Giáo xứ Phù Sa mừng lễ Bổn Mạng Thánh Gioakim và Anna

Giáo xứ Phù Sa sáng 26/07/2007 thật rộn ràng khác thường. Ngôi nhà thờ bé nhỏ có tuổi thọ 70 năm đã không thể dung chứa được hết đoàn con cái Giáo xứ từ khắp nơi tề tựu về để mừng lễ Bổn Mạng Giáo xứ. Thánh lễ đã được tổ chức ngoài trời ngay trước tiền đàng nhà thờ. Theo truyền thống từ xa xưa, thì đây là ngày Hội lớn, là ngày "Tết" thứ hai của Giáo xứ. Vào ngày này các thành viên trong gia đình, các bạn bè, khách mời đều vượt qua mọi trở ngại để trở về hiện diện, sum họp.

Nhân dịp này Đức Cha Giuse cũng đã ban Bí Tích Thêm Sức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Sau thánh lễ có bữa tiệc liên hoan khoản đãi các cha khách ở các giáo xứ lân cận về đồng tế. Tại các gia đình cũng có những bữa tiệc thịnh soạn. Khi về ai cũng có được một gói quà nho nhỏ: bánh ít lá gai ngọt ngào tình quê hương.

Vài dòng về Giáo xứ Phù Sa



Không biết người Công giáo có mặt ở đây từ khi nào, nhưng chắc chắn trên phần đất này đã có người ở từ lâu. Và tên gọi “Phù Sa” không một ai biết có từ lúc nào, hay ai đã đặt cho. Nhờ vào lịch sử của Giáo xứ mẹ Chợ Mới và lời truyền khẩu của các bậc tiền nhân, tên Phù Sa được gọi cho đến ngày nay.

I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:

Vào thời Vua Tự Đức, có 7 gia đình gốc từ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế theo “phong trào Nam tiến” thời Chúa Nguyễn di cư vào Nam đến sinh sống và lập nghiệp tại Phù Sa.

Trước thời Văn Thân, không rõ lúc nào, một nhà nguyện đầu tiên với mái tranh và vách ngói được dựng lên trong một khu đất, mà hiện nay gia đình con cháu của Bà Mađalêna Nguyễn Thị Chanh đang ở. Sau đó được Cô Thiện tu sửa lại bằng mái ngói và tường gạch. Theo sổ rửa tội cũ nhất còn để lại của Giáo xứ mẹ Chợ Mới, thì người được rửa tội là Phêrô Nguyễn Bề, vào ngày 29.08.1907 trong Nhà nguyện thánh bổn mạng Anna này.

Đồng số phận với anh chị em Giáo xứ Chợ Mới, Giáo dân Phù Sa cũng trãi qua một thời kỳ bị bắt đạo khủng khiếp dưới thời Vua Tự Đức.

Vị lãnh Đạo tinh thần lúc bấy giờ khuyên bà con giáo dân tạm xuôi vào Nam lánh nạn. Nhưng có hai gia đình: Ông Lê Truyền và Ông Chín Cân cùng một số ít người ở lại lánh nạn trên núi Hòn Thơm.

+ Ông Lê Truyền bị thiêu sống trong chính ngôi nhà của mình. Hiện Nay ngôi mộ Ông nằm trong phần đất của người cháu là Ông Lê Mười.

+ Ông Mân là con trai Ông Lê Truyền, sau thời gian sống trên núi Hòn Thơm, hết lương thực, trở về nhà thì bị bắt, bị thích chữ “tả đạo” trên trán và bị tra tấn tưởng chừng như đã chết, nên họ bỏ đó.

+ Ông Chín Cân cùng với gia đình trốn lâu ngày trên núi Hòn Thơm, khi trở về lấy lương thực, cũng bị bắt, bị tra tấn. Ông cùng hai người con bị chôn sống trong một cái hố ngay trong phần đất của Nghiã trang, hiện nay phần đất này là Công Trường Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Sau thời Văn Thân, các phần mộ trong nghĩa trang này di dời về nghĩa trang mới phía Tây Nhà thờ dưới chân núi Hòn Thơm cho đến năm 1975.

II. NHỮNG VỊ LÃNH ĐẠO TINH THẦN:

Chiếu theo sổ rửa tội cũ nhất còn giữ lại tại Giáo xứ Chợ Mới lần lượt tìm thấy các Linh Mục phụ trách họ lẻ Phù Sa như sau:

Cố Durang (8.1907), Cố Joseph Laurent (10.1910), Cố Liêm (1910- 1911), Từ 1911-1921: Không rõ, Cố Liêm và Cố Durang (1921– 1923), Cha Anrê Tôn (1923–1924), Cha Giuse Dung (1924–1927), Cha Louis Valet, Cố Ngân (1927– 1929), Cha Antôn Thạnh (1929-1937), Cố Quí và Cố Kim (1937-1939) Cha Antôn An (1939-1942), Cha Augustinô Cần (1942-1943), Cha Gioan Nguyễn Quang Xuyên (1943-1944), Cha Tôma Tới (1944-1945) Cha Giuse Nguyễn Sồ (1945-1954), Cha Phaolô Thì (1954-1955), Cha Alexis Lê Trung Hậu (1955-1957), Cha Gioan Kim (1957-1959), Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Dung (1959-1960), Cha Giuse Nguyễn Trung Hiếu (1960-1967), Cha Phêrô Nguyễn Đình Phượng (1967-1972), Cha Antôn Hồ Ngọc Hạnh (1972-1986), Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, phó xứ Chợ Mới, đến Phù Sa dâng lễ Chúa nhật và lễ trọng (1976-1977).

