SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN, SỨ MỆNH CỦA TRUYỀN THÔNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TÍN HỮU

Cầu nguyện luôn là một phương thế cho mỗi tín hữu Ki tô bày tỏ tâm tình, nguyện vọng của mình đối với Thiên Chúa là Cha toàn năng, đó là sự liên kết của con người đối với Thiên Chúa, để Ngài nghe rõ những mong muốn của mình. Qua đó, uy quyền của Thiên Chúa, ý muốn của Người sẽ được thể hiện cách này hay cách khác, đáp ứng những mong mỏi chính đáng của con người.

Việc cầu nguyện còn là một phương cách để mọi người tìm sự hiệp thông, đồng thuận với nhau trong những công việc mình đang cố gắng thực hiện. Qua sự cầu nguyện, người ta có thể sẻ chia với nhau những điều mình cần chia sẻ, cần được giúp đỡ. Sự cầu nguyện còn là một vũ khí để chống lại sự sợ hãi về thể xác và tinh thần khi con người cảm thấy cô đơn, bất lực trước sự dữ đe dọa.

Chúa Giêsu dạy rằng: Cần phải cầu nguyện nhiều, cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, điều đó như một mời lời gọi để con người có thể tâm tình nhiều hơn với Chúa như một người Cha, một người Thầy, một người bạn.

Với các tín hữu Việt Nam, việc cầu nguyện càng trở nên cần thiết cho những nhu cầu của giáo dân, và của cả Giáo hội nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo dưới thể chế chính trị cộng sản độc đảng ở Việt Nam.

Tôi thực sự xúc động khi trong các buổi lễ, ngoài những lời cầu nguyện cho giáo dân, Giáo hội, Giáo hoàng, còn có lời cầu cho những vị lãnh đạo đất nước – những người Cộng sản - được khôn ngoan, sáng suốt để đưa đất nước vào tự do, phồn thịnh. Đó là một sự quảng đại riêng có của một Giáo hội mà trong thực tế đất nước Cộng sản họ vẫn thường được đối xử như là một tổ chức của các công dân hạng hai.

(Điều này không khó chứng minh. Thử nhìn mà xem, với tỷ lệ giáo dân gần 10% dân số, hỏi đã có được người nào trong hệ thống công quyền từ cấp huyện trở lên là người Công giáo chân chính nắm vai trò người lãnh đạo? Lực lượng Công an, cảnh sát Việt Nam được coi có là tỷ lệ rất lớn trên số dân, vậy có được mấy người là người Công giáo? Trong khi đó, ngay cả những dân tộc ít người cũng đã chiếm đầy các ghế lãnh đạo cao nhất của đất nước).

Giáo dân Hà Nội cầu nguyện
trước Tòa Khâm Sứ ngày 30.12.2007
Tất nhiên, sự khôn ngoan sáng suốt được người tín hữu cầu xin ở đây, là sự khôn ngoan, sáng suốt của Sự thật, của Công lý mà không phải là sự khôn ngoan của ma quỷ xảo trá, nói xuôi làm ngược, của những chiêu bài lừa mị. Không biết Chúa có nhậm những lời cầu đó không, dù lời cầu vẫn đều đều cất lên từ các tín hữu Kitô.

Việc đòi lại đất Tòa Khâm sứ Hà Nội, mở đầu bằng bức thư kêu gọi cầu nguyện của Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, là một hiệu lệnh cho tất cả các tín hữu Việt Nam trong và ngoài nước đồng thuận về một vấn đề mà chưa có một phương cách khả dĩ nào có thể hữu hiệu.

Để có thể đòi lại tài sản của mình, Giáo hội Việt Nam đã làm hết khả năng của mình bằng nhiều phương pháp. Từ biện pháp hành chính, ôn hòa gặp gỡ đến sự phản kháng quyết liệt. Từ sự nhẫn nhục khiêm hạ đến những tiếng nói và hành động dũng cảm. Nhưng với nhà nước Việt Nam từ cấp Trung ương đến địa phương, những biện pháp đó thời gian qua đã hầu như không có tác dụng. Dù đó là nhu cầu chính đáng của Giáo hội Công giáo, đại diện cho gần 10% dân số của cả nước. Dù đó là một nhà nước luôn được giới thiệu là “Của dân, do dân và vì dân”.

