Khó có thể có đối thoại hữu ích với 138 học giả Hồi giáo



Quan điểm của Samir Khalil Samir, sj

Beirut (AsiaNews) – Bài diễn văn siêu việt tại Regensburg của Đức Thánh Cha, từng bị số đông thế giới Hồi giáo (và cả ở phương Tây nữa) chỉ trích rộng rãi, nay đang tạo ra những kết quả tích cực trong chính lãnh vực đối thoại với thế giới Hồi giáo. Tiếp theo sau bài diễn từ tại Regensburg (12 tháng 9, 2006), 38 học giả Hồi giáo gửi một lá thư đầu để phản hồi (13 tháng 10, 2006), và một năm sau, gửi một lá thư thứ hai (có ký tên 138 học giả, con số này nay tăng lên 216) trong nỗ lực tìm ra những điểm chung trong sự hợp tác giữa người Kitô hữu và người theo Hồi giáo.

Đến lượt mình, ngày 19 tháng 11 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phúc đáp thư của 138 người, mở đường cho một sự hợp tác khả thi trong nhiều lãnh vực. Mấy tuần lễ trước đây (12 tháng chạp, 2007) trong thư gửi cho Hồng y Bertone, hoàng tử nước Jordan là Ghazi bin Muhammad bin Talal thỏa thuận việc đặt cơ sở cho sự hợp tác: giữa tháng hai và tháng ba các nhân vật của giáo triều Vatican và của thế giới Hồi giáo sẽ gặp mặt tại Roma để thiết lập các thủ tục và các vấn đề chủ yếu cho cuộc đối thoại này.

Nhưng có thể là tất cả những công việc này chẳng đưa đến kết quả gì. Quả vậy, dường như theo tôi nghĩ, các nhân vật Hồi giáo tiếp xúc với Đức Thánh Cha muốn lẩn tránh những vấn nạn cơ bản và cụ thể, như nhân quyền, sự tương nhượng, bạo lực v.v…để thu mình trong một cuộc đối thoại thần học không thể xảy ra được “về linh hồn và Thượng đế”. Chúng ta hãy nhìn gần hơn vào những vấn đề đã phát sinh.

I - Thư của 138 người: Một Từ Ngữ Chung giữa Chúng Tôi và Qúy Vị”

Lá thư của 138 người tràn đầy thiện chí: các học giả Hồi giáo nói rằng họ muốn nhìn vào “những gì kết hợp” Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác. Họ còn cố gắng diễn đạt tư tưởng bằng cách dùng những từ ngữ “Kitô giáo”, nói rằng trọng tâm của tôn giáo là “yêu Thiên Chúa và người lân cận”. Hồi giáo không thể hiện mình theo lối đó. Đấy là kiểu nói của Cựu Ước, được Đức Giêsu tái tục theo một ý nghĩa thực tiễn, cụ thể và phổ biến hơn trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10:23-37). Đức Giêsu nói hai điều quan yếu: trước nhất, Người đặt giới răn thứ nhất ngang hàng với giới luật thứ hai (và điều này ngay cả trong Cựu Ước cũng không rõ rệt như thế); kế đến, Người minh định ai là người lân cận – đó không phải là người “gần gũi nhất với tôi” (như phát biểu của các nhà trí thức Hồi giáo trong phiên bản Arập của lá thư, họ dùng từ jâr, có nghĩa là gần gũi), nhưng là người tôi biến chính tôi thành “người lân cận” với họ. Quả vậy, Sách Tin Mừng đảo ngược câu hỏi của người luật sĩ (“ai là người lân cận của tôi?”) và hỏi ai đã cư xử như “người thân cận” của kẻ sắp chết. Do đó, người lân cận là tất cả mọi người, kể cả kẻ thù nghịch của ta, như người Do thái coi người Samaritanô là kẻ thù vậy.

Trong sách Tin Mừng ta thường tìm thấy các dụ ngôn trong đó Đức Giêsu đảo ngược các giá trị chung: người Biệt phái và người thu thuế, người ngoại giáo với người Do thái, trẻ con với người lớn.

