Washington (CNA) – Phản ứng của một số người Công giáo lỗi lạc đối với việc Thượng nghị sĩ Barack Obama bang Illinois đắc cử chức vụ tổng thống Hoa kỳ, là đưa ra sự cẩn trọng, khuyến khích học hỏi thêm giáo lý và hoạt động văn hóa, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng phải chống đối việc Obama sử dụng chức vụ tổng thống để thúc đẩy quyền phá thai.

AUSTIN RUSE, Chủ tịch Viện Gia đình Công giáo và Nhân quyền (Catholic Family and Human Rights Institute), cho cơ quan thông tấn CNA biết rằng người Công giáo nên ủng hộ Obama những điều họ chấp nhận được và nên chống đối “với tất cả thực thể cúa chúng ta” trong những vấn đề như phá thai chẳng hạn. Ông cũng nhấn mạnh đến việc phải chú tâm vào giáo lý.

Ông nói: “Nếu người Công giáo đã thực sự hành động phù hợp với các hiểu biết đúng đắn về đức tin của mính, Barack Obama đã không bao giờ đắc cử được.”

Lên tiếng về mối nghi ngờ của ông cho rằng những người Công giáo đi lễ thường xuyên đã ủng hộ McCain, nhưng “người Công giáo nói chung” (generic Catholics) ủng hộ Obama, Ruse cho biết ông nghĩ là tổ chức với nỗ lực nhắm vào người Công giáo trong chiến dịch tranh cử của McCain đã “rất yếu”.

“Tổ chức đó thực sự đã không khi nào cất cánh nổi khỏi mặt đất và bị què quặt do kế hoạch dở và thực thi dở. Tôi khá gần cận với nó nên tôi biết nó bị trì trệ do những nghị trình cá nhân ít dính dáng gì đến việc bầu cho McCain và hầu hết là chỉ để bảo vệ thế đứng. Công tác vươn tới người Công giáo trong chiến dịch tranh cử của McCain cực kỳ thiếu xây dựng”

Tuy nhiên, Ruse cho biết các vị giám mục đã là những “ngôi sáo sáng.”

“Chúng ta chưa hề thấy việc nào như thế. Hơn 100 vị đã xuất hiện, công khai chống lại Nền Văn hóa Sự Chết. Tôi e rằng nhiều vị sẽ bị sở thuế làm khó dễ. Tôi hy vọng các ngài vẫn còn mạnh mẽ. Tôi thíêt nghĩ các ngài sẽ như thế và sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa vào những tháng sắp tới.”

Ruse cảnh báo rằng Obama và đồng minh của ông này sẽ là “chính quyền phò phá thai, phò hôn nhân đồng tính nhất trong lịch sử. Giáo hội sẽ duy trì vị trí chống đối gần như thường trực với chính quyền trong những vấn đề về chính sách công quan trọng nhất đối với giáo hội. Tôi mong rằng các giám mục cũng như hàng giáo dân Công giáo trung tín sẽ rất tích cực.” Ông nói rằng Giáo hội sẽ phải chiến đấu quyết liệt hơn nữa cho “sự sống và gia đình.”

Cha FRANK PAVONE, Chủ tịch tổ chức các Linh Mục Phò sinh (Priests for Life) nói rằng người Công giáo nên tập chú vào việc thách đố Obama “mỗi ngày suốt nhiệm kỳ của ông nhằm ngưng lại việc giết chết trẻ em hiện đang xảy ra tại Mỹ, và hành động để có sự “thay đổi” trong Đảng Dân chủ để cho đảng này không còn là sứ giả của thần chết đối với những đứa trẻ chưa sinh.”

Cha Pavone cho rằng người Công giáo luôn đóng “vài trò then chốt” trong việc quyết định ai sẽ là tổng thống, và nói các giám mục đã đem ra “nhiều bản tuyên bố tuyệt hảo” về tính ưu việt của quyền được sống, đặt thành vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử. Cha cho rằng giáo huấn của các vị giám mục trong “Forming Consciences For Faithful Citizenship” (Huấn luyện lương tâm cho người công dân giáo hữu) “đã bị lạm dụng và xuyên tạc cả trong và ngoài phạm vi Giáo hội”, và kêu gọi những điều xuyên tạc đó phải được sửa chữa do cùng cơ chế đã tạo ra tài liệu đó.