Trước những nhu cầu cấp bách không thể đừng, trước những hành động càng ngày càng lấn tới để chiếm đoạt ngang nhiên và lâu dài tài sản Giáo hội. Không còn con đường nào khác, Giáo hội Việt Nam đã phải dùng phương thế tổng hợp bằng sức mạnh sự cầu nguyện của mọi tín hữu trước vấn nạn này.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của chủ chăn, người tín hữu Công giáo Hà Nội đã lên tiếng đồng loạt và mạnh mẽ, bằng những buổi cầu nguyện liên lỉ, bằng những hành động tôn vinh Thiên Chúa và Mẹ Maria – Mẹ Giáo hội Việt Nam. Những buổi cầu nguyện tập thể, những lời cầu nguyện riêng lẻ đó đã có tác dụng to lớn.

Bao năm qua, lời cầu nguyện của người tín hữu Việt Nam đã có những tác dụng lớn lao trong đời sống tinh thần của mọi giáo hữu và của cả toàn Giáo hội. Từ việc bất chấp mọi nhu cầu giáo hội, sự phản ứng của Giáo dân, ngang nhiên vay mượn nhưng không trả đất đai tài sản, nay Chính quyền nhiều nơi đã phải thừa nhận quyền của người tín hữu và các tổ chức của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Từ việc nghênh ngang hăm dọa, theo dõi các tín hữu và những người viếng thăm nơi bản địa của Giáo hội, đến nay, việc tín hữu ra vào thăm viếng, tổ chức lễ lạt đã được tương đối đảm bảo.

Những buổi cẩn nguyện âm thầm, không náo động, không ồn ào trước Tòa Khâm sứ đã có những tác dụng và tiếng vang to lớn. Từ việc ngang nhiên đập phá, xây dựng theo ý thích của mình trên mảnh đất của Giáo hội như nơi vô chủ, bất chấp tất cả các văn thư gửi đến phản đối quyết liệt. Chính quyền đã buộc phải dừng lại những hành động đó.

Từ việc cho lực lượng bảo vệ, công an nổi, chìm dọa dẫm những giáo dân đến cầu nguyện, đến ngày 30 tháng 12 năm 2007, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đến tận nơi để nhìn thấy cấp dưới của mình biến nơi thánh thất thành nơi buôn bán, chợ búa. Để ông chứng kiến những giáo dân, tu sỹ đang đứng từ ngoài đường nhìn vào Thánh giá và Mẹ Maria trong phần đất của mình với một sự kiên quyết nhưng ôn hòa độ lượng trước cánh cửa sắt lạnh lùng đóng im. Để ông chứng kiến những giáo dân già trẻ đang nô nức ký vào đơn đòi lại tài sản Giáo hội.

Với những vấn đề hiện có và sẽ có của Giáo Hội, Hàng Giáo phẩm, các tu sỹ, tín hữu và nhất là hệ thống truyền thông Công Giáo phải làm gì? Thiết nghĩ rằng với mọi tín hữu đều không thể khoanh tay đứng nhìn như người ngoài cuộc.

Hệ thống truyền thông bằng nhiều hình thức, là nơi cung cấp cho người tín hữu, những người quan tâm các thông tin cần thiết. Hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam hiện tại, với lực lượng nhân sự và kỹ thuật khổng lồ, theo phương thức tuyên truyền một chiều đã có những tác dụng thiết thực cho thể chế. Điều đó rất dễ thấy: Trong những năm tháng “Chống Mỹ cứu nước” trước đây, khi mà qua hệ thống truyền thông những “khổ sở điêu đứng” của người dân Miền Nam dưới “gót sắt dày đạp của Mỹ ngụy” được miêu tả như:

…Có những ông già nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh không chịu nhục
Lấy vồ nó đập vọt thai ra
Có em nhỏ nghịch ra xem giặc
Nó bắt vô vườn trói gốc cau
Nó đốt, nó cười... em nhỏ hét
Má ơi nóng quá, cứu con mau. ..
(Tố Hữu)

Thì khi đó, lòng yêu nước thương dân được khơi động qua hệ thống truyền thông theo kiểu “Lê Văn Tám” đã như một cuộc lên đồng tập thể, nên “cả nước cùng ra trận”.

