PARAGUAY – NỖI LÒNG NGƯỜI XA XỨ

Tết này con không về

Mấy ngày nay khi vào các trang Web Việt Nam để xem tin tức quê nhà, tôi cảm thấy hơi buồn vì một cái tết nữa xa nhà. Đâu đó vọng lại bài hát tôi đã từng được nghe qua giọng ca mùi mẫn của ca sỹ Duy Khánh: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…”. Ba Má ơi, tết này con lại lỗi hẹn với Ba Ma nữa rồi, mà chẳng những chỉ có cát tết Mậu Tý này mà những cái tết còn lại trong cuộc đời con, con đành gác lại những niềm vui của bản thân để con sống với các anh chị em mà Chúa đã giao phó cho con ở xứ truyền giáo này.

Nhớ lại dịp tết Đinh Hợi, lẽ ra tôi đã được ăn tết với gia đình, nhưng gần đến phút chót lại có sự cố. Đức Tổng Giám Mục Murphy Pakiam của Tổng Giáo Phận Kuala Lumpur, Malaysia mời một linh mục Việt Nam của Dòng chúng tôi giúp các bạn trẻ công nhân Việt Nam đang làm việc tại đây, cha Bề trên đã cử tôi qua đó để làm việc mục vụ. Vâng lời bề trên tôi ra đi mà trong lòng cảm thấy hơi buồn.

Sau một ngày trò chuyện với Đức Tổng ở Kuala Lumpur, tôi được một bạn trẻ người Mã gốc Hoa đưa tôi từ Kuala Lumpur đến thành phố Kuantan, thuộc mạn đông của Malaysia, nơi các rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang làm việc. Cùng đi với tôi có một nữ tu trẻ Việt Nam thuộc Dòng Phan-sinh đang học ngôn ngữ ở đây. Malaysia là một quốc gia Hồi giáo nhưng ở đất nước này có rất đông người Hoa nên ở đây người ta cũng nhộn nhịp đón tết Tàu. Người Công giáo ở đây chỉ là một nhóm thiểu số với những người di dân và xuất khẩu lao động. Tôi được sắp xếp ở nhà thờ Thánh Thomas do một cha xứ người Mã gốc Ấn phụ trách. Sau lời chào xã giao, chúng tôi lên kế họach để gặp gỡ các bạn trẻ Việt Nam trong dịp Tết này. Không hiểu vì sao tết Đinh Hợi người Việt lại ăn tết trước người Tàu một ngày. Vì thế đên giao thừa tại Mã Lai thì bên Việt đã hết ngày mồng một tết. Một thoáng buồn vì ăn tết xa quê nhưng cũng được chút an ủi là những người Hoa đã mời tôi đến xông đất nhà họ vào đêm giao thừa và chuẩn bị đón năm mới. Họ cũng mời những người bạn Mã Lai, người gố Ấn độ đến để chia vui ngày xuân với họ trong dịp này.

Sáng mồng một tết, cha xứ nhà thờ thánh Thomas mời tôi đồng tế thánh lễ cho công đồng người Hoa. Thánh lễ được cử hành bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Hoa. Hôm nay mọi thứ trong nhà thờ đều được trang trí với một màu đỏ, kể cả phẩm phục của các linh mục, vì đối với người hoa, màu đỏ là màu may mắn. Thánh lễ diễn ra thật sinh động và sốt sắng. Người Hoa cũng rất thích ca hát và nhảy múa trong thánh lễ. Sau thánh lễ, một đoàn lân phụng nhảy múa khắp khuôn viên nhà thờ để mừng xuân và nhận lộc của mọi người. Tôi cũng được những giáo dân người Hoa lì xì với những lời chúc xuân thật ý nghĩa.

Sau thánh lễ cho cộng đồng người Hoa, tôi phải chuẩn bị thánh lễ cho các bạn trẻ cộng đồng người Việt cũng tại khuôn viên giáo xứ này. Tuy là dịp tết của Tàu và của Việt nhưng các bạn trẻ ở đây cũng không được nghỉ vì các công ty ở Mã Lai đâu có quan trọng dịp tết của người nước ngòai. Các bạn trẻ chỉ được nghỉ ngày Chúa Nhật nên chúng tôi đã cố gắng quy tụ nhau bất kể lương giáo đang làm việc ở Kuantan và các vùng lân cận. Tôi đã tranh thủ ngồi tòa, tiếp chuyện với các bạn để hiểu rõ hơn về hòan cảnh của những công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Thật đáng thương cho hòan cảnh các bạn trẻ ở đây chỉ vì nghe lời phỉnh gạt của các công ty môi giới lao động mà đã vay một số tiền lớn để được đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên khi qua đây rồi thì mới té ngửa vì biết mình bị lừa. Buồn chán, thất vọng, nhiều bạn trẻ đã tụ tập uống rượu, ăn cắp, đánh nhau, chia bè phái Nam Bắc.. Có nhiều bạn trẻ đã trốn khỏi các công ty vì đồng lương quá rẻ mạt để đi làm riêng có thu nhập cao hơn nhưng phải trốn chui trốn nhủi vì giấy tờ tùy thân đã được các công ty “giữ giùm”. Nếu cảnh sát bắt được thì sẽ bị ngồi tù hay sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Đời sống của những bạn trẻ lao động xuất khẩu Việt Nam ở đây thật khốn cùng. Hậu quả lừa đảo của các công ty môi giới lao động thật khó lường. Chính vì thế, dịp này tôi đã cố gắng làm nhịp cầu nối giúp các bạn biết đoàn kết với nhau hơn, biết đón nhận nhau để nâng đỡ nhau nới đất khách. Tôi cũng tìm cách nói chuyện với một số chủ công ty gốc Hoa người Công giáo tăng lương và giảm giờ làm cho các công nhân và tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ Việt Nam được có dịp sinh hoạt chung với nhau nhiều hơn.

