LS LÊ TRẦN LUẬT BỊ CÔNG AN HẢI PHÒNG TRIỆU TẬP

Vào thứ Tư ngày 4-2 vừa qua, cơ quan an ninh Hải Phòng đã thông báo cho Luật Sư Lê Trần Luật biết là họ sẽ triệu tập ông để điều tra về những hành vi mà họ cho là có liên quan đến vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, một trong 6 nhà đấu tranh dân chủ mà LS Lê Trần Luật nhận sẽ bào chữa.

Dư luận lo lắng không biết việc LS Luật bị triệu tập liệu có ảnh hưởng đến việc ông bào chữa cho các nhà dân chủ, hiện đã bị tạm giam quá thời hạn 4 tháng hay không.

Vào trung tuần tháng 9 năm ngoái, trong một đợt trấn áp cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam một số người trong đó có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, thầy giáo Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội, anh Nguyễn Văn Túc và sinh viên Ngô Quỳnh.

Kể từ khi bị bắt, hầu hết các nhà đấu tranh đều chưa hề được gặp mặt thân nhân hay luật sư của họ là ông Lê Trần Luật, một luật sư chuyên bào chữa cho những người đấu tranh đòi công lý, mà nhiều người đã biết đến sau khi ông bào chữa cho vụ Giáo Sứ Thái Hà.

Lời cảnh cáo cho các luật sư

LS Lê Trần Luật cho biết vào ngày thứ Tư 4/2/2009 vừa qua ông đã được cơ quan an ninh Hải Phòng cho biết là chính ông cũng sẽ bị triệu tập để điều tra:

“Sau khi làm những thủ tục cần thiết thì chúng tôi được một anh phó thủ trưởng công an điều tra an ninh của Hải Phòng, ảnh tên là anh Triềm, là người trực tiết điều tra và xử lý vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, đặt thẳng vấn đề với tôi là họ sẽ triệu tập tôi với tư cách là người có liên quan đến vụ án của cô Nghiên”

Sự kiện này đã làm cho thân nhân của các bị cáo rất hoang mang, bà Lợi, mẹ cô Nghiên chia sẻ:

“Như thế là bên an ninh người ta cũng triệu tập cả luật sư đấy! Người ta nói là luật sư cũng dây dưa đến vụ án. Chúng tôi thì là người dân, chẳng biết như thế nào cả…”

Dư luận cho rằng đây là một sự kiện bất thường. Còn LS Lê Trần Luật thì phát biểu:

“Khi tôi là một luật sư thì không có lý do gì để điều tra hết. Tôi cũng có nghĩ đến việc họ đe dọa tôi, bởi vì thật sự nếu tôi có liên quan thì tại sao đến lúc này họ mới nghĩ đến việc triệu tập tôi, hoặc có thể họ không muốn cho tôi là luật sư của những người này. Theo chị Nga với bà Lợi, thì họ nghĩ là chắc cơ quan an ninh không muốn cho tôi là luật sư của những người này thôi, thì họ nghĩ ra cái cách đó thôi.”

Việc ông bị triệu tập chỉ là một trong những khó khăn mà LS Lê Trần Luật nhất quyết sẽ vượt qua bằng mọi giá để bào chữa cho thân chủ của mình. Về tình trạng pháp lý của hồ sơ 6 nhà dân chủ thì LS Lê Trần Luật cho biết:

“Tất cả những người này đều chưa được xử, theo cơ quan an ninh thì họ chưa có kết thúc được điều tra và tất cả họ đều nhận thêm một cái lệnh gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa, cho nên cơ quan an ninh chưa cho tôi được tiếp cận các hồ sơ cũng như là gặp mặt trực tiếp với các bị cáo này. Những thông tin có được tạm thời thì sức khỏe của mọi người cũng đang khá ổn, riêng có anh Nghĩa thì anh ấy đang bị bệnh trĩ rất là nặng, đồng thời anh ấy bị sỏi thận và đau dạ dầy.”

Con đường còn gập ghềnh

Ở Việt Nam, những người đấu tranh cho dân chủ thường gặp nhiều khó khăn hơn những tội danh khác, và người ta cho rằng một luật sư chọn bào chữa cho họ là đã tự dấn thân vào một con đường gập ghềnh khó đi nhất, nhưng phục vụ công lý cũng như niềm tin tưởng của thân chủ và người thân của họ là động lực giúp cho luật sư có thể vượt qua những trở ngại và áp lực nặng nề để có thể tiếp tục công việc của mình.

Về điểm này bà Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ:

“Chồng tôi rất là tâm đắc với anh Luật, và hôm vào trong trại giam thì anh Nghĩa cũng nói với tôi rằng là, thuê cho anh ấy hai luật sư, một là Lê Trần Luật, và hai nữa là bác Trần Lâm.”

Còn LS Lê Trần Luật thì tâm sự:

“Một trong những cái yếu tố mà nó có thể tạo ra cho tôi một cái sự vững tâm và tự tin khi mà làm việc, đó là sự tin tưởng của thân chủ cũng như là những người thân của nạn nhân đối với lại luật sư.

Tất cả những người thân của những người này luôn luôn tin tưởng và muốn tôi giúp đỡ cho họ, và vừa qua họ cũng tái khẳng định cái sự tin tưởng đối với tôi, bằng cách là viết cho tôi những cái lá thư tay để xác nhận là cho dù như thế nào thì họ vẫn tiếp tục tin tưởng và tiếp tục mong muốn tôi là luật sư cho họ.”

Thân nhân các nhà hoạt động dân chủ đã tỏ ra rất kiên cường.

Bà Nga cho rằng chồng bà đã hành xử đúng cương vị của một người cầm bút trong hoàn cảnh đất nước.

“Chồng tôi không có một cái tội gì. Chồng tôi là một người cầm bút, mà nhiệm vụ của một người viết văn, người cầm bút là phải lột tả cái mặt trái của xã hội để phê phán để cho xã hội tốt lên.

Như anh Nghĩa là người vừa là nhà văn vừa là nhà đấu tranh dân chủ, đất nước đang một đảng, người dân không được nói lên cái chính kiến của mình, anh ấy là người đòi đa đảng để cho mọi người dân có tiếng nói của mình để cho đất nước tốt đẹp lên thôi, chứ không có một cái tội gì! ”

Vợ của anh Trội và thầy giáo Vũ Hùng cũng tỏ ra vững vàng không kém trước những áp lực mà họ phải đối diện. LS Lê Trần Luật cho biết: “Vợ anh Trội và vợ của thầy giáo Vũ Hùng có nhận được yêu cầu của cơ quan an ninh là viết một cái giấy xác nhận là chồng các chị là những người bệnh tâm thần thì cơ quan an ninh sẽ cam kết là trả tự do cho chồng họ. Họ có giao động, nhưng sau đó họ nghĩ lại là tại sao cơ quan an ninh lại yêu cầu điều đó, và cuối cùng họ quyết định là không thể viết một cái lá đơn là chồng mình là bệnh tâm thần được.”

Còn bà Lợi, mẹ cô Nghiên thì nhắn gửi tâm tư của bà đến thế giới bên ngoài qua đài Á Châu Tự Do:

“Con tôi không có tội, bởi vì nói sự thật mà, có sao nói vậy, theo tôi con tôi không có tội! Và tôi nhắn gửi các vị nhân quyền của quốc tế làm thế nào để mọi người có tự do, dân chủ nhân quyền, để cho người dân có ăn có mặc, không ai nói thật mà bị bắt bớ, giam cầm tù đầy, trong đó có con tôi, ở Việt Nam.”

(Nguồn: Hà Giang /RFA, ngày 09-02-2009)