PARAGUAY – NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO

Kinh nghiệm đáng nhớ

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm đáng sợ và đáng nhớ trong những ngày đầu của năm 2009 mà tôi đã từng kinh qua. Đời sống truyền giáo đã dạy cho tôi nhiều bài học quí giá và tôi cũng cần phải rèn giũa thêm cho bản thân mình.

Vào một buổi sang đẹp trời trong tuần, hai phụ nữ trong giáo xứ đến mời tôi thăm bệnh nhân. Tôi cùng rủ cha bạn đồng hương vẫn còn ở lại với tôi trong những ngày hè để viếng người bệnh. Khi đến nơi chúng tôi mới biết bệnh nhân bị cho là quỉ nhập. Tôi nhìn khuôn mặt cô bé 17 tuổi với đôi mắt thẫn thờ và có một chút hoang dại. Tôi hỏi mà cô bé chẳng nói chẳng rằng gì khiến tôi cũng ái ngại một tý vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải làm công tác trừ tà. Tôi bắt đầu cầu nguyện cho cô bé và bỗng giật thót người và nổi da gà vì cô bé thét lớn như giọng của quỉ sứ! Tôi đã cố trấn an mình và mồ hôi trong người toát ra. Tôi đã gọi tên cô bé thật lớn và bảo cô cùng cầu nguyện với tôi. Bổng chốc cô bé đứng bật dậy và tháo tấm ảnh Thánh Gia trên tường rất nhanh và thét lên rất lớn với vỏn vẹn một từ “Hambre” (đói) và cô ta muốn nhai tấm ảnh. Tuy nhiên, người mẹ đỡ đầu của cô bé đã vội cầm tay cô bé lại và trấn tĩnh cô bé. Tiếp đến, tôi rảy nước thánh trên mình cô bé và tự nhiên cô ta lại thét lên thật lớn khiến ai nấy cũng giật mình.

Sau những phút cầu nguyện đầy cam go ấy, tôi đã tranh thủ hỏi chuyện về gia đình cô bé. Cha mẹ đỡ đầu của cô bé đã bắt đầu kể cho tôi chuyện về gia đình cô bé bất hạnh này. Khi cô bé được 5 tuổi thì mẹ cô ta qua đời vì bệnh ung thư. Vài năm sau đó chị cô bé lại tự tử khiến cô bé không còn ai nương tựa. Cha mẹ đỡ đầu của cô đã đưa về nuôi cho đến nay cô bé đã tròn 17 tuổi. Một ngày trước khi tôi đến cầu nguyện cho cô bé thì cô bé lâm vào tình trạng hoảng loạn và có những triệu chứng bất thường mà cha mẹ cô bé cho là quỉ nhập. Cha mẹ đỡ đầu của cô bé đã hỏi cô nhiều điều và cô bé đều trả lời với giọng nói của người mẹ ruột và người chị gái đã chết từ lâu. Những người thân đã chết của cô bé nhập vào cô và nói rằng họ muốn đưa cô về với thế giới bên kia với họ. Quả thực tôi cũng không tin lắm về chuyện này nhưng qua việc cô bé thét lên như giọng của quỉ sứ khiến một linh mục ít kinh nghiệm như tôi cũng thấy rùng mình. Đây là lần đầu tiên trong đời linh mục tôi gặp trường hợp này và cũng là một kinh nghiệm đáng sợ và đáng nhớ trong đời.