Hệ thống truyền thông Công giáo phải là một hệ thống để nói lên sự thật với sứ mạng làm chứng cho sự thật như chính sứ mạng của người Công giáo.

Trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đem thông tin đến mọi ngõ ngách của đời sống, thì nhu cầu của hàng triệu người tín hữu được thông tin về Giáo hội của mình là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong hơn 600 tờ báo của Việt Nam hiện có, ngoài hai tờ báo “Công giáo quốc doanh” hoạt động theo đúng tiêu chí báo chí định hướng Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản, người Công Giáo không có nổi một tờ báo riêng cho mình dù để làm công việc thông tin và phụng vụ. Những vấn đề của người Công giáo gồm nhiều sự việc cần lên tiếng để bày tỏ nguyện vọng của mình, điển hình như sự kiện Tòa Khâm sứ hiện nay, kể cả hai tờ báo quốc doanh mang danh Công Giáo kia không đả động đến. Phải chăng, Người Công giáo Việt Nam là như vậy?

Không chỉ hệ thống báo chí nhà nước, mà ngay cả những website của các Giáo phận, cũng chỉ vài dòng ngắn ngủi hoặc thậm chí không có những thông tin cho người tín hữu biết những gì đang xẩy ra ở ngay trong Giáo hội Mẹ Việt Nam. Đa số những người quan tâm, đều lấy thông tin từ trang báo nước ngoài? Mà tường lửa ngăn chặn của nhà nước thì không phải ai cũng có thể vượt qua. Ngay cả nơi đã và đang xảy ra những sự kiện nóng bỏng, những thông tin được đưa lên cũng chỉ là nhỏ giọt?

Việc thông tin về các sự kiện không đến được đầy đủ với những người cần nó để phát huy sức mạnh tập thể khi cần thiết, phải chỉ rõ rằng, đó là trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông. Với các Giáo phận khác nhau, phải chăng những việc đang xảy ra ở đâu, thì ở đó cứ cô độc mà giải quyết theo kiểu “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” mà cha ông đã nói? Liệu đó có đúng tinh thần của một Giáo hội thông công và hiệp nhất?

Phải chăng, sự sợ hãi truyền kiếp qua mấy chục năm đã làm cho ngay cả những có trọng trách cũng phải tự bịt miệng? Hệ thống công quyền Việt Nam luôn nói với cả thế giới rằng: Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vậy phải chăng, chính những người làm công tác truyền thông đã tự tước bỏ những quyền lợi của mình được Hiến pháp quy định và luật pháp bảo vệ?

Giáo dân ký đơn ngày 30.12.2007 tại Hà Nội
Với các tín hữu Công giáo Việt Nam trên toàn cầu, việc thờ ơ, không biết hoặc có biết cũng đứng ngoài cuộc với những vấn nạn của Giáo hội Mẹ Việt Nam đang gặp, dù vấn nạn đó ở đâu và đến từ bất cứ đâu, cũng là một sự thiếu trách nhiệm khó có thể chấp nhận. Điều đó cũng như chúng ta nói luôn yêu quý gia đình mình, nhưng từng cá nhân và cả gia đình còn hay mất mình là người không có trách nhiệm vậy.Vì vậy, hiện nay, xin đừng để Giáo phận Hà Nội cô đơn trước những khó khăn của mình.

Sự cầu nguyện giúp chúng ta bày tỏ tâm tình với Thiên Chúa và với nhau, truyền thông giúp chúng ta hiểu nhau, và trách nhiệm của mỗi người trong Giáo hội hiệp thông giúp mỗi chúng ta và cả Giáo hội đủ sức mạnh, khả năng đương đầu với mọi sóng gió.

Hà Nội, Ngày cuối năm 2007.