BAGHDAD - Quốc hội Iraq không khoan nhượng trước tối hậu thư của tổng thống Bush khi có tin đồn rằng Hoa Kỳ sẽ tấn công trước lúc hạn 48 tiếng chấm dứt.

Chủ tịch Quốc hộ Iraq Saadoun Hammadi lên án điều ông gọi là 'sự lếu láo" của Hoa Kỳ và nói với các đại biểu quốc hội Iraq rằng nước này không phải là thứ quốc gia nghe Mỹ ra lệnh.

Trong khi đó, tại Washington, các quan chức Hoa Kỳ từ chối không xác nhận là quân Mỹ và Anh tập trung ở vùng Vịnh Ba Tư sẽ tấn công trước khi tối hậu thư hết hạn.

Hiện Iraq cũng đã chuyển quân để sẵn sàng ứng chiến. Tướng Iraq Ali Hassan al-Majid, một người họ hàng của tổng thống Saddam Hussein hiện là tư lệnh Quân khu miền Nam, nơi quân Iraq phải đương đầu trực tiếp với đợt tấn công đầu tiên trên bộ của liên quân Mỹ Anh.

Cũng có những ý kiến đánh giá rằng Iraq có thể sẽ đánh phủ đầu bằng pháo kích vào các vị trí của quân Mỹ Anh.

Trước đó, trong một thông cáo truyền hình Iraq nói họ sẳn sàng đối đầu và đánh bại bất kỳ sự gây hấn nào.

Con trai trưởng của ông Saddam Hussein là Uday cảnh báo những bà vợ bà mẹ của lính Mỹ sẽ phải để tang cho chồng con. "Không một người Mỹ còn được sống bình yên ở bất cứ đâu", Uday hăm dọa.

Ngoại trưởng Iraq Naji Sabri cho biết tổng thống Saddam Hussein và các con trai của ông sẽ ở lại Iraq và ông đang trông chờ chắc chắn chiến thắng.

Quân đồng minh sẽ tiến vào Iraq

Washington nói cho dù tổng thống Saddam Hussein có rời khỏi Iraq, quân đồng minh do Hoa Kỳ dẫn đầu vẫn sẽ tiến vào Iraq để tìm các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói đã có 30 quốc gia công khai ủng hộ liên minh chống Iraq, và 15 quốc gia khác cũng ủng hộ nhưng không muốn nêu tên.

Đan Mạch nói sẽ đóng góp lính cùng với Anh Quốc, Ba Lan và Úc. Pháp nói họ sẽ gởi lính nếu Saddam Hussein sử dụng vũ khí sinh hóa.

Thảm họa nhân đạo

Các cơ quan cứu trợ quốc tế cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo khủng khiếp nếu chiến tranh xảy ra. LHQ ước đoán sẽ có hai triệu người di tản để tránh bom đạn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Cơ quan Oxfam và Ân Xá Quốc Tế kêu gọi các nước láng giềng của Iraq hãy mở cửa biên giới và đón nhận người tị nạn.

LHQ di tản nhân viên

Iraq lên án LHQ là trốn chạy trách nhiệm khi thu hồi các nhân viên ra khỏi Iraq và đình hoãn chương trình bán dầu mua lương thực.

Máy bay của LHQ đã chở nhân viên rời Iraq. Hàng trăm nhân viên hiện đang ở Larnaca, Cyprus để chờ đợi những hướng dẫn tiếp theo.

Nhiều nhân viên LHQ nói rằng họ lấy làm tiếc là phải rời Iraq và những mong tình hình đã diễn ra khác đi. Hiro Ueki, phát ngôn viên của đoàn thanh tra vũ khí nói “chúng tôi ra đi trong tâm trạng buồn bã”.

Một khi chiến tranh qua đi, ít nhất cũng sẽ có một số nhân viên hoạt động nhân đạo sẽ quay trở lại. Thế nhưng với các thanh tra vũ khí thì nhiệm vụ giải giáp Iraq đã kéo dài triền miên nay đã kết thúc.(bbc)