“CỎ LÙNG” TRONG ĐỜI SỐNG

Tôi còn nhớ lúc mới ra khỏi trai tù cải tạo được ít lâu tôi tình cờ gặp lại một người bạn trước kia cùng ở trong quân ngũ. Chúng tôi kéo nhau vào một quán nước ngồi hàn huyên và mỗi người đều có dịp kể lại chuyện của mình. Người bạn của tôi chỉ phải đi cải tạo một thời gian ngắn chứ không lâu dài như trường hợp của tôi. Tuy nhiên khi anh ta được tha về thì gia đình đã tan nát còn bản thân thì lâm vào một cảnh sống vô cùng bi đát.

Khi kể lại chuyện cũ, tôi nhận thấy trên nét mặt của anh dường như vẫn còn chứa đựng những khổ đau của thời kỳ đó. Anh ta tâm sự rằng hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó đã khiến anh ta trở thành quẫn trí đâm ra oán trách tất cả. Anh ta đã mất hết niềm tin và oán hận cả Thiên Chúa. Anh ta kể có lần đi ngang qua tượng Chúa Giêsu Vua thay vì đứng lại cầu nguyện như thường làm, anh ta đã chỉ tay vào tượng Chúa và buông lời xúc phạm “Anh kia! Anh đứng đây làm gì? Anh có biết gia đình tôi đã phải tan nát và bản thân tôi phải khổ sở như thế này không?”. Tôi nghe anh kể lại mà giật mình và hết sức kinh ngạc về những lời lộng ngôn của anh. Người bạn của tôi nay không còn nữa. Tôi hy vọng anh đã kịp ăn năn thống hối để được tha thứ về thái độ vô phép bất nghĩa cùng Chúa.

Trước những hoàn cảnh éo le, bất công, oan ức, đau thương … diễn ra trong cuộc sống nhiều người thường đặt ra những câu hỏi: Chúa ở đâu sao Chúa không diệt sự ác? Sao Chúa để cho kẻ bất lương lộng hành, sống nhởn nhơ, làm mưa làm gío trong lúc người lương thiện bị dồn vào đường cùng? Có phải Chúa bất lực? Có phải Chúa không thể làm gì được trước thế lực của sự dữ? Thiết tưởng bài tin mừng Chúa nhật thứ 16 thường niên năm A tới đây có thể trả lời cho những nghi vấn này.

Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” trong đoạn tin mừng của thánh Matthêu như một lời khẳng định rằng thiện và ác, chính và tà cùng hiện hữu, chúng luôn tồn tại xen kẽ với nhau. Giống như ánh sáng và bóng tối tuy không tồn tại cùng một lúc nhưng cả hai đều hiện hữu. Chúa sinh ra con người nhưng Chúa để cho con người tự do hành động theo ý muốn của con người cho nên sự dữ mới xẩy ra.Với tự do con người có thể làm điều tốt mà cũng có thể làm đều xấu; có thể làm điều thiện và cũng có thể làm điều ác. Nếu như trong bất cứ cánh đồng nào dù lớn hay nhỏ, bên cạnh những cây lúa luôn luôn có cỏ dại mọc chung thì trong đời sống cũng vậy, bất cứ trong phạm vi lớn nhỏ nào cũng có thiện và ác, cũng có chính và tà lẫn lộn.

Trong “cánh đồng” nhân loại chẳng hạn. Bên cạnh những phát mình nhắm mục đích phục vụ con người, muốn thăng tiến con người, muốn đem lại cho con người đời sống hạnh phúc thì cũng lại có những cố gắng tìm tòi những phương tiện hủy diệt nhân loại như tìm cách thủ đắc vũ khi hạt nhân, phát triển vũ khí có khả năng sát hại hang loạt Bên cạnh những người nỗ lực kiến tạo hòa bình cũng lại có những mưu đồ nuôi dưỡng, thúc đẩy chiến tranh làm cho thế giới lúc nào cũng bất ổn. Hai cuộc thế chiến, những cuộc chiến khác và những cuộc chiến tranh diệt chủng trong quá khứ đã giết haị hàng trăm triệu con người vô tội cũng là vì bên cạnh cây lúa có xen kẽ cỏ lùng.

