Bài thuyết trình của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Hội thảo khoa học quốc tế về Công bằng xã hội, Tránh nhiệm Xã hội và Liên Đới Xã hội"

do tổ chức Misereor của Giáo Hội Công giáo Đức cùng với Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Triết Học) đồng tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 15 và 16 tháng 10 năm 2007.

XÂY DỰNG XÃ HỘI CÔNG BẰNG THEO HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO (Phần 1)



DẪN NHẬP

Sống trong thời đại tin học và toàn cầu hoá, mỗi con người, mỗi tổ chức xã hội, mỗi đất nước càng có nhiều cơ may để gặp gỡ nhau và càng có điều kiện để “nối vòng tay lớn”. Những chiếc cầu nối liên hai bờ sông cả. Những con đường cao tốc nối gần những miền đất xa xôi. Những tuyến bay dài nối những phương trời xa lạ. Những hợp đồng kinh tế nối kết đời sống các dân tộc. Những gặp gỡ nối kết con người. Những giao lưu văn hoá nối kết các truyền thống. Những đối thoại tôn giáo nối kết niềm tin. Mọi cố gắng hợp tác và nối kết đều nhằm mục đích giúp con người xích lại gần nhau và sống chung với nhau.

Chủ đề Hội thảo khoa học quốc tế “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội” của chúng ta là một cố gắng gặp gỡ và nối kết những quan điểm về xây dựng xã hội con người, từ đó mở ra cơ hội hợp tác với nhau nhằm mục đích phục vụ con người trong xã hội một cách hữu hiệu.

Được vinh dự góp phần trong cuộc hội thảo này, tôi xin được giới hạn nội dung bài thuyết trình vào cụm từ thứ nhất là “công bằng xã hội”. Và xây dựng công bằng xã hội ở đây được trình bày theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Tuy nhiên, học thuyết này không hiểu như là một ý thức hệ, một lý thuyết xã hội, một dự án riêng cho một hệ thống kinh tế hoặc xã hội, cũng không phải là một lý thuyết luân lý trừu tượng cho các tập thể con người, nhưng là suy tư của Giáo hội về các thực tại con người và xã hội trong thời đại chúng ta nhờ lý trí và các ngành khoa học nhân văn, và dưới ánh sáng của Phúc Âm, từ đó đề nghị những nguyên tắc chỉ dẫn đời sống thực tiễn cho xã hội. Vì thế bài thuyết trình này được trải dài trong ba phần cụ thể như sau:

I. Con người và xã hội

II. Giáo Hội và Nhà Nước

III. Các nguyên tắc lớn của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo



I. CON NGƯỜI
VÀ XÃ HỘI

I. 1. Quan niệm đúng đắn về con người đưa tới quan niệm đúng đắn về xã hội

Một quan niệm đúng đắn về con người sẽ đưa đến một quan niệm đúng đắn về xã hội. Trái lại một quan niệm sai lạc về con người chắc chắn sẽ đưa đến một quan niệm sai lạc về xã hội. Ví dụ có thứ triết học (Nieztsche) cho rằng điều cơ bản và quan trọng nhất nơi con người là ý chí quyền lực, con người sẽ thành công khi phát huy được tối đa ý chí quyền lực của mình. Một triết học như thế sẽ dẫn tới một quan niệm về xã hội xây dựng trên ý chí quyền lực. Kẻ mạnh sẽ thắng và người yếu sẽ phải phục tùng.

Một quan niệm quân bằng, cởi mở về con người, biết nhận ra ý nghĩa đích thực của đời sống con người, biết rõ con người là ai, sống ở trần gian để làm gì. Nhận ra những giá trị cao cả nhất trong đời sống con người như là Tình yêu, là chân lý, là cái đẹp; nhận ra con người là nguồn gốc, là nguyên lý và là cứu cánh của xã hội, sẽ dẫn đến một quan niệm đúng đắn về xã hội. Một quan niệm đúng đắn về xã hội, sẽ giúp rất nhiều cho việc tổ chức xã hội, vì nó là một nền tảng lý thuyết cần thiết để người ta dựa vào mà xây dựng xã hội.

