và đã có vài trường hợp bị từ chối tăng chức hay phạt tài chính, và dường như chính sách này không được áp dụng một cách đồng nhất. Các hình phạt này càng trở nên ít hiệu nghiệm vì phần lớn dân chúng, nhất là ở những nơi thành thị, tiếp tục chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân.
Phần 2: Tôn Trọng Dân quyền, Bao Gồm:
a. Tự Do Ngôn Luận và Báo Chí
Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện.
Cả hiến pháp lẫn bộ luật hình sự bao gồm những điều khoản bao quát về an ninh quốc gia và chống phỉ báng mà chính quyền sử dụng để giới hạn tự do ngôn luận và báo chí. Bộ luật hình sự định nghĩa những tội “phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội,” “gieo rắc chia rẽ giữa những người có đạo và không đạo,” và “tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là những vi phạm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự cũng nêu rõ việc cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước và các tổ chức xã hội.”
Nhiều lần khác nhau các nhà hoạt động chính trị và thân nhân của các tù nhân đã bị ngăn cản không được gặp những đại diện ngoại giao nước ngoài. Những cách thức được dùng bao gồm việc xây rào cản hoặc cho người đứng gác bên ngoài tư gia của họ hoặc triệu tập đến trụ sở công an để thẩm vấn tùy tiện và liên tục.
ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu. Vào đầu tháng 3, một chiến dịch “theo lề” của chính phủ đã dẫn đến việc kiểm tra tài chính của nhiều tờ báo và bắt buộc báo chí giới hạn vai trò thực hiện những chương trình đi sâu vào quần chúng như làm việc thiện và phát học bổng. Những người trong giới báo chí hầu hết cho những hành động này là một cố gắng của nhà hữu trách để giới hạn hơn nữa sự độc lập và ảnh hưởng trên báo chí.
Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó.
Ngày 12 tháng 5, công an đã bắt các phóng viên Nguyễn Việt Chiến của nhật báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của nhật báo Tuổi Trẻ vì tội “lạm dụng quyền hành trong khi thi hành chức vụ” liên quan đến những bài viết về vụ tham nhũng PMU-18 của Bộ Giao Thông vào năm 2006. Báo chí của nhà nước và dân chúng lên án mạnh mẽ vụ bắt bớ này. Tuy vậy, hai ngày sau khi báo chí tường thuật đầy đủ, BTTTT đã ra lệnh cho truyền thông ngưng không được viết nữa về vụ này. Báo chí và giới truyền thông tuân theo quyết định nhưng những người viết blog vẫn tiếp tục chỉ trích vụ bắt bớ. Sau đó tội danh của hai nhà báo được đổi thành “lạm dụng quyền tự do dân chủ”, họ bị đem ra tòa xử và kết tội hôm 15 tháng 10. Toà án xử Nguyễn Việt Chiến hai năm tù và Nguyễn Văn Hải hai năm cải tạo không giam giữ.
Vào tháng 7, các tổng biên tập của hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị thay thế. Hai tờ báo này giải thích rằng đây là những thay đổi bình thường mặc dù có nguồn tin cho rằng hai ông bị giáng chức vì đã cho in những phóng sự về tham nhũng. Vào tháng 8, chính phủ thu hồi thẻ hành nghề của 7 nhà báo từ những tờ báo do nhà nước quản lý vì đã “thiếu trách nhiệm” trong những bài tường thuật của họ về vụ PMU-18.
Ngày 19 tháng 9, công an đã tạm giam và hành hung một phóng viên ngoại quốc thuộc chi nhánh hãng tin Associated Press ở Hà Nội và giữ máy chụp ảnh của ông ta trong tám tuần sau khi ông tìm cách chụp ảnh buổi cầu nguyện trước cửa Toà Khâm Sứ cũ.
Ngày 18 tháng 12, chính phủ đã đưa ra luật mới cấm những người viết blog đăng những tài liệu mà chính phủ cho là làm hại đến an ninh hoặc tiết lộ bí mật quốc gia, xúi dục bạo động hay tội ác, hoặc chứa đựng tin tức không đúng sự thật làm phương hại danh dự của cá nhân hay đoàn thể. Luật mới này cũng đòi hỏi các công ty Internet nước ngoài ở Việt Nam có dịch vụ blog phải báo cáo cho chính phủ mỗi sáu tháng và nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp tin tức về những người dùng blog.
Trong năm qua chính phủ cũng tiếp tục giới hạn những bài báo chỉ trích hành động của Trung Quốc về vụ tranh chấp đảo ở vùng biển Nam Hải và bài viết được cho là thảo luận về hoặc định quân sự chiếm đánh Việt Nam. Vào tháng 12 2007, tổng biên tập của một tờ báo điện tử lớn bị phạt vì bài bình luận sôi nổi về vụ Hoàng Sa. Ông vẫn còn tại chức mặc dù có những doạ dẫm cách chức.
Luật pháp đòi hỏi phóng viên bồi thường bằng hiện kim cho những cá nhân hay đoàn thể mà bài báo làm tổn thương đến danh dự của họ, ngay cả khi bài đăng đúng sự thật. Những nhà quan sát độc lập cho biết là luật này đã xiết chặt việc tường trình phóng sự. Đã có những bài báo về những chủ đề thường được xem là nhạy cảm như việc xử các đảng viên và nhân viên chính phủ cao cấp về tội tham nhũng, hoặc có những bài thỉnh thoảng chỉ trích nhân viên và các hội đoàn. Thế nhưng tự do chỉ trích ĐCSVN và các lãnh đạo đảng cao cấp vẫn bị cấm ngặt.
Ký giả ngoại quốc phải được giấy phép của trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao và họ phải đặt bản doanh ở Hà Nội ngoại trừ trường hợp một phóng viên chuyên về mảng kinh tế, đã cư ngụ và có một văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và trên danh nghĩa tường trình từ văn phòng chính ở Hà Nội. Phóng viên, ký giả ngoại quốc phải xin hộ chiếu mới từ ba đến sáu tháng một lần, dù vậy thủ tục này đã trở nên thường lệ, và không có báo cáo về việc bị từ chối hộ chiếu. Số nhân viên báo chí ngoại quốc được phép hành nghề cũng bị giới hạn và nhân viên người địa phương làm việc cho truyền thông nước ngoài phải đăng ký ở Bộ Ngoại giao.
Thủ tục xin và nhận giấy phép đối với các hãng thông tấn ngoại quốc trong việc mướn phóng viên và nhiếp ảnh gia người địa phương vẫn rườm rà. Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao thỉnh thoảng kiểm tra các hoạt động của ký giả và chấp thuận những yêu cầu phỏng vấn, chụp hình, quay phim, hay di chuyển thì dựa trên từng trường hợp cụ thể, và họ phải nộp đơn ít nhất năm ngày trước. Theo luật, ký giả ngoại quốc phải nộp cho Bộ Ngoại giao tất cả các câu hỏi phỏng vấn các cơ quan chính phủ. Nhưng trên thực tế, đã không có ai làm theo. Ký giả ngoại quốc cũng cho biết là nói chung họ không thông báo cho chính phủ khi di chuyển ra khỏi Hà Nội trừ khi chuyến đi liên quan đến bài tường thuật mà chính phủ cho là nhạy cảm hoặc họ đi đến những vùng được xem là nhạy cảm như Cao nguyên miền Trung.
Vài sách cấm bằng tiếng ngoại quốc được bày bán công khai trên vỉa hè và trong những cửa hàng dành cho du khách. Tạp chí bằng tiếng ngoại quốc cũng được bán rộng rãi ở các thành phố nhưng thỉnh thoảng chính phủ cũng kiểm duyệt các bài viết.
Luật pháp chỉ cho phép sử dụng vô tuyến truyền hình vệ tinh cho các quan chức lớn, người ngoại quốc, khách sạn hạng sang và báo chí, nhưng trên thực tế, trên toàn quốc ai cũng có thể xem những chương trình qua vệ tinh hay qua truyền hình cáp. Những người sống ở thành thị cũng có thể đặt thuê truyền hình cáp trong đó có cả những đài ngoại quốc.
Tự Do Trên Mạng
Chính phủ cho phép dân chúng truy cập vào mạng qua một số ít công ty cung cấp dịch vụ mạng, tất cả đều là những công ty cổ phần của chính phủ. Trong năm qua, số người sử dụng mạng tiếp tục gia tăng. Theo BTTTT, có 24% dân chúng truy cập mạng. Việc viết blog tiếp tục gia tăng nhanh chóng. BTTTT ước đoán là có trên một triệu blogger trên mạng. Ngoài một số tờ báo chính và tin tức trên mạng, nhiều ký giả có trang blog riêng của họ. Trong vài trường hợp, những trang blog của họ nhiều khi còn gây tranh cãi hơn cả những bài họ viết thường tình trên báo. Trong một ít trường hợp, chính phủ phạt tiền hay trừng phạt những người này vì nội dung trang Blog của họ.
Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng.
Chính phủ đòi hỏi các tiệm như quán cà phê mạng phải ghi chép các dữ kiện cá nhân của khách hàng và dự trữ những địa chỉ mạng mà khách hàng đã ghé qua. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của các quán cà phê mạng không lưu giữ các thông tin này. Tương tự, không ai biết những công ty cung cấp dịch vụ mạng chính tuân thủ các luật lệ của chính phủ đến độ nào.
Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm.” Họ bào chữa cho việc kiểm duyệt mạng là điều cần thiết để che chở dân chúng không bị ảnh hưởng từ phim ảnh đồi trụy và những “phần tử xấu” hoặc “phản xã hội.” Họ cũng bào chữa rằng những cố gắng giới hạn truy cập mạng cho trẻ con trong tuổi đi học là để chúng không sao nhãng việc học vì những trò chơi trên mạng.
Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.
Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên. Vào tháng Giêng, nhà văn và ký giả Trần Khải Thanh Thủy đã bị bắt giam về vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị truy tố và tuyên án tù cho thời gian bị giam cầm, và được thả vì lý do sức khoẻ. Vào tháng 4, ông Nguyễn Hoàng Hải (còn có tên là Điếu Cày), một blogger nổi tiếng và chủ tịch của Hội Nhà báo Tự do đã bị bắt giữ; ngày 10 tháng 9, ông ta và vợ bị đưa ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh về tội trốn thuế. Ông bị tuyên án 30 tháng tù và phạt 210 triệu (khoảng $12.730 đô la). Vợ ông Hải cũng bị phạt số tiền tương tự. Ngày 4 tháng 12, tiền phạt và án tù của ông bà Hải được tạm ngưng trong khi chờ kháng án. Tòa phúc thẩm báo tin phiên xử cho luật sư của ông Hải chỉ có chín ngày thay vì 15 ngày trước phiên tòa như luật pháp đòi hỏi.
Vào tháng Chín, giới hữu trách địa phương ở Hà Nội dọa bắt bớ những bloggers và những ai gửi điện thư ra nước ngoài về những tin tức về tranh chấp đất đai nhà cửa của các giáo dân.
Nhà chức trách tiếp tục dùng tường lửa để ngăn chặn những trang mạng được xem là không thích hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm những trang thuộc về Giáo hội Công giáo như vietcatholic.net hoặc những trang của những hội đoàn chính trị của người Việt ở hải ngoại. Chính phủ đã bỏ hầu hết những ngăn chặn truy cập đến trang mạng của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) mặc dù họ vẫn tiếp tục chặn trang của Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia, RFA) trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bài viết dựa theo tin tức của RFA xuất hiện tên các báo chí trong nước.
BTTTT đòi hỏi chủ nhân của các trang mạng trong nước, ngay cả những trang được điều hành bởi người ngoại quốc phải đăng ký với chính phủ và nộp nội dung và chủ trương của trang cho chính phủ để được xét duyệt; tuy nhiên việc kiểm soát thi hành luật lệ vẫn còn chọn lọc.
Intellasia, một công ty truyền thông có bài viết và tin tức đầu tư trên mạng đã bị nhà hữu trách đóng cửa vào tháng 8 2007 vì đã đăng những "nội dung thiếu xác thực và phản động”, hãng này vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoại quốc.
Tự Do Nghiên Cứu và Hoạt Động Văn Hoá
Chính phủ xác định quyền hạn chế tự do khảo cứu, các giới chức có thẩm quyền thỉnh thoảng chất vấn và kiểm soát những nhà nghiên cứu trong lãnh vực lạ. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cho phép việc truyền tải thông tin rộng hơn những năm trước, bao gồm cả trong hệ thống đại học. Quản thủ thư viện ở các địa phương càng ngày càng được huấn luyện về kỹ năng chuyên nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ thư viện có tầm vóc quốc tế và trao đổi kiến thức và khảo cứu bao quát hơn. Những chuyên gia khảo cứu ngoại quốc làm việc ở các đại học trong nước được cho phép bàn luận về những vấn đề phi chính trị một cách cởi mở và tự do trong lớp học, nhưng quan sát viên của chính phủ thường thường ngồi dự thính trong lớp do giảng viên ngoại quốc hay địa phương hướng dẫn. Công an thỉnh thoảng chất vấn những người tham dự chương trình được tổ chức ở những khu vực ngoại giao hay sử dụng những cơ sở khảo cứu ngoại giao. Tuy vậy, những thỉnh cầu về tài liệu từ cơ sở khảo cứu ngoại quốc cũng gia tăng. Những sách khảo cứu thường phản ảnh quan điểm của ĐCSVN hay của chính phủ.
Chính phủ kiểm soát triển lãm nghệ thuật, âm nhạc, và những hoạt động văn hoá khác; tuy nhiên, nói chung họ cũng cho các nghệ sĩ quyền rộng rãi để chọn chủ đề cho tác phẩm hơn những năm trước. Chính phủ cũng cho phép các đại học nhiều quyền tự trị về trao đổi quốc tế hay chương trình hợp tác.
b. Tự Do Hội Họp và Lập Hội Một Cách Ôn Hoà
Tự Do Hội Họp
Luật pháp cấm ngặt quyền hội họp và chính quyền cũng cấm đoán và kiểm soát tất cả những hình thức biểu tình hay tụ tập nơi công cộng. Theo luật lệ qui định, những ai muốn tụ tập thành một nhóm phải xin giấy phép và nhà chức trách địa phương có thể tuỳ ý chấp nhận hoặc từ chối. Trên thực tế, dường như chỉ có những ai sắp xếp những buổi họp được nhiều người biết để bàn về những vấn đề nhạy cảm mới cần xin phép, còn những người thường xuyên tổ chức họp mặt thân mật thì không bị chính phủ quấy rầy. Nói chung, chính phủ không cho phép những cuộc biểu tình tuần hành có thể được xem là với mục đích chính trị. Chính phủ cũng giới hạn quyền tụ họp để thờ phượng của vài nhóm tôn giáo không đăng ký (xem phần 2.c.)
Trước cuộc rước đuốc Thế vận hội thế giới vào tháng 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà tranh đấu kể rằng nhà chức trách đã gọi họ lên để thẩm vấn và cảnh cáo họ không nên tổ chức biểu tình.
Nhiều buổi lễ cầu nguyện đông người tham dự xảy ra trong tháng 1, tháng 4 và tháng 9 tại những nơi tranh chấp đất đai của người Công giáo ở Toà Khâm Sứ cũ và tại giáo phận Thái Hà ở Hà Nội. Cảnh sát đã bắt giữ tám người và quấy rối những người dự lễ (xem phần 1.e.). Nhiều cuộc biểu tình nhỏ của những người đòi bồi thường đất đai bị tịch thu thường xuyên xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và thỉnh thoảng ở Hà Nội. Cảnh sát có theo dõi nhưng nói chung họ không quấy rối những người tham gia biểu tình.
Tự Do Lập Hội
Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền.
Chính quyền tiếp tục thực hiện qui chế Dân chủ Cơ sở của năm 2007 để giúp dân chúng nông thôn, với sự tham gia của đại diện MTTQ tại địa phương, triệu tập các buổi họp để thảo luận và đặt ra những giải pháp cho vấn đề địa phương và bổ nhiệm đại biểu vào ban lãnh đạo địa phương. Qui chế này cũng đòi hỏi chính quyền cấp xã phải công bố việc thu chi trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm. Những thành viên kỳ cựu bị bắt và nhốt vào tù trong một cuộc thanh trừng từ năm 2007. Vào tháng 9, nhà cầm quyền bắt thêm sáu thành viên của Khối 8406 vì họ đã chỉ trích chính sách kinh tế cũng như thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc. Các thành viên khác bị quấy rối thường xuyên vì những hoạt động chính trị bất bạo động. Khối 8406 tuyên bố đã có hơn 2.000 người ủng hộ trong nước mặc dù con số này không thể được kiểm chứng. Đến cuối năm, có ít nhất là 16 thành viên của Khối bị giam giữ.
Một vài thành viên của một nhóm tranh đấu khác, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam, và một nhóm liên quan là Tổ chức Công nông Đoàn kết vẫn còn bị giam vào cuối năm.
c. Tự Do Tôn Giáo
Hiến pháp và các nghị định của chính phủ qui định quyền tự do tín ngưỡng và những cải thiện so từ những năm trước về việc tôn trọng tự do tôn giáo nói chung đã tiếp tục trong năm vừa qua. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo; tuy nhiên, về tổng quát những hạn chế này được thi hành bớt khắt khe hơn những năm trước. Nhìn chung việc tham gia vào những hoạt động tôn giáo được tiếp tục gia tăng đáng kể.
Bất cập vẫn tồn đọng trong việc thực hiện Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo ở hầu hết ở cấp địa phương, nhưng trong vài trường hợp chính phủ trung ương cũng trì hoãn áp dụng.
Các tổ chức tôn giáo gặp phải những cấm đoán cao nhất khi họ có những hoạt động được cho là hoạt động chính trị hoặc đối kháng với cho quyền lực nhà nước. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc gia nhập Hội Phật giáo Hòa hảo. Chính phủ cũng hạn chế hoạt động và việc đi lại của ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và họ vẫn không công nhận tổ chức này với ban lãnh đạo hiện thời. Chính phủ cũng chú ý đến vài nhóm dân thiểu số ở các vùng Cao nguyên miền Trung đang hoạt động trong hội "Tin lành Dega”, được cho là pha lẫn hoạt động tôn giáo với chính trị và kêu gọi việc ly khai cho dân tộc thiểu số.
Chính phủ giữ một vai trò nổi bật trong việc giám thị những tôn giáo đã được công nhận. Theo luật, các nhóm tôn giáo phải được chính thức công nhận hay đăng ký, và những hoạt động cũng như thành phần trị sự của các giáo phái phải được nhà nước thông qua. Luật pháp đòi hỏi chính phủ phải hành động nhanh chóng và minh bạch, nhưng quá trình chấp thuận cho đăng ký và công nhận những tổ chức tôn giáo đôi khi chậm trễ và không rõ ràng. Tuy vậy, nhiều giáo đoàn mới được đăng ký trong toàn quốc trong năm qua và một số giáo phái đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên, các nhà chức trách địa phương vẫn chưa đả động đến nhiều đơn xin đăng ký nộp từ năm 2006 của trên 1.000 giáo đoàn Tin lành với hầu hết giáo dân là các nhóm dân tộc thiểu số.
Nhiều nhà chức trách địa phương tiếp tục đòi hỏi điều kiện đầu tiên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận là phải cung cấp danh sách của tất cả thành viên khi đăng ký mặc dù Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo không đòi hỏi việc này. Nhiều giáo đoàn ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên than phiền là nhà chức trách đã dùng danh sách ấy kể ngăn chặn hoặc sách nhiễu những người không có tên trong danh sách được dự lễ. Hoạt động thường niên của các nhà thờ cũng phải đăng ký với nhà chức trách và những hoạt động nào không nằm trong lịch sinh hoạt đã được chấp thuận trước phải có giấy phép khác của chính phủ.
Cũng giống như những năm trước, quá trình giám sát chính thức các nhóm tôn giáo thay đổi rất nhiều tùy theo từng địa phương, thường thường là do không hiểu chính sách quốc gia hoặc cách hiểu khác nhau về mục đích của chính sách ở mỗi địa phương. Nói chung, những cố gắng của trung ương để phối hợp việc thi hành đúng đắn khuôn khổ tôn giáo của chính phủ đã làm giảm thiểu mức độ và cường độ vi phạm tự do tôn giáo. Tuy vậy, trên phương diện kỹ thuật, hoạt động của những nhóm tôn giáo không được công nhận hay không đăng ký vẫn được xem là không hợp pháp, và những tổ chức này thỉnh thoảng bị sách nhiễu. Nhiều cuộc hội họp của những tổ chức “không đăng ký” này bị giải tán hay ngăn cản ở Hải Phòng hay miền Cao nguyên tây bắc, trong số các cáo buộc của những người theo đạo là đôi khi chính quyền địa phương dùng “côn đồ đánh thuê” để quấy nhiễu hay hành hung họ. Ở Trà Vinh, có báo cáo là một vài nhà thờ tại gia kể cả Nhà thờ Phúc âm đã bị công an quấy nhiễu và “dân quân” mặc thường phục đánh đập liên tiếp. Giới chức trách đã không có hành động kỷ luật nào đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, mức độ sách nhiễu có giảm đi so với những năm trước và đại đa số các nhà thờ hay chùa chiền không đăng ký được hoạt động mà không bị trở ngại.
Chính phủ tích cực can ngăn sự tiếp xúc giữa GHPGVNTH, một tổ chức được chính phủ cho là bất hợp pháp, với những người ủng hộ ở ngoại quốc, nhưng những tiếp xúc đó vẫn tiếp tục. Công an thường xuyên thẩm vấn bất cứ ai có một quan điểm tôn giáo và chính trị khác như một số tăng sĩ trong GHPGVNTN và các linh mục Công giáo. Công an vẫn tiếp tục hạn chế việc tự do đi lại của các tăng sĩ thuộc GHPGVNTN.
Trong năm qua đã có vài nguồn tin khả tín về việc bắt rời bỏ tín ngưỡng ở miền Trung và Tây bắc Cao nguyên. Tuy nhiên, những bài viết trong các tờ báo tỉnh khuyến khích nhà cầm quyền địa phương và những nhóm dân tộc thiểu số đi theo thuyết duy linh và tập tục truyền thống và bỏ đạo Tin lành.
Đại đa số tín đồ Phật giáo hành đạo qua Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được chính thức công nhận, và nói chung, họ có thể tự do thờ cúng. Chính quyền tiếp tục quấy nhiễu tín đồ của GHPGVNTN và ngăn cản họ không được có những hoạt động từ thiện độc lập ở ngoài phạm vi chùa chiền.
Ban lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN vẫn bị công an theo dõi ráo riết tại chùa của họ và việc đi lại trong nước bị giới hạn. Thầy Thích Quảng Độ và Thích Không Tánh đã được phép đi đưa đám tang vị trưởng Tăng thống của GHPGVNTN vào tháng 7, mặc dù một số tăng sĩ của GHPGVNTN ở các tỉnh tường thuật là các nhà hữu trách không cho họ đi. Một tăng sĩ của GHPGVNTN phải chuyển khỏi tỉnh để lên Thành phố Hồ Chí Minh và từ chức khỏi ban lãnh đạo GHPGVNTN vì luôn luôn bị chính quyền theo dõi và quấy nhiễu.
Giáo hội Công giáo tường trình là chính phủ đã tiếp tục giảm bớt việc can thiệp vào quá trình phân bổ các linh mục mới. Khác với những năm trước, không thấy có trường hợp nào chính phủ từ chối việc phân bổ các linh mục. Giáo hội đã thảo luận với chính quyền về thiết lập thêm trường dòng và phát triển chương trình đào tạo mục sư. Giáo hội đang tiến đến việc thành lập một tổ chức chính thức để hợp tác với toà thánh Vatican trong việc đề ra những nguyên tắc và lộ trình cho việc thiết lập mối quan hệ chính thức.
Một số tăng lữ Công giáo tường trình rằng chính phủ tiếp tục giảm dần kiểm soát trên những hoạt động trong vài giáo phận ở ngoại thành Hà Nội. Nhiều nơi chính quyền địa phương cho phép Giáo hội Công giáo dạy những lớp giáo lý (ngoài giờ học) và tiến hành những hoạt động từ thiện. Giới chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giúp hỗ trợ một số hoạt động từ thiện của Giáo hội trong việc chống bệnh HIV/AIDS; tuy nhiên, hoạt động giáo dục và giấy phép hợp pháp cho một vài cơ quan từ thiện Công giáo làm việc như những tổ chức phi chính phủ vẫn còn bị trì hoãn. Vào tháng 10, chính phủ chấp thuận cho Caritas mở cửa lại sau 32 năm vắng mặt.
Chính quyền địa phương can ngăn một cách không chính thức việc đi lại trong nước của các tăng lữ, ngay cả chỉ trong các tỉnh nằm trong khu vực của họ, nhất là khi di chuyển đến những vùng có dân tộc thiểu số. Đức Tổng giám mục của Hà Nội bị giới hạn đi lại vì mục sự đến những vùng dân tộc thiểu số ở phía bắc nhưng lại được phép đến đó với tư cách cá nhân
Mặc dù có những báo cáo về việc kỳ thị các học sinh theo đạo Công giáo, nhà chức trách chối là họ có một chính sách giới hạn giáo dục dựa trên tín ngưỡng.
Ít nhất đã có 10 tín đồ của Giáo hội Hòa hảo vẫn còn bị giam vì được cho là liên quan đến vụ xô xát với công an vào năm 2005. Những tu sĩ và tín đồ trực thuộc Hội đồng Quản trị Giáo hội Hòa hảo được phép hành đạo vì hội đồng này được chính phủ công nhận. Những tăng sĩ và tín đồ nào thuộc về những nhóm bất đồng quan điểm hoặc từ chối công nhận thẩm quyền của Hội đồng sẽ bị hạn chế.
Những tổ chức tôn giáo không được phép tự mở trường riêng. Người truyền giáo nước ngoài không được truyền đạo trong nước, dù vậy nhiều người đã tham gia những hoạt động từ thiện nhân đạo và gặp gỡ với các giáo đoàn có đăng ký sau khi được chính phủ chấp thuận.
