NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (17)

CHƯƠNG XI: GIÁO XỨ và CỘNG ĐOÀN

Điều 374 Giáo Luật ngày 25.01.1983 quy định:

(1) Tất cả các Giáo phận hoặc Giáo Hội địa phương nào khác đều phải được phân chia ra thành nhiều phần riêng biệt hoặc Giáo Xứ.
(2) Để cổ võ việc săn sóc mục vụ bằng hoạt động chung, nhiều Giáo Xứ lân cận gần nhau có thể hợp lại thành những hợp đoàn địa phương, tỉ như các Giáo Hạt.

I. GIÁO XỨ

Điều 515 Giáo Luật định nghĩa:

(1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục Giáo phận.
(2) Chỉ duy có Giám mục Giáo phận có quyền thành lập, giải tán hoặc thay đổi các Giáo xứ; tuy nhiên Người không nên thành lập, giải tán hoặc thay đổi một cách đáng kể các Giáo xứ mà không tham khảo ý kiến Hội Đồng Linh Mục.
(3) Một khi đã được thành lập hợp lệ, Giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một văn kiện đã nhấn mạnh Ơn Gọi của Giáo xứ là biểu hiện sự gần gũi của Giáo Hội: « Giáo xứ như Giáo Hội, tự mình sống giữa con cái nam nữ của mình. »

« Nếu Giáo xứ xen vào giữa những căn nhà của tha nhân, giáo xứ sống và tác động trong lòng xã hội loài người và liên đới thâm sâu với các ước vọng và thảm kịch của nó… Giáo xứ phải là căn nhà mở rộng đón tiếp mọi người, hay như Đức Gioan XXIII thường nói là ‘giếng nước của thôn xóm’ để mọi người đến giải khát. » (Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân, số 26 và 27).

Điều 518 Giáo Luật quy định: « Theo luật chung, Giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định; tuy nhiên ở đâu thấy thuận lợi, cũng có thể thiết lập các Giáo xứ tòng nhân xét vì lý do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ hay kể cả vì một lý do nào khác. »

Do đó, trên Quê Hương Việt-Nam, chúng ta chỉ thấy những Giáo xứ tòng thổ và được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương.

Một Giáo xứ tòng nhân.

Giáo Xứ Việt-Nam Paris có thể được xem như là Giáo xứ tòng nhân người Việt đầu tiên trên thế giới.

Ngày 01.10.1947, Giáo Xứ đã được Giáo quyền Tổng Giáo phận Paris chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

Giáo Xứ đã được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các Giáo sĩ du học và anh chị em Giáo dân sinh sống tại Pháp vào thập niên 40, sau đệ nhị thế chiến, trong bầu không khí tranh đấu độc lập cho Quê Hương. Đại Hội Toulouse 1946 là một Đại Hội lịch sử của người Công Giáo Việt-Nam tại Pháp dưới nhiều khía cạnh. Nhờ ơn Chúa Thánh Thấn, thành quả của Đại Hội Toulouse là ‘Bản Điều Lệ và sinh hoạt Liên Đoàn’ đã được Giáo Quyền Pháp công nhận năm 1947.

Trong thư ngày 19.02.1952, gởi cho Đức Khâm Sứ Toà Thánh Đông Dương tại Hà nội, Đức Ông Rupp, Cha Chính Tổng Giáo Phận Paris đã mong muốn có một Linh mục Việt-Nam được các Giám Mục Việt-Nam bổ nhiệm để chuyên lo việc thiêng liêng cho người Việt tại Paris.
Với Thư đề ngày 25.10.1952, Đức Khâm sứ Toà Thánh John Dooley tại Đông Dương trả lời cho Đức Ông Rupp hay rằng Đức Khâm sứ đã gặp các Giám Mục Việt-Nam và xin giới thiệu với Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Paris và xin Đức Tổng Giám Mục bổ nhiệm cha Pacifique Nguyễn Bình An.

Ngày 24.11.1952, Đức Ông Rupp, Cha Chính Tổng Giáo Phận Paris và Cha thư ký của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đã trả lời cho Đức Khâm Sứ: “Trong buổi hội tháng 10 vừa qua, các Đức Hồng Y và Tổng Giám Mục đã đồng ý ký thác cho cha Pacifique An Sở Tuyên Úy người Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp. Để chứng tỏ rằng Cha An không chỉ là tuyên úy của Liên Đoàn mà thôi, nhưng còn là Giám Đốc Tổ Chức Truyền Giáo”.

