Các bài suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
(Dnl. 8, 2-3.14b-16a; 1Cr. 10, 16-17; Ga. 6, 51 -58)
1. Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
Tác giả Tin Mừng nói rõ, chúng ta ở vào thời kỳ "ít lâu trước lễ vượt qua, một đại lễ của người Do Thái”(6,4). Tác giả đưa biến cố được sống thời Đức Giêsu (bánh hoá nhiều, bài giảng ở Capharnaum) về với thời của Israel (Manna thời xuất hành với sự hướng dẫn của Môsê) để các độc giả thấy rõ hơn tính thời sự trong thời của Giáo Hội (sau khi Đức Giêsu phục sinh, trong việc chia sẻ Lời Chúa và bánh của bí tích Thánh Thể). Vì lòng thương xót đám đông đã theo Ngài, Đức Giêsu đã nuôi họ bằng "năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá" (6,9), như thế Ngài cho thấy rõ phần nào căn tính đích thực của Ngài. Bởi thế các chứng nhân đã không lầm, họ đồng hoá Ngài với vị đại ngôn sứ, Đấng đã được ông Môsê loan báo trong sách Đệ Nhị Luật (18,15): "Giữa các ngươi, trong số anh em các ngươi, Chúa là Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi”. Thật vậy, trước những dấu lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện, người ta nói “chính Ngài là vị đại ngôn sứ phải đến trong thế gian”. Nhưng, thánh Gioan viết, hiểu lầm sứ mạng của Ngài, họ "toan bắt ép Ngài làm vua của họ" (6,14-15). Vì thế để tránh họ, Đức Giêsu rút lui một mình lên núi trước khi đi qua bờ bên kia cách kín đáo với các môn đệ của Ngài.
Chính "ở trong hội đường Capharnaum" (6.59) đám đông đi tìm và gặp Ngài, Đức Giêsu giảng cho họ một bài về bánh ban sự sống", trong đó Ngài đào sâu ý nghĩa của bánh, ý nghĩa đã hiện hữu trong dấu chỉ, và dạy họ rằng, đối với họ. Đấng đã hoá bánh ra nhiều cũng chính là bánh của nhân loại. Câu 51 đến 58. đã được ghi trong sách bài đọc năm A này, và đã làm thành đoạn cuối của bài giảng, không thể tách rời khỏi các câu trên, với sự song song rất rõ ràng giữa phần đầu và phần cuối của bài giảng tại Capharnaum.
Cũng lời mở đầu: “Ta là bánh sự sống" (câu 35) và "Ta là Bánh hằng sống” (câu 51). Cũng lời cuối về sự sống vĩnh cửu: “Ai tin Ta sẽ có sự sống đời đời" ( câu 58).
Cùng lời quảng diễn về những xì xầm (đối chiếu với những "xì xầm" trong sách Xuất Hành, và những chống đối của người Do Thái) làm sao ông ta có thể nói: “Ta từ trời xuống" (câu 42), và làm sao con người ấy lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn" (câu 52).
Nhưng trong lúc phần đầu của bài giảng trình bày "bánh sự sống" trong Đức Kitô với tư cách là Đấng mặc khải của Chúa Cha Lời Thiên Chúa từ trời xuống, thì phần hai lại quy chiếu cách rõ nét về bí tích Thánh Thể.
ĐỨC GIÊSU BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG.
Ở phần đầu của bài đọc của sách này, khi quảng diễn Đệ Nhị Luật 8,3 Đức Giêsu tự giới thiệu mình trước hết như là "Bánh sự sống" cho những ai tiếp nhận sứ điệp của ngài bánh hằng sống từ trời xuống, đó là mặc khải cuối cùng cho loài người. Đức Giêsu đã mặc khải bằng lời nói và việc làm của Ngài, bằng mầu nhiệm trọn vẹn của Ngài, bằng chính con người của Ngài vì Ngài là "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (Ga 1,14). Ngài có thể áp dụng cho chính mình những gì mà Cựu ước đã nói về Lời của Thiên Chúa hay sự khôn ngoan thần linh, là của ăn duy nhất có thể làm dịu cơn đói khát của con người: "Ta là bánh sự sống, ai đến với Ta, sẽ không bao giờ đói nữa, ai tin Ta sẽ không hề khát bao giờ" (cf. Pro. 9,5,- Sir. 24,21).
Một giai đoạn mới đã vượt qua với phần hai của bài giảng.
Ở đây sự gợi lại cái chết của Đức Giêsu, như nguồn sống, được làm rõ nét hơn "bánh mà Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, ban cho thế gian được sống. Và chữ "THỊT" làm nhớ lại lời mở đầu của thánh Gioan 1,14: “Ngôi Lời đã hoá thành xác phàm. A. Marchadour quảng diễn: chính Đấng nhập thể hiện diện. Nhưng ở đây lời lẽ thích đáng được diễn đạt: cái chết của Đức Giêsu như nguồn sống cho nhân loại. "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (1,14). Thịt trở thành bánh (6,51). Giữa việc nhập thể, cái chết trên thập giá và bí tích Thánh Thể có một sự liên tục mật thiết. (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", 1992, trang 108).
Và nếu, cho đến bây giờ cái tiếng chính là "TIN", “ĐẾN VỚI TÔI" thì bây giờ chúng ta lại thấy những từ: "BAN", "ĂN và UỐNG". A. Marchadour viết tiếp: "Trong phần cuối của bài giảng của Đức Giêsu, những từ về Thánh Thể (eucharistiques) chiếm chỗ quan trọng với tính hiện thực mà người ta chỉ có thể hiểu vào thời đại của Giáo Hội. Giữa các câu 53, 54-56, thay vì từ "ĂN" truyền thống, Gioan dùng một từ có vẻ sống động hơn: "nhai, cắn" điều đó còn nhấn mạnh hơn đến sở hữu và nghĩa nội tâm hoá cần thiết. Trong trường hợp này, phần bài giảng này có thể chịu ảnh hưởng những cuộc tranh cãi trong cộng đồng Kitô giáo của Gioan trên tính hiện thực của Thánh Thể (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", p.109) Đức Giêsu cũng là bánh từ trời xuống vì trong bí tích, cái mà Ngài ban làm của ăn chính là "thịt" Ngài hiến dâng cho sự sống của thế gian, ăn thịt (động từ lặp lại 8 lần trong một ít câu) và "uống" máu Ngài, là nhận lấy sự sống của Ngài, là thông hiệp với mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài: chúng ta ở vào thời "ít lâu trước lễ Vượt qua, thịt của Đức Giêsu được ban để cho thế gian được sống" (câu 51). Giờ Giuđa nộp Thầy mình đã gần đến, Gioan lưu ý (câu 64 và 70-71). Đến phiên mình, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, Ngài chấp nhận liều mình trở nên "tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới". (Đại hội Thánh Thể Lộ Đức, 1981).
BÀI ĐỌC THÊM:
1) Ngày nay cũng thế, khi thông hiệp với Đức Kitô trong đức tin, người Kitô hữu ở trong Ngài và nhận được sự sống đời đời (A. March, "Dossier biblique số 41, trang 13-14).
Khi giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu đã không thể nói rõ cách trực tiếp về Thánh Thể, điều người ta không thể hiểu nổi trước bữa tiệc ly, trước cái chết và sự sống lại của Ngài. Cụm từ "bánh sự sống" trước hết là một cách nói về Đức Giêsu như Đấng mặc khải từ trời đến và lời Ngài là của ăn và của uống (Hãy đến mà ăn bánh của Ta hãy uống rượu nho mà Ta đã dọn sẵn cho các con: Prov. 9,5). Tất cả bài giảng trước hết gợi lên lòng tin vào Đức Giêsu Đấng mặc khải, nhưng việc thực hiện Thánh Thể cũng lộ ra trong thuật ngữ Kitô giáo: "ăn, uống, có sự sống". Tuy nhiên phần cuối thì trực tiếp chỉ về "Thánh Thể" chúng ta hãy quan sát. Thật vậy, từ câu 51, Đức Giêsu gợi lên cái chết của Ngài như là nguồn sự sống: bánh mà tôi sẽ ban cho, chính là thịt tôi để cho thế gian được sống. Từ "thịt" làm nhớ đến lời mở đầu: Lời trở nên xác phàm (1,14). Chính việc nhập thể (incarnation) được diễn tả ở đây, trong giai đoạn kết thúc: cái chết của Đức Giêsu, Ngôi Lời trở nên thịt (xác phàm), thịt làm thành của ăn. Giữa việc nhập thể, cái chết và Thánh Thể có một sự liên tục. Ngày nay Đức Giêsu vắng mặt trong thân thể Người, sự mặc khải của Ngài vẫn còn đó và Thánh Thể là trọng tâm mà loài người được mời gọi, cùng với cơ may cũng như rủi ro bị từ chối như vào thời Đức Giêsu vậy: Lời này chói tai quá, ai mà nghe được! (6,60). Ở câu 53-56, thay vì động từ "ăn", Gioan dùng một từ rất mạnh: "nhai, cắn". Có lẽ là để nhấn mạnh đến tính hiên thực của Thánh Thể: Thật vậy, một số Kitô hữu, những người thuộc phái ngộ đạo, từ chối sự trung gian thể chất của các bí tích để kết hiệp với Đức Giêsu, cũng như họ từ chối không tin sự hiện hữu của nhân loại tỉnh trong Đức Giêsu, đến trong xác thịt (1Ga 4,2). Nhưng vì thế, để sự trung gian của bánh không phải là ma thuật: chính tinh thần làm cho sống, xác thịt có ích chi (Ga 6,56). Thánh Thể, Mình Máu thông ban cho tín hữu ơn mà những người đồng thời với Đức Giêsu tìm kiếm: sự sống vĩnh cửu từ bây giờ và mãi mãi, ở với Đức Giêsu. Hôm nay cũng vậy, người Kitô hữu thông hiệp với Đức Giêsu trong đức tin, ở với Ngài và có sự sống đời đời.
2) “Cao quý thay mầu nhiệm đức tin” (Mgr. L.Daloz trong "Chúng ta đã thấy vinh quang Ngài" Desclée de Brouwer, trang 87-88).
Đức Kitô phải mời gọi chúng ta đặt mình vào đỉnh cao của đức tin để mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm đức tin. Chúa nhắc lại lời khẳng định đã đưa đến những lời "xì xầm": "Ta là bánh ban sự sống”. Ngài bác lại lời bắt bẻ về manna mà người ta nại ra để chống lại Ngài: "Trong sa mạc, cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, cho nên chưa phải là thứ bánh ban sự sống. Trái lại ai ăn bánh bởi trời sẽ không hề chết bao giờ: ai tin và ăn bánh này sẽ sống muôn đời". Và đây là lời tuyên bố gây vấp phạm… bánh mà Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống… Tuy nhiên trước sự chống đối, Chúa Giêsu chẳng những không dịu giọng mà trái lại còn nhấn mạnh bằng bốn câu rất rõ ràng và thực tế: "Nếu các ông không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài… ai ăn thịt Ta, và uống máu Ta... thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của sống… ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy...". Không có lối thoát nào cả, không có cách nào khác để có sự sống, có sự phục sinh để ở trong Ngài. Không thể rõ ràng hơn được nữa. Hòn đá, vật chướng ngại, chính là hòn đá gốc để các môn đệ được sống, hòn đá thử thách của sự thật về đức tin. Như thế, Thánh Thể cắm sâu vào trung tâm của hiện hữu Kitô giáo. Trong bóng tối của mầu nhiệm, những ai muốn có sự sống phải hướng về đó, vì đó là của ăn để sống: bánh bởi trời là như thế: rất khác với thứ bánh mà cha ông các ngươi đã ăn, họ đã hết, nhưng ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Không một lời diễn giảng, thánh sử kết thúc đơn sơ: Đó là những lời dạy của Đức Giêsu trong hội đường Capharnaum. Đó là cách bánh hằng sống và chén cứu độ được dặt vào tay chúng ta không một lời giải thích nào. "Cao cả thay nhầu nhiệm đức tin".
3) “Hai bàn Tiệc" (J.Perron, trong "Đọc Kinh Thánh" số 52, trang 139-140).
Nếu tách rời những câu trước với đoạn văn này, sẽ đi đến nguy hiểm là làm nghèo nàn đi, hơn nữa làm sai nghĩa về lời dạy về Thánh Thể của Gioan. Những gì nói về bí tích phải để mở ra một nhân quan rộng hơn nhiều hơn những gì nói trong bài thuyết giảng. Nếu Đức Giêsu là bánh ban sự sống trong Thánh Thể, là bởi trước hết Ngài là bánh cho những ai tiếp nhận lời Ngài và chứng của Ngài, và vì thế phần đầu chỉ nói đến người "tin vào", phần hai nói đến người “tin hiệp-thông", nhưng hai phần, phần nào cũng không thể thiếu, bởi lẽ không thể nói đến "người hiệp thông" mà trước hết người ấy không phải là kẻ tin, nếu không có sự khẳng định ở câu 47 thì câu khẳng định 54 chẳng có nghĩa gì hay là dẫn đến tình trạng làm cho Thánh Thể chỉ là một nghi lê ma thuật. Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở rằng mọi bí tích đều là "bí tích đức tin" (sacra men ta fidei). Cuối cùng nếu đức tin có thể bỏ qua bí tích (không nói đến rước lễ thiêng liêng hay rửa tội bằng lòng muốn) thì bí tích không thể có nếu không có đức tin. Đức tin là sự kết hiệp đầu tiên với Đức Kitô, phải đi trước nghi lễ bí tích và hướng về đó" (A.Feuillet). Sự tình bày về Thánh Thể này cũng mời gọi chúng ta, như các cải tổ Công đồng đã làm, tìm lại chỗ đứng của phụng vụ Lời Chúa đi trước và chuẩn bị cho nghi lễ bẻ bánh trong các cử hành của chúng ta - cả hai phải kết hợp với nhau cách sâu xa như hai đoạn của bài giảng thuyết của Gioan. Các tác giả Kitô giáo xưa đã hiểu như thế khi họ nói đến "hai bàn tiện trong Giáo Hội: "Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc thánh". Có lẽ vì thế mà sinh ra những hậu quả đáng giận của phong trào cải cách: sự chia cắt mà người ta có thể diễn tả một cách hài hước: người Tin lành thì ra khỏi cửa với cuốn Kinh Thánh trong túi và người Công giáo đi ra mang theo Mình Thánh Chúa. Lời dí dỏm, trên đây, nếu có thể nói lên một cái gì về thực tế của sự kiện, thì phải nói rằng cả hai cộng đồng, mỗi bên chỉ giữ cho mình một nữa mầu nhiệm Thánh Thể, một phần của bài giảng thuyết trên chủ đề "bánh ban sự sống".
3. Bí tích Thánh Thể
Nếu đọc lại Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy từ việc chuẩn bị đến việc thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể, tất cả đều được diễn ra trong bàu khí của một bữa ăn.
Thực vậy, bữa tiệc thứ nhất đó là đám cưới Cana, tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước lã hóa thành rượu ngon. Qua phép lạ này Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cứu cho đôi tân khỏi bị bẽ mặt với khách mời vì thiếu rượu, mà còn muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, cũng như chuẩn bị cho các ông đón nhận bữa tiệc ly sau này, khi Ngài biến rượu thành máu thánh Người.