Nói chung, chính phủ đòi hỏi các ấn phẩm tôn giáo phải được xuất bản bởi nhà in sách tôn giáo của chính phủ; tuy vậy, một số tổ chức tôn giáo đã có thể sao chép lại tài liệu của chính họ hay nhập khẩu với sự chấp thuận của nhà nước. Chính phủ có phần nào nới lỏng việc hạn chế ấn loát hay nhập khẩu những sách vở tôn giáo, bao gồm những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Cho đến cuối năm, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa chấp thuận việc in Thánh kinh bằng tiếng Mường mặc dù đơn xin đã được đệ lên cách đây hơn hai năm với lý do là chờ đợi chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d. Tự Do Đi Lại, Dân bị Dời Chỗ, Bảo Vệ Dân Tị Nạn, và Dân Vô Tổ Quốc
Hiến pháp cho phép quyền tự do đi lại trong nước, du lịch và sinh sống ở nước ngoài và hồi hương; tuy nhiên, chính phủ đã áp đặt một vài giới hạn trên việc tự do đi lại của một số cá nhân. Chính quyền nói chung đã hợp tác với Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và những tổ chức nhân đạo khác để giúp dân tị nạn và những người đào tị.
Một vài người bất đồng chính kiến, dù được tạm tha có có quản lý hay bị quản chế tại gia, đã bị giới hạn di chuyển nhưng công an cho phép họ ra khỏi nhà dưới sự theo dõi. Ví dụ hai nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn and Nguyễn Khắc Toàn, đã được phóng thích năm 2006, luật sư Lê Quốc Quân và ký giả Nguyễn Vũ Bình, được phóng thích năm 2006 vẫn còn bị chính quyền quản thúc hành chính dưới hình thức hạn chế đi lại. Mặc dù thỉnh thoảng bị quản chế tại gia, họ cũng được đi lại ít nhiều trong nội vi Thành phố Hà Nội, nhưng sự di chuyển của họ hay những cuộc thăm viếng của những người bất đồng chính kiến khác đều bị theo dõi sát sao. Ngày 1 tháng 9, trên đường đi gặp các nhà nghị viên ngoại quốc, ông Quân đã bị giữ lại ở phi trường Nội Bài. Nhà chức trách hủy thông hành của ông và nói ông không được phép ra nước ngoài. Ông Sơn và ông Toàn cũng bị cấm đi ra nước ngoài. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai nhà hoạt động dân chủ là Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải đã bị quản chế tại gia. Ông Hải bị ngăn cản không cho gặp các nhà ngoại giao nước ngoài ít nhất hai lần.
Hạn chế của chính phủ về việc thăm viếng một số vùng vẫn còn hiệu lực. Công dân trong nước và người nước ngoài phải có giấy phép khi thăm viếng những vùng biên giới, cơ sở quốc phòng, những khu vực kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng, những vùng “dự trữ chiến lược quốc gia,” và những “công trình tối quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.”
Luật Cư trú năm 2007 đã không được thi hành rộng rãi và lượng dân nhập cư từ thôn quê lên thành phố tiếp tục tăng.
Việc đi lại không có giấy phép đã cản trở những người xin giấy thường trú hợp pháp, đi học trường công và nhận phúc lợi y tế. Những người mang thông hành ngoại quốc phải đăng ký khi cư ngụ tại nhà riêng mặc dù chưa thấy có trường hợp nào chính quyền địa phương từ chối để khách ngoại quốc ở nhà của bạn bè hay gia đình. Dân chúng cũng buộc phải đăng ký với công an địa phương khi họ ngủ qua đêm ở bất cứ nơi nào ngoài nhà riêng của họ; dường như chính phủ đã áp dụng khắt khe hơn những đòi hỏi này ở một số khu vực vùng Cao nguyên miền Trung và miền Bắc.
Chính phủ từ chối không cấp hộ chiếu cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Chính quyền các tỉnh ở Cao nguyên miền Trung cho phép việc cấp sổ thông hành và di chuyển cho các cá nhân thuộc sắc tộc thiểu số được đi Mỹ hợp pháp với hộ chiếu đoàn tụ gia đình.
Thỉnh thoảng các viên chức chính quyền đã trì hoãn việc phát sổ thông hành cho dân chúng để đòi hối lộ. Dân di cư ra ngoại quốc ít khi gặp khó khăn khi lấy sổ thông hành.
Luật pháp cho phép việc cưỡng bức đày ải trong ngoài nước, và chính phủ cũng không dùng đến điều khoản này.
Chính phủ thường cho phép những di dân ra ngoại quốc được trở về thăm viếng. Tuy nhiên, chính phủ từ chối không cho những nhà hoạt động chống đối từ ngoại quốc trở về. Những nhà hoạt động chính trị người Việt hải ngoại có tiếng đều bị từ chối chiếu khán nhập cảnh.
Theo luật, chính phủ xem bất cứ ai được sinh ra ở trong nước là một công dân, ngay sau khi đã có quốc tịch khác, trừ khi phải chính thức xin phép từ bỏ quốc tịch và được Chủ tịch nước chấp thuận. Tuy vậy, trên thực tế chính quyền thường đối đãi những người Việt sống ở ngoại quốc như là công dân của nước đã nhận họ. Di dân sống ở nước ngoài không được phép dùng sổ thông hành Việt Nam sau khi họ có quốc tịch khác. Nói chung, chính phủ khuyến khích họ về thăm viếng hay đầu tư nhưng thỉnh thoảng cũng theo dõi họ rất kỹ. Trong năm qua, chính phủ đã nới rộng việc hạn chế đi lại cho người Việt hải ngoại, thực hiện chương trình chiếu khán nhập cảnh nhiều lần cho những người “hội đủ điều kiện,” và trong tháng 11, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép mang hai quốc tịch.
Chính phủ tiếp tục tôn trọng bản liên kết giữa chính phủ Campuchia và Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tạo điều kiện cho những người gốc Việt ở Campuchia không hội đủ điều kiện định cư ở nước thứ ba.
Chính quyền địa phương chỉ theo dõi nhưng không can thiệp vào những chuyến viếng thăm kiểm tra tìm hiểu dữ kiện của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn hoặc những đại diện ngoại giao ở Cao nguyên miền Trung. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn báo cáo là họ đã có thể gặp riêng những người hồi hương. Giống như những năm trước, công an địa phương có mặt trong lúc các nhà ngoại giao phỏng vấn những người hồi hương nhưng bỏ đi khi bị yêu cầu. Chính quyền địa phương nói chung tôn trọng những trách nhiệm nhằm giúp những người gốc thiểu số hồi hương từ Campuchia được tái nhập cư một cách êm thắm
Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tường trình rằng tình hình ở Cao nguyên miền Trung có vẻ như là một quá trình hoà nhập những người dân tộc thiểu số vào một cộng đồng quốc gia hơn là một nơi làm người dân phải đi tị nạn và không khí thì “cởi mở” trong lúc họ đi thanh tra. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn cũng tường trình là tình cảnh của dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên miền Trung đã khả quan hơn sau những cuộc đàn áp vào năm 2001 và 2004. Ủy ban nói rằng họ “cảm thấy không có dấu hiệu bạc đãi” nào đối với những người dân thiểu số mà Ủy ban đã thanh tra ở Cao Nguyên miền Trung. Làn sóng dân thiểu số vượt biên sang Campuchia, dù lên cao vào đầu năm, đã hầu như ngưng lại vào giữa năm, có thể vì hầu hết những người mới đến đã bị Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn liệt vào thành phần di dân vì kinh tế thay vì tị nạn.
Bảo Vệ Dân Tị Nạn
Chính phủ không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về qui chế Người tị nạn và Nghị định thư năm 1967, và luật pháp không qui định thừa nhận qui chế về nương náu tạm hay tị nạn. Chính phủ chưa thiết lập hệ thống để bảo vệ người tị nạn và không thừa nhận qui chế tị nạn hay nương náu tạm. Chính phủ có biện pháp bảo vệ cho những người bị đuổi hay hồi hương phải quay về những nơi mà tính mệnh hoặc tự do của họ bị đe dọa; tuy nhiên, không có trường hợp nào như vậy trong suốt năm qua.
Người Vô Tổ Quốc
Tập thể những người vô tổ quốc lớn nhất trong nước có khoảng 9.500 người Campuchia đi tị nạn ở Việt Nam trong thập niên 1970 và họ bị chính phủ Campuchia từ chối chấp nhận hồi hương trên lý do là không có bằng chứng để xác nhận họ đã từng là công dân Campuchia. Đa số là người gốc Hoa hoặc gốc Việt. Ban đầu nhóm này định cư trong một số trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khi trợ giúp nhân đạo cho các trại tị nạn bị chấm dứt vào năm 1994, khoảng 7.000 người bỏ trại đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khoảng 2.200 người khác ở lại trong bốn ngôi làng từng là trại tị nạn. Nhiều người đã sinh con ở Việt Nam nhưng họ và con cháu không được hưởng những quyền lợi như công dân Việt Nam, bao gồm quyền sở hữu nhà cửa, được giáo dục tương đương, và chăm sóc y tế công cộng. Năm 2007 Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và các chính phủ Campuchia và Việt Nam đã tiến hành một chương trình thống kê tổng quát và nhập tịch Việt Nam cho những người vô tổ quốc này. Nhưng trong năm nay, việc thi hành chương trình đã bị dời lại.
Khi thông qua dự luật cho phép mang hai quốc tịch, chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề vô tổ quốc trước đó bằng cách tước bỏ quốc tịch công dân, ví dụ như phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Nhóm người này tiêu biểu là những phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đó, họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để xin quốc tịch ngoại quốc. Nhưng trước khi có được quốc tịch ngoại quốc, họ đã ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không có quốc tịch hay giấy tờ tuỳ thân. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn đã làm việc với chính phủ và cộng đồng quốc tế để giải quyết những khía cạnh khác của vấn đề này.
Hội Phụ nữ Việt Nam tiếp tục làm việc với chính phủ Hàn Quốc để giải quyết vấn đề môi giới cưới hỏi người ngoại quốc và tư vấn trước khi cưới, bao gồm việc giáo dục về luật lệ di dân và quốc tịch. Bộ Ngoại giao cam kết làm việc với giới hữu trách về việc di dân để quảng bá hiệu nghiệm hơn những phương cách nhằm giúp các phụ nữ như trên lấy lại quốc tịch Việt Nam, giấy tờ, và phúc lợi cư trú. Tuy nhiên, vì thủ tục tốn tiền và luộm thuộm, những phụ nữ đó thường phải chịu tình trạng vô tổ quốc. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và thế giới cũng đã giúp đỡ họ.
Phần 3: Tôn Trọng quyền Tự Do Chính Trị: Quyền của Công Dân để Thay Đổi Chính Quyền
Hiến Pháp không cho công dân quyền thay đổi chính phủ của họ một cách hoà bình, và công dân không thể tự do lựa chọn việc thay đổi pháp luật và nhân sự của nhà nước đương quyền.
Bầu Cử và Tham Gia Chính Trị
Các cuộc bầu cử gần đây nhất để lựa chọn các thành viên của Quốc hội đã được tổ chức vào tháng 5 2007. Các cuộc bầu cử đã không tự do và cũng không công bằng, do toàn bộ các ứng viên đều do MTTQ lựa chọn và đề cử. Mặc dù ĐCSVN đã thông báo trước đấy rằng một số lượng lớn ứng cử viên "độc lập" (những người không liên kết với một tổ chức hoặc một nhóm nào) sẽ được tham gia ứng cử, tỉ lệ ứng cử viên tự do chỉ hơi cao hơn lần bầu cử năm 2002. ĐCSVN đã đồng ý cho 30 ứng cử viên "tự đề cử", gồm những người không có sự ủng hộ của chính phủ nhưng được phép ứng cử. Đã có báo cáo đáng tin cậy rằng cán bộ Đảng đã gây áp lực để nhiều ứng cử viên tự đề cử từ bỏ ý định tranh cử hoặc viện ra lý do là họ "không đủ điều kiện" để tranh cử.
Theo chính phủ, đã có hơn 99% của 56 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử đã tham gia bỏ phiếu, một con số mà các nhà quan sát quốc tế đã cho rằng quá cao và thiếu cơ sở. Cử tri được chính quyền cho phép bỏ phiếu hàng loạt giùm cho các người khác, và chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đi bầu phải tham gia bằng cách tổ chức bầu theo nhóm và toàn bộ cử tri trong khu vực được ghi nhận là đã bỏ phiếu. Việc làm này được xem là làm mất đi sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2007, các nhà lãnh đạo ĐCSVN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - đã giữ nguyên ghế cũ. Những đảng viên ĐCSVN đã chiếm 450 trong 493 ghế Quốc hội. Chỉ có duy nhất một ứng cử viên trong 30 ứng cử viên tự ứng cử đã thắng cử.
Mặc dù Quốc hội đang bị điều khiển bởi ĐCSVN (tất cả những thành viên cấp cao và trên 90% thành viên của Quốc hội là đảng viên) vẫn tiếp tục từng bước thể hiện chức năng của một cơ quan lập pháp. Quốc hội đã công khai chỉ trích những đường lối kinh tế xã hội, việc đối phó với lạm phát của chính phủ và kế hoạch nới rộng phạm vi của chính quyền Hà Nội. Những cuộc họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Vài thành viên Quốc hội còn chỉ trích quyền hành quá lớn của ĐCSVN trong xã hội.
Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm trong tay ĐCSVN, và Hiến pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Những phong trào đối kháng hoặc các tổ chức chính trị đều không hợp pháp. Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan công quyền tối cao mặc dù đúng ra phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Trung Ương ĐCSVN.
Chính phủ vẫn tiếp tục ngăn cản và hạn chế tối đa những chỉ trích và tranh luận công khai. Việc công khai thách thức sự chính danh của chế độ độc đảng thì bị cấm đoán; tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những bức thư chỉ trích chính quyền từ nhân dân, bao gồm từ cả vài cựu đảng viên cao cấp đã lưu hành công khai. Chính phủ vẫn tiếp tục bắt bớ và làm khó dễ những nhóm đối kháng chính trị nhỏ được thành lập năm 2006, và những thành viên của nhóm nay thường phải đối mặt với việc bắt bớ và tù đày vô cớ.
Qui định của pháp luật cho phép phụ nữ và người thuộc sắc tộc thiểu số quyền được tham gia vào chính trị một cách bình đẳng. Đã có 127 phụ nữ trong Quốc hội, chiếm 26%, một tỷ lệ hơi thấp hơn so với nhiệm kỳ trước.
Các dân tộc thiểu số giữ 87 ghế, chiếm 18% trong Quốc hội, vượt quá tỉ lệ dân số của họ trong cả nước, được ước tính khoảng 13%.
Tham Nhũng và Minh Bạch của Chính Phủ
Luật pháp qui định tội hình sự đối với quan chức thức tham nhũng; tuy nhiên chính phủ đã không luôn thực hiện các luật định một cách hiệu quả và đôi khi cán bộ tham nhũng được bao che. Tham nhũng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ cương quyết trong các nỗ lực chống tham nhũng, bao gồm việc công bố ngân sách của các cấp chính quyền, cải tiến Nghị định Công khai Tài sản 2007, và tiếp tục cải tiến các biện pháp thanh tra của chính phủ. Các vụ án quan chức chính phủ tham nhũng đôi khi đã được công bố rộng rãi.
Bộ luật chống tham nhũng cho phép công dân được công khai khiếu nại về sự làm việc thiếu hiệu quả của chính phủ, thủ tục hành chính, tham nhũng, và chính sách kinh tế. Trong những lần trào đổi trực tuyến qua mạng với lãnh đạo cấp cao của chính phủ, công dân đã đặt thẳng những câu hỏi về những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem việc công khai chỉ trích chính trị là phạm pháp, trừ khi những lời chỉ trích đã được kiểm soát bởi chính quyền. Nỗ lực tổ chức những người có khiếu nại để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả đã được xem như là hoạt động chính trị trái phép và và có thể bị bắt bớ. Cán bộ cấp cao của chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng đi về nhiều địa phương để cố gắng giải quyết khiếu nại của công dân. Tham nhũng liên quan đến việc sử dụng đất đã được công bố rộng rãi trên báo chí. Rõ ràng đây là một nỗ lực có hệ thống để tạo áp lực cho cán bộ địa phương giảm bớt nạn lạm dụng quyền hành.
Theo Nghị định 2007, các quan chức chính phủ phải báo cáo hàng năm vào ngày 30 tháng 10 về nhà, đất, kim loại quý, và "các giấy tờ có giá trị" mà họ làm chủ, tiền họ gởi ở các ngân hành nước ngoài và trong nước và thu nhập phải đóng thuế của họ. Nghị định chỉ yêu cầu chính phủ công bố kết quả kê khai tài sản khi một viên chức chính phủ được xem là là "giàu có bất thường", đòi hỏi phải điều tra hoặc truy tố pháp lý. Ngoài các cán bộ đảng và cán bộ cao cấp của chính phủ, nghị định trên còn áp dụng cho Kiểm sát viên, các thẩm phán và những người ở có chức vụ bằng hoặc cao hơn Phó Bí thư Tỉnh, Phó Chủ tịch Tỉnh, Phó Giám đốc các bệnh viện công, và Phó Chỉ huy Quân sự. Do thiếu sự minh bạch, không biết được Nghị định này đã được thực hiện rộng rãi đến đâu.
Trong vụ xét xử cán bộ tham nhũng PMU-18 năm 2007, ban đầu được hoan nghênh như là một bước tiến tích cực, việc truy tố và sa thải của các nhà báo và tổng biên tập đã đưa tin phóng sự về việc này đã tạo ra tâm lý sợ hãi trong công tác điều tra phóng sự các quan chức tham nhũng.
Đầu tháng 4, vị Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã thú nhận rằng có người đã tìm cách hối lộ ông ta 100 triệu đồng (khoảng 6.060 USD) để mua một chức vụ trong tỉnh. Vì ông ta đã từ chối công bố tên của cá nhân đó, ông đã bị cách chức bí thư vào tháng 9.
Trong tháng 9 BCA đã bắt đầu điều tra một vụ án trong đó một cán bộ cao cấp trong Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Mô trường Nước tại Thành phố Hồ Chí Minh bị tố cáo đã nhận hối lộ 90 triệu Yên (820.000 USD) từ quan chức của một công ty tư vấn nước ngoài. Trong tháng 11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm thời đình chỉ công tác của Huỳnh Ngọc Sỹ trong hai chức vụ là Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính kiêm Giám đốc dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường Nước của ông vì đã bị nghi ngờ tham nhũng.
Qui định pháp luật hiện không tạo điều kiện cho công chúng truy cập thông tin của chính phủ, và chính phủ không thường cấp quyền truy cập cho các công dân và người nước ngoài kể các hãng truyền thông ngoại quốc. Chấp hành điều Luật Văn bản qui phạm Pháp luật, Bản Thông tin Chính phủ đã xuất bản hầu hết các văn bản pháp luật trong các số ra hàng ngày. Chính quyền và Quốc hội đã thành lập trang mạng với tiếng Việt và tiếng Anh. Những quyết định bổ xung của Hội đồng Thẩm phán thuộc Toà án Nhân dân Tối cao được truy cập qua trang mạng của ĐCSVN. Những tài liệu của Đảng như những chỉ thị của Bộ Chính trị đã không được công bố trong Thông báo.
Phần 4: Phản Ứng Của Chính quyền Trước Những Điều Tra Về Những Cáo Buộc Vi Phạm Nhân quyền từ Các Tổ Chức Quốc Tế và Phi Chính Phủ
Chính quyền không cho phép các đoàn thể nhân quyền tư nhân hoặc địa phương được tổ chức hoặc hoạt động. Nhà nước đã không nhân nhượng đối những cá nhân hoặc tổ chức nào tìm cách phê bình công khai việc thực thi nhân quyền của mình. Nhà cầm quyền đã dùng nhiều phương pháp rất đa dạng để dập tắt những chỉ trích từ trong nước về các chính sách nhân quyền của họ, bao gồm việc theo dõi, giới hạn sự tự do ngôn luận, lập hội, can thiệp vào các giao tiếp cá nhân, và bắt bớ.
Nhìn chung chính quyền đã cấm đoán công dân không được tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, dù vậy một số nhà hoạt động nhân quyền cũng đã bất chấp. Chính phủ thường cấm đoán các cuộc viếng thăm của các quan sát viên nhân quyền từ các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng chấp nhận các đại diện từ báo chí, Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn, các chính phủ ngoại quốc, và những cơ quan cứu trợ quốc tế phi chính phủ đến thăm vùng Cao nguyên miền Trung. Chính quyền đã chỉ trích hầu hết các công bố về tình trạng nhân quyền và tín ngưỡng từ các chính phủ ngoại quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Chính phủ đã có ý muốn bàn bạc song phương về các vấn đề nhân quyền với một số chính phủ ngoại quốc. Một ít chính phủ ngoại quốc tiếp tục thảo luận chính thức với nhà nước về vấn đề nhân quyền, cụ thể qua các cuộc thảo luận thường niên.
Phần 5: Sự Kỳ Thị, Ngược Đãi Trong Xã Hội và Nạn Buôn Người
Luật pháp nghiêm cấm việc kỳ thị dựa trên giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các cấm đoán này không được bình đẳng.
Phụ Nữ
Luật pháp nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với người không thể tự vệ, hoặc lừa gạt để giao cấu ngoài ý muốn của cá nhân đó. Điều này có nghĩa là các hành động hãm hiếp, cưỡng hiếp người phối ngẫu, và cả một số trường hợp sách nhiễu tình dục đều được hình sự hoá. Tuy nhiên, đã không hề có các vụ tố tụng về việc hãm hiếp người phối ngẫu hoặc sách nhiễu tình dục. Các trường hợp hãm hiếp khác đã bị truy tố cho đến mức tối đa theo luật định. Hiện nay đã không có số liệu khả tín để biết được mức độ của tệ nạn này.
Luật pháp đòi hỏi sự trừng phạt từ cảnh cáo đến hai năm tù giam cho "những kẻ cư xử tàn ác đối với các người lệ thuộc". Đạo Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình ban hành năm 2007 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7. Luật này xác định các hành vi bạo động trong gia đình, giao phó các trách nhiệm cụ thể đến các bộ và cơ quan và qui định mức độ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm bạo hành gia đình. Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nạn nhân cho rằng các đề xuất trong đạo luật vẫn còn yếu kém. Trong lúc hệ thống tư pháp và công an chưa sẵn sàng để đối phó với bạo hành gia đình, thì nhà nước, với trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu huấn luyện công an, giới luật sư, và nhân viên ngành tư pháp về đạo luật này.
Các quan chức đã nhìn nhận vấn đề bạo hành trong gia đình ngày càng là một vấn dề đáng quan tâm của xã hội và cũng được báo chí nói đến rộng rãi hơn. Nạn nhân đa số là phụ nữ trong các trường hợp bạo hành trong gia đình, tuy nhiên không có số liệu thống kê chính xác mức độ sâu rộng của vấn đề. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Tại các thành phố lớn, các tổ chức phi chính phủ đã thiết lập đường dây nóng để giúp đỡ nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập một đường dây nóng trên toàn quốc, tuy nhiên số điện thoại này không được phổ biến rộng rãi ở các vùng nông thôn. Trong giai đoạn nông thôn còn thiếu nguồn tài chính để thiết lập các trung tâm giúp đỡ và các đường dây nóng, bộ luật năm 2007 xây dựng các "nhà lánh nạn" cho các nạn nhân phụ nữ đến tá túc trong một gia đình khác trong lúc chính quyền đang xử lý vụ việc và kẻ bạo hành. Theo thống kê của chính phủ, phân nửa các trường hợp ly dị là hệ quả của bạo hành trong gia đình. Tỷ lệ ly dị tiếp tục gia tăng nhưng phần đông phụ nữ vẫn tiếp tục sống với người chồng bạo hành hơn là đối diện với sự chỉ trích của xã hội và gia đình hoặc phải chịu đựng hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã tổ chức các khoá học và hội nghị nhằm giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo hành trong gia đình, cũng như nhấn mạnh vấn đề này với người dân trong các phong trào xã hội. Các các tổ chức phi chính phủ trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn cái vấn nạn của phụ nữ, đặc biệt các trường hợp bạo hành nhằm vào phụ nữ, tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em. Chính phủ hỗ trợ thành lập một trung tâm quốc gia giúp đỡ nạn nhân bị buôn người, bao gồm việc cung cấp nơi cư trú và dạy nghề. Trung tâm này cũng được hỗ trợ một phần từ các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ và những quỹ quốc tế.
Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.
Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.
Trong khi các hành vi lợi dụng tình dục được định nghĩa rất rõ ràng nhưng các văn bản pháp lý đã không qui định rõ các biện pháp phòng chống. Nội qui về đạo đức cho cán bộ chính phủ và nhân viên nhà nước không đề cập đến, dù rằng vấn đề này rất phổ biến.
Nạn nhân sách nhiễu tình dục có thể kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện người vi phạm theo Điều 121 bộ luật hình sự, qui định về hành vi "vi phạm phẩm giá người khác" có thể bị phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hay tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế không có một vụ án nào về sách nhiễu tình dục vì hầu hết các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ vi phạm.
Hội phụ nữ và Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPNVN ) tiếp tục tuyên truyền phát huy các quyền phụ nữ, bao gồm bình đẳng trong lãnh vực chính trị, kinh tế và pháp lý cũng như bảo vệ phụ nữ không bị chồng ngược đãi. Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập những chương trình tín dụng nhỏ và những chương trình khác. VSTBPNVN tiếp tục thực thi chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của chính phủ vào cuối năm 2010. Những lĩnh vực trọng điểm của chiến lược này chú trọng vào việc đưa thêm phụ nữ vào các chức vụ chủ chốt trong các bộ và Quốc hội. Chiến lược này cũng nhằm vào việc tăng cường tỉ lệ học vấn, tiếp cận giáo dục và y tế.
Trẻ Em
Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.
Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.
Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.
Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.
Theo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.
