Mùa Chay Thánh: Khía cạnh Phụng vụ và Tu đức



Ngày thứ tư Lễ Tro, với việc làm phép tro và bỏ tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay thánh. Chúng ta đã sống qua nhiều Mùa Chay thánh, nhưng mỗi năm Giáo Hội muốn chúng ta đi sâu hơn vào ý nghĩa của Mùa phụng vụ quan trọng này.

Vì thế hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa Mùa phụng vụ quan trọng này, để có thể từ đó sống Mùa Chay với những tâm tình như Giáo hội mong muốn nơi chúng ta.

1. Thời gian Mùa Chay thánh

Mùa Chay Thánh bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào sáng thứ năm Tuần thánh, với việc cử hành thánh lễ làm phép Dầu bệnh nhân, Dầu Dự tòng và thánh hiến Dầu thánh. Sau đó với Thánh Lễ chiều thứ Năm tuần thánh: Kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh thể, Giáo hội bắt đầu Tam Nhật thánh.

Mùa Chay gồm có những ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy sau Lễ Tro, và 5 Chúa Nhật và tuần lễ I, II, III, IV và V, cùng với Chúa Nhật Lễ Lá và ba ngày đầu Tuần thánh.

Xét về nguồn gốc Mùa Chay thánh, chúng ta phải đi từ việc thành hình Năm phụng vụ. Đầu tiên Cộng đoàn kitô hữu sơ khai đã mừng Lễ Phục sinh, hằng tuần vào các Ngày Chúa Nhật, và hằng năm vào Đại lễ Phục sinh. Dần dần việc mừng Lễ Phục sinh đã được chuẩn bị với những tuần lễ trước đó, nhất là vào đầu thế kỷ thứ tư, khi Giáo hội được tự do sau ba thế kỷ bị bách hại, Giáo hội chuẩn bị các dự tòng để họ lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức, và Thánh Thể) vào Đêm Vọng phục sinh, thì Mùa Chay đã có thêm một ý nghĩa mới. Từ đây việc tổ chức Mùa Chay được tiến hành theo những chiều hướng trên đây và Mùa Chay có một thể chế rõ ràng, mang tầm quan trọng đặc biệt trong Năm phụng vụ. Như vậy Mùa Chay đã bắt đầu rất sớm, sát liền với Lễ Phục sinh và bao gồm thời gian chuẩn bị các dự tòng (hoặc chầu nhưng).

2. Ý nghĩa Mùa Chay thánh

Nói về ý nghĩa Mùa Chay thánh, Công đồng chung Vaticanô II đã xác định như sau: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép rửa tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng vụ lẫn giáo lý phụng vụ” (Hiến chế phụng vụ số 109).

Theo lời chỉ dẫn trên đây, chúng ta nhận ra hai đặc tính truyền thống của Mùa Chay thánh: đó là

1) sám hối

2) và hướng về các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Tất cả đều nhằm chuẩn bị tín hữu chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh. Với tín hữu, thì việc chuẩn bị này được thể hiện qua thái độ và tâm tình sám hối nội tâm, cũng như việc nhớ lại các bí tích khai tâm Kitô giáo đã lãnh nhận. Với các dự tòng, thì việc chuẩn bị này được thể hiện qua các giai đoạn khác nhau của thể chế dự tòng (hoặc chầu nhưng), đã được Công đồng Vaitcanô II lấy lại (xc. Hiến chế phụng vụ, số 64).

3. Tổ chức các hoạt động của Mùa Chay Thánh

Như trên đã nói, Mùa Chay thánh có hai đặc tính là sám hối và rửa tội. Tất cả phụng vụ trong Mùa này đều làm nổi bật hai đặc tính này.

Vậy để thực hiện hai đặc tính này, Giáo hội đã xếp đặt Mùa Chay thánh theo những cách thế sau đây:

a) Mùa Chay: Mùa sám hối và canh tân nội tâm

Hành trình Mùa Chay là hành trình nhìn nhận tội lỗi và những sa ngã của con người: từ nguyên tổ, qua suốt lịch sử con người, lịch sử Dân Chúa chọn, và lịch sử từng cá nhân. Ý thức về tội lỗi trên đây càng cần được nhấn mạnh hơn nữa trong thế giới ngày nay, khi con người tự mãn, mất dần ý thức về tội lỗi. Vì thế Mùa Chay càng có ý nghĩa sâu xa trong bối cảnh của một thế giới tục hóa, có những hành động chống lại Thiên Chúa, nhưng đồng thời không biết nhìn nhận tội lỗi của mình.