Tiếp đến là phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng đám đông trong hoang địa. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta:
- Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời. Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế. (Ga 6,55-56).
Thế nhưng, quan trọng hơn cả phải là bữa tiệc ly, qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày Thứ năm Tuần Thánh. Phúc âm đã kể lại như sau: Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:
- Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.
Cùng một thể thức ấy Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:
- Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. (Mt 26,26-29).
Cuối cùng, đó là bữa ăn nơi quán trọ gần làng Emmaus. Sau khi hai môn đệ mời Người vào nghỉ chân, Người đã cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh, đã sống lại. (Lc 24,13 -35).
Nhìn vào đời thường, chúng ta thấy, những người cùng ngồi ăn với nhau trong một bàn tiệc trong một bữa cơm, thường có một mẫu số chung nào đó. Mẫu số chung ấy có thể là tình nghĩa gia đình, tình nghĩa bè bạn. Mẫu số chung ấy còn có thể là một niềm vui, một nỗi buồn, hay một công việc cùng làm. Vì thế, bữa ăn trở nên một biểu tượng của tình yêu, của cảm thông, của hợp nhất.
Bàn tiệc Thánh Thể cũng vậy, phải là biểu tượng của yêu thương, của cảm thông, của hợp nhất, như lời thánh Phaolô:
- Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô. (1Cr 10,17)
Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể cũng chính là sống yêu thương, sống cảm thông, sống hợp nhất. Chúng ta phải bắt chước cộng đoàn Giêrusalem ở những năm tháng đầu tiên khi Giáo hội còn phôi thai. Từ nghi thức bẻ bánh trở về, họ đã gom góp tài sản riêng làm của chung, rồi phân phối theo nhu cầu của mọi người, đến nỗi dân ngoại đã phải thán phục và kêu lên:
- Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào. (Cv 2,42-46).
Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày, hay ít nữa là hàng tuần, chúng ta đều đến nhà thờ tham dự thánh lễ, thế nhưng, trong cuộc đời, chúng ta đã thực sự sống yêu thương, sống cảm thông và sống hiệp nhất với nhau hay chưa?
4. Một trao đổi khôn tưởng
Bài Phúc Âm này là phần chính của bài giảng về bánh sự sống, được Chúa dạy sau phép lạ hóa bánh ra nhiều và bước đi trên nước. Qua những phép lạ ấy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền năng của Ngài trên thiên nhiên, trên thân thể Ngài và quyền phân phát vô tận lương thực thần linh, mà bánh hóa nhiều là biểu tượng. Như đối với phần đông các bản văn của thánh Gioan, đoạn này đòi hỏi sự suy niệm và đón nhận chăm chú hơn là lời bình giải. Chính để giúp suy niệm, mà một vài ghi chú sau đây được đề ra:
1) “Ta là bánh sự sống từ trời xuống”
Chúng ta có thể giải thích lời này như một mệnh đề phát biểu sự kiện Nhập Thể. Sự sống đời đời hứa cho ai ăn bánh ấy là sự sống siêu nhiên, do Đức Kitô mang đến cho kẻ nào tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến. Nhưng lời ấy còn có ý nghĩa khác. “Bánh Ta sẽ ban là thịt Ta chịu nộp cho thế gian được sống”. Ở đây Chúa Giêsu nói về tương lai. “Bánh” cho đến đây có thể chỉ Chúa Giêsu lương thực đức tin, nay mang một ý nghĩa mới: Đức Kitô -Bánh ăn– đã trao nộp thịt mình cho thế gian được sống. Điều ấy có nghĩa là nếu phép Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp làm của lễ hy sinh trong cuộc tử nạn trên thập giá. Thánh Thể đồng hóa hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi. Chúng ta có nghĩ rằng khi tham dự vào bàn tiệc của Chúa, mối dây liên kết huynh đệ đầu tiên và chính yếu nhất nối liền chúng ta với hy lễ của Ngài hay không? Những buổi cử hành phép Thánh Thể nối kết làm một sự thông hiệp của chúng ta với nhau. Đừng bao giờ chia cắt những gì Chúa đã liên kết. Các thánh lễ của chúng ta, cử hành chia sẻ, cũng phải cử hành lòng thờ phượng.
2) Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.
Lời này của Chúa cho thấy rõ một sự hỗ tương quan trọng. Thực vậy, thoạt xét người ta có thể đơn giản nghĩ rằng Đức Kitô ở trong người nào ăn mình Ngài. Như thế chưa đủ, điều ngược lại cũng đúng. Người ước ao mình được ở trong Ngài, người ấy được đi vào và ở trong Đấng tạo dựng cứu chuộc, viên mãn của mình. Làm sao nghĩ tưởng một điều như vậy? Chúa đã muốn như thế. Ngài ban cho con người một khả năng phi thường hòa nhập vào thần linh. Khi rước mình Đức Kitô, người tín hữu tiến dần đến sự hòa nhập với Đức Kitô. Nếu nghĩ rằng con người sẽ biến Thiên Chúa thành người khi được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Ngài thì thật là ấu trĩ. Con người được biến thành Thiên Chúa mới đúng. Con Thiên Chúa khi hiến thân làm lương thực thần hóa người nào được ăn Ngài. Ngài cho người ấy được tham dự vào bản tính thần linh. Điều này khiến ta nghĩ đến câu tán tụng của mùa Giáng Sinh: Ôi trao đổi kỳ diệu, Thiên Chúa làm người để người được nên Thiên Chúa.
5. Thánh lễ làm cho chúng ta trở thành anh em
Càng ngày người ta càng nghe câu nói làm tổn thương đến đời sống Kitô hữu: “Tôi là tín hữu nhưng không hành đạo”. Tôi hy vọng rằng tất cả con người bạn nổi lên chống lại cái khẳng định tách rời sự “hành đạo” với “đức tin” này. Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ mối dây liên kết giữa hai điều trên.
Việc chúng ta suy niệm về Bánh Hằng Sống sẽ chỉ cho chúng ta thấy mối liên kết giữa hai phần của cuộc sống Kitô hữu: “Nếu các ngươi không ăn thịt Ta, nếu các ngươi không uống máu Ta, các ngươi sẽ không có sự sống”
Tiếng cốt lõi đó là: sự sống. Người tín hữu không hành đạo rất có ý muốn “sống đức tin” của mình. Và điều này được thể hiện tức khắc do một mối quan tâm chính đáng về tình yêu thương anh em: “Tôi tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Chúa Kitô không đòi hỏi tôi phải đi lễ, Ngài đòi hỏi tôi phải yêu thương”.
Ngài đòi hỏi cả hai việc! Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, cũng chính là Chúa Giêsu đã báo trước cho chúng ta: “Nếu các con không hiệp thông cùng thịt và máu Ta, các con sẽ không có sự sống. Sự sống này cho phép các con là anh em với nhau như Thầy là anh em với các con”.
Phép Thánh Thể kết hợp chúng ta với cuộc sống của Chúa Kitô đến nỗi chúng ta không dám nghĩ đến điều đó nếu chính Ngài không nói với chúng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Tôi nghĩ đến một câu rất hay của thánh Cypriano: “Ai chiếm trọn tâm lòng chúng ta kẻ ấy cũng được chúng ta nói đến”. Người ta có thể thêm: người ấy cũng hiện diện trong các cử chỉ của chúng ta, trong cách thức chúng ta yêu thương nữa.
Người tín hữu muốn yêu thương mà “không đi lễ” thì không thấy được rằng họ ít có đức tin bởi vì họ không tin vào một lời nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Không ăn Bánh Hằng Sống thì các ngươi sẽ không có sự sống”. Người tin nửa vời này và người không tin có thể rất thương yêu nhau như anh em. Điều này rất thường gặp. Nhưng họ khó và hiếm khi yêu thương “như Chúa Giêsu”. Đối với người không tin, đây là điều bình thường. Đối với người tín hữu thì đây là một sự lệch lạc: muốn là môn đệ của Chúa Giêsu, bắt chước Chúa Giêsu mà không nuôi dưỡng mình bằng sự sống của Ngài.
Tôi biết rõ vấn nạn kinh khủng này: thực ra, người tín hữu hành đạo không bỏ lễ có yêu thương anh em đến thế chăng?
Trước hết, vơ đũa cả nắm là điều không tốt. Có những người tôn sùng Thánh Thể mà sự dễ thương và lòng độ lượng nói lên rất nhiều về “sự sống của Chúa Kitô” nơi họ.
Nhưng vấn đề Thánh Thể –liên quan đến tất cả chúng ta- chính là vấn đề sức sống Thánh Thể của chúng ta. Nhận lãnh sự sống bằng cách ăn Bánh Hằng Sống đòi hỏi một sự chú ý, một sự gắn bó bên trong là những điều thường quá thiếu vắng. Rước lễ dần dần trở nên ma thuật và thói quen, như thể việc di chuyển và giơ hai tay ra là đủ để trở nên một người xin sự sống đầy quyền lực. Không, điều này đòi buộc một niềm tin thức tỉnh nói với chúng ta lúc ấy, là tại sao chúng ta đi rước lễ và chúng ta vừa nhận lãnh thứ lương thực gì. “Một thứ bánh bị bẻ ra vì một thế giới mới”, một cuộc sống bị nghiền nát để chúng ta có thể thoát ra khỏi ích kỷ và kiêu ngạo. Không có cái chết này làm sao chúng ta là anh em với nhau được?
6. Thánh Lễ nối dài
Nhân ngày lễ kính Mình và Máu thánh Đức Kitô hôm nay, tôi muốn trình bày về mối liên hệ giữa thánh lễ với cuộc đời mỗi người chúng ta. Mối liên hệ ấy được diễn tả qua hai ý tưởng.
Ý tưởng thứ nhất: cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.
Thực vậy, có nhiều người trong chúng ta chỉ sống đạo trong nhà thờ, nhưng lại không sống đạo giữa lòng cuộc đời. Tới nhà thờ, họ là những con chiên ngoan. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, bước xuống cuộc đời, họ lại vội vã dẹp bỏ niềm tin, như cởi bỏ bộ quần áo đẹp họ mặc vào khi đi tham dự thánh lễ, cất kỹ trong tủ, để hóa kiếp trở thành một loài lang sói bằng những hành động thù oán, bất công và ghen ghét.
Họ tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc đời và trong suốt khoảng thời gian còn lại, họ quên đi mình là người Kitô hữu.
Tôi nghĩ rằng cách sống đạo chỉ hạn hẹp trong bốn bức tường nhà thờ chắc chắn sẽ không thể nào làm đẹp lòng Chúa, bởi vì chính Ngài đã muốn chúng ta phải sống đạo giữa đời. Ngài đòi hỏi chúng ta phải trở nên như men trong bột, như muối trong thức ăn, như ánh sáng trong đêm tối. Nghĩa là tình thần của Phúc âm phải thấm nhiễm vào toàn bộ cuộc sống chúng ta, rồi từ nền tảng ấy, nó dần dần cải tạo cái môi trường xã hội chúng ta đang tiếp xúc.
Khi vị Linh mục nói với chúng ta:
- Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.
Điều ấy không có nghĩa là: thánh lễ đã kết thúc khi cánh cửa nhà thờ khép lại, trái lại còn phải mở ra cho chúng ta một thánh lễ khác nữa, thánh lễ giữa lòng cuộc đời, thánh lễ của chính cuộc sống.
Điều ấy còn muốn nói lên rằng chúng ta phải kéo dài thánh lễ từ nhà thờ đến cuộc sống, phải biến cuộc đời chúng ta trở thành một thành lễ nối dài, phải thực hiện tinh thần thánh lễ trong chính môi trường và hoàn cảnh xã hội. Hay nói một cách khác: điều quan trọng không phải chỉ là phải sống đạo trong nhà thờ, mà còn phải sống đạo trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.
Ý tưởng thứ hai: Dưới một góc độ nào đó, Thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại.
Thực vậy, nhiều khi chúng ta đã có quan niệm sai lạc, coi việc đi tham dự thánh lễ như đi xem một vở kịch, một cuốn phim, để rồi có thái độ hoàn toàn thụ động và dửng dưng.
Trong khi đó, thánh lễ đòi hỏi mỗi người tham dự phải có một thái độ tích cực. Chúng ta cùng dâng thánh lễ với vị Linh mục, bởi vì chúng ta cùng sống một tâm tình, cùng dâng một lễ vật là Mình và Máu thánh Đức Kitô.
Ngoài ra, lễ vật riêng tư của mỗi người còn là những lao công vất vả, những khổ đau buồn phiền, những gian nguy thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta dâng lên cùng với Mình và Máu thánh Đức Kitô, nhờ đó những hy sinh nhỏ bé và tầm thường của chúng ta sẽ có được một giá trị thiêng liêng to lớn, trở nên như một góp phần vào hy lễ thập giá, đồng thời trở nên như những sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời của chúng ta.
Như thế, dưới một góc cạnh nào đó, thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại. Chúng ta nên nhớ rằng: Thánh lễ trong nhà thờ cần phải được tiếp nối trong cuộc sống thường ngày bằng cách chấp nhận những gian khổ là như thập giá Chúa muốn chúng ta vác lấy, cũng như bằng cách thực thi những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những người chung quanh. Đồng thời, cuộc sống của chúng ta cũng cần phải được cử hành trong thánh lễ tại nhà thờ bằng cách dâng lên Chúa những thập giá, những hy sinh chúng ta gặp phải.
Và như vậy, có một sự pha trộn, có một sự hòa nhập, có một sự liên hệ mật thiết giữa thánh lễ được cử hành trong nhà thờ với cuộc đời chúng ta đang sống.
7. Sức sống
Tại Tây Ban Nha có một câu chuyện về cậu bé tên là Marcellino. Mới sinh ra cậu bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.
Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thày đầu bếp không cho cậu leo lên gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Marcellino lén leo lên, cậu ngạc nhiên thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá. Nghĩ rằng người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy Marcellino vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông. Người khổng lồ đưa tay nhận bánh và mỉm cười với cậu.
Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho người ấy. Ngày kia, ông âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:
- Con thích nhất điều gì trên trần gian này?
Cậu mau mắn thưa:
- Con muốn được gặp mẹ con.
Người ấy liền nói với cậu bé:
- Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc nếu con chấp nhận phải chết đi.
Hôm sau các thầy tìm thấy cậu nằm chết như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu.
Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Marcellino đã bằng lòng chịu chết. Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống. Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở mãi với con người, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời. Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Khi mời gọi: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.
Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.
Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.
Chính khi nhận lãnh Thánh Thể để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.
Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, sống Bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, sống Bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.
Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.
Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.
Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đày hay đau yếu”.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con.
Xin cho chúng con khi lãnh nhận bánh Thánh Thể cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con.
8. Lương thực
Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quý và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người Công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc thú nhận rằng; do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì những cái thiếu kể trên nên nhiều người đã không thấy được sự cao quý và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng Thánh Lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh Lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại hy lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời”. Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Nếu Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: “Người ta sống không chỉ bởi bánh”.
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi.
