CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG (B)

2Samuel 7: 1-5,8b-12,14a,16; Tv: 89; Roma 16:25-27; Luca 1: 26-38

Anh chị em thân mến

Bài đọc thứ hai hôm nay là phần kết của thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma. Đó là lời kinh cuối thường được dùng trong Phụng vụ. Sách thánh của dân Do Thái và của người Kitô hữu thường có những lời kinh để kết thúc như vậy. Đó là kinh tụng ca vinh danh. Kinh Thánh ca tụng vinh quang Thiên Chúa, uy quyền cùng sự thánh thiện của Ngài vang dội qua các thời đại và các dân tộc.

Lời kinh cuối thường là những lời kinh đáp lại những việc Thiên Chúa đã làm trong đời sống chúng ta. Mỗi khi chúng ta chấp nhận danh thánh Chúa, thì chúng ta ca tụng vinh danh Ngài. Đôi khi vinh quang Thiên Chúa đến trong đám mây, hoặc chiếu rọi trong đền thánh (Xh 29:43; Ds 16-19;Is.6 và nhiều thánh vịnh). Mỗi khi chúng ta ca tụng vinh danh Thiên Chúa, chúng ta hay dâng lời kinh: "Vinh Danh Thiên Chúa ", " Hãy ca tụng Danh Chúa" v.v... Chúng ta thường ca ngợi "danh thánh" hay những lời ca tụng khác như trong Phụng vụ thánh lễ hôm nay.

Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết danh thánh Chúa đã được ca tụng qua cuộc đời của Chúa Kitô, qua sự chết và sự Sống lại của Người. Khi chúng ta đến với đức tin và nhận lấy danh thánh Chúa thì chúng ta đã ca ngợi vinh danh Ngài. Trong sự kết hợp mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Chúa Thánh Linh làm chúng ta dâng lời ca tụng sự huyền nhiệm này. Trong Phúc âm hôm nay, mọi người hãy cất lời ca tụng thánh danh Thiên Chúa qua lời nói và việc làm của Đức Kitô. Trong Phụng vụ thánh lễ nửa đêm lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ nghe thánh Luca tả lại sự xuất hiện của các thiên sứ trước các mục đồng, trong ánh sáng và tiếng ca tụng "Vinh danh Thiên Chúa trên trời" (Lc 2:14), về việc Thiên Chúa đã cho Đấng Cứu Thế Giáng sinh.

Trong thư thánh Phaolô, thường có những bài tụng ca ở cuối thư (X. Ep.3:20-21; Phi.2:5-11) giúp chúng ta nhìn vào uy quyền Thiên Chua, với tình thương của Ngài qua Đức Kitô. Thánh nhân khuyên chúng ta nên suy niệm và lãnh nhận tình thương yêu của Thiên Chúa trong đời sống, rồi dâng lên lời ca tụng vinh danh Ngài. Chúng ta có bổn phận luôn sống ca ngợi vinh danh Thiên Chúa, vì đã được Chúa Kitô soi sáng cho chúng ta. Nói cách khác là, chính đời sống chúng ta phải là một bản ca tụng: "vinh danh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta"; "Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?" (1Cr.6:19)

Phần kết thúc thư Rôma cũng như phần mở đầu, (Rm 1:2-5) thánh Phaolô ca ngợi Tin mừng: "đã dùng các ngôn sứ của Ngài mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Người, Thánh Phaolô đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng, hầu danh Ngài được rạng rỡ". Chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa vi Ngài đã đưa tay cứu độ mọi người qua Đức Kitô.

Trong Phúc âm, quang cảnh báo tin mừng ngày sinh Đấng Cứu Thế đã được trình bày qua các bức tranh họa. Bức tranh của Fra Angelico về thiên sứ truyền tin cho Đức Maria treo trong viện bảo tàng thánh Máccô ở Florence. Viện bảo tàng này là tu viện dòng Đaminh, và nghệ sĩ tu sĩ thời Phục Hưng Fra Angelico này đã vẽ nhiều tác phẩm trên các bức tường của tu viện, nhằm giúp các tu sĩ dễ chiêm niệm những mầu nhiệm đức tin.