Trong “cánh đồng” của mỗi quốc gia cũng vậy. Bên cạnh những người hô hào tôn trọng sự sống lại cũng có những người chủ trương phá thai, chủ trương giết những thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Bên cạnh những tổ chức cổ võ cuộc sống lành mạnh cũng lại có những phong trào hô hào lối sống thác loạn, vô luân. Xã hội nào cũng tìm cách ngăn ngừa tội ác nhưng không thể chặn đứng được hoạt động của những tổ chức tội phạm làm băng hoại xã hội chỉ vì cỏ lung muốn lấn lướt cây lúa.

Trong “cánh đồng” tôn giáo cũng không khác. Bên cạnh những đường lối chủ trương đối thoại ôn hoà để san bằng dị biệt thì lại có những chủ trương cực đoan, qúa khích chỉ muốn hủy diệt người khác bằng bạo lực. Lý do là vì cỏ lùng luôn luôn muốn vươn lên tranh giành với cây lúa.

Trong “cánh đồng” của giáo hội, bên cạnh những thành phần thánh thiện, nhiệt thành, tận tuỵ trong việc rao truyền lời Chúa thì đôi khi cũng lại có những giáo sĩ bất xứng, chạy theo thú vui trần tục để rồi sao nhãng sứ mạng của mình; không ít giáo sĩ và tu sĩ đã thề hứa nhưng rồi lại phản bội lời thề để trở thành những kẻ bất trung. Nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong thời gian vừa qua đã gây điêu đứng cho giáo hội Hoa Kỳ mà mãi cho đến gần đây Đức Thánh Cha còn bày tỏ sự ân hận trong dịp Ngài đến viếng thăm Hoa Kỳ. Bởi vì cỏ lùng luôn len lỏi trong hàng ngũ cây lúa.

Trong cộng đoàn có những tấm lòng thiện chí một lòng muốn xây dựng công việc chung cho ngày càng tốt đẹp thì cũng lại có những con người bất mãn triền miên, thích đả phá hơn là xây dựng. Có khi ta hành động nhân danh xây dựng nhưng kết qủa lại là phá họai là vì cỏ lùng luôn luôn tìm cơ hội ganh đua với cây lúa.

Và ngay trong cõi lòng của mội cá nhân cũng đầy rẫy những sự trái ngược. Lúc tốt lúc xấu. Lúc vị tha lúc ích kỷ. Lúc cảm thông lúc nghi kỵ. Lúc rộng rãi lúc hẹp hòi. Có lúc chân thành có lúc lừa dối. Có lúc bác ái có lúc hận thù. Có khi công bằng có khi thiên lệch. Có khi ngay lành có khi tâm địa ác độc. Có lúc vô tư có khi ác ý. Trong bài giảng trong thánh lễ khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, Đức Hồng Y George Pell lấy ý từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát đã nhắc nhở “mỗi người phải nhìn nhận rằng mình đang ở trong trận chiến muôn thuở giữa thiện và ác”.

Trong “cánh đồng nội tâm” của con người nào cũng đầy rẫy cỏ lùng mọc chen chúc với cây lúa. Điều đáng nói là nhiều khi người ta chỉ chú ý đến cỏ lùng ở những cánh đồng khác mà không quan tâm đến việc diệt cỏ lùng trong chính cánh đồng của mình. Nhiều khi ta chỉ nhìn thấy cái dở mà không thấy cái hay ở người khác. Và cũng có khi ta tưởng vun xới cho cây lúa nhưng thực ra là đang chăm bón cho cỏ lùng, giúp cho cỏ lùng phát triển mạnh hơn.

Phần cuối của bài tin mừng nói rõ lúa và cỏ lùng sẽ được phân loại khi đến mùa gặt. Mùa gặt đối với người Kitô hữu là ngày giờ phán xét. Tốt hay xấu, lương thịện hay bất lương, có công hay có tội chỉ có Chúa có quyền phán định. Sớm hay muộn mỗi người Kitô hữu đều phải đối diện với Thiên chúa, đều phải chịu trách nhiệm về những điều đã làm. Đến khi đó thì những câu hỏi Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không trừng trị sự dữ? Tại sao Chúa để người hiền lành phải chịu nhiều thiệt thòi? … sẽ được trả lời rõ ràng.

Vermont 17/7/2008