Tình Trạng Buôn Người
Pháp luật cấm buôn người. Nhưng tệ nạn này vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn đáng quan tâm, đặc biệt là nạn buôn phụ nữ và trẻ cho mục đính mại dâm và buôn nam giới để làm lao động cưỡng bức ở nước ngoài. Không có số liệu thông kê khả tín về số nạn nhân bị bán vào con đường mại dâm. Tuy nhiên có bằng chứng rằng con số nay đang trên đà gia tăng. Trong khi chính quyền cởi mở hơn trong việc phát hiện và trừng phạt các vụ án buôn người, dư luận xã hội trở nên quan tâm hơn về tình trạng này, ghi chú về các vụ án buôn người bị phát hiện, cũng như mức độ xử lý và tuyên án ngày càng nhiều. Trong khi nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, các tổ chức tội phạm chuyên buôn người trong và ngoài nước đã tìm cách lợi dụng sự mở cửa ra thị trường nước ngoài, sự tăng trưởng trong việc sử dụng Internet, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, để dụ dỗ những người nhẹ dạ, từ đó thiết lập những mạng lưới buôn người.
Quốc gia này là nguồn cung cấp đáng chú ý cho các hoạt động buôn người. Phụ nữ chủ yếu bị bán qua Campuchia, Mã Lai, Trung Quốc, Đài Loan, và Nam Hàn để làm mãi dâm. Phụ nữ cũng bị bán sang Hồng Kông, Macau, Thái lan, Indonesia, Anh Quốc, các nước Đông Âu và Hoa Kỳ. Nhiều báo cáo cho rằng các phụ nữ lấy chồng sang Đài Loan, Hồng Kông, Macau, Nam Hàn và Trung Quốc, thực chất ra là nạn nhân của nạn buôn người. Trẻ em và phụ nữ cũng bị mua bán trong nước, thông thường là từ thôn quê lên thành thị. Nam giới thì bị bán trong nội bộ khu vực để làm việc trong lãnh vực xây dựng, nông nghiệp, đánh cá, và những tập đoàn kinh doanh khác.
Có nhiều bản báo cáo tiếp tục cho biết rằng, phụ nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ép làm mãi dâm sau khi lấy chồng nước ngoài, đa phần là ở các quốc gia Á Châu. Có trường hợp phụ nữ bị bán qua Đặc khu Ma Cao với sự tiếp tay của các dịch vụ tại Trung Quốc trá hình là văn phòng giới thiệu hôn nhân, tổ chức lao động quốc tế, hay là trung tâm du lịch. Khi đến nơi, những phụ nữ này bị ép những điều kiện tương tự như lao động khế ước, một số khác thì bị ép làm mãi dâm.
Trẻ em bị bán làm mãi dâm trong nước cũng như ra nước ngoài. Một người hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ ước đoán rằng độ tuổi trung bình của các em gái bị bán vào khoảng 15 đến 17 tuổi. Theo một số báo cáo thì tuổi các em gái bị bán qua Campuchia còn thấp hơn nữa.
Có nhiều trường hợp cá nhân và nhân viên nhà nước bị bắt vì họat động mua trẻ em sơ sinh từ cha mẹ đẻ, sau đó làm giả giấy tờ, rồi chuyển đứa trẻ sang một tỉnh khác, từ đó mang đứa trẻ cho làm con nuôi. Ngoài ra, trong một số trường hợp được ghi nhận, trẻ sơ sinh bị bắt cóc và sau đó bị bán làm con nuôi qua các quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ hay Trung Quốc. BCA nhìn nhận rằng tệ trạng bắt cóc và bán trẻ sơ sinh làm con nuôi ngày càng đáng lo ngại, và những trường hợp này được báo chí quan tâm.
Có nhiều trường hợp buôn người làm lao động được ghi nhận. Trong số đó, có người bị bán sang Mã Lai và Thái Lan để làm việc trong các công trình xây dựng, và có người bị bán sang Đài Loan làm lao động đánh cá. Nạn lường gạt và lật lọng trong các hợp đồng lao động ở nước ngoài vẫn còn là một nan giải mặc dù chính phủ đã bắt đầu từng bước điều phối họat động xuất khẩu lao động. LĐTBXH tường trình rằng một số công nhân được các công ty cung ứng lao động quốc doanh tuyển để gửi ra nước ngoài, phải chịu đựng những điều kiện làm việc như những lao động cưỡng bức. LĐTBXH tường trình những trường hợp này xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng ở Mã Lai và Thái Lan (xem phần 6.e).
Trẻ vị thành niên nữ và phụ nữ nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, là đối tượng hàng đầu của nạn buôn người. Theo nghiên cứu của BCA và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, những nạn nhân này sống khắp trên cả nước, nhưng tập trung cao ở các tỉnh giáp biên phía bắc và phía nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thanh Hóa ở miền Trung. Một số bị chính gia đình họ bán làm người giúp việc nhà hoặc bị lạm dụng tình dục. Trong một số trường hợp, kẻ mua người trả cho gia đình vài trăm đô-la để đưa con gái họ sang Campuchia "tìm việc làm". Nhiều nạn nhân bị áp lực mạnh phải kiếm nhiều tiền để phụ giúp gia đình; số khác được hứa hẹn những khoản lương hậu hĩnh. Kẻ buôn người, gia đình, và chủ thường dùng các phương cách như quảng cáo dối, trói nợ, thu giữ giấy tùy thân, hay đe dọa trả về nước.
Những kẻ cơ hội, các đường giây và các băng đảng có tổ chức dụ dỗ phụ nữ nghèo, thường là ở thôn quê với những hứa hẹn cho việc làm hay hôn nhân rồi ép họ phải làm gái mãi dâm. Các vụ buôn người thường liên quan đến những người họ hàng trong gia đình. Chính phủ thông báo là có những nhóm tội phạm có tổ chức đã tham gia việc tìm người, vận chuyển, và các hoạt động buôn người khác.
Luật pháp chỉ định tội bán phụ nữ sẽ bị phạt tù từ 2 đến 20 năm; bán trẻ em phạt tù từ 3 năm đến chung thân cho mỗi vi phạm. Chính phủ đang tiếp tục cố gắng truy tố tội phạm buôn người. Tại Tây Ninh, chính phủ đã phá 4 đường giây buôn người, bắt 11 nghi can, cứu 15 nạn nhân sau hàng lọat những cuộc bố ráp trong khoảng nửa đầu năm. Vào cuối năm, 9 trong số 11 nghi can bị bắt giữ đang chờ ra tòa, và 2 người được thả vì thiếu bằng chứng.
Một ban chỉ đạo trung ương, đứng đầu bởi BCA đã điều phối các nỗ lực của chính phủ trong việc phát hiện, truy tố các vụ án buôn người cũng như giúp đỡ công tác phòng chống và huấn luyện. Cục Cảnh sát Hình sự của BCA, Bộ Tư pháp, Bộ đội Biên phòng và Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội trực thuộc LĐTBXH là những cơ quan chính trong việc chống tệ nạn buôn người, với sự cộng tác quan trọng của Hội Phụ Nữ. Ủy ban này tiếp tục huấn luyện cán bộ trung ương và địa phương phòng chống nạn buôn người. Chính phủ đã phát hành một tài liệu huấn luyên cụ thể để đề phòng và chống nạn buôn người. Tài liệu này được sọan thảo từ góp ý của các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động buôn người, liệt kê những trợ giúp dành cho nạn nhân và giải thích các văn bản pháp lý, luật lệ, chính sách trong và ngoài nước về nạn buôn người. Trong năm nay, lực lượng công an đã chủ động hơn trong công tác điều tra nạn buôn người, bao gồm việc tiếp tục triển khai đội đặc nhiệm về buôn người. Chính phủ báo cáo rằng số lượng vụ án điều ra và xử ly không tăng, nhờ vào sự quan tâm hơn của dư luận cũng như những kẻ buôn người biết rằng chính phủ sẽ truy bắt và đưa ra tòa những ai vi phạm.
Chính phủ tiếp tục áp dụng Chương trình Hành động Quốc gia 2004-10 vào việc phòng chống nạn buôn trẻ em và phụ nữ, cũng như áp dụng luật mới về xuất khẩu lao động và ban hành hướng dẫn về tuyển dụng và minh bạch trong đấu thầu. LĐTBXH ban hành văn bản hướng dẫn cách thức tiếp nhận và giúp đỡ nạn nhân buôn người.
Các tổ chức quần chúng và phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình giáo dục cho những cá nhân có nguy cơ cao để họ cảnh giác về nạn buôn người, và giúp những nạn nhân trẻ em và phụ nữ tái hội nhập vào xã hội. Trong năm qua, các chương trình này đã tiếp tục mục tiêu của chúng là bảo vệ nạn nhân và giúp đỡ nạn nhân tái hội nhập, thông qua các công tác dạy nghề, hỗ trợ tâm lý xã hội, song song với việc củng cố nổ lực phòng chống ở cấp quốc gia và cấp địa phương bằng cách tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao. Các cơ quan chính phủ gồm LĐTBXH và Vụ Gia Đình đã cùng cái tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tiếp tục những chương trình nhằm phòng chống nạn buôn người, nâng cao dư luận xã hội và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã cộng tác với Tổ chức Di trú Thế Giới, Quỹ Á châu, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, và những tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp cho nạn nhân chỗ tạm trú, giúp đỡ y tế, giáo dục, cho vay, hướng dẫn và giúp tái hội nhập. Những cơ quan an ninh biên phòng được huấn luyện các phương pháp điều tra để phòng chống nạn buôn người.
Chính phủ đã hợp tác với những tổ chức phi chính phủ để bổ sung và củng cố những biện pháp an ninh và các cơ quan chính phủ, đồng thời cộng tác với các chính phủ khác phòng chống nạn buôn người. Họ cũng đã hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia khác trong mạng lưới Interpol, các đối tác trong vùng Á châu, và tổ chức ASEAN. Ngày 24/3, chính quyền đã ký bản ghi nhớ với Thái Lan về chống buôn người, dẫn đến việc gia tăng hợp tác an ninh biên giới, phát hiện và truy tố các vụ án buôn người.
Báo cáo thường niên về tình trạng buôn người của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tại địa chỉ: www.state.gov/g/tip
Người Tàn Tật
Luật pháp yêu cầu nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tàn tật và khuyến khích tạo việc làm cho họ. Những điều khoản phục vụ cho người tàn tật được cải thiện trong năm qua, mặc dù vẫn còn hạn chế.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai việc qui định các công trình giao thông công cộng phải có lối đi cho người tàn tật, đồng thời huấn luyện nhân viên, sinh viên ngành vận tải hiểu rõ những qui định này.
Các kiến trúc công cộng và của chính phủ khi được đại trùng tu hay xây mới, đều phải có lối đi cho người tàn tật. Bộ Xây dựng có những đơn vị giám sát đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Ninh Bình để theo dõi việc thực thi các điều khoản hỗ trợ người tàn tật.
Luật pháp ưu đãi cho những doanh nghiệp tuyển dụng người tàn tật và phạt những doanh nghiệp không hội đủ 2-3% tổng số nhân công là người tàn tật. Tuy nhiên chính quyền đã áp dụng luật này không đồng bộ. Doanh nghiệp có trên 51% nhân viên là người tàn tật sẽ được những khoản vay do nhà nước bảo trợ.
Chính phủ tôn trọng quyền lợi chính trị và xã hội của người tàn tật. Theo luật bầu cử, thùng phiếu sẽ được mang đến nhà những ai không có khả năng đi bầu.
Chính phủ khuyến khích thành lập các hội đoàn giúp đỡ người tàn tật. Việc đánh giá và phát triển các chương trình cấp quốc gia như chương trình giảm nghèo, luật lao động, và hàng loạt chính sách giáo dục khác đều có tham khảo ý kiến của người tàn tật. Ủy ban Phối hợp Quốc gia về Người tàn tật và các thành viên cấp bộ đã hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục và tạo việc làm cho người tàn tật. Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới nhỏ gồm các trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp vật lý trị liệu cho những người tật nguyền. Nhiều địa phương, cơ quan chính phủ, và các trường đại học tổ chức các chương trình đặc biệt dành riêng cho người tàn tật.
Các Nhóm Dân Thiểu Số Về Quốc Tịch/Màu Da/Sắc Tộc
Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.
Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.
Chính quyền đã tiếp tục giải quyết sự bất mãn của các sắc dân tiểu số bằng một số chương trình đặc biệt nhằm cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, mở rộng đường xá, dẫn điện đến vùng xa và các bản làng. Qua một chương trình đặc biệt, nhà cầm quyền đã cấp đất cho các sắc dân thiểu số vùng Cao nguyên miền Trung. Nhưng có nhiều than phiền rằng những chương trình đặc biệt này không được áp dụng công bằng.
Chính phủ có chương trình giáo dục bằng tiếng dân tộc đến hết lớp 5. Nhà nước đã làm việc với nhân viên địa phương để tiếp tục triển khai giáo trình bằng tiếng thiểu số. Nhưng có vẻ như chương trình này chỉ phổ biến ở Cao nguyên miền Trung và bị bỏ ngõ ở các địa phương miền núi phía bắc và tây bắc. Chính phủ đã mở trường đặc biệt cho người thiểu số ở nhiều tỉnh, bao gồm việc tài trợ các trường chuyển tiếp ở cấp trung và tiểu học, mở các chương trình luyện thi, cấp chế độ tuyển sinh đặc biệt, ưu tiên vào đại học. Cũng đã có một số trường kỹ thuật và dạy nghề do nhà nước tài trợ dành cho các dân tộc thiểu số. Nhưng dẫu vậy, trong nhiều trường hợp khả tín, các nhóm dân thiểu số theo đạo Công giáo vẫn bị phân biệt đối xử, dù rằng luật qui định tất cả trẻ em đều được hưởng hệ thống giáo dục phổ cập, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.
Chính phủ có một số chương trình truyền hình và truyền thanh bằng tiếng thiểu số ở một số địa phương. Chính quyền cũng yêu cầu các nhân viên dân tộc Kinh học tiếng thổ ngữ của khu vực họ làm việc. Các chính quyền địa phương tiếp tục các dự án tạo việc làm cho sắc dân thiểu số, giảm chênh lệnh thu nhập giữa người thiểu số và người Kinh, cũng như nâng cao nhận thức của nhân viên chính quyền về văn hóa và phong tục của các sắc dân thiểu số.
Chính phủ ưu đãi các công ty ngoại quốc và trong nước nếu đầu tư vào các vùng thượng du, nơi tập trung đông đảo các sắc tộc thiểu số. Chính phủ cũng tiếp tục những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nhắm vào các khu vực có nhiều người thiểu số nghèo sinh sống, cũng như mở rộng nông nghiệp vào các vùng sâu.
Những Lạm Dụng và Kỳ Thị Khác Trong Xã Hội
Những cá nhân từng bị đi học tập cải tạo vì có dính líu với chính quyền cũ trước năm 1975, tiếp tục cáo giác rằng trong khi tìm việc làm, nhà cửa, cơ hội học tập, họ vẫn bị chính quyền và xã hội phân biệt đối xử ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù vậy những trường hợp phân biệt đối xử như vậy đã giảm đi đáng kể nhờ những cấm đoán trước đây đang dần được bãi bỏ và tỉ lệ cựu quân nhân trong lực lượng lao động giảm sút.
Không có bằng chứng cho thấy nhân viên chính quyền kỳ thị những người bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng những người này vẫn bị xã hội xa lánh. Theo những báo cáo khả tín, bệnh nhân HIV bị sa thải hay bị kỳ thị ở nơi làm việc hoặc nơi cư ngụ, nhưng tình trạng này ngày càng ít đi. Một số trường hợp cá biệt, trẻ em nhiễm HIV bị cấm đến trường, dù như vậy là trái luật. Với sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân nước ngoài, chính quyền các cấp trung ương và địa phương đã từng bước chữa trị, giúp đỡ và nuôi dưỡng các bệnh nhân HIV, cũng như làm giảm đi ác cảm và kỳ thị từ xã hội. Dẫu vậy nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức tôn giáo đôi khi được cho phép hoạt động trong lãnh vực này.
Có sự hiện hữu của giới đồng tính, nhưng đa phần không công khai. Dư luận ít quan tâm đến sự đồng tính, và hầu như không có dấu hiệu kỳ thị giới tính.
Phần 6: Quyền Lợi của Người Lao Động
a. Quyền Tham Gia Hội Đoàn
Người lao động có thể lựa chọn tuỳ ý tham gia vào công đoàn các cấp (địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia) mà họ muốn; tuy nhiên, tất cả các công đoàn đều trực thuộc kiểm soát của một công đoàn duy nhất, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN). TLĐLĐVN là một tổ chức liên kết rộng lớn dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, công nhận và quản lý nhiều chi nhánh công đoàn lao động cho từng địa phương và ngành nghề. Người lao động không được tự do tham gia hay thành lập bất cứ hội nhóm nào ngoài tầm kiểm soát của TLĐLĐVN.
Theo số liệu thống kê tháng 8 2008, TLĐLĐVN có hơn 6,2 triệu thành viên, khoảng 39% của tổng số 16 triệu lao động có lương trong cả nước. Trong 6,2 triệu thành viên này, 36,5% làm việc trong biên chế nhà nước, 33,1% làm việc trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, và 30,4% làm việc trong lĩnh vực tư nhân. TLĐLĐVN ước tính liên đoàn đại diện cho 95% người lao động trong biên chế nhà nước, và 90% người lao động trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Khoảng 1,7 triệu thành viên công đoàn làm việc trong lĩnh vực tư nhân, tính luôn hơn 700.000 người trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành viên công đoàn đóng niên liễm bắt buộc 1% tổng số tiền lương, và người chủ lao động phải đóng góp 2%. Quỹ đóng góp này trên nguyên tắc nhằm hỗ trợ người lao động và các hoạt động công đoàn, nhưng không ai biết rõ thực sự quỹ được sử dụng ra sao. Phần lớn lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không đóng niêm liễm công đoàn. Hầu hết 34 triệu trong tổng số 45,3 triệu người lao động sống ở vùng nông thôn, làm ruộng cá thể, hoặc làm việc trong các công ty tư nhân nhỏ cũng không có công đoàn đại diện.
Lãnh đạo của TLĐLĐVN có ảnh hưởng quan trọng trong nhiều quyết định, chẳng hạn như sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, và thiết lập tiêu chuẩn y tế, an toàn, mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, TLĐLĐVN cho rằng chính quyền đã không luôn luôn truy tố các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ LĐTBXH đã công nhận thiếu sót trong việc kiểm tra hệ thống lao động, nhấn mạnh rằng Việt Nam không có đủ kiểm soát viên để thanh tra lao động. TLĐLĐVN, với xác nhận của Bộ LĐTBXH, đã cho rằng mức phạt thấp đối với các công ty vi phạm luật lao động đã không có hiệu quả trong việc ngăn chặn các vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công Nông (HHĐKCN) bị kết án vào tháng 12 2007 theo Điều 258 bộ luật hình sự, trong đó nghiêm cấm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân", ông Đoàn Huy Chương đã được trả tự do ngày 13 tháng 5 sau khi mãn hạn giam giữ; ông Nguyễn Tấn Hoành cũng đã được trả tự do trong tháng 5. Ngày 25 tháng 2, tòa phúc thẩm giữ nguyên án ba năm tù treo đối với bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông Lê Văn Sỹ nghe nói được trả tự do hồi tháng 3 2007; đến cuối năm rồi vẫn chưa ai biết tình trạng của hai thành viên khác của TNTĐCCVN - ông Nguyễn Toàn và ông Lê Bá Triết - ra sao.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu nhà báo và người sáng lập Liên đoàn Lao động Quốc tế Việt Nam (LĐLĐQTVN), vẫn còn bị theo dõi và quản lý tại gia chặt chẽ. Vào tháng 8 ông bị cấm ra nước ngoài để chữa bệnh. Trong suốt cả năm, công an đã tạm giam ông Nguyễn Khắc Toàn vài lần và đã tịch thu máy vi tính cùng các thiết bị cá nhân khác của ông. Nhà nước vẫn không hợp pháp hóa LĐLĐQTVN, do ông Toàn lập ra trong năm 2006 để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Mọi cuộc đình công nếu không phát sinh từ một tranh chấp lao động tập thể hoặc vì các vấn đề ngoài mối liên hệ lao động đều bất hợp pháp. Trước khi được phép tổ chức đình công hợp pháp, người lao động phải đi khiếu nại đến một hội đồng hòa giải (hoặc hội đồng hòa giải cấp quận/huyện, khi nơi làm việc không có tổ chức công đoàn); khi không đạt được giải pháp, các khiếu nại phải được gửi đến một hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện người lao động khi nơi làm việc không có công đoàn) có quyền kháng cáo các quyết định của Hội đồng trọng tài cấp tỉnh đến các toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc quyết định đình công. Mỗi cá nhân cũng có thể khiếu nại trực tiếp đến hệ thống tòa án nhân dân, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ có thể làm như vậy sau khi đã cố gắng nhưng không hoà giải được. Tu chính án của hiến pháp cũng qui định khi đình công, người lao động sẽ không được trả tiền lương như trong lúc làm việc.
Luật lao động nghiêm cấm đình công trong 54 ngành, nghề nghiệp và các doanh nghiệp phục vụ cho công chúng hoặc chính phủ cho là đóng vai trò trọng yếu cho nền kinh tế quốc dân và quốc phòng. Một nghị định đã định nghĩa các doanh nghiệp bao gồm những công ty sản xuất điện; bưu điện và viễn thông, đường sắt, hàng hải, và giao thông vận tải hàng không, ngân hàng, công trình công cộng, và các ngành công nghiệp dầu khí. Luật pháp cho phép Thủ tướng được quyền chấm dứt các cuộc đình công được cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh công cộng.
Vào ngày 30 tháng 1, nhà nước ban hành một nghị định về đình công "tự phát", tuyên bố rằng các cá nhân tham gia đình công trái với quyết định của tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại do cuộc đình công gây ra cho chủ sử dụng lao động.
Hầu hết các cuộc đình công thường không theo các qui trình hoà giải và trọng tài và đã được coi là đình công tự phát. Số lượng đình công tự phát trong năm qua đã gia tăng đáng kể, với hơn 90% xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận. Theo qui định của pháp luật, các cuộc đình công này không hợp pháp, nhưng nhà nước vẫn để chúng xảy ra và không có hành động gì đối với người đình công. Pháp luật ngăn cấm trả thù người đình công, và hiện nay chưa có báo cáo nào về các việc trả thù này có hay không. Trong một vài trường hợp, nhà nước đã có biện pháp kỷ luật chủ sử dụng lao động vì những vi phạm pháp luật dẫn đến việc đình công, nhất là đối với các công ty vốn nước ngoài.
b. Quyền Tổ Chức Công Đoàn và Thương Lượng Tập Thể
Theo luật định các chi nhánh cấp tỉnh hay cấp thành phố của TLĐLĐVN có trách nhiệm tổ chức công đoàn trong vòng sáu tháng sau khi một doanh nghiệp mới được thành lập, và thành phần lãnh đạo doanh nghiệp phải hợp tác với công đoàn. Trong thực tế chỉ có 85% các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và 30% các doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn.
Luật lao động đòi hỏi doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia công đoàn và cấm doanh nghiệp phân biệt đối xử đối với nhân viên tham gia vào một công đoàn; nhưng trên thực tế các luật này không được tuân theo đồng bộ.
Pháp luật qui định các công đoàn chi nhánh của TLĐLĐVN có quyền đại diện người lao động để thương lượng tập thể. Tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi phải thông qua hội đồng hòa giải, và khi các hội đồng hòa giải không thể giải quyết vấn đề, tranh chấp được chuyển qua chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để giải quyết. Vào tháng 7 đã có vài sửa đổi luật lao động trong đó phân biệt các vấn đề tôn trọng luật pháp (phù hợp với qui định của pháp luật) và những vấn đề về quyền lợi (ngoài những gì pháp luật qui định), đặt ra thủ tục khác nhau cho cả hai. Luật pháp qui định rõ rệt các bước phải theo trong quá trình hòa giải và phân giải, trước khi người lao động được đình công.
Trong khi pháp luật không cho phép tổ chức công đoàn độc lập, một bản sửa đổi trong năm 2007 khẳng định rằng khi doanh nghiệp đang nói đến không có công đoàn, các thương lượng về các tranh chấp có thể được chỉ đạo và tổ chức bởi "chủ thể có liên quan" bao gồm đại diện của người lao động. Mặc dù qui định của pháp luật cho phép "hoạt động công đoàn," đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như đang đình công, TLĐLĐVN phải thành lập một công đoàn chính thức trong vòng sáu tháng. Có ít bằng chứng cho thấy những người lãnh đạo hoặc các tổ chức hoạt động trong sáu tháng chờ đợi được tiếp tục hoạt động hoặc được công nhận sau đó.
Không có các văn bản pháp luật đặc biệt hoặc văn bản miễn giảm luật lao động hiện hành cho các khu chế xuất, và các khu công nghiệp. Có rải rác vài bằng chứng nhà nước thi hành luật pháp tích cực bên trong các khu chế xuất và khu công nghiệp hơn bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có vài nguồn tin khả tín cho rằng rằng người sử dụng lao động trong các khu vực này thường không tôn trọng quyền người lao động và sử dụng các hợp đồng lao động ngắn hạn nhằm tránh các yêu cầu thiết lập công đoàn luật lệ.
c. Ngăn Cấm việc Cưỡng Bức hoặc Bắt Buộc Lao Động
Qui định của pháp luật ngăn cấm cưỡng bức và bắt buộc lao động, bao gồm đối với trẻ em; tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết tình trạng cưỡng bức và bắt buộc lao động vẫn xảy ra.
Tù nhân thường xuyên bị bắt buộc làm việc không lương hoặc được trả lương rất ít. Tù nhân sản xuất lương thực và hàng hoá được sử dụng ngay trong nhà tù hoặc được bán trên thị trường địa phương, được cho rằng để đổi lại đồ tiêu dùng cá nhân cho tù nhân.
