Giáo phận đại diện tông tòa Pakse, Lào: chỉ có mỗi một linh mục và một giám mục để lo đủ mọi chuyện

Vatican, 07.03.2003 - Bản tin đầu tháng 3.2003 của Các Giáo Hội Á Châu (EDA) do Hội Thừa Sai Ba Lê phát hành, loan tin cho biết hiện nay chỉ có một linh mục phụ với Đức Cha Ling Mangkhanedkoun trong việc mục vụ trong giáo phận đại diện tông tòa Pakse, với khoảng 1 triệu dân số. Mơ ước lớn lao nhất của Đức Cha Ling Mangkhanedkoun là mong sao cho giáo phận có thêm các linh mục lo việc truyền giáo và mục vụ. Ngoài ra, Đức giám mục cũng mong sao có được một số anh chị em giáo dân biết cộng tác vào việc mục vụ và cải tiến mối liên hệ giữa giáo hội và chính quyền địa phương. Đức Cha được phong chức giám mục từ một năm qua.
Hiện nay giáo phận đại diện tông tòa Pakse có 12.000 tín hữu, sống rải rác trên 60 làng mạc, trong số 910.000 dân số, tức khoảng 0,013%. Pakse nằm trên bờ sông Mêkông, cách thủ đô Vạn Tượng (Vientiane) khoảng 465 cây số về phía đông nam.
Trong Hội Nghị Hội đồng giám mục hai nước Lào và Căm Bốt vào ngày 11 đến 18.11.2002 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, Đức Cha Ling đã trình bầy tình hình giáo phận của Ngài như sau:
“Chúng tôi chỉ có mỗi một linh mục và một giám mục để lo đủ mọi chuyện, lo chăm sóc mục vụ cho 60 làng. Việc khẩn cấp nhất đối với giáo phận tông tòa chúng tôi là có thêm một vài linh mục để phục vụ cho những người Công giáo, một số người chỉ được gặp linh mục mỗi năm một lần. Tôi phải làm hết mọi việc, từ dâng lễ, thăm bệnh nhân, chuẩn bị hôn phối cho các cặp hôn nhân trẻ, sinh hoạt với giới trẻ, chôn cất kẻ chết, khuyên bảo người này người nọ, mỗi người có vấn đề riêng của họ”.
Bản thân vị giám mục phải phụ trách 6 làng, còn linh mục Antoine Biengta Vonghachak coi sóc 30 làng khác. Khoảng chừng 20 nữ tu và 120 giáo lý viên dậy giáo lý, chủ tọa các buổi đọc kinh trong các làng hẻo lánh và thăm viếng mọi người vào các dịp đại lễ như Giáng Sinh và Phục Sinh. Trong mùa mưa lầy lội, di chuyển từ làng này qua làng khác là cả một vấn đề cực nhọc và khó khăn. Nhưng Đức Cha cũng hy vọng là hiện nay giáo phận có 8 đại chủng sinh, một trong những chủng sinh này đã học hết thần học.
Trở ngại quan trọng nữa đối với giáo phận Pakse là ngân quỹ thiếu hụt trầm trọng, nên các dự án đào tạo và truyền giáo đều bị ngưng trệ. Đàng khác, giáo phận cũng chưa huấn luyện được các giáo dân chuyên môn để cộng tác vào việc mục vụ, đào tạo cán bộ Phúc Am.
Đức Cha cũng ước mong mối liên hệ với chính quyền địa phương ngày càng được cải tiến: “tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ quên đi những mối ngờ vực đối với Giáo Hội, để chúng ta có thể chung tay làm việc một cách hiệp nhất và hòa hợp với nhau hơn”.
Thực sự ra khi cộng sản nắm chính quyền vào năm 1975 ở Lào, thì tất cả mọi hoạt động tôn giáo đều bị ngăn cấm và ngưng trệ. Chỉ mãi tới năm 1991, sau khi cộng sản xụp đổ tại Liên Bang Sô Viết, chính phủ Lào mới bắt đầu cải tổ xã hội kinh tế, nhưng tự do tôn giáo vẫn bị hạn chế và thật mong manh.
Dù vậy, Đức Cha vẫn luôn hy vọng rằng có biết bao nhiêu lý do để hy vọng qua các cuộc tiếp xúc với chính quyền cấp tỉnh: bầu khí thân thiện sẽ mở ra một thời đại mới cho Giáo Hội.