Khi dựa trên một quan niệm đúng đắn về con người và xã hội, người ta giảm bớt được rất nhiều trục trặc cho xã hội, và nhất là những thiệt hại cho con người, người ta sẽ phục vụ tốt cho con người và xã hội. Một quan niệm đúng đắn về xã hội sẽ giúp cho xã hội thực hiện được chức năng của mình cách tốt đẹp, và nhờ đó có được trật tự xã hội, những ích lợi chung, sự phân phối hợp lý các ích lợi chung đó, có được công bằng xã hội.

I. 2. Làm thế nào để có quan niệm đúng đắn về con người?

Làm thế nào để có một quan niệm thật đúng đắn về con người? Chính kho tàng về sự khôn ngoan của nhân loại giúp cho chúng ta có câu trả lời về con người. Nhân loại cần phải học hỏi với nhau rất nhiều, trao đổi với nhau rất nhiều, mới có thể hiểu sâu rộng về con người, giúp nhau phát huy cái phẩm chất người. Chúng ta phải giúp nhau làm người. Trong cơ bản, sự liên đới nằm trong chính bản chất người của chúng ta.

Thực sự nhân loại có biết về mình không? Chúng ta là ai? Con người là ai? Chúng ta cứ phải trả lời cho câu hỏi này mãi mãi, vì con người vừa biết về mình, vừa không biết. Con người cần phải được soi chiếu bởi ánh sáng bên trên để có thể giác ngộ, nhận ra chân tướng của mình. Nhưng con người không chỉ nhìn lên trên, mà còn phải nhìn ra chung quanh, để khám phá chỗ đứng của mình.

Con người không là một hữu thể cá vị tuyệt đối (cá nhân chủ nghĩa), có do chính mình và dựa trên chính mình, không tuỳ thuộc vào ai khác, chỉ tuỳ thuộc vào chính mình. Con người cũng không giống một tế bào của một cơ quan, một bộ phận, được cơ quan ấy nhìn nhận chức năng và thực hiện chức năng ấy nội tại trong hệ thống hay guồng máy.

Những quan niệm giản lược về con người rất nguy hiểm và có hại, vừa cho con người, vừa cho xã hội. Chúng ta hãy luôn hướng tới chân lý toàn vẹn về con người, để khỏi làm thiệt hại cho bản thân, cho tha nhân và cho xã hội. Hãy học hỏi nơi mọi người: những gì tốt thì giữ lấy, những gì xấu thì tránh cho xa (1 Tx. 5, 21).

Mỗi người sinh ra ở đời đều có trách nhiệm về chính mình và về tha nhân, có nghĩa vụ tìm cho ra lẽ sống, để sống xứng đáng là con người, có bổn phận đi tìm chân lý tối hậu của đời người.

I. 3. Quan niệm kitô giáo về con người

Theo niềm tin kitô giáo, Chúa Giêsu xuống thế làm người, để dạy cho loài người biết Thiên Chúa là ai, và con người là ai, bởi đâu và đi về đâu. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, thì mọi người trong nhân loại, sinh ra bất cứ ở đâu, bất cứ thời đại nào, không phân biệt màu da hay tiếng nói, không phân biệt dân tộc hay văn hoá, không phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn… đều là con của một Cha trên trời. Tất cả đều là anh chị em, tất cả đều bình đẳng với nhau. Chúa Giêsu đã dạy đừng có gọi ai dưới đất là cha, đừng đòi hỏi ai gọi mình là thầy hay là người chỉ đạo. Tất cả mọi người làm thành một gia đình nhân loại duy nhất có chung một người Cha là Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng cũng là con người, trong tư cách là người, ngài là Anh Cả của chúng ta.

Không ai tự mình mà có, nhưng đều do Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô, vì trước đó không có, và được Thiên Chúa làm cho có. Mọi người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa (St 1, 26-27). Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Adam và Eva là đôi nam nữ đầu tiên, là gia đình đầu tiên, là xã hội đầu tiên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì giống Thiên Chúa, nên mỗi người đều là một ngôi vị, một ngã vị có ý thức và tự do, trong tương quan với Thiên Chúa và những người khác. Con người chỉ thực sự triển nở, lớn lên và được hạnh phúc trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Đáng lẽ ra mọi sự nơi con người đều tốt, vì Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt lành, nhất là con người. Nhưng con người đã phạm tội từ thuở ban đầu, vì bị thần dữ cám dỗ mà bất tuân với Thiên Chúa. Tội lỗi ấy đã để lại hậu quả đen tối trong nhân loại, trong từng người, nên nơi mỗi người chúng ta, đều có sự nghiêng chiều về sự dữ. Chính vì thế, muốn nên tốt con người phải được gột rửa khỏi tội lỗi và không ngừng chiến đấu chống lại điều ác, chống lại sự dữ nơi bản thân mình và nơi môi trường xã hội.

