SAIGON -- Một nguồn tin từ Saigòn gửi tới cho chúng tôi biết trong kỳ Đại Hội Công Giáo lần IV do nhóm Công Giáo Quốc Doanh và Cộng Sản tổ chức ở Hà Nội, LM Nguyễn tấn Khóa, đại diện ban tổ chức có gửi thư cho ĐTGM Phạm Minh Mẫn một lá thư mời tham dự đại hội, nhưng Ngài đã trả lời không đi được vì bận "công việc mục vụ”.

Theo nội dung Lá thư trả lời của TGM Saigòn ký ngày 25-12-2002, Ngài đã khéo léo mượn một câu của đảng CSVN để rồi Ngài nêu lên vai trò của Giáo Hội, trong đó viết rằng:

"Phục vụ con người là mục đích tối cao" của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh... Từ chân lý căn bản nảy ra những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng trong hoàn cảnh hiện tại để xây dựng một xã hội nhân bản hơn cho Tổ quốc Việt Nam. Những đòi hỏi bức thiết đó gồm có 2 việc chính sau đây: 1. Xóa bỏ dần những khuyết tật hiện hữu của xã hội; II. Phát huy những gaí trị nhân bản làm cho mọi công dân ngày càng sống ấm no, sống "độc lập, tự do và hạnh phúc," sống xứng với phẩm giá con người."

Phần sau của lá thư là giải thích chi tiết về 2 việc chính đó, mà TGM muốn Đại Hội trở về theo đúng mục tiêu giaó hội mong muốn, tóm lược như sau:

"I. Xóa bỏ những khuyết tật hiện hữu của xã hội.

1. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ nhất là hiện tượng tah hóa con người.. Sự tha hóa là hiện tượng đánh mất phẩm giá con người. Hiện tượng này xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;
- khi lao động đươc tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;
...
- khi tự do được coi như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, thay vì được coi như là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau... Tự do như thế.... có nguy cơ tạo ra những bất công chồng chất trong xã hội
.


2. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người.

"Cơ chế xin - cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền nhà nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép. Như thế cơ chế xin-cho vừa xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một nhà nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình..."

TGM Mẫn cũng cho rằng chính cơ chế xin-cho gây ra tham nhũng quy mô, làm trở ngại việc phát triển đất nước và phát huy phẩm giá con người.

Trong phần "II. Phát huy những giá trị nhân bản làm cho xã hội ngày càng nhân bản hơn," Đức TGM đưa ra 5 nhiệm vụ phát huy, đặc biệt trong phần phát huy thứ 4 "Phát huy tính phụ đới của tổ chức xã hội," Ngài viết:

"Tính phụ đới không cho phép một tổ chức hay tập thể xã hội, dù là tổ chức cấp cao nhất như Nhà Nước, chiếm độc quyền trong công cuộc phát triển, vì lẽ đây là sự nghiệp chung của toàn dân, của mọi thành phần xã hội trong cộng đồng dân tộc. Vả lại độc quyền là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn vừa đánh mất phẩm giá con người vừa cản trở việc phat1 triển đất nước.

"Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước của dân, do dân và vì dân, từ một tổ chức phục vụ nhân dân, trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành công cụ mù quáng và miễn cưỡng phục vụ cho cỗ máy đó. Sự đảo ngược đó làm tha hóa con người và phân hóa xã hội
..."