New York (CNS) – Các thay đổi tế nhị về thái độ là điều quan trọng hơn các văn kiện được ký kết khi muốn đo lường sự tiến bộ trong các mối liên lạc giữa hai miền nam bắc Triều tiên, đó là nhận định của của một linh mục người Mỹ đã thăm viếng Bắc Hàn nhiều lần kể từ năm 1995.

Lm Gerard Hammond, thuộc tu hội Maryknoll và là một nhà truyền giáo người Mỹ tại Nam Hàn từ năm 1960, đã phục vụ trong nhiều lãnh vực, kể cả làm đặc sứ cho Hồng y Nicholas Cheong Jin-suk ở Seoul (Hán Thành), Nam Hàn, và giám quản tông tòa giáo phận Pyongyang (Bình nhưỡng) tại Bắc Hàn.

Ngài cũng là giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc gia của tổng giáo phận Seoul, chủ tịch chi nhánh Caritas Quốc tế Bắc Hàn (một cơ quan viện trợ Công giáo), và là ủy viên quản trị Eugene Bell Foundation (một cơ sở bác ái Tin lành hoạt động tại Bắc Hàn).

Lãnh tụ hai miền Nam Bắc gặp nhau
Lần đầu tiên cha Hammond đến thăm Bắc Hàn là để mang phẩm vật cứu trợ sau trận lụt tàn phá xảy ra tại đó. Rồi suốt 12 năm sau, ngài cho biết, đã có một sự tiến bộ trong “đối thoại, thái độ và sự tin tưởng ở cả hai phía. Tôi nói được tiếng Triều tiên và được tiếp nhận. Nếu không, chắc tôi đã không thể tới đó.”

Cha Hammond đã 74 tuổi. Ngài nói rằng tuổi tác của ngài cũng là lợi thế và “bằng nhiều cách, người ta coi tôi như là người Triều tiên vậy.”

Trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở tu hội Maryknoll ngài cho biết sự chuyển hướng tinh tế trong thái độ cho phép cha Hammond có thể thực hiện nhiều hơn các dự án được tài trợ do các nhóm mà ngài đại diện. Hầu hết các sự trợ giúp đều liên quan đến việc điều trị cho các bệnh nhân bị lao phổi tại 41 bệnh viện rải rắc khắp Bắc Hàn.

Cha nói rằng ngài là một trong số ít người ngoại quốc được đi lại nhiều lần và nhiều nơi ở Bắc Hàn. Ngài cũng được phép tháp tùng một nhóm gồm cả người ngoại quốc và người Nam Hàn.

Chính quyền cộng sản tại Bắc Hàn đã chỉ định “nhân viên kèm” cùng đi với các khách viếng thăm, và cấm các công dân không được nói chuyện với người ngoại quốc nếu không có một người Bắc Hàn khác bên cạnh.

Cha cho biết Giáo hội Công giáo tại Triều tiên được thành lập năm 1784 do các học giả giáo dân đã chịu phép thanh tẩy tại Trung quốc. Một vị linh mục Trung hoa được phái đến Triều tiên năm 1801, còn vị linh mục đầu tiên người Triều tiên được thụ phong là vào năm 1831.

Các nhà truyền giáo Maryknoll tới quốc gia này năm 1922. Trong thế kỷ trước đã có ba cuộc bách hại tàn bạo người Công giáo. Giám mục Patrick Byrne thuộc tu hội Maryknoll và nữ tu Agneta Chang là hai trong số 10 ngàn người Công giáo nạn nhân đợt bách hại sau cùng. Kể từ khi cuộc chiến Triều tiên bùng nổ năm 1950 đến nay, không có các linh mục hay tu sĩ thường trú vĩnh viễn nào tại Bắc Hàn cả.

Năm 1988 chính phủ dựng nên Hội Công giáo Bắc Hàn và năm sau lập một Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, “không có dấu hiệu nào cho thấy có Giáo hội Công giáo hay người Công giáo. Không có linh mục thường trú, và hội nói trên bao gồm cả người Công giáo, người không Công giáo lẫn người không được rửa tội.” Điều đó làm cho các linh mục đến thăm viếng gặp khó khăn khi cử hành thánh lễ.

