NEW YORK - Pháp và Nga vẫn phản đối những áp lực mới đòi phải có một nghị quyết thứ hai cho Iraq trong khi Mỹ tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến.

Phản ứng lại hạn chót của Mỹ là đêm thứ Hai, cho tới giờ vẫn chưa có thay đổi gì từ cả Paris và Matxcơva.

Cả hai nước này đều dọa sẽ dùng quyền phủ quyết chống lại việc cho phép có hành động quân sự trong khi các thanh tra vũ khí LHQ vẫn tiếp tục tại Iraq.

Hôm thứ Hai, một trong hai trưởng thanh tra vũ khí LHQ, Mohamed El-Baradei, khẳng định rằng Hoa Kỳ đã khuyên cơ quan của ông nên bắt đầu rút các chuyên gia ra khỏi Iraq.

Tổng thống Hoa Kỳ George Bush nói tại một hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh Anh và Tây Ban Nha rằng thứ Hai sẽ là "thời điểm của sự thật cho toàn thế giới".

"Không thể chấp nhận được"

Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin tuyên bố Pháp không thể thông qua nghị quyết thứ hai của LHQ nếu nó kèm theo tối hậu thư hoặc cho phép tự động sử dụng vũ lực quân sự.

Ông Villepin nói căng thẳng Iraq không phải mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ mà là giữa những ai muốn kích động cỗ máy chiến tranh và cộng đồng quốc tế.

Ông cũng cho rằng người ta chưa thử hết mọi cách, kể cả việc lắng nghe phái đoàn thanh tra để giải giáp Iraq trong hòa bình.

Ông Villepin nói: "Pháp không thể chấp nhận bản nghị quyết hiện đang nằm trên bàn hội nghị của LHQ".

"Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tây Ban Nha kèm vào đó một tối hậu thư và cho phép dùng quân sự, đùa giỡn với chiến tranh. Pháp không thể chấp nhận chuyện này".

"Nhưng chúng tôi cũng không ngừng đưa ra các đề nghị, cũng giống như các nước khác trong Hội đồng Bảo an. Và tình hình thể hiện rõ là sẽ không có đa số bỏ phiếu cho chiến tranh ở Hội đồng Bảo an".

Áp lực cho Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an sẽ phải đương đầu với hạn chót là đêm thứ Hai để đồng ý với một nghị quyết mới yêu cầu Saddam Hussein lập tức giải giáp.

Một phát ngôn viên của LHQ cho hay Hội đồng Bảo an có kế hoạch sẽ có buổi họp kín vào lúc 15h00GMT hôm thứ Hai.

Các quan chức của Nhà Trắng cho biết nếu rõ ràng không có tiến bộ gì tại LHQ thì tổng thống Bush sẽ có bài diễn văn trước nhân dân Mỹ vào tối thứ Hai.

Phóng viên BBC từ Washington cho hay bài diễn văn này sẽ không phải lời tuyên bố chiến tranh ngay lập tức, nhưng sẽ cho Saddam Hussein chỉ vài giờ để rời khỏi Iraq, nếu không sẽ bị tấn công.

Iraq đã phản ứng lại một cách thách thức tối hậu thư của Tổng thống Bush, nói rằng một cuộc chiến sẽ xảy ra trên toàn thế giới.

Trưởng thanh tra vũ khí LHQ Hans Blix đang chuẩn bị đệ trình một chương trình lên Hội đồng Bảo an nhằm hoàn thành quá trình giải giáp tại Iraq.

Tiến sĩ Blix nói tình hình này là "rất đe dọa", nhưng ông cũng nói nếu không có quyết định đột ngột rút đoàn thanh tra LHQ khỏi Iraq thì các thanh tra viên sẽ vẫn tiếp tục công việc như thường lệ.

Ông Bush có thể sẽ có bài diễn văn trước nhân dân Mỹ tối thứ Hai

Hoa Kỳ, trong lúc đó, đã yêu cầu các nhân sự ngoại giao không cần thiết và gia đình của họ rời khỏi Kuwait, Israel và Syria do đe dọa từ cuộc xung đột Iraq.

Hôm thứ Hai, Anh Quốc cũng khuyến cáo tất cả công dân Anh, trừ các quan chức ngoại giao, phải rời khỏi Kuwait càng sớm càng tốt.

Một quan chức LHQ tại Kuwait nói trong khi dự đoán về một cuộc tấn công đang gia tăng, LHQ cũng đã ngừng các hoạt động kiểm soát tại khu vực phi quân sự ngăn cách Iraq và Kuwait.

Cơ hội cuối cùng

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ, Anh và Tây Ban Nha tại đảo Azores là bước đẩy cuối cùng nhằm giành được đủ sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng Bảo an để bỏ phiếu cho một nghị quyết mới.

Sau hàng tuần đấu tranh ngoại giao, Mỹ, Anh và Tây Ban Nha, phe chủ chiến cần phải có 9 phiếu tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, chỉ giành được sự ủng hộ của một thành viên Hội đồng là Bulgaria.

Trong một cuộc họp báo sau hội nghị Azores, tổng thống Bush đã cho thấy sự thất vọng của mình đối với Pháp.

Ông nói: "Ở Texas, chúng tôi có câu 'hãy ngửa quân bài của anh lên'. Pháp đã cho biết quân bài của họ. Bây giờ, chúng ta sẽ phải xem ngày mai (thứ Hai), quân bài này có nghĩa là gì".

Các lực lượng Hoa Kỳ có mặt tại vùng Vịnh hiện nay là 250 ngàn quân, và cả lính Mỹ lẫn lính Anh đều nói họ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công quân sự.

Ông Saddam Hussein có vẻ như đã chuẩn bị cho một cuộc chiến, và đã khuyến cáo rằng nếu Iraq bị tấn công thì trận chiến này sẽ xảy ra "ở bất cứ nơi nào có trời, đất, và nước trên toàn thế giới này".

Ngoại trưởng Iraq Naji Sabri cho một đài truyền hình Arab biết rằng hàng chục ngàn người Iraq, nam cũng như nữ, đã chuẩn bị sẵn sàng trở thành những người cảm tử cho bất cứ cuộc chiến nào chống lại kẻ thù "xảo trá" là Hoa Kỳ. (bbc)