Qua việc tăng trưởng nhanh của ngành xuất khẩu lao động, truyền thông báo chí và các nhóm nhân quyền quốc tế khuyên chính phủ không nên phát triển quá nhanh xuất khẩu lao động mà không có một chương trình hiệu quả bảo vệ người lao động. Các tổ chức này nêu ra việc ngày càng có nhiều người lao động phải đóng hơn 165 triệu đồng (khoảng 10,000 USD) cho một cơ hội làm việc ở nước ngoài. Số lệ phí lớn đến mức hầu hết người lao động chỉ có thể trả hết sau khi làm việc và dành dụm từ một đến hai năm ở nước ngoài. Có nhiều thông tin về tình trạng cầm chân người lao động, tình trạng buôn người liên quan đến hoạt động mãi dâm và việc thiếu giúp đỡ cho người lao động trong lúc khó khăn, và kín đáo chỉ ra tình trạng ăn chia lợi lộc của nhiều cơ quan môi giới hợp pháp của nhà nước. Nhiều ăn chia này đã được phát giác sau này. Quyết định năm 2007 của nhà nước về quản lý lệ phí môi giới lao động cùng với Luật Xuất khẩu Lao động năm 2006, có hiệu lực kể từ tháng 7 năm 2007, được đặt ra để giải quyết các tệ nạn trong môi giới lao động và để giúp đỡ, cung cấp thông tin cho nạn nhân của nạn buôn người. Mặc dù hệ thống tư pháp vẫn chưa đáp ứng đáng kể trong việc cung cấp thông tin hay giúp đỡ cho nạn nhân của nạn buôn người, nhà nước đã có vài hành động đối với các công ty lừa lọc trong xuất khẩu lao động. Trong tháng 6 nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của 16 công ty xuất khẩu lao động đã vi phạm qui định của pháp luật.
d. Cấm Sử Dụng Lao Động Trẻ Em và Tuổi Tối Thiểu của Người Lao Động
Sử dụng trẻ em trong lao động còn một vấn đề nan giải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có 72% dân số. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng trẻ em trong lao động, nhưng có vài trường hợp ngoại lệ cho một số loại công việc. Pháp luật qui định tuổi tối thiểu cho tham gia lao động là 18, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em giữa 15 và 18 tuổi nếu doanh nghiệp được sự chấp thuận của cha mẹ và của bộ LĐTBXH. Trong năm 2006 bộ LĐTBXH báo cáo có khoảng 30% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi đã tham gia một số hoạt động kinh tế, thường là trong công việc đồng áng gia đình hay trong các doanh nghiệp ngoài khuôn khổ của luật lao động.
Theo pháp luật, người chủ sử dụng lao động phải đảm bảo nhân viên dưới 18 tuổi không được làm các công việc nguy hiểm hoặc các công việc có thể gây tổn hại cho sự phát triển về thể chất hay tinh thần. Các ngành nghề bị cấm được ghi rõ trong qui định của pháp luật. Pháp luật cho phép các trẻ em từ 13 tuổi đăng ký ở các trung tâm dạy nghề. Trẻ em có thể làm việc tối đa 7 giờ mỗi ngày và 42 giờ mỗi tuần, và phải được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.
Ở nông thôn trẻ em chủ yếu làm việc trên đất đai của gia đình và các việc đồng áng hay việc nhà. Đôi khi trẻ em bắt đầu làm việc từ khi lên 6 và đến 15 tuổi đã gánh vác công việc như một người lớn. Đặc biệt trong mùa gieo trồng hay mùa thu hoạch, vài cha mẹ giữ không cho trẻ em đi học. Ở thành phố trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu hoặc đánh giày, bán vé số, hay bán báo ngoài đường phố. Tình trạng nhập cư từ nông thôn đến các thành thị làm vấn đề lao động trẻ em càng nan giải, bởi vì người nhập cư trái phép đã không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố. Do vậy, con cái của họ không thể đi học trong hệ thống giáo dục công cộng, và các gia đình này cũng khó vay mượn tiền bạc. Quan chức nhà nước cho biết trong các trung tâm giáo dục và dinh dưỡng, tương đương với các trường đặc biệt hay trại cải huấn trẻ vị thành niên, trẻ em bị giam giữ thường được giao việc làm với "mục đích giáo dục."
Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm về thực hiện pháp luật và các chính sách về sử dụng trẻ em trong lao động. Quan chức chính phủ có thể bắt đóng phạt, hay trong các trường hợp vi phạm hình sự, có thể truy tố người chủ về tội vi phạm luật sử dụng lao động trẻ em. Mặc dù không hỗ trợ đủ nguồn lực để thi hành đầy đủ các văn bản pháp luật qui định về an toàn của trẻ em, đặc biệt là cho trẻ em làm việc tại các hầm mỏ và giúp việc trong nhà, nhà nước cũng đã phát hiện một số trường hợp bóc lột trẻ em, cứu các em ra khỏi tình trạng bị bóc lột, và phạt những người chủ lao động.
Các nhà tài trợ quốc tế đã nhắm đến vấn đề lao động trẻ em. Nhà nước cũng tiếp tục các chương trình nhằm dẹp bỏ vấn nạn về lao động trẻ em, chú trọng vào các gia đình nghèo khổ và trẻ mồ côi.
e. Điều Kiện Làm Việc Hợp Lý
Pháp luật yêu cầu chính phủ thiết lập bản lương tối thiểu, được điều chỉnh theo giá lạm phát và các thay đổi kinh tế khác. Lương tối thiểu chính thức cho lao động không tay nghề ở các liên doanh đầu tư của nước ngoài hay ở các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài là một triệu đồng mỗi tháng (khoảng 61 USD) trong các quận nội thành của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 900.000 đồng (55 USD) trong các huyện ngoại ô của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và ở một số khu công nghiệp, thị xã, và 800.000 đồng (48 USD) ở các nơi khác. Nhà nước có thể tạm thời miễn cho một số doanh nghiệp phải trả mức lương tối thiểu trong vài tháng đầu hoạt động, hoặc miễn cho các doanh nghiệp nằm trong các vùng sâu vùng xa, nhưng lương tối thiểu hàng tháng trong các trường hợp này không được thấp hơn 800.000 đồng (48 USD ). Lương tối thiểu chính thức hàng tháng cho lao động không tay nghề trong lĩnh vực nhà nước khoảng 540.000 đồng (34 USD). Đối với người lao động làm việc cho các công ty quốc gia, làm nông, hoặc giúp việc nhà, lương tối thiểu chính thức khoảng 620.000 đồng (38 USD) ở các vùng đô thị và 540.000 đồng (34 USD) tại các vùng nông thôn. Số tiền này không đủ sống trong tình trạng lạm phát cao trong năm qua.
Nhà nước qui định 40 giờ làm việc trong tuần cho nhân viên của chính phủ và nhân viên của các công ty trong lĩnh vực nhà nước, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp khu tư nhân và các tổ chức quốc tế, nước ngoài có sử dụng người lao động trong nước giảm số lượng các giờ làm việc trong tuần còn 40 giờ, nhưng không bắt buộc phải tuân theo.
Pháp luật qui định giờ làm việc bình thường là tám giờ mỗi ngày, với thời gian nghỉ ngơi bắt buộc 24 giờ mỗi tuần. Giờ làm thêm được trả phụ trội 150% lương căn bản, 200% khi phải làm việc trong ngày nghĩ trong tuần, và 300% khi phải làm việc vào ngày lễ hoặc những ngày nghỉ được trả lương. Pháp luật giới hạn giờ làm thêm bốn giờ mỗi tuần và 200 giờ trong một năm, nhưng đặc cách các trường hợp đặc biệt có thể lên đến 300 giờ làm thêm hàng năm, tùy thuộc vào quyết nghị của nhà nước sau khi đã tư vấn với TLĐLĐVN và đại diện của chủ lao động. Pháp luật cũng qui định thời gian nghỉ hàng năm được hưởng lương cho nhiều loại công việc. Tuy nhiên không ai biết nhà nước đã bảo vệ hay thi hành những qui định trên đến đâu.
Theo pháp luật, lao động nữ không thể bị cho nghỉ việc vì lý do đính hôn, mang thai, nghỉ hậu sản, hoặc phải chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi, trừ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Lao động nữ đang mang thai qua tháng thứ bảy hoặc đang chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi có thể không bị buộc làm thêm giờ, làm ban đêm, hoặc làm ở các địa điểm cách xa nhà của họ. Tuy nhiên không ai biết rõ nhà nước thi hành các qui định này tới đâu.
Pháp luật yêu cầu chính phủ ban hành qui tắc và qui định nhằm bảo đảm an toàn lao động. Bộ LĐTBXH cùng với các ủy ban nhân dân và các công đoàn địa phương chịu trách nhiệm thi hành các qui định, nhưng vì thiếu kinh phí và nhân viên thanh tra chuyên nghiệp, qui định pháp luật không được thực thi đầy đủ. Tai nạn nghề nghiệp do thiếu sức khoẻ và thiếu các điều kiện an toàn tại nơi làm việc là một vấn đề nan giải. Rất nhiều tai nạn nghề nghiệp gây ra bởi máy móc thiết bị như máy quay, máy cán ép.
Pháp luật qui định người lao động có thể từ chối các công việc nguy hiểm mà không sợ bị sa thải, tuy nhiên không ai biết rõ qui định này được thực thi ra sao. Bộ LĐTBXH khẳng định đã không có người lao động nào khiếu nại người chủ lao động không tuân theo qui định của pháp luật.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Bộ LĐTBXH về điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ đến trung bình, hơn 80% chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động, 8% có điều kiện làm việc tồi tệ, và 90% sử dụng máy móc và thiết bị quá hạn sử dụng. Người lao động thường phải làm việc trong môi trường độc hại - 31% làm việc trong điều kiện rất nóng, 24% làm việc trong môi trường ồn quá mức, và 17% trong những nơi nhiều bụi bặm.
Hết
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ
Phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Báo cáo về Thực thi Nhân quyền cấp Quốc gia năm 2008
25 tháng 2 năm 2009
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, là một nhà nước chuyên chế do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào tháng Năm 2007 đã không được tự do hoặc không công bằng vì tất cả những ứng cử viên điều được giới thiệu bởi Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) thuộc ĐCSVN, vốn là một cơ quan bao quát chuyên kiểm tra các tổ chức quần chúng trong nước. Chính quyền dân sự nhìn chung đã nắm giữ được việc quản lý các lực lượng an ninh một cách hiệu quả.
Hồ sơ nhân quyền của chính phủ vẫn nằm ở mức độ chưa được thỏa mãn. Người dân không thể thay đổi chính phủ và những hoạt động chính trị đối lập bị cấm đoán. Chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp những người đối lập, bắt giữ các nhà hoạt động chính trị, làm cho nhiều người đối lập phải rời khỏi đất nước. Cảnh sát thỉnh thoảng vẫn ngược đãi nghi phạm mỗi khi bắt giữ, tạm giam và thẩm vấn họ. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành công an, và đôi khi các nhân viên công an được bảo vệ nếu lạm quyền. Điều kiện trong nhà giam thì rất tệ hại. Cá nhân tham gia hoạt động chính trị bị bắt giữ tuỳ tiện và bị từ chối xét xử một cách công bằng và nhanh chóng. Chính quyền tiếp tục hạn chế quyền riêng tư của công dân và thắt chặt việc kiểm tra báo chí và tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình và lập hội. Chính quyền duy trì việc cấm đoán các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn là một vấn đề đáng quan ngại. Nạn buôn người vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Một số nhóm dân tộc thiểu số phải chịu đựng nạn kỳ thị trong xã hội. Chính quyền giới hạn các quyền lợi của người lao động và đã giam giữ hoặc quấy nhiễu các nhà hoạt động công đoàn.
TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN
Phần 1 - Tôn Trọng Quyền Con Người Trọn Vẹn, Bao Gồm Quyền Tự Do Không Bị
a. Cướp Đi Mạng Sống Một Cách Phạm Pháp hoặc Tuỳ Tiện:
Chính quyền hoặc nhân viên của họ không nhúng tay vào bất cứ việc giết người nào mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, đã có báo cáo về một trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ.
Vào ngày 1 tháng 5, Y Ben Hdok, một người dân tộc vùng cao nguyên tỉnh Đắc Lắc, đã chết trong trại giam công an tỉnh ở Ban Mê Thuột. Công an đã bắt giữ ông vào ngày 28 tháng 4 để thẩm vấn việc ông bị tình nghi tham gia xúi giục biểu tình. Các quan chức cho biết nghi can tự treo cổ khi đang nghỉ giải lao trong lúc bị thẩm vấn, nhưng gia đình nạn nhân cho biết có những vết bầm trên thi thể ông ta. Đã không hề có bất cứ cuộc điều tra nào về việc này và có báo cáo rằng gia đình nạn nhân đã bị từ chối không cho khám nghiệm tử thi.
Có những tường trình cho biết một tù nhân người dân tộc khác cũng đã chết không lâu sau khi được công an thả, nhưng nguyên nhân tử vong đã không được kiểm chứng.
Không có bất cứ tình tiết nào mới liên quan đến cái chết của Y Ngo Adrong vào năm 2006.
b. Mất Tích
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không được đăng ký chính thức) cho biết tu sĩ Thích Trí Khải đã bị công an bắt giữ tại nơi ông trụ trì ở Lâm Đồng vào tháng 4 nhưng đến cuối năm vẫn chưa có tung tích.
Theo nguồn tin của các tổ chức phi chính phủ và báo chí, nhà hoạt động chính trị Tim Sakhorn, người bị án tù một năm vào tháng 11 năm 2007 về tội "phá hoại sự toàn vẹn quốc gia" đã được thả ra vào tháng 7 và hiện đang quản thúc tại gia ở An Giang và bị công an theo dõi thường xuyên. Lê Trí (Tuệ), một công dân Việt Nam và nhà hoạt động chính trị, đã mất tích tại Campuchia vào tháng 5 năm 2007 và cho đến cuối năm vẫn không có tung tích.
c. Tra Tấn và Những Đối Xử hoặc Hình Phạt Tàn Ác, Hạ Thấp Nhân Phẩm hoặc Vô Nhân Đạo
Luật pháp cấm đoán việc hành hạ thân thể nhưng công an thường đối xử mạnh tay với nghi phạm trong quá trình bắt giữ hoặc tạm giam.
Những trường hợp bị công an hà hiếp được báo cáo ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hoá, Sơn La, Thái Bình. Những người khiếu kiện về đất đai ở An Giang cũng báo rằng họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Đã có những báo cáo về việc công an hà hiếp hoặc đánh đập những người dân tộc thiểu số khi họ từ Campuchia quay về lại vùng Cao nguyên miền Trung, mặc dù hầu hết các báo cáo này không có đầy đủ bằng chứng. Các quan sát viên nhận thấy rằng đa số các trường hợp trên thường liên quan đến đất đai, tiền bạc hoặc mâu thuẫn trong gia đình.
Trong suốt cả năm chính quyền đã sử dụng việc ép buộc những nhà hoạt động vào các bệnh viên tâm thần như là một biện pháp để dẹp yên bất đồng chính kiến.
Tình Trạng của Nhà Tù và Trại Tạm Giam
Điều kiện nhà tù tuy tồi tệ nhưng nhìn chung không đe doạ đến mạng sống của tù nhân. Điều kiện sống chật chội, thức ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu nước uống sạch và tình trạng mất vệ sinh vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhiều nhà tù. Tù nhân được hưởng những chăm sóc y tế căn bản cộng thêm những dịch vụ y tế khác từ các bệnh viện cấp huyện và tỉnh. Nhưng trong nhiều trường hợp các nhân viên đã ngăn cản không cho thân nhân được tiếp tế thuốc men cho can phạm. Phạm nhân thường bị bắt phải lao động nhưng không được hưởng lương. Thỉnh thoảng, tù nhân bị giam cách ly và bị tước đi quyền được đọc và viết tài liệu trong thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Các thân nhân đã đưa ra một số thông tin đáng tin cậy rằng tù nhân sẽ được sự đối đãi tốt hơn nếu họ hối lộ cho nhân viên trại giam.
Thân nhân của những người bất đồng chính kiến cho biết điều kiện sống trong tù ở nhà tù Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai có tiến bộ. Trong thời gian viếng thăm nhà tù vào tháng 6, các nhà ngoại giao nước ngoài đã nhận thấy khu vực sinh sống trong tù còn hoang sơ nhưng sạch sẽ và các điều kiện lao động nói chung chấp nhận được. Thân nhân của một nhà hoạt động chống đối bị gãy tay trong một nhà tù ở Kiên Giang cho biết việc vì điều kiện y tế thiếu thôn nên cánh tay ông đã mất đi một số chức năng hoạt động. Thân nhân của linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết ông vẫn tiếp tục bị từ chối việc sở hữu một cuốn Thánh kinh.
Chính quyền nói chung không cho phép Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ hoặc các tổ chức phi chính phủ thăm viếng tù nhân và không hề có bất cứ cuộc thăm viếng nào diễn ra trong toàn bộ năm nay. Tuy nhiên, họ cho phép các nhà ngoại giao và các phái đoàn tôn giáo được phép thăm viếng nhà tù và gặp gỡ các tù nhân một cách có giới hạn. Hầu hết các đề nghị của các nhà quan sát quốc tế để được thăm viếng tù nhân đều bị từ chối.
d. Tuỳ Tiện Bắt Bớ hoặc Giam Giữ
Điều luật hình sự cho phép chính phủ được quyền giam giữ người dân vô thời hạn mà không cần án cáo dưới những điều khoản "an ninh quốc gia" chung chung như Điều luật số 84, 88 và 258. Chính phủ cũng bắt giam vô thời hạn người dân bằng những điều luật khác. Nhà cầm quyền cũng đã bắt một số nhà bất đồng chính kiến trong cả nước vào các trại quản lý hoặc quản thúc tại gia.
Vai Trò của Công An và Hệ Thống An Ninh
Hệ thống an ninh trong nước nằm dưới sự quản lý của Bộ Công An (BCA); nhưng ở những vùng sâu, quân đội là cơ quan chính của nhà nước trong công tác trị an, bao gồm việc giữ gìn trật tự công cộng trong trường hợp nổi loạn. BCA quản lý ngành cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia và những đơn vị nội an khác. Bộ này thiết lập một hệ thống hộ khẩu và tổ dân phố để theo dõi dân chúng. Nhìn chung những hệ thống này không quá xoi mói nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng để theo dõi những cá nhân bị tình nghi đang hoặc có ý đồ tham gia những hoạt động chính trị trái phép. Những báo cáo khả tín cho rằng các lực lượng công an địa phương đã sử dụng những "côn đồ đánh thuê" và "toán dân phòng" để sách nhiễu và tấn công những nhà hoạt động chính trị, những người theo tôn giáo, thường được xem là "phá rối" hoặc "đe doạ" đến an ninh xã hội.
Các cơ quan cảnh sát có mặt ở cấp tỉnh, huyện và địa phương và nằm dưới sự điều hành của hội đồng nhân dân các cấp. Nhìn chung ngành công an làm việc rất hiệu quả trong việc ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhưng khả năng của công an, đặc biệt là trong công tác điều tra thì rất thấp. Phương tiện và việc huấn luyện công an rất lỗi thời.
Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong tất cả mọi tầng lớp của ngành công an và nhân viên công an thường được bao che. Việc thanh tra nội bộ công an cũng có nhưng phải chịu ảnh hưởng chính trị. Trong năm qua chính quyền đã hợp tác với một số quốc gia khác để đề xuất một chương trình cho công an cấp tỉnh cũng như ngành quản lý trại giam nhằm giúp tăng cường tính chuyên nghiệp của các lực lượng an ninh.
Bắt Bớ và Giam Giữ
Luật hình sự đã hướng dẫn quá trình từ lúc bắt giữ, xử lý đối tượng cho đến khi họ được đưa ra toà phán xử. Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra lệnh bắt giữ, thường là do yêu cầu của công an. Nhưng công an cũng có thể bắt giữ mà không cần lệnh, chỉ dựa trên yêu cầu của bất cứ cá nhân nào. Viện Kiểm sát sẽ đưa lệnh có hiệu lực trước trong những trường hợp này. Viện Kiểm sát phải đưa ra quyết định để bắt đầu quá trình điều tra tội phạm chính thức đối với người bị bắt giữ trong vòng 9 ngày; nếu không, công an sẽ phải trả tự do cho người ấy. Trên thực tế thời hạn 9 ngày này thường bị phá lệ.
Thời gian điều tra thường kéo dài khoảng 3 tháng đối với những vi phạm nhẹ (hình phạt lên đến 3 năm tù) đến 16 tháng cho những tội phạm nghiêm trọng (hình phạt lên đến hơn 15 năm hoặc tử hình), hoặc 20 tháng cho những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng đôi khi việc điều tra kéo dài vô tận. Luật hình sự còn cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu giam giữ đối tượng thêm 2 tháng sau khi điều tra để cân nhắc việc khởi tố hoặc để yêu cầu công an điều tra thêm. Những nhân viên điều tra đôi khi sử dụng những phương pháp như cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn hoặc làm thiếu ngủ để bắt đối tượng nhận tội.
Theo luật pháp thì người bị bắt giữ được phép tiếp xúc với luật sư từ khi họ bị giam giữ. Nhưng nhà cầm quyền thường dùng những trì hoãn quan liêu để từ chối quyền tham vấn luật sư. Trong những trường hợp liên quan đến những điều luật khái quát về an ninh quốc gia, nhà cầm quyền thường trì hoãn việc luật sư bào chữa được gặp thân chủ của mình cho đến khi cuộc điều tra đã hoàn tất và nghi can đã chính thức bị truy tố phạm tội. Bên cạnh đấy tình trạng thiếu thốn luật sư chuyên nghiệp và quyền lợi nhằm bảo vệ bị cáo không được đầy đủ dẫn đến việc người bị bắt được gặp luật sư đúng lúc rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế chỉ có những cá nhân đã chính thức bị truy tố những tội sát nhân mới được chỉ định luật sư bào chữa.
Theo luật pháp luật sư phải được thông báo và được phép hiện diện trong những cuộc thẩm vấn của thân chủ. Nhưng trước tiên bị cáo phải yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng việc nhà cầm quyền có luôn cho bị cáo biết quyền lợi này hay không thì không rõ. Luật sư phải được quyền xem xét hồ sơ vụ án và được phép sao chép những tài liệu này. Đôi khi các luật sư đã có thể thực hiện những quyền này.
Công an thường thông báo cho gia đình của người bị bắt rằng họ đang ở đâu, nhưng thân nhân chỉ được quyền thăm viếng khi được phép của nhân viên điều tra nhưng sự cho phép này không hẳn là tự động. Trong quá trình điều tra, nhà cầm quyền thường xuyên không cho phép đối tượng được gặp thân nhân, đặc biệt là trong những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Trước khi có bản cáo trạng chính thức, đối tượng được quyền thông báo cho thân nhân. Nhưng nhiều nghi can trong những trường hợp vi phạm an ninh quốc gia đã bị bắt giữ và không được liên lạc ra ngoài. Vào cuối năm vừa qua đã có một số người bị bắt giữ trong năm vẫn chưa được gặp gỡ thân nhân hoặc luật sư, và họ cũng không chính thức bị truy tố phạm tội.
Không có chức năng bảo lãnh tại ngoại hoặc những hệ thống tương tự. Thời gian tạm giam được tính gộp vào trong thời gian thụ án sau khi bị truy tố và tuyên án.
Toà án có thể gia hạn quản thúc đến 5 năm kể từ sau thời gian thụ án. Ngoài ra công an hoặc các tổ chức quần chúng có thể đề nghị thực hiện một trong năm "biện pháp quản lý" do chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh áp đặt mà không cần xử án. Những biện pháp này bao gồm hình phạt từ 6 đến 24 tháng trong các trại cải huấn thiếu niên hoặc trại giam và thường được dùng cho những trường hợp tái phạm với tiền sự phạm tội không nghiêm trọng như trộm cắp hoặc "hạ thấp phẩm giá người khác". Chủ tịch hội đồng nhân dân cũng có thể sử dụng khung hình "quản lý tạm tha", thường là dưới hình thức cấm đoán việc đi lại. Mặc dù Sắc lệnh 31 đã được bãi bỏ vào tháng 3 2007 nhưng chế độ quản lý vẫn thường được dùng để trừng phạt những người bị tình nghi là chống đối chính trị. Nhà cầm quyền tiếp tục trừng phạt một số cá nhân bằng những từ ngữ mơ hồ trong những điều khoản về an ninh quốc gia của bộ luật hình sự.
Việc bắt giữ tuỳ tiện, đặc biệt là đối với những nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề quan tâm. Nhà nước đã dùng những sắc lệnh, qui định và biện pháp để bắt giữ những người hoạt động khi họ bộc lộ quan điểm đối kháng chính trị một cách hoà bình. Trong năm qua chính quyền đã giữ một số người vì đã vi phạm Điều khoản 88, trong đó cấm đoán việc "tuyên truyền chống phá nhà nước." Những cáo buộc về việc vi phạm Điều khoản 88 thường bị tuyên án đến 5 năm tù. Trong khi một số nhà hoạt động được giảm án tù sau khi kháng cáo, một số khác bị tuyên bố y án với mức phạt ban đầu. Vào tháng 9, một người viết blog đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù khi ông viết về nạn tham nhũng và biểu tình phản đối về hành động của Trung Quốc trong vùng đảo tranh chấp Hoàng Sa/Trường Sa.
Vào tháng 8 và tháng 9, chính phủ đã bắt giữ ít nhất 13 nhà hoạt động mà phần đông có dính líu đến một phong trào chính trị mang tên Khối 8406, và cũng đã tạm giữ trên mười người khác. Vào ngày 7 tháng 11, thành viên Khối 8406 và là người khiếu kiện đất là bà Lê Thị Kim Thu đã bị tuyên án 18 tháng tù vì tội "phá rối trật tự công cộng." Cho đến cuối năm nay những nhà hoạt động còn lại vẫn chưa bị truy tố hoặc tuyên án.
Công an đã dùng vũ lực để xâm nhập vào nhà riêng của một số nhà bất đồng có tiếng trong nước như Nguyễn Khắc Toàn và Đỗ Nam Hải, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động và những tài liệu khác.
Trong năm qua đã có những báo cáo về việc nhân viên chính quyền ở vùng Cao nguyên miền Trung và Tây Bắc đã tạm giữ những người thiểu số vì đã liên lạc với cộng đồng của họ ở nước ngoài.
Những người biểu tình bất bạo động khiếu kiện đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bị tạm giam, theo dõi và một số người cầm đầu bị bắt giữ nhưng chính quyền đã không dùng vũ lực quá đáng khi đối phó với những cuộc biểu tình này. Những cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa cũng đã dẫn đến việc tạm giam và bắt giữ một số nhà hoạt động vì tội biểu tình không có giấy phép. Vào tháng 9 nhà cầm quyền đã bắt giữ bốn nhà hoạt động và tạm giam một số khác với mục đích dập tắt các cuộc biểu tình và làm nản lòng những nhóm này tụ họp công khai.
Vào tháng 11 2007, năm nhà hoạt động chính trị gồm 2 người Việt và 3 người ngoại quốc đã bị bắt giữ, hai người ngoại quốc đã được trả tự do vào tháng 12 2007. Vào ngày 13 tháng 5, ba người còn lại đã bị truy tố và kết án về tội khủng bố với án tù được tính vào thời gian tạm giam; một người Việt được trả tự do ngay, những người ngoại quốc bị trục xuất vài ngày sau đó, người Việt còn lại đã được trả tự do vào tháng 8.
Một số trong khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt giữ trong một chiến dịch của chính phủ trong giai đoạn 2006-07 đã bị tuyên án trong năm qua. Những người còn lại vẫn đang bị điều tra và đang nằm trong diện quản lý mà không chính thức truy tố.
Những nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã phải chịu quản thúc dưới nhiều hình thức tại nơi cứ trú.
Ân Xá
Chính quyền trung ương không chính thức tuyên bố Tết hoặc Quốc khánh là dịp ân xá. Dù vậy, hội đồng nhân dân tỉnh trong cả nước thường thực hiện việc ân xá cho tù nhân trong khu vực của mình vào dịp Tết hoặc Quốc khánh. Những tù nhân có tên tuổi không được hưởng đặc ân này trong năm qua.
e. Từ Chối Xử Án Công Khai và Công Bằng
Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.
Hệ thống pháp lý bao gồm Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC); các toà án nhân dân cấp tỉnh và huyện; các toà án quân sự, hành chính; kinh tế, lao động và các toà án khác được luật pháp thiết lập. Mỗi huyện có một toà án nhân dân có nhiệm vụ là toà sơ thẩm chuyên thụ lý những vụ án gia đình, dân sự và hình sự. Mỗi tỉnh cũng có riêng toà án nhân dân có nhiệm vụ của một toà phúc thẩm cho những kháng cáo từ huyện. TANDTC, do Quốc hội quản lý, là toà án phúc thẩm cao nhất. Toà án hành chính chuyên xét xử những khiếu nại của công dân về những lạm quyền và tham nhũng của nhân viên chính phủ. Còn có những uỷ ban đặc biệt chuyên hoà giải những tranh chấp địa phương.
Số lượng thẩm phán và luật sư chuyên nghiệp đang bị thiếu hụt. Tình trạng lương thấp trong hệ thống pháp lý đã cản trở nỗ lực phát triển đội ngũ nhân viên tư pháp chuyên nghiệp. Một số ít thẩm phán được đào tạo chính qui nhưng thường là đã học tập từ những quốc gia có hệ thống pháp luật cộng sản.
Không có luật sư đoàn hoạt động độc lập. Vào tháng 1 thủ tướng đã phê chuẩn đề xuất thành lập một đoàn luật sư quốc gia nhưng đến cuối năm việc này vẫn chưa thực hiện.
Chính quyền vẫn đang tiếp tục thực thi những chương trình nhằm đối phó với vấn đề thiếu hụt lực lượng thẩm phán và nhân viên pháp luật chuyên nghiệp.
Những toà sơ thẩm cấp huyện và tỉnh gồm có thẩm phán và hội thẩm viên, nhưng toà phúc thẩm tỉnh và TANDTC chỉ có thẩm phán. Hội đồng nhân dân lựa chọn hội thẩm viên từ một nhóm người do MTTQ đề cử. Hội thẩm viên yêu cầu phải có "tư cách đạo đức tốt," nhưng không bắt buộc phải qua đào tạo pháp lý và vai trò của họ đa số chỉ mang tính tượng trưng.
Mặc dù được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng, toà án quân sự hoạt động theo những luật lệ giống như các toà án khác. Hội đồng xét xử đại diện cho bộ và đứng đầu hệ thống toà án quân sự là phó chủ tịch TANDTC. Các thẩm phán và bồi thẩm viên là những người tại ngũ do TANDTC và bộ quốc phòng lựa chọn nhưng chịu sự quản lý của TANDTC. Luật pháp cho phép toà án quân sự quyền pháp lý đối với những vụ án hình sự liên quan đến những thành phần của quân đội, kể cả những doanh nghiệp do quân đội làm chủ. Quân đội có sự lựa chọn trong việc sử dụng các toà án hành chính, kinh tế hoặc lao động cho các vụ án dân sự.
Quá Trình Xét Xử
Hiến pháp qui định rằng người công dân vẫn được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng phạm tội. Nhưng nhiều luật sư đã than phiền rằng các thẩm phán thường quyết đoán tội trạng. Phiên toà thường được xử công khai nhưng trong những vụ án nhạy cảm, thẩm phán thường xử kín hoặc giới hạn chặt chẽ số người tham dự. Toà không sử dụng hệ thống bồi thẩm đoàn. Bị cáo được quyền dùng luật sư đại diện trước toà mặc dù không nhất thiết là luật sư mà họ muốn, và trên thực tế quyền lợi này thường không được tôn trọng. Những bị cáo không có điều kiện mướn luật sư thường được chỉ định luật sư nhưng chỉ trong những vụ án mà họ có thể bị tuyên án chung thân hoặc tử hình. Bị cáo và luật sư bào chữa có quyền thẩm vấn các nhân chứng hoặc phản bác cáo trạng. Luật sư bào chữa thường có rất ít thời gian trước khi xử án để xem xét bằng chứng chống lại thân chủ mình. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các toà án cấp huyện và tỉnh không thông báo trình tự tố tụng. TANDTC tiếp tục thông báo các vụ án được tái xét.
Vẫn tiếp tục có những tường trình khả tín về việc luật sư bị áp lực không nhận bào chữa cho các bị cáo là các nhà hoạt động tôn giáo và dân chủ.
Viện kiểm sát nhân dân đề xuất việc truy tố nghi can và đóng vai trò công tố viên trong quá trình xét xử. Đã có những thay đổi trước đây trong luật xét xử án hình sự nhằm biến quá trình tố tụng từ hệ thống "điều tra", trong đó thẩm phán nắm quyền chất vấn, sang thành hệ thống "đối kháng", trong đó kiểm sát viên và luật sư bào chữa tranh luận quan điểm của hai bên. Việc thay đổi này nhằm tăng cường sự bảo vệ cho bị cáo và ngăn ngừa việc thẩm phán ép cung bắt bị cáo thừa nhận tội lỗi. Cải cách này được áp dụng không nhất quán giữa các tỉnh.
Vào tháng 5, các quan chức của chính quyền đã cho phép các đại diện ngoại giao nước ngoài tham dự vụ án xét xử 3 thành viên của Đảng Việt Tân. Và vào tháng 12, 4 nhân viên ngoại giao nước ngoài được phép tham dự phiên xử án chung của 8 bị cáo trong vụ Thái Hà. Những yêu cầu được tham dự các vụ án khác của những nhà ngoại giao nước ngoài đã bị từ chối.
Tù Nhân và Những Người Bị Giam Giữ Vì Lý Do Chính Trị
Không có ước lượng chính xác về con số tù nhân chính trị. Chính phủ tuyên bố rằng họ không giữ tù nhân chính trị, họ chỉ giữ những người phạm pháp. Cho đến cuối năm, chính phủ giam giữ ít nhất 35 tù nhân chính trị mặc dù nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng con số lên đến vài trăm.
Vào tháng 4, một làn sóng biểu tình mới ở Cao nguyên miền Trung đã dẫn đến vài chục vụ bắt bớ và giam cầm những người bị nghi ngờ tổ chức biểu tình. Những nhà quan sát địa phương kể rằng tham gia những cuộc biểu tình này là những người thuộc sắc tộc thiểu số phản đối chính sách sử dụng đất đai ở địa phương.
Ngày 14 tháng 8, nhà chức trách bắt giam một nhà tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai, bà Lê Thị Kim Thu ở Hà Nội với lý do phá rối trật tự công cộng bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình trong công viên đối diện Văn phòng Chính phủ. Vào ngày 7 tháng 11, bà ta đã bị kết án và bị phạt 18 tháng tù. Trong suốt năm, những người cầm đầu tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai đã tường trình là có khoảng chục người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã bị kết tội từ “phá rối trật tự công cộng” cho đến “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Trong tháng 9 và 10, các nhà hoạt động thuộc Khối 8406 như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc,Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Tinh, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Dương Văn Nam và Lê Thanh Tùng bị bắt vì đã tìm cách tổ chức biểu tình công khai, rải truyền đơn cổ vũ dân chủ, phản đối chính phủ tịch thu đất đai và những hành vi của chính quyền Trung Quốc và treo biểu ngữ phê bình chính phủ. Cho đến cuối năm, tất cả vẫn còn bị giam chờ ngày chính thức bị truy tố và xét xử.
Vào ngày 8 tháng 12, tám người từng tham dự vào những buổi cầu nguyện ở giáo sứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị xử cùng lúc tại Tòa án Nhân dân Đống Đa ở Hà Nội và bị kết án phá rối trật tự và phá hoại tài sản công cộng. Bảy giáo dân bị tù treo từ 12 cho đến 15 tháng; trong số những người này, bốn người bị quản thúc hành chính từ 22 cho đến 24 tháng. Người thứ tám bị cảnh cáo và không ai bị kết án tù thêm.
Sau khi bị kết án vào năm 2007 vì vi phạm Điều khoản 88, một số nhà hoạt động có tên tuổi vẫn còn bị tù đày, họ gồm có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và hai luật sư về nhân quyền Nguyễn v\Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Ông Đài, bà Nhân và ba thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân được giảm án sau khi kháng cáo.
Vào tháng Giêng, nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy đã bị giam từ tháng 4 2007 vì vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị đưa ra tòa, kết án tù bằng thời gian đã bị giam, và được tha vì lý do chữa bệnh.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bá Đang bị bắt từ tháng Năm 2007 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước,” hình như vẫn còn bị giam trong Trại Kinh Chi ở tỉnh Hải Dương.
Vào tháng 5, một trong bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công nông (HHĐKCN) đã bị bắt và kết án từ tháng 12 2007 và được thả sau khi mãn tù; ba người còn lại vẫn còn trong tù (Xem phần 6.a.)
Vào tháng Giêng, sau 17 tháng bị giam giữ, Trương Quốc Huy, thành viên của Khối 8406 đã bị truy tố và kết án sáu năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Các nhà tranh đấu thuộc đảng Việt Tân gồm Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Quốc Hải bị bắt từ năm 2006, bị xử và kết án vào tháng 5 theo Điều khoản 84 vì tội liên quan đến khủng bố, họ đã được trả tự do sau khi hết hạn tù.
Một số nhân vật chống đối thuộc những tổ chức chính trị bị đặt ngoài vòng pháp luật như Khối 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Nhân dân Hành động, Tổ chức Việt Nam Tự do, Tổ chức Đoàn kết Công nông và những tổ chức khác vẫn còn bị giam trong tù hoặc bị quản thúc tại gia ở nhiều nơi khác nhau.
Những tổ chức phi chính phủ quốc tế ước đoán là có vài trăm người dân thiểu số vẫn còn bị cầm tù vì đã liên quan đến những cuộc biểu tình vào năm 2004 ở Cao nguyên miền Trung.
Thủ Tục Tố Tụng Dân Sự và Bồi Thường
Không có một cơ chế rõ ràng và hiệu quả để sử dụng luật dân sự nhằm đòi hỏi sửa đổi hay đền bù cho những trường hợp bị lạm dụng bởi nhà chức trách. Những vụ kiện dân sự được xử bởi tòa “hành chính,” tòa dân sự và tòa hình sự, tất cả đều giống thủ tục tố tụng của những vụ án hình sự và được xét xử bởi cũng chính những thẩm phán và hội thẩm viên. Cả ba loại toà án này đều mắc phải vấn đề về tham nhũng, thiếu độc lập và không có kinh nghiệm.
Theo luật pháp, một công dân muốn kiện một công chức về tội vi phạm nhân quyền phải làm đơn đề nghị viên chức đương sự cho phép đưa những khiếu nại của mình lên tòa án hành chính. Nếu đơn xin phép bị bác, người dân có thể đệ đơn lên thủ trưởng của viên chức. Nếu viên chức đó hay thủ trưởng đồng ý cho đệ đơn, hồ sơ sẽ được tòa hành chính chấp thuận. Nếu tòa hành chính đồng ý trường hợp nên được tiếp tục, đơn sẽ được đưa sang tòa dân sự cho những vụ kiện dính dáng đến thương tích mà nạn nhân đòi bồi thường dưới 20% phí tổn điều trị gây ra bởi sự lạm quyền, hoặc đưa lên tòa hình sự cho những vụ kiện đòi bồi thường trên 20% của phí tổn. Trên thực tế, hệ thống chuyển đơn và xin xỏ phức tạp này làm cho dân chúng có ít phương tiện hiệu quả để theo đuổi những thủ tục tố tụng dân sự và hình sự để đòi hỏi đền bù cho những vi phạm nhân quyền, và cũng ít có chuyên gia luật pháp đầy đủ kinh nghiệm về hệ thống này.
Bồi Thường Tài Sản
Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.
Vào tháng Giêng, những người Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn trước Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Toà nhà này đã bị chính phủ trưng thu và là đối tượng của tranh chấp hiện nay. Sau khi chính phủ hứa giải quyết vấn đề, những buổi cầu nguyện chấm dứt. Ngày 19 tháng 9, nhà chức trách thành phố thông báo rằng họ sẽ xây một công viên ở khu vực này và lấy Tòa Khâm Sứ làm thư viện. Ngay lập tức, các viên chức thành phố đã bắt đầu việc phá huỷ những căn nhà. Một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra vào ngày 21 tháng 9 với khoảng 15 nghìn giáo dân Công giáo tham dự buổi cầu nguyện và rước lễ đặc biệt do Đức Tổng Giám Mục làm chủ lễ.
Vào các tháng Giêng, tháng 4, và tháng 9, giáo dân Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn cho những khu đất đang bị tranh chấp mà giáo xứ Thái Hà từng sở hữu. Tám người đã bị bắt vào tháng 8 và tháng 9 và đã bị kết án vào tháng 11 vì đã tham gia vào những buổi cầu nguyện tại Thái Hà với tội phá hoại tài sản và phá rối trật tự công cộng. Những tổ chức tôn giáo khác cũng phản đối việc dùng đất bị tịch thu của họ cho mục đích của chính phủ hay thương mại.
Nhiều người thuộc những nhóm sắc tộc thiểu số ở Cao nguyên miền Trung và Tây bắc tiếp tục than phiền rằng họ chưa nhận được bồi thường tương xứng cho đất đai đã bị chính phủ tịch thu để thiết lập những đồn điền cà phê và cao su với qui mô lớn. Một vài người dân cho rằng nguyên nhân của những cuộc biểu tình vào tháng 4 ở Cao nguyên miền Trung là do dân thiểu số đã thất vọng và không hài lòng với những chính sách sử dụng đất đai của chính phủ.
f. Can Thiệp Tùy Tiện Vào Đời Sống Riêng Tư, Gia Đình, Chỗ Ở hoặc Thư Tín
Luật pháp cấm can thiệp tùy tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; tuy nhiên, trên thực tế chính phủ không tôn trọng những cấm đoán này. Hệ thống đăng ký hộ khẩu và dân phòng được thành lập để theo dõi tất cả công dân mặc dù nói chung những hệ thống này ít lạm dụng hơn so với trước đây. Chính quyền đặc biệt chú ý vào những người bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động chính trị hoặc tôn giáo bị cấm.
Không ai được phép dùng vũ lực để đột nhập vào nhà riêng nếu không có lệnh của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, lực lượng an ninh hiếm khi tuân thủ những thủ tục này, thay vì thế họ thường yêu cầu cho phép vào nhà với ngầm ý đe dọa là sẽ phải trả giá nếu không hợp tác. Nhiều người từ chối hợp tác với những "yêu cầu" như vậy. Công an đôi khi bỏ đi khi bị từ chối, nhất là ở những khu vực thành thị.
Chính phủ mở và kiểm duyệt thư từ của các đối tượng đang bị để ý, tịch thu bưu kiện và thư từ, và theo dõi các cuộc điện đàm, điện thư, tin nhắn qua điện thoại di động, và thông tin qua fax. Chính phủ cắt đường dây điện thoại nhà và làm gián đoạn điện thoại di động cũng dịch vụ cung cấp Internet của một số các nhà hoạt động dân chủ và thân nhân của họ.
Việc trở thành đảng viên ĐCSVN vẫn là một điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến đối với những ai làm việc trong chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp của chính phủ. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa kinh tế khiến cho việc trở thành đảng viên ĐCSVN và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo đã bớt quan trọng trong việc được tăng thưởng về tài chính và xã hội.
Chính phủ tiếp tục thi hành chính sách kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích các gia đình không được quá hai con, nhưng chính sách này chỉ nhấn mạnh về việc cổ vũ và giáo dục chứ không ép buộc. Chính phủ có thể từ chối không đề bạt hoặc tăng lương cho những công chức có quá hai con, và đã có vài trường hợp bị từ chối tăng chức hay phạt tài chính, và dường như chính sách này không được áp dụng một cách đồng nhất. Các hình phạt này càng trở nên ít hiệu nghiệm vì phần lớn dân chúng, nhất là ở những nơi thành thị, tiếp tục chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân.
Phần 2: Tôn Trọng Dân quyền, Bao Gồm:
a. Tự Do Ngôn Luận và Báo Chí
Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện.
Cả hiến pháp lẫn bộ luật hình sự bao gồm những điều khoản bao quát về an ninh quốc gia và chống phỉ báng mà chính quyền sử dụng để giới hạn tự do ngôn luận và báo chí. Bộ luật hình sự định nghĩa những tội “phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội,” “gieo rắc chia rẽ giữa những người có đạo và không đạo,” và “tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là những vi phạm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự cũng nêu rõ việc cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước và các tổ chức xã hội.”
Nhiều lần khác nhau các nhà hoạt động chính trị và thân nhân của các tù nhân đã bị ngăn cản không được gặp những đại diện ngoại giao nước ngoài. Những cách thức được dùng bao gồm việc xây rào cản hoặc cho người đứng gác bên ngoài tư gia của họ hoặc triệu tập đến trụ sở công an để thẩm vấn tùy tiện và liên tục.
ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu. Vào đầu tháng 3, một chiến dịch “theo lề” của chính phủ đã dẫn đến việc kiểm tra tài chính của nhiều tờ báo và bắt buộc báo chí giới hạn vai trò thực hiện những chương trình đi sâu vào quần chúng như làm việc thiện và phát học bổng. Những người trong giới báo chí hầu hết cho những hành động này là một cố gắng của nhà hữu trách để giới hạn hơn nữa sự độc lập và ảnh hưởng trên báo chí.
Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó.
Ngày 12 tháng 5, công an đã bắt các phóng viên Nguyễn Việt Chiến của nhật báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của nhật báo Tuổi Trẻ vì tội “lạm dụng quyền hành trong khi thi hành chức vụ” liên quan đến những bài viết về vụ tham nhũng PMU-18 của Bộ Giao Thông vào năm 2006. Báo chí của nhà nước và dân chúng lên án mạnh mẽ vụ bắt bớ này. Tuy vậy, hai ngày sau khi báo chí tường thuật đầy đủ, BTTTT đã ra lệnh cho truyền thông ngưng không được viết nữa về vụ này. Báo chí và giới truyền thông tuân theo quyết định nhưng những người viết blog vẫn tiếp tục chỉ trích vụ bắt bớ. Sau đó tội danh của hai nhà báo được đổi thành “lạm dụng quyền tự do dân chủ”, họ bị đem ra tòa xử và kết tội hôm 15 tháng 10. Toà án xử Nguyễn Việt Chiến hai năm tù và Nguyễn Văn Hải hai năm cải tạo không giam giữ.
Vào tháng 7, các tổng biên tập của hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị thay thế. Hai tờ báo này giải thích rằng đây là những thay đổi bình thường mặc dù có nguồn tin cho rằng hai ông bị giáng chức vì đã cho in những phóng sự về tham nhũng. Vào tháng 8, chính phủ thu hồi thẻ hành nghề của 7 nhà báo từ những tờ báo do nhà nước quản lý vì đã “thiếu trách nhiệm” trong những bài tường thuật của họ về vụ PMU-18.
Ngày 19 tháng 9, công an đã tạm giam và hành hung một phóng viên ngoại quốc thuộc chi nhánh hãng tin Associated Press ở Hà Nội và giữ máy chụp ảnh của ông ta trong tám tuần sau khi ông tìm cách chụp ảnh buổi cầu nguyện trước cửa Toà Khâm Sứ cũ.
Ngày 18 tháng 12, chính phủ đã đưa ra luật mới cấm những người viết blog đăng những tài liệu mà chính phủ cho là làm hại đến an ninh hoặc tiết lộ bí mật quốc gia, xúi dục bạo động hay tội ác, hoặc chứa đựng tin tức không đúng sự thật làm phương hại danh dự của cá nhân hay đoàn thể. Luật mới này cũng đòi hỏi các công ty Internet nước ngoài ở Việt Nam có dịch vụ blog phải báo cáo cho chính phủ mỗi sáu tháng và nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp tin tức về những người dùng blog.
Trong năm qua chính phủ cũng tiếp tục giới hạn những bài báo chỉ trích hành động của Trung Quốc về vụ tranh chấp đảo ở vùng biển Nam Hải và bài viết được cho là thảo luận về hoặc định quân sự chiếm đánh Việt Nam. Vào tháng 12 2007, tổng biên tập của một tờ báo điện tử lớn bị phạt vì bài bình luận sôi nổi về vụ Hoàng Sa. Ông vẫn còn tại chức mặc dù có những doạ dẫm cách chức.
Luật pháp đòi hỏi phóng viên bồi thường bằng hiện kim cho những cá nhân hay đoàn thể mà bài báo làm tổn thương đến danh dự của họ, ngay cả khi bài đăng đúng sự thật. Những nhà quan sát độc lập cho biết là luật này đã xiết chặt việc tường trình phóng sự. Đã có những bài báo về những chủ đề thường được xem là nhạy cảm như việc xử các đảng viên và nhân viên chính phủ cao cấp về tội tham nhũng, hoặc có những bài thỉnh thoảng chỉ trích nhân viên và các hội đoàn. Thế nhưng tự do chỉ trích ĐCSVN và các lãnh đạo đảng cao cấp vẫn bị cấm ngặt.
Ký giả ngoại quốc phải được giấy phép của trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao và họ phải đặt bản doanh ở Hà Nội ngoại trừ trường hợp một phóng viên chuyên về mảng kinh tế, đã cư ngụ và có một văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và trên danh nghĩa tường trình từ văn phòng chính ở Hà Nội. Phóng viên, ký giả ngoại quốc phải xin hộ chiếu mới từ ba đến sáu tháng một lần, dù vậy thủ tục này đã trở nên thường lệ, và không có báo cáo về việc bị từ chối hộ chiếu. Số nhân viên báo chí ngoại quốc được phép hành nghề cũng bị giới hạn và nhân viên người địa phương làm việc cho truyền thông nước ngoài phải đăng ký ở Bộ Ngoại giao.
Thủ tục xin và nhận giấy phép đối với các hãng thông tấn ngoại quốc trong việc mướn phóng viên và nhiếp ảnh gia người địa phương vẫn rườm rà. Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao thỉnh thoảng kiểm tra các hoạt động của ký giả và chấp thuận những yêu cầu phỏng vấn, chụp hình, quay phim, hay di chuyển thì dựa trên từng trường hợp cụ thể, và họ phải nộp đơn ít nhất năm ngày trước. Theo luật, ký giả ngoại quốc phải nộp cho Bộ Ngoại giao tất cả các câu hỏi phỏng vấn các cơ quan chính phủ. Nhưng trên thực tế, đã không có ai làm theo. Ký giả ngoại quốc cũng cho biết là nói chung họ không thông báo cho chính phủ khi di chuyển ra khỏi Hà Nội trừ khi chuyến đi liên quan đến bài tường thuật mà chính phủ cho là nhạy cảm hoặc họ đi đến những vùng được xem là nhạy cảm như Cao nguyên miền Trung.
Vài sách cấm bằng tiếng ngoại quốc được bày bán công khai trên vỉa hè và trong những cửa hàng dành cho du khách. Tạp chí bằng tiếng ngoại quốc cũng được bán rộng rãi ở các thành phố nhưng thỉnh thoảng chính phủ cũng kiểm duyệt các bài viết.
Luật pháp chỉ cho phép sử dụng vô tuyến truyền hình vệ tinh cho các quan chức lớn, người ngoại quốc, khách sạn hạng sang và báo chí, nhưng trên thực tế, trên toàn quốc ai cũng có thể xem những chương trình qua vệ tinh hay qua truyền hình cáp. Những người sống ở thành thị cũng có thể đặt thuê truyền hình cáp trong đó có cả những đài ngoại quốc.
Tự Do Trên Mạng
Chính phủ cho phép dân chúng truy cập vào mạng qua một số ít công ty cung cấp dịch vụ mạng, tất cả đều là những công ty cổ phần của chính phủ. Trong năm qua, số người sử dụng mạng tiếp tục gia tăng. Theo BTTTT, có 24% dân chúng truy cập mạng. Việc viết blog tiếp tục gia tăng nhanh chóng. BTTTT ước đoán là có trên một triệu blogger trên mạng. Ngoài một số tờ báo chính và tin tức trên mạng, nhiều ký giả có trang blog riêng của họ. Trong vài trường hợp, những trang blog của họ nhiều khi còn gây tranh cãi hơn cả những bài họ viết thường tình trên báo. Trong một ít trường hợp, chính phủ phạt tiền hay trừng phạt những người này vì nội dung trang Blog của họ.
Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng.
Chính phủ đòi hỏi các tiệm như quán cà phê mạng phải ghi chép các dữ kiện cá nhân của khách hàng và dự trữ những địa chỉ mạng mà khách hàng đã ghé qua. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của các quán cà phê mạng không lưu giữ các thông tin này. Tương tự, không ai biết những công ty cung cấp dịch vụ mạng chính tuân thủ các luật lệ của chính phủ đến độ nào.
Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm.” Họ bào chữa cho việc kiểm duyệt mạng là điều cần thiết để che chở dân chúng không bị ảnh hưởng từ phim ảnh đồi trụy và những “phần tử xấu” hoặc “phản xã hội.” Họ cũng bào chữa rằng những cố gắng giới hạn truy cập mạng cho trẻ con trong tuổi đi học là để chúng không sao nhãng việc học vì những trò chơi trên mạng.
Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.
Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên. Vào tháng Giêng, nhà văn và ký giả Trần Khải Thanh Thủy đã bị bắt giam về vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị truy tố và tuyên án tù cho thời gian bị giam cầm, và được thả vì lý do sức khoẻ. Vào tháng 4, ông Nguyễn Hoàng Hải (còn có tên là Điếu Cày), một blogger nổi tiếng và chủ tịch của Hội Nhà báo Tự do đã bị bắt giữ; ngày 10 tháng 9, ông ta và vợ bị đưa ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh về tội trốn thuế. Ông bị tuyên án 30 tháng tù và phạt 210 triệu (khoảng $12.730 đô la). Vợ ông Hải cũng bị phạt số tiền tương tự. Ngày 4 tháng 12, tiền phạt và án tù của ông bà Hải được tạm ngưng trong khi chờ kháng án. Tòa phúc thẩm báo tin phiên xử cho luật sư của ông Hải chỉ có chín ngày thay vì 15 ngày trước phiên tòa như luật pháp đòi hỏi.
Vào tháng Chín, giới hữu trách địa phương ở Hà Nội dọa bắt bớ những bloggers và những ai gửi điện thư ra nước ngoài về những tin tức về tranh chấp đất đai nhà cửa của các giáo dân.
Nhà chức trách tiếp tục dùng tường lửa để ngăn chặn những trang mạng được xem là không thích hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm những trang thuộc về Giáo hội Công giáo như vietcatholic.net hoặc những trang của những hội đoàn chính trị của người Việt ở hải ngoại. Chính phủ đã bỏ hầu hết những ngăn chặn truy cập đến trang mạng của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) mặc dù họ vẫn tiếp tục chặn trang của Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia, RFA) trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bài viết dựa theo tin tức của RFA xuất hiện tên các báo chí trong nước.
BTTTT đòi hỏi chủ nhân của các trang mạng trong nước, ngay cả những trang được điều hành bởi người ngoại quốc phải đăng ký với chính phủ và nộp nội dung và chủ trương của trang cho chính phủ để được xét duyệt; tuy nhiên việc kiểm soát thi hành luật lệ vẫn còn chọn lọc.
Intellasia, một công ty truyền thông có bài viết và tin tức đầu tư trên mạng đã bị nhà hữu trách đóng cửa vào tháng 8 2007 vì đã đăng những "nội dung thiếu xác thực và phản động”, hãng này vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoại quốc.
Tự Do Nghiên Cứu và Hoạt Động Văn Hoá
Chính phủ xác định quyền hạn chế tự do khảo cứu, các giới chức có thẩm quyền thỉnh thoảng chất vấn và kiểm soát những nhà nghiên cứu trong lãnh vực lạ. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cho phép việc truyền tải thông tin rộng hơn những năm trước, bao gồm cả trong hệ thống đại học. Quản thủ thư viện ở các địa phương càng ngày càng được huấn luyện về kỹ năng chuyên nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ thư viện có tầm vóc quốc tế và trao đổi kiến thức và khảo cứu bao quát hơn. Những chuyên gia khảo cứu ngoại quốc làm việc ở các đại học trong nước được cho phép bàn luận về những vấn đề phi chính trị một cách cởi mở và tự do trong lớp học, nhưng quan sát viên của chính phủ thường thường ngồi dự thính trong lớp do giảng viên ngoại quốc hay địa phương hướng dẫn. Công an thỉnh thoảng chất vấn những người tham dự chương trình được tổ chức ở những khu vực ngoại giao hay sử dụng những cơ sở khảo cứu ngoại giao. Tuy vậy, những thỉnh cầu về tài liệu từ cơ sở khảo cứu ngoại quốc cũng gia tăng. Những sách khảo cứu thường phản ảnh quan điểm của ĐCSVN hay của chính phủ.
Chính phủ kiểm soát triển lãm nghệ thuật, âm nhạc, và những hoạt động văn hoá khác; tuy nhiên, nói chung họ cũng cho các nghệ sĩ quyền rộng rãi để chọn chủ đề cho tác phẩm hơn những năm trước. Chính phủ cũng cho phép các đại học nhiều quyền tự trị về trao đổi quốc tế hay chương trình hợp tác.
b. Tự Do Hội Họp và Lập Hội Một Cách Ôn Hoà
Tự Do Hội Họp
Luật pháp cấm ngặt quyền hội họp và chính quyền cũng cấm đoán và kiểm soát tất cả những hình thức biểu tình hay tụ tập nơi công cộng. Theo luật lệ qui định, những ai muốn tụ tập thành một nhóm phải xin giấy phép và nhà chức trách địa phương có thể tuỳ ý chấp nhận hoặc từ chối. Trên thực tế, dường như chỉ có những ai sắp xếp những buổi họp được nhiều người biết để bàn về những vấn đề nhạy cảm mới cần xin phép, còn những người thường xuyên tổ chức họp mặt thân mật thì không bị chính phủ quấy rầy. Nói chung, chính phủ không cho phép những cuộc biểu tình tuần hành có thể được xem là với mục đích chính trị. Chính phủ cũng giới hạn quyền tụ họp để thờ phượng của vài nhóm tôn giáo không đăng ký (xem phần 2.c.)
Trước cuộc rước đuốc Thế vận hội thế giới vào tháng 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà tranh đấu kể rằng nhà chức trách đã gọi họ lên để thẩm vấn và cảnh cáo họ không nên tổ chức biểu tình.
Nhiều buổi lễ cầu nguyện đông người tham dự xảy ra trong tháng 1, tháng 4 và tháng 9 tại những nơi tranh chấp đất đai của người Công giáo ở Toà Khâm Sứ cũ và tại giáo phận Thái Hà ở Hà Nội. Cảnh sát đã bắt giữ tám người và quấy rối những người dự lễ (xem phần 1.e.). Nhiều cuộc biểu tình nhỏ của những người đòi bồi thường đất đai bị tịch thu thường xuyên xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và thỉnh thoảng ở Hà Nội. Cảnh sát có theo dõi nhưng nói chung họ không quấy rối những người tham gia biểu tình.
Tự Do Lập Hội
Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền.
Chính quyền tiếp tục thực hiện qui chế Dân chủ Cơ sở của năm 2007 để giúp dân chúng nông thôn, với sự tham gia của đại diện MTTQ tại địa phương, triệu tập các buổi họp để thảo luận và đặt ra những giải pháp cho vấn đề địa phương và bổ nhiệm đại biểu vào ban lãnh đạo địa phương. Qui chế này cũng đòi hỏi chính quyền cấp xã phải công bố việc thu chi trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm. Những thành viên kỳ cựu bị bắt và nhốt vào tù trong một cuộc thanh trừng từ năm 2007. Vào tháng 9, nhà cầm quyền bắt thêm sáu thành viên của Khối 8406 vì họ đã chỉ trích chính sách kinh tế cũng như thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc. Các thành viên khác bị quấy rối thường xuyên vì những hoạt động chính trị bất bạo động. Khối 8406 tuyên bố đã có hơn 2.000 người ủng hộ trong nước mặc dù con số này không thể được kiểm chứng. Đến cuối năm, có ít nhất là 16 thành viên của Khối bị giam giữ.
Một vài thành viên của một nhóm tranh đấu khác, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam, và một nhóm liên quan là Tổ chức Công nông Đoàn kết vẫn còn bị giam vào cuối năm.
c. Tự Do Tôn Giáo
Hiến pháp và các nghị định của chính phủ qui định quyền tự do tín ngưỡng và những cải thiện so từ những năm trước về việc tôn trọng tự do tôn giáo nói chung đã tiếp tục trong năm vừa qua. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo; tuy nhiên, về tổng quát những hạn chế này được thi hành bớt khắt khe hơn những năm trước. Nhìn chung việc tham gia vào những hoạt động tôn giáo được tiếp tục gia tăng đáng kể.
Bất cập vẫn tồn đọng trong việc thực hiện Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo ở hầu hết ở cấp địa phương, nhưng trong vài trường hợp chính phủ trung ương cũng trì hoãn áp dụng.
Các tổ chức tôn giáo gặp phải những cấm đoán cao nhất khi họ có những hoạt động được cho là hoạt động chính trị hoặc đối kháng với cho quyền lực nhà nước. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc gia nhập Hội Phật giáo Hòa hảo. Chính phủ cũng hạn chế hoạt động và việc đi lại của ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và họ vẫn không công nhận tổ chức này với ban lãnh đạo hiện thời. Chính phủ cũng chú ý đến vài nhóm dân thiểu số ở các vùng Cao nguyên miền Trung đang hoạt động trong hội "Tin lành Dega”, được cho là pha lẫn hoạt động tôn giáo với chính trị và kêu gọi việc ly khai cho dân tộc thiểu số.
Chính phủ giữ một vai trò nổi bật trong việc giám thị những tôn giáo đã được công nhận. Theo luật, các nhóm tôn giáo phải được chính thức công nhận hay đăng ký, và những hoạt động cũng như thành phần trị sự của các giáo phái phải được nhà nước thông qua. Luật pháp đòi hỏi chính phủ phải hành động nhanh chóng và minh bạch, nhưng quá trình chấp thuận cho đăng ký và công nhận những tổ chức tôn giáo đôi khi chậm trễ và không rõ ràng. Tuy vậy, nhiều giáo đoàn mới được đăng ký trong toàn quốc trong năm qua và một số giáo phái đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên, các nhà chức trách địa phương vẫn chưa đả động đến nhiều đơn xin đăng ký nộp từ năm 2006 của trên 1.000 giáo đoàn Tin lành với hầu hết giáo dân là các nhóm dân tộc thiểu số.
Nhiều nhà chức trách địa phương tiếp tục đòi hỏi điều kiện đầu tiên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận là phải cung cấp danh sách của tất cả thành viên khi đăng ký mặc dù Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo không đòi hỏi việc này. Nhiều giáo đoàn ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên than phiền là nhà chức trách đã dùng danh sách ấy kể ngăn chặn hoặc sách nhiễu những người không có tên trong danh sách được dự lễ. Hoạt động thường niên của các nhà thờ cũng phải đăng ký với nhà chức trách và những hoạt động nào không nằm trong lịch sinh hoạt đã được chấp thuận trước phải có giấy phép khác của chính phủ.
Cũng giống như những năm trước, quá trình giám sát chính thức các nhóm tôn giáo thay đổi rất nhiều tùy theo từng địa phương, thường thường là do không hiểu chính sách quốc gia hoặc cách hiểu khác nhau về mục đích của chính sách ở mỗi địa phương. Nói chung, những cố gắng của trung ương để phối hợp việc thi hành đúng đắn khuôn khổ tôn giáo của chính phủ đã làm giảm thiểu mức độ và cường độ vi phạm tự do tôn giáo. Tuy vậy, trên phương diện kỹ thuật, hoạt động của những nhóm tôn giáo không được công nhận hay không đăng ký vẫn được xem là không hợp pháp, và những tổ chức này thỉnh thoảng bị sách nhiễu. Nhiều cuộc hội họp của những tổ chức “không đăng ký” này bị giải tán hay ngăn cản ở Hải Phòng hay miền Cao nguyên tây bắc, trong số các cáo buộc của những người theo đạo là đôi khi chính quyền địa phương dùng “côn đồ đánh thuê” để quấy nhiễu hay hành hung họ. Ở Trà Vinh, có báo cáo là một vài nhà thờ tại gia kể cả Nhà thờ Phúc âm đã bị công an quấy nhiễu và “dân quân” mặc thường phục đánh đập liên tiếp. Giới chức trách đã không có hành động kỷ luật nào đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, mức độ sách nhiễu có giảm đi so với những năm trước và đại đa số các nhà thờ hay chùa chiền không đăng ký được hoạt động mà không bị trở ngại.
Chính phủ tích cực can ngăn sự tiếp xúc giữa GHPGVNTH, một tổ chức được chính phủ cho là bất hợp pháp, với những người ủng hộ ở ngoại quốc, nhưng những tiếp xúc đó vẫn tiếp tục. Công an thường xuyên thẩm vấn bất cứ ai có một quan điểm tôn giáo và chính trị khác như một số tăng sĩ trong GHPGVNTN và các linh mục Công giáo. Công an vẫn tiếp tục hạn chế việc tự do đi lại của các tăng sĩ thuộc GHPGVNTN.
Trong năm qua đã có vài nguồn tin khả tín về việc bắt rời bỏ tín ngưỡng ở miền Trung và Tây bắc Cao nguyên. Tuy nhiên, những bài viết trong các tờ báo tỉnh khuyến khích nhà cầm quyền địa phương và những nhóm dân tộc thiểu số đi theo thuyết duy linh và tập tục truyền thống và bỏ đạo Tin lành.
Đại đa số tín đồ Phật giáo hành đạo qua Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được chính thức công nhận, và nói chung, họ có thể tự do thờ cúng. Chính quyền tiếp tục quấy nhiễu tín đồ của GHPGVNTN và ngăn cản họ không được có những hoạt động từ thiện độc lập ở ngoài phạm vi chùa chiền.
Ban lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN vẫn bị công an theo dõi ráo riết tại chùa của họ và việc đi lại trong nước bị giới hạn. Thầy Thích Quảng Độ và Thích Không Tánh đã được phép đi đưa đám tang vị trưởng Tăng thống của GHPGVNTN vào tháng 7, mặc dù một số tăng sĩ của GHPGVNTN ở các tỉnh tường thuật là các nhà hữu trách không cho họ đi. Một tăng sĩ của GHPGVNTN phải chuyển khỏi tỉnh để lên Thành phố Hồ Chí Minh và từ chức khỏi ban lãnh đạo GHPGVNTN vì luôn luôn bị chính quyền theo dõi và quấy nhiễu.
Giáo hội Công giáo tường trình là chính phủ đã tiếp tục giảm bớt việc can thiệp vào quá trình phân bổ các linh mục mới. Khác với những năm trước, không thấy có trường hợp nào chính phủ từ chối việc phân bổ các linh mục. Giáo hội đã thảo luận với chính quyền về thiết lập thêm trường dòng và phát triển chương trình đào tạo mục sư. Giáo hội đang tiến đến việc thành lập một tổ chức chính thức để hợp tác với toà thánh Vatican trong việc đề ra những nguyên tắc và lộ trình cho việc thiết lập mối quan hệ chính thức.
Một số tăng lữ Công giáo tường trình rằng chính phủ tiếp tục giảm dần kiểm soát trên những hoạt động trong vài giáo phận ở ngoại thành Hà Nội. Nhiều nơi chính quyền địa phương cho phép Giáo hội Công giáo dạy những lớp giáo lý (ngoài giờ học) và tiến hành những hoạt động từ thiện. Giới chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giúp hỗ trợ một số hoạt động từ thiện của Giáo hội trong việc chống bệnh HIV/AIDS; tuy nhiên, hoạt động giáo dục và giấy phép hợp pháp cho một vài cơ quan từ thiện Công giáo làm việc như những tổ chức phi chính phủ vẫn còn bị trì hoãn. Vào tháng 10, chính phủ chấp thuận cho Caritas mở cửa lại sau 32 năm vắng mặt.
Chính quyền địa phương can ngăn một cách không chính thức việc đi lại trong nước của các tăng lữ, ngay cả chỉ trong các tỉnh nằm trong khu vực của họ, nhất là khi di chuyển đến những vùng có dân tộc thiểu số. Đức Tổng giám mục của Hà Nội bị giới hạn đi lại vì mục sự đến những vùng dân tộc thiểu số ở phía bắc nhưng lại được phép đến đó với tư cách cá nhân
Mặc dù có những báo cáo về việc kỳ thị các học sinh theo đạo Công giáo, nhà chức trách chối là họ có một chính sách giới hạn giáo dục dựa trên tín ngưỡng.
Ít nhất đã có 10 tín đồ của Giáo hội Hòa hảo vẫn còn bị giam vì được cho là liên quan đến vụ xô xát với công an vào năm 2005. Những tu sĩ và tín đồ trực thuộc Hội đồng Quản trị Giáo hội Hòa hảo được phép hành đạo vì hội đồng này được chính phủ công nhận. Những tăng sĩ và tín đồ nào thuộc về những nhóm bất đồng quan điểm hoặc từ chối công nhận thẩm quyền của Hội đồng sẽ bị hạn chế.
Những tổ chức tôn giáo không được phép tự mở trường riêng. Người truyền giáo nước ngoài không được truyền đạo trong nước, dù vậy nhiều người đã tham gia những hoạt động từ thiện nhân đạo và gặp gỡ với các giáo đoàn có đăng ký sau khi được chính phủ chấp thuận.
Nói chung, chính phủ đòi hỏi các ấn phẩm tôn giáo phải được xuất bản bởi nhà in sách tôn giáo của chính phủ; tuy vậy, một số tổ chức tôn giáo đã có thể sao chép lại tài liệu của chính họ hay nhập khẩu với sự chấp thuận của nhà nước. Chính phủ có phần nào nới lỏng việc hạn chế ấn loát hay nhập khẩu những sách vở tôn giáo, bao gồm những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Cho đến cuối năm, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa chấp thuận việc in Thánh kinh bằng tiếng Mường mặc dù đơn xin đã được đệ lên cách đây hơn hai năm với lý do là chờ đợi chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d. Tự Do Đi Lại, Dân bị Dời Chỗ, Bảo Vệ Dân Tị Nạn, và Dân Vô Tổ Quốc
Hiến pháp cho phép quyền tự do đi lại trong nước, du lịch và sinh sống ở nước ngoài và hồi hương; tuy nhiên, chính phủ đã áp đặt một vài giới hạn trên việc tự do đi lại của một số cá nhân. Chính quyền nói chung đã hợp tác với Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và những tổ chức nhân đạo khác để giúp dân tị nạn và những người đào tị.
Một vài người bất đồng chính kiến, dù được tạm tha có có quản lý hay bị quản chế tại gia, đã bị giới hạn di chuyển nhưng công an cho phép họ ra khỏi nhà dưới sự theo dõi. Ví dụ hai nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn and Nguyễn Khắc Toàn, đã được phóng thích năm 2006, luật sư Lê Quốc Quân và ký giả Nguyễn Vũ Bình, được phóng thích năm 2006 vẫn còn bị chính quyền quản thúc hành chính dưới hình thức hạn chế đi lại. Mặc dù thỉnh thoảng bị quản chế tại gia, họ cũng được đi lại ít nhiều trong nội vi Thành phố Hà Nội, nhưng sự di chuyển của họ hay những cuộc thăm viếng của những người bất đồng chính kiến khác đều bị theo dõi sát sao. Ngày 1 tháng 9, trên đường đi gặp các nhà nghị viên ngoại quốc, ông Quân đã bị giữ lại ở phi trường Nội Bài. Nhà chức trách hủy thông hành của ông và nói ông không được phép ra nước ngoài. Ông Sơn và ông Toàn cũng bị cấm đi ra nước ngoài. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai nhà hoạt động dân chủ là Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải đã bị quản chế tại gia. Ông Hải bị ngăn cản không cho gặp các nhà ngoại giao nước ngoài ít nhất hai lần.
Hạn chế của chính phủ về việc thăm viếng một số vùng vẫn còn hiệu lực. Công dân trong nước và người nước ngoài phải có giấy phép khi thăm viếng những vùng biên giới, cơ sở quốc phòng, những khu vực kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng, những vùng “dự trữ chiến lược quốc gia,” và những “công trình tối quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.”
Luật Cư trú năm 2007 đã không được thi hành rộng rãi và lượng dân nhập cư từ thôn quê lên thành phố tiếp tục tăng.
Việc đi lại không có giấy phép đã cản trở những người xin giấy thường trú hợp pháp, đi học trường công và nhận phúc lợi y tế. Những người mang thông hành ngoại quốc phải đăng ký khi cư ngụ tại nhà riêng mặc dù chưa thấy có trường hợp nào chính quyền địa phương từ chối để khách ngoại quốc ở nhà của bạn bè hay gia đình. Dân chúng cũng buộc phải đăng ký với công an địa phương khi họ ngủ qua đêm ở bất cứ nơi nào ngoài nhà riêng của họ; dường như chính phủ đã áp dụng khắt khe hơn những đòi hỏi này ở một số khu vực vùng Cao nguyên miền Trung và miền Bắc.
Chính phủ từ chối không cấp hộ chiếu cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Chính quyền các tỉnh ở Cao nguyên miền Trung cho phép việc cấp sổ thông hành và di chuyển cho các cá nhân thuộc sắc tộc thiểu số được đi Mỹ hợp pháp với hộ chiếu đoàn tụ gia đình.
Thỉnh thoảng các viên chức chính quyền đã trì hoãn việc phát sổ thông hành cho dân chúng để đòi hối lộ. Dân di cư ra ngoại quốc ít khi gặp khó khăn khi lấy sổ thông hành.
Luật pháp cho phép việc cưỡng bức đày ải trong ngoài nước, và chính phủ cũng không dùng đến điều khoản này.
Chính phủ thường cho phép những di dân ra ngoại quốc được trở về thăm viếng. Tuy nhiên, chính phủ từ chối không cho những nhà hoạt động chống đối từ ngoại quốc trở về. Những nhà hoạt động chính trị người Việt hải ngoại có tiếng đều bị từ chối chiếu khán nhập cảnh.
Theo luật, chính phủ xem bất cứ ai được sinh ra ở trong nước là một công dân, ngay sau khi đã có quốc tịch khác, trừ khi phải chính thức xin phép từ bỏ quốc tịch và được Chủ tịch nước chấp thuận. Tuy vậy, trên thực tế chính quyền thường đối đãi những người Việt sống ở ngoại quốc như là công dân của nước đã nhận họ. Di dân sống ở nước ngoài không được phép dùng sổ thông hành Việt Nam sau khi họ có quốc tịch khác. Nói chung, chính phủ khuyến khích họ về thăm viếng hay đầu tư nhưng thỉnh thoảng cũng theo dõi họ rất kỹ. Trong năm qua, chính phủ đã nới rộng việc hạn chế đi lại cho người Việt hải ngoại, thực hiện chương trình chiếu khán nhập cảnh nhiều lần cho những người “hội đủ điều kiện,” và trong tháng 11, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép mang hai quốc tịch.
Chính phủ tiếp tục tôn trọng bản liên kết giữa chính phủ Campuchia và Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tạo điều kiện cho những người gốc Việt ở Campuchia không hội đủ điều kiện định cư ở nước thứ ba.
Chính quyền địa phương chỉ theo dõi nhưng không can thiệp vào những chuyến viếng thăm kiểm tra tìm hiểu dữ kiện của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn hoặc những đại diện ngoại giao ở Cao nguyên miền Trung. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn báo cáo là họ đã có thể gặp riêng những người hồi hương. Giống như những năm trước, công an địa phương có mặt trong lúc các nhà ngoại giao phỏng vấn những người hồi hương nhưng bỏ đi khi bị yêu cầu. Chính quyền địa phương nói chung tôn trọng những trách nhiệm nhằm giúp những người gốc thiểu số hồi hương từ Campuchia được tái nhập cư một cách êm thắm
Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tường trình rằng tình hình ở Cao nguyên miền Trung có vẻ như là một quá trình hoà nhập những người dân tộc thiểu số vào một cộng đồng quốc gia hơn là một nơi làm người dân phải đi tị nạn và không khí thì “cởi mở” trong lúc họ đi thanh tra. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn cũng tường trình là tình cảnh của dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên miền Trung đã khả quan hơn sau những cuộc đàn áp vào năm 2001 và 2004. Ủy ban nói rằng họ “cảm thấy không có dấu hiệu bạc đãi” nào đối với những người dân thiểu số mà Ủy ban đã thanh tra ở Cao Nguyên miền Trung. Làn sóng dân thiểu số vượt biên sang Campuchia, dù lên cao vào đầu năm, đã hầu như ngưng lại vào giữa năm, có thể vì hầu hết những người mới đến đã bị Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn liệt vào thành phần di dân vì kinh tế thay vì tị nạn.
Bảo Vệ Dân Tị Nạn
Chính phủ không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về qui chế Người tị nạn và Nghị định thư năm 1967, và luật pháp không qui định thừa nhận qui chế về nương náu tạm hay tị nạn. Chính phủ chưa thiết lập hệ thống để bảo vệ người tị nạn và không thừa nhận qui chế tị nạn hay nương náu tạm. Chính phủ có biện pháp bảo vệ cho những người bị đuổi hay hồi hương phải quay về những nơi mà tính mệnh hoặc tự do của họ bị đe dọa; tuy nhiên, không có trường hợp nào như vậy trong suốt năm qua.
Người Vô Tổ Quốc
Tập thể những người vô tổ quốc lớn nhất trong nước có khoảng 9.500 người Campuchia đi tị nạn ở Việt Nam trong thập niên 1970 và họ bị chính phủ Campuchia từ chối chấp nhận hồi hương trên lý do là không có bằng chứng để xác nhận họ đã từng là công dân Campuchia. Đa số là người gốc Hoa hoặc gốc Việt. Ban đầu nhóm này định cư trong một số trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khi trợ giúp nhân đạo cho các trại tị nạn bị chấm dứt vào năm 1994, khoảng 7.000 người bỏ trại đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khoảng 2.200 người khác ở lại trong bốn ngôi làng từng là trại tị nạn. Nhiều người đã sinh con ở Việt Nam nhưng họ và con cháu không được hưởng những quyền lợi như công dân Việt Nam, bao gồm quyền sở hữu nhà cửa, được giáo dục tương đương, và chăm sóc y tế công cộng. Năm 2007 Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và các chính phủ Campuchia và Việt Nam đã tiến hành một chương trình thống kê tổng quát và nhập tịch Việt Nam cho những người vô tổ quốc này. Nhưng trong năm nay, việc thi hành chương trình đã bị dời lại.