9. Thánh Thể
Một hôm, người ta hỏi một em bé chín tuổi mới được rước lễ lần đầu: “Đâu là sự khác biệt giữa cây thánh giá và Mình Thánh Chúa?”. Em bé ấy đã trả lời rất hay và rất đúng rằng: “Trên cây thánh giá, người ta thấy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài không có ở đó. Còn trong bánh Thánh, người ta không thấy Ngài, nhưng Ngài ở trong đó”. Đúng vậy, về phép Thánh Thể người ta không thể nhìn bằng con mắt xác thịt, mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin, bởi vì đây là một mầu nhiệm đức tin, nhưng đây cũng là một mầu nhiệm của tình yêu thương. Chúng ta hãy tìm hiểu nhân ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay. Trong bữa tiệc ly, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ vào chiều ngày thứ năm tuần thánh, Chúa đã làm một việc rất quan trọng, đó là biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài, đồng thời Chúa truyền cho các môn đệ hãy làm như vậy để tưởng nhớ đến Ngài. Như vậy, bữa tiệc ly này đã trở thành thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu, là linh mục tối cao, cử hành, và việc biến bánh rượu trở nên Mình Máu Ngài là bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập và Chúa muốn sự kiện cao quý này, tức là thánh lễ, được tiếp diễn luôn mãi qua các môn đệ của Ngài.
Vì thế, trong thánh lễ, khi linh mục lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Giêsu. Dĩ nhiên đây là một chân lý cao siêu, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm một tấm bánh chưa truyền phép và một hình bánh đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau, hay là có đưa vào phòng thí nghiệm để phân chất, chúng ta vẫn thấy như thường về phẩm chất, khối lượng và hình thức. Tuy nhiên, theo đức tin, thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, một đàng là tấm bánh nhỏ bé, tầm thường. Chính vì thế, sau truyền phép, linh mục lớn tiếng công bố: Đây là màu nhiệm đức tin.
Đúng vậy, Thánh Thể là một bí tích đức tin. Nhưng cũng còn là bí tính tình yêu. Tại sao vậy? Thánh Gioan tông đồ đã viết: Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Chúa Giêsu ở đây là việc lập phép Thánh Thể, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Ngài với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.
Sau hết, Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.
Bí tích Thánh Thể cao quý biết bao và đem lại ơn ích biết bao nhiêu. Thế mà nhiều người vẫn còn thờ ơ hoặc chưa yêu mến cho thật đầy đủ. Được bao nhiêu người rước lễ, có người chỉ rước lễ một năm một lần. Nhiều người rước lễ không nên, hoặc không chuẩn bị đầy đủ hoặc không cám ơn đàng hoàng. Đến nhà thờ là gặp Chúa, tâm sự với Chúa, thế mà có những thái độ bất kính: nói chuyện riêng, có những cử chỉ bất kính. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và cố gắng sống tốt đẹp hơn.
10. Tấm bánh
Là con người, chúng ta không thể chỉ sống bằng cơm bánh. Chúng ta còn phải chịu đựng nhiều kiểu đói khát. Chúng ta hãy mở Tin mừng, để hiểu về những loại tấm bánh khác nhau, mà Đức Giêsu đã ban cho nhân loại, từ đó, Người đang làm thỏa mãn nhiều khao khát của họ.
Đối với những người đã đi theo Chúa vào sa mạc, và những người đang đói khát, Người đã ban cho họ bánh ăn hằng ngày, nhờ đó, đã làm thỏa mãn được cơn đói về thể lý của họ.
Đối với những người phong cùi mà thân thể đang bị héo mòn, Người đã ban cho họ tấm bánh duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với họ – đó là được chữa lành bệnh tật.
Đối với người phụ nữ đang ở một mình tại giếng Giacóp, Người đã ban cho bà tấm bánh của lòng ân cần tử tế, và do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được chấp nhận.
Đối với những người tội lỗi, Người đã ban cho họ tấm bánh của ơn tha thứ, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cứu độ.
Đối với những người bị khước từ và ruồng bỏ, bằng cách hòa hợp với họ, cùng ăn uống với họ. Người đã ban cho họ tấm bánh của tình thân hữu, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cảm thấy mình có giá trị.
Đối với người góa phụ thành Naim, một người đã chôn cất đứa con trai duy nhất, và đối với Marta và Maria, là những người chị vừa mới chôn cất em trai họ là Lagiarô, Người đã ban cho họ tấm bánh của lòng thương xót, và đã chứng tỏ cho họ thấy rằng ngay cả trong cái chết, chúng ta vẫn có thể được Thiên Chúa cứu giúp.
Đối với Giakêu, một người thu thuế giàu có, đã tước đoạt bánh từ bàn ăn của người nghèo, Người đã bắt đầu bằng cách tự để cho Người được mời vào bàn ăn của ông ta. Sau đó, Người đã đánh thức nơi ông ta một niềm khao khát được có một đời sống tốt đẹp hơn, Người đã giúp ông ta biết chia sẻ cho người nghèo tiền bạc bất chính của mình.
Đối với kẻ trộm chết bên cạnh mình, Người đã ban cho anh ta tấm bánh của sự hòa giải với Thiên Chúa, do đó, Người đã ban lại bình an cho tâm hồn bị bối rối của anh ta. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, có một người lại khước từ tấm bánh Đức Giêsu ban.
Có một thanh niên giàu có, được Người ban cho tấm bánh của đời sống ngay chính, nhưng đã từ chối, vì anh ta không muốn từ bỏ những của cải của mình.
Có những ký lục và Pharisêu được Người ban cho không chỉ một lần, mà nhiều lần, tấm bánh của sự hoán cải, nhưng họ đã từ chối dù chỉ một mẫu bánh.
Có những người dân thành Giêrusalem mà Người yêu dấu, trong những dòng nước mắt, Người đã ban cho tấm bánh của sự bình an, nhưng họ đã từ chối, và hậu quả là thành phố của họ bị phá hủy.
Có một ông quan Philatô, mà Người ban cho tấm bánh của sự thật, nhưng ông ta không hề thèm khát muốn ăn, vì nó đặt địa vị của ông ta vào tình trạng rủi ro.
Đức Giêsu đã chia sẻ chính Người cho mọi người, bằng nhiều cách thức khác nhau, và dưới nhiều hình thức khác nhau, trước khi ban cho họ bản thân mình như là thức ăn và nước uống, trong bữa Tiệc Ly.
Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng rất nhiều cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Chỉ khi nào chúng ta đánh mất ý nghĩa sự hiện diện của Đức Kitô trong tất cả mọi mặt, thì sự hiện diện của Người trong Phép thánh Thể trở nên một vấn đề. Những người có ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn bộ tạo vật, thì sẽ không gặp khó khăn gì lớn, trong việc tin tưởng rằng Người đang hiện diện bằng một cách thức rất đặc biệt trong Phép Thánh Thể.
Chỉ duy nhất Thiên Chúa là Đấng thỏa mãn được những khao khát và mong mỏi của tâm hồn chúng ta, vì chỉ một mình Người có thể ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời. Đây là tấm bánh mà chúng ta được đón nhận trong Phép Thánh Thể. Nếu không có tấm bánh đó, chúng ta sẽ không có sức mạnh để đi theo Đức Kitô.
11. Duy nhất
Trong suốt những năm từ 1984 đến 1986, Ethiopie đã phải chịu đựng một nạn đói khủng khiếp. Đức Hồng y Hume ở Westminster kể lại một sự kiện đã xảy ra, khi ngài thăm viếng Ethiopie giữa thời kỳ nạn đói. Một trong những nơi mà ngài thăm viếng là một trại định cư nằm trên các sườn đồi, tại đó, dân chúng đang chờ đợi thực phẩm không chắc sẽ được gửi tới. Đức Hồng Y đã được chở đến đó bằng trực thăng.Ngay khi ngài vừa mới bước ra khỏi trực thăng, thì có một bé trai, khoảng độ 10 tuổi, chạy đến và nắm bàn tay của ngài. Cháu bé không mặc quần áo gì cả, chỉ đóng một cái khố nhỏ mà thôi. Suốt thời gian mà Đức Hồng Y có mặt ở đó, cháu bé này không hề buông tay mình ra khỏi bàn tay của ngài.
Trong khi Đức Hồng y và bé trai này đi bên nhau, cháu bé có hai cử chỉ: cháu dùng một bàn tay chỉ vào miệng của mình, còn bàn tay kia vẫn nắm chặt bàn tay Đức Hồng Y, và ép sát bàn tay ngài lên má của mình.
Sau này, Đức Hồng Y đã nói: “Đây là một đứa trẻ mồ côi, đã bị mất hết cha mẹ vì nạn đói. Tuy nhiên, bằng hai cử chỉ đơn giản đó, cháu bé đã chứng tỏ hai nhu cầu đói khát căn bản của con người. Bằng cử chỉ đầu tiên, cháu bé đã cho tôi thấy cơn đói ăn của mình, và bằng cử chỉ kia, cháu đã nói lên nhu cầu được yêu thương. Không bao giờ tôi quên được sự kiện đó, và cho đến hôm nay, tôi vẫn thắc mắc không biết cháu bé đó còn sống không. Tôi còn nhớ là khi bước lên trực thăng, cháu cứ đứng nhìn tôi bằng một cái nhìn đầy trách móc”.
Bài đọc hôm nay nói: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Đức Giêsu đã trích dẫn những lời này, trong khi Người bị cám dỗ ở trong sa mạc.
Chúng ta cần có cơm bánh hàng ngày. Đó là nhu cầu đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Nhưng chúng ta còn cần nhiều hơn thế nữa. Cơm bánh chỉ nuôi dưỡng chúng ta phân nửa mà thôi – đó là về mặt thể lý. Nhưng chúng ta còn có mặt tinh thần nữa. Tinh thần cũng kêu gào đòi được nuôi dưỡng. Ngay cả đứa trẻ đang chết đói trên đây cũng đã nhận ra điều đó. Trong Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là lời của Thiên Chúa, lời hằng sống có tác động an ủi, hướng dẫn, truyền cảm hứng, và thử thách chúng ta. Và trong sự hiệp thông Thần Thánh, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là sự sống đời đời. Trong bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta có lương thực nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn và tinh thần của mình. Ở đây, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện kéo dài của Đức Kitô với chúng ta. Người không hiện diện với tư cách như là một ký ức mơ hồ của một con người đã sống từ trước đây rất lâu, nhưng là một sự hiện diện đích thực, ban sự sống làm biến đổi chúng ta. Bằng cách đón nhận lương thực là Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng, và giống như Đức Kitô, chúng ta cũng có khả năng nuôi dưỡng cả những người khác nữa.
12. Tình yêu của Thiên Chúa
Mừng kính Mình và Máu Thánh Đức Kitô, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nhất là qua bí tích Thánh Thể.
Thực vậy, tình yêu là một đề tài xưa như trái đất và được đề cập đến nhiều nhất qua sách vở, qua nghệ thuật cũng như qua cuộc sống. Tuy nhiên, con người vẫn chưa khai triển hết vẻ phong phú của tình yêu, cho nên tới bây giờ, tình yêu vẫn còn là một câu chuyện thời sự nóng bỏng trên môi miệng chúng ta.
Nếu đưa mắt nhìn xem, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi biết bao nhiêu yêu thương. Những người bạn chân thành luôn nâng đỡ để cùng nhau theo đuổi một mục đích, một lý tưởng. Những cặp tình nhân mà trái tim luôn đập cùng một nhịp yêu thương. Những người mẹ luôn ân cần nuôi dạy những đứa con thơ dại. Tình yêu ở trước mặt cũng như ở sau lưng chúng ta. Thế nhưng, đâu là mẫu số chung cho những thứ tình yêu ấy? Đâu là điểm làm cho mặc cho những thứ tình yêu ấy một giá trị và đưa chúng vào một lãnh vực cao cả hơn?
Tôi xin trả lời:
- Đó là sự hy sinh.
Thực vậy, đúng như tuc ngữ đã bảo:
- Yêu nhau chẳng quản xa gần,
Mấy sông cũng lội,, mấy ngàn cũng qua.
Đã yêu thương nhau, thì sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh cho nhau và vì nhau để mưu cầu hạnh phúc cho nhau, nhu một câu danh ngôn đã bảo:
- Hãy cho tình yêu vào máy cán, nếu nó tiết ra chất hy sinh, thì đó là một tình yêu thức thiệt, bằng không thì chỉ là một tình yêu thứ dổm mà thôi.
Sự hy sinh phải là nền tảng căn bản, trên đó tình yêu được xây dựng, cho dù sóng gió cuộc đời có phũ phàng, cũng không thể làm cho nó bị lay chuyễn. Hy vinh và tình yêu luôn bổ túc lẫn cho nhau: hy sinh sẽ làm cho tình yêu trở nên tinh ròng và tình yêu tinh ròng sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận hy sinh.
Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài chính là tình yêu tuyệt hảo nhất, khuôn mẩu cho mọi tình yêu của chúng ta. Và như vậy, chắc chắn sự hy sinh Ngài dành cho chúng ta cũng thật lớn lao.
Sự hy sinh ấy bắt đầu từ nguyên thủy. Khi tạo dựng nên trời và đất, Ngài đã một phần nào đặt mình vào sự giới hạn của không gian và thời gian. Thế nhưng, Ngài đã nhận được những gì, nếu không phải là sự phản bội của loài người, một tạo vật đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài.
Tuy nhiên, dù con người có phản bội, Ngài cũng đã không bỏ rơi con người trong án phạt của sự chết, trái lại Ngài đã đưa ra chương trình cứu độ và thực hiện chương trình ấy trong dòng thời gian, bằng cách sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta.
Giả như bây giờ xảy ra một cuộc hỏa hoạn, hẳn chúng ta sẽ ca tụng hành vi can đảm của người đã dám coi thường cái chết, nảy vào vùng lửa cháy để cứu thoát một em bé nào đó. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã hy sinh vì chúng ta và đã đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, như lời Ngài đã phán:
- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Hơn thế nữa, Ngài lãi còn trao ban cho chúng ta Mình và Máu thánh Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vì vậy, chúng ta có thể nói được rằng bí tích Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa.
Hẳn rằng nhiều người trong chúng ta đã nghe nói đến nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc. Đó là một nạn đói thật khủng khiếp, giết hại gần hai triêu người.
Có hai mẹ con người kia cũng lâm vào cảnh tang thương ấy và nằm hấp hối chờ chết bên vệ đường. Người mẹ trước khi nhắm mắt, đã không thể nào cầm lòng được trước tiếng khóc của đứa con thiếu sữa. Bởi đó, bà đã làm một hành động táo bạo, đó là cắn đứt ngón tay trỏ, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng của mình thay cho dòng sữa đã cạn kiệt, với hy vọng nó sẽ được cứu sống.
Câu chuyện cảm động ấy không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng nó còn xảy ra mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể.
Thực vậy, trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta Mình Máu thánh Ngài làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta, như lời Ngài đã xác quyết:
- Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời.
Chính nhờ của ăn thần linh này, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa, được trở nên giống Chúa và được chia sẻ sự sống ân tình với Ngài.
Vì thế, hãy siêng năng tham dự thánh lễ và hãy sốt sắng rước lể mỗi khi có thể, để đáp trả tình yêu thương vô biên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta trong bí tích Thánh Thể.