Điều nguy hiểm nhất trong lá thư của 138 người nằm ở những chỗ họ im lặng, ở những chỗ họ không nói tới: chằng hạn, không đề cập gì đến các vấn đề của cộng đồng quốc tế liên quan đến cộng đồng Hồi giáo, hoặc các vấn đề thực tiễn trong nội bộ cộng đồng Hồi giáo. Ngay Ummah (cộng đồng Hồi giáo) cũng thấy chính họ ở vào một thời điểm rất tế nhị, trong một giai đoạn chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến lan tràn trong một bộ phận đáng kể của người theo Hồi giáo, đó là hình thức độc quyền: ai không nghĩ như ta là kẻ thù của ta. Điều này rõ rệt xảy ra hàng ngày nơi báo chí Hồi giáo, và ta thấy bạo lực cũng như các cuộc tấn công tại Iraq, Pakistan, Afghanistan, giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite, hoặc chống lại người Thiên Chúa giáo hoặc Do thái, hoặc đơn giản là chống lại những người Hồi giáo bao dung…và những chuyện đó có thực!

Điều nguy hiểm đối với Hồi giáo không phải là bạo lực: điều này hiện diện trên khắp thế giới, trong mọi tôn giáo và mọi ý thức hệ. Điều nguy hiểm là việc dùng tôn giáo để biện minh cho tất cả những việc đó. Ngay cả một số hình thức bạo hành đối với phụ nữ và các quyền của họ cũng được biện minh bằng cách dùng đến Kinh Koran. Chẳng hạn, tôi biết rõ một phụ nữ theo Hồi giáo không thể xin ly dị được bởi vì ly dị là quyền của người chồng; bà ta chỉ có thể xin ân huệ được người chồng bỏ. Ông ta, theo căn bản của kinh Koran, có thể tái hôn (được lấy tới bốn bà vợ) và làm lại cuộc đời, nhưng người đàn bà kia, phải sống ly thân, không có được quyền đó. Bà này, vẫn còn là một thiếu phụ trẻ trung, phàn nàn với tôi rằng “chẳng có công lý gì hết”. Những hoàn cảnh như vậy, trong đó người ta dùng kinh Koran hoặc luật sharia để loại bỏ người khác, là điều thường xảy ra.

II – Hồi đáp của Đức Thánh Cha: bốn lãnh vực hợp tác

Trong lời phúc đáp của Đức Thánh Cha – gửi qua Quốc vụ khanh là Hồng y Tarcisio Bertone - Bênêđictô XVI bày tỏ “sự cảm kích sâu xa” về tinh thần tích cực trong lá thư của 138 người, và về lời kêu gọi kết hợp hành động nhằm đề cao hòa binh trên thế giới.

Sau đó Đức Thánh Cha đề nghị tìm ra những điều cả hai phía có những điểm chung. Nhưng các yếu tố không hoàn toàn giống hệt nhau. Trước nhất, ngài đưa ra một lời ghi chú: Nên tìm ra những điểm có chung “mà không bỏ qua hoặc coi thường các điều dị biệt”. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha có những dị biệt giữa hai cộng đồng mà cần phải xét tới, không được giấu diếm: chúng ta có thể là huynh đệ và khác biệt nhau, là những huynh đệ bất đồng. Đây là luật vàng trong lãnh vực tôn giáo và tín lý.

Lá thư của 138 người gợi ý rằng những gì “có chung” là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Các nhà tư tưởng Hồi giáo trích dẫn chính kinh Koran khi họ nói “Tiến đến một từ chung giữa chúng tôi và quý vị”, điều này đòi hỏi rằng không có gì được đặt ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng thư này lại gửi cho người theo Kitô giáo, là những tín hữu đặt Đức Giêsu Kitô ngay cạnh Thiên Chúa.

Đối với Đức Thánh Cha, những “điều chung” là điều có thật, nhưng cũng có những dị biệt nữa, và phải được quan tâm. Đức Thánh Cha liệt kê ra ba điều trong “những điều chung” này:

- niềm tin vào một Thiên Chúa, đấng Sáng tạo quan phòng;

- Thiên Chúa, vị Thẩm phán phổ cập, “ngày thế mạt sẽ xét xử mỗi người theo các việc họ đã làm” [1];

- chúng ta được kêu gọi phải “tận trung với Người và vâng theo thánh ý Người”. [2]