Điều cần nhấn mạnh là con người, dù đã sa ngã phạm tội và không còn giống Thiên Chúa, nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa, vẫn là chóp đỉnh của vũ trụ, vẫn là thụ tạo đáng yêu nhất, vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, nên không bao giờ trở thành phương tiện cho bất cứ ai, bất cứ chương trình hay kế hoạch nào, mà luôn là mục đích phải nhắm tới. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài vì con người và cho con người.

Con người là một nhân vị có ý thức và tự do, được sáng tạo vì chính mình, không vì ai khác. Thiên Chúa không cần con người để được vinh danh, mặc dù Ngài vui sướng khi làm bạn với con người. Con người sinh ra ở đời để được hạnh phúc ngay ở trần gian này. Nhưng hạnh phúc cuối cùng và trọn vẹn nhất của con người là được trở về Cội Nguồn, trở về với Thiên Chúa. Vận mệnh cuối cùng của con người là được phục sinh vinh quang cùng với Chúa Kitô trong ngày hoàn tất lịch sử.

I. 4. Con người là hữu thể tương quan

Con người là một hữu thể tương quan. Đời sống con người dệt bằng các tương quan. Con người lớn lên nhờ các tương quan và trong các tương quan (trong gia đình, ngoài xã hội, trên bình diện quốc gia và quốc tế). Con người là ngã vị trong tương quan với các ngã vị khác. Cụ thể con người là tôi, là anh, là chị, là bạn, là người yêu, là vợ, là cha, là mẹ, là ông, là bà, là đồng nghiệp, là đồng môn. Mọi ngã vị đều là liên ngã vị. Không ai là một hòn đảo.

Trong thần học kitô giáo, chúng tôi thường phân biệt hai loại tương quan, và hai thứ tương quan này không loại trừ nhau, nhưng nâng đỡ nhau và củng cố cho nhau, đó là các loại tương quan chiều đứng (tương quan với Thiên Chúa, với thế giới vô hình), và các loại tương quan chiều ngang (tương quan với tha nhân, với thế giới hữu hình).

Xin ra một ví dụ: yêu Chúa là tương quan chiều đứng, yêu tha nhân là tương quan chiều ngang. Chính việc yêu Chúa làm cho chúng tôi yêu người khác, nhất là những người hoạn nạn khổ đau, những con người nghèo khó và bất hạnh. Vì yêu Chúa, chúng tôi muốn giống Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Đảo ngược lại, nhờ yêu người khác, yêu tha nhân, mà tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa mới là chân thật, như nhà thần học Gioan đã viết: “Nếu ai nói; tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).

Đối với chúng tôi, tương quan chiều đứng là tương quan tôn giáo, và tương quan chiều ngang là tương quan xã hội. Không thể loại trừ một trong hai loại tương quan, mà phải duy trì và phát triển cả hai.

Khoa tu đức hay linh đạo kitô giáo ngày nay nhấn mạnh nhiều đến tương quan, thay vì quá lưu tâm đến nội tâm của cá nhân. Bản chất của đời sống thiêng liêng hay đời sống đạo của người kitô hữu chính là sống tốt ba thứ tương quan: tương quan siêu vị (transpersonal relationship: với Chúa), tương quan liên vị (interpersonal relationship: với tha nhân), tương quan bản vị (intrapersonal relationship: với chính mình). Nên thánh là yêu Chúa và yêu người, và là yêu cho đến cùng (usque ad finem), yêu đến mức tự hiến chính mình, hy sinh chính mình cho Đấng mình yêu, cho những người mình yêu. Tình yêu là điều cao đẹp nhất nơi con người, lại là một tương quan. Các hành vi nhân linh (hành vi có ý thức và tự do) của con người đều thể hiện trong tương quan và tạo ra tương quan.

Chính các tương quan dệt nên đời sống xã hội, đồng thời xã hội cũng tạo điều kiện cho người ta có tương quan với nhau, xã hội là bối cảnh của các tương quan giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể với tập thể.

