Bồi Dưỡng Mẫu Thân
Ðời sống gia đình và tương lai của con cái phần lớn tùy thuộc vào sức khỏe thể chất và tâm linh của người mẹ. Trái tim và linh hồn của gia đình là người mẹ. Ðó là một sự thực trong nếp sống hàng ngày và trong lịch sử nhân loại. Người mẹ mang thai con chín tháng mười ngày, rồi sinh con, âu yếm, cho con bú mớm, dỗ dành, dạy bảo từng nét cười, từng câu nói, tập cho đi từng bước. Con khôn lớn, mẹ khuyên nhủ học hành: học chữ, học nghề, học cho nên người có nhân, nghĩa, lễ, trí, hoặc có công dung ngôn hạnh. Song song với việc chăm sóc cho con cái, người mẹ còn lưu tâm đến người chồng, cả đến cha mẹ và gia đình nhà chồng. Nhiều bà mẹ phải đỉ làm thuê, làm mướn, hoặc đi chợ, buôn thúng bán mẹt, để phụ giúp vào kinh tế gia đình.
Thật ra, không thể kể hết được những công việc lớn nhỏ của một người mẹ trong gia đình từ sáng đến tối và từ tối đến sáng! Người mẹ lo chăm sóc cho mọi người, nhưng chính bà thì lại không được chăm sóc: các bà thiếu nghỉ ngơi, thiếu dinh dưỡng, thiếu được bồi bổ về sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếp sinh hoạt xã hội hiện giờ lại nặng về phần kỹ thuật và tốc lực cũng làm cho đời sống của các bà mẹ thẻm phiền tạp và lo âu!
Ðã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến sức khỏe thể chất và tâm linh của các bà mẹ, nếu chúng ta muốn có những gia đình tốt, những cộng đoàn tốt. Các bà mẹ là gốc; con cái, gia đình, cộng đoàn, xã hội là ngành, là hoa, là trái.
Một Kinh Nghiệm Quí Báu
Chúng ta biết rằng: năm 1933 đảng Quốc- Xã bài ngoại và độc tài lên cầm quyền tại Ðức-quốc, gây nên Ðại-chiến thế-giới (1939 – 1945), làm cho chừng 62 triệu người thiệt mạng, trong số đó hơn 6 triệu người dân Ðức-quốc. Các làng mạc và đô thị của Ðức bị phá hủy tới 80%.
Suốt trong thời gian chiến tranh, những người bị thiệt thòi và đau khổ nhất, chính là các phụ nữ, các bà mẹ: mất chồng, mất con, mất nhà cửa; rất nhiều người bị hãm hiếp, bị đánh đập. Sau chiến tranh, phụ nữ phải tham gia vào việc tái thiết: trời lạnh giá và không đù ăn, họ phải dùng hai bàn tay lượm những viên gạch của các căn nhà bị bom đạn tàn phá, xếp thành những đống gạch lớn, được chở đi, để xây những căn nhà mới. Làm việc nặng nhọc cả ngày, tối đến về nhà, họ còn phải lo việc nấu ăn, quét dọn và nội trợ trong hoàn cảnh rất mực nghèo nàn và cực khổ!
May mắn thay: năm 1950, cùng với một vải người tâm phúc, bà Elly Heuss-Knapp, phu nhân của tổng thống tiên khởi Ðức-quốc Theodor Heuss, sáng lập một tổ chức, đặt tên là Müttergenesungswerk (Bồi Dưỡng Mẫu Thân). Tổ chức có mục đích giúp cho các bà mẹ đã và đang làm việc quá mệt nhọc và kiệt sức, được tới nghỉ ngơi một vài tuần lễ trong một cư xá an tĩnh ở gần biển, trên sườn đồi hoặc nơi có nhiều cây cối. Trong thời gian tĩnh dưỡng về thể chất và tinh thần, các bà có dịp làm quen với nhau, đi dạo chơi với nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, cùng nghe một số bài thuyết trình về nội trợ, dinh dưỡng, vệ sinh, y tế, giáo dục, tâm linh,…
Ði nghỉ về, các bà mẹ không những được thêm sức khỏe cho thân và tâm, mà cỏn được nhiều kiến thức và kinh nghiệm mới, giúp họ sống vui tươi và tin tưởng hơn vào tương lai của gia đình và của xã hội. Chắc rằng: cái mà người ta quen gọi là „phép lạ“ tái thiết kinh tế của nước Ðức sau Ðại chiến, một phần cũng là nhờ sự đóng góp của tổ chức „Bồi Dưỡng Mẫu Thân“ vậy.
