Chiều Thứ Sáu đi lễ, Cha báo tin: “Chuẩn bị đi giao lưu nghe”. Sáng Chúa Nhật, lúc sinh hoạt với thiếu nhi Cha lại nhắc: “Ngày mai nghĩ bù lễ Quốc Khánh, đi giao lưu với các giáo lý viên ở Hoà Hưng”. Cả bọn nhao nhao: “Hoà Hưng là ở đâu nhỉ?”

Buổi sáng Thứ Hai 03/09/2007, lúc thành phố Mỹ Tho còn chìm trong giấc ngủ, đúng 3 giờ 30 phút xe đưa chúng tôi gồm hai Cha Phó, Thầy Sáu và 12 giáo viên của giáo xứ Chánh Tòa Mỹ Tho thẳng hướng Tây để đến Kiên Giang xa vời vợi.

Thế là lại có dịp trở về miền Tây sau hơn 30 năm – Trong tôi trào dâng ít nhiều cảm xúc. Trên xe, quý Thầy tranh thủ tìm lại giấc ngủ vừa dang dở; quý cô thì nói chuyện nho nhỏ. Tôi có dịp ngắm quê hương mình trong đêm – 4 giờ 30’ xe qua cầu Mỹ Thuận – công trình đẹp nhất miền Tây – niềm tự hào của Tiền Giang quê tôi. 7 giờ chúng tôi đến bắc Vàm Cống, trời sáng rõ nhưng trên phà vẫn thưa người. Chúng tôi qua những vùng đất khá nổi tiếng ở Đồng Tháp “Lấp Vò”, “Lai Vung”…. Qua Thốt Nốt, Thạnh An, Vĩnh Thạnh, Tân Hiệp đến Giồng Riềng. Quả là một miền quê sông nước – Ở xứ này chằng chịt hệ thống kinh rạch – Xe qua kinh A, kinh B, kinh C … đến chợ Tân Hiệp – rồi lại tiếp các con kinh ngăn cách đôi bờ. Ôi chao! Hành trình dài ngất ngư!

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Hoà An thuộc huyện Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang sau khi đã hỏi thăm nhiều nơi, nhiều người. 10 giờ, xe ngừng ở chân cầu Thác Lác, đứng bên này cầu đã nhìn thấy nóc giáo đường Hoà Hưng với lối kiến trúc cổ kính. Nóc nhà thì tròn và ba tháp cao ngất ngưỡng – Nhà Thờ được xây dựng từ năm 1929 đến năm 2003 Cha Sở cho trùng tu lại – Ở đây có 5000 giáo dân, nhà ở sát dòng Kinh Tràm.

Ra đón chúng tôi có Cha Sở Giuse Nguyễn Thế Thanh và các giáo lý viên – Những nụ cười thân mật, cởi mở, tiếng hát chào mừng nồng ấm và những cái bắt tay nhiệt tình. Cha Tôma Thiện nói đùa: “Thế này thì là học trò chào mừng thầy cô rồi, chứ đâu phải là giáo lý viên đón giáo lý viên”. Có lẽ vì Cha thấy các em còn rất trẻ. Tôi thật xúc động trước chân tình và lòng nhiệt thành của các giáo lý viên ở đây. Như đã chuẩn bị, thầy Việt và thầy Phải khệ nệ ôm cây vải (để may áo) và trái cây làm quà cho giáo xứ.

Tất cả chúng tôi được mời vào nhà Xứ uống nước – chưa nhắm nháp đủ hương vị yaourt mà Cha Sở khoản đãi thì đã vội lên thuyền đi thăm hai họ đạo khác – gọi là thuyền cho có vẻ văn thơ, nhưng thật ra đó là chiếc tát ráng quen thuộc của vùng sông nước, có nơi gọi là võ lãi. Con thuyền mỏng, thật mỏng màu xanh nước biển trông rất nên thơ, nhưng ngồi lên chúng thì rất sợ (vì nó mong manh quá hay là chúng tôi cảm thấy như vậy?!). Thế mà chúng tôi (2 Cha, 1 Thầy Sáu, 12 giáo viên và mười mấy huynh trưởng của xứ đạo Hào An đều “cùng hội, cùng thuyền”. Các cô giáo Mỹ Tho sợ hết hồn, còn các huynh trưởng chủ nhà thì vô tư, vui vẻ ca hát vỗ tay vang trời.

Từ Hoà Hưng đến Trảng Tranh khoảng 5 km đường sông. Hai bên bờ Kinh Tràm là các loại thảo mộc đặc biệt của vùng sông nước nơi đây: cây gừa, cây gáo, cây điên điển … Nhìn hàng điên điển xơ xát bông mà thương nhớ nồi canh chua ngọt ngào. Tát ráng đi qua mấy cây cầu khỉ mỏng manh, vắt vẻo, chơ vơ giữa trời nước thêm thương câu hát ầu ơ của mẹ:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi ầu … ơ …”

Thỉnh thoảng trên bờ, đầu cầu tre lơ thơ khóm mười giờ Thái nở đẹp rực rỡ. Thế mới biết sức sống vươn lên từ những nơi chốn cằn cỗi hoặc những nơi người ta nghĩ khó có thể tồn tại. Hai bên bờ ủ nấm trong các đụn rơm. Được biết, đó là nghề phụ lúc giáp hạt khi xong hái mùa lúa.