Tuy nhiên nhìn nhận tội lỗi chưa đủ, con người còn cần sám hối, xưng thú, và đền bù tội lỗi đã phạm tới Thiên Chúa.

Sau cùng, con đường sám hối Mùa Chay bao gồm một tâm thức biết quay trở về với Thiên Chúa, từ bỏ con đường cũ, từ bỏ con người cũ và biến đổi con người để trở về với tình trạng nguyên thủy vô tội trong sạch, để được sống trong niềm vui vô tận của Thiên Chúa và Chúa Kitô phục sinh. Như vậy hành trình sám hối được thể hiện như những hành động trở về của người con hoang đàng trong Phúc âm thánh Luca (xc. ch. 15).

Phụng vụ Mùa Chay đã giúp tín hữu sống tâm tình sám hối này cách rất cụ thể thiết thực.

Ngay đầu Mùa Chay, vào thư tư Lễ Tro, Giáo hội đưa tín hữu vào tâm tình sám hối bằng một biểu hiệu: lãnh nhận tro trên đầu, và nghe lời Giáo hội khuyên nhủ: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin mừng” (Mc 1,15); hoặc “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi” (xc. St 3,19). Đồng thời cho hát những bài đầy tâm tình thống hối ăn năn. Tro bụi đã được Kinh thánh sử dụng như là dấu hiệu của việc sám hối và quay trở về chính lộ, như dân thành Ninivê xưa đã làm, sau khi nghe lời ngôn sứ Giona khuyên bảo.

Trong chính ngày thứ tư đầu Mùa Chay, Giáo hội buộc mọi tín hữu phải ăn chay kiêng thịt (Giáo luật, khoản 1251), cùng với ngày thứ sáu tuần thánh. Việc ăn chay kiêng thịt còn mang những ý nghĩa khác nữa, nhưng chắc chắn việc kiêng hãm của ăn phần xác, phải cho thấy tâm tình sám hối và canh tân nội tâm của tín hữu. Trong từ ngữ thần học phụng vụ, Mùa này được gọi là Mùa Chay.

Ngoài ra còn có những biểu hiệu bên ngoài khác cho thấy tinh thần sám hối canh tân trong Mùa Chay, như: việc bỏ trưng bông trên bàn thờ, trừ các lễ trọng; hoặc việc không dùng đàn phong cầm hoặc các loại đàn khác tương tự, trong Mùa này, trừ khi xử dụng một cách hết sức giới hạn để giúp cộng đoàn hát mà thôi.

Trong Mùa Chay, bỏ hát Kinh Vinh Danh và bỏ hát Câu xướng Alleluia và thay vào đó bằng một câu tung hô khác. Trong Các giờ kinh phụng vụ, cuối các bài đọc của giờ độc vụ, không hát Kinh Lạy Thiên Chúa (Te Deum).

Về mầu áo và đồ thờ phượng trong mùa Chay, áo lễ linh mục mặc cử hành thánh lễ là mầu tím. Biểu hiệu này cũng giúp tín hữu nhớ tới tình trạng tội lỗi của mình.

Các kinh nguyện trong Mùa Chay nhắc nhở rất nhiều vể việc sám hối và quay trở về với Thiên Chúa, như lời kinh nhập lễ thứ tư Lễ tro được đọc lên như sau: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để càng ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.”

Trong Mùa Chay thánh này, Giáo hội cũng khuyến khích cử hành các Nghi thức thống hối, như các mẫu đề nghị trong Sách Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải. Trong các buổi cử hành nghi thức thống hối này, tín hữu được nghe các đoạn Kinh thánh nhắc nhở đến tội lỗi, đến lời mời gọi thống hối, canh tân... Việc cử hành này cũng cần được thực hiện do chính giám mục chủ sự.