Những ngày mục vụ ở Malaysia thật ngắn ngủi nhưng cũng đã để lại cho tôi những ấn tượng đẹp, những kinh nghiệm quí báu trong đời sống mục vụ truyền giáo.

Sống cộng đòan truyền giáo quốc tế

Dịp trung tuần tháng 1.2008, chúng tôi có một khóa học cho các nhà truyền giáo trẻ đang làm việc tại Paraguay. Dịp này chúng tôi được dịp sống và làm việc chung với các anh em thuộc nhiều quốc tịch khác nhau tình nguyện ra đi truyền giáo.

Dòng Ngôi Lời chúng tôi là một Hội dòng truyền giáo quốc tế do thánh Arnold Janssen sáng lập năm 1875 và đang họat động trên 65 quốc gia trên thế giới. Paraguay là một trong những quốc gia có nhiều nhà truyền giáo nước ngòai làm việc nhất. Bởi thế, anh em chúng tôi có dịp cọ sát với nhau nhiều hơn trong những ngày này để hiểu phong tục, tập quán và văn hóa của nhau nhằm có thể chấp nhận nhau. Sống chung một cộng đoàn trong một quốc gia đã là khó và lắm lúc còn phân biệt Nam Bắc huống chi bây giờ chúng tôi lại phải sống chung với nhiều sắc tộc, màu da và văn hóa khác nhau. Cá nhân tôi nhận thấy có lẽ người Á Châu thường phân biệt hơn những sắc dân khác. Ở đây cũng có hai linh mục người Hoa đại lục nhưng một vị có vẻ khá tự đắc về đất nước Trung Quốc rộng lớn của mình nên kiểu cách, ăn nói và cách sống hơi phản cảm với các anh em khác trong Dòng đến nỗi trong một bữa ăn chung, một tu huynh lớn tuổi người Mỹ nửa đùa, nửa thật đã thốt lên: “China Peor” (nghĩa là Trung quốc xấu). Các cha trẻ người Indonesia chẳng thích thú gì trong việc đọc kinh hay dâng lễ chung mà chỉ thích hưởng thụ, nhưng khi đến vùng đất truyền giáo này đã bị vỡ mộng. Thế mới biết không phải hễ đi tu, hễ làm linh mục, tu sĩ thì người nào cũng thánh thiện, đạo đức cả đâu. Thánh thiện hay tội lỗi không hệ lụy ở bậc sống mà tùy vào cách sống của từng người.

Vào ngày 31.1.2008 vừa qua, khi chúng tôi đang dùng điểm tâm thì một vị khách đặc biệt ghé thăm chúng tôi. Đó chính là ứng cử viên tổng thống 2008 của Paraguay: Fernando Lugo. Ngài từng lại vị giám tỉnh của Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay của chúng tôi và sau đó được cất nhắc làm giám mục của giáo phận San Pedro trong 12 năm. Tuy Nhiên, vào năm 2006, ngài đã quyết định gởi đơn xin Tòa Thánh để trở lại bậc giáo dân nhằm tranh cử chức Tổng Thống Paraguay nhiệm kỳ 2008 – 2013. Theo Giáo luật điều 285.3 có đề cập đến việc cấm các giáo sỹ đảm nhận những chức vị công quyền có kèm theo việc hành xử dân sự. Tòa Thánh đã treo chén vì giám mục này. Tuy nhiên, đối với người dân xứ Nam Mỹ nói chung và người dân xứ Paraguay nói riêng, họ xem việc một giáo sỹ tham gia vào chính trị là chuyện có thể chấp nhận được nếu vị giáo sỹ ấy ngưng việc thi hành quyền bình trong Giáo Hội. Hiên tại, cựu giám mục Lugo là ứng cử viên chính thức cùng với các ứng cử viên khác chạy đua vào chức tổng thống vào tháng 4 sắp tới. Cựu giám mục Lugo cai quản giáo phận San Pedro, một trong những giáo phận nghèo nhất ở Paraguay đã từng lên tiếng bênh vực cho người nghèo và đòi sự công bằng nhưng tiếng nói ấy không được lắng nghe. Paraguay là một quốc gia giàu về tài nguyên nhưng 80% đất đai và tài sản lại nằm trong tay các nhà tài phiệt. Tuy là một quốc gia đa nguyên, đa đảng nhưng đảng Colorado đang cầm quyền đã cai trị Paraguay từ nhiều thập niên qua mà không có một sự thay đổi đáng kể nào, trái lại đã làm cạn kiệt đất nước vì nạn tham nhũng. Công bằng mà nói hiện thời uy tín của vị cựu giám múc này rất cao và có nhiều khả năng thắng cử vì người dân muốn đất nước thay đổi. Tuy nhiên, chính trị là một cạm bẫy chẳng ai lường trước được đến phút chót vì hiện nay đảng cầm quyền đang ráo riết vận động và mua phiếu cử tri. Vị ứng cử viên tổng thống và chúng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau như những người anh em lâu ngày gặp lại. Ngài rất dễ thương, hóm hỉnh, hài hước và thông minh. Chuyện của ngài như thế nào để Chúa phân xử nhưng có một điều là ngài rất yêu mến Giáo hội Công giáo và rất tha thiết với Hội Dòng dù hiện giờ ngài không còn ở với chúng tôi nữa. Chúng tôi không hề đã động một chút gì đến chính trị trong cuộc nói chuyện. Sau đó ngài vào căn phòng của của ngài để lấy một số đồ đạc rồi từ biệt chúng tôi.