I. 5. Bản chất xã hội của con người

Vì con người là một hữu thể tương quan, nên là một hữu thể xã hội. Nếu muốn dựa vào ngôn ngữ tiếng Việt để suy tư triết học về con người, thì các chữ người đời và đời người, là những từ ngữ rất sâu sắc giúp cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của con người và xã hội, về tương quan hữu cơ giữa con ngườì và xã hội.

Không có con người nào, mà không là người đời, dù là tu sĩ hay linh mục, giám mục. Mọi người đều sinh ra ở đời, gắn bó với đời, hiện hữu ở đời. Đảo ngược lại để nhìn cuộc đời, thì ta cũng nhận thấy đời đích thực phải là đời người. Đời phải có bộ mặt người, xã hội phải có bộ mặt người. Nếu xã hội không có bộ mặt người đúng nghĩa thì xã hội không còn là xã hội con người mà là địa ngục trần gian.

Theo giáo lý công giáo, thì con người tự bản chất là một hữu thể xã hội, vì được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người. Mà Thiên Chúa, tuy là Thiên Chúa Duy nhất, không là một vị Thiên Chúa cô đơn, lẻ loi một mình, nhưng là Thiên Chúa Tam vị; Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Từ muôn thuở đã có Tình Yêu giữa các ngôi vị Thiên Chúa (In the beginning is communion). Từ muôn thuở đã có yêu thương nhau, gắn bó với nhau, kết hợp với nhau, và nên một với nhau. Tình yêu đó là nguồn gốc của mọi loài thụ tạo.

Nhưng chỉ có con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa, chỉ con người mới có tình yêu như Thiên Chúa. Chính vì thế Tình Yêu là điều đẹp nhất, cao cả nhất nơi con người. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự Duy nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong tình yêu và chân lý (x. GLHTCG, số 1878).

Từ khởi thuỷ loài người đã sống thành tập thể, hoặc là tập thể nhỏ như gia đình huyết tộc, hay là tập thể lớn hơn như làng xóm, tập thể lớn hơn nữa như quê hương đất nước. Con người không những sống chung với nhau thành tập thể, mà còn chung sống trong gia đình, ngoài xã hội, trong cùng một quốc gia. Chung sống là cùng nhau chia sẻ của cải vật chất, chia sẻ những giá trị tinh thần, những tình tự quê hương, cùng nhau xây dựng đời sống chung. Và đó là đời sống xã hội.

Con người cần đến đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một cái gì thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát triển các tiềm năng; nhờ đó họ đáp trả lại ơn gọi làm người (x.GLHTCG số 1879).

Xã hội là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, tồn tại trong thời gian; tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Mỗi người đều là thừa tự, nhưng phải đóng góp cho cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích (x. GLHTCG, số 1880).

Mỗi cộng đồng được định nghĩa bởi mục đích của nó; do đó phải tuân theo những quy luật đặc thù, nhưng nhân vị chính là và phải là nguyên lý, là chủ thể và là cứu cánh của mọi tổ chức xã hội (x. GLHTCG, số 1881).

Có những thực thể xã hội, như gia đình và đất nước, phù hợp tức thời với bản tính của con người. Những thực thể ấy cần thiết cho con người. Những tổ chức xã hội khác có thể rất hữu ích cho con người, để giúp con người đạt những mục tiêu mà tự sức mình không thể đạt được. Nhưng cũng có những tổ chức xã hội có những mục tiêu xấu, trái với luật luân lý và gây thiệt hại cho con người. Người công giáo không được phép tham gia những tổ chức xã hội đen.

I. 6. Vai trò của Cộng đồng chính trị

Khi đã sống cộng đoàn với nhau, thì cá nhân, gia đình cũng như các thứ tập thể, đều nhận thấy rằng: một mình không đủ sức để thể hiện đời sống con người cho thật đầy đủ. Họ thấy cần có một cộng đoàn rộng lớn hơn, để thường xuyên phối hợp nỗ lực của mỗi người, nhằm mưu cầu công ích ngày càng hoàn hảo hơn.

Chính vì những lý do đó mà họ lập nên những cộng đồng chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Cộng đồng chính trị là để phục vụ công ích. Công ích là lý do tồn tại, là ý hướng và là căn bản pháp lý của cộng đồng chính trị.

Quyền bính, Công ích và Trách nhiệm tham gia của mọi người dân là những yếu tố cơ bản làm nên Cộng đồng chính trị.

