Chính quyền Thổ tìm cách truy tố các nạn nhân Kitô hữu thay vì nhóm sát nhân Hồi Giáo

Istanbul
– Trong việc làm sáng tỏ cuộc thảm sát các Kitô hữu tại Malatya, chính quyền thuộc công tố viện Thổ Nhĩ Kỳ đã hiển nhiên chỉ thu tập các chứng cứ để truy tố và qui tội cho các Kitô hữu đã bị giết hại một cách dã man và vô tội, thay vì thu tập các chứng cứ để tố cáo bọn sát nhân Hồi Giáo. Theo cơ quan báo chí tự do và được Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ «Bianet» cho biết vào ngày thứ tư vừa rồi, thì hầu như toàn bộ hồ sơ về vụ án của chính quyền liên hệ chỉ đặt trọng tâm vào vấn nạn là liệu ba nạn nhân Kitô hữu bị sát hại đã thực sự có truyền đạo chăng. Và cơ quan báo chí «Bianet» đã bình luận: «Không phải tội ác giết người sẽ được đưa ra xét xử, nhưng là việc truyền đạo của các Kitô hữu.»

Chúng ta biết rằng vào tháng tư vừa qua, ba Kitô hữu Tin Lành, trong số đó có một người Đức, đã bị 5 thanh niên Hồi Giáo đột nhập vào nhà riêng và hành hung cho tới chết. Cả 5 tên thủ phạm đã bị bắt sau đó và đã nhận tội giết hại các Kitô hữu vì không muốn cho các Kitô hữu được truyền đạo trên đất Thổ của họ. Vụ án đã đưa ra xử hôm thứ sáu, 23.11.2007.

Trên nguyên tắc, pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia với 99% dân chúng theo Hồi Giáo – tuy không hề cấm việc truyền đạo của các Kitô hữu, nhưng người Thổ lại rất nghi ngờ và lo sợ việc truyền đạo của người Kitô hữu. Các nhà truyền giáo bị họ coi là cánh tay dài của những thế lực ngoại bang đang muốn lấn chiếm đất nước của họ. Tiếp đến, hầu hết người Hồi Giáo Thổ rất quá khích, đến nỗi họ coi tất cả những người khác không phải là Hồi Giáo như họ, đều là ngoại đạo.

Các Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực phản đối cho rằng sau vụ thảm sát ở Malatya, thì nguyên việc chính quyền Thổ nghi ngờ cho các Kitô hữu đã hoạt động truyền đạo cũng đã cho người ta thấy rõ được thái độ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào, nếu không nói là tìm mọi cách để biện minh cho việc giết hại các Kitô hữu. Chính Emre Günaydin, tên sát nhân chính trong vụ thảm sát ở Malatya đã hiên ngang tuyên bố trong khi y bị khảo cung: «Sau khi hành động ở Malatya, tôi đã muốn giết chết luôn ông Mục sư Wolfgang ngay ở Izmir; vì như thế tôi đã chặt cụt hai chân của người truyền đạo.»

Theo thông tin của «Bianet», thì những luật sự biện hộ cho các nạn nhân, sau khi đọc và nghiên cứu các hồ sơ, đã cho hay rằng trong 32 cặp hồ sơ dày cộm điều tra về vụ án Malatya mà Công tố viện Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình lên tòa Đại Hình của nước này, chỉ vỏn vẹn có 7 hay 8 cặp đề cập qua loa đến những tên giết người và các hành động sát nhân của chúng. Còn số các cặp hồ sơ còn lại hoàn toàn đề cập đến những hoạt động trong những năm vừa qua của những Kitô hữu đã bị sát hại, như ghi rõ danh sách tất cả các cuộc gọi điện thoại, các cuộc giao lưu và gặp gỡ của các Kitô hữu bị sát hại trong hai năm cuối cùng với người này kẻ nọ, v.v… Trong khi đó, các tài liệu về các tên sát nhân lại rất sơ sài.

Hy vọng rằng qua sự kiện trên đây, thế giới nói chung và các nước Âu châu nói riêng, sẽ bừng tĩnh để nhận diện được bộ mặt thật của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và trắc nghiệm cho thấy trình độ dân chủ, tự do và việc tôn trọng các quyền con người của nước này như thế nào. Nhất là sự kiện đó là cả một cảnh cáo cần thiết cho một số thành phần trong Liên Hiệp Âu Châu từng ủng hộ cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Âu Châu.