Mặc dầu tự sắc ‘Pastoralis Migratorum Cura’ đã được ban hành từ 1969, nhưng mãi đến biến cố 1975 ở Việt Nam và với làn sóng người Việt tỵ nạn qua Pháp, Giáo Hội Pháp mới nghĩ đến việc áp dụng tinh thần tự sắc vào việc tổ chức lại cơ cấu và sinh hoạt mục vụ cho cộng đồng người Việt tại Pháp. Việc áp dụng này chỉ thành hình cụ thể vào năm 1977 và từ 1986, trong các thư bổ nhiệm Cha Mai Đức Vinh mới rõ rệt dùng chữ ‘Curé de la paroisse Vietnamienne’.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều Giáo xứ tòng nhân người Việt cũng đã được Giáo Quyền địa phương công nhận vì được thiết lập cách bền vững trong Giáo phận.

II. CỘNG ĐOÀN

Biến cố đau thương lịch sử 30.04.1975 của Dân Tộc đã khiến hàng triệu người Việt-Nam đã phải liều chết, lìa bỏ Quê Hương thân yêu ra đi, dĩ nhiên trong đó, có người Việt Công giáo. Ngay khi đặt chân đến quốc gia tạm cư, giáo sĩ và giáo dân Việt-Nam đã dâng Thánh Lễ đầu tiên để cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng cầu nguyện cho Quê Hương và gia đình. Hình thức các Cộng Đoàn Công giáo Việt-Nam đã thành hình.

Hai văn kiện căn bản của Tòa Thánh về mục vụ cho người di cư – tỵ nạn là tự sắc « Pastoralis Migratorum Cura » do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 30.09.1969 truyền áp dụng tích cực giáo huấn mục vụ của Công Đồng Vatican II đối với dân tỵ nạn, và nhất là những quy định trong Tông huấn « Exsul Familia » do Đức Thánh Cha Piô XII ban hành ngày 30.09.1952.

Chính với tinh thần của hai văn kiện này mà người tỵ nạn Việt-Nam được đón tiếp khắp nơi bởi các Giáo Hội địa phương, và nhờ thế, các Cộng đoàn Công giáo Việt-Nam Hải ngoại được thành hình và phát triển.

Theo ngôn ngữ chuyên môn hay thông thường, Cộng đoàn từ lâu đã mang một ý nghĩa nhất định. Đối với các nhà triết học, xã hội học và luật học, Cộng đoàn gợi lên ý niệm một tập thể. Trên tiêu chuẩn ‘cùng một nòi giống và tiếng nói, cùng một phong tục nhất là những người di cư, lưu vong, tỵ nạn’ thì Giáo luật khuyên các Giám mục địa phương ‘hãy dự liệu mọi nhu cầu thiêng liêng, nên đặt các Tuyên úy để giúp đỡ họ’ (GL 518, 568*). Cho nên, Cộng đoàn Công giáo Việt-Nam là một tập thể người Việt-Nam, đã nhận lãnh bí tích Thánh tẩy và trở nên con Chúa. Vì lý do tiếng nói và phong tục, Kitô hữu Việt được giáo quyền địa phương chấp thuận cho ‘tụ hợp lại với nhau, thông công việc bẻ bánh và cầu nguyện’ (Tđcv 2, 42), ‘chung một lòng một ý’ (Tđcv 4, 332), hầu trở thành ‘một thân thể và một tâm hồn’ (Ep. 4,4) trong Giáo Hội hoàn vũ, để họ cùng nhau phụng thờ Thiên Chúa và làm việc truyền giáo, theo cách thức của người giáo dân.

* Điều 568: Đối với những người vì điều kiện sinh sống không thể được hưởng sự săn sóc thông thường của các Cha Sở, chẳng hạn như những người di cư, lưu vong, tỵ nạn, du mục, thủy thủ, thì tùy mức độ có thể, nên đặt các Tuyên Úy để giúp họ.

Do đó, trên lãnh thổ các quốc gia tạm dung tín hữu Công giáo Việt-Nam, chúng ta thấy đa số những Cộng đoàn tòng thổ và được thiết lập cách tạm thời trong các Giáo Hội địa phương.