13. Bánh
Trong sách Giáo lý Công giáo số 1358, Giáo Hội tóm lược ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể vào những điểm chính như sau:
1. Thánh Thể là sự cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha: Thánh Thể là lời chúc tụng để Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Ngài đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Ý nghĩa trước hết của thánh lễ là “Lễ Tạ Ơn” Thiên Chúa. Câu chuyện kể về một phụ nữ thường xuyên mang theo mình cuốn sách mỏng. Chị đặt tên cho nó là cuốn sách ghi chép tiểu sử cuộc đời. Chị thường chia sẻ với bạn bè rằng nó chẳng mất nhiều thì giờ để đọc, vì cuốn sách chỉ có ba trang giấy. Lại chẳng có một chữ nào được viết trên đó cả. Trang đầu tiên màu đen. Chị nói rằng nó đại diện cho các tội lỗi xưa nay của chị. Trang thứ hai màu đỏ, nó biểu tượng cho máu Chúa Giêsu đã đổ ra vì tội lỗi của chị. Trang thứ ba màu trắng, đại diện cho chính chị sau khi đã được lau sạch trong máu của Chúa Giêsu Kitô, Người đã làm cho chị trở nên trắng hơn tuyết.
2. Thánh Thể tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu: Một câu chuyện có thật gợi lên sự hy sinh cao cả của Chúa Kitô được những tù binh người Anh bị lính Nhật giam giữ trên bờ sông Kwai kể lại như sau: Một người lính Anh Quốc của trung đoàn Argyll bị lính Nhật bắt giam phải đi làm lao động khổ sai xây dựng đường rầy xe lửa. Như thường lệ, sau mỗi ngày lao động, tất cả những dụng cụ làm việc phải được kiểm kê. Ngay khi một nhóm tù binh vừa trao nộp dụng cụ xong, sắp sửa trở về trại, thì người lính Nhật canh giữ la lên rằng có một cái xẻng bị mất. Anh lính quả quyết rằng một người nào đó đã ăn cắp và bán cho người Thái. Cả nhóm tù binh phải tập họp lại. Anh lính Nhật bước tới bước lui trước mặt từng người tù, anh phô trương, nộ nạt, sỉ vả họ vì hành động xấu xa và vô ơn đối với hoàng đế. Đến lúc phát cáu, hắn nổi giận, và la hét. Hắn yêu cầu thủ phạm phải bước ra khỏi hàng ngũ chấp nhận hình phạt. Nhưng chẳng có ai động đậy. Tên lính Nhật lại càng nổi cơn điên lên cao độ hơn nữa. Hắn hét lên: “Tất cả phải chết! Chết hết! Chết hết!”.
Để chứng tỏ điều hắn nói là thật, hắn lên cò súng, kê báng súng lên vai và chĩa nòng súng vào từng người một, sẵn sàng bắn từ đầu cho đến cuối. Vào lúc đó Argyll bước tới, đứng yên và nói: “Tôi đã làm điều đó”. Tên lính Nhật tuôn ra tất cả sự thù hận, hắn đấm đá túi bụi vào Argyll. Tuy nhiên anh vẫn đứng lặng thinh với khuôn mặt đầy máu me đang chảy xuống. Sự yên lặng của anh đã khiêu khích sự phẫn nộ của tên lính Nhật lên tột độ. Hắn nắm lấy cây súng trường, đưa lên cao khỏi đầu, và với một tiếng tru lên như chó, hắn bắn vào đầu Argyll. Argyll tung người lên, rơi xuống đất, rồi nằm yên bất động. Mặc dù rõ ràng rằng người tù đã chết, nhưng tên lính Nhật vẫn tiếp tục đánh anh cho đến khi hắn kiệt sức mới thôi! Những người tù khổ sai đã lãnh xác người bạn mình, vác những dụng cụ lao động trên vai, bước về trại. Khi những dụng cụ lao động được đếm lại một lần nữa ở đồn lính canh, đã không có cái xẻng nào bị mất cả. Tất cả dụng cụ lao động đều đầy đủ!
Thánh Thể là sự tưởng niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh “tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn có nghĩa công bố những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Trong Tân Ước từ “tưởng niệm” còn có nghĩa là sự tái diễn có tính cách bí tích, làm cho trở thành hiện tại sự hy sinh của Chúa Kitô như Công đồng Vatican II đã nói: “Tất cả mỗi khi hy lễ thập giá mà Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta, được hiến tế trên bàn thờ, thì công cuộc ơn cứu chuộc của chúng ta được thực hiện”.
3. Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô: Nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội bằng nhiều cách: trong việc cầu nguyện của Giáo Hội, nơi những người nghèo khó, nơi các bệnh nhân, các tù nhân, trong bí tích của Ngài, trong hy lễ Thánh Thể, và nơi con người của thừa tác viên. Đặc biệt nhất là Ngài hiện diện dưới hình bánh và hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Đó là ngày lễ Phục sinh ở trong tù. Có chừng hơn 10.000 tù nhân chính trị bị giam giữ bởi một chế độ tàn bạo và áp bức. Một nhóm tù nhân Kitô hữu muốn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhưng họ không có bánh lễ, không có rượu nho, không có chén thánh, cũng chẳng có sách lễ, không có Thánh Kinh, và không có cả linh mục nữa. Những tù nhân không phải là Kitô giáo cũng nhiệt tình giúp đỡ: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ các anh. Chúng tôi sẽ nói chuyện rì rào rất êm ái để quý vị có thể gặp nhau mà không lôi kéo sự chú ý của các tên canh tù”. Một trong những tù nhân Kitô hữu lên tiếng góp ý với đồng đạo: “Chúng ta không có bánh lễ, cũng chẳng có lấy một giọt rượu nho, nhưng chúng ta sẽ cử hành như thể chúng ta có tất cả”. Và người tù nhân Kitô hữu đó bắt đầu hướng dẫn mọi người tham dự thánh lễ qua các nghi thức phụng vụ. Mọi người đều ngạc nhiên vì anh nhớ từng lời, từng kinh đã nghe được qua bao nhiêu thánh lễ ngày Chúa nhật từ khi còn bé. Khi đọc đến những lời của Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, anh quay sang người bạn tù bên cạnh mình. Rồi nắm lấy hai bàn tay mà nói: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”. Và sau đó tất cả mọi người trong nhóm đi một vòng tròn, từng người một, mỗi người quay sang người bên cạnh, mở rộng đôi bàn tay và lập lại những lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: “Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
14. Thánh Thể
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ: “Đây là Mình Thầy”, lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa. Làm sao có thể như thế được? Đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, bởi vì Thiên Chúa đã từng làm cho có manna đầy tràn ở trong hoang địa, và nước trở thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, thì việc biến bánh ra Mình Chúa đối với Chúa là chuyện dễ dàng, dễ dàng đến độ Ngài chỉ cần một lời nói “Đây là Mình Thầy”. Có ai trong chúng ta dám nói tôi là thế này tôi là thế nọ không? Thí dụ: “Tôi là ánh sáng”. Chúng ta chỉ có thể nói: “Tôi có ánh sáng” hay “tôi chế ra ánh sáng La-de”, chứ không ai có thể nói: “Tôi là ánh sáng”. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra ánh sáng, mới có nền tảng mà tuyên bố “Tôi là ánh sáng”. Cho nên, khi Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” là một câu nói quả quyết, một câu nói quả quyết sự đồng nhất.
Một số người chối Bí tích Thánh Thể đã cho rằng: câu Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ám chỉ một việc khác. Chúng ta có thể trả lời như sau: Để có ý nghĩa tượng trưng, phải có một trong bốn ý sau đây: Thứ nhất, một cái gì tượng trưng rõ ràng, chẳng hạn khi chúng ta chỉ vào pho tượng thánh Giuse mà nói: “Đây là thánh Giuse”. Thứ hai, một kiểu nói dụ ngôn, chẳng hạn như hạt giống gieo là lời Chúa. Thứ ba, một ý nghĩa tượng trưng tự nó, chẳng hạn như tre trúc tượng trưng cho lòng ngay thẳng, bông huệ tượng trưng cho sự thanh khiết. Thứ tư, một bản văn ám chỉ tới một chuyện khác, chẳng hạn Isaac ám chỉ Chúa Giêsu. Lời truyền phép của Chúa Giêsu không ở trong bốn trường hợp đó. Tự bản chất và công dụng của bánh không bao giờ ám chỉ đến thân thể. Chúa cũng không cắt nghĩa gì thêm, vì quá rõ ràng, đến nỗi người Do Thái lấy làm chướng tai, không nghe được và bỏ đi. Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước không bao giờ dùng tấm bánh để ám chỉ về người ta, cho nên, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” phải hiểu là một chân lý quyền năng của Chúa. Như vậy, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” là Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Đây là điều chắc chắn, là chân lý tuyệt đối, nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây:
Thứ nhất, Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép thánh Thể. Chúa Kitô ở trong phép Thánh Thể là Chúa Kitô vinh hiển, nhân tính Ngài hiện diện trong bí tích đó không còn đau khổ, buồn phiền, cô đơn nữa. Những kiểu nói Ngài cô đơn, vắng lặng trong nhà tạm chỉ là để nhắc nhở thái độ dễ vô ơn, thờ ơ của chúng ta đối với Chúa.
Thứ hai, Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể là trạng thái hết sức khiêm hạ vì thương yêu loài người. Chúa âm thầm tự trở nên một tù nhân giữa loài người. Phải có một tình yêu cao độ chúng ta mới hiểu được sự ở lại trong khiêm hạ này. Cũng trong sự khiêm hạ âm thầm này mà có biết bao phạm thượng, lộng ngôn xúc phạm đến Chúa qua bao thế hệ. Đó cũng là lý do nữa nhắc nhở chúng ta thêm lòng kính mến bí tích tình yêu tột đỉnh này.
Thứ ba, Chúa Kitô với hai bản tính đều ở trong bánh và rượu. Ở mỗi hình thái đều có đủ Chúa Kitô thật. Nhưng chúng ta nên nhớ: Chúa Kitô ở trong hình thái bánh rượu không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian hay trương độ, trọng lượng như xác thịt người phàm nữa. Ngài ngự trong hình bánh rượu, Ngài nghe, biết, thấy chúng ta cầu nguyện, không bằng con mắt xác thịt như chúng ta mà bằng thần tính của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng đến cầu nguyện với Chúa trong Thánh Thể.
Chúng ta hãy nhớ và thực hành hai điều sau: Thứ nhất, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ, bởi vì chả lẽ đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc? Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để rước lễ. Nhưng cũng đừng vì một đôi khuyết điểm hay yếu đuối nhỏ mà chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng rước Chúa. Thật ra khi rước lễ, tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu đủ để Ngài tha thứ những tội nhẹ và khuyết điểm của chúng ta. Thứ hai, ngoài thánh lễ, Chúa vẫn ở với chúng ta trong nhà tạm. Vì thế, mỗi khi vào nhà thờ chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta cúi đầu hay bái gối với một lòng biết ơn và kính trọng, rồi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với một lòng tin sâu xa: Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trước chúng ta, đang lắng nghe chúng ta, đang muốn ban ơn cho chúng ta.
15. Chúa Giêsu bồng ẵm tôi
Một trong những truyện hay của cuộc đời Chúa Giêsu là truyện Chúa bồng ẵm một em bé. Các tông đồ tranh cãi xem ai là người cao cả nhất. Chúa Giêsu bảo các ông: “Ai muốn ở bậc nhất thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”. Rồi Chúa dắt một em bé lại và để em đứng giữa các ông. Chúa bồng ẫm em và nói: “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như em bé này vì danh Ta là đón nhận Ta, và ai đón tiếp Ta, thì không phải đón tiếp Ta, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Ta” (Mc 9,36).
Theo truyền tụng thì em bé này sau trở nên thánh Ignatuiô thành Antiochia, Ngài đã hiến dâng mạng sống vì Chúa Kitô năm 107. Khi còn là thiếu niên, Ignatio thường dẫn bạn bè tới nơi mà Chúa Giêsu đã bồng ẵm cậu và bảo bạn bè: “Các bạn coi đó. Đây là chỗ Chúa Giêsu đã bồng ẵm tôi”.
Nếu bạn muốn, bạn có thể coi đó là câu chuyện tưởng tượng của thời trung cổ, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã bồng ẵm một em bé. Sự kiện đó hôm nay làm nổi bật tư tưởng của tôi, nghĩa là trong sự Hiệp lễ, chúng ta không chỉ ôm ẵm Chúa Giêsu, nhưng chính Ngài cũng ôm ẵm chúng ta.
Có lẽ không bao giờ bạn nghĩ đến sự Hiệp lễ trong cách này. Chúng ta nói trực riếp: “Tôi đón nhận Chúa Giêsu trong sự hiệp lễ... Chúa Giêsu ngự vào trong lòng tôi”. Chúng ta nói về những hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Ai ăn Thịt ta và uống Máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Ignatiô: “Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.
Thánh Cyrilo thành Alexandries so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêxa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của Ngài như là sự hoà tan với Chúa Kitô.
Bạn hãy tưởng tượng một em bé chạy lại gặp cha nó. Nó giang cánh tay nhỏ bé quàng vào cổ cha nó. Cố sức ôm chặt lấy cha nó. Nhưng người cha bồng lấy đứa con trong vòng tay to khỏe, ôm ấp đấ yêu thương. Sự hiệp lễ cũng phần nào giống như thế. Chúng ta ôm ẫm Chúa Kitô. Chúng ta đón rước Ngài ngự vào lòng ta. Chúa Giêsu ôm ẫm ta, đưa ta vào lòng Ngài.
Bạn hãy suy nghĩ điều này và bạn bắt đầu nhận thức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khát khao hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta.
Sự thật kỳ lạ này chúng ta cử hành hôm nay, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong sự buồn thảm của tuần thánh, chúng ta đã làm mới lại ngày thứ năm thánh đầu tiên, khi Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho các tông đồ, và các ông được dâng chính mình cho Ngài. Sự thật vui mừng lớn lao quá, chúng ta muốn cử hành một cách dặc biệt trong một ngày đặc biệt, Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta ước ao làm mới lại ước vọng được ôm ẵm Chúa Kitô và được Ngài ôm ẵm chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.
16. Tặng phẩm thần linh - Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14- 20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10, 17).
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:
"Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
"Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
"Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống..." (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x trang Web: simonhoadalat.com, Mục Thần học, Tặng phẩm Thần Linh, Đức Cha Bùi Văn Đọc)
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một... (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
17. Kẻ ăn Tôi sẽ sống nhờ Tôi
Suy Niệm
"Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống". Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.
Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ. Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu. Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.
Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá, và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.
Trong các nhà thờ, vào dịp lễ Giáng sinh, thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ. Cũng có ít người tò mò lên "ăn bánh thánh". Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo. Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ: "Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa, uống chén rượu đó là uống máu Chúa". Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?
Đây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.
Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy."
Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Đức Giêsu. Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài, mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.
Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy (c.56).
Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết, nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh. "Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy" (c.57).
Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.
Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ. Ngài không hiện diện dưới dạng một con người, nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.
Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên, cả lao công của con người cũng được thánh hiến. Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh. Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.
Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta cũng nên thánh, nhờ được chia sẻ trong yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bài Tin Mừng hôm nay có 10 từ "sống". Bí tích Thánh Thể là bí tích ban sự sống. Bạn có thấy thánh lễ đem lại sức sống cho bạn không? Nếu không, tại sao?
Bạn nghĩ gì về thái độ của bạn khi rước lễ? Đó có phải là một cuộc gặp gỡ thân tình không? Bạn có chuẩn bị gì khi rước lễ? Bạn có dành những giây phút lặng lẽ để tâm sự với Chúa sau rước lễ không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ, mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.