Còn bí tích Giải tội phải là phương thế hữu hiệu nhất để sám hối và quay trở về với Thiên Chúa và với Giáo hội. Khi chuẩn bị lãnh nhận bí tích giải tội, tín hữu cùng anh chị em khác, nghe Lời Chúa, xét lại các lỗi phạm tới Chúa, tới tha nhân, tới cộng đoàn. Nhớ lại không chỉ các tội riêng của mình, nhưng cả những tội tập thể đã làm, hoặc cá nhân làm nhân danh tập thể, cả những tội mang tính cách xã hội.

Sau cùng, Bí tích Thánh Thể được coi là bí tích mang lại sự hòa giải, vậy trong Mùa Chay thánh, việc tham dự thánh lễ, nếu có thể hằng ngày, được coi như là một cách thế ăn năn sám hối và giao hòa với Thiên Chúa và cộng đoàn (xc. Nghi thức thông hối đầu lễ; Kinh nguyện Thánh Thể thứ III; Kinh nguyện Thánh Thể hòa giải).

b) Mùa Chay mang đặc tính liên hệ tới bí tích Rửa tội

Đặc tính liên hệ tới bí tích Rửa tội được nhấn mạnh rất nhiều trong phụng vụ từ thời xa xưa và trong các kinh nguyện Mùa Chay thánh.

Đối với các tín hữu, trong Mùa này, Giáo hội giúp họ nhắc lại bí tích Rửa tội, Thêm sức, mà họ đã lãnh nhận. Điều này được nhắc tới qua việc cử hành bí tích Rửa tội cho trẻ con trong họ đạo; việc nhắc lại các lời hứa rửa tội trong Đêm Vọng phục sinh; việc làm phép Nước và rảy Nước thánh trong ngày Chúa Nhật, cũng như thói quen lấy Nước thánh làm dấu thánh giá khi vào nhà thờ. Hoặc khi tín hữu được mời giúp các dự tòng, hoặc tham dự các nghi lễ cử hành cho dự tòng trong Mùa Chay này.

Đối với các dự tòng, đặc tính liên hệ tới bí tích Rửa tội càng được thể hiện cách rõ rệt, khi Giáo hội qua các giai đoạn, trực tiếp chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, mà tột điểm vào Đêm Vọng phục sinh. Như chúng ta nói trên đây, Công đồng Vaticanô II đã lấy lại định chế về thời gian dự tòng, trong đó có việc huấn giáo và việc cử hành một số lễ nghi phụng vụ cho người dự tòng. Sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo được ban hành năm 1973, và đã được dịch sang tiếng Việt Nam. Theo Sách Nghi thức này, các giai đoạn được phân chia như sau, tùy theo các Hội đồng Giám mục định theo Giáo luật (Giáo luật khoản 851,1).

Trước tiên có việc công bố Tin Mừng của Chúa Kitô; người nghe sẽ tin vào Chúa Kitô, học hỏi thêm về Ngài và giáo lý của Ngài. Từ đây bắt đầu giai đoạn thứ I, tức là tiếp nhận với lễ nghi tiếp nhận vào bậc dự tòng; sang giai đoạn thứ II: tức là thời gian chuẩn bị tích cực để dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô; ở đây có lễ nghi tuyển chọn và ghi danh. Sau cùng là giai đoạn thứ III: khi cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo và thời gian nhiệm huấn sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Giai đoạn II nằm trong bối cảnh Mùa Chay, từ Chúa Nhật I đến Tuần Thánh; và giai đoạn III nằm trong Đêm Vọng phục sinh và thời gian sau đó. Trong giai đoạn II, có những lễ nghi, như đặt tên, trừ ma quỷ, khảo hạch nhiều lần, tức là khảo hạch về ý hướng ngay lành của dự tòng, chúc lành cho dự tòng. Ngoài ra còn có việc trao Kinh Lạy Cha và Kinh Tin kính, và các dự tòng phải trả lại, tức là đọc trước Giám mục và cộng đoàn.

Vì thế cần lưu tâm để cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo vào Đêm Vọng phục sinh; ít ra là có việc rửa tội cho trẻ con.