11 giờ chúng tôi đến giáo xứ Trảng Tranh – Vào nhà thờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể – Huynh Trưởng tối cao. Đúng là Chúa ở khắp mọi nơi – Chiêm ngắm Chúa trong nhà Tạm, cảm thấy lòng bình an lạ lùng – Chúa thật hiền lành như sông nước ở đây. Sinh hoạt với các huynh trưởng ở Trảng Tranh và Hoà An đều một điều “Ông Cố cho tụi con đi theo với “ hai điều “Ông Cố cho tụi con đi chơi với”. Nhưng Cha Sở nghiêm nghị bảo: “Không được, các em về Hoà An trước để chuẩn bị đãi cơm khách chứ”. Thế là phải vâng lời nhưng bịn rịn vẫy tay mãi. Tôi chợt thấy thương các em thật đơn sơ, mộc mạc, nghĩa tình. Khung cảnh sông nước từ Trảng Tranh đến Quí Phụng trông đẹp và nên thơ hơn, cây cối cũng có vẽ mượt mà hơn. Bèo nổi trên mặt nước và được trồng nhiều ở đây. Nghe nói, ở đây trồng bèo để làm kinh tế. Ngay sân nhà thờ Quí Phụng cũng phơi rất nhiều thân bèo để làm dây. Thời gian trôi qua, thế là cũng có lúc cây bèo có giá trị riêng của nó, không đến nỗi “bèo bọt”, “nổi trôi” như những câu ca dân gian trước đây:

“Bướm trắng bướm vàng tung bay xáng xự

Cụm bèo xanh trôi nổi xạt xinh

Bèo trách thân bèo lênh đênh mặt nước”.

Đến nhà thờ Quí Phụng, viếng đến hai Thánh Quí và Thánh Phụng, viếng nhà thờ, nói chuyện vui với Cha Sở, chụp hình lưu niệm rồi đoàn lại trở về Hoà An dự cơm trưa.

Thật là một bữa cơm thân mật, chí tình. Cha Sở Giuse đã coi sóc giáo xứ trên 30 năm. Ngài trông hiền lành và rất đơn sơ. Giúp Ngài có một cộng đoàn gồm ba nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng (Cần Thơ). Được biết ở đây có 500 thiếu nhi ở cả ba cấp ấu, thiếu, nghĩa. Chúng tôi thật ngạc nhiên vì thấy nhà dân rãi rác ở hai bên bờ kinh mà toàn tòng đông vậy. Theo lời một huynh trưởng ở đây thì nhà nào cũng có đạo, rất ít người lương. Thế mới biết ý định của Thiên Chúa thật tuyệt vời. Tôi chợt nghĩ đến các Linh mục Truyền Giáo ngày trước khi đến nơi nầy chắc phải rất vất vả vì khi ấy chỗ nầy có lẽ hoang sơ hơn nhiều mà lòng tràn đầy sự cảm phục cha ông và thật xúc động khi nghĩ đến trách nhiệm tông đồ của mình. Và tự hỏi: “Rao giảng Tin Mừng ở thời đại nầy dễ hay khó hơn so với thời kỳ thô sơ trước?” Để rồi tự trả lời rằng không có điều gì con người làm được nếu không nhờ hồng ân Thiên Chúa. Và thật an tâm vững bước trong cơn mưa ân lộc từ trời. Hoa trái đã mọc lên từ những nơi cằn cỗi hoang sơ thì hoa trái cũng sẽ kết đậu khi có những bàn tay chịu khó gieo trồng.

“Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi

Đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đời.”

Sinh hoạt vui với nhóm huynh trưởng ở Hoà Hưng một lúc – khoảng 15 giờ 30’ đoàn lên xe về Mỹ Tho.

“Người ơi người ở đừng về…”

Bịn rịn nhưng cũng phải chia tay. Vì trời đã xế và bóng đêm khắc nghiệt sắp ùa về.

Thật là một ngày giao lưu đầy ý nghĩa! Chúng tôi hỏi vui Cha Phêrô còn buổi giao lưu nào nữa hay không, Cha cười bảo một năm đi giao lưu một lần thôi. Nhưng quả là chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ chuyến giao lưu xa xôi này.

Xin tri ân sự lo lắng quan tâm của quý Cha ở giáo xứ Chánh Toà Mỹ Tho đã tạo mọi điều kiện, tìm đủ cách để giúp những giáo viên như chúng con làm tốt nhiệm vụ mới. Đó là không phải chỉ dạy chữ mà còn hổ trợ quý Cha trong việc giáo dục đức tin cho thiếu nhi – mầm non của Giáo hội – đi đúng đường hướng mà Chúa và Giáo hội mong muốn.