(Dnl. 8, 2-3.14b-16a; 1Cr. 10, 16-17; Ga. 6, 51 -58)
1. Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
Tác giả Tin Mừng nói rõ, chúng ta ở vào thời kỳ "ít lâu trước lễ vượt qua, một đại lễ của người Do Thái”(6,4). Tác giả đưa biến cố được sống thời Đức Giêsu (bánh hoá nhiều, bài giảng ở Capharnaum) về với thời của Israel (Manna thời xuất hành với sự hướng dẫn của Môsê) để các độc giả thấy rõ hơn tính thời sự trong thời của Giáo Hội (sau khi Đức Giêsu phục sinh, trong việc chia sẻ Lời Chúa và bánh của bí tích Thánh Thể). Vì lòng thương xót đám đông đã theo Ngài, Đức Giêsu đã nuôi họ bằng "năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá" (6,9), như thế Ngài cho thấy rõ phần nào căn tính đích thực của Ngài. Bởi thế các chứng nhân đã không lầm, họ đồng hoá Ngài với vị đại ngôn sứ, Đấng đã được ông Môsê loan báo trong sách Đệ Nhị Luật (18,15): "Giữa các ngươi, trong số anh em các ngươi, Chúa là Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi”. Thật vậy, trước những dấu lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện, người ta nói “chính Ngài là vị đại ngôn sứ phải đến trong thế gian”. Nhưng, thánh Gioan viết, hiểu lầm sứ mạng của Ngài, họ "toan bắt ép Ngài làm vua của họ" (6,14-15). Vì thế để tránh họ, Đức Giêsu rút lui một mình lên núi trước khi đi qua bờ bên kia cách kín đáo với các môn đệ của Ngài.
Chính "ở trong hội đường Capharnaum" (6.59) đám đông đi tìm và gặp Ngài, Đức Giêsu giảng cho họ một bài về bánh ban sự sống", trong đó Ngài đào sâu ý nghĩa của bánh, ý nghĩa đã hiện hữu trong dấu chỉ, và dạy họ rằng, đối với họ. Đấng đã hoá bánh ra nhiều cũng chính là bánh của nhân loại. Câu 51 đến 58. đã được ghi trong sách bài đọc năm A này, và đã làm thành đoạn cuối của bài giảng, không thể tách rời khỏi các câu trên, với sự song song rất rõ ràng giữa phần đầu và phần cuối của bài giảng tại Capharnaum.
Cũng lời mở đầu: “Ta là bánh sự sống" (câu 35) và "Ta là Bánh hằng sống” (câu 51). Cũng lời cuối về sự sống vĩnh cửu: “Ai tin Ta sẽ có sự sống đời đời" ( câu 58).
Cùng lời quảng diễn về những xì xầm (đối chiếu với những "xì xầm" trong sách Xuất Hành, và những chống đối của người Do Thái) làm sao ông ta có thể nói: “Ta từ trời xuống" (câu 42), và làm sao con người ấy lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn" (câu 52).
Nhưng trong lúc phần đầu của bài giảng trình bày "bánh sự sống" trong Đức Kitô với tư cách là Đấng mặc khải của Chúa Cha Lời Thiên Chúa từ trời xuống, thì phần hai lại quy chiếu cách rõ nét về bí tích Thánh Thể.
ĐỨC GIÊSU BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG.
Ở phần đầu của bài đọc của sách này, khi quảng diễn Đệ Nhị Luật 8,3 Đức Giêsu tự giới thiệu mình trước hết như là "Bánh sự sống" cho những ai tiếp nhận sứ điệp của ngài bánh hằng sống từ trời xuống, đó là mặc khải cuối cùng cho loài người. Đức Giêsu đã mặc khải bằng lời nói và việc làm của Ngài, bằng mầu nhiệm trọn vẹn của Ngài, bằng chính con người của Ngài vì Ngài là "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (Ga 1,14). Ngài có thể áp dụng cho chính mình những gì mà Cựu ước đã nói về Lời của Thiên Chúa hay sự khôn ngoan thần linh, là của ăn duy nhất có thể làm dịu cơn đói khát của con người: "Ta là bánh sự sống, ai đến với Ta, sẽ không bao giờ đói nữa, ai tin Ta sẽ không hề khát bao giờ" (cf. Pro. 9,5,- Sir. 24,21).
Một giai đoạn mới đã vượt qua với phần hai của bài giảng.
Ở đây sự gợi lại cái chết của Đức Giêsu, như nguồn sống, được làm rõ nét hơn "bánh mà Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, ban cho thế gian được sống. Và chữ "THỊT" làm nhớ lại lời mở đầu của thánh Gioan 1,14: “Ngôi Lời đã hoá thành xác phàm. A. Marchadour quảng diễn: chính Đấng nhập thể hiện diện. Nhưng ở đây lời lẽ thích đáng được diễn đạt: cái chết của Đức Giêsu như nguồn sống cho nhân loại. "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (1,14). Thịt trở thành bánh (6,51). Giữa việc nhập thể, cái chết trên thập giá và bí tích Thánh Thể có một sự liên tục mật thiết. (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", 1992, trang 108).
Và nếu, cho đến bây giờ cái tiếng chính là "TIN", “ĐẾN VỚI TÔI" thì bây giờ chúng ta lại thấy những từ: "BAN", "ĂN và UỐNG". A. Marchadour viết tiếp: "Trong phần cuối của bài giảng của Đức Giêsu, những từ về Thánh Thể (eucharistiques) chiếm chỗ quan trọng với tính hiện thực mà người ta chỉ có thể hiểu vào thời đại của Giáo Hội. Giữa các câu 53, 54-56, thay vì từ "ĂN" truyền thống, Gioan dùng một từ có vẻ sống động hơn: "nhai, cắn" điều đó còn nhấn mạnh hơn đến sở hữu và nghĩa nội tâm hoá cần thiết. Trong trường hợp này, phần bài giảng này có thể chịu ảnh hưởng những cuộc tranh cãi trong cộng đồng Kitô giáo của Gioan trên tính hiện thực của Thánh Thể (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", p.109) Đức Giêsu cũng là bánh từ trời xuống vì trong bí tích, cái mà Ngài ban làm của ăn chính là "thịt" Ngài hiến dâng cho sự sống của thế gian, ăn thịt (động từ lặp lại 8 lần trong một ít câu) và "uống" máu Ngài, là nhận lấy sự sống của Ngài, là thông hiệp với mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài: chúng ta ở vào thời "ít lâu trước lễ Vượt qua, thịt của Đức Giêsu được ban để cho thế gian được sống" (câu 51). Giờ Giuđa nộp Thầy mình đã gần đến, Gioan lưu ý (câu 64 và 70-71). Đến phiên mình, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, Ngài chấp nhận liều mình trở nên "tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới". (Đại hội Thánh Thể Lộ Đức, 1981).
BÀI ĐỌC THÊM:
1) Ngày nay cũng thế, khi thông hiệp với Đức Kitô trong đức tin, người Kitô hữu ở trong Ngài và nhận được sự sống đời đời (A. March, "Dossier biblique số 41, trang 13-14).
Khi giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu đã không thể nói rõ cách trực tiếp về Thánh Thể, điều người ta không thể hiểu nổi trước bữa tiệc ly, trước cái chết và sự sống lại của Ngài. Cụm từ "bánh sự sống" trước hết là một cách nói về Đức Giêsu như Đấng mặc khải từ trời đến và lời Ngài là của ăn và của uống (Hãy đến mà ăn bánh của Ta hãy uống rượu nho mà Ta đã dọn sẵn cho các con: Prov. 9,5). Tất cả bài giảng trước hết gợi lên lòng tin vào Đức Giêsu Đấng mặc khải, nhưng việc thực hiện Thánh Thể cũng lộ ra trong thuật ngữ Kitô giáo: "ăn, uống, có sự sống". Tuy nhiên phần cuối thì trực tiếp chỉ về "Thánh Thể" chúng ta hãy quan sát. Thật vậy, từ câu 51, Đức Giêsu gợi lên cái chết của Ngài như là nguồn sự sống: bánh mà tôi sẽ ban cho, chính là thịt tôi để cho thế gian được sống. Từ "thịt" làm nhớ đến lời mở đầu: Lời trở nên xác phàm (1,14). Chính việc nhập thể (incarnation) được diễn tả ở đây, trong giai đoạn kết thúc: cái chết của Đức Giêsu, Ngôi Lời trở nên thịt (xác phàm), thịt làm thành của ăn. Giữa việc nhập thể, cái chết và Thánh Thể có một sự liên tục. Ngày nay Đức Giêsu vắng mặt trong thân thể Người, sự mặc khải của Ngài vẫn còn đó và Thánh Thể là trọng tâm mà loài người được mời gọi, cùng với cơ may cũng như rủi ro bị từ chối như vào thời Đức Giêsu vậy: Lời này chói tai quá, ai mà nghe được! (6,60). Ở câu 53-56, thay vì động từ "ăn", Gioan dùng một từ rất mạnh: "nhai, cắn". Có lẽ là để nhấn mạnh đến tính hiên thực của Thánh Thể: Thật vậy, một số Kitô hữu, những người thuộc phái ngộ đạo, từ chối sự trung gian thể chất của các bí tích để kết hiệp với Đức Giêsu, cũng như họ từ chối không tin sự hiện hữu của nhân loại tỉnh trong Đức Giêsu, đến trong xác thịt (1Ga 4,2). Nhưng vì thế, để sự trung gian của bánh không phải là ma thuật: chính tinh thần làm cho sống, xác thịt có ích chi (Ga 6,56). Thánh Thể, Mình Máu thông ban cho tín hữu ơn mà những người đồng thời với Đức Giêsu tìm kiếm: sự sống vĩnh cửu từ bây giờ và mãi mãi, ở với Đức Giêsu. Hôm nay cũng vậy, người Kitô hữu thông hiệp với Đức Giêsu trong đức tin, ở với Ngài và có sự sống đời đời.
2) “Cao quý thay mầu nhiệm đức tin” (Mgr. L.Daloz trong "Chúng ta đã thấy vinh quang Ngài" Desclée de Brouwer, trang 87-88).
Đức Kitô phải mời gọi chúng ta đặt mình vào đỉnh cao của đức tin để mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm đức tin. Chúa nhắc lại lời khẳng định đã đưa đến những lời "xì xầm": "Ta là bánh ban sự sống”. Ngài bác lại lời bắt bẻ về manna mà người ta nại ra để chống lại Ngài: "Trong sa mạc, cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, cho nên chưa phải là thứ bánh ban sự sống. Trái lại ai ăn bánh bởi trời sẽ không hề chết bao giờ: ai tin và ăn bánh này sẽ sống muôn đời". Và đây là lời tuyên bố gây vấp phạm… bánh mà Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống… Tuy nhiên trước sự chống đối, Chúa Giêsu chẳng những không dịu giọng mà trái lại còn nhấn mạnh bằng bốn câu rất rõ ràng và thực tế: "Nếu các ông không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài… ai ăn thịt Ta, và uống máu Ta... thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của sống… ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy...". Không có lối thoát nào cả, không có cách nào khác để có sự sống, có sự phục sinh để ở trong Ngài. Không thể rõ ràng hơn được nữa. Hòn đá, vật chướng ngại, chính là hòn đá gốc để các môn đệ được sống, hòn đá thử thách của sự thật về đức tin. Như thế, Thánh Thể cắm sâu vào trung tâm của hiện hữu Kitô giáo. Trong bóng tối của mầu nhiệm, những ai muốn có sự sống phải hướng về đó, vì đó là của ăn để sống: bánh bởi trời là như thế: rất khác với thứ bánh mà cha ông các ngươi đã ăn, họ đã hết, nhưng ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Không một lời diễn giảng, thánh sử kết thúc đơn sơ: Đó là những lời dạy của Đức Giêsu trong hội đường Capharnaum. Đó là cách bánh hằng sống và chén cứu độ được dặt vào tay chúng ta không một lời giải thích nào. "Cao cả thay nhầu nhiệm đức tin".
3) “Hai bàn Tiệc" (J.Perron, trong "Đọc Kinh Thánh" số 52, trang 139-140).
Nếu tách rời những câu trước với đoạn văn này, sẽ đi đến nguy hiểm là làm nghèo nàn đi, hơn nữa làm sai nghĩa về lời dạy về Thánh Thể của Gioan. Những gì nói về bí tích phải để mở ra một nhân quan rộng hơn nhiều hơn những gì nói trong bài thuyết giảng. Nếu Đức Giêsu là bánh ban sự sống trong Thánh Thể, là bởi trước hết Ngài là bánh cho những ai tiếp nhận lời Ngài và chứng của Ngài, và vì thế phần đầu chỉ nói đến người "tin vào", phần hai nói đến người “tin hiệp-thông", nhưng hai phần, phần nào cũng không thể thiếu, bởi lẽ không thể nói đến "người hiệp thông" mà trước hết người ấy không phải là kẻ tin, nếu không có sự khẳng định ở câu 47 thì câu khẳng định 54 chẳng có nghĩa gì hay là dẫn đến tình trạng làm cho Thánh Thể chỉ là một nghi lê ma thuật. Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở rằng mọi bí tích đều là "bí tích đức tin" (sacra men ta fidei). Cuối cùng nếu đức tin có thể bỏ qua bí tích (không nói đến rước lễ thiêng liêng hay rửa tội bằng lòng muốn) thì bí tích không thể có nếu không có đức tin. Đức tin là sự kết hiệp đầu tiên với Đức Kitô, phải đi trước nghi lễ bí tích và hướng về đó" (A.Feuillet). Sự tình bày về Thánh Thể này cũng mời gọi chúng ta, như các cải tổ Công đồng đã làm, tìm lại chỗ đứng của phụng vụ Lời Chúa đi trước và chuẩn bị cho nghi lễ bẻ bánh trong các cử hành của chúng ta - cả hai phải kết hợp với nhau cách sâu xa như hai đoạn của bài giảng thuyết của Gioan. Các tác giả Kitô giáo xưa đã hiểu như thế khi họ nói đến "hai bàn tiện trong Giáo Hội: "Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc thánh". Có lẽ vì thế mà sinh ra những hậu quả đáng giận của phong trào cải cách: sự chia cắt mà người ta có thể diễn tả một cách hài hước: người Tin lành thì ra khỏi cửa với cuốn Kinh Thánh trong túi và người Công giáo đi ra mang theo Mình Thánh Chúa. Lời dí dỏm, trên đây, nếu có thể nói lên một cái gì về thực tế của sự kiện, thì phải nói rằng cả hai cộng đồng, mỗi bên chỉ giữ cho mình một nữa mầu nhiệm Thánh Thể, một phần của bài giảng thuyết trên chủ đề "bánh ban sự sống".
3. Bí tích Thánh Thể
Nếu đọc lại Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy từ việc chuẩn bị đến việc thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể, tất cả đều được diễn ra trong bàu khí của một bữa ăn.
Thực vậy, bữa tiệc thứ nhất đó là đám cưới Cana, tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước lã hóa thành rượu ngon. Qua phép lạ này Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cứu cho đôi tân khỏi bị bẽ mặt với khách mời vì thiếu rượu, mà còn muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, cũng như chuẩn bị cho các ông đón nhận bữa tiệc ly sau này, khi Ngài biến rượu thành máu thánh Người.