HỖ TRỢ CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM
Cuối năm 2005, sau Ðại hội Giới Trẻ tại thành phố Cologne, Ðức-quốc, một vài người ngồi nói chuyện vui với nhau. Bất giác câu chuyện được chuyển sang vấn đề các bà mẹ nghèo mà đông con ở Quê nhà Việt Nam. Các bà phải làm việc đầu tắt mặt tối, cực nhọc lắm, nhất là ở nơi thôn quê hẻo lánh, hầu như không có tiếp xúc với những cải tiến mới về văn hóa và kĩ thuật ở trong và ngoài nước... Một câu hỏi được đặt ra là: có thể làm được việc gì, dù là một việc rất bé mọn, để hỗ trợ cho các bà mẹ đáng kính đáng mến đó chăng?! Chúng tôi đã cùng nhau thưa chuyện với Chúa và dặn nhau tiếp tục suy nghĩ về việc này.
Sau gần hai năm, chúng tôi đã bắt đầu dám có hi vọng, bởi vì Nhà Dòng Mến Thánh Giá Huế va Nhà Dòng Ða Minh Hải Phòng rất muốn thực hiện tại Việt Nam chương trình gương mẫu của bà Elly Heuss-Knapp tại Ðức-quốc, dưới danh xưng: „Hội Bồi Dưỡng Mẫu Thân“ với một số thay đổi cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương.
Các bà mẹ sẽ được đón bằng xe buýt tới cư xá sáng thứ Hai và chở về nhà sáng thứ Sáu. Các phòng ốc (phòng ngủ, phòng họp, phòng tắm, phòng đọc sách, phòng ăn, phòng bếp, phòng giặt, ủi, phòng vệ sinh,...), sẽ được trang bị như thế nào, để có thể làm mẫu cho các bà, có thể áp dụng được phần nào, khi trở lại gia đình. Cũng như ở Ðức, các bà có cơ hội được nghe thuyết trình về những đề tài liên quan đến đòi sống kinh tế và hạnh phúc gia đình, dinh dưỡng, giáo dục, kĩ thuật căn bản thuộc ngành nội trợ, v.v... Cũng như ở Ðức, các bà mẹ của chúng ta tại Việt nam sẽ đóng góp một phần rất quan trọng vào „phép lạ“ thăng tiến gia đình và xã hội về giáo dục, kinh tế và tâm linh.
Tại Ðức quốc, Tổ chức „Bồi Dưỡng Mẫu Thân“ của bà Elly Heuss-Knapp, được nhiều cơ quan xã hội và bác ái, công quyền, giáo quyền và tư nhân hỗ trợ tài chánh. Ở Việt Nam, Hội sẽ được giúp đỡ như thế nào, nguyện xin Chúa quan phòng dự liệu cho! Dù sao, Hội rất cần được nhiều ân nhân nâng đỡ ngay từ bước đầu, để Hội có thể chào đòi, dù chỉ là trong một hình thức rất khiêm tốn. Ví dụ: xin mỗi ân- nhân và mỗi hội-viên cho Hội mỗi tháng 2.50 Euro hoặc 2.50 Mỹ kim (Mỗi năm: 30.00 Euro hoặc 30.00 Mỹ kim).
Ðược giấy giới thiệu của một cơ quan xã hội hoặc bác ái, các bà cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sẽ điền đơn và gửi về cho Hội. Tùy khả năng xếp chỗ, Hội sẽ báo tin lại.
Hội đón tiếp và phục vụ Quí Bà Mẹ theo tinh thần: Chân-thực và Kính-mến, không phân biệt tôn giáo. Việc thành lập Hội và Nội qui chắc còn cần thời gian dài chừng một hoặc hai năm. Khi nào hai thí điểm đầu tiên của Hội: tại La-vang và tại Hải-phòng bắt đầu hoạt động, thì quí bà mẹ địa phương sẽ được thông báo ngay.
Rất nhiều điều viết trên đây còn là những điều mơ ước. Nhưng chúng sẽ thành sự thực, nếu bạn đọc tích cực nâng đỡ các bà mẹ, bằng cách trở thành ân nhân của Hội Bồi Dưỡng Mẫu Thân. Xin chân thành cảm tạ!
Mấy giòng viết trên đây chỉ bày tỏ được một vài điều tâm -ước mong giúp được chút gì cho các bà mẹ nghèo mà đông con tại quê nhà. Quí Vị có thêm ý kiến gì, xin vui lòng liên lạc về địa chỉ sau đây. Xin hết lòng đa tạ Quí Vị trước:
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh
Bach-Str. 128
41239 Mönchengladbach / Germany
Tel. 02166 / 265 976
Fax 02166 / 610 337
November 2007