Người ta nói rằng:

“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! “


Hôm nay chúng ta quây quần nơi đây trong ngày lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta đang đứng bên ngôi mộ của những người rất thân thương của chúng ta. Họ đã có một thời gian sống với chúng ta. Họ đã một đời gắn bó với chúng ta. Họ có thể là cha, là mẹ, là anh em bè bạn của chúng ta. Thế nhưng, “một cơn gió thoảng” đã khiến họ xa cách chúng ta ngàn trùng. Nhìn xuống nấm mộ mà lòng nghẹn ngào thốt lên: “Trăm năm còn có gì đâu?”. Hỏi trời, hỏi đất để rồi cũng nghiệm ra rằng: “Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!”.

Phận người thật mong manh. Cuộc đời thật chóng vánh. Cuộc đời thật phù du đến nỗi mà Trần Long Ẩn đã cảm thấy sợ hãi khi mùa xuân đến, mừng tuổi mẹ mà lòng lại nghẹn ngào rưng rưng. Tại sao vậy? Thưa, vì mừng tuổi mẹ cũng đồng nghĩa là xa mẹ thêm chút nữa! Mừng tuổi mẹ mà con lại sợ sắp đến ngày “gió đưa mẹ rụng con rầy mồ côi”. Bài hát này có thể cũng đang diễn tả chính nỗi lòng xao xuyến của chúng ta trong giờ phút này. Chúng ta cũng đang sợ hãi cho những cuộc chia ly phải đến của kiếp sống con người. Bài hát “Mừng tuổi Mẹ” đã diễn tả thật rợn rùng của cõi đời hợp tan như sau:

“… Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới
Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ”


Chia ly, âm dương cách biệt. Đó là định luật tất yếu của kiếp người. Hợp tan là lẽ thường tình. Nhưng liệu rằng những con người đang nằm dưới nấm mộ này, hoặc những người sẽ xa cách chúng ta, họ cần gì nơi chúng ta. Họ cần gì nơi những con người đang sống? Chắc chắn họ không cần cơm áo gạo tiền. Họ không cần bổng lộc. Họ không cần của phù du mau qua. Điều họ cần là lòng thương xót của Chúa. Điều họ cần là Chúa sẽ tha thứ cho những thiếu sót trong kiếp người của họ. Bà thánh Monica đã nói với Augustino con bà rằng: “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng lễ” là đủ rồi.

Thực vậy, theo giáo lý kytô giáo, những người chết là những người hết khả năng để lập công đền tội. Họ đã bị bia đá ngàn năm kết dính thân xác của họ dưới nấm mồ hoang lạnh. Có biết bao công việc dở dang họ chưa làm xong, cái chết đến, khiến họ không còn khả năng để hoàn tất những công việc dang dở. Có biết bao những thiếu sót trong cuộc đời của họ, nay họ muốn thực hiện, nhưng lại không còn khả năng để thể hiện. Họ hoàn toàn bất lực. Họ chỉ còn cậy dựa vào những người còn sống. Hãy thay mặt họ để hoàn thành những ước nguyện của họ, để hoàn tất những công việc dở dang của họ và nhất là để lập công đền bù những thiếu sót trong cuộc đời của họ. Họ rất cần chúng ta những người còn sống hãy nhớ đến họ để đọc kinh dâng lễ, cầu nguyện cho họ. Họ không còn khả năng tự cứu mình nữa. Họ cần chúng ta giải thoát họ khỏi những giam cầm nơi luyện tội vì cuộc sống dương thế của họ còn thiếu bác ái, còn chưa làm tròn bổn phận của cuộc sống hằng ngày.

Niềm tin kytô giáo còn nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ có Thiên Chúa mới có thể lăn tảng đá ra khỏi nấm mồ của chúng ta, chỉ có thiên Chúa mời có thể giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bởi yếu đuối và tội lỗi. Thế nên, chúng ta dâng lễ cầu nguyện, làm việc bác ái để kết hợp với hiến tế đền tội của Chúa Giêsu trên thập giá, để xin ơn tha thứ cho các linh hồn của những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta phó dâng linh hồn người thân yêu trong lòng từ bi của Chúa để nhờ Chúa giải thoát họ và dẫn đưa họ về thiên đàng, về nơi mà chính Đức Kytô đã từng nói: Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con“.

Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Đó cũng là lời an ủi cho kiếp người chúng ta. Thiên Chúa sẽ tìm muôn ngàn cách để giải thoát chúng ta. Vì chính Ngài đã chết vì loài người và cho loài người chúng ta. Người đã chết để cho chúng ta được sống. Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, đã ra đi để nài xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta và ban cho chúng ta mỗi người một chỗ trong nhà của Chúa Cha, trong Lòng Thương Xót của Cha nhân từ. Amen