Tiếp đến là phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng đám đông trong hoang địa. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta:
- Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời. Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế. (Ga 6,55-56).
Thế nhưng, quan trọng hơn cả phải là bữa tiệc ly, qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày Thứ năm Tuần Thánh. Phúc âm đã kể lại như sau: Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:
- Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.
Cùng một thể thức ấy Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:
- Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. (Mt 26,26-29).
Cuối cùng, đó là bữa ăn nơi quán trọ gần làng Emmaus. Sau khi hai môn đệ mời Người vào nghỉ chân, Người đã cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh, đã sống lại. (Lc 24,13 -35).
Nhìn vào đời thường, chúng ta thấy, những người cùng ngồi ăn với nhau trong một bàn tiệc trong một bữa cơm, thường có một mẫu số chung nào đó. Mẫu số chung ấy có thể là tình nghĩa gia đình, tình nghĩa bè bạn. Mẫu số chung ấy còn có thể là một niềm vui, một nỗi buồn, hay một công việc cùng làm. Vì thế, bữa ăn trở nên một biểu tượng của tình yêu, của cảm thông, của hợp nhất.
Bàn tiệc Thánh Thể cũng vậy, phải là biểu tượng của yêu thương, của cảm thông, của hợp nhất, như lời thánh Phaolô:
- Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô. (1Cr 10,17)
Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể cũng chính là sống yêu thương, sống cảm thông, sống hợp nhất. Chúng ta phải bắt chước cộng đoàn Giêrusalem ở những năm tháng đầu tiên khi Giáo hội còn phôi thai. Từ nghi thức bẻ bánh trở về, họ đã gom góp tài sản riêng làm của chung, rồi phân phối theo nhu cầu của mọi người, đến nỗi dân ngoại đã phải thán phục và kêu lên:
- Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào. (Cv 2,42-46).
Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày, hay ít nữa là hàng tuần, chúng ta đều đến nhà thờ tham dự thánh lễ, thế nhưng, trong cuộc đời, chúng ta đã thực sự sống yêu thương, sống cảm thông và sống hiệp nhất với nhau hay chưa?
4. Một trao đổi khôn tưởng
Bài Phúc Âm này là phần chính của bài giảng về bánh sự sống, được Chúa dạy sau phép lạ hóa bánh ra nhiều và bước đi trên nước. Qua những phép lạ ấy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền năng của Ngài trên thiên nhiên, trên thân thể Ngài và quyền phân phát vô tận lương thực thần linh, mà bánh hóa nhiều là biểu tượng. Như đối với phần đông các bản văn của thánh Gioan, đoạn này đòi hỏi sự suy niệm và đón nhận chăm chú hơn là lời bình giải. Chính để giúp suy niệm, mà một vài ghi chú sau đây được đề ra:
1) “Ta là bánh sự sống từ trời xuống”
Chúng ta có thể giải thích lời này như một mệnh đề phát biểu sự kiện Nhập Thể. Sự sống đời đời hứa cho ai ăn bánh ấy là sự sống siêu nhiên, do Đức Kitô mang đến cho kẻ nào tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến. Nhưng lời ấy còn có ý nghĩa khác. “Bánh Ta sẽ ban là thịt Ta chịu nộp cho thế gian được sống”. Ở đây Chúa Giêsu nói về tương lai. “Bánh” cho đến đây có thể chỉ Chúa Giêsu lương thực đức tin, nay mang một ý nghĩa mới: Đức Kitô -Bánh ăn– đã trao nộp thịt mình cho thế gian được sống. Điều ấy có nghĩa là nếu phép Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp làm của lễ hy sinh trong cuộc tử nạn trên thập giá. Thánh Thể đồng hóa hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi. Chúng ta có nghĩ rằng khi tham dự vào bàn tiệc của Chúa, mối dây liên kết huynh đệ đầu tiên và chính yếu nhất nối liền chúng ta với hy lễ của Ngài hay không? Những buổi cử hành phép Thánh Thể nối kết làm một sự thông hiệp của chúng ta với nhau. Đừng bao giờ chia cắt những gì Chúa đã liên kết. Các thánh lễ của chúng ta, cử hành chia sẻ, cũng phải cử hành lòng thờ phượng.
2) Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.
Lời này của Chúa cho thấy rõ một sự hỗ tương quan trọng. Thực vậy, thoạt xét người ta có thể đơn giản nghĩ rằng Đức Kitô ở trong người nào ăn mình Ngài. Như thế chưa đủ, điều ngược lại cũng đúng. Người ước ao mình được ở trong Ngài, người ấy được đi vào và ở trong Đấng tạo dựng cứu chuộc, viên mãn của mình. Làm sao nghĩ tưởng một điều như vậy? Chúa đã muốn như thế. Ngài ban cho con người một khả năng phi thường hòa nhập vào thần linh. Khi rước mình Đức Kitô, người tín hữu tiến dần đến sự hòa nhập với Đức Kitô. Nếu nghĩ rằng con người sẽ biến Thiên Chúa thành người khi được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Ngài thì thật là ấu trĩ. Con người được biến thành Thiên Chúa mới đúng. Con Thiên Chúa khi hiến thân làm lương thực thần hóa người nào được ăn Ngài. Ngài cho người ấy được tham dự vào bản tính thần linh. Điều này khiến ta nghĩ đến câu tán tụng của mùa Giáng Sinh: Ôi trao đổi kỳ diệu, Thiên Chúa làm người để người được nên Thiên Chúa.
5. Thánh lễ làm cho chúng ta trở thành anh em
Càng ngày người ta càng nghe câu nói làm tổn thương đến đời sống Kitô hữu: “Tôi là tín hữu nhưng không hành đạo”. Tôi hy vọng rằng tất cả con người bạn nổi lên chống lại cái khẳng định tách rời sự “hành đạo” với “đức tin” này. Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ mối dây liên kết giữa hai điều trên.
Việc chúng ta suy niệm về Bánh Hằng Sống sẽ chỉ cho chúng ta thấy mối liên kết giữa hai phần của cuộc sống Kitô hữu: “Nếu các ngươi không ăn thịt Ta, nếu các ngươi không uống máu Ta, các ngươi sẽ không có sự sống”
Tiếng cốt lõi đó là: sự sống. Người tín hữu không hành đạo rất có ý muốn “sống đức tin” của mình. Và điều này được thể hiện tức khắc do một mối quan tâm chính đáng về tình yêu thương anh em: “Tôi tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Chúa Kitô không đòi hỏi tôi phải đi lễ, Ngài đòi hỏi tôi phải yêu thương”.
Ngài đòi hỏi cả hai việc! Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, cũng chính là Chúa Giêsu đã báo trước cho chúng ta: “Nếu các con không hiệp thông cùng thịt và máu Ta, các con sẽ không có sự sống. Sự sống này cho phép các con là anh em với nhau như Thầy là anh em với các con”.
Phép Thánh Thể kết hợp chúng ta với cuộc sống của Chúa Kitô đến nỗi chúng ta không dám nghĩ đến điều đó nếu chính Ngài không nói với chúng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Tôi nghĩ đến một câu rất hay của thánh Cypriano: “Ai chiếm trọn tâm lòng chúng ta kẻ ấy cũng được chúng ta nói đến”. Người ta có thể thêm: người ấy cũng hiện diện trong các cử chỉ của chúng ta, trong cách thức chúng ta yêu thương nữa.
Người tín hữu muốn yêu thương mà “không đi lễ” thì không thấy được rằng họ ít có đức tin bởi vì họ không tin vào một lời nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Không ăn Bánh Hằng Sống thì các ngươi sẽ không có sự sống”. Người tin nửa vời này và người không tin có thể rất thương yêu nhau như anh em. Điều này rất thường gặp. Nhưng họ khó và hiếm khi yêu thương “như Chúa Giêsu”. Đối với người không tin, đây là điều bình thường. Đối với người tín hữu thì đây là một sự lệch lạc: muốn là môn đệ của Chúa Giêsu, bắt chước Chúa Giêsu mà không nuôi dưỡng mình bằng sự sống của Ngài.
Tôi biết rõ vấn nạn kinh khủng này: thực ra, người tín hữu hành đạo không bỏ lễ có yêu thương anh em đến thế chăng?
Trước hết, vơ đũa cả nắm là điều không tốt. Có những người tôn sùng Thánh Thể mà sự dễ thương và lòng độ lượng nói lên rất nhiều về “sự sống của Chúa Kitô” nơi họ.
Nhưng vấn đề Thánh Thể –liên quan đến tất cả chúng ta- chính là vấn đề sức sống Thánh Thể của chúng ta. Nhận lãnh sự sống bằng cách ăn Bánh Hằng Sống đòi hỏi một sự chú ý, một sự gắn bó bên trong là những điều thường quá thiếu vắng. Rước lễ dần dần trở nên ma thuật và thói quen, như thể việc di chuyển và giơ hai tay ra là đủ để trở nên một người xin sự sống đầy quyền lực. Không, điều này đòi buộc một niềm tin thức tỉnh nói với chúng ta lúc ấy, là tại sao chúng ta đi rước lễ và chúng ta vừa nhận lãnh thứ lương thực gì. “Một thứ bánh bị bẻ ra vì một thế giới mới”, một cuộc sống bị nghiền nát để chúng ta có thể thoát ra khỏi ích kỷ và kiêu ngạo. Không có cái chết này làm sao chúng ta là anh em với nhau được?
6. Thánh Lễ nối dài
Nhân ngày lễ kính Mình và Máu thánh Đức Kitô hôm nay, tôi muốn trình bày về mối liên hệ giữa thánh lễ với cuộc đời mỗi người chúng ta. Mối liên hệ ấy được diễn tả qua hai ý tưởng.
Ý tưởng thứ nhất: cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.
Thực vậy, có nhiều người trong chúng ta chỉ sống đạo trong nhà thờ, nhưng lại không sống đạo giữa lòng cuộc đời. Tới nhà thờ, họ là những con chiên ngoan. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, bước xuống cuộc đời, họ lại vội vã dẹp bỏ niềm tin, như cởi bỏ bộ quần áo đẹp họ mặc vào khi đi tham dự thánh lễ, cất kỹ trong tủ, để hóa kiếp trở thành một loài lang sói bằng những hành động thù oán, bất công và ghen ghét.
Họ tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc đời và trong suốt khoảng thời gian còn lại, họ quên đi mình là người Kitô hữu.
Tôi nghĩ rằng cách sống đạo chỉ hạn hẹp trong bốn bức tường nhà thờ chắc chắn sẽ không thể nào làm đẹp lòng Chúa, bởi vì chính Ngài đã muốn chúng ta phải sống đạo giữa đời. Ngài đòi hỏi chúng ta phải trở nên như men trong bột, như muối trong thức ăn, như ánh sáng trong đêm tối. Nghĩa là tình thần của Phúc âm phải thấm nhiễm vào toàn bộ cuộc sống chúng ta, rồi từ nền tảng ấy, nó dần dần cải tạo cái môi trường xã hội chúng ta đang tiếp xúc.
Khi vị Linh mục nói với chúng ta:
- Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.
Điều ấy không có nghĩa là: thánh lễ đã kết thúc khi cánh cửa nhà thờ khép lại, trái lại còn phải mở ra cho chúng ta một thánh lễ khác nữa, thánh lễ giữa lòng cuộc đời, thánh lễ của chính cuộc sống.
Điều ấy còn muốn nói lên rằng chúng ta phải kéo dài thánh lễ từ nhà thờ đến cuộc sống, phải biến cuộc đời chúng ta trở thành một thành lễ nối dài, phải thực hiện tinh thần thánh lễ trong chính môi trường và hoàn cảnh xã hội. Hay nói một cách khác: điều quan trọng không phải chỉ là phải sống đạo trong nhà thờ, mà còn phải sống đạo trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.
Ý tưởng thứ hai: Dưới một góc độ nào đó, Thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại.
Thực vậy, nhiều khi chúng ta đã có quan niệm sai lạc, coi việc đi tham dự thánh lễ như đi xem một vở kịch, một cuốn phim, để rồi có thái độ hoàn toàn thụ động và dửng dưng.
Trong khi đó, thánh lễ đòi hỏi mỗi người tham dự phải có một thái độ tích cực. Chúng ta cùng dâng thánh lễ với vị Linh mục, bởi vì chúng ta cùng sống một tâm tình, cùng dâng một lễ vật là Mình và Máu thánh Đức Kitô.
Ngoài ra, lễ vật riêng tư của mỗi người còn là những lao công vất vả, những khổ đau buồn phiền, những gian nguy thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta dâng lên cùng với Mình và Máu thánh Đức Kitô, nhờ đó những hy sinh nhỏ bé và tầm thường của chúng ta sẽ có được một giá trị thiêng liêng to lớn, trở nên như một góp phần vào hy lễ thập giá, đồng thời trở nên như những sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời của chúng ta.
Như thế, dưới một góc cạnh nào đó, thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại. Chúng ta nên nhớ rằng: Thánh lễ trong nhà thờ cần phải được tiếp nối trong cuộc sống thường ngày bằng cách chấp nhận những gian khổ là như thập giá Chúa muốn chúng ta vác lấy, cũng như bằng cách thực thi những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những người chung quanh. Đồng thời, cuộc sống của chúng ta cũng cần phải được cử hành trong thánh lễ tại nhà thờ bằng cách dâng lên Chúa những thập giá, những hy sinh chúng ta gặp phải.
Và như vậy, có một sự pha trộn, có một sự hòa nhập, có một sự liên hệ mật thiết giữa thánh lễ được cử hành trong nhà thờ với cuộc đời chúng ta đang sống.
7. Sức sống
Tại Tây Ban Nha có một câu chuyện về cậu bé tên là Marcellino. Mới sinh ra cậu bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.
Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thày đầu bếp không cho cậu leo lên gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Marcellino lén leo lên, cậu ngạc nhiên thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá. Nghĩ rằng người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy Marcellino vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông. Người khổng lồ đưa tay nhận bánh và mỉm cười với cậu.
Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho người ấy. Ngày kia, ông âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:
- Con thích nhất điều gì trên trần gian này?
Cậu mau mắn thưa:
- Con muốn được gặp mẹ con.
Người ấy liền nói với cậu bé:
- Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc nếu con chấp nhận phải chết đi.
Hôm sau các thầy tìm thấy cậu nằm chết như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu.
Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Marcellino đã bằng lòng chịu chết. Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống. Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở mãi với con người, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời. Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Khi mời gọi: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.
Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.
Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.
Chính khi nhận lãnh Thánh Thể để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.
Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, sống Bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, sống Bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.
Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.
Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.
Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đày hay đau yếu”.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con.
Xin cho chúng con khi lãnh nhận bánh Thánh Thể cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con.
8. Lương thực
Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quý và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người Công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc thú nhận rằng; do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì những cái thiếu kể trên nên nhiều người đã không thấy được sự cao quý và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng Thánh Lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh Lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại hy lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời”. Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Nếu Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: “Người ta sống không chỉ bởi bánh”.
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi.
