Xử phúc thẩm vụ Thái Hà: yếu tố pháp lý?

Phiên toà phúc thẩm xét kháng cáo của 8 giáo dân Thái Hà sắp diễn ra vào ngày 27/3 đang thu hút sự chú ý của công luận trong và ngoài nước.

Kể từ khi vụ án Thái Hà diễn ra, sự quan tâm tập trung vào hàng loạt các phản ứng vụng về và lúng túng của chính quyền thể hiện qua các bản án treo dành cho tội “huỷ hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”, qua việc dằng co vụ các giáo dân kiện truyền thông, hay nhiều lần trì hoãn phiên phúc thẩm.

Nay, khi thời điểm phúc thẩm gần kề thì mọi sự chú ý đang đổ dồn vào việc nhà nứơc đang tìm đủ mọi cách cấm cản luật sư của các giáo dân, không cho ông Lê Trần Luật tiếp xúc với thân chủ và tham dự phiên toà này.

Điều này có vi phạm pháp luật hay không? Trước những áp lực từ phía chính quyền như thế, liệu phiên phúc thẩm sẽ mang lại kết quả như các bị cáo mong đợi?

Mời qúy vị tìm hiểu qua cuộc trao đổi giữa Trà Mi và luật sư lão thành Trần Lâm từ Hải Phòng, người nhiều năm kinh nghiệm trong ngành luật pháp tại Việt Nam và từng đảm nhiệm vai trò Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hơn 2 thập niên trứơc khi về hưu làm luật sư. Luật sư Lâm phát biểu:


Qui định của pháp luật

Luật sư Trần Lâm: Chuyện Nhà nước không cho ông Luật ra ngoài Bắc, điều đó tôi không nắm đựơc, nhưng nếu có như vậy thì tôi thấy rằng không đúng luật. Bởi vì luật sư có quyền phục vụ thân chủ, phục vụ pháp luật. Điều quan trọng là nếu không có luật sư thì làm sao vụ án này có thể xử đựơc? Chẳng lẽ một vụ án xử không có luật sư à? Nếu có làm việc đó là không đúng.

Trà Mi: Không đúng luật theo ý kiến của ông, là một chuyên gia lâu năm trong ngành luật, xin ông phân tích kỹ trong trường hợp này quyền của các bị cáo đựơc tiếp xúc luật sư, quyền đựơc có người bảo vệ trứơc toà, cũng như quyền của luật sư đi lại và làm việc với thân chủ bị vi phạm tới mức độ như thế nào?

Luật sư Trần Lâm: Đúng, nếu mà cản trở luật sư là vi phạm pháp luật rồi đấy. Trái luật. Và bị cáo có quyền không chấp nhận phiên toà.

Trà Mi: Theo chỗ chúng tôi được biết, có 3 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong phiên phúc thẩm tới đây. Tuy nhiên, tất cả bị cáo đều xác nhận với Toà án thành phố Hà Nội rằng luật sư Luật là luật sư chính của họ. Trong trường hợp này, phiên toà có thể diễn ra?

Luật sư Trần Lâm: Tôi cũng chưa nghe về việc bị cáo nói luật sư chính-phụ, nhưng họ phải đề nghị chấp nhận luật sư của họ thì họ mới tham dự phiên toà. Họ có quyền làm điều đó.

Ví dụ bây giờ ông Luật vi phạm một việc khác ngoài vụ án này mà có quyết định bị tạm đình chỉ hoạt động thì ông không được tham gia phiên toà. Việc này thông báo cho bị cáo thì bị cáo không có quyền không chấp nhận.

Trà Mi: Nhưng chính bản thân luật sư Luật không có một văn bản nào đình chỉ hoạt động. Ông ta cũng chưa chính thức bị bắt giam, chưa bị kết tội mà…

Luật sư Trần Lâm: Mà không cho người ta tham gia phiên toà thì không biện minh đựơc. Thế nhưng chẳng hạn bây giờ ông ta ra sân bay cứ bị giữ lại mà họ không nói lý do sao cả. Thế thì bây giờ cãi vào chỗ nào? Đấy lại có những cái chuyện như vậy.

Lúc bấy giờ bị cáo chỉ có một cách là xin hoãn phiên toà. Không có luật sư của tôi thì tôi xin hoãn. Quyền của bị cáo, quyền của luật sư, trong luật đã nói tỉ mỉ rồi, tức là không ai đựơc cản trở. Có luật đấy nhưng họ thực thi chệch đi, thì sao?

Nói và Làm?

Trà Mi: Trong trường hợp như ông nói, có luật mà người ta không thực thi, các bị can và chính luật sư đó có thể làm gì để bảo vệ quyền chính đáng của họ?

Luật sư Trần Lâm: Họ chỉ có phản đối, viết đơn nọ kia, nhưng gửi người ta không giải quyết, làm thế nào được!? Thế mới là “cuộc đời”.

Trà Mi: Thưa, cuộc đời thì cũng phải theo quy luật của pháp luật, phải không thưa ông?

Luật sư Trần Lâm: Vâng, rõ ràng người cầm quyền thì nói thế này, nhưng đến khi thực thi nó còn thế nọ, thế kia.