Cha Hammond cho biết ngài đã làm lễ tại nhà thờ, nhưng vì chính phủ cấm không cho người Bắc Hàn nào được tiếp xúc một mình với người ngoại quốc nên không thể nghe xưng tội được. Ngài nói: “Chúng tôi tìm cách tránh né (chính quyền). Chúng tôi bày tỏ lòng thương mến của Giáo hội đối với những người bị bỏ lại.”

Sự chia đôi nam bắc Hàn dọc theo vĩ tuyến 38 vào cuối cuộc Thế chiến II đã làm ly tán nhiều gia đình.

Cha Hammond cho biết các bác sĩ và y tá tại Bắc Hàn nhận được thuốc men và đồ tiếp liệu do nhóm ngài đại diện biếu tặng, đã tỏ ra biết ơn, đặc biệt bởi vì các bệnh viện của họ không được cung ứng đầy đủ.

Ngài nhắc đến một cảnh tượng mà ngài cho là “một trong những điều huyền nhiệm của Đông phương”: một bác sĩ đồng thời là đảng viên Cộng sản đã xin ngài cầu nguyện cho. Một lần khác, một người tài xế của chính quyền lái xe chở ngài tới thăm một bệnh viện cho biết bà nội của anh ta cũng có một chuỗi hạt mân côi giống tràng hạt cha Hammond đang dùng trên xe.

Ngược lại, việc sống đạo và Giáo hội Công giáo tại Nam Hàn lại nở rộ. Ngài nói: “Đó là một câu chuyện thành công, đi từ tro tàn đổ nát của chiến tranh thành một Giáo hội rất sống động có tới hai vị hồng y.”

Tại Nam Hàn có 4.7 triệu tín hữu Công giáo, tức là 10 phần trăm dân số tại đây. Có 16 giáo phận, mỗi nơi được một giám mục Nam Hàn cai quản, và có 9000 nữ tu, 1500 chủng sinh. Hội Truyền giáo Ngoại quốc Triều tiên còn gửi các linh mục tới 6 quốc gia khác tại Á châu. Cũng tại Nam Hàn có 19 nhà truyền giáo thuộc tu hội Maryknoll.

Năm 1984, vào dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Giáo hội, các Giám mục Công giáo Nam Hàn thành lập Trung tâm Hòa giải Quốc gia, đứng đầu là cha Hammond. Ngài nói: “Có nhu cầu khẩn thiết phải hòa giải và…thống nhất” hai miền nam bắc.

Trung tâm nói trên yểm trợ một ngày cầu nguyện cho “sự hòa giải và thống nhất của dân tộc Triều tiên.” Cha Hammond cho biết ngày cầu nguyện được tổ chức vào Chủ nhật nào gần nhất ngày 25 tháng 6 – là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh Triều tiên bắt đầu – và có mục đích “nâng cao trình độ ý thức của dân chúng về các nhu cầu tâm linh và vật chất của dân chúng Bắc Hàn.”

Cha Hammond lạc quan về khả năng thống nhất giữa hai miền nam bắc Triều tiên và nói rằng các nỗ lực của Giáo hội, ở Triều tiên cũng như tại Rome, là điều quan trọng cho tiến trình này.

Cha Hammond người gốc tiểu bang Philadelphia, được phái tới Triều tiên sau khi thụ phong linh mục năm 1960. Ngoài các nhiệm vụ trong xứ đạo của ngài và các hoạt động khác, cha còn là bề trên miền của tu hội Maryknoll ba nhiệm kỳ.

Mặc dầu ngài nhớ món “scrapple” (bánh chiên nhân bằng thịt hầm với lá gia vị) và những cuộc du ngoạn tới Ocean City bang New Jersey, nhưng ngài nói: “Tôi cảm thấy may mắn được ở Triều tiên suốt 47 năm qua. Theo một ý nghĩa nào đó, (đối với dân tộc này, tôi là mắt, là tai, là môi miệng của người Công giáo Hoa kỳ.”