9. Thánh Thể
Một hôm, người ta hỏi một em bé chín tuổi mới được rước lễ lần đầu: “Đâu là sự khác biệt giữa cây thánh giá và Mình Thánh Chúa?”. Em bé ấy đã trả lời rất hay và rất đúng rằng: “Trên cây thánh giá, người ta thấy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài không có ở đó. Còn trong bánh Thánh, người ta không thấy Ngài, nhưng Ngài ở trong đó”. Đúng vậy, về phép Thánh Thể người ta không thể nhìn bằng con mắt xác thịt, mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin, bởi vì đây là một mầu nhiệm đức tin, nhưng đây cũng là một mầu nhiệm của tình yêu thương. Chúng ta hãy tìm hiểu nhân ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay. Trong bữa tiệc ly, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ vào chiều ngày thứ năm tuần thánh, Chúa đã làm một việc rất quan trọng, đó là biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài, đồng thời Chúa truyền cho các môn đệ hãy làm như vậy để tưởng nhớ đến Ngài. Như vậy, bữa tiệc ly này đã trở thành thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu, là linh mục tối cao, cử hành, và việc biến bánh rượu trở nên Mình Máu Ngài là bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập và Chúa muốn sự kiện cao quý này, tức là thánh lễ, được tiếp diễn luôn mãi qua các môn đệ của Ngài.
Vì thế, trong thánh lễ, khi linh mục lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Giêsu. Dĩ nhiên đây là một chân lý cao siêu, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm một tấm bánh chưa truyền phép và một hình bánh đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau, hay là có đưa vào phòng thí nghiệm để phân chất, chúng ta vẫn thấy như thường về phẩm chất, khối lượng và hình thức. Tuy nhiên, theo đức tin, thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, một đàng là tấm bánh nhỏ bé, tầm thường. Chính vì thế, sau truyền phép, linh mục lớn tiếng công bố: Đây là màu nhiệm đức tin.
Đúng vậy, Thánh Thể là một bí tích đức tin. Nhưng cũng còn là bí tính tình yêu. Tại sao vậy? Thánh Gioan tông đồ đã viết: Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Chúa Giêsu ở đây là việc lập phép Thánh Thể, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Ngài với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.
Sau hết, Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.
Bí tích Thánh Thể cao quý biết bao và đem lại ơn ích biết bao nhiêu. Thế mà nhiều người vẫn còn thờ ơ hoặc chưa yêu mến cho thật đầy đủ. Được bao nhiêu người rước lễ, có người chỉ rước lễ một năm một lần. Nhiều người rước lễ không nên, hoặc không chuẩn bị đầy đủ hoặc không cám ơn đàng hoàng. Đến nhà thờ là gặp Chúa, tâm sự với Chúa, thế mà có những thái độ bất kính: nói chuyện riêng, có những cử chỉ bất kính. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và cố gắng sống tốt đẹp hơn.
10. Tấm bánh
Là con người, chúng ta không thể chỉ sống bằng cơm bánh. Chúng ta còn phải chịu đựng nhiều kiểu đói khát. Chúng ta hãy mở Tin mừng, để hiểu về những loại tấm bánh khác nhau, mà Đức Giêsu đã ban cho nhân loại, từ đó, Người đang làm thỏa mãn nhiều khao khát của họ.
Đối với những người đã đi theo Chúa vào sa mạc, và những người đang đói khát, Người đã ban cho họ bánh ăn hằng ngày, nhờ đó, đã làm thỏa mãn được cơn đói về thể lý của họ.
Đối với những người phong cùi mà thân thể đang bị héo mòn, Người đã ban cho họ tấm bánh duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với họ – đó là được chữa lành bệnh tật.
Đối với người phụ nữ đang ở một mình tại giếng Giacóp, Người đã ban cho bà tấm bánh của lòng ân cần tử tế, và do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được chấp nhận.
Đối với những người tội lỗi, Người đã ban cho họ tấm bánh của ơn tha thứ, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cứu độ.
Đối với những người bị khước từ và ruồng bỏ, bằng cách hòa hợp với họ, cùng ăn uống với họ. Người đã ban cho họ tấm bánh của tình thân hữu, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cảm thấy mình có giá trị.
Đối với người góa phụ thành Naim, một người đã chôn cất đứa con trai duy nhất, và đối với Marta và Maria, là những người chị vừa mới chôn cất em trai họ là Lagiarô, Người đã ban cho họ tấm bánh của lòng thương xót, và đã chứng tỏ cho họ thấy rằng ngay cả trong cái chết, chúng ta vẫn có thể được Thiên Chúa cứu giúp.
Đối với Giakêu, một người thu thuế giàu có, đã tước đoạt bánh từ bàn ăn của người nghèo, Người đã bắt đầu bằng cách tự để cho Người được mời vào bàn ăn của ông ta. Sau đó, Người đã đánh thức nơi ông ta một niềm khao khát được có một đời sống tốt đẹp hơn, Người đã giúp ông ta biết chia sẻ cho người nghèo tiền bạc bất chính của mình.
Đối với kẻ trộm chết bên cạnh mình, Người đã ban cho anh ta tấm bánh của sự hòa giải với Thiên Chúa, do đó, Người đã ban lại bình an cho tâm hồn bị bối rối của anh ta. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, có một người lại khước từ tấm bánh Đức Giêsu ban.
Có một thanh niên giàu có, được Người ban cho tấm bánh của đời sống ngay chính, nhưng đã từ chối, vì anh ta không muốn từ bỏ những của cải của mình.
Có những ký lục và Pharisêu được Người ban cho không chỉ một lần, mà nhiều lần, tấm bánh của sự hoán cải, nhưng họ đã từ chối dù chỉ một mẫu bánh.
Có những người dân thành Giêrusalem mà Người yêu dấu, trong những dòng nước mắt, Người đã ban cho tấm bánh của sự bình an, nhưng họ đã từ chối, và hậu quả là thành phố của họ bị phá hủy.
Có một ông quan Philatô, mà Người ban cho tấm bánh của sự thật, nhưng ông ta không hề thèm khát muốn ăn, vì nó đặt địa vị của ông ta vào tình trạng rủi ro.
Đức Giêsu đã chia sẻ chính Người cho mọi người, bằng nhiều cách thức khác nhau, và dưới nhiều hình thức khác nhau, trước khi ban cho họ bản thân mình như là thức ăn và nước uống, trong bữa Tiệc Ly.
Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng rất nhiều cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Chỉ khi nào chúng ta đánh mất ý nghĩa sự hiện diện của Đức Kitô trong tất cả mọi mặt, thì sự hiện diện của Người trong Phép thánh Thể trở nên một vấn đề. Những người có ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn bộ tạo vật, thì sẽ không gặp khó khăn gì lớn, trong việc tin tưởng rằng Người đang hiện diện bằng một cách thức rất đặc biệt trong Phép Thánh Thể.
Chỉ duy nhất Thiên Chúa là Đấng thỏa mãn được những khao khát và mong mỏi của tâm hồn chúng ta, vì chỉ một mình Người có thể ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời. Đây là tấm bánh mà chúng ta được đón nhận trong Phép Thánh Thể. Nếu không có tấm bánh đó, chúng ta sẽ không có sức mạnh để đi theo Đức Kitô.
11. Duy nhất
Trong suốt những năm từ 1984 đến 1986, Ethiopie đã phải chịu đựng một nạn đói khủng khiếp. Đức Hồng y Hume ở Westminster kể lại một sự kiện đã xảy ra, khi ngài thăm viếng Ethiopie giữa thời kỳ nạn đói. Một trong những nơi mà ngài thăm viếng là một trại định cư nằm trên các sườn đồi, tại đó, dân chúng đang chờ đợi thực phẩm không chắc sẽ được gửi tới. Đức Hồng Y đã được chở đến đó bằng trực thăng.Ngay khi ngài vừa mới bước ra khỏi trực thăng, thì có một bé trai, khoảng độ 10 tuổi, chạy đến và nắm bàn tay của ngài. Cháu bé không mặc quần áo gì cả, chỉ đóng một cái khố nhỏ mà thôi. Suốt thời gian mà Đức Hồng Y có mặt ở đó, cháu bé này không hề buông tay mình ra khỏi bàn tay của ngài.
Trong khi Đức Hồng y và bé trai này đi bên nhau, cháu bé có hai cử chỉ: cháu dùng một bàn tay chỉ vào miệng của mình, còn bàn tay kia vẫn nắm chặt bàn tay Đức Hồng Y, và ép sát bàn tay ngài lên má của mình.
Sau này, Đức Hồng Y đã nói: “Đây là một đứa trẻ mồ côi, đã bị mất hết cha mẹ vì nạn đói. Tuy nhiên, bằng hai cử chỉ đơn giản đó, cháu bé đã chứng tỏ hai nhu cầu đói khát căn bản của con người. Bằng cử chỉ đầu tiên, cháu bé đã cho tôi thấy cơn đói ăn của mình, và bằng cử chỉ kia, cháu đã nói lên nhu cầu được yêu thương. Không bao giờ tôi quên được sự kiện đó, và cho đến hôm nay, tôi vẫn thắc mắc không biết cháu bé đó còn sống không. Tôi còn nhớ là khi bước lên trực thăng, cháu cứ đứng nhìn tôi bằng một cái nhìn đầy trách móc”.
Bài đọc hôm nay nói: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Đức Giêsu đã trích dẫn những lời này, trong khi Người bị cám dỗ ở trong sa mạc.
Chúng ta cần có cơm bánh hàng ngày. Đó là nhu cầu đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Nhưng chúng ta còn cần nhiều hơn thế nữa. Cơm bánh chỉ nuôi dưỡng chúng ta phân nửa mà thôi – đó là về mặt thể lý. Nhưng chúng ta còn có mặt tinh thần nữa. Tinh thần cũng kêu gào đòi được nuôi dưỡng. Ngay cả đứa trẻ đang chết đói trên đây cũng đã nhận ra điều đó. Trong Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là lời của Thiên Chúa, lời hằng sống có tác động an ủi, hướng dẫn, truyền cảm hứng, và thử thách chúng ta. Và trong sự hiệp thông Thần Thánh, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là sự sống đời đời. Trong bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta có lương thực nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn và tinh thần của mình. Ở đây, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện kéo dài của Đức Kitô với chúng ta. Người không hiện diện với tư cách như là một ký ức mơ hồ của một con người đã sống từ trước đây rất lâu, nhưng là một sự hiện diện đích thực, ban sự sống làm biến đổi chúng ta. Bằng cách đón nhận lương thực là Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng, và giống như Đức Kitô, chúng ta cũng có khả năng nuôi dưỡng cả những người khác nữa.
12. Tình yêu của Thiên Chúa
Mừng kính Mình và Máu Thánh Đức Kitô, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nhất là qua bí tích Thánh Thể.
Thực vậy, tình yêu là một đề tài xưa như trái đất và được đề cập đến nhiều nhất qua sách vở, qua nghệ thuật cũng như qua cuộc sống. Tuy nhiên, con người vẫn chưa khai triển hết vẻ phong phú của tình yêu, cho nên tới bây giờ, tình yêu vẫn còn là một câu chuyện thời sự nóng bỏng trên môi miệng chúng ta.
Nếu đưa mắt nhìn xem, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi biết bao nhiêu yêu thương. Những người bạn chân thành luôn nâng đỡ để cùng nhau theo đuổi một mục đích, một lý tưởng. Những cặp tình nhân mà trái tim luôn đập cùng một nhịp yêu thương. Những người mẹ luôn ân cần nuôi dạy những đứa con thơ dại. Tình yêu ở trước mặt cũng như ở sau lưng chúng ta. Thế nhưng, đâu là mẫu số chung cho những thứ tình yêu ấy? Đâu là điểm làm cho mặc cho những thứ tình yêu ấy một giá trị và đưa chúng vào một lãnh vực cao cả hơn?
Tôi xin trả lời:
- Đó là sự hy sinh.
Thực vậy, đúng như tuc ngữ đã bảo:
- Yêu nhau chẳng quản xa gần,
Mấy sông cũng lội,, mấy ngàn cũng qua.
Đã yêu thương nhau, thì sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh cho nhau và vì nhau để mưu cầu hạnh phúc cho nhau, nhu một câu danh ngôn đã bảo:
- Hãy cho tình yêu vào máy cán, nếu nó tiết ra chất hy sinh, thì đó là một tình yêu thức thiệt, bằng không thì chỉ là một tình yêu thứ dổm mà thôi.
Sự hy sinh phải là nền tảng căn bản, trên đó tình yêu được xây dựng, cho dù sóng gió cuộc đời có phũ phàng, cũng không thể làm cho nó bị lay chuyễn. Hy vinh và tình yêu luôn bổ túc lẫn cho nhau: hy sinh sẽ làm cho tình yêu trở nên tinh ròng và tình yêu tinh ròng sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận hy sinh.
Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài chính là tình yêu tuyệt hảo nhất, khuôn mẩu cho mọi tình yêu của chúng ta. Và như vậy, chắc chắn sự hy sinh Ngài dành cho chúng ta cũng thật lớn lao.
Sự hy sinh ấy bắt đầu từ nguyên thủy. Khi tạo dựng nên trời và đất, Ngài đã một phần nào đặt mình vào sự giới hạn của không gian và thời gian. Thế nhưng, Ngài đã nhận được những gì, nếu không phải là sự phản bội của loài người, một tạo vật đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài.
Tuy nhiên, dù con người có phản bội, Ngài cũng đã không bỏ rơi con người trong án phạt của sự chết, trái lại Ngài đã đưa ra chương trình cứu độ và thực hiện chương trình ấy trong dòng thời gian, bằng cách sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta.
Giả như bây giờ xảy ra một cuộc hỏa hoạn, hẳn chúng ta sẽ ca tụng hành vi can đảm của người đã dám coi thường cái chết, nảy vào vùng lửa cháy để cứu thoát một em bé nào đó. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã hy sinh vì chúng ta và đã đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, như lời Ngài đã phán:
- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Hơn thế nữa, Ngài lãi còn trao ban cho chúng ta Mình và Máu thánh Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vì vậy, chúng ta có thể nói được rằng bí tích Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa.
Hẳn rằng nhiều người trong chúng ta đã nghe nói đến nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc. Đó là một nạn đói thật khủng khiếp, giết hại gần hai triêu người.
Có hai mẹ con người kia cũng lâm vào cảnh tang thương ấy và nằm hấp hối chờ chết bên vệ đường. Người mẹ trước khi nhắm mắt, đã không thể nào cầm lòng được trước tiếng khóc của đứa con thiếu sữa. Bởi đó, bà đã làm một hành động táo bạo, đó là cắn đứt ngón tay trỏ, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng của mình thay cho dòng sữa đã cạn kiệt, với hy vọng nó sẽ được cứu sống.
Câu chuyện cảm động ấy không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng nó còn xảy ra mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể.
Thực vậy, trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta Mình Máu thánh Ngài làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta, như lời Ngài đã xác quyết:
- Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời.
Chính nhờ của ăn thần linh này, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa, được trở nên giống Chúa và được chia sẻ sự sống ân tình với Ngài.
Vì thế, hãy siêng năng tham dự thánh lễ và hãy sốt sắng rước lể mỗi khi có thể, để đáp trả tình yêu thương vô biên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta trong bí tích Thánh Thể.