Kế tiếp, Đức Thánh Cha đề nghị một áp dụng cụ thể: thành lập một nhóm đối thoại để tìm ra thế đứng chung. Địa hạt này có thể đặt ra trên một số cấp bậc:

a- Đầu tiên là xác định các giá trị có thể bảo đảm “sự kính trọng nhau, đoàn kết và hòa bình”. “Sự kính trọng” ở đây có nghĩa là có những khác biệt phải được bảo đảm và hoan nghênh. Thí dụ, một người Hồi giáo có thể nói với một Kitô hữu: Tôi không đồng ý với điều anh tin là Đức Giêsu có một nhân tính và thiên tính. Các anh, những người Kitô giáo là những kẻ đa thần, vì các anh đặt những thần khác, tức là Giêsu Kitô và Thánh Thần của các anh, bên cạnh một Thượng Đế duy nhất. Còn tôi nói: chúng ta hãy tìm cách sống trong niềm tương kính. Bạn có toàn quyền nói rằng quan niệm của Hồi giáo loại bỏ Ba Ngôi Thiên Chúa, nhân tính-thiên tính. Nhưng cứ để yên cho tôi cái quyền được nói, chẳng hạn, rằng Mohamet chẳng phải là đấng Thiên sai. Tôi có thể công nhận rằng ông ấy là một nhân vật vĩ đại trên bình diện nhân loại và chính trị, một nhà cải cách xã hội và tinh thần, rằng ông ấy cũng đã đem đến những đóng góp tiêu cực, nhưng tôi không chối rằng ông ấy là một vị tiên tri. Tôi có quyền được nói như thế hay không được nói? Cũng như bạn có quyền nói rằng bạn không tin vào thiên tính của đấng Kitô – và như vậy bạn giữ vững niềm tin của mình - chúng tôi nữa cũng có quyền nói những điều chúng tôi nghĩ về Mohamet [3]. Tóm lại, không có đề tài gì được coi như là “cấm kỵ”, nhưng chỉ có những phương tiện và phương pháp cấm kỵ, vì lẽ chúng gây ra bạo hành và thiếu kính trọng.

b- Một cấp độ khác: mạng sống con người là “linh thánh”. Chiều kích đạo đức này bao quát một lãnh vực rất rộng lớn, từ chỗ bác bỏ việc phá thai cho đến chấm dứt cuộc sống con người một cách tự nhiên. Nhưng nó cũng bao gồm sự bất bạo động là một trong những hình thức tôn trọng sinh mạng cao quý nhất. Và nó cũng có nghĩa là yêu mến tất cả các công trình văn hóa và tiến bộ của nhân loại: bình đẳng giữa con người, các quyền của con người - một sự kính trọng đời sống và những gì giúp đời sống thăng hoa và phát triển. Trong diễn từ đọc trước giáo triều Roma ngày 22 tháng 12 năm 2006, Đức Thánh Cha nói: “người ta phải hoan nghênh những thành quả đích thực của Thời kỳ Khai sáng, nhân quyền và đặc biệt là sự tự do tin tưởng và hành đạo, và công nhận đây là những yếu tố căn bản cho tính đích thực của tôn giáo”. Đối với Bênêđictô XVI, “nội dung cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo vào lúc này sẽ đặc biệt là một cuộc gặp nhau trong sự cam kết tìm ra các giải pháp đúng đắn”, và cùng với người Hồi giáo, hoạt động “chống lại bạo lực và cho sự tương hợp giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giáo và tự do”, nền tảng là “phẩm giá của mỗi một nhân vị”, biểu hiện bằng các quyền con người.

Về điểm này, Đức Thánh Cha đề nghị với 138 người bốn đề mục:

1- Nhân quyền: Đây là căn bản đầu tiên của đối thoại;

2- Hiểu biết khách quan tôn giáo của người khác. Điều này có nghĩa là hiểu biết người khác theo cách họ xác định về họ. Người Kitô hữu phải biết Hồi giáo theo cách Kinh Koran và những người theo Hồi giáo tân tiến xác định về Hồi giáo; người Hồi giáo phải biết đạo Thiên Chúa qua các sách Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội [4]. Hiểu biết khách quan là căn bản cho mối dây liên hệ đích thực.

3- Chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo. Yếu tố này cho đến nay vẫn chưa được nhấn mạnh. Kinh nghiệm tôn giáo là điều cao hơn sự hiểu biết. Nó công nhận rằng ngay cả khi một tín điều của người khác tuy không phải của tôi nhưng cũng có thể làm phong phú cho tôi về quan điểm nhân bản và tâm linh. Mấy ngày trước đây, khi bay từ Beirut tới Paris, tôi có cơ hội được trò chuyện suốt ba giờ với một thiếu phụ trẻ người Phi châu đi hành hương Mecca về. Thật là một cuộc đàm thoại đẹp đẽ và sâu xa. Và nó giúp chúng ta nhận thức đúng, nhưng cũng còn sửa chữa, hình ảnh chúng ta có về nhau [5].

