BAGHDAD - Iraq đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ phá huỷ tên lửa Al-Samoud II. Các thanh tra vũ khí LHQ sẽ tiếp tục tạo áp lực buộc Baghdad thực hiện thỏa thuận phá hủy tên lửa Al-Samoud II này.

Phó trưởng đoàn thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc Demetrius Perricos hiện đang ở Baghdad để theo dõi việc Iraq bắt đầu phá huỷ tên lửa với thời hạn chậm nhất là ngày mai, thứ Bảy, theo như yêu cầu của các thanh tra.

Hôm nay, thanh tra vũ khí khí tại Baghdad sẽ cố gắng làm rõ là Iraq có ý gì khi nước này nói rằng sẽ phá huỷ về mặt nguyên tắc các tên lửa Al Samoud II.

LHQ đã nói rằng Iraq phải thực sự bắt đầu phá huỷ các vũ khí này vào ngày mai, chứ không chỉ đơn thuần thảo luận về việc tiến hành công tác phá huỷ.

Iraq tiếp tục nói rằng họ chỉ có hơn 70 tên lửa loại này, trong khi người ta tin rằng con số phải là 120.

Vì Mỹ đã không đếm xỉa gì đến tuyên bố huỷ tên lửa của Iraq nên bất kể con số thực sự là bao nhiêu, Iraq sẽ càng có lợi nếu như công tác phá huỷ diễn ra càng chậm.

Chuyện này là để Iraq đề phòng trường hợp tổng thống Bush đạt được một nghị quyết của Hội đồng bảo an, hoặc quyết định gây chiến mà không cần đến nghị quyết đó.

Một tín hiệu cho thấy tâm trạng chuẩn bị đó tại Baghdad được thể hiện trong một cuộc họp với các thống đốc khu vực, được phát đi trên truyền hình, tổng thống Saddam Hussein đã hướng về phía máy quay và nói người dân Iraq hãy đào hầm trú ẩn trong vườn.

Nga đe dọa dùng quyền phủ quyết

Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Igor Ivanov nói Matxcơva phản đối bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ nếu như nghị quyết đó có thể dẫn tới cuộc chiến với Iraq.

Ông nói Nga sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an nếu cần. Ông Ivanov phát biểu trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, cũng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có quan điểm chống chiến tranh.

Ông Ivanov nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng nước Nga sẽ không ủng hộ bất kỳ nghị quyết nào trực tiếp hay gián tiếp mở đường cho việc giải quyết khủng hoảng Iraq bằng vũ lực.

Ông nói chúng ta đang có đủ mọi điều kiện để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp chính trị, và cộng đồng quốc tế không thể để mất cơ hội đó được.

Những lời bình luận đó, cùng với chiến dịch tiếp tục chống chiến tranh của Pháp và Đức đang nhằm gây áp lực lên Hoa Kỳ, do nước này đang muốn thúc đẩy việc thông qua một nghị quyết mới.

Tuy nhiên, Nga sẽ không chia rẽ Hội đồng Bảo an trong vấn đề này hay ở bất kỳ vấn đề nào khác. Điều này đã được nhấn mạnh trong một cuộc chuyện trò giữa tổng thống Bush và tổng thống Putin.

Hai ông đã đồng ý là sẽ cùng tìm ra một giải pháp mà cả hai nước đều chấp nhận đối với cuộc khủng hoảng.

Nga nhận thức được rằng tốt nhất là nên hợp tác với Mỹ thông qua các tổ chức quốc tế chứ không nên đối chọi, vì điều đó có thể sẽ khiến cho Mỹ quyết định hành động đơn phương.(BBC)