Trà Mi: Nhưng pháp luật phải đựơc tôn trọng từ mọi phía, nhất là phía chính quyền…

Luật sư Trần Lâm: Vâng, cái đó thì đúng. Pháp luật là để cho mọi ngừơi tôn trọng. Trong nguyên lý, người làm ra pháp luật, ngừơi cầm cân nảy mực là người phải thực hiện đầu tiên, chứ không phải bắt người dân thực hiện. Pháp luật đã viết như thế đấy.

Trình độ dân tộc, dân trí

Trà Mi: Nhưng trong thực tế ở Việt Nam, như ông vừa nói, là thực tế “cuộc đời” khác với pháp luật. Điều này nói lên điều gì và nên đựơc hiểu như thế nào, thưa ông?

Luật sư Trần Lâm: Vâng, cái đó là một cuộc đấu tranh lâu dài. Đó là sự tíên triển của trình độ dân tộc, dân trí. Dân trí càng cao thì pháp luật càng được đề cao. Dân trí thì không phải tự ngừơi dân chuyển động được đâu.

Dân trí phải do người cầm đầu. Ngừơi cầm đầu mà tốt thì làm cho dân trí chuyển biến. Người cầm đầu mà không đựơc tốt thì dân trí cứ lằng nhằng, bầy nhầy, không có bứơc đi ổn định để theo bứơc tiến chung của nhân loại.

Những việc như Thái Hà hay những vụ việc của mấy người dân chủ, tôi thấy vẫn còn có những sự nhức nhối. Nhưng nếu ta bình tĩnh xét từ độ thời gian có WTO tới nay, thì mỗi ngày cũng có dễ thở hơn. Tương đối thôi, tức là so sánh với cái cũ thôi. Chứ còn so sánh với các nứơc thì chưa đi đến đâu cả. Cái thay đổi chậm, chưa đáp ứng được mong mỏi của mọi ngừơi.

Tôi lâu năm trong nghề, quen thuộc cũng rộng rãi, nên cái tôi gặp cũng không quá gây cấn như các anh em đồng nghiệp khác. Anh em khác, nói thật là còn bị gây cấn hơn tôi.

Bản án phúc thẩm?

Trà Mi: Thông thường phiên phúc thẩm người ta luôn mong chờ những bản án nhẹ hơn so với phiên sơ thẩm. Điều này có luôn luôn đúng không, thưa ông?

Luật sư Trần Lâm: Đúng rồi. Phúc thẩm tức là thay đổi tiến bộ hơn, nhẹ hơn.

Trà Mi: Nguyện vọng đó có luôn luôn được thực hiện đúng như vậy không? Trong những trường hợp nào mà những bản án của phúc thẩm có thể mạnh tay hơn những gì đã quyết định ở sơ thẩm, thưa ông?

Luật sư Trần Lâm: Không, phúc thẩm không được mạnh tay hơn. Luật pháp quy định khi đã xử sơ thẩm mà bị cáo không vừa ý kháng án lên phúc thẩm. Nhiệm vụ của phúc thẩm phải xem điều gì đáng sửa chữa thì sửa chữa, nhưng phúc thẩm không bao giờ có quyền làm cho hoàn cảnh của bị cáo xấu hơn, tức không thể tăng hình phạt, mà chỉ có giảm thôi.

Trà Mi: Đó là theo luật định phải không ạ?

Luật sư Trần Lâm: Đấy là luật, luật quốc tế.

Trà Mi: Thế còn luật ở Việt Nam thì sao ạ?

Luật sư Trần Lâm: Cũng thế thôi. Luật Việt Nam chưa bao giờ phúc thẩm có quyền làm cho tình trạng bị cáo xấu hơn.

Trà Mi: Trong trường hợp vụ kiện của các giáo dân Thái Hà hiện nay, theo kinh nghiệm lâu năm của ông trong ngành luật và theo những gì ông quan sát trong thực tế, ông có dự đoán kết quả phiên phúc thẩm sẽ như thế nào không ạ?

Luật sư Trần Lâm: Tôi nghĩ cũng có thể giảm một tí hoặc y án. Nếu người bào chữa có lý do thuýêt phục nên dẹp vụ án đi, thì nên tha đi cho không còn một ấn tượng gì. Đây không phải xử một vụ án phải, trái, đúng sai.

Đây là một vụ việc quan hệ đến dư luận, đến tôn giáo thì người ta gọi không phải là “xử”, mà đáng lý ra phải là “xử trí” một vụ việc.

Đứng về nghiệp vụ phân tích vụ này thì đây không phải là một vụ án, đưa nó thành một vụ án là không ổn. Mà đây là một vụ việc chính trị mà người lãnh đạo phải có nhiệm vụ uyển chuyển làm cho vụ việc êm đẹp.

Trà Mi: Nhưng trong trường hợp điều “êm đẹp” đó không xảy ra thì sẽ nói lên điều gì và chúng ta nên hiểu như thế nào?

Luật sư Trần Lâm: Bây giờ đã trót thế này rồi, thì tôi tin rằng xử phúc thẩm sẽ làm rất nhanh. Cũng có thể tha hay giảm án một số ngừơi. Xét về hình sự, mấy tháng án treo chẳng để giải quyết cái gì cả. Xử mấy tháng án treo, thật ra cái tác dụng của nó cũng rất hạn chế.

Trà Mi: Rất cảm ơn luật sư Trần Lâm đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này.

Luật sư Trần Lâm: Vâng.