4- Một cam kết giáo dục cho giới trẻ. Nếu hôm nay chúng ta không chuẩn bị cho người trẻ sống cuộc đời tương kính, ngày mai chúng ta thấy sẽ còn xung đột với những người trong chính nhóm chúng ta.

Đến đây chấm dứt cái nhìn của chúng ta về lá thư của Đức Thánh Cha: vắn tắt, nhưng rất cô đọng, một dấu chỉ biểu hiện sự suy tư sâu sắc của ngài.

III – Phúc đáp Đức Thánh Cha của Ghazi Ibn Talal: chỉ đối thoại về thần học

Lời phúc đáp của 138 người do hoàng tử nước Jordan là Ghazi Ibn Talal ký tên, đề ngày 12 tháng 12 năm 2007. Sau ít lời giới thiệu, lá thư nói rằng họ chấp nhận ý kiến đối thoại, và trong tháng ba họ sẽ gửi một số đại diện để xác định các chi tiết về tổ chức và thủ tục.

Nhưng rồi (nơi mục thứ năm của văn bản) họ đề nghị sự phân biệt giữa nội tại (intrinsic) và ngoại tại (extrinsic), và giải thích: “Bằng từ ‘nội tại’ tôi muốn nói đến những gì thuộc về linh hồn và cơ cấu bên trong, và bằng từ ‘ngoại tại’ tôi muốn nói đến thế giới và do đó tới xã hội”. Họ đề nghị bắt đầu trên căn bản lá thư họ đã viết, “Một Từ Ngữ Chung giữa Chúng Tôi và Quý Vị ”, và tập chú vào “tính độc nhất của Thiên Chúa và giới luật yêu mến Thiên Chúa và người lân cận”. Tất cả mọi chuyện khác thuộc vào chiều kích ngoại tại, gồm cả những điều quan tâm về xã hội.

Thành thực mà nói, tôi thấy sự phân biệt này yếu kém và ngay đến cả không có tính cách Hồi giáo nữa. Bởi vì nếu “nội tại” là linh hồn và “ngoại tại” là thế giới và xã hội, thì kinh Koran nói rất nhiều về những điều “ngoại tại” và rất ít về những chuyện “nội tại”. Kinh Koran nói về thế giới, về buôn bán, cuộc sống trong xã hội, chiến tranh, hôn nhân, v.v…nhưng nói rất ít về linh hồn và sự liên hệ giữa con người ta với Thượng Đế. Nhưng trên hết cả, kinh Koran không bao giờ đưa ra sự phân biệt này. Trái lại, vấn đề của Hồi giáo chính xác là đã không đưa ra bất cứ sự phân biệt nào giữa hai cấp độ này. Thế thì tại sao 138 người chỉ muốn đề cập đến các chuyện “nội tại”? Tôi nghĩ rằng họ sợ phải đối đầu với thực tế toàn diện của hai tôn giáo.

Phúc đáp của Ghazi nói tiếp: “Chính trên căn bản tri thức và tinh thần chung này mà chúng ta hiểu được rằng chúng ta đang theo đuổi, hợp Ý Thượng Đế, một cuộc đối thoại về ba đề mục đối thoại mà Ngài đã khôn khéo nêu lên trong bức thư của Ngài: (1) ‘Tích cực tôn trọng phẩm giá của mỗi con người’; (2) ‘Hiểu biết khách quan tôn giáo của kẻ khác qua việc chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo’, và (3) ‘Một cam kết chung đề cao sự tương kính và chấp nhận nơi thế hệ trẻ’” [6].

Hoàng tử tiếp tục lá thư với lời cổ võ cho cuộc đối thoại, đan cử ra cuộc hội nghị do Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức.

Và cuối cùng, họ tránh xa “một số tuyên bố mới đây phát xuất từ Vatican và các cố vấn của Vatican – chắc không thể tránh được sự lưu tâm của Ngài – liên quan đến chính nguyên tắc về đối thoại thần học”. Tôi nghĩ rằng những người mà họ nói tới là Hồng y Tauran (và có lẽ Lm Christian W. Troll cũng như chính tôi nữa), là những người đã bày tỏ sự dè dặt về khả năng một cuộc đối thoại về thần học giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo.

