THƯƠNG THAY CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

Hơn 30 năm trước khi còn là cậu học sinh của một trường trung học tư thục. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó cũng như bao gia đình công nhân khác. Không dám nói là giàu sang, nhưng có của ăn của để. Bố tôi học chưa hết bậc tiểu học, thì cùng gia đình di cư vào nam theo tiếng gọi tự do năm 1954. Được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cấp cho một miếng đất, và giúp dựng một căn nhà tạm vách gỗ mái lợp tôn. Đồng thời trợ cấp một số vốn để gia đình tôi ổn định cuộc sống với nghề làm bánh tráng (bánh đa). Đến năm 1965, thì ông vào làm công nhân cho một công ty Mỹ (sau này cộng sản gọi những thành phần như ông là tay sai cho đế quốc).

Với mức lương 30.000đ (tiền VNCH)/tháng. Không những đủ chi tiêu cho cả gia đình năm miệng ăn. Mà còn dành dụm để xây được một căn nhà cấp bốn với gác lửng vào năm 1970. Và tôi còn nhớ trong thập niên 60, gia đình nào có được chiếc xe Honda Dame là gia đình đó thuộc hạng khá giả. Tôi cũng từng có những giây phút hạnh phúc, vì vui mừng trong cái ngày bố tôi mua về chiếc Honda Dame màu đỏ tưoi, bằng chính đồng lương công nhân của ông, năm 1967 với giá 32000đ (tiền VNCH).

Thế rồi, kể từ sau cái ngày 30/04/1975, ngày mà những người cộng sản gọi là "chiến thắng lịch sử" (trên chính xương máu của đồng bào mình ở cả hai miền nam bắc trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn), cũng là ngày gia đình tôi, và bao gia đình sống ở miền nam lúc đó bước vào một cuộc sống đầy tăm tối. Toàn bộ tài sản dành dụm dược trong những ngày làm công, bố tôi gửi ở ngân hàng tư nhân đã tan theo mây khói. Chúng tôi phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Nhưng cho đến nay, nhìn lại đất nước sau hơn 30 năm sống dưới chế độ XHCN. Một người đi làm công nhân, không đủ nuôi thân, nói chi đến giúp đỡ gia đình hay nuôi vợ con.

Đã 33 năm trôi qua, với biết bao vật dổi sao dời, đời sống người dân các nước lân bang tiến lên vượt bậc. Nhưng riêng gia đình tôi và còn biết bao những gia đình khác vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Mặc dù chúng tôi đã cố xoay sở kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Từ giã nghề giáo viên giữa cái thời bao cấp đầy khó khăn. Thời mà đồng lương được tính bằng cả những mặt hàng nhu yếu phẩm (chưa biết có dùng được hay không) và gạo cộng lại. Về nhà, gia đình tôi quay trở lại với nghề bánh tráng. Còn tôi bước ra ngoài xã hội kiếm sống, bằng nghề chở bột mì mướn cho các lò bánh nhỏ. Với chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi chuyến hàng, tôi chở được ba bao bột (25kg một bao). Đi từ Biên Hòa về đến Sài Gòn thì được trả công 125 đồng/chuyến. Sau khi trừ tiền "lộ phí" dọc đường, tôi cũng còn được105đ.

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80. Bột mì ở nước ngoài, thông qua Tổ chức Caritas, viện trợ giúp người dân trong nước sau thời kỳ chiến tranh. Đã không được phân phối trực tiếp và miễn phí cho người dân, mà qua trung gian những lò bánh lớn (được bọc trong cái vỏ hợp tác xã), sau đó đem bán lại cho chúng tôi là những ổ bánh mì, mới để từ sáng đến trưa đã cứng như khúc củi khô. Nếu không ăn thì đói, vì lúc đó, dù có tiền cũng chỉ được mua đủ số theo tiêu chuẩn đầu người trong hộ khẩu. Chế độ XHCN đã cố gò ép chúng tôi đi vào cái họ gọi là "hợp tác xã", một lối sống tập thể Chẳng qua chỉ là hình thức sống theo "bầy đàn" dưới sự "chăn dắt" của đảng. Cho bao nhiêu, được hưởng bấy nhiêu. Muốn mua cây kim, ống chỉ, cũng phải có sổ "xã viên".

Không biết bằng cách nào, bột mì lúc đó dù rất nhiều, nhưng vẫn rất hiếm đối với những lò bánh cá thể nhỏ lẻ. Và nó trở thành hàng quốc cấm. Chúng tôi cũng thành những kẻ chở hàng lậu.

Với hơn 30 năm ấy, lẽ ra đời sống người dân Việt Nam phải được nâng lên đáng kể. Thậm chí mức sống có thể còn cao hơn những quốc gia trong khu vực như Miến Điện hay Thái Lan, Singapore ngày nay. Họ cũng chỉ thực sự mới phát triển khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Nhưng điều nghịch lý đã xảy ra trên đất nước Việt Nam, nơi những người cộng sản tự ca ngợi là thiên đường XHCN ngày nay. Đời sống người dân ngày càng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Nhiều khi vì cuộc sống, họ quên cả những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên những chuyến hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn cho phép vận chuyển của một chiếc xe gắn máy. Khó khăn không chỉ về mặt kinh tế. Mà cả về đời sống tinh thần: quyền tự do căn bản cũng không có. Đã có thời muốn đi đâu, ở đâu thì phải xin phép. Muốn tổ chức đám cưới hay đám ma cũng phải xin phép. Nghĩa là, tất cả đều phải thông qua thủ tục "xin cho". Nhận thức của người dân thì lạc hậu so với thế giới bên ngoài. Ngay cả hiện nay, thời kỳ bùng nổ của thông tin hiện đại mà nhiều người, nhiều gia đình vẫn không thể tiếp cận với máy vi tính, hay với mạng internet.
Chỉ có những gia đình đảng viên cộng sản là được hưởng đòi sống sung túc, với nhiều thứ quyền lợi đi kèm.

Một đất nước mà những ngưòi tài trí, thực sự có tâm huyết với dân tộc. Bị vu khống, mạ lỵ làm mất danh dự, vì dám nói lên sự thật. Nơi mà Công Lý và Sự Thật bị cầm tù. Và người ta chỉ lo củng cố thế lực của bè phái. Bỏ mặc nền kinh tế tự phát. Dân tình lận đận vì giá cả lên xuống thất thường. Hỏi sao đất nước ấy không ngày càng tụt hậu về mọi mặt.

Buồn thương cho kiếp tơ tằm

Lại thương đến kiếp con người lầm than.
Bởi đâu phải sống cơ hàn,
Mấy mươi năm ấy với đàn sói hoang.
Sống theo bầy lũ ngang tàng,
Rủ nhau ăn cướp của làng, của dân
Lại còn cái miệng tham ăn,
Oang oang tranh lấy là phần của quan.
Chỉ thương cái kiếp thanh bần,
Càng thêm khốn khó là quần chúng đây.
Thưong thay cũng một kiếp này,
Làm dân một nước có bầy tham quan.
Lãnh đạo có đảng "vinh quang",
Dân lành đói rách lang thang kiếp ngưòi.