Khi thông qua dự luật cho phép mang hai quốc tịch, chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề vô tổ quốc trước đó bằng cách tước bỏ quốc tịch công dân, ví dụ như phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Nhóm người này tiêu biểu là những phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đó, họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để xin quốc tịch ngoại quốc. Nhưng trước khi có được quốc tịch ngoại quốc, họ đã ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không có quốc tịch hay giấy tờ tuỳ thân. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn đã làm việc với chính phủ và cộng đồng quốc tế để giải quyết những khía cạnh khác của vấn đề này.
Hội Phụ nữ Việt Nam tiếp tục làm việc với chính phủ Hàn Quốc để giải quyết vấn đề môi giới cưới hỏi người ngoại quốc và tư vấn trước khi cưới, bao gồm việc giáo dục về luật lệ di dân và quốc tịch. Bộ Ngoại giao cam kết làm việc với giới hữu trách về việc di dân để quảng bá hiệu nghiệm hơn những phương cách nhằm giúp các phụ nữ như trên lấy lại quốc tịch Việt Nam, giấy tờ, và phúc lợi cư trú. Tuy nhiên, vì thủ tục tốn tiền và luộm thuộm, những phụ nữ đó thường phải chịu tình trạng vô tổ quốc. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và thế giới cũng đã giúp đỡ họ.
Phần 3: Tôn Trọng quyền Tự Do Chính Trị: Quyền của Công Dân để Thay Đổi Chính Quyền
Hiến Pháp không cho công dân quyền thay đổi chính phủ của họ một cách hoà bình, và công dân không thể tự do lựa chọn việc thay đổi pháp luật và nhân sự của nhà nước đương quyền.
Bầu Cử và Tham Gia Chính Trị
Các cuộc bầu cử gần đây nhất để lựa chọn các thành viên của Quốc hội đã được tổ chức vào tháng 5 2007. Các cuộc bầu cử đã không tự do và cũng không công bằng, do toàn bộ các ứng viên đều do MTTQ lựa chọn và đề cử. Mặc dù ĐCSVN đã thông báo trước đấy rằng một số lượng lớn ứng cử viên "độc lập" (những người không liên kết với một tổ chức hoặc một nhóm nào) sẽ được tham gia ứng cử, tỉ lệ ứng cử viên tự do chỉ hơi cao hơn lần bầu cử năm 2002. ĐCSVN đã đồng ý cho 30 ứng cử viên "tự đề cử", gồm những người không có sự ủng hộ của chính phủ nhưng được phép ứng cử. Đã có báo cáo đáng tin cậy rằng cán bộ Đảng đã gây áp lực để nhiều ứng cử viên tự đề cử từ bỏ ý định tranh cử hoặc viện ra lý do là họ "không đủ điều kiện" để tranh cử.
Theo chính phủ, đã có hơn 99% của 56 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử đã tham gia bỏ phiếu, một con số mà các nhà quan sát quốc tế đã cho rằng quá cao và thiếu cơ sở. Cử tri được chính quyền cho phép bỏ phiếu hàng loạt giùm cho các người khác, và chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đi bầu phải tham gia bằng cách tổ chức bầu theo nhóm và toàn bộ cử tri trong khu vực được ghi nhận là đã bỏ phiếu. Việc làm này được xem là làm mất đi sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2007, các nhà lãnh đạo ĐCSVN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - đã giữ nguyên ghế cũ. Những đảng viên ĐCSVN đã chiếm 450 trong 493 ghế Quốc hội. Chỉ có duy nhất một ứng cử viên trong 30 ứng cử viên tự ứng cử đã thắng cử.
Mặc dù Quốc hội đang bị điều khiển bởi ĐCSVN (tất cả những thành viên cấp cao và trên 90% thành viên của Quốc hội là đảng viên) vẫn tiếp tục từng bước thể hiện chức năng của một cơ quan lập pháp. Quốc hội đã công khai chỉ trích những đường lối kinh tế xã hội, việc đối phó với lạm phát của chính phủ và kế hoạch nới rộng phạm vi của chính quyền Hà Nội. Những cuộc họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Vài thành viên Quốc hội còn chỉ trích quyền hành quá lớn của ĐCSVN trong xã hội.
Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm trong tay ĐCSVN, và Hiến pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Những phong trào đối kháng hoặc các tổ chức chính trị đều không hợp pháp. Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan công quyền tối cao mặc dù đúng ra phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Trung Ương ĐCSVN.
Chính phủ vẫn tiếp tục ngăn cản và hạn chế tối đa những chỉ trích và tranh luận công khai. Việc công khai thách thức sự chính danh của chế độ độc đảng thì bị cấm đoán; tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những bức thư chỉ trích chính quyền từ nhân dân, bao gồm từ cả vài cựu đảng viên cao cấp đã lưu hành công khai. Chính phủ vẫn tiếp tục bắt bớ và làm khó dễ những nhóm đối kháng chính trị nhỏ được thành lập năm 2006, và những thành viên của nhóm nay thường phải đối mặt với việc bắt bớ và tù đày vô cớ.
Qui định của pháp luật cho phép phụ nữ và người thuộc sắc tộc thiểu số quyền được tham gia vào chính trị một cách bình đẳng. Đã có 127 phụ nữ trong Quốc hội, chiếm 26%, một tỷ lệ hơi thấp hơn so với nhiệm kỳ trước.
Các dân tộc thiểu số giữ 87 ghế, chiếm 18% trong Quốc hội, vượt quá tỉ lệ dân số của họ trong cả nước, được ước tính khoảng 13%.
Tham Nhũng và Minh Bạch của Chính Phủ
Luật pháp qui định tội hình sự đối với quan chức thức tham nhũng; tuy nhiên chính phủ đã không luôn thực hiện các luật định một cách hiệu quả và đôi khi cán bộ tham nhũng được bao che. Tham nhũng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ cương quyết trong các nỗ lực chống tham nhũng, bao gồm việc công bố ngân sách của các cấp chính quyền, cải tiến Nghị định Công khai Tài sản 2007, và tiếp tục cải tiến các biện pháp thanh tra của chính phủ. Các vụ án quan chức chính phủ tham nhũng đôi khi đã được công bố rộng rãi.
Bộ luật chống tham nhũng cho phép công dân được công khai khiếu nại về sự làm việc thiếu hiệu quả của chính phủ, thủ tục hành chính, tham nhũng, và chính sách kinh tế. Trong những lần trào đổi trực tuyến qua mạng với lãnh đạo cấp cao của chính phủ, công dân đã đặt thẳng những câu hỏi về những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem việc công khai chỉ trích chính trị là phạm pháp, trừ khi những lời chỉ trích đã được kiểm soát bởi chính quyền. Nỗ lực tổ chức những người có khiếu nại để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả đã được xem như là hoạt động chính trị trái phép và và có thể bị bắt bớ. Cán bộ cấp cao của chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng đi về nhiều địa phương để cố gắng giải quyết khiếu nại của công dân. Tham nhũng liên quan đến việc sử dụng đất đã được công bố rộng rãi trên báo chí. Rõ ràng đây là một nỗ lực có hệ thống để tạo áp lực cho cán bộ địa phương giảm bớt nạn lạm dụng quyền hành.
Theo Nghị định 2007, các quan chức chính phủ phải báo cáo hàng năm vào ngày 30 tháng 10 về nhà, đất, kim loại quý, và "các giấy tờ có giá trị" mà họ làm chủ, tiền họ gởi ở các ngân hành nước ngoài và trong nước và thu nhập phải đóng thuế của họ. Nghị định chỉ yêu cầu chính phủ công bố kết quả kê khai tài sản khi một viên chức chính phủ được xem là là "giàu có bất thường", đòi hỏi phải điều tra hoặc truy tố pháp lý. Ngoài các cán bộ đảng và cán bộ cao cấp của chính phủ, nghị định trên còn áp dụng cho Kiểm sát viên, các thẩm phán và những người ở có chức vụ bằng hoặc cao hơn Phó Bí thư Tỉnh, Phó Chủ tịch Tỉnh, Phó Giám đốc các bệnh viện công, và Phó Chỉ huy Quân sự. Do thiếu sự minh bạch, không biết được Nghị định này đã được thực hiện rộng rãi đến đâu.
Trong vụ xét xử cán bộ tham nhũng PMU-18 năm 2007, ban đầu được hoan nghênh như là một bước tiến tích cực, việc truy tố và sa thải của các nhà báo và tổng biên tập đã đưa tin phóng sự về việc này đã tạo ra tâm lý sợ hãi trong công tác điều tra phóng sự các quan chức tham nhũng.
Đầu tháng 4, vị Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã thú nhận rằng có người đã tìm cách hối lộ ông ta 100 triệu đồng (khoảng 6.060 USD) để mua một chức vụ trong tỉnh. Vì ông ta đã từ chối công bố tên của cá nhân đó, ông đã bị cách chức bí thư vào tháng 9.
Trong tháng 9 BCA đã bắt đầu điều tra một vụ án trong đó một cán bộ cao cấp trong Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Mô trường Nước tại Thành phố Hồ Chí Minh bị tố cáo đã nhận hối lộ 90 triệu Yên (820.000 USD) từ quan chức của một công ty tư vấn nước ngoài. Trong tháng 11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm thời đình chỉ công tác của Huỳnh Ngọc Sỹ trong hai chức vụ là Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính kiêm Giám đốc dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường Nước của ông vì đã bị nghi ngờ tham nhũng.
Qui định pháp luật hiện không tạo điều kiện cho công chúng truy cập thông tin của chính phủ, và chính phủ không thường cấp quyền truy cập cho các công dân và người nước ngoài kể các hãng truyền thông ngoại quốc. Chấp hành điều Luật Văn bản qui phạm Pháp luật, Bản Thông tin Chính phủ đã xuất bản hầu hết các văn bản pháp luật trong các số ra hàng ngày. Chính quyền và Quốc hội đã thành lập trang mạng với tiếng Việt và tiếng Anh. Những quyết định bổ xung của Hội đồng Thẩm phán thuộc Toà án Nhân dân Tối cao được truy cập qua trang mạng của ĐCSVN. Những tài liệu của Đảng như những chỉ thị của Bộ Chính trị đã không được công bố trong Thông báo.
Phần 4: Phản Ứng Của Chính quyền Trước Những Điều Tra Về Những Cáo Buộc Vi Phạm Nhân quyền từ Các Tổ Chức Quốc Tế và Phi Chính Phủ
Chính quyền không cho phép các đoàn thể nhân quyền tư nhân hoặc địa phương được tổ chức hoặc hoạt động. Nhà nước đã không nhân nhượng đối những cá nhân hoặc tổ chức nào tìm cách phê bình công khai việc thực thi nhân quyền của mình. Nhà cầm quyền đã dùng nhiều phương pháp rất đa dạng để dập tắt những chỉ trích từ trong nước về các chính sách nhân quyền của họ, bao gồm việc theo dõi, giới hạn sự tự do ngôn luận, lập hội, can thiệp vào các giao tiếp cá nhân, và bắt bớ.
Nhìn chung chính quyền đã cấm đoán công dân không được tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, dù vậy một số nhà hoạt động nhân quyền cũng đã bất chấp. Chính phủ thường cấm đoán các cuộc viếng thăm của các quan sát viên nhân quyền từ các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng chấp nhận các đại diện từ báo chí, Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn, các chính phủ ngoại quốc, và những cơ quan cứu trợ quốc tế phi chính phủ đến thăm vùng Cao nguyên miền Trung. Chính quyền đã chỉ trích hầu hết các công bố về tình trạng nhân quyền và tín ngưỡng từ các chính phủ ngoại quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Chính phủ đã có ý muốn bàn bạc song phương về các vấn đề nhân quyền với một số chính phủ ngoại quốc. Một ít chính phủ ngoại quốc tiếp tục thảo luận chính thức với nhà nước về vấn đề nhân quyền, cụ thể qua các cuộc thảo luận thường niên.
Phần 5: Sự Kỳ Thị, Ngược Đãi Trong Xã Hội và Nạn Buôn Người
Luật pháp nghiêm cấm việc kỳ thị dựa trên giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các cấm đoán này không được bình đẳng.
Phụ Nữ
Luật pháp nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với người không thể tự vệ, hoặc lừa gạt để giao cấu ngoài ý muốn của cá nhân đó. Điều này có nghĩa là các hành động hãm hiếp, cưỡng hiếp người phối ngẫu, và cả một số trường hợp sách nhiễu tình dục đều được hình sự hoá. Tuy nhiên, đã không hề có các vụ tố tụng về việc hãm hiếp người phối ngẫu hoặc sách nhiễu tình dục. Các trường hợp hãm hiếp khác đã bị truy tố cho đến mức tối đa theo luật định. Hiện nay đã không có số liệu khả tín để biết được mức độ của tệ nạn này.
Luật pháp đòi hỏi sự trừng phạt từ cảnh cáo đến hai năm tù giam cho "những kẻ cư xử tàn ác đối với các người lệ thuộc". Đạo Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình ban hành năm 2007 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7. Luật này xác định các hành vi bạo động trong gia đình, giao phó các trách nhiệm cụ thể đến các bộ và cơ quan và qui định mức độ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm bạo hành gia đình. Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nạn nhân cho rằng các đề xuất trong đạo luật vẫn còn yếu kém. Trong lúc hệ thống tư pháp và công an chưa sẵn sàng để đối phó với bạo hành gia đình, thì nhà nước, với trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu huấn luyện công an, giới luật sư, và nhân viên ngành tư pháp về đạo luật này.
Các quan chức đã nhìn nhận vấn đề bạo hành trong gia đình ngày càng là một vấn dề đáng quan tâm của xã hội và cũng được báo chí nói đến rộng rãi hơn. Nạn nhân đa số là phụ nữ trong các trường hợp bạo hành trong gia đình, tuy nhiên không có số liệu thống kê chính xác mức độ sâu rộng của vấn đề. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Tại các thành phố lớn, các tổ chức phi chính phủ đã thiết lập đường dây nóng để giúp đỡ nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập một đường dây nóng trên toàn quốc, tuy nhiên số điện thoại này không được phổ biến rộng rãi ở các vùng nông thôn. Trong giai đoạn nông thôn còn thiếu nguồn tài chính để thiết lập các trung tâm giúp đỡ và các đường dây nóng, bộ luật năm 2007 xây dựng các "nhà lánh nạn" cho các nạn nhân phụ nữ đến tá túc trong một gia đình khác trong lúc chính quyền đang xử lý vụ việc và kẻ bạo hành. Theo thống kê của chính phủ, phân nửa các trường hợp ly dị là hệ quả của bạo hành trong gia đình. Tỷ lệ ly dị tiếp tục gia tăng nhưng phần đông phụ nữ vẫn tiếp tục sống với người chồng bạo hành hơn là đối diện với sự chỉ trích của xã hội và gia đình hoặc phải chịu đựng hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã tổ chức các khoá học và hội nghị nhằm giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo hành trong gia đình, cũng như nhấn mạnh vấn đề này với người dân trong các phong trào xã hội. Các các tổ chức phi chính phủ trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn cái vấn nạn của phụ nữ, đặc biệt các trường hợp bạo hành nhằm vào phụ nữ, tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em. Chính phủ hỗ trợ thành lập một trung tâm quốc gia giúp đỡ nạn nhân bị buôn người, bao gồm việc cung cấp nơi cư trú và dạy nghề. Trung tâm này cũng được hỗ trợ một phần từ các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ và những quỹ quốc tế.
Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.
Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.
Trong khi các hành vi lợi dụng tình dục được định nghĩa rất rõ ràng nhưng các văn bản pháp lý đã không qui định rõ các biện pháp phòng chống. Nội qui về đạo đức cho cán bộ chính phủ và nhân viên nhà nước không đề cập đến, dù rằng vấn đề này rất phổ biến.
Nạn nhân sách nhiễu tình dục có thể kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện người vi phạm theo Điều 121 bộ luật hình sự, qui định về hành vi "vi phạm phẩm giá người khác" có thể bị phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hay tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế không có một vụ án nào về sách nhiễu tình dục vì hầu hết các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ vi phạm.
Hội phụ nữ và Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPNVN ) tiếp tục tuyên truyền phát huy các quyền phụ nữ, bao gồm bình đẳng trong lãnh vực chính trị, kinh tế và pháp lý cũng như bảo vệ phụ nữ không bị chồng ngược đãi. Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập những chương trình tín dụng nhỏ và những chương trình khác. VSTBPNVN tiếp tục thực thi chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của chính phủ vào cuối năm 2010. Những lĩnh vực trọng điểm của chiến lược này chú trọng vào việc đưa thêm phụ nữ vào các chức vụ chủ chốt trong các bộ và Quốc hội. Chiến lược này cũng nhằm vào việc tăng cường tỉ lệ học vấn, tiếp cận giáo dục và y tế.
Trẻ Em
Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.
Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.
Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.
Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.
Theo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.
Tình Trạng Buôn Người
Pháp luật cấm buôn người. Nhưng tệ nạn này vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn đáng quan tâm, đặc biệt là nạn buôn phụ nữ và trẻ cho mục đính mại dâm và buôn nam giới để làm lao động cưỡng bức ở nước ngoài. Không có số liệu thông kê khả tín về số nạn nhân bị bán vào con đường mại dâm. Tuy nhiên có bằng chứng rằng con số nay đang trên đà gia tăng. Trong khi chính quyền cởi mở hơn trong việc phát hiện và trừng phạt các vụ án buôn người, dư luận xã hội trở nên quan tâm hơn về tình trạng này, ghi chú về các vụ án buôn người bị phát hiện, cũng như mức độ xử lý và tuyên án ngày càng nhiều. Trong khi nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, các tổ chức tội phạm chuyên buôn người trong và ngoài nước đã tìm cách lợi dụng sự mở cửa ra thị trường nước ngoài, sự tăng trưởng trong việc sử dụng Internet, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, để dụ dỗ những người nhẹ dạ, từ đó thiết lập những mạng lưới buôn người.
Quốc gia này là nguồn cung cấp đáng chú ý cho các hoạt động buôn người. Phụ nữ chủ yếu bị bán qua Campuchia, Mã Lai, Trung Quốc, Đài Loan, và Nam Hàn để làm mãi dâm. Phụ nữ cũng bị bán sang Hồng Kông, Macau, Thái lan, Indonesia, Anh Quốc, các nước Đông Âu và Hoa Kỳ. Nhiều báo cáo cho rằng các phụ nữ lấy chồng sang Đài Loan, Hồng Kông, Macau, Nam Hàn và Trung Quốc, thực chất ra là nạn nhân của nạn buôn người. Trẻ em và phụ nữ cũng bị mua bán trong nước, thông thường là từ thôn quê lên thành thị. Nam giới thì bị bán trong nội bộ khu vực để làm việc trong lãnh vực xây dựng, nông nghiệp, đánh cá, và những tập đoàn kinh doanh khác.
Có nhiều bản báo cáo tiếp tục cho biết rằng, phụ nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ép làm mãi dâm sau khi lấy chồng nước ngoài, đa phần là ở các quốc gia Á Châu. Có trường hợp phụ nữ bị bán qua Đặc khu Ma Cao với sự tiếp tay của các dịch vụ tại Trung Quốc trá hình là văn phòng giới thiệu hôn nhân, tổ chức lao động quốc tế, hay là trung tâm du lịch. Khi đến nơi, những phụ nữ này bị ép những điều kiện tương tự như lao động khế ước, một số khác thì bị ép làm mãi dâm.
Trẻ em bị bán làm mãi dâm trong nước cũng như ra nước ngoài. Một người hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ ước đoán rằng độ tuổi trung bình của các em gái bị bán vào khoảng 15 đến 17 tuổi. Theo một số báo cáo thì tuổi các em gái bị bán qua Campuchia còn thấp hơn nữa.
Có nhiều trường hợp cá nhân và nhân viên nhà nước bị bắt vì họat động mua trẻ em sơ sinh từ cha mẹ đẻ, sau đó làm giả giấy tờ, rồi chuyển đứa trẻ sang một tỉnh khác, từ đó mang đứa trẻ cho làm con nuôi. Ngoài ra, trong một số trường hợp được ghi nhận, trẻ sơ sinh bị bắt cóc và sau đó bị bán làm con nuôi qua các quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ hay Trung Quốc. BCA nhìn nhận rằng tệ trạng bắt cóc và bán trẻ sơ sinh làm con nuôi ngày càng đáng lo ngại, và những trường hợp này được báo chí quan tâm.
Có nhiều trường hợp buôn người làm lao động được ghi nhận. Trong số đó, có người bị bán sang Mã Lai và Thái Lan để làm việc trong các công trình xây dựng, và có người bị bán sang Đài Loan làm lao động đánh cá. Nạn lường gạt và lật lọng trong các hợp đồng lao động ở nước ngoài vẫn còn là một nan giải mặc dù chính phủ đã bắt đầu từng bước điều phối họat động xuất khẩu lao động. LĐTBXH tường trình rằng một số công nhân được các công ty cung ứng lao động quốc doanh tuyển để gửi ra nước ngoài, phải chịu đựng những điều kiện làm việc như những lao động cưỡng bức. LĐTBXH tường trình những trường hợp này xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng ở Mã Lai và Thái Lan (xem phần 6.e).
Trẻ vị thành niên nữ và phụ nữ nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, là đối tượng hàng đầu của nạn buôn người. Theo nghiên cứu của BCA và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, những nạn nhân này sống khắp trên cả nước, nhưng tập trung cao ở các tỉnh giáp biên phía bắc và phía nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thanh Hóa ở miền Trung. Một số bị chính gia đình họ bán làm người giúp việc nhà hoặc bị lạm dụng tình dục. Trong một số trường hợp, kẻ mua người trả cho gia đình vài trăm đô-la để đưa con gái họ sang Campuchia "tìm việc làm". Nhiều nạn nhân bị áp lực mạnh phải kiếm nhiều tiền để phụ giúp gia đình; số khác được hứa hẹn những khoản lương hậu hĩnh. Kẻ buôn người, gia đình, và chủ thường dùng các phương cách như quảng cáo dối, trói nợ, thu giữ giấy tùy thân, hay đe dọa trả về nước.
Những kẻ cơ hội, các đường giây và các băng đảng có tổ chức dụ dỗ phụ nữ nghèo, thường là ở thôn quê với những hứa hẹn cho việc làm hay hôn nhân rồi ép họ phải làm gái mãi dâm. Các vụ buôn người thường liên quan đến những người họ hàng trong gia đình. Chính phủ thông báo là có những nhóm tội phạm có tổ chức đã tham gia việc tìm người, vận chuyển, và các hoạt động buôn người khác.
Luật pháp chỉ định tội bán phụ nữ sẽ bị phạt tù từ 2 đến 20 năm; bán trẻ em phạt tù từ 3 năm đến chung thân cho mỗi vi phạm. Chính phủ đang tiếp tục cố gắng truy tố tội phạm buôn người. Tại Tây Ninh, chính phủ đã phá 4 đường giây buôn người, bắt 11 nghi can, cứu 15 nạn nhân sau hàng lọat những cuộc bố ráp trong khoảng nửa đầu năm. Vào cuối năm, 9 trong số 11 nghi can bị bắt giữ đang chờ ra tòa, và 2 người được thả vì thiếu bằng chứng.
Một ban chỉ đạo trung ương, đứng đầu bởi BCA đã điều phối các nỗ lực của chính phủ trong việc phát hiện, truy tố các vụ án buôn người cũng như giúp đỡ công tác phòng chống và huấn luyện. Cục Cảnh sát Hình sự của BCA, Bộ Tư pháp, Bộ đội Biên phòng và Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội trực thuộc LĐTBXH là những cơ quan chính trong việc chống tệ nạn buôn người, với sự cộng tác quan trọng của Hội Phụ Nữ. Ủy ban này tiếp tục huấn luyện cán bộ trung ương và địa phương phòng chống nạn buôn người. Chính phủ đã phát hành một tài liệu huấn luyên cụ thể để đề phòng và chống nạn buôn người. Tài liệu này được sọan thảo từ góp ý của các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động buôn người, liệt kê những trợ giúp dành cho nạn nhân và giải thích các văn bản pháp lý, luật lệ, chính sách trong và ngoài nước về nạn buôn người. Trong năm nay, lực lượng công an đã chủ động hơn trong công tác điều tra nạn buôn người, bao gồm việc tiếp tục triển khai đội đặc nhiệm về buôn người. Chính phủ báo cáo rằng số lượng vụ án điều ra và xử ly không tăng, nhờ vào sự quan tâm hơn của dư luận cũng như những kẻ buôn người biết rằng chính phủ sẽ truy bắt và đưa ra tòa những ai vi phạm.
Chính phủ tiếp tục áp dụng Chương trình Hành động Quốc gia 2004-10 vào việc phòng chống nạn buôn trẻ em và phụ nữ, cũng như áp dụng luật mới về xuất khẩu lao động và ban hành hướng dẫn về tuyển dụng và minh bạch trong đấu thầu. LĐTBXH ban hành văn bản hướng dẫn cách thức tiếp nhận và giúp đỡ nạn nhân buôn người.
Các tổ chức quần chúng và phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình giáo dục cho những cá nhân có nguy cơ cao để họ cảnh giác về nạn buôn người, và giúp những nạn nhân trẻ em và phụ nữ tái hội nhập vào xã hội. Trong năm qua, các chương trình này đã tiếp tục mục tiêu của chúng là bảo vệ nạn nhân và giúp đỡ nạn nhân tái hội nhập, thông qua các công tác dạy nghề, hỗ trợ tâm lý xã hội, song song với việc củng cố nổ lực phòng chống ở cấp quốc gia và cấp địa phương bằng cách tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao. Các cơ quan chính phủ gồm LĐTBXH và Vụ Gia Đình đã cùng cái tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tiếp tục những chương trình nhằm phòng chống nạn buôn người, nâng cao dư luận xã hội và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã cộng tác với Tổ chức Di trú Thế Giới, Quỹ Á châu, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, và những tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp cho nạn nhân chỗ tạm trú, giúp đỡ y tế, giáo dục, cho vay, hướng dẫn và giúp tái hội nhập. Những cơ quan an ninh biên phòng được huấn luyện các phương pháp điều tra để phòng chống nạn buôn người.
