Trung Quốc chính thức lên tiếng

Vốn có truyền thống dè dặt trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, nếu như chúng không ảnh hưởng trực tiếp tới nước này, nhưng mới đây Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ và Anh đổ quân ồ ạt tới vùng Trung Đông.

Trung Quốc đã tiếp lời Đức và Pháp là phải tìm một giải pháp chính trị chứ không phải là quân sự để giải quyết vấn đề Iraq.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Trương Khải Nguyệt nói Trung Quốc hy vọng rằng vấn đề Iraq có thể giải quyết bằng những biện pháp ngoại giao và chính trị, và rằng Trung Quốc rất lo lắng và quan ngại về việc đổ quân ồ ạt tới khu vực này.

Đặt mình bên cạnh Pháp, Trung Quốc đã ngỏ ý lo ngại dẫu không thể hiện rõ ràng bằng ngôn từ.

Pháp, Đức cương quyết phản đối chiến tranh

Theo Pháp, tới thời điểm này vẫn chưa có đủ cơ sở để tiến hành hành động quân sự và chỉ có Hội Đồng Bảo An mới có quyền quyết định; chiến tranh chỉ là bằng chứng chứng tỏ sự thất bại, là hạ sách trong mọi trường hợp.

Pháp đang cùng với Đức củng cố quan điểm tại Hội Đồng Bảo An. Đó là hai nước này sẽ không bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép tiến hành hành động chiến tranh.

Đại sứ của Đức tại Anh, ông Thomas Matussek nói, Đức sẽ không tham gia bất kỳ hành động quân sự nào, và rằng Thủ Tướng Đức đã bổ sung là nếu như cần có một nghị quyết thì hầu như chắc chắn là Đức sẽ không nói “tán thành”. Tuy nhiên, theo ông Đại Sứ thì thủ tướng Đức cũng bỏ ngỏ khả năng bỏ phiếu trắng.

Hôm Thứ Tư vừa qua, Đức và Pháp có mặt tại cuộc họp của NATO đã ngăn chặn một thoả thuận có hiệu lực ngay lập tức về việc Mỹ yêu cầu NATO hỗ trợ trong trường hợp có chiến tranh.

Mỹ nôn nóng

Quốc tế ngày càng lên tiếng phản đối và trở nên đoàn kết hơn trong khi chính quyền Bush đang tỏ ra mất kiên nhẫn và khả năng xảy ra chiến tranh ngày càng tới gần.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đang tuyên bố công khai về các kế hoạch kiểm soát giếng dầu của Iraq sau khi lật đổ ông Saddam Hussein.

Trong lời bình luận về phản ứng mới đây của Pháp và Đức, ông Powell nói rằng có một số quốc gia đơn thuần đã ngoảnh mặt lại với vấn đề và cứ giả coi như vấn đề đó không tồn tại.

Như vậy, sự chia rẽ đang ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu. Lãnh tụ các nước Anh, Tây Ban Nha và Italy vẫn đang ủng hộ Washington, nhưng tất cả đều phải tính tới sự phản đối ngày càng dâng cao trong dân chúng.

Có vẻ như nếu ông Bush muốn có chiến tranh, thì ông sẽ phải hành động mà không có được sự ủng hộ rõ ràng từ Liên Hợp Quốc.(BBC)