Chính vị hoàng tử cũng nói rằng ông chủ trương “một cuộc thỏa hiệp toàn diện về thần học giữa người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là điều cố hữu không thể xảy ra” nhưng mặc dầu như thế ông vẫn muốn có cuộc đối thoại trên bình diện này, “dù chúng ta muốn gọi đó là ‘thần học’ hay ‘tâm linh’ hay gì khác – vì lợi ích chung và cho lợi ích của toàn thể thế giới, theo Ý Thượng Đế”.

Như thế hoàng tử tái xác nhận sự cam kết của ông muốn cộng tác trên bình diện thần học và tâm linh. Và ở đây có một điều hàm hồ: Hồi giáo, hơn là Thiên Chúa giáo, pha trộn thần học với chính trị, và ngay cả với quân sự. Vậy mà ở đây họ chỉ muốn nói đến thần học. Có thể có một số thần học gia đứng sau ý nghĩ của Ghazi. Tôi nghĩ đến cuộc phỏng vấn giáo sư Aref Ali Nayed của cơ quan thống tấn Catholic News Service ngày 31 tháng 10 vừa qua và có đăng lại trong tạp chí "Islamica Magazine". Trong buổi phỏng vấn ông nói: “Nhiều nhà thần học Hồi giáo không chỉ quan tâm đến đối thoại về đạo đức luân lý mà thôi…Nếu đối thoại được coi là đứng đắn, nó phải sâu xa về thần học và tâm linh”.

Mấy tháng trước đây ông cũng đã xác nhận rằng quan niệm của ông về đối thoại “loại bỏ mọi chuyện nào không phải là thần học và tâm linh”. Nhưng thành thực mà nói, không thể phân biệt như vậy được vì lẽ những hậu quả về nhân bản và xã hội trên các quan điểm thần học là điều không thể tránh được.

IV – Kết luận

Thế thì, để tổng kết, chúng ta phải nói rằng một số kết quả tốt để tiến đến đối thoại đang bắt đầu xuất hiện. Và phải nhớ rằng tất cả đều bắt đầu từ Regensburg, từ bài diễn văn tuyệt tác tưởng chừng đã hủy hoại mọi căn bản để đối thoại, nhưng thay vào đó lại làm sinh động lại.

Diễn từ tại Regensburg được xây dựng trên sự thống trị của lý trí, coi đó như là nền tảng của đối thoại. Điều này đặt để tất cả sự thích nghi của các tôn giáo theo các nguyên tắc của Thời kỳ Khai sáng, nhưng không làm cho lý trí phải nghèo nàn đi. Tóm lại, nền tảng của mọi sự không phải là tôn giáo, nhưng lý trí con người là điều chung cho mọi con người [7].

Diễn từ tại Regensburg khởi đi rõ rệt là từ vấn đề này: làm sao tìm được nền tảng chung cho nhân loại và các tôn giáo, gồm cả Hồi giáo?

Trong các nước tân tiến, nền tảng chung được biểu hiện bằng bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, về tự do tôn giáo, v.v… Trong cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và Hồi giáo cũng vậy, những điều đó cần được lấy làm nền tảng của đối thoại; nếu không chúng ta chẳng hoàn tất được việc gì. Trong quá khứ, nhiều thần học gia Hồi giáo đã bác bỏ bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và đã soạn thảo một bản tuyên ngôn “Hồi giáo”, tố cáo bản tuyên ngôn “quốc tế” là chỉ phù hợp với “Tây phương”. Nhưng như vậy là chối bỏ tính phổ quát là điều có thể có và do vậy chối bỏ rằng chúng ta có những nguyên tắc chung. Đây là căn bản của cuộc xung đột giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây, và phần còn lại của thế giới.

Kofi Annan, một lần khi ông được Tổ chức các Quốc theo gia Hồi giáo mời tới mở một cuộc hội nghị, đã nói rõ ràng rằng không thể có những bản tuyên ngôn “Hồi giáo”, “Phi châu”, “Kitô giáo” hoặc “Phật giáo” về nhân quyền. Hoặc bản tuyên ngôn là quốc tế hoặc không thể hiện hữu.