4. Mùa Chay: thời gian tăng cường đời sống thiêng liêng

Để tín hữu đạt được hai mục tiêu trên đây, Giáo hội đã nhấn mạnh đến một số phương tiện khác, mà tín hữu phải lưu tâm để sống Mùa Chay thánh và được gợi ý nhiều trong các kinh nguyện Mùa Chay. Các phương thế đó là:

- chuyên chăm đọc nghe Lời Chúa trong sa mạc của tâm hồn mình; biết dùng phương pháp đọc Lời Chúa được các giáo phụ và các dòng tu thực hiện, quen gọi là Đọc Lời Chúa (Lectio divina);

- tăng cường việc cầu nguyện riêng và chung trong cộng đoàn; họ đạo và gia đình;

- ăn chay hãm dẹp xác thịt và các hành động thống hối khác. Sứ điệp Mùa Chay 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI có chủ đề về việc ăn chay.

- làm phúc bố thí cho kẻ nghèo khó; sống bác ái cách sâu xa hơn; tha thứ và hòa giải với nhau; tham gia các công tác từ thiện, xã hội để thăng tiến dân sinh;

- tham gia các buổi cử hành phụng vụ, thánh lễ, bí tích;

- thực hành các việc đạo đức bình dân: như gẫm đàng thánh giá (cũng nên xét lại việc ngắm nguyện, làm sao để phù hợp với tinh thần phụng vụ và không lấn át các buổi cử hành phụng vụ. Tôi thấy có nơi giờ cử hành phụng vụ Tôn kính Thánh Giá vào chiều thứ sáu tuần thánh, rất ít người tham dự, nhưng đến giờ ngắm đứng sau đó, thì lại đông người. Làm như vậy không đúng tinh thần phụng vụ và không giúp huấn luyện đức tin trưởng thành;

- Sống hồi tâm, thinh lặng nhiều hơn để tìm gặp Chúa, tìm gặp chính mình.

Đây là những phương thế Giáo hội rút tỉa từ Kinh thánh và giáo huấn của các giáo phụ mà giới thiệu cho con cái mình.

5. Các thành phần dân Chúa sống Mùa Chay thánh

Để Mùa Chay thánh mang lại kết quả dồi dào, các thành phần dân Chúa được Giáo hội khuyến khích cử hành và sống Mùa Chay thánh này.

Trước tiên các giám mục, được coi như chủ chăn, hướng dẫn dân Chúa tới mầu nhiệm vượt qua, như Ông Maisen xưa. Vào Chúa nhật thứ I Mùa Chay, các ngài cử hành việc ghi danh những người được cử đề lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo vào Đêm Vọng phục sinh; các ngài trực tiếp theo dõi các dự tòng trong thời gian chuẩn bị gần này. Các ngài chuyên cần giảng dạy Lời Chúa cho dân chúng. Đi thăm viếng mục vụ các giáo xứ. Chủ sự các thánh lễ Chúa Nhật Mùa Chay, tại các vùng, miền chính, với sự tham dự đông đảo của các thành phần dân Chúa, như linh mục, phó tế, các thừa tác viên và giáo hữu; chủ sự các buổi thống hối chung. Thời xưa các giám mục cử hành các lễ theo từng trạm (statio quadragesimalis) được báo trước cho dân chúng đến tham dự,

Các linh mục cử hành thánh lễ, buổi thống hối, nghi thức giải tội; chuẩn bị chầu nhưng cách tích cực và trực tiếp; thăm viếng bệnh nhân, người già cả, để họ cũng được tham dự vào sinh hoạt Mùa Chay thánh với các anh chị em tín hữu khác. Chuyên cần đọc và dạy dỗ Lời Chúa; các bài giảng được soạn thảo kỹ lường rút từ các bài Sách thánh liên hệ tới việc sám hối, bí tích rửa tội, lòng nhân từ của Thiên Chúa, việc trở về...; tổ chức tĩnh tâm cho giáo xứ. Cổ võ việc cầu nguyện nơi con chiên bổn đạo. Các phó tế và các thừa tác viên khác, các giáo lý viên, trợ giúp các linh mục trong công tác mục vụ quan trọng này.

