GIÁO XU VIỆT NAM PARIS : 60 NĂM HỒNG ÂN, bài 30 : « MỤC VỤ GIA Đ ÌNH : Tông Huấn Gia Đình_3»



Ngày 01/10/1947 Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giáo quyền Pháp chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðến nay, 2007, Giáo xứ đã tròn 60 năm tuổi đời. Ðây là dịp để mừng vui và kỷ niệm 60 năm Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Xứ được tồn tại. Cũng là dịp để xem xét lại sự hoà nhập của văn hoá và đức tin qua cách sống đức tin và cách hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam ở Giáo xứ. Trong chiều hướng ấy, mời bạn xem bài 30 : « MỤC VỤ GIA ĐÌNH : Tông Huấn gia đình_3»

Mục Vụ Gia Đình

Những chỉ dậy về Mục Vụ Gia Đình theo

TÔNG HUẤN GIA ĐÌNH (FAMILIARIS CONSORTIO)

Tông huấn Mục vụ Gia đình (Familiaris Consortio), được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 tháng 11 năm 1981, là thủ bản đầy đủ về mục vụ gia đình.

Thứ năm 04/10/2007 chúng ta dã xem « 1. Mục vụ Gia Ðình là gì » ? và 2. « Gia đình hiện nay tình trạng ra sao » ? Thứ năm 11/10/2007 chúng ta dã xem « 3- Gia đình phải được định hướng thế nào ? và 4- Gia đình phải làm những việc gì » ?

Hôm nay, chúng ta sẽ xem « 5- Phải tổ chức mục vụ gia đình làm sao ? »

5. Phải tổ chức mục vụ gia đình làm sao ?

Ðể chấn chỉnh những khía cạnh tiêu cực và thăng tiến những khía cạnh tích cực của gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy nhu cầu phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình, « vì chắc chắn trong tương lai, việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội Thánh tại gia đình ». Ðó là lý do khiến Tông huấn Gia Ðình đưa ra một kế hoạch hành động gọi là mục vụ gia đình, mà đường hướng và mục tiêu là thực hiện dự án nguyên thuỷ của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình và chương trình bao gồm những hành động đã được chất chứa trong căn tính và trong các sứ mệnh của gia đình.

Kế hoạch này « không phải chỉ giới hạn vào các gia đình Ki-tô hữu gần nhất, nhưng bằng cách mở rộng chân trời theo tầm trái tim của Đức Ki-tô, Hội Thánh sẽ tỏ ra còn tích cực hơn đối với toàn thể các gia đình nói chung và cách riêng là các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn và ngoại lệ. Đối với tất cả mọi gia đình ấy, Hội Thánh sẽ là một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ: Hội Thánh muốn cống hiến cho tất cả mọi gia đình một sự giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần với mẫu gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ "khởi đầu" và Đức Ki-tô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của Người [1]».

Kế hoạch này nhấn mạnh đến bốn khía cạnh của mục vụ gia đình : giai đoạn, cơ cấu, người trách nhiệm và hoàn cảnh đặc thù.

51. Các giai đoạn MVGĐ

Gia đình tiến triển theo ba giai đoạn : chuẩn bị của thời kỳ đính hôn, cử hành bí tích hôn phối và bước đường hằng ngày tiến tới việc thực hiện tuần tự các giá trị và bổn phận của hôn nhân. Mục vụ gia đình cần có một kế hoạch hành động theo ba giai đoạn tiến triển ấy : mục vụ chuẩn bị hôn nhân, cử hành bí tích hôn phối và mục vụ sau hôn lễ.

511. Mục vụ chuẩn bị hôn nhân[2]

Nhận thấy rằng nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình đã xuất phát từ sự kiện các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị, không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, và do đó, họ không còn biết làm sao để đương đầu và giải quyết các khó khăn trong đời sống gia đình. Ðàng khác, kinh nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác. Bởi vậy, việc chuẩn bị hôn nhân là cần thiết và phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Tiến trình này gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích.

Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực, và đặc biệt đối với các Ki-tô hữu, còn phải có một sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, nhưng vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ.

Việc chuẩn bị gần gồm một sự chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi và một sự chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các sáng kiến có mục đích đem lại thiện ích nhân bản và Ki-tô giáo cho gia đình.

Việc chuẩn bị liền trước cuộc cử hành bí tích phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới, mà nội dung là đi vào việc đào sâu về mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Ki-tô giáo, đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối. Sự chuẩn bị này nên thực hiện qua những « khoá chuẩn bị », trong đó phải xác định những yếu tố cần thiết không thể thiếu được về nội dung, về thời lượng và về phương pháp, tạo quân bình cho những khía cạnh khác nhau có liên hệ tới hôn nhân - như giáo lý, sư phạm, luật pháp, y học - và xếp đặt thế nào để giúp cho những người sắp lập gia đình, không những chỉ được đào sâu thêm về hiểu biết, mà còn cảm thấy được thúc đẩy để hội nhập một cách tích cực vào trong cộng đồng Hội Thánh.

512. Cử hành bí tích hôn phối[3]

Hôn nhân Ki-tô giáo đòi hỏi phải theo luật cử hành phụng vu, để diễn tả tính cách xã hội và cộng đồng, nơi bản chất Hội Thánh và bí tích của khế ước hôn nhân giữa hai người đã rửa tội. Xét như dấu chỉ, việc cử hành phụng vụ phải diễn ra thế nào để ngay cả trong thực tế bên ngoài của nó, có thể kết thành một sự công bố Lời Chúa và một sự tuyên xưng đức tin của cộng đồng các tín hữu. Xét như hành vi bí tích của Hội Thánh, việc cử hành phụng vụ hôn phối phải lôi cuốn được cả cộng đồng Ki-tô hữu, với sự tham dự trọn vẹn, tích cực và có trách nhiệm của mọi người đang hiện diện, tùy theo chỗ đứng và vai trò của mình : đôi bạn, linh mục, các nhân chứng, cha mẹ, bạn hữu, các tín hữu khác, nói tắt là mọi thành phần của một cộng đoàn đang biểu lộ và sống mầu nhiệm Đức Ki-tô và của Hội Thánh Ngài.

Cử hành bí tích hôn phối và Phúc Âm hoá những người đã rửa tội nhưng chưa có lòng tin. Lòng tin của những người thỉnh cầu Hội Thánh chúc lành cho hôn nhân của họ, có thể ở nhiều mức độ khác nhau, cho nên các chủ chăn có bổn phận trước hết phải giúp họ khám phá lại đức tin, nuôi dưỡng đức tin và đưa đức tin đến chỗ trưởng thành. Có những người đính hôn thỉnh cầu cử hành lễ cưới ở nhà thờ vì những nguyên do xã hội hơn là tôn giáo thực sự.

Dựa trên mức độ đức tin của những người đính hôn để cho phép hay không cho phép cử hành hôn phối ở nhà thờ, điều đó có thể đưa đến những nguy cơ trầm trọng : trước hết là nguy cơ có những phê phán thiếu cân nhắc hoặc kỳ thị; rồi nguy cơ tạo ra những sự nghi ngờ về tính cách thành sự của nhiều cuộc hôn nhân đã cử hành, và như thế, không phải là không gây thiệt hại nặng nề cho các cộng đồng Ki-tô hữu, rồi còn gây nên những âu lo không chính đáng cho lương tâm các đôi bạn. Người ta cũng sẽ rơi vào mối nguy phủ nhận hoặc hoài nghi tính cách bí tích của rất nhiều cuộc hôn nhân nơi những anh em không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.

Ngược lại, nếu sau khi đã cố gắng hết cách mà các người đính hôn vẫn công khai và rõ ràng phủ nhận những điều Hội Thánh muốn thực hiện khi cử hành hôn nhân cho những người đã rửa tội, thì vị chủ chăn các linh hồn không được chấp nhận cử hành hôn lễ cho họ.

513. Mục vụ sau hôn lễ[4]

Trong việc mục vụ sau hôn lễ, ưu tư đặc biệt hướng về các gia đình hợp lệ mà ta gọi chung là các gia đình trẻ. Hội Thánh phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách hữu trách, trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hoà hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Hội Thánh và xã hội nhân loại. Khi có con cái, đôi bạn trở thành một gia đình theo nghĩa tròn đầy và chuyên biệt, lúc đó Hội Thánh vẫn còn phải gần gũi hai cha mẹ để giúp đỡ họ đón nhận con cái và yêu mến chúng như ân huệ sự sống được lãnh nhận từ Thiên Chúa, vui vẻ chấp nhận vất vả để phục vụ cho chúng lớn lên về mặt nhân bản và Ki-tô giáo

52. Những cơ cấu của MVGĐ[5]

Mục vụ gia đình - một hình thức mục vụ đặc thù và chuyên biệt - tìm thấy nơi chính Hội Thánh, nguyên tắc hoạt động và khuôn mẫu trách nhiệm, qua các cơ cấu chính yếu sau đây :

Cộng đồng Hội Thánh và cách riêng giáo xứ : mỗi cộng đồng giáo xứ, phải ý thức mạnh mẽ về ân sủng và trách nhiệm đã nhận được từ Chúa để cổ võ mục vụ gia đình. Mọi chương trình mục vụ được tổ chức, ở mọi cấp độ, không bao giờ được lướt bỏ mục vụ gia đình. Một trong những sáng kiến đáng khuyến khích là việc thành lập những nhóm nghiên cứu các vấn đề gia đình và các khoá đào tạo về thần học và mục vụ gia đình, mở ra cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân với phần đóng góp nghiệp vụ của họ trong việc giúp đỡ các gia đình (về y khoa, luật pháp, tâm lý, xã hội, giáo dục).

Gia đình : Qua hôn nhân được nâng lên hàng bí tích của những người đã được rửa tội, Chúa Kitô trao cho các đôi bạn Ki-tô hữu một sứ mạng tông đồ riêng biệt, để sai phái họ như những người thợ trong vườn nho của Người, và một cách đặc biệt, trong cánh đồng gia đình.

Họ chu toàn việc tông đồ này trước hết trong gia đình riêng của họ, bằng cách làm chứng qua một đời sống đúng theo luật Chúa dưới mọi khía cạnh, bằng việc đào tạo về mặt giáo lý Ki-tô giáo cho con cái, giúp chúng trưởng thành trong đức tin, giáo dục đức khiết tịnh, chuẩn bị cho chúng vào đời, săn sóc để chúng tránh những nguy hiểm về ý thức hệ và luân lý mà chúng đang bị đe dọa, giúp chúng hội nhập cách tiệm tiến và hữu trách vào cộng đồng Hội Thánh và cộng đồng dân sự, giúp đỡ và góp ý cho chúng trong khi chọn lựa ơn gọi, giúp đỡ lẫn nhau giữa các phần tử trong gia đình để cùng được lớn lên về mặt nhân bản và Ki-tô giáo và nhiều điều khác nữa.

Ngoài ra, việc tông đồ gia đình còn được triển nở dưới hình thức những công tác bác ái về tinh thần cũng như vật chất đối với các gia đình khác, cũng như đối với những người đau ốm, già cả, tàn tật, mồ côi, goá bụa, những người chồng, những người vợ bị bỏ rơi, những người mẹ độc thân và những người mẹ trong tình huống khó khăn, đang bị cám dỗ loại bỏ đứa con còn trong bào thai, v.v...

Các Hiệp Hội gia đình nhằm phục vụ các gia đình : Ðó là các cộng đồng Hội Thánh, các nhóm và rất nhiều phong trào đang dấn thân vào mục vụ gia đình theo những cách thế khác biệt và với những danh hiệu và mức độ khác nhau, để ý rằng mỗi tổ chức đều có những đặc điểm, mục tiêu, cách kết nạp và phương pháp riêng.

Vai trò của những hiệp hội này là làm dấy lên nơi các tín hữu một ý thức bén nhạy về sự liên đới, là tạo điều kiện thuận lợi cho một nếp sống được gợi hứng do Tin Mừng và do đức tin của Hội Thánh, là đào tạo cho lương tâm của mọi người biết theo giá trị Ki-tô giáo chứ không theo các tiêu chuẩn của ý kiến đám đông, là khuyến khích các công cuộc bác ái đang hướng về việc giúp đỡ lẫn nhau hay hướng về người khác với một tinh thần cởi mở có sức làm cho các gia đình Ki-tô hữu trở thành thật sự là nguồn sáng đích thực và là men lành mạnh cho các gia đình khác.

Rất đáng ước mong rằng, với một ý thức mạnh mẽ về công ích, các gia đình Ki-tô hữu cũng tích cực dấn thân ở mọi mức độ, vào những hiệp hội khác không thuộc Hội Thánh. Một số trong các hiệp hội này nhằm bảo vệ, thông truyền và cứu vãn các giá trị luân lý, văn hoá đích thực của dân tộc mà họ là thành phần, nhằm phát triển ngôi vị con người, bảo vệ các bà mẹ và trẻ em về mặt y khoa, pháp luật và xã hội, thăng tiến chính đáng các phụ nữ, gia tăng tình liên đới tương trợ, hiểu biết những vấn đề gắn liền với việc điều hoà sinh sản có trách nhiệm theo những phương pháp tự nhiên phù hợp với phẩm giá con người và giáo lý của Hội Thánh. Một số hiệp hội khác lại nhằm kiến tạo một thế giới công bình và nhân bản hơn, cổ võ những luật pháp công bình tạo thuận lợi cho một trật tự xã hội thích hợp có sự kính trọng trọn vẹn phẩm giá cũng như mọi quyền tự do chính đáng của cá nhân và của gia đình, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, hoặc nhằm cộng tác với học đường và các tổ chức bổ túc cho việc giáo dục trẻ em, và nhiều hiệp hội khác.

53. Những người có trách nhiệm trong MVGĐ[6]

Ngoài chính gia đình - vừa là đối tượng vừa là chủ thể trước hết của mục vụ gia đình - còn phải nhắc đến những người hữu trách chính yếu khác trong ngành mục vụ đặc biệt này.

Các Giám Mục và các Linh Mục : Người chịu trách nhiệm đầu tiên về mục vụ gia đình trong giáo phận chính là Giám mục. Như một người cha và chủ chăn ngài phải đặc biệt lo lắng cho ngành này, chắc chắn là ngành ưu tiên của mục vụ. Các Giám mục được giúp đỡ cách đặc biệt do các linh mục mà trách nhiệm của họ - như THĐGM đã chính thức nhấn mạnh - tạo thành một phần cốt yếu trong tác vụ của Hội Thánh đối với hôn nhân và gia đình. Cũng phải nói thế về các phó tế khi họ được trao nhiệm vụ về ngành mục vụ này.

Trách nhiệm của các vị ấy không những mở rộng trên các vấn đề luân lý và phụng vụ, nhưng còn cả trên các vấn đề cá nhân và xã hội. Các vị phải nâng đỡ gia đình trong các khó khăn và đau khổ của nó, bằng cách đứng bên cạnh các phần tử của gia đình, giúp họ biết nhìn cuộc sống dưới ánh sáng Tin Mừng.

Nam Nữ Tu Sĩ : Nam nữ tu sĩ, và những người tận hiến nói chung, có thể góp phần vào công tác tông đồ gia đình, đặc biệt là vấn đề quan tâm tới các trẻ em, nhất là những trẻ em bị bỏ rơi, không được chấp nhận, mồ côi, nghèo khổ hay tàn tật; và họ có thể làm điều đó bằng cách thăm viếng các gia đình và săn sóc bệnh nhân; tạo những tương quan đầy kính trọng và bác ái với những gia đình thiếu vắng, đang gặp khó khăn hoặc phân tán; trình bày giáo huấn và đưa ra những lời khuyên để chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân, và giúp cho các đôi bạn trong vấn đề truyền sinh thật sự có trách nhiệm; giúp đỡ các gia đình mở cửa đón nhận người khác một cách giản dị và chân tình, để các gia đình có thể gặp được ở đó cảm thức về Thiên Chúa, sự ham thích cầu nguyện và hồi tâm, tấm gương cụ thể về một đời sống trong tình bác ái và niềm vui huynh đệ giữa các thành phần trong đại gia đình Thiên Chúa.

Những giáo dân chuyên môn : Các giáo dân chuyên môn (y sĩ, luật gia, tâm lý gia, các trợ tá xã hội, các cố vấn v.v.) có thể hỗ trợ các gia đình với tính cách cá nhân, hoặc trong công tác của những hiệp hội hay các tổ chức khác nhau, để góp phần soi sáng, cố vấn, định hướng và nâng đỡ.

Những người sử dụng và nhân viên truyền thông xã hội : Những phương tiện truyền thông xã hội "thường tác động sâu xa trên tình cảm và trí tuệ, luân lý lẫn tôn giáo của những người sử dụng", nhất là các người trẻ. Chúng có thể tạo một ảnh hường hữu ích cho đời sống và những thói quen của gia đình cũng như cho việc giáo dục trẻ em, nhưng đồng thời chúng cũng giấu ẩn "những cạm bẫy và nguy hiểm mà người ta không thể coi thường",và chúng cũng có thể trở nên phương tiện - đôi khi thật đáng tiếc được vận dụng một cách khéo léo và có hệ thống như vẫn xảy ra trong nhiều nước trên thế giới - để chuyên chở những ý thức hệ phá hoại hay những nhãn quan lệch lạc về cuộc sống, gia đình, tôn giáo, luân lý, khinh thường phẩm giá và định mệnh con người.

Vì thế Hội Thánh cũng có bổn phận phải không ngừng dành mọi quan tâm cho các hạng nhân viên ấy, đồng thời khuyến khích và nâng đỡ những người công giáo cảm thấy mình được kêu gọi và có khả năng để dấn thân vào các ngành tế nhị này.

Về vấn đề này, Đức Phao-lô VI đã viết: "Các nhà sản xuất phải nhận biết và tôn trọng những đòi hỏi của gia đình. Điều đó giả thiết đôi khi họ phải rất can đảm và lúc nào cũng phải ý thức trách nhiệm rất cao. Thật vậy, họ phải tự ngăn cấm mình về... tất cả những gì có thể làm tổn thương đến gia đình trong sự hiện hữu, bền vững, quân bình và hạnh phúc; vì mọi điều phương hại đến các giá trị căn bản của gia đình - dù là tự do luyến ái hay những sự bạo hành, biện hộ cho sự ly dị hay những thái độ chống xã hội của người trẻ - đều là một sự phương hại cho thiện ích đích thực của con người.

54. MVGĐ trong những hoàn cảnh khó khăn[7]

Những hoàn cảnh đặc thù : Chẳng hạn như gia đình di dân tìm việc làm, gia đình những người bị bó buộc phải vắng mặt lâu ngày, như quân nhân, thuỷ thủ, du mục đủ loại, gia đình tù nhân, những người tị nạn hay bị lưu đầy; những gia đình giữa đô thị mà thực tế lại sống bên lề; các gia đình không nhà cửa; các gia đình không đầy đủ, chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ; những gia đình có con bị tàn tật hay nghiện ma tuý; những gia đình có người nghiện rượu; những gia đình bị tách khỏi môi trường văn hoá và xã hội của họ, hay có nguy cơ mất môi trường ấy; những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác; những gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ; những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ; những gia đình bị bạo hành hay bị ngược đãi vì đức tin; những gia đình vị thành niên; những người già cả không hiếm khi phải sống trong cô đơn và thiếu những phương tiện cần thiết để sinh sống.

Nhìn chung, đó là gia đình đang đối đầu với những khó khăn thật sự, thường ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại. Mục vụ gia đình ở đây không chỉ là cần trợ giúp nhưng còn cần một hành động hiệu quả trên dư luận quần chúng và nhất là trên cơ cấu văn hoá, kinh tế, luật pháp nhằm loại bỏ tối đa những nguyên cớ sâu xa gây khó khăn cho họ.Trong tất cả những tình cảnh ấy, đừng bao giờ sao nhãng kinh nguyện là nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh, đồng thời cũng là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng Ki-tô giáo.

Các cuộc hôn nhân hỗn hợp : Có ba trường hợp :

Hôn nhân giữa người Công giáo và người đã rửa tội trong các hệ phái khác : Các cuộc hôn nhân giữa những người công giáo và những người được rửa tội trong các hệ phái khác, mặc dù mang một sắc thái đặc biệt, vẫn có nhiều yếu tố cần được tôn trọng và phát huy, hoặc vì giá trị nội tại của chúng hoặc vì chúng có thể góp phần cho phong trào đại kết.

Hôn nhân giữa người công giáo và người chưa rửa tội nhưng có tuyên xưng một tôn giáo : người phối ngẫu không rửa tội có tuyên xưng một tôn giáo, những xác tín của người ấy phải được kính trọng, theo những nguyên tắc trong tuyên ngôn "Nostra Aetate" của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về các tương quan với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo.

Hôn nhân giữa người công giáo và người chưa rửa tội và lại không tuyên xưng một tôn giáo nào khác : Đối với những cuộc hôn nhân này, các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục cần liệu những phương sách mục vụ thích đáng, nhằm bảo đảm việc bảo vệ đức tin của người phối ngẫu công giáo và bảo vệ việc tự do thể hiện đức tin, nhất là về bổn phận người ấy phải làm hết sức để con cái được rửa tội, và giáo dục theo đức tin công giáo. Người phối ngẫu công giáo cũng phải được nâng đỡ mọi cách để biết cố gắng đem lại chứng tá đích thực về đức tin và đời sống công giáo ngay trong gia đình Ki-tô hữu.

Hoạt động mục vụ trong một vài hoàn cảnh trái qui tắc. Giữa những thay đổi nhanh chóng về văn hoá ngày nay, thật đáng tiếc những chuyện trái qui tắc này đang lan tràn ngay cả giữa những người công giáo, gây một thiệt hại nghiêm trọng cho cơ chế gia đình và xã hội mà gia đình là tế bào căn bản. Năm hoàn cảnh đã được trình bày :

a. Hôn nhân thử : Hội Thánh không thể chấp nhận loại kết hợp này. Hôn nhân giữa hai người đã rửa tội là biểu tượng thực sự cho việc kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay "để thử", nhưng là trung tín đời đời; như thế, giữa hai người đã rửa tội, chỉ có thể có một hôn nhân bất khả phân ly

b. Những vụ chung sống không hôn nhân : Ðây là trường hợp lôi cuốn sự chú tâm của các vị chủ chăn. Phải chú tâm tới những yếu tố khác biệt đưa tới tình trạng ấy, để nhờ tác động trên những yếu tố nguyên nhân để có thể giảm bớt được các hậu quả. Từng trường hợp một; phải để tâm, với sự kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang chung sống như thế, kiên nhẫn khai sáng cho họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Ki-tô hữu, nói cách khác là làm tất cả những gì có thể đưa họ tới chỗ hợp thức hoá tình cảnh của họ.

c. Những người công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự : Hội Thánh vẫn không thể chấp nhận tình trạng ấy. Hoạt động mục vụ nhằm giúp cho người ta chấp nhận rằng nhất thiết phải có sự đi đôi giữa sự chọn lựa đời sống và đức tin họ tuyên xưng, mục vụ cũng phải cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để đưa người ấy tới chỗ hợp thức hoá tình cảnh của họ theo các nguyên tắc Ki-tô giáo.

d. Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn : cCứng tích của họ về sự trung thành và về sự ăn khớp của mình với đời sống Ki-tô hữu có một giá trị thật đặc thù đối với thế giới và Hội Thánh hơn bao giờ hết, Hội Thánh phải đem lại cho họ một sự giúp đỡ đầy khích lệ ưu ái, và cho họ tham dự các bí tích, không một cản trở nào

e. Những người ly dị tái hôn : Hội Thánh không thể bỏ mặc những người, đã được kết hợp trong dây bí tích hôn phối, nay lại muốn cưới người khác. Nên Hội Thánh phải cố gắng không biết mỏi mệt để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh.

Những người không gia đình. Trong thế giới hiện nay có một số đông người thật bất hạnh vì không thể có liên hệ gì với cái mà ta quen gọi là gia đình đúng nghĩa. Ðối với những người đang sống trong sự nghèo khổ cùng cực, đến nỗi không thể có gia đình, phải hành động thật can đảm để tìm ra cả trên bình diện chính trị, những cách giải quyết có thể giúp họ vượt lên khỏi tình trạng liệt nhược phi nhân bản ấy. Đối với những người không có gia đình tự nhiên, thì càng phải mở rộng hơn nữa các cánh cửa của đại gia đình Hội Thánh. Đại gia đình này mang một khuôn mặt cụ thể, trong gia đình giáo phận và giáo xứ, trong các cộng đồng căn bản và trong các phong trào tông đồ. Trong thế giới ngày nay không ai vô gia đình: Hội Thánh là nhà và gia đình của tất cả mọi người, cách riêng là của những ai "đang lao đao và gánh nặng".

Kết luận

Ðể kết luận Tông Huấn, Ðức Gioan Phaolô II đã bày tỏ ý muốn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người về những trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, và nài xin sự bảo trợ của Thánh Gia Na-da-rét. Ngài viết : « Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình. Thế nên thật trọng yếu và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình để bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình… Ðặc biệt các con cái Hội Thánh phải nỗ lực một cách đặc biệt cho vấn đề này. Trong đức tin, họ đã được hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa kỳ diệu của Thiên Chúa, nên họ càng có lý do để lưu tâm tới thực tế gia đình, trong thời đại của chúng ta, thời đại thử thách và ân sủng... Họ phải yêu mến gia đình một cách đặc biệt hơn cả. Đó là một mệnh lệnh cụ thể và gắt gao. Yêu mến gia đình nghĩa là quí chuộng các giá trị và khả năng của gia đình, luôn tìm cách thăng tiến các giá trị và khả năng ấy…Ngoài ra, các Ki-tô hữu còn có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác tín, "Tin Mừng" về gia đình, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi mãi vẫn còn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mặc khải cho gia đình biết chân tính của nó, những tiềm năng và tầm quan trọng sứ mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội Thánh Thiên Chúa… Sau cùng tôi tha thiết kêu gọi tất cả Ki-tô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm của họ đối với các gia đình.

Kết luận sứ điệp mục vụ này, một sứ điệp muốn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người về những trách nhiệm, tuy nặng nề nhưng lôi cuốn, của gia đình Ki-tô hữu, giờ đây tôi tha thiết nài xin sự bảo trợ của Thánh Gia Na-da-rét[8] ».

Paris, ngày 18 tháng 10 năm 2007

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú

[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, ngày 22.11.1981, số 65

[2] Ibidem, số 66

[3] Ibidem, số 67-68

[4] Ibidem, số 69

[5] Ibidem, số 70-72

[6] Ibidem, số 73-76

[7] Ibidem, số 77-85

[8] Ibidem, số 86.