Nhưng lá thư của hoàng tử Ghazi dường như muốn nói, thay vào đó, rằng các quyền con người không quan trọng, và chỉ là vấn đề chính trị. Chỉ có cuộc đối thoại về thần học là đáng quan tâm. Nhưng ích lợi gì khi nói về một Thượng Đế nếu tôi không công nhận rằng con người có một phẩm giá tuyệt đối theo hình ảnh của Thượng Đế? Rằng tự do lương tâm là điều linh thánh, rằng người tín đồ chẳng có nhiều quyền lợi hơn người không phải là tín đồ, rằng người đàn ông không có nhiều quyền hơn người phụ nữ, v.v…?

Phải xác định rằng con người đi trước tôn giáo: tôn trọng con người đi trước tôn trọng tôn giáo. Đây là đường lối tiếp cận của đạo Thiên Chúa.

Tôi không muốn một số thần học gia, tuy thấy mình khó khăn trong việc công nhận phẩm giá của mỗi con người, lại đi tìm cách lẩn tránh vào cuôc đối thoại về thần học. Phương pháp này có nguy cơ chẳng sản sinh được gì ngoài sự giả dối. Nhưng đây là một khó khăn mà chính trong nội bộ Hồi giáo cũng xuất hiện. Hồi giáo sẽ không bao giờ có tính cách hiện đại cả, cho đến khi nào đặt căn bản mọi sự trên nhân vị con người và tái giải thích đức tin dưới ánh sáng nhân quyền.

Trong hai bản tuyên ngôn Hồi giáo về nhân quyền, điều được xác định lập đi lặp lại là Hồi giáo công nhận nhân quyền “khi nào những quyền này phù hợp với luật pháp”. Đối với một người không chút hoài nghi khi đọc bản dịch bằng Anh ngữ, điều này dường như đúng đắn. Điểm cần biết là trong bản dịch Anh ngữ “phù hợp với law (luật pháp)” thì các bản Arập lại nói là “phù hợp với sharia”. Điều này có nghĩa là nhân quyền “theo kiểu Hồi giáo” có nguy cơ áp đặt lại những điều bất công và bạo hành thường lệ: chối đạo, lộng ngôn, ném đá, bất công đối với phụ nữ và trẻ em, v.v… [8]

Dĩ nhiên, đối thoại liên tôn giáo không thể chỉ tập chú vào các quyền con người, nhưng cũng không thể làm như đã không có khó khăn trầm trọng rõ rệt liên quan đến vấn đề này.

Xin để cho tôi kết thúc bằng cách trích dẫn một đoạn trong thư của thánh Giacôbê, tuy có hơi dài. Trong bối cảnh này nó có vẻ khá quan trọng đối với tôi, cả cho vấn nạn trong câu 19 và vì nó đưa ra tấm gương của “Abraham, người bạn của Thiên Chúa” (Khalil Allah, như ta nói bằng tiếng Arập), người rất được tín đồ Hồi giáo kính trọng:

14Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?15Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,16mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?17Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

18Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.19Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ."20Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?21Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao?22Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.23Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.

24Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.25Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao?26Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

Chú thích

[1] Chúng ta sẽ bị xét xử về các hành động của chúng ta, là một ý tưởng chung của người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Kinh Koran nói về “những kẻ tin vào Chúa và vào ngày Thế mạt và những người làm các việc thiện hảo (2:62, 5:69). Nhưng điều này có nghĩa là có một quy tắc đạo đức có thể cùng được giữ chung. Thiết lập những đạo đức chung sẽ rất là quan trọng. Những sự việc tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Năm 1994, tại cuộc họp của LHQ tại Cairo về dân số và phát triển, Tòa thánh Vatican đã bỏ phiếu chung với các quốc gia Hồi giáo. Nhiều đại sứ chỉ trích Tòa thánh vì về phe với những người theo chủ thuyết cơ bản. Trong thực tế, về những vấn đề liên quan đến quyền được sống, người Kitô giáo và người Hồi giáo cùng đi chung với nhau. Sự ngạc nhiên chỉ đến từ phương Tây đã tục hóa, nơi đã tạo ra nền luân lý tương đối, để cho quyết định chủ quan của cá nhân xác định điều gì là thiện điều gì là ác. Cần làm việc gấp và mạnh về điểm này.