Các Tu Sĩ Nam Nữ: tôi xin trích khoản luật của Thánh Bênêđictô xác định cho các tu sĩ của mình cách sống Mùa Chay thánh: Luật của Thánh Bênêđictô (480-547) viết cho các thày dòng của mình. Trong chương 49 về Mùa Chay, Thánh nhân viết: “Việc tuân giữ Mùa Chay. Điều này đúng là tất cả đời sống của một đan sĩ phải đậm nét của một lối sống đầy thống hối, như trong Mùa Chay; nhân đức này không phải là mọi người đều có. Vì thế chúng tôi nhấn mạnh tới, ít là trong thời gian Mùa Chay này, trong cố gắng thanh luyện đời sống riêng của mình, mỗi người hãy cố gắng tẩy rửa trong những ngày thánh này những lỗi lầm trong suốt cả năm. Chúng ta có thể làm được điều này, chỉ khi nào lo lắng để thanh tẩy mình khỏi mọi tật xấu, chuyên chăm vào việc cầu nguyện cùng với những giọt nước mắt ăn năn và tấm lòng đau đớn để chuyên lo đọc Sách Thánh và kiêng cữ. Vậy trong những ngày này, chúng ta thêm vào một vài điều khác cho việc làm vẫn thường có: cầu nguyện đặc biệt, kiêng cữ các của ăn và thức uống. Tóm lại mỗi người hãy xem có thể làm gì để hiến dâng Thiên Chúa, theo sáng kiến riêng của mình, và làm trong niềm hân hoan của Chúa Thánh Thần, làm một vài điều gì hơn và khác với những việc vẫn thường làm. Thí dụ, chấp nhận thiếu thốn về đồ ăn, thức uống hay giấc ngủ; kìm hãm ước muốn nói truyện dông dài và nói những điều không đâu, rồi hãy chờ đợi Ngày Đại Lễ Phục Sinh trong niềm hân hoan do mức độ nóng hổi siêu nhiên. Tuy nhiên điều mà mỗi người tự ý muốn dâng lên Thiên Chúa thì hãy cho vị Đan Viện phụ biết trước và hãy thực hiện với sự đồng ý của ngài và với việc cầu nguyện. Như thế ai mà làm không có sự đồng ý của cha linh hướng sẽ bị coi như là làm để phô trương và huênh hoang tìm vinh danh hư ảo và không đáng gì để ghi công trạng. Tất cả phải được thực hiện với sự đồng ý của vị Đan Viện Phụ”.

Giáo dân và các dự tòng tích cực tham dự sinh hoạt Mùa Chay thánh trong giáo xứ và trong các hội đoàn. Năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận bí tích giải tội, thu xếp trước đừng để phút chót mới đi xưng tội. Giữ hai ngày chay và kiêng thịt như luật buộc, vào thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh; tuy nhiên còn giữ thêm các ngày khác. Nếu không giữ được các ngày khác, thì bù vào bằng các việc hãm mình khác, những việc thống hối và bác ái khác như Giáo hội mong muốn (xc. Giáo luật, khoản 1250 và 1251). Tăng cường việc đọc sách Kinh thánh riêng hay theo nhóm; cầu nguyện riêng và trong gia đình.

6. Mùa Chay và Chúa Thánh Thần

Chúng ta gợi ra đây một vài điểm về Chúa Thánh Thần để nhờ Ngài hướng dẫn bước vào cuộc hành trình Mùa Chay thánh, như Ngài đã đưa Chúa Kitô vào trong sa mạc để ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ (xc. Mc 1,12; Lc 41,1). Ngài là Đấng hướng dẫn tất cả hành trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, cho tới chết trên thập giá, để rồi sống lại cũng là do Chúa Thánh Thần.

Trên thập giá, khi tắt thở, Chúa Kitô đã trao ban Thần khí của Ngài (xc. Ga 19,30), để thiết lập Giáo hội và các bí tích trong Giáo hội. Chiều ngày sống lại, Chúa Kitô đã thở hơi ban Chúa Thánh Thần để trao ban quyền đem ơn cứu độ cho muôn dân (xc. Ga 21,22). Như Vậy Thánh Thần là Tác viên chính của hành trình vượt qua của Chúa Kitô. Ngày nay Ngài cũng là Tác viên chính của hành trình vượt qua của chúng ta trong Mùa Chay thánh này. Vậy chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta trên con đường sám hối, sống ơn bí tích Rửa tội và đi vào con dường đau khổ của Chúa, chịu chết và sống lại của Chúa Kitô. Như vậy Thánh Thần sẽ làm cho con người cũ của ta chết đi và sẽ sống lại trong con người mới cùng với Chúa Kitô sống lại.

Rôma, ngày 27-02-2001

Xem lại, Rôma ngày 21-2-2009.