Ngày 17.12.1978: Cộng đoàn Dòng Phanxicô hiện diện tại Phù Sa gồm: Cha Gioakim Nguyễn Văn Có, phó xứ Chợ Mới, quản nhiệm họ lẻ Phù Sa. Cha Gioan Thánh Giá Nguyễn Ngọc Toàn, và 2 tu sĩ là thầy Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước và thầy Phêrô Nguyễn Văn Khoan (2 thầy nay đã là Linh Mục).

Năm 1986: Họ lẻ Phù Sa được Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà nâng lên thành Giáo xứ và bổ nhiệm Cha Gioakim Nguyễn Văn Có làm Quản xứ tiên khởi.

01.3.1993 – 31.5.1994: Cha Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước.

31.5.1994 – 06.4.1999: Cha Phêrô Nguyễn Văn Khoan.

06.4.1999 – 12.5.2002: Cha Giuse Đặng Minh Tuấn.

Sau 25 năm hiện diện và phục vụ, Cha Giám Tỉnh Dòng Phanxicô quyết định trả Giáo xứ lại cho Giáo Phận. Ngày 12.5.2002 Cha Antôn Nguyễn Công Nam, Quản xứ Chợ Mới, làm Quản nhiệm Giáo xứ Phù Sa. Ngày 23.01.2003 Cha Louis Nguyễn Phúc Hải được bổ nhiệm làm quản xứ Phù Sa.

III. CƠ SỞ VẬT CHẤT:

Trước thời Văn Thân, một nhà nguyện với tước hiệu thánh Anna, trong đất của Bà Chanh. Đến năm 1937, Cố Tourte (Cố Quý) là người khởi công thiết kế và cùng với Cố Kim xây dựng ngôi Nhà thờ hiện nay với kiến trúc Tây Phương theo Hình Thánh Giá. Năm 1995 Cha Phêrô Khoan thay ngói mới. Năm 2001 Cha Giuse Tuấn trùng tu, mở rộng thêm 2 cánh như hiện nay.

Năm 1995 Cha Giuse Sồ xây dựng nhà xứ. Năm 1991 Cha Gioan Kim trùng tu lại như hiện nay.

Năm 1968 Cha Phêrô Nguyễn Đình Phượng xây dựng 1 trường học với sự cộng tác của Thầy xứ Lê Công Huệ. Năm 1970, Cha Phượng và thầy Huệ làm tháp chuông bằng gỗ còn đến ngày nay. Năm 1972, Cha Antôn Hồ Ngọc Hạnh xây dựng Công trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày 26.07.1996 Cha Phêrô Khoan trùng tu Công trường Tử Đạo.

IV. NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN:

Thầy Giuse Nguyễn Ngọc Hiển ofm, hai Nữ tu Anna Đặng Nguyễn Thúy Diễm và Maria Nguyễn Thị Thúy - Dòng Nữ Tử Bác Ái, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Lý - Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Nữ tu Matta Hoài An - Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ.

V. NHỮNG SINH HOẠT CỦA GIÁO XỨ:

Từ 07 gia đình thời Vua Tự Đức đến nay Giáo xứ Phù Sa, đã phát triển trên 300 gia đình với 1.800 giáo dân. Giáo xứ được chia làm 16 liên ái trong 4 giáo họ: Giuse, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Phêrô-Phaolô, Têrêxa.

Hiện nay, Giáo xứ có: 1 Hội Đồng Giáo xứ, một Ban giáo lý viên phụ trách 14 lớp Giáo lý từ khối Đồng Cỏ Non đến khối Vào Đời, hai Ca Đoàn, Hội Tôn Vương, Hội Cầu Nguyện, Hội Lagio Mariae trưởng thành và Junior, 1 Ban bắt kinh trong nhà thờ, nhóm trẻ Phan sinh, Nhóm hạt giống, Ban giúp lễ.

Hướng về tương lai trong hợp nhất để xây dựng, quảng đại để phục vụ, cầu nguyện để yêu thương cho danh Chúa được cả sáng, cho Hạt Giống đức tin mà các bật Tiền Nhân đã vất vả gieo trồng trong những ngày đầu khai sinh Giáo xứ bằng chính mồ hôi, nước mắt, đau khổ, gian nan và cả bằng máu được đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái cho Phù Sa một mùa bội thu.