Bài suy niệm của Ðức Cha Comastri

VATICAN 10/3/2003 (ZENIT.org).- Tại sao Thánh Phaolo đã đi bộ 8.000 cây số? Đức Cha Comastri trả lời trong khuôn khổ bài giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều tại Vatican về chủ đề "Thiên Chúa là tình yêu: trở về từ Tin Mừng này". Vào sáng ngày Thứ Hai, Ðức Cha Angelo Comastri, đã giảng về hai chủ đề: "Chứng từ đòi hỏi sự gặp gỡ" và "Theo con đường nào để gặp Chúa?"

Nói với Ðài Phát Thanh Vatican, Đức Cha Comastri tóm tắt những suy tư này: "Kitô giáo dựa trên điều chắc chắn là Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người và nếu Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người, thì không thể kiểm soát Thiên Chúa được. Thiên Chúa có thể ở gần. Thiên Chúa cũng có thể thấy được. Và những người gặp Chúa, thấy Chúa, cần phải trở nên những chứng nhân cho Chúa. Nhưng muốn làm chứng nhân, thì phải gặp. Tông đồ Phaolô đã gặp Chúa Giêsu trên đường đi Damas, sau khi gặp Chúa Giêsu Phaolô không thể dừng chân. Người ta ước tính Thánh Phaolô đã đi lối 8.000 cây số đường bộ và ước chừng 9 tới 10.000 cây số đường biển. Nhưng tại sao? Bởi vì Ngài không thể giữ lại trong mình ngọn lửa đầy nhiệt huyết khi Ngài gặp Chúa Giêsu. Nhưng nếu không có cuộc gặp mặt này, thì Phaolô không bao giờ là chứng nhân của Chúa Kitô".

Đức Cha Comastri cũng đưa ra hình ảnh Thánh Phanxicô Assisi. "Khi tới 20 tuổi, thánh Francois là một người kitô hữu, nhưng ở mức độ "trung bình". Cuộc gặp với Chúa Kitô đã là rất mong manh. Nhưng khi trong nhà thờ nhỏ San Damiano, Phanxicô thình lình mở mắt nhìn lên Chúa chịu đóng đinh, và cảm giác trong đức tin là Đấng chịu đóng đinh thét lên tình yêu của Thiên Chúa, kêu lên tình yêu của Thiên Chúa, từ ngày đó Phanxicô đã thay đổi.

Thomas da Celano viết rằng ngày ấy Phanxicô bắt đầu cảm thấy lòng thương xót đối với Chúa. Cách nói này của Thomas da Celano thật kỳ lạ: ngài muốn nói gì? Thông thường, chúng ta nói Chúa thương xót chúng ta.Thomas da Celano thì ngược lại đã viết rằng Phanxicô bắt đầu cảm thấy lòng thương xót đối với Chúa, bởi vì thánh nhân đã hiểu Thiên Chúa là Tình yêu và đã hiểu tình yêu này không được đáp đền. Bấy giờ, thánh nhân đã cảm thấy đến nhu cầu lớn lao phải đền đáp tình yêu đó, bằng chứng này đã bộc lộ lúc Phanxicô gặp Chúa Giêsu, đã mở con mắt đức tin khi nhìn lên Ngài".

Rồi, vị giảng phòng đã cống hiến đến một bằng chứng mới hơn, bằng chứng của Jacques Fesch, là thanh niên người Pháp bị án tử hình vì tội sát nhân và bị xử chém ngày 1/10/1957. Nhờ ảnh hưởng nhân đức của Thánh Têrêsa thành Lisieux, anh ta đã trăn trối một gia sản thiêng liêng tốt đẹp cho người con: đó là cuộc hành trình cải thiện trong tù. Dự án phong chân phước của anh đã được mở hồ sơ.

Đức Cha Comastri giải thích "Trong tù người thanh niên này bị nhốt biệt giam và không tìm được sự bình an. Vào một đêm, anh đập vào vách phòng giam và kêu lên rằng: "Lạy Chúa con, lạy Chúa con! Và anh lấy làm lạ anh đã kêu Chúa mà không nguyền rủa Ngài. Anh ta đã thuật lại, vào lúc đó tính kiêu ngạo của anh tan biến và anh thấy mình nằm trên cánh tay của Chúa. Anh đã gặp Chúa. Và bắt đầu từ đó, anh cảm thấy sự đòi hỏi phải thuật lại cho mọi người gương mặt của Chúa mà anh đã cảm nhận trong đêm đó, và anh đã trở nên tông đồ trong tù, tông đồ bên vợ của anh là người vô thần, bên cạnh người bố cũng là người vô thần và anh đã chết khi phó thác mình trong cánh tay Chúa Giêsu. Trước khi lên máy chém, anh kêu lên :"Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con! Chỉ có Chúa mới có thể giúp con!" Nhưng anh đã có cuộc gặp gỡ, chính anh người bị án tử đã kêu xin Người bị kết án trên đồi Golgotha, vì anh xác tín rằng trong những lúc tuyệt vọng, chiếc neo duy nhất đó là Chúa."

Đức Cha Comastri sau đó xác định đến những điều kiện cần thiết cho cuộc gặp này. "Câu trả lời cũng lại đến với chúng ta từ Lời Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong Cựu Ước, có nói nhiều nơi rằng " những người được Chúa gọi, và những người luôn luôn đáp lại lời Chúa và chỉ có những người khiêm tốn mà thôi". Abraham đã già và được kêu gọi làm người cha. Không, đây không phải là một giễu cợt. Nhưng đó là một thách đố, một thách đố với tính kiêu ngạo và Abraham trở nên người cha các tín hữu. Giacob có tính kiêu căng nhưng ông phải đấu tranh trên bờ suối Giáp bốc. Cuộc đấu tranh mà sách Sáng thế tường thuật là một cuộc đấu tranh giữa kẻ không-tin và người tin, giữa sự kiêu căng và sự khiêm tốn. Giacob đã đấu tranh và cuối cùng ông đã qua suối, nghĩa là ông hóa nên người khiêm tốn và trông cậy Chúa. Cho nên Chúa đã đổi tên ông "Ngươi không còn là Giacob nữa, ngươi sẽ được gọi là Israel. Vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta và ngươi đã thắng. Nghĩa là: "Ngươi đã hóa thành khiêm tốn".

Trong sách Tin Mừng, chúng ta biết rằng người tín hữu cao cả nhất và người khiêm tốn nhất chính là Đức Maria. Kinh nghiệm về Thiên Chúa trong Đức Maria đã đạt tới tột đỉnh. Sự cởi mở của Mẹ với Thiên Chúa quá mãnh lệt đến nổi nhờ tiếng "Xin Vâng" của Mẹ, Mẹ trở nên nơi Chúa ngự giữa loài người. Tiếng Xin Vâng của Đức Maria cống hiến cung lòng cho Con Thiên Chúa, một xác thịt và một máu huyết con người. Đức Maria là sự kinh nghiệm lớn nhất về Thiên Chúa, bởi vì tâm hồn Đức Maria là tâm hồn khiêm tốn nhất trên mặt đất này. Như thế để kết thúc cho ngày đầu tiên này: chúng ta phải trở nên khiêm tốn. Ðức Giáo Hoàng Gioan hiền lành thường nói: "Hãy đặt tính kiêu ngạo chúng ta dưới chân chúng ta". Đó là một điều kiện cần thiết để gặp Chúa và trở nên chứng nhân cho Ngài".