Họp mặt gia đình Tỉnh Dòng

Ngày 15 tháng 1 hàng năm là ngày mà toàn thể các thành viên của Dòng chúng tôi kỷ niệm ngày qua đời của Đấng Sáng Lập – thánh Arnold Janssen. Tuy nhiên năm nay là năm đặc biệt hơn vì Dòng chúng tôi kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của Đấng Sáng Lập và vị truyền giáo đầu tiên của Dòng đặt chân đến Trung Hoa Đại Lục, thánh Giuse Freinademetz. Quả thực là công việc Chúa làm qua những cố gắng phi thường của các vị sáng lập. Từ một con người đơn sơ, nhỏ bé như thánh tổ Arnoldo của chúng tôi, ngài đã sáng lập ra 1 Dòng Truyền giáo Nam với tên gọi là Dòng Ngôi Lời và 2 Dòng Nữ Chúa Thánh Thần (1 Dòng Chiêm Niệm và 1 Dòng hoạt động) với con số thành viên trên 10.000 nam nữ tu sĩ, linh mục đang làm việc trên 70 quốc gia là lãnh thổ trên thế giới. Bởi đó, tất cả các Tỉnh Dòng trên thế giới đều tổ chức long trọng mừng lễ hai vị thánh tổ của Dòng. Tỉnh Dòng Paraguay của chúng tôi cũng đã tổ chức họp mặt gia đình Tỉnh Dòng tại cực Nam của Paraguay cách thủ đô Asunción 5 giờ xe hơi. Ở đây chúng tôi có nghĩa trang riêng giành cho các nhà truyền giáo của Dòng nên đầu tiên chúng tôi đã viếng mộ và cầu nguyện cho các nhà truyền giáo đã khuất. Sau những giây phút cầu nguyện cho các anh em quá cố, chúng tôi trở về khuôn viên của Dòng để sống những giây phút huynh đệ qua bữa ăn agape và hàn huyên tâm sự với nhau về sứ vụ truyền giáo. Năm nay Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi tiếp đón thêm một số nhà truyền giáo trẻ đến từ các nước Ấn Độ, Ghana và một linh mục gốc Việt mới chịu chức hồi tháng 5 năm 2008 vừa qua tại Chicago, Mỹ. Như thế, hiện nay ở Paraguay chúng tôi có được 3 anh em linh mục Việt Nam và anh em chúng tôi được dịp hàn huyên tâm sự với nhau thỏa thích.

Vào buổi sang hôm sau, chúng tôi cùng hiệp nhau dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các thành viên đã qua đời. Một anh em linh mục đọc lại bức thư của Đấng Sáng Lập như là một lời di chúc cho các anh em và hậu duệ trong sứ mạng truyền giáo. Sau đó anh em chụp hình lưu niệm và cùng nhau kéo đến một nông trại để giải trí và nhận quà của Tỉnh Dòng. Anh em đã sống những giây phút ngắn ngủi bên nhau thật vui vẻ sau những tháng ngày bề bộn trong công việc. Sau đó mỗi người lo trở về nhiệm sở của mình.

Những kỷ niệm buồn vui

Tôi cũng muốn chia sẻ một số kỷ niệm buồn vui trong những ngày đầu năm dương lịch đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và mấy ngày không ngủ được vì lo âu.

Số là đang trên đường để dự họp với các nhà truyền giáo trẻ ở một trang trại do một giáo dân đạo đức ở đó khỏan đãi thì chúng tôi nghe một hung tin từ phía gia đình người giáo dân đạo đức này. Cậu con trai thứ của ông đang lái chiếc xe tải nhỏ trên quốc lộ thì gặp tai nạn và chết ngay lập tức. Cậu ta chỉ mới tròn 18 tuổi và chuẩn bị vào đại học. Mẹ cậu ta mấy tháng nay bị mất ăn mất ngủ vì con trai đầu của họ cách đó không lâu cũng bị tai nạn chính chỗ mà đứa con thứ bây giờ gặp nạn. Khi nghe hung tin này bà mẹ gần như mất trí vì sốc nặng. Người bố thì cố gắng giữ bình tĩnh nhưng trông ông ta khổ sở vô cùng. Chúng tôi đã hoãn cuộc họp và đến thăm để an ủi gia đình đạo đức này. Một số người hàng xóm đã hỏi tôi rằng Chúa ở đâu mà không can thiệp và giúp đỡ gia đình tốt lành này! Tại sao những thằng mất dạy và những tên ăn cướp chạy xe bạt mạng không chết mà chỉ những người tốt lành như cậu bé này lại chết thảm thương như vậy? Quả thực chúng ta không hiểu được ý định nhiệm mầu của Chúa nhưng tôi cũng cố gắng dẫn lời sách Gióp trong Kinh Thánh để giải thích cho những người hỏi tôi. Ông Gióp đã nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng Đức Chúa. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ không biết đón nhận sao?” (x. G 1, 20 tt). Hiểu thì hiểu đó nhưng rất khó chấp nhận cái nghịch lý và mầu nhiệm của sự sống và sự chết.

Trong lúc tôi viếng xác người chết, tôi chú ý đến cô bạn gái của người chết đang khóc lóc thảm thiết bên người yêu mình. Có lẽ vì cô bé này khóc nhiều nên làm người chết mủi lòng và từ trong khóe miệng của người chết máu đã vọt ra ào ạt. Chứng kiến cảnh tượng này tôi dám khẳng định rằng con người chết chưa phải là hết, mà như thánh Phaolô đã nói, chết là bắt đầu một cuộc sống mới. Con người khác con vật. Con vật chỉ có giác hồn nhưng con người có linh hồn nên dẫu chết rồi vẫn còn có những luyến tiếc hay nhớ thương những người còn sống.