13. Bánh
Trong sách Giáo lý Công giáo số 1358, Giáo Hội tóm lược ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể vào những điểm chính như sau:
1. Thánh Thể là sự cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha: Thánh Thể là lời chúc tụng để Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Ngài đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Ý nghĩa trước hết của thánh lễ là “Lễ Tạ Ơn” Thiên Chúa. Câu chuyện kể về một phụ nữ thường xuyên mang theo mình cuốn sách mỏng. Chị đặt tên cho nó là cuốn sách ghi chép tiểu sử cuộc đời. Chị thường chia sẻ với bạn bè rằng nó chẳng mất nhiều thì giờ để đọc, vì cuốn sách chỉ có ba trang giấy. Lại chẳng có một chữ nào được viết trên đó cả. Trang đầu tiên màu đen. Chị nói rằng nó đại diện cho các tội lỗi xưa nay của chị. Trang thứ hai màu đỏ, nó biểu tượng cho máu Chúa Giêsu đã đổ ra vì tội lỗi của chị. Trang thứ ba màu trắng, đại diện cho chính chị sau khi đã được lau sạch trong máu của Chúa Giêsu Kitô, Người đã làm cho chị trở nên trắng hơn tuyết.
2. Thánh Thể tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu: Một câu chuyện có thật gợi lên sự hy sinh cao cả của Chúa Kitô được những tù binh người Anh bị lính Nhật giam giữ trên bờ sông Kwai kể lại như sau: Một người lính Anh Quốc của trung đoàn Argyll bị lính Nhật bắt giam phải đi làm lao động khổ sai xây dựng đường rầy xe lửa. Như thường lệ, sau mỗi ngày lao động, tất cả những dụng cụ làm việc phải được kiểm kê. Ngay khi một nhóm tù binh vừa trao nộp dụng cụ xong, sắp sửa trở về trại, thì người lính Nhật canh giữ la lên rằng có một cái xẻng bị mất. Anh lính quả quyết rằng một người nào đó đã ăn cắp và bán cho người Thái. Cả nhóm tù binh phải tập họp lại. Anh lính Nhật bước tới bước lui trước mặt từng người tù, anh phô trương, nộ nạt, sỉ vả họ vì hành động xấu xa và vô ơn đối với hoàng đế. Đến lúc phát cáu, hắn nổi giận, và la hét. Hắn yêu cầu thủ phạm phải bước ra khỏi hàng ngũ chấp nhận hình phạt. Nhưng chẳng có ai động đậy. Tên lính Nhật lại càng nổi cơn điên lên cao độ hơn nữa. Hắn hét lên: “Tất cả phải chết! Chết hết! Chết hết!”.
Để chứng tỏ điều hắn nói là thật, hắn lên cò súng, kê báng súng lên vai và chĩa nòng súng vào từng người một, sẵn sàng bắn từ đầu cho đến cuối. Vào lúc đó Argyll bước tới, đứng yên và nói: “Tôi đã làm điều đó”. Tên lính Nhật tuôn ra tất cả sự thù hận, hắn đấm đá túi bụi vào Argyll. Tuy nhiên anh vẫn đứng lặng thinh với khuôn mặt đầy máu me đang chảy xuống. Sự yên lặng của anh đã khiêu khích sự phẫn nộ của tên lính Nhật lên tột độ. Hắn nắm lấy cây súng trường, đưa lên cao khỏi đầu, và với một tiếng tru lên như chó, hắn bắn vào đầu Argyll. Argyll tung người lên, rơi xuống đất, rồi nằm yên bất động. Mặc dù rõ ràng rằng người tù đã chết, nhưng tên lính Nhật vẫn tiếp tục đánh anh cho đến khi hắn kiệt sức mới thôi! Những người tù khổ sai đã lãnh xác người bạn mình, vác những dụng cụ lao động trên vai, bước về trại. Khi những dụng cụ lao động được đếm lại một lần nữa ở đồn lính canh, đã không có cái xẻng nào bị mất cả. Tất cả dụng cụ lao động đều đầy đủ!
Thánh Thể là sự tưởng niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh “tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn có nghĩa công bố những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Trong Tân Ước từ “tưởng niệm” còn có nghĩa là sự tái diễn có tính cách bí tích, làm cho trở thành hiện tại sự hy sinh của Chúa Kitô như Công đồng Vatican II đã nói: “Tất cả mỗi khi hy lễ thập giá mà Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta, được hiến tế trên bàn thờ, thì công cuộc ơn cứu chuộc của chúng ta được thực hiện”.
3. Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô: Nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội bằng nhiều cách: trong việc cầu nguyện của Giáo Hội, nơi những người nghèo khó, nơi các bệnh nhân, các tù nhân, trong bí tích của Ngài, trong hy lễ Thánh Thể, và nơi con người của thừa tác viên. Đặc biệt nhất là Ngài hiện diện dưới hình bánh và hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Đó là ngày lễ Phục sinh ở trong tù. Có chừng hơn 10.000 tù nhân chính trị bị giam giữ bởi một chế độ tàn bạo và áp bức. Một nhóm tù nhân Kitô hữu muốn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhưng họ không có bánh lễ, không có rượu nho, không có chén thánh, cũng chẳng có sách lễ, không có Thánh Kinh, và không có cả linh mục nữa. Những tù nhân không phải là Kitô giáo cũng nhiệt tình giúp đỡ: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ các anh. Chúng tôi sẽ nói chuyện rì rào rất êm ái để quý vị có thể gặp nhau mà không lôi kéo sự chú ý của các tên canh tù”. Một trong những tù nhân Kitô hữu lên tiếng góp ý với đồng đạo: “Chúng ta không có bánh lễ, cũng chẳng có lấy một giọt rượu nho, nhưng chúng ta sẽ cử hành như thể chúng ta có tất cả”. Và người tù nhân Kitô hữu đó bắt đầu hướng dẫn mọi người tham dự thánh lễ qua các nghi thức phụng vụ. Mọi người đều ngạc nhiên vì anh nhớ từng lời, từng kinh đã nghe được qua bao nhiêu thánh lễ ngày Chúa nhật từ khi còn bé. Khi đọc đến những lời của Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, anh quay sang người bạn tù bên cạnh mình. Rồi nắm lấy hai bàn tay mà nói: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”. Và sau đó tất cả mọi người trong nhóm đi một vòng tròn, từng người một, mỗi người quay sang người bên cạnh, mở rộng đôi bàn tay và lập lại những lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: “Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
14. Thánh Thể
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ: “Đây là Mình Thầy”, lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa. Làm sao có thể như thế được? Đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, bởi vì Thiên Chúa đã từng làm cho có manna đầy tràn ở trong hoang địa, và nước trở thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, thì việc biến bánh ra Mình Chúa đối với Chúa là chuyện dễ dàng, dễ dàng đến độ Ngài chỉ cần một lời nói “Đây là Mình Thầy”. Có ai trong chúng ta dám nói tôi là thế này tôi là thế nọ không? Thí dụ: “Tôi là ánh sáng”. Chúng ta chỉ có thể nói: “Tôi có ánh sáng” hay “tôi chế ra ánh sáng La-de”, chứ không ai có thể nói: “Tôi là ánh sáng”. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra ánh sáng, mới có nền tảng mà tuyên bố “Tôi là ánh sáng”. Cho nên, khi Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” là một câu nói quả quyết, một câu nói quả quyết sự đồng nhất.
Một số người chối Bí tích Thánh Thể đã cho rằng: câu Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ám chỉ một việc khác. Chúng ta có thể trả lời như sau: Để có ý nghĩa tượng trưng, phải có một trong bốn ý sau đây: Thứ nhất, một cái gì tượng trưng rõ ràng, chẳng hạn khi chúng ta chỉ vào pho tượng thánh Giuse mà nói: “Đây là thánh Giuse”. Thứ hai, một kiểu nói dụ ngôn, chẳng hạn như hạt giống gieo là lời Chúa. Thứ ba, một ý nghĩa tượng trưng tự nó, chẳng hạn như tre trúc tượng trưng cho lòng ngay thẳng, bông huệ tượng trưng cho sự thanh khiết. Thứ tư, một bản văn ám chỉ tới một chuyện khác, chẳng hạn Isaac ám chỉ Chúa Giêsu. Lời truyền phép của Chúa Giêsu không ở trong bốn trường hợp đó. Tự bản chất và công dụng của bánh không bao giờ ám chỉ đến thân thể. Chúa cũng không cắt nghĩa gì thêm, vì quá rõ ràng, đến nỗi người Do Thái lấy làm chướng tai, không nghe được và bỏ đi. Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước không bao giờ dùng tấm bánh để ám chỉ về người ta, cho nên, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” phải hiểu là một chân lý quyền năng của Chúa. Như vậy, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” là Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Đây là điều chắc chắn, là chân lý tuyệt đối, nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây:
Thứ nhất, Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép thánh Thể. Chúa Kitô ở trong phép Thánh Thể là Chúa Kitô vinh hiển, nhân tính Ngài hiện diện trong bí tích đó không còn đau khổ, buồn phiền, cô đơn nữa. Những kiểu nói Ngài cô đơn, vắng lặng trong nhà tạm chỉ là để nhắc nhở thái độ dễ vô ơn, thờ ơ của chúng ta đối với Chúa.
Thứ hai, Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể là trạng thái hết sức khiêm hạ vì thương yêu loài người. Chúa âm thầm tự trở nên một tù nhân giữa loài người. Phải có một tình yêu cao độ chúng ta mới hiểu được sự ở lại trong khiêm hạ này. Cũng trong sự khiêm hạ âm thầm này mà có biết bao phạm thượng, lộng ngôn xúc phạm đến Chúa qua bao thế hệ. Đó cũng là lý do nữa nhắc nhở chúng ta thêm lòng kính mến bí tích tình yêu tột đỉnh này.
Thứ ba, Chúa Kitô với hai bản tính đều ở trong bánh và rượu. Ở mỗi hình thái đều có đủ Chúa Kitô thật. Nhưng chúng ta nên nhớ: Chúa Kitô ở trong hình thái bánh rượu không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian hay trương độ, trọng lượng như xác thịt người phàm nữa. Ngài ngự trong hình bánh rượu, Ngài nghe, biết, thấy chúng ta cầu nguyện, không bằng con mắt xác thịt như chúng ta mà bằng thần tính của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng đến cầu nguyện với Chúa trong Thánh Thể.
Chúng ta hãy nhớ và thực hành hai điều sau: Thứ nhất, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ, bởi vì chả lẽ đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc? Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để rước lễ. Nhưng cũng đừng vì một đôi khuyết điểm hay yếu đuối nhỏ mà chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng rước Chúa. Thật ra khi rước lễ, tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu đủ để Ngài tha thứ những tội nhẹ và khuyết điểm của chúng ta. Thứ hai, ngoài thánh lễ, Chúa vẫn ở với chúng ta trong nhà tạm. Vì thế, mỗi khi vào nhà thờ chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta cúi đầu hay bái gối với một lòng biết ơn và kính trọng, rồi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với một lòng tin sâu xa: Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trước chúng ta, đang lắng nghe chúng ta, đang muốn ban ơn cho chúng ta.
15. Chúa Giêsu bồng ẵm tôi
Một trong những truyện hay của cuộc đời Chúa Giêsu là truyện Chúa bồng ẵm một em bé. Các tông đồ tranh cãi xem ai là người cao cả nhất. Chúa Giêsu bảo các ông: “Ai muốn ở bậc nhất thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”. Rồi Chúa dắt một em bé lại và để em đứng giữa các ông. Chúa bồng ẫm em và nói: “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như em bé này vì danh Ta là đón nhận Ta, và ai đón tiếp Ta, thì không phải đón tiếp Ta, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Ta” (Mc 9,36).
Theo truyền tụng thì em bé này sau trở nên thánh Ignatuiô thành Antiochia, Ngài đã hiến dâng mạng sống vì Chúa Kitô năm 107. Khi còn là thiếu niên, Ignatio thường dẫn bạn bè tới nơi mà Chúa Giêsu đã bồng ẵm cậu và bảo bạn bè: “Các bạn coi đó. Đây là chỗ Chúa Giêsu đã bồng ẵm tôi”.
Nếu bạn muốn, bạn có thể coi đó là câu chuyện tưởng tượng của thời trung cổ, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã bồng ẵm một em bé. Sự kiện đó hôm nay làm nổi bật tư tưởng của tôi, nghĩa là trong sự Hiệp lễ, chúng ta không chỉ ôm ẵm Chúa Giêsu, nhưng chính Ngài cũng ôm ẵm chúng ta.
Có lẽ không bao giờ bạn nghĩ đến sự Hiệp lễ trong cách này. Chúng ta nói trực riếp: “Tôi đón nhận Chúa Giêsu trong sự hiệp lễ... Chúa Giêsu ngự vào trong lòng tôi”. Chúng ta nói về những hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Ai ăn Thịt ta và uống Máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Ignatiô: “Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.
Thánh Cyrilo thành Alexandries so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêxa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của Ngài như là sự hoà tan với Chúa Kitô.
Bạn hãy tưởng tượng một em bé chạy lại gặp cha nó. Nó giang cánh tay nhỏ bé quàng vào cổ cha nó. Cố sức ôm chặt lấy cha nó. Nhưng người cha bồng lấy đứa con trong vòng tay to khỏe, ôm ấp đấ yêu thương. Sự hiệp lễ cũng phần nào giống như thế. Chúng ta ôm ẫm Chúa Kitô. Chúng ta đón rước Ngài ngự vào lòng ta. Chúa Giêsu ôm ẫm ta, đưa ta vào lòng Ngài.
Bạn hãy suy nghĩ điều này và bạn bắt đầu nhận thức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khát khao hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta.
Sự thật kỳ lạ này chúng ta cử hành hôm nay, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong sự buồn thảm của tuần thánh, chúng ta đã làm mới lại ngày thứ năm thánh đầu tiên, khi Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho các tông đồ, và các ông được dâng chính mình cho Ngài. Sự thật vui mừng lớn lao quá, chúng ta muốn cử hành một cách dặc biệt trong một ngày đặc biệt, Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta ước ao làm mới lại ước vọng được ôm ẵm Chúa Kitô và được Ngài ôm ẵm chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.
16. Tặng phẩm thần linh - Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14- 20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10, 17).
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:
"Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
"Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
"Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống..." (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x trang Web: simonhoadalat.com, Mục Thần học, Tặng phẩm Thần Linh, Đức Cha Bùi Văn Đọc)
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một... (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
17. Kẻ ăn Tôi sẽ sống nhờ Tôi
Suy Niệm
"Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống". Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.
Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ. Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu. Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.
Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá, và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.
Trong các nhà thờ, vào dịp lễ Giáng sinh, thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ. Cũng có ít người tò mò lên "ăn bánh thánh". Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo. Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ: "Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa, uống chén rượu đó là uống máu Chúa". Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?
Đây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.
Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy."
Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Đức Giêsu. Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài, mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.
Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy (c.56).
Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết, nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh. "Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy" (c.57).
Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.
Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ. Ngài không hiện diện dưới dạng một con người, nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.
Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên, cả lao công của con người cũng được thánh hiến. Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh. Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.
Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta cũng nên thánh, nhờ được chia sẻ trong yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bài Tin Mừng hôm nay có 10 từ "sống". Bí tích Thánh Thể là bí tích ban sự sống. Bạn có thấy thánh lễ đem lại sức sống cho bạn không? Nếu không, tại sao?
Bạn nghĩ gì về thái độ của bạn khi rước lễ? Đó có phải là một cuộc gặp gỡ thân tình không? Bạn có chuẩn bị gì khi rước lễ? Bạn có dành những giây phút lặng lẽ để tâm sự với Chúa sau rước lễ không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ, mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.