Nỗi lòng người xa xứ.

Trong các bài chia sẻ trước, tôi có đề cập đến một số gia đình Việt Nam đang sống tại Paraguay. Thật ra trước đây cũng có trên 10 gia đình Việt Nam đến Paraguay sau biến cố 1975. Tuy nhiên vì đời sống ở đây quá cơ cực nên vài gia đình đã tìm một nước khác để định cư. Vì thế hiện nay chỉ còn vài ba gia đình Việt Nam định cư ở Paraguay ở những nơi cách xa nhau nên việc tụ họp đồng hương quả là khó. Chỉ còn duy nhất một gia đình ở đây còn đầy đủ vợ chồng, con cái, số còn lại đều tan vỡ vì nhiều lý do khác nhau. Như thế mới biết được sống ở nơi đất khách không dễ dàng tý nào. Người ta phải làm lụng đầu tắt, mặt tối mới có miếng ăn và của dư của để. Thỉnh thoảng họ còn phải gởi về cho những người thân ở quê nhà. Tuy nhiên những người thân ở quê nhà Việt Nam không cảm nhận được đồng tiền của những người xa xứ gởi về. Có nhiều người đã tiêu xài phung phí những đồng tiền không phải do mình làm ra mà quên rằng những những đồng tiền chân chính ấy là do chính mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu của những người xa xứ đã chắt chiu, dành dụm để gởi về quê nhà. Tôi tìm hiểu và quan sát một chị đang sống ở đây. Chị có 4 người con gái đều đã không lớn và lập gia đình nhưng chẳng có người con nào giúp chị dù chị đã lo cho bọn chúng từ tấm bé khi chồng chị và chị chia tay nhau. Một mình chị đã bươn chải, chắt chiu từng đồng để gầy dựng cơ nghiệp cho mình và cho các con và thỉnh thoảng còn gởi về cho người thân ở Việt nam. Thậm chí khi đi khám bệnh chị không dám đi taxi mà đi bằng xe buýt cho rẻ tiền để gom góp tiền giúp anh chị em nơi quê nhà. Những đứa con chị đã mắng chị khi chị gởi tiền về Việt Nam cho người thân của chị và lập luận rằng những người thân của chị có bao giờ nghĩ đến chị trong những năm tháng chị buôn gánh, bán bưng và đau yếu ở Paraguay không. Công bằng mà nói các con chị có phần đúng vì bọn chúng được sinh ra và giáo dục ở đây nên bị thấm nhiễm tư tưởng Âu-Mỹ. Các bạn trẻ Nam Mỹ và Paraguay đến tuổi trưởng thành đã đi làm ở các nước khác có rất nhiều tiền nhưng không bao giờ gởi về cho cha mẹ chúng dù chỉ một đồng để ăn bánh. Thế mới biết tâm tình của người Việt nam, đặc biệt là của những người xa xứ luôn hướng về đất mẹ, lo lắng cho những người thân nơi quê nhà trong khi một số người thân ở quê nhà lại không biết trân trọng tấm lòng của người xa xứ.

Chỉ còn vài ngày nữa là bước qua năm mới Mậu Tý. Là một linh mục truyền giáo và cũng là một người xa xứ đúng nghĩa, tôi cảm thấy bồn chồn khi nghĩ về những ngày tết đầm ấm nơi quê nhà. Lòng tôi thắt lại và nước mắt chợt tuôn ra khi nghĩ về cha mẹ già đang ngong ngóng tin con và khi viết lên những lời tâm sự này. Xin cầu chúc người những người thân yêu bên quê nhà, đặc biệt là Ba Má và gia đình một Năm Mới An Bình, Thánh Đức và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.

(Paraguay 3.2.2008 - những ngày cuối năm âm lịch)