Quyền bính:

Xã hội loài người sẽ không có trật tự và phồn vinh, nếu thiếu những người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích cách đầy đủ.

Quyền bính chỉ phẩm cách của những con người hay định chế, nhờ đó họ ban hành lề luật và mệnh lệnh cho con người, và buộc phải tuân phục.

Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị. Quyền bính đặt nền tảng trên bản tính con người. Quyền bính cần thiết để tạo ra sự thống nhất cho cộng đồng. Vai trò của nó là bảo đảm cho công ích xã hội. Quyền bính đích thực quy hướng mọi nỗ lực của con người về với công ích.

Có quyền bính là do Thiên Chúa an bài, nhưng việc định đoạt những thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền, vẫn là quyền tự do của mọi công dân.

Về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm: “luật pháp của loài người chỉ là luật khi phù hợp với lẽ phải” (Tôma Aquinô, I. II, 93, 3.2).

Tốt nhất mọi quyền lực đều giữ quân bằng cho nhau trong những giới hạn chính đáng. Đó là nguyên tắc Nhà Nước pháp quyền; theo đó luật pháp chi phối tất cả, chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người (x. GLHTCG, các số 1897-1904).

Công ích:

Con người có tính xã hội, nên lợi ích cá nhân phải đặt trong tương quan với lợi ích chung. Phải hiểu công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cần thiết cho các tập thể cũng như cá nhân có thể phát triển đầy đủ và dễ dàng hơn (x. GS số 26). Công ích ngày hôm nay không chỉ dừng lại bình diện quốc gia, mà phải hiểu trên cả bình diện quốc tế. Công ích liên quan tới đời sống của mọi người, đòi hỏi mỗi người phải thận trọng, nhất là những ai đang cầm quyền (x. GLHTCG, số 1906).

Dù mỗi cộng đồng xã hội nhằm một lợi ích chung để thể hiện chính mình, chỉ trong cộng đồng chính trị, công ích mới được thể hiện trọn vẹn nhất. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các công dân và các tập thể nhỏ hơn.

Con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình nhân loại gồm những con người có phẩm giá bình đẳng, đòi phải có một nền công ích toàn cầu. Nền công ích này đòi hỏi phải có những tổ chức quốc tế liên kết nhiều quốc gia, để có khả năng đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong xã hội.

Công ích hướng tới việc thăng tiến con người; “trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại”. Trật tự này đặt nền tảng trên chân lý, được thiết lập trong công bằng, được sinh động bởi tình yêu (x. GLHTCG, các số 1910-1912).

Trách nhiệm và tham gia:

Tất cả mọi người phải tham gia, tuỳ theo địa vị và vai trò của mình, để mưu cầu công ích. Bổn phận này gắn với phẩm giá con người.

Con người tham gia bằng cách làm tròn trách nhiệm cá nhân của mình: khi chăm lo giáo dục gia đình và làm việc có lương tâm, con người góp phần mưu ích cho tha nhân và xã hội.

Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia co thể thay đổi tuỳ từng Nước, từng nền văn hoá.

Thật là phù hợp với bản tính con người, nếu có được những cơ cấu chính trị và pháp lý giúp cho mọi công dân, không phân biệt ai, có thể mỗi ngày một có cơ hội tham gia cách tự do và tích cực vào đời sống của cộng đồng chính trị. Tham gia vào việc thiết lập nền tảng pháp lý cho cộng đồng, cũng như việc điều hành quốc gia.

Những ai để tâm lo việc Nước và vì công ích, lãnh lấy trách nhiệm để phục vụ con người, thì đó là những hoạt động mà chúng ta hằng khuyến khích và quý trọng.

Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với đòi hỏi của công bằng.

Bổn phận của công dân là phải nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, với một tâm hồn đại lượng và trung kiên mà không hẹp hòi. Làm sao để đồng thời vẫn yêu chuộng được lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại bao gồm nhiều giống nòi, dân tộc và quốc gia.

Những người cầm quyền có bổn phận củng cố các giá trị đem lại sự tín nhiệm nơi các thành viên trong cộng đồng và khuyến khích họ tham gia phục vụ đồng bào. Cũng cần phải chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người (x. GLHTCG, các số 1913 - 1917; GS, các số 73-75).

Xin xem tiếp phần 2

Xin xem tiếp phần 3