Một chuyện kể cũng đáng buồn khác là khi 3 anh em Việt Nam chúng tôi ghé qua giáo xứ và trụ sở chính của Dòng ở thành phố Este, giáp với biên giới Brazil trước khi về lại nhiệm sở, chúng tôi đã chứng kiến cơn đột quỵ của một linh mục người Đức cùng Dòng mà nếu chúng tôi rời đó sớm một tý thì ngài đã chết mà không ai hay biết. Khi chúng tôi chuẩn bị ăn trưa và gọi ngài vì ngài là Rector của Nhà Chính kiêm cha phó giáo xứ lớn này thì không nghe ngài trả lời. Gọi mãi cũng chẳng nghe tiếng ngài nên chúng tôi quyết định phá cửa xông vào. Khi vừa phá cửa vào thì chúng tôi thấy ngài nằm ngay đơ sắp chết vì bị ngã từ hồi đêm mà không ai hay biết. Chúng tôi vội gọi cấp cứu và thay quần áo, tắm rửa cho người anh em đáng thương này. Ngài đã bị á khẩu và liệt bên trái hoàn toàn. Cuộc sống này sao mà ngắn ngủi và hẩm hiu quá. Mới ngày hôm qua ngài và chúng tôi nói chuyện thật nhiều về cuộc sống và về công việc truyền giáo. Ngài có rất nhiều bằng cấp và rất nhiều kinh nghiệm. Vậy mà hôm nay ngài đã nằm đó bất động, sống mà như chết. Ôi cuộc đời tu sĩ linh mục hẩm hiu và buồn tẻ biết bao! Khi mình còn khỏe mạnh và tài năng thì xông xáo trên nhiều mặt trận, nhưng khi đau yếu và có tuổi thì chỉ có một thân, một mình. Có những trường hợp một số tu sĩ linh mục qua đời sau mấy ngày mới phát hiện thì thân xác đã thối rồi! Đó cũng là một thách đố của đời truyền giáo.

Một kỷ niệm vui đáng nhớ trong những ngày đầu năm dương lịch 2009 là 3 anh em linh mục Việt Nam chúng tôi được cha xứ nhà thờ thánh Lu-ca cùng Dòng mời dâng thánh lễ Chúa Nhật. Đây là một nhà thờ lớn và hiện đại nhất của thành phố Este. Giáo dân tham dự thật đông và cả vợ chồng anh chị Việt Nam đang cư ngụ ở Brazil cũng đến dự lễ. Anh em chúng tôi phân công nhau làm nhiệm vụ trong thánh lễ. Cha Chinh mới chịu chức làm chủ tế. Cha Huân được phân công cảm ơn sau thánh lễ, và tôi được phân công thuyết giảng. Cả nhà thờ nhộn lên khi 3 linh mục trẻ Việt Nam đồng tế thánh lễ. Trước khi kết thúc thánh lễ, cha xứ đã yêu cầu chúng tôi cầu nguyện Kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt để mọi người nghe tiếng Việt thế nào. Chúng tôi đã dâng lên Chúa Kinh Lạy Cha bằng tiếng mẹ đẻ trên xứ người dưới sự chứng kiến của gần 1.000 tham dự thánh lễ. Cha xứ dù không hiểu nhưng rất vui mừng và bật khóc. Cả cộng đoàn vỗ tay tung hô.

Hôm nay ngồi đây viết lại những dòng nhật ký này khi cái Tết Việt đã bước mồng 3 Tết. Nhìn những hình ảnh và đọc những bài viết về Tết Việt ngay ở quê hương và ở các nước có nhiều người Việt sinh sống như Mỹ, Úc, Đức…bỗng cảm thấy nhớ nhà quá. Ngày mồng Một Tết tôi có gọi về cho Ba Má tôi để chúc Tết thì nghe trong điện thoại giọng nghẹn ngào của Má: “Sang ơi! Khi nào con được về? Má nhớ con quá!”. Tôi cũng cố trả lời cho để Má tôi vui: “Má ơi, năm tới con sẽ về thăm Má” nhưng không biết mình có thực hiện được lời hứa đó không vì không ai biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Xin cầu chúc mọi người trong năm Kỷ Sửu được sức khỏe dồi dào, may mắn, thịnh vượng và tràn đầy ơn Chúa.

Paraguay, 27/01/ 2009,