Chính phủ đã hợp tác với những tổ chức phi chính phủ để bổ sung và củng cố những biện pháp an ninh và các cơ quan chính phủ, đồng thời cộng tác với các chính phủ khác phòng chống nạn buôn người. Họ cũng đã hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia khác trong mạng lưới Interpol, các đối tác trong vùng Á châu, và tổ chức ASEAN. Ngày 24/3, chính quyền đã ký bản ghi nhớ với Thái Lan về chống buôn người, dẫn đến việc gia tăng hợp tác an ninh biên giới, phát hiện và truy tố các vụ án buôn người.
Báo cáo thường niên về tình trạng buôn người của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tại địa chỉ: www.state.gov/g/tip
Người Tàn Tật
Luật pháp yêu cầu nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tàn tật và khuyến khích tạo việc làm cho họ. Những điều khoản phục vụ cho người tàn tật được cải thiện trong năm qua, mặc dù vẫn còn hạn chế.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai việc qui định các công trình giao thông công cộng phải có lối đi cho người tàn tật, đồng thời huấn luyện nhân viên, sinh viên ngành vận tải hiểu rõ những qui định này.
Các kiến trúc công cộng và của chính phủ khi được đại trùng tu hay xây mới, đều phải có lối đi cho người tàn tật. Bộ Xây dựng có những đơn vị giám sát đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Ninh Bình để theo dõi việc thực thi các điều khoản hỗ trợ người tàn tật.
Luật pháp ưu đãi cho những doanh nghiệp tuyển dụng người tàn tật và phạt những doanh nghiệp không hội đủ 2-3% tổng số nhân công là người tàn tật. Tuy nhiên chính quyền đã áp dụng luật này không đồng bộ. Doanh nghiệp có trên 51% nhân viên là người tàn tật sẽ được những khoản vay do nhà nước bảo trợ.
Chính phủ tôn trọng quyền lợi chính trị và xã hội của người tàn tật. Theo luật bầu cử, thùng phiếu sẽ được mang đến nhà những ai không có khả năng đi bầu.
Chính phủ khuyến khích thành lập các hội đoàn giúp đỡ người tàn tật. Việc đánh giá và phát triển các chương trình cấp quốc gia như chương trình giảm nghèo, luật lao động, và hàng loạt chính sách giáo dục khác đều có tham khảo ý kiến của người tàn tật. Ủy ban Phối hợp Quốc gia về Người tàn tật và các thành viên cấp bộ đã hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục và tạo việc làm cho người tàn tật. Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới nhỏ gồm các trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp vật lý trị liệu cho những người tật nguyền. Nhiều địa phương, cơ quan chính phủ, và các trường đại học tổ chức các chương trình đặc biệt dành riêng cho người tàn tật.
Các Nhóm Dân Thiểu Số Về Quốc Tịch/Màu Da/Sắc Tộc
Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.
Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.
Chính quyền đã tiếp tục giải quyết sự bất mãn của các sắc dân tiểu số bằng một số chương trình đặc biệt nhằm cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, mở rộng đường xá, dẫn điện đến vùng xa và các bản làng. Qua một chương trình đặc biệt, nhà cầm quyền đã cấp đất cho các sắc dân thiểu số vùng Cao nguyên miền Trung. Nhưng có nhiều than phiền rằng những chương trình đặc biệt này không được áp dụng công bằng.
Chính phủ có chương trình giáo dục bằng tiếng dân tộc đến hết lớp 5. Nhà nước đã làm việc với nhân viên địa phương để tiếp tục triển khai giáo trình bằng tiếng thiểu số. Nhưng có vẻ như chương trình này chỉ phổ biến ở Cao nguyên miền Trung và bị bỏ ngõ ở các địa phương miền núi phía bắc và tây bắc. Chính phủ đã mở trường đặc biệt cho người thiểu số ở nhiều tỉnh, bao gồm việc tài trợ các trường chuyển tiếp ở cấp trung và tiểu học, mở các chương trình luyện thi, cấp chế độ tuyển sinh đặc biệt, ưu tiên vào đại học. Cũng đã có một số trường kỹ thuật và dạy nghề do nhà nước tài trợ dành cho các dân tộc thiểu số. Nhưng dẫu vậy, trong nhiều trường hợp khả tín, các nhóm dân thiểu số theo đạo Công giáo vẫn bị phân biệt đối xử, dù rằng luật qui định tất cả trẻ em đều được hưởng hệ thống giáo dục phổ cập, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.
Chính phủ có một số chương trình truyền hình và truyền thanh bằng tiếng thiểu số ở một số địa phương. Chính quyền cũng yêu cầu các nhân viên dân tộc Kinh học tiếng thổ ngữ của khu vực họ làm việc. Các chính quyền địa phương tiếp tục các dự án tạo việc làm cho sắc dân thiểu số, giảm chênh lệnh thu nhập giữa người thiểu số và người Kinh, cũng như nâng cao nhận thức của nhân viên chính quyền về văn hóa và phong tục của các sắc dân thiểu số.
Chính phủ ưu đãi các công ty ngoại quốc và trong nước nếu đầu tư vào các vùng thượng du, nơi tập trung đông đảo các sắc tộc thiểu số. Chính phủ cũng tiếp tục những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nhắm vào các khu vực có nhiều người thiểu số nghèo sinh sống, cũng như mở rộng nông nghiệp vào các vùng sâu.
Những Lạm Dụng và Kỳ Thị Khác Trong Xã Hội
Những cá nhân từng bị đi học tập cải tạo vì có dính líu với chính quyền cũ trước năm 1975, tiếp tục cáo giác rằng trong khi tìm việc làm, nhà cửa, cơ hội học tập, họ vẫn bị chính quyền và xã hội phân biệt đối xử ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù vậy những trường hợp phân biệt đối xử như vậy đã giảm đi đáng kể nhờ những cấm đoán trước đây đang dần được bãi bỏ và tỉ lệ cựu quân nhân trong lực lượng lao động giảm sút.
Không có bằng chứng cho thấy nhân viên chính quyền kỳ thị những người bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng những người này vẫn bị xã hội xa lánh. Theo những báo cáo khả tín, bệnh nhân HIV bị sa thải hay bị kỳ thị ở nơi làm việc hoặc nơi cư ngụ, nhưng tình trạng này ngày càng ít đi. Một số trường hợp cá biệt, trẻ em nhiễm HIV bị cấm đến trường, dù như vậy là trái luật. Với sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân nước ngoài, chính quyền các cấp trung ương và địa phương đã từng bước chữa trị, giúp đỡ và nuôi dưỡng các bệnh nhân HIV, cũng như làm giảm đi ác cảm và kỳ thị từ xã hội. Dẫu vậy nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức tôn giáo đôi khi được cho phép hoạt động trong lãnh vực này.
Có sự hiện hữu của giới đồng tính, nhưng đa phần không công khai. Dư luận ít quan tâm đến sự đồng tính, và hầu như không có dấu hiệu kỳ thị giới tính.
Phần 6: Quyền Lợi của Người Lao Động
a. Quyền Tham Gia Hội Đoàn
Người lao động có thể lựa chọn tuỳ ý tham gia vào công đoàn các cấp (địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia) mà họ muốn; tuy nhiên, tất cả các công đoàn đều trực thuộc kiểm soát của một công đoàn duy nhất, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN). TLĐLĐVN là một tổ chức liên kết rộng lớn dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, công nhận và quản lý nhiều chi nhánh công đoàn lao động cho từng địa phương và ngành nghề. Người lao động không được tự do tham gia hay thành lập bất cứ hội nhóm nào ngoài tầm kiểm soát của TLĐLĐVN.
Theo số liệu thống kê tháng 8 2008, TLĐLĐVN có hơn 6,2 triệu thành viên, khoảng 39% của tổng số 16 triệu lao động có lương trong cả nước. Trong 6,2 triệu thành viên này, 36,5% làm việc trong biên chế nhà nước, 33,1% làm việc trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, và 30,4% làm việc trong lĩnh vực tư nhân. TLĐLĐVN ước tính liên đoàn đại diện cho 95% người lao động trong biên chế nhà nước, và 90% người lao động trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Khoảng 1,7 triệu thành viên công đoàn làm việc trong lĩnh vực tư nhân, tính luôn hơn 700.000 người trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành viên công đoàn đóng niên liễm bắt buộc 1% tổng số tiền lương, và người chủ lao động phải đóng góp 2%. Quỹ đóng góp này trên nguyên tắc nhằm hỗ trợ người lao động và các hoạt động công đoàn, nhưng không ai biết rõ thực sự quỹ được sử dụng ra sao. Phần lớn lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không đóng niêm liễm công đoàn. Hầu hết 34 triệu trong tổng số 45,3 triệu người lao động sống ở vùng nông thôn, làm ruộng cá thể, hoặc làm việc trong các công ty tư nhân nhỏ cũng không có công đoàn đại diện.
Lãnh đạo của TLĐLĐVN có ảnh hưởng quan trọng trong nhiều quyết định, chẳng hạn như sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, và thiết lập tiêu chuẩn y tế, an toàn, mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, TLĐLĐVN cho rằng chính quyền đã không luôn luôn truy tố các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ LĐTBXH đã công nhận thiếu sót trong việc kiểm tra hệ thống lao động, nhấn mạnh rằng Việt Nam không có đủ kiểm soát viên để thanh tra lao động. TLĐLĐVN, với xác nhận của Bộ LĐTBXH, đã cho rằng mức phạt thấp đối với các công ty vi phạm luật lao động đã không có hiệu quả trong việc ngăn chặn các vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công Nông (HHĐKCN) bị kết án vào tháng 12 2007 theo Điều 258 bộ luật hình sự, trong đó nghiêm cấm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân", ông Đoàn Huy Chương đã được trả tự do ngày 13 tháng 5 sau khi mãn hạn giam giữ; ông Nguyễn Tấn Hoành cũng đã được trả tự do trong tháng 5. Ngày 25 tháng 2, tòa phúc thẩm giữ nguyên án ba năm tù treo đối với bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông Lê Văn Sỹ nghe nói được trả tự do hồi tháng 3 2007; đến cuối năm rồi vẫn chưa ai biết tình trạng của hai thành viên khác của TNTĐCCVN - ông Nguyễn Toàn và ông Lê Bá Triết - ra sao.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu nhà báo và người sáng lập Liên đoàn Lao động Quốc tế Việt Nam (LĐLĐQTVN), vẫn còn bị theo dõi và quản lý tại gia chặt chẽ. Vào tháng 8 ông bị cấm ra nước ngoài để chữa bệnh. Trong suốt cả năm, công an đã tạm giam ông Nguyễn Khắc Toàn vài lần và đã tịch thu máy vi tính cùng các thiết bị cá nhân khác của ông. Nhà nước vẫn không hợp pháp hóa LĐLĐQTVN, do ông Toàn lập ra trong năm 2006 để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Mọi cuộc đình công nếu không phát sinh từ một tranh chấp lao động tập thể hoặc vì các vấn đề ngoài mối liên hệ lao động đều bất hợp pháp. Trước khi được phép tổ chức đình công hợp pháp, người lao động phải đi khiếu nại đến một hội đồng hòa giải (hoặc hội đồng hòa giải cấp quận/huyện, khi nơi làm việc không có tổ chức công đoàn); khi không đạt được giải pháp, các khiếu nại phải được gửi đến một hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện người lao động khi nơi làm việc không có công đoàn) có quyền kháng cáo các quyết định của Hội đồng trọng tài cấp tỉnh đến các toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc quyết định đình công. Mỗi cá nhân cũng có thể khiếu nại trực tiếp đến hệ thống tòa án nhân dân, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ có thể làm như vậy sau khi đã cố gắng nhưng không hoà giải được. Tu chính án của hiến pháp cũng qui định khi đình công, người lao động sẽ không được trả tiền lương như trong lúc làm việc.
Luật lao động nghiêm cấm đình công trong 54 ngành, nghề nghiệp và các doanh nghiệp phục vụ cho công chúng hoặc chính phủ cho là đóng vai trò trọng yếu cho nền kinh tế quốc dân và quốc phòng. Một nghị định đã định nghĩa các doanh nghiệp bao gồm những công ty sản xuất điện; bưu điện và viễn thông, đường sắt, hàng hải, và giao thông vận tải hàng không, ngân hàng, công trình công cộng, và các ngành công nghiệp dầu khí. Luật pháp cho phép Thủ tướng được quyền chấm dứt các cuộc đình công được cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh công cộng.
Vào ngày 30 tháng 1, nhà nước ban hành một nghị định về đình công "tự phát", tuyên bố rằng các cá nhân tham gia đình công trái với quyết định của tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại do cuộc đình công gây ra cho chủ sử dụng lao động.
Hầu hết các cuộc đình công thường không theo các qui trình hoà giải và trọng tài và đã được coi là đình công tự phát. Số lượng đình công tự phát trong năm qua đã gia tăng đáng kể, với hơn 90% xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận. Theo qui định của pháp luật, các cuộc đình công này không hợp pháp, nhưng nhà nước vẫn để chúng xảy ra và không có hành động gì đối với người đình công. Pháp luật ngăn cấm trả thù người đình công, và hiện nay chưa có báo cáo nào về các việc trả thù này có hay không. Trong một vài trường hợp, nhà nước đã có biện pháp kỷ luật chủ sử dụng lao động vì những vi phạm pháp luật dẫn đến việc đình công, nhất là đối với các công ty vốn nước ngoài.
b. Quyền Tổ Chức Công Đoàn và Thương Lượng Tập Thể
Theo luật định các chi nhánh cấp tỉnh hay cấp thành phố của TLĐLĐVN có trách nhiệm tổ chức công đoàn trong vòng sáu tháng sau khi một doanh nghiệp mới được thành lập, và thành phần lãnh đạo doanh nghiệp phải hợp tác với công đoàn. Trong thực tế chỉ có 85% các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và 30% các doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn.
Luật lao động đòi hỏi doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia công đoàn và cấm doanh nghiệp phân biệt đối xử đối với nhân viên tham gia vào một công đoàn; nhưng trên thực tế các luật này không được tuân theo đồng bộ.
Pháp luật qui định các công đoàn chi nhánh của TLĐLĐVN có quyền đại diện người lao động để thương lượng tập thể. Tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi phải thông qua hội đồng hòa giải, và khi các hội đồng hòa giải không thể giải quyết vấn đề, tranh chấp được chuyển qua chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để giải quyết. Vào tháng 7 đã có vài sửa đổi luật lao động trong đó phân biệt các vấn đề tôn trọng luật pháp (phù hợp với qui định của pháp luật) và những vấn đề về quyền lợi (ngoài những gì pháp luật qui định), đặt ra thủ tục khác nhau cho cả hai. Luật pháp qui định rõ rệt các bước phải theo trong quá trình hòa giải và phân giải, trước khi người lao động được đình công.
Trong khi pháp luật không cho phép tổ chức công đoàn độc lập, một bản sửa đổi trong năm 2007 khẳng định rằng khi doanh nghiệp đang nói đến không có công đoàn, các thương lượng về các tranh chấp có thể được chỉ đạo và tổ chức bởi "chủ thể có liên quan" bao gồm đại diện của người lao động. Mặc dù qui định của pháp luật cho phép "hoạt động công đoàn," đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như đang đình công, TLĐLĐVN phải thành lập một công đoàn chính thức trong vòng sáu tháng. Có ít bằng chứng cho thấy những người lãnh đạo hoặc các tổ chức hoạt động trong sáu tháng chờ đợi được tiếp tục hoạt động hoặc được công nhận sau đó.
Không có các văn bản pháp luật đặc biệt hoặc văn bản miễn giảm luật lao động hiện hành cho các khu chế xuất, và các khu công nghiệp. Có rải rác vài bằng chứng nhà nước thi hành luật pháp tích cực bên trong các khu chế xuất và khu công nghiệp hơn bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có vài nguồn tin khả tín cho rằng rằng người sử dụng lao động trong các khu vực này thường không tôn trọng quyền người lao động và sử dụng các hợp đồng lao động ngắn hạn nhằm tránh các yêu cầu thiết lập công đoàn luật lệ.
c. Ngăn Cấm việc Cưỡng Bức hoặc Bắt Buộc Lao Động
Qui định của pháp luật ngăn cấm cưỡng bức và bắt buộc lao động, bao gồm đối với trẻ em; tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết tình trạng cưỡng bức và bắt buộc lao động vẫn xảy ra.
Tù nhân thường xuyên bị bắt buộc làm việc không lương hoặc được trả lương rất ít. Tù nhân sản xuất lương thực và hàng hoá được sử dụng ngay trong nhà tù hoặc được bán trên thị trường địa phương, được cho rằng để đổi lại đồ tiêu dùng cá nhân cho tù nhân.
Qua việc tăng trưởng nhanh của ngành xuất khẩu lao động, truyền thông báo chí và các nhóm nhân quyền quốc tế khuyên chính phủ không nên phát triển quá nhanh xuất khẩu lao động mà không có một chương trình hiệu quả bảo vệ người lao động. Các tổ chức này nêu ra việc ngày càng có nhiều người lao động phải đóng hơn 165 triệu đồng (khoảng 10,000 USD) cho một cơ hội làm việc ở nước ngoài. Số lệ phí lớn đến mức hầu hết người lao động chỉ có thể trả hết sau khi làm việc và dành dụm từ một đến hai năm ở nước ngoài. Có nhiều thông tin về tình trạng cầm chân người lao động, tình trạng buôn người liên quan đến hoạt động mãi dâm và việc thiếu giúp đỡ cho người lao động trong lúc khó khăn, và kín đáo chỉ ra tình trạng ăn chia lợi lộc của nhiều cơ quan môi giới hợp pháp của nhà nước. Nhiều ăn chia này đã được phát giác sau này. Quyết định năm 2007 của nhà nước về quản lý lệ phí môi giới lao động cùng với Luật Xuất khẩu Lao động năm 2006, có hiệu lực kể từ tháng 7 năm 2007, được đặt ra để giải quyết các tệ nạn trong môi giới lao động và để giúp đỡ, cung cấp thông tin cho nạn nhân của nạn buôn người. Mặc dù hệ thống tư pháp vẫn chưa đáp ứng đáng kể trong việc cung cấp thông tin hay giúp đỡ cho nạn nhân của nạn buôn người, nhà nước đã có vài hành động đối với các công ty lừa lọc trong xuất khẩu lao động. Trong tháng 6 nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của 16 công ty xuất khẩu lao động đã vi phạm qui định của pháp luật.
d. Cấm Sử Dụng Lao Động Trẻ Em và Tuổi Tối Thiểu của Người Lao Động
Sử dụng trẻ em trong lao động còn một vấn đề nan giải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có 72% dân số. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng trẻ em trong lao động, nhưng có vài trường hợp ngoại lệ cho một số loại công việc. Pháp luật qui định tuổi tối thiểu cho tham gia lao động là 18, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em giữa 15 và 18 tuổi nếu doanh nghiệp được sự chấp thuận của cha mẹ và của bộ LĐTBXH. Trong năm 2006 bộ LĐTBXH báo cáo có khoảng 30% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi đã tham gia một số hoạt động kinh tế, thường là trong công việc đồng áng gia đình hay trong các doanh nghiệp ngoài khuôn khổ của luật lao động.
Theo pháp luật, người chủ sử dụng lao động phải đảm bảo nhân viên dưới 18 tuổi không được làm các công việc nguy hiểm hoặc các công việc có thể gây tổn hại cho sự phát triển về thể chất hay tinh thần. Các ngành nghề bị cấm được ghi rõ trong qui định của pháp luật. Pháp luật cho phép các trẻ em từ 13 tuổi đăng ký ở các trung tâm dạy nghề. Trẻ em có thể làm việc tối đa 7 giờ mỗi ngày và 42 giờ mỗi tuần, và phải được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.
Ở nông thôn trẻ em chủ yếu làm việc trên đất đai của gia đình và các việc đồng áng hay việc nhà. Đôi khi trẻ em bắt đầu làm việc từ khi lên 6 và đến 15 tuổi đã gánh vác công việc như một người lớn. Đặc biệt trong mùa gieo trồng hay mùa thu hoạch, vài cha mẹ giữ không cho trẻ em đi học. Ở thành phố trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu hoặc đánh giày, bán vé số, hay bán báo ngoài đường phố. Tình trạng nhập cư từ nông thôn đến các thành thị làm vấn đề lao động trẻ em càng nan giải, bởi vì người nhập cư trái phép đã không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố. Do vậy, con cái của họ không thể đi học trong hệ thống giáo dục công cộng, và các gia đình này cũng khó vay mượn tiền bạc. Quan chức nhà nước cho biết trong các trung tâm giáo dục và dinh dưỡng, tương đương với các trường đặc biệt hay trại cải huấn trẻ vị thành niên, trẻ em bị giam giữ thường được giao việc làm với "mục đích giáo dục."
Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm về thực hiện pháp luật và các chính sách về sử dụng trẻ em trong lao động. Quan chức chính phủ có thể bắt đóng phạt, hay trong các trường hợp vi phạm hình sự, có thể truy tố người chủ về tội vi phạm luật sử dụng lao động trẻ em. Mặc dù không hỗ trợ đủ nguồn lực để thi hành đầy đủ các văn bản pháp luật qui định về an toàn của trẻ em, đặc biệt là cho trẻ em làm việc tại các hầm mỏ và giúp việc trong nhà, nhà nước cũng đã phát hiện một số trường hợp bóc lột trẻ em, cứu các em ra khỏi tình trạng bị bóc lột, và phạt những người chủ lao động.
Các nhà tài trợ quốc tế đã nhắm đến vấn đề lao động trẻ em. Nhà nước cũng tiếp tục các chương trình nhằm dẹp bỏ vấn nạn về lao động trẻ em, chú trọng vào các gia đình nghèo khổ và trẻ mồ côi.
e. Điều Kiện Làm Việc Hợp Lý
Pháp luật yêu cầu chính phủ thiết lập bản lương tối thiểu, được điều chỉnh theo giá lạm phát và các thay đổi kinh tế khác. Lương tối thiểu chính thức cho lao động không tay nghề ở các liên doanh đầu tư của nước ngoài hay ở các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài là một triệu đồng mỗi tháng (khoảng 61 USD) trong các quận nội thành của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 900.000 đồng (55 USD) trong các huyện ngoại ô của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và ở một số khu công nghiệp, thị xã, và 800.000 đồng (48 USD) ở các nơi khác. Nhà nước có thể tạm thời miễn cho một số doanh nghiệp phải trả mức lương tối thiểu trong vài tháng đầu hoạt động, hoặc miễn cho các doanh nghiệp nằm trong các vùng sâu vùng xa, nhưng lương tối thiểu hàng tháng trong các trường hợp này không được thấp hơn 800.000 đồng (48 USD ). Lương tối thiểu chính thức hàng tháng cho lao động không tay nghề trong lĩnh vực nhà nước khoảng 540.000 đồng (34 USD). Đối với người lao động làm việc cho các công ty quốc gia, làm nông, hoặc giúp việc nhà, lương tối thiểu chính thức khoảng 620.000 đồng (38 USD) ở các vùng đô thị và 540.000 đồng (34 USD) tại các vùng nông thôn. Số tiền này không đủ sống trong tình trạng lạm phát cao trong năm qua.
Nhà nước qui định 40 giờ làm việc trong tuần cho nhân viên của chính phủ và nhân viên của các công ty trong lĩnh vực nhà nước, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp khu tư nhân và các tổ chức quốc tế, nước ngoài có sử dụng người lao động trong nước giảm số lượng các giờ làm việc trong tuần còn 40 giờ, nhưng không bắt buộc phải tuân theo.
Pháp luật qui định giờ làm việc bình thường là tám giờ mỗi ngày, với thời gian nghỉ ngơi bắt buộc 24 giờ mỗi tuần. Giờ làm thêm được trả phụ trội 150% lương căn bản, 200% khi phải làm việc trong ngày nghĩ trong tuần, và 300% khi phải làm việc vào ngày lễ hoặc những ngày nghỉ được trả lương. Pháp luật giới hạn giờ làm thêm bốn giờ mỗi tuần và 200 giờ trong một năm, nhưng đặc cách các trường hợp đặc biệt có thể lên đến 300 giờ làm thêm hàng năm, tùy thuộc vào quyết nghị của nhà nước sau khi đã tư vấn với TLĐLĐVN và đại diện của chủ lao động. Pháp luật cũng qui định thời gian nghỉ hàng năm được hưởng lương cho nhiều loại công việc. Tuy nhiên không ai biết nhà nước đã bảo vệ hay thi hành những qui định trên đến đâu.
Theo pháp luật, lao động nữ không thể bị cho nghỉ việc vì lý do đính hôn, mang thai, nghỉ hậu sản, hoặc phải chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi, trừ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Lao động nữ đang mang thai qua tháng thứ bảy hoặc đang chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi có thể không bị buộc làm thêm giờ, làm ban đêm, hoặc làm ở các địa điểm cách xa nhà của họ. Tuy nhiên không ai biết rõ nhà nước thi hành các qui định này tới đâu.
Pháp luật yêu cầu chính phủ ban hành qui tắc và qui định nhằm bảo đảm an toàn lao động. Bộ LĐTBXH cùng với các ủy ban nhân dân và các công đoàn địa phương chịu trách nhiệm thi hành các qui định, nhưng vì thiếu kinh phí và nhân viên thanh tra chuyên nghiệp, qui định pháp luật không được thực thi đầy đủ. Tai nạn nghề nghiệp do thiếu sức khoẻ và thiếu các điều kiện an toàn tại nơi làm việc là một vấn đề nan giải. Rất nhiều tai nạn nghề nghiệp gây ra bởi máy móc thiết bị như máy quay, máy cán ép.
Pháp luật qui định người lao động có thể từ chối các công việc nguy hiểm mà không sợ bị sa thải, tuy nhiên không ai biết rõ qui định này được thực thi ra sao. Bộ LĐTBXH khẳng định đã không có người lao động nào khiếu nại người chủ lao động không tuân theo qui định của pháp luật.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Bộ LĐTBXH về điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ đến trung bình, hơn 80% chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động, 8% có điều kiện làm việc tồi tệ, và 90% sử dụng máy móc và thiết bị quá hạn sử dụng. Người lao động thường phải làm việc trong môi trường độc hại - 31% làm việc trong điều kiện rất nóng, 24% làm việc trong môi trường ồn quá mức, và 17% trong những nơi nhiều bụi bặm.
Hết
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