Tuyên Úy

Điều 564 Giáo Luật định nghĩa: « Tuyên Úy là một Linh mục được ủy thác việc săn sóc mục vụ cách thường xuyên, ít là một phần nào, của một Cộng đoàn hoặc cho một nhóm tín hữu đặc biệt, và phải thi hành theo đúng quy tắc của luật phổ quát và luật địa phương. »

Tưởng cũng cần nói rõ: Tuyên úy, theo Giáo luật, phải là một Linh mục. Nhưng vì nhu cầu, chúng ta thấy có những Phó tế, Sư huynh hay Nữ tu Tuyên úy, được bổ nhiệm bởi Giám mục với sự chấp thuận của Bề Trên Dòng để coi sóc Cộng đoàn nhưng không được cử hành các Bí tích.

III. VĂN PHÒNG PHỐI KẾT TÔNG ĐỒ VIỆT-NAM HẢI NGOẠI

Truớc làn sóng người Việt được Chính phủ Pháp nhận vào Pháp quốc, ngày 28.05.1976, với tư cách là Giám mục phụ trách về kiều dân Á Châu, Đức Cha André Rousset đã viết thơ cho Linh mục Michel Nguyễn Quang Toán báo tin rằng trước tình hình khẩn trương và bi thương của dân tỵ nạn ba nước Việt Miên Lào, Ủy Ban Mục Vụ Ngoại Kiều yêu cầu Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ, Cha Etcharren đã được bổ nhiệm làm việc với hai cha Guillard và Couessin, và xin cha Toán liên lạc với cha Guillard để xác định phận vụ của mình.

Nhiều Giám mục địa phương đã bổ nhiệm Tuyên úy Việt-Nam trong các năm 1975 và 1976.

Đại Hội ngày 21.10.1976 qui tụ trên 30 Linh mục Việt-Nam Nam từ nhiều tỉnh khác nhau về họp tại Toà Tổng Giám Mục Paris, dưới quyền chủ tọa của Cha Trương Đình Hoè, do đại hội bầu lên, để bàn về các vấn đề và hành động mục vụ khẩn cấp cho đồng bào Việt-Nam.

Tại các quốc gia tạm dung người Việt-Nam, Hội đồng Giám Mục cũng đã có phương pháp tiếp nhận người Việt tỵ nạn, thành lập các Cộng đoàn và bổ nhiệm Tuyên úy coi sóc mục vụ.

Riêng tại Pháp quốc, ngày 09.06.1977, Đức Cha Sabin St Gaudens, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Ngoại kiều vụ ký văn thư đề cử cha Samuel Trương đình Hoè làm Đại diện các Tuyên úy Việt Nam, để lo cho người Công giáo tỵ nạn. Cuối tháng 09/1978, theo lời mời của Cha Hoè, hơn 30 linh mục, tu sĩ nam nữ đang giúp đở đồng bào tỵ nạn, trong 18 Giáo phận trên nước Pháp về Orsay họp bàn Mục vụ và trù liệu kế hoạch để làm việc chung. Từ đó, Tuyên úy đoàn được thành hình.

Hằng năm, vào tháng 9, các Linh mục và Tu sĩ lo việc Mục vụ người Việt có dịp gặp gở để cùng cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận một đề tài mục vụ. Tuyên úy đoàn có 3 ban:

1. Ban Điều hành Trung ương gồm một linh mục Đại diện (nhiệm kỳ 3 năm, có thể lưu nhiệm 3 năm nữa), các cố vấn và một thư ký.
2. Ban Đặc trách Giới Trẻ gồm 4 Tuyên úy (do Đại diện mời) và 4 bạn trẻ được chọn trong Đại hội.
3. Ban Đặc trách Giới Trưởng thành gồm 4 Tuyên úy (do Đại diện mời) và Ban Đặc trách đề cử theo 5 vùng điện thoại.

Tòa Thánh như người Mẹ Hiền đau khổ trước đoàn con hoạn nạn và lưu lạc, nên không bao lâu sau ngày 30 tháng Tư đó, Thánh Bộ Truyền Giáo đã gởi thư đến các Hội đồng Giám mục các quốc gia tiếp nhận nạn nhân Việt-Nam tỵ nạn, yêu cầu lưu tâm đặc biệt giúp đỡ về mục vụ, yêu cầu cho các Linh mục được hưởng mọi quyền lợi thiêng liêng và vật chất, cho các chủng sinh được hội nhập, được thụ huấn và chịu chức, cho các nữ tu các dòng thuộc luật Giáo phận được bảo đảm đời sống tu đoàn, v.v..

