BAGHDAD - Một phát ngôn nhân Liên hiệp quốc cho biết Iraq đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ hủy các tên lửa al-Samoud II.

Baghdad đưa ra lời tuyên bố giữa lúc trưởng thanh tra vũ khí LHQ, tiến sĩ Hans Blix chuẩn bị báo cáo về tiến trình giải giáp Iraq. Đài BBC đã xem bản dự thảo báo cáo trong đó ông Blix kết luận kết quả của công việc rất giới hạn.

Tiến triển chậm chạp

Bản báo cáo nói rằng lẽ ra Iraq đã có thể có nhiều nổ lực hơn trong ba tháng qua để đi tìm những loại vũ khí bị cấm căn cứ trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Và lẽ ra Iraq đã có thể cố gắng hơn để cung cấp bằng chứng là họ đã hủy các loại vũ khi sinh hóa.

Bản báo cáo này , theo đúng sẽ được công bố trong vòng 48 tiếng đồng hồ sắp tới, kết luận tiến triển của tiến trình giải giới Iraq cho tới nay rất giới hạn.

Tiến sĩ Hans Blix nói khó mà hiểu được tại sao một số các biện pháp mà chỉ bây giờ Iraq mới đưa ra , lại không thể được thực hiện sớm hơn.

Những lời bình luận này có thể cũng cố thêm cho lập luận của Luân Đôn và Washington nói là Iraq không có ý định thật tình chấp nhận tiến trình giải giới hay hợp tác hoàn toàn với các thanh tra của LHQ.

Nhưng các phần khác của bản báo cáo đã nhấn mạnh đến các thí dụ rõ rệt cho thấy là Iraq có hợp tác.

Trong khi đó phiên họp mới nhất của Hội đồng bảo an LHQ đã không đạt được sự đồng thuận về nghị quyết thứ nhì đối với Iraq. Đại sứ Pháp tại LHQ cho biết đại đa số các nước trong Hội đồng tin rằng nên có thêm các cuộc kiểm tra vũ khí ở Iraq, và chưa đến lúc để đánh nhau.

Bush nói về thời hậu Saddam

Trong khi đó tổng thống Bush đã vẽ ra bức tranh về một nước Iraq thời hậu Saddam Hussein là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột quân sự đã gần kề.

Ông Bush nói chế độ hiện nay tại Iraq đã phô trương sức mạnh áp bức để gieo rắc xung đột và bạo lực tại khu vực Trung Đông.

"Một nước Iraq được giải phóng có thể dùng sức mạnh của tự do để thay đổi khu vực mang tính chiến lược này thông qua việc đem lại hi vọng và tiến bộ cho cuộc sống của hàng triệu người."

Ngoài ra, tổng thống Bush nói Mỹ sẽ viện trợ cho Iraq thời hậu chiến và phá hủy các vũ khí sinh hóa học tại Iraq. Tuy vậy, chính quyền tổng thống Bush đang gặp trở ngại từ ít nhất hai phía.

Mỹ sẽ đồn trú tại Iraq?

Một số nhân vật, không chỉ xuất hiện tại Quốc hội, lên tiếng nói rằng chính quyền hiện nay vẫn chưa chứng tỏ họ cân nhắc vấn đề thật đầy đủ. Nhiều người khác thì chỉ trích việc Washington dường như đã soạn thảo xong kế hoạch đóng quân lâu dài tại Iraq.

Những cáo buộc này bị Washington thẳng thừng bác bỏ. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng khó có thể bỏ qua vấn đề Mỹ đồn trú tại Iraq, dù theo hình thức nào. Quân đội Mỹ chủ yếu sẽ đảm nhận vai trò gìn giữ an ninh.

Tại Lầu Năm Góc, một văn phòng phụ trách việc tái thiết và trợ giúp nhân đạo đã được thành lập dưới quyền một cựu trung tướng, ông Jay Garner.

Thách thức lớn cho Mỹ

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh Mỹ sẽ không cai trị một Iraq thời hậu chiến. Thay vào đó, họ sẽ hợp tác với các tổ chức của người Iraq và của quốc tế trong ba lĩnh vực chính – viện trợ, tái thiết và thiết lập một chính phủ dân sự. Người Mỹ muốn có sự giúp đỡ của nhiều nước.

Nhưng dù thế, các quan chức tại Nhà Trắng nói chưa xác định được chính xác giai đoạn khi mà người Iraq sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý toàn bộ đất nước. Theo họ, một số lĩnh vực như y tế sẽ diễn ra nhanh hơn những vấn đề như tổ chức quân đội.

Chính việc không có một kế hoạch rõ ràng cộng thêm các lo ngại liên quan vấn đề hợp tác giữa các lực lượng đối lập Iraq đã khiến cho nhiều người chỉ trích nói rằng Lầu Năm Góc vẫn chưa dành hết tiềm lực cho việc bảo đảm sự ổn định cho một nước Iraq thời hậu Saddam Hussein.(BBC)