[2] Người Hồi giáo sẽ hoàn toàn thoải mái khi nghe điều này vì đối với họ, tuân phục là cơ cấu của cuộc đời, đó là hàng phục ý của Thượng Đế, là islâm. Còn đối với người Thiên Chúa giáo cũng thế, trung thành với Chúa (và với con người) là một lý tưởng cao cả. Nhưng cuộc thảo luận về điểm này cần được mở rộng và làm sáng tỏ: Có ý nghĩa thế nào khi ta được kêu gọi “cống hiến hoàn toàn”? Đối với một người Hồi giáo cực đoan, cống hiến chính mình cho Thượng Đế cũng có nghĩa là giết chóc, là cài bom vào người, là làm chính mình nổ tung ra. Ở đây nữa, xuất hiện sự khác biệt giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo, và đòi hỏi phải chú ý tới: bất bạo động là một chọn lựa có tính cách tâm linh, không phải là một chọn lựa có tính cách chính trị.

[3] Chúng tôi, những người Kitô hữu sinh sống trong thế giới Arập đã chịu đựng đau khổ lớn lao liên quan đến việc này, bởi vì chúng tôi không được phép nói những điều chúng tôi thực tâm suy nghĩ. Thường những người Hồi giáo hay hỏi xin chúng tôi “trao đổi ân huệ”: chúng tôi tin rằng Giêsu là một tiên tri, vì thế bạn cũng phải tin rằng Mohamet là một tiên tri.

[4] Trong sự hiểu biết khách quan về nhau này những người Hồi giáo có nhiều rủi ro hơn. Vì Hồi giáo xuất hiện sau Kitô giáo, và vì trong kinh Koran có đề cập đến Đức Giêsu, Đức Mẹ Maria và những người theo Thiên Chúa giáo, rất thường khi người Hồi giáo không có nỗ lực nào để tìm hiểu Thiên Chúa giáo như người Kitô giáo hiểu về đạo mình, nhưng mà lại tự bằng lòng với những gì kinh Koran nói về Thiên Chúa giáo. Còn đối với người Kitô hữu muốn khám phá Hồi giáo chỉ có cách là đọc kinh Koran.

[5] Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chia sẻ cảm nghiệm về tôn giáo mà không chối bỏ các nguyên tắc của chúng ta. Cầu nguyện chung cũng nên được cứu xét. Nhiều lần trong quá khứ có những chỉ trích (hồng y) Ratzinger rằng ngài có nhãn quan tiêu cực về các cuộc họp ở Assisi nơi các nhân vật tôn giáo đã họp nhau để cầu nguyện chung từ năm 1986. Điều gây tranh cãi đã bùng lên nhiều lần là chuyện người thuộc các tôn giáo khác nhau có nên cầu nguyện chung hay không. Theo quan điểm của Ratzinger, lúc đó còn là hồng y, điều cần thiết là phải tránh tất cả những gì có gây ra hiểu lầm và chủ trương hỗn đồng (syncretism). Nhưng cầu nguyện chung với nhau, như Đức Thánh Cha làm trong ngôi đền Hồi giáo tại Istanbul, là đỉnh cao của sự kính trọng và đối thoại.

[6] Nên chú ý rằng các vị nhận thư đã không nhận ra những điểm Đức Thánh Cha trưng dẫn là 4 chứ không phải 3: chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo, trong bản văn của Đức Thánh Cha, là điểm thứ ba.

[7] Học thuật Hồi giáo vào thế kỷ 10 đã có những ý tưởng rất rõ rệt về vấn đề này, và nó tôn trọng một nền tảng chung cho mọi người. Về sau này thế giới Hồi giáo không ngừng khép kín chính mình, mà còn chống lại cả những người Hồi giáo duy lý (như Averroes).

[8] Điều đáng hỏi là ảnh hưởng của lá thư của 138 người như thế nào. Trong số các nhà chuyên môn, đã có sự đồng thuận ngày càng gia tăng: con số 138 người ký tên trong thư nay đã tăng thành 216. Nhưng trong dân chúng, không có gì đã xảy ra hết. Tôi đã thấy chỉ có mấy bài bằng tiếng Arập trên các báo Arập và Hồi giáo. Không có tờ nào phân tích nội dung lá thư của 138 người. Có báo chỉ đưa tin, báo khác thì chỉ tường thuật rằng người Kitô giáo và người Hồi giáo muốn gặp nhau để thảo luận về đức tin vào một Thượng Đế. Do đó không thể nói rằng lá thư này đã làm chuyển động thế giới Hồi giáo.

Phụng Nghi