Trong đền thánh
Chúng ta thường suy ngắm đọc lời kinh: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh…
Nói đến đền thánh, chúng ta nghĩ tới nơi thánh thiêng dành cho việc thờ kính phượng thờ Thiên Chúa uy nghi cao cả.
Nói đến đền thánh, chúng ta liên tưởng đến bầu khí thánh đức huyền nhiệm lan tỏa bao trùm trong đó.
Nói đến đền thánh, tâm hồn người tín hữu rộn lên niềm vui mừng thiêng liêng, vì đã có lần hay nhiều lần sống trải qua trong nơi đó. Nhưng cũng pha trộn tâm tình ngại ngùng, vâng có chút gì xấu hổ ăn năn sám hối, vì cảm thấy mình bất toàn tội lỗi không mấy xứng đáng khi đến nơi thánh thiêng đạo đức!
Đền thánh thời Chúa Giêsu
Đền thánh là nơi chốn dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa thì thật phải đạo và chính đáng.
Trong đền thánh lẽ ra phải tỏa lan bầu khí huyền nhiệm thánh đức. Nhưng càng ngày, như bên Âu châu, đền thánh nhiều nơi biến thành chỗ tham quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử xây cất. Nên bầu khí thánh thiêng cũng tan loãng biến giảm đi nhiều.
Còn tâm tình vui mừng hân hoan hay xấu hổ, ăn năn sám hối là tâm tình tốt vừa đạo đức, vừa con người. Đó là đời sống làm người.
Chúa Giêsu ngày xưa lúc sinh ra ở ngoài cánh đồng Bethlehem, nhưng được cha mẹ mang đến đến thánh Gierusalem dâng cho Thiên Chúa lúc còn thơ bé.
Trong đền thánh Ông Simeon và Bà Hanna vui mừng bồng bế Chúa Giêsu trên tay mình. Họ cũng nói đến lòng ăn năn sám hối vấp ngã của con người đối với Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa trong đời sống. Họ cũng nói đến sự đau khổ của Đức Mẹ Maria.
Rồi khi Chúa Giêsu lớn lên 12 tuổi theo cha mẹ lên đền thánh Giêrusalem hành hương. Nhưng khi trở về, có thể nói, Chúa Giêsu đã lẳng lặng trốn cha mẹ ở lại đền thánh nói chuyện tranh luận với những bậc thông thái (Lc 2,49). Việc này gây không ít lo lắng đau khổ cho cha mẹ Chúa Giêsu.
Sau này ra giảng đạo rao truyền tin mừng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã từng vào đền thánh rao giảng cùng đuổi những người buôn bán thú vật, đổi chác tiền bạc phải ra khỏi nơi thánh thiêng đó.
Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào đền thánh Giêrusalem như một vị Vua cứu tinh.
Lúc Chúa Giêsu qua đời tắt thở bức màn trong đền thánh Giêrusalem xẻ ra làm hai.( Mc 15,38; Lc 23,45)
Sau khi Chúa Giêsu về trời, các Thánh Tông đồ kéo nhau vào đền thánh Giêrusalem ca tụng ngợi khen Thiên Chúa ( Lc 24,53).
Ngay từ đầu đời hài nhi, tuổi niên thiếu, tuổi trung niên gỉang đạo và sau cùng với sự chết cùng trở về trời của Chúa Giêsu đều từ nơi đền thánh Thiên Chúa.
Những tín hữu Chúa Giêsu thuở ban đầu sau khi Chúa Giêsu về trời đã xác tín: Đền thánh xưa nay là nơi chốn cư ngụ của Thiên Chúa. Nhưng từ khi Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống trần gian làm người, Ngài không xóa bỏ đền thánh, mà Ngài đã vào đền thánh rao giảng. Như thế chính Chúa Giêsu là đền thánh Thiên Chúa. Người nào muốn tìm kiếm Thiên Chúa, họ sẽ gặp được Ngài trong đền thánh Giêsu.
Giáo Hội như ngôi nhà của Thiên Chúa
Thánh Phaolô trong bài giảng với dân thành Athena ở trên đồi Areopa đã nói về đền thánh: "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền thánh do tay con người làm nên.“ ( Tông đồ công vụ 17,24)
Như vậy Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, sao Giáo Hội Chúa xưa nay lại xây dựng nhà thờ, đền thánh to lớn ở mọi nơi vào mọi thời đại?
Không. Thiên Chúa không cần nhà ở, đền thánh to lớn nguy nga. Nhưng con người chúng ta cần nơi chốn tụ họp cầu nguyện như một dấu hiệu nói lên Thiên Chúa hiện diện giữa con người chúng ta thôi.
Nhà thờ, đền thánh là nơi được Giáo Hội làm phép thánh hiến cho Thiên Chúa, nơi đây là nơi thánh thiêng dành cho việc phụng thờ cầu nguyện.
Khi bước chân qua ngưỡng cửa vào trong đền thánh hay nhà thờ là bước vào một không gian khác. Trong không gian này lan tỏa bầu khí sự thánh thiêng đạo đức, mà Giáo Hội Chúa cùng với mọi người tín hữu hằng quan tâm gìn giữ ngôi nhà dành cho sự thờ kính Thiên Chúa được cung kính xứng đáng.
Mỗi khi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô bước qua ngưỡng cửa nhà thờ đền thánh vào trong, chúng ta đều lấy tay chấm vào bình đựng nước thánh, rồi làm dấu Thánh gía trên mình vừa để xin ơn thánh hóa mình cùng vừa để nhớ lại làn Nước Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, đang khi đó đồng thời bái gối hay cúi mình chào kính thờ lạy Chúa Giêsu đang ngự trong Nhà Tạm trên cung thánh.
Tâm tình cử chỉ này biểu lột lòng tin kính sâu thẳm „ Nhìn xem, đây là ngôi nhà Thiên Chúa ở giữa con người“ ( Khải Huyền 21,3).
Lễ Nến 02.02.2009