Cha nói thêm rằng nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc ghi danh cho cử tri đáng lẽ đã phải “mạnh mẽ hơn nhiều”, và thúc giục đẩy mạnh ghi danh ngay từ bây giờ cho chu kỳ bầu cử năm 2010.

Quay qua vấn đề tài liệu giáo dục cho cử tri, cha Pavone chỉ trích nhiều chính sách của các giáo phận đã chống không để cho tài liệu từ “các nhóm bên ngoài” phổ biến.

“Điều đó thúc đẩy một quan điểm cho rằng Giáo hội có tính cách quan liêu và cơ chế hơn là một Thân thể Đức Kitô tràn đầy Thánh Thần, có nhiều bộ phận, năng khiếu và công tác mục vụ khác nhau, tất cả đều khuyến khích lẫn nhau.”

“Tôi thấy đặc biệt là không ích lợi gì hết khi bị gọi là “nhóm bên ngoài”, và những nỗ lực mạnh mẽ để giáo dục cho người Công giáo về các giáo huấn của các giám mục lại được đón nhận với tiêu đề “chỉ được dùng tài liệu riêng của chúng tôi mà thôi”, cứ như thể sứ vụ giảng dạy của các linh mục hay sự hiệp nhất trong Giáo hội phải ngưng lại vào thời gian bầu cử.”

Khi được CNA hỏi về vai trò của Giáo hội trong lãnh vực công dưới chính quyền Obama, cha Pavone đáp:

“Giáo hội sẽ phải đối mặt với áp lực càng ngày càng gia tăng không được can thiệp vào lập trường của các viên chức công như phá thai và hôn nhân; tuy vậy các hành động của một chính quyền phò phá thai và của một Phó tổng thống phò phá thai sẽ cần đến phản ứng của Giáo hội. Nói cách khác, chúng ta phải sẵn sàng tranh đấu.”
John L Allen - Cha Frank Pavone - George Weigel


Ký giả JOHN L. ALLEN Jr. tại Vatican nói với CNA rằng Giáo hội Công giáo “không phải là một đảng phái chính trị. Và mối quan tâm hàng đầu không phải là về chính sách hoặc về luật pháp.”

Trọng tâm của Giáo hội phải là “nơi Giáo hội vẫn luôn họat động – đó là cuộc sống tâm linh, các nhiệm tích, thúc đẩy mối liên hệ với Thiên Chúa qua đức Kitô.”

“Nhưng Giáo hội rõ rệt quan tâm đến những việc công dưới nhãn quan công lý, và cũng như với mọi chính quyền, giáo hội muốn cố gắng làm việc với chính quyền Obama nhằm đề cao phẩm giá con người. Trong thực tế, điều này có nghĩa là tiếp tục đưa ra những luận chứng luân lý đạo đức nhân danh những mạng sống chưa sinh, đồng thời cũng theo đuổi những lãnh vực tự nhiên đã có sự đồng thuận với chính quyền mới như vấn đề cải cách chính sách di dân, công bằng về kinh tế, hòa bình và bảo vệ môi trường.”

Allen gợi ý là Giáo hội và chính quyền Obama có thể hợp tác để xúc tiến việc phát triển ở châu Phi, ông nói rằng 2009 đang được hình thành là “Năm châu Phi” đối với Giáo hội Công giáo toàn cầu. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dự trù thăm viếng Cameroon và Angola vào tháng Ba năm tới, và Thượng hội đồng giám mục về châu Phi sẽ họp vào tháng 10.

Đề cập đến kết quả cuộc bầu cử, Allen nói rằng Obama nhận được đa số phiếu bầu của người Công giáo nói chung nhưng thua sít sao số phiếu của người Công giáo da trắng. Chú ý đến sự kiện là nhiều người trong số người Công giáo da trắng đó “chắc chắn” đã quan tâm đến các vấn đề về sự sống, chẳng hạn như phá thai, ông nói nếu thực sự Obama muốn đoàn kết mọi người, “ông ta cần vươn tới và tìm ra thế đứng chung trên những vấn đề liên quan đến sự sống, đặc biệt lá phá thai.”