Có một bức tranh trình bày Đức Mẹ ngồi trên ghế gỗ trước cửa nhà. Đức Mẹ trông có vẻ bình an và ăn mặc chỉnh tề. Có chút ánh sáng mặt trời và thiên thần chói sáng. Cảnh trí đó giúp các tu sĩ sống đời cầu nguyện trong thinh lặng. Nhưng chúng ta đâu có sống trong tu viện đó, dù vậy chúng ta có thể nhờ bức tranh của Fra Angelico để giúp chúng ta có chút thời gian suy niệm mầu nhiệm của Chúa trong cuộc sống bận rộn hàng ngày của chúng ta.

Tuy nhiên, một ý nữa được nảy sinh trong bài Phúc âm hôm nay, làm cho chúng ta không mấy thư thái. Hãy đọc câu mở đầu: "Thiên Chúa sai sứ thần đến một thị trấn ở Ga-li-lê gọi là Na-xa-rét". Mới đọc thôi sẽ không thấy có gì lạ cả, nhưng Galilê là nơi rất phức tạp. Ở đó đa số là nông dân nghèo khổ. Ở Galilê, chủ nghĩa dân tộc rất mạnh nên thường có những cuộc nổi dậy đòi độc lập. Dân Galilê thường được xem là dân hay nổi loạn đòi tự do. Thiên Chúa đã muốn chọn Galilê là nơi Con Chúa làm người. Chúa Giêsu là người Galilê.

Đức Maria sống trong một vùng phức tạp. Người đã làm gì trước khi sứ thần Gabriel đến gặp ở Nadarét? Trong bức tranh của Fra Angelico, Đức Maria ngồi thinh lặng như đang suy ngẫm. Một số nghệ sĩ khác vẽ Đức Maria quỳ gối như đang cầu nguyện. Nhưng có lẽ nên vẽ Đức Maria đang làm bánh, hay đang may vá, hoặc đang nhóm bếp nấu ăn. Đức Mẹ cũng có thể đang đứng ở cửa để nghe tiếng hò reo của một nhóm biểu tình chống đối. Chúng ta không muốn diễn tả đời sống của Đức Maria một cách không thực tế. Chúng ta không muốn Đức Maria sống khác với cuộc sống thường ngày của xã hội Nadaret.

Nhin lại lần nữa bức tranh, chúng ta thấy Đức Maria gặp sứ thần Gabriel: "Nghe lời sứ thần, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào có nghĩa gì". Nhưng sứ thần trấn an sự bối rối của Đức Maria liền: "xin Bà đừng sợ". Chắc Đức Maria có vẻ lo sợ lắm. Nơi Người sống, Galilê là vùng đất có nhiều cuộc nổi dậy, và câu hỏi của Đức Maria chứng tỏ Người đang lo sợ. Nhưng Sứ thần không nói nhiều về hiện tại và tương lai của Đức Maria. Trái lại, điều thần sứ muốn trình bày là Đức Maria phải để Thiên Chúa đi vào đời sống của mình và chỉ duy nhất một điều là tin vào Ngài. Đó là thái độ chúng ta cần phải có mỗi khi chúng ta thưa "vâng" với Chúa.

LỜI NGUYỆN MÙA VỌNG

TRƯỚC KHI ĐỌC SÁCH THÁNH

Lạy Chúa xin Chúa hãy ở với chúng con trong Mùa Vọng này, xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày thêm thánh thiện để đón Đấng sẽ đến với chúng con.

Xin Chúa hãy ban ân sủng như lời Chúa hứa vào lòng chúng con. Xin Chúa hãy mau giúp chúng con tìm hiểu những gì chúng con sẽ gặp trong cảnh sa mạc vắng của Mùa Vọng: Xin Chúa hãy kiên nhẫn nâng đỡ chúng con hiểu ơn cứu chuộc của Chúa. Xin Chúa cho chúng con hiểu uy quyền của Chúa qua Chúa Giêsu, là Chúa muốn thay đổi mọi sự trong chúng con.

Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô con Chúa cùng là Chúa chúng con.. .........

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP