LONDON 11/10/07 – Bản tin của thông tấn Reuters đánh đi từ Luân Đôn cho biết hơn 130 học giả Hồi Giáo danh tiếng ở khắp nơi trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi chung sống hòa bình và cảm thông giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo. Các vị học giả nói trên tuyên bố “sự sống còn của thể giới đang lâm nguy”

Trong một lá thư chưa từng có trong thế giới Hồi Giáo gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo khác, 138 học giả Hồi Giáo tuyên bố tìm ra căn bản chung cho hai tôn giáo lớn nhất thế giới không phải là vấn đề đối thoại có vẻ lịch sự giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà là mọi người phải chung sống hòa bình”

Lá thư viết tiếp: “Nếu những người Hồi Giáo và Kitô Giáo không sống hòa bình với nhau thì thế giới không có hòa bình. Với những loại vũ khí khủng khiếp của thế giới hiện đại và hơn bao giờ hết, tình hình người Kitô Giáo, Hồi Giáo sống xen kẽ với nhau ở mọi nơi, và nếu có xung đột xảy ra, thì không bên nào có thể đơn phương thắng cuộc giữa hai khối cư dân chiếm hơn phân nửa dân số thế giới”

Lá thư kết luận “Tương lai chung của chúng ta đang lâm nguy, sự sống còn của thế giới đang lâm nguy” Và rồi lá thư đưa ra lời kêu gọi:” Cả Hồi Giáo lẫn Kitô Giáo đều đã đồng ý là Kính Chúa và Yêu Tha Nhân là hai điều giáo lệnh quan trọng nhất của hai tôn giáo”

Mối liên hệ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo trở nên căng thẳng từ khi nhóm al Qaeda tấn công vào các địa điểm của Tây Phương. Đáp lại, Hoa Kỳ và Tây Phương đã can thiệp vào Iraq và Afghanistan.

Theo nhận định của giới quan sát, lá thư trên đây của các học giả quả là chưa từng có trong thế giới Hồi Giáo vì tôn giáo này không cơ cơ quan nào là trung ương có thẩm quyền nói thay cho tất cả các tín hữu Hồi Giáo.

Trong số các nhân vật ký tên trên lá thư người ta thấy có các vị học giả ở khắp nơi trên thế giới như Trung Đông, Á Châu, Phi Châu, Âu Châu và Bắc Mỹ. Họ cũng là đại diện cho các trường phái Hồi Giáo như Sunni, Shi'ite và Sufi. Trong danh sách 138 vị học giả, cũng có các đại giáo sĩ Hồi Giáo ở Ai Cập, Palestin Oman, Jordan, Syria, Bosnia và Nga. Riêng Iraq cũng có đại biểu của hai phái Shi'ites và Sunnis.

Giáo Sĩ Mustafa Cagrici, người đã cùng cầu nguyện với ĐTC Bênêđictô XVI tại đền thờ Xanh của Hồi Giáo tại Istanbul và Giáo Sĩ Amr Khaled, rất nổi tiếng chuyên thuyết giảng trên truyền hình Ai Cập cũng đã ký tên trong lá thơ này.

Lá thư đã được gửi tới ĐTC Bênêđictô XVI, Các đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo, Tổng Giám Mục Canterbury là Rowan Williams của Anh Giáo và các vị lãnh đạo các giáo phái Tin lành Lutheran, Methodist, Baptist và Giáo Hội Cải Cách.

Đức TGM Williams của Anh Giáo tuyên bố Ngài hoan hô lá thư đó, coi đây là dấu chỉ của sự liên lạc mà mọi người khắp nơi trên thế giới đều mong mỏi” Ngài kêu gọi “Người Kitô Giáo và Hồi Giáo ỏ mọi cấp, mọi quốc gia phải kính trọng, tỏ thiện chí với nhau và yêu chuộng hòa bình.”

Vế phía Công Giáo, giới chức Tòa Thánh Vatican cho biết cần có thời gian để cứu xét lá thư này.

Ông Aref Ali Nayed, người đã ký tên trong lá thư, là cố vấn cho chương trình đối thoại liên tôn thuộc đại học Cambridge cho biết các người ký tên trong lá thư đại diện cho 99.9% tín hữu Hồi Giáo và chống lại nhóm thiểu số cực đoan

Ông Aref thú nhận : “Trong Hồi Giáo, từ trước tới nay chúng tôi có một vấn đề là tiếng nói của dòng chính bị át đi vì thiểu số đã chọn lựa giải pháp bạo động”

Ông cũng cho biết các người ký tên trong lá thư đã đồng ý sẽ thiết lập một hệ thống liên lạc chung để trong tương lai các nhà lãnh đạo Hồi Giáo có thể hợp tác chung với nhau. Ông cũng nhấn mạnh “ Những người ký tên trong lá thư không phải là chỉ ký tên lấy lệ, mà chúng tôi cố gắng tạo một cơ chế và không muốn cơ chế đó bị mất đi”