Nhưng động lực cuối cùng thúc bách Bộ Truyền Giáo phải kết thúc công việc bổ nhiệm như ý muốn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong chuyến công du mục vụ tại Thái Lan tháng 05/1984, Đức Thánh Cha đến thăm trại tỵ nạn Phanat Nikhm. Trước hoàn cảnh nheo nhóc đau thương vật chất và tinh thần của người tỵ nạn Việt-Nam. Đức Thánh Cha đã hỏi Đức Khâm sứ tại Thái Lan có ai đặc trách lo mục vụ cho họ không ? Đức Khâm sứ trả lời ‘Không’, thì Đức Thánh Cha nói: « Họ có quyền được chăm sóc mục vụ như những người tỵ nạn thuộc các quốc gia khác », và truyền cho Đức Khâm sứ làm phúc trình cho Người về vấn đề này.

Thánh Bộ Phúc Âm hoá các Dân Tộc, qua Văn thư Bổ nhiệm Đức Ông Philiphê Trần văn Hoài số 2900/87 ngày 30.05.1987, đảm nhận trọng trách Văn Phòng Phối Kết việc cổ võ Tông đồ cho người Việt-Nam hải ngoại. Văn Phòng đặt tại trụ sở tại Rôma.

Theo Giáo Luật, người Công giáo thuộc bất cứ dân tộc nào, định cư trong một Giáo phận thì thuộc pháp quyền lãnh thổ (juridiction territoriale) của Đấng Bản Quyền Giáo phận ấy. Đấng Bản Quyền có bổn phận đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của người ấy, và ngược lại, người ấy có quyền lợi yêu cầu đòi hỏi, nhưng đồng thời cũng có bổn phận phải chu toàn đối với Đấng Bản Quyền như một tín hữu thuộc về Giáo phận. Thí dụ, hiện nay, người Việt-Nam Công giáo sống trong các Giáo phận của Hoa kỳ, Úc đại lợi, Gia nã đại, Pháp, Đức…, chúng ta phải tuân phục các Đấng Bản Quyền nơi chúng ta đang sống, và Đấng Bản Quyền cũng có bổn phận phải giúp đỡ chúng ta.

Do đó, vai trò của Vị phụ trách Văn Phòng Phối Kết việc cổ võ Tông đồ cho người Việt-Nam hải ngoại thuộc pháp quyền nhân sự (juridiction parsonnelle) vì Giáo Hội Việt-Nam là một xứ truyền giáo và trực thuộc Bộ Truyền Giáo.

Vị phụ trách Văn Phòng Phối Kết có nhiệm vụ tìm cách giúp đỡ cho tín hữu người Việt vừa hội nhập vào các Giáo Hội địa phương đồng thời bảo tồn căn tính, văn hoá, truyền thống và dân tộc tính của mình.

Sự thành lập Văn Phòng Phối Kết đã trùng hợp với thời kỳ chuẩn bị tổ chức ngày Phong Thánh 117 Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam, nên Đức Ông Philiphê Trần văn Hoài được cử làm Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Lễ Tuyên Phong Hiển Thánh năm 1988.

Từ Văn Phòng ở Rôma, ngày 20.01.2007, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo đã gởi đến Cộng Đồng Dân Chúa Việt-Nam Hải ngoại loan báo: Qua Văn thư số 5530/06 ngày 16.12.2007 gửi Văn phòng Phối Kết, Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc đã loan báo quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng Phối Kết vì « các giáo hữu Việt Nam tại hải ngoại đã ổn định và hội nhập vào đời sống tại các quốc gia cư ngụ và được các Giám mục địa phương tận tình lo lắng cho các nhu cầu mục vụ. »

Văn Phòng Phối Kết, duới sự phụ trách của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, đã phụ trách chương trình mục vụ nhân dịp Năm Thánh 2000 và tổ chức ‘Hội Ngộ Niềm Tin Công giáo Việt-Nam Hải Ngoại’ tại Roma từ 24 đến 27 tháng 07 năm 2003, với Chủ đề "Hiệp Nhất Để Sống và Loan Báo Tin Mừng". Ba ngàn tín hữu đã tham dự đến từ Quê Hương và từ các quốc gia có người Việt tỵ nạn.

(Còn tiếp)