Theo cái nhìn của Allen, hầu hết các giám mục đã giữ vững lập trường theo đúng tài liệu “Faithful Citizenship”, chỉ có một “thiểu số nhỏ” đã đưa ra những lời tuyên bố “rõ rệt theo khía cạnh đảng phái.”

“Nếu bảo rằng kết quả cuộc bầu cử là một “thất bại” của các vị giám mục, thì tôi thiết tưởng điều đó sai. Đối với đại đa số các giám mục đã giảng dậy rằng những sự lựa chọn chính trị đặc biệt nào đó là nhiệm vụ của một giáo dân được học biết đầy đủ, thì cuộc chọn lựa Obama (hoặc McCain, nếu như kết quả cuộc bầu cử chuyển hướng như thế) không thể là một chiến thắng hay một thua bại.”

Ông giải thích rằng nay Giáo hội phải đối mặt với thách đố trong việc thiết lập mối liên hệ với chính quyền Obama, không phải là mối liên hệ “đặc biệt thường xuyên chống đối”. Allen đề nghị các giám mục nên nghiên cứu sự nghiệp trong ngành ngoại giao của Toà thánh Vatican, đã có “kinh nghiệm hàng bao thế kỷ” phải đối phó với những chính thể “bằng cách này hay cách khác thù nghịch với một số phương diện trong giáo huấn của Giáo hội.”

Allen nói rằng triển vọng để lật ngược triệt để được Roe v Wade là “cực kỳ giới hạn” dưới chính quyền Obama.

“Do đó, điều thách đố có lẽ là thay đổi chiều hướng một chút, bằng cách đầu tư nhiều tài nguyên hơn nhằm thắng thế cuộc tranh biện bảo vệ sự sống ở cấp độ văn hóa. Nói cách khác, có lẽ chúng ta nên ít tùy thuộc vào quyền áp đặt của nhà nước, mà nên dựa vào xu thế của trái tim con người thường đáp ứng theo chân lý.”

GEORGE WEIGEL, nhà bình luận chính trị và viết tiểu sử Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, nói rằng người Công giáo nghiêm chỉnh nên tập chú vào nỗ lực bảo vệ những thành quả đạt được suốt 30 năm qua về luật pháp trong vấn đề phò sinh, đối lại với “Tổng thống Obama và một Quốc hội cấp tiến phò phá thai đứng đầu là một nhân vật tự xưng là “người Công giáo đạo hạnh.”

Weigel lặp lại nhu cầu phải đánh bại Dự luật Tự do Chọn lựa (Freedom of Choice Act - FOCA) của liên bang. Dự luật này sẽ hủy bỏ mọi hạn chế về phá thai và có thể tước đoạt đi sự bảo vệ dành cho những tiếng nói chống đối có lương tri của người phò sinh.

Vấn đề phiếu bầu của người Công giáo cũng cần phải đem ra nghiên cứu. Ông nói với thông tấn xã CNA:

“Thấy được số “phiếu Công giáo” chung cuộc đã vỡ nát như thế nào là điều đáng chú ý, nhưng cốt yếu là phải tách số phiếu đó ra từng phần, xem người Công giáo đi-lễ-thường-xuyên bầu cử khác biệt ra sao với người năm-thì-mười-họa mới đến nhà thờ và với những người “tribal Catholics” (Công giáo theo kiểu bộ lạc) khác.

Weigel lý luận rằng các giám mục không thể “làm ngơ” thêm nữa về vấn đề rước lễ của những người lãnh đạo quốc gia “kiên trì và chủ tâm phát triển nền văn hóa sự chết.”

Ông nói thêm: nếu Quốc hội bãi bỏ Tu chính án Hyde – cấm dùng quỹ liên bang cho các vụ phá thai – các giám mục và các nhà thần học sẽ phải xem xét đến các hậu quả của việc này về phương diện luân lý, đạo đức.

Ông kết luận: “Sự thắng thế của tiểu bang Washington trong vấn đề an tử (euthanasia) là một cái tát mạnh vào sự nghiệp của nền Văn hóa Sự sống, và rõ rệt là chúng ta cần xem xét lại câu hỏi là sẽ phải phản biện vấn đề đó như thế nào.”