GIÁO HỘI CHÚA KITÔ, GIÁO HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI KHIÊM HẠ
PARAQUAY -- 17h30 chiều 24/6/2007, lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, tôi đồng hành cùng đoàn rước đi khắp các ngả đường của giáo xứ San Juan Bautista thuộc Tổng Giáo Phận Asunción, Paraguay.
Nhìn vào đoàn rước đi bộ, kiệu thánh tượng Gioan Baotixita và râm ra lần chuỗi Mân Côi qua những đoạn đường lồi lõm của Giáo xứ, tôi chỉ thấy toàn là những người già cả trên tay cầm tràng hạt cùng với những em bé thích thú chạy theo đoàn rước vì thấy là lạ, và cũng có vài thanh niên nam nữ cũng tháp tùng nhưng có vẻ tham gia chiếu lệ. Thấy cảnh tượng như thế, tôi chỉ biết khẩn cầu với Chúa và dâng hết cho Chúa những con chiên khoẻ mạnh đang muốn tách đàn sớm quay trở về.
Tôi được bài sai làm việc truyền giáo tại đất nước Paraguay thuộc Mỹ châu Latin. Vùng đất này đã nhuộm máu của các nhà thừa sai Dòng Tên nên đa số người dân ở đây đều là Công giáo (chiếm khoảng 85%). Dân số ở đây khoảng 6 triệu người nhưng mấy năm gần đây vì kế sinh nhai nên khoảng 1 triệu người đã rời quê hương đến các nước như Brasil, Argentina hay Tây Ban Nha để lập nghiệp.
Do ảnh hưởng của các thừa sai nói tiếng Tây Ban Nha nên ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Tây Ban Nha và bên cạnh còn có tiếng Guarani, ngôn ngữ được nhiều người dân sống ở thôn quê sử dụng.
Mặc dù là một quốc gia có đường biên giới giáp với Brazil (nói tiếng Bồ Đào Nha) và Argentina (nói tiếng Tây ban Nha) và Bolivia (cũng nói tiếng Tây Ban Nha) với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là một quốc gia xuất khẩu điện lớn nhất thế giới, quốc gia này lại là một quốc gia nghèo và chậm tiến nhất vùng Mỹ Latin. Đường xá gồ ghề, nhỏ hẹp. Xe cộ còn khá thô sơ. An ninh không mấy ổn định. Nạm tham nhũng tràn lan khắp đất nước. Tình trạng giàu nghèo rất lớn. Vì nghèo nên nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, tống tiền, nhà chứa, giết người và buôn bán thuốc phiện. Chỉ cần 50USD là có thể dễ dàng mua một khẩu súng tốt để tự vệ!
Tuy là một quốc gia Công giáo nhưng người thực hành đạo rất ít. Chính vì lẽ đó, các tôn giáo khác đang phát triển mạnh ở đây, trong đó có một tôn giáo rất thịnh hành mà nhiều người tò mò muốn tìm hiểu và trở thành tín đồ : Đạo Mammon. Nhiều nhà truyền giáo Tin Lành từ Anh, Mỹ và vùng Caribê đã hiện diện ở đây để chuẩn bị hành động khi thời cơ chín mùi.
Ở thành phố lớn như Thủ đô Asunción, các ngày thường chỉ có vài ba người tham dự. Ngày Chúa Nhật thì chỉ có những người già và các em thiếu nhi. Hội Đồng giáo xứ điều khiển tất cả. Cha xứ chỉ thi hành bí tích. Các nam nữ tu sĩ cũng chỉ là những người tham dự thánh lễ không hơn kém một giáo dân bình thường. Về hình thức thực hành đạo thì không thể so với Việt Nam vì thiếu sinh động. Người trí thức và thanh niên có tham dự thánh lễ thì đi khá trễ mặc dù ở xứ này ngày thứ Bảy và Chúa Nhật không làm việc. Ban giúp lễ và ca đoàn cũng toàn những người già. Nếu xét về phương diện con người, giáo hội ở đây sắp chết!
Hoạt động của giáo xứ cũng khá rời rạc. Một số cha xứ không ở nhà xứ như ở Việt Nam vì các ngài chỉ đóng vai trò quản nhiệm. Vì thế, nếu có vấn đề gì như đi kẻ liệt hay lo các thủ tục thuộc lãnh vực của cha xứ, giáo dân cũng gặp nhiều khó khăn. Vào một buổi tối nọ đã gần 22h00, một người gõ cửa phòng tôi nhờ đi kẻ liệt vì có một người sắp chết, tôi hỏi sao không gặp cha xứ. Họ trả lời là không biết cha xứ ở đâu. Thế là giữa đêm khuya tôi phải làm nhiệm vụ mà trong lòng cứ phập phồng lo sợ vì ở đây các linh mục ngoại quốc là điểm nhắm của những nhóm bắt cóc và thủ tiêu. Nhưng ơn Chúa quan phòng, tôi đã trở về nhà bình an sau khi làm các nghi thức sau hết cho người chết.
Người dân xứ Paraguay không mấy tha thiết với ơn gọi tu trì. Các cơ sở Dòng tu rất lớn nhưng chẳng có ơn gọi. Nếu có chăng thì chỉ có một vài ứng sinh đến từ các vùng quê và họ là đều những người dân tộc thiểu số. Các ứng sinh người thiểu số ở Paraguay đầu vào rất đông nhưng sau một thời gian học triết, họ lại nói lời chia tay với ơn gọi. Vì thế, các linh mục làm việc ở đây đa số là các thừa sai nước ngoài.
Trở lại chuyện kiệu thánh Gioan Baotixita xung quanh giáo xứ. Đất nước Paraguay này không mấy tha thiết với các thánh bổn mạng như người Việt Nam. Tuy nhiên, có một số thánh mà họ mừng rất trọng thể như thánh Antôn Padua (13/6) vì ngài hay làm phép lạ, thánh Gioan tẩy giả (24/6), vì họ tin rằng thánh Gioan tẩy giả rất linh nghiệm khi những cô gái muốn có người yêu thì viết một mảnh giấy đặt dưới tượng thánh Gioan tẩy giả vào đêm vọng lễ sinh nhật thánh Gioan Baotixita thì lời ước nguyện sẽ thành sự thật. Họ cũng khẩn cầu với Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để cho việc sinh nở của họ được mẹ tròn con vuông.
Bước đi theo đoàn rước và cũng râm ra lần chuỗi Mân Côi, tôi chợt liên tưởng đến sự kiện Fatima năm 1917. Đức Mẹ không hiện ra cho cho các giáo sĩ hay những nhà trí thức. Mẹ cũng không hiện ra cho những người đạo đức thánh thiện kẻo họ thêm kiêu căng tự mãn. Nhưng Mẹ lại hiện ra với 3 em nhỏ mục đồng quê mùa dốt nát để rao truyền sứ điệp rất quan trọng cho cả thế giới. Và tôi cũng chợt nghĩ đến 12 tông đồ của Chúa Giêsu, chẳng có vị nào tốt nghiệp tiểu học cả ngoại trừ ông Mathêu làm ở sở thu thuế. Vậy mà Giáo hội vẫn đứng vững từ hơn 2000 năm qua, vẫn toả sáng, vẫn phát triển dù trải qua nhiều cơn sóng gió.
Những tháng gần đây người ta xôn xao bàn tán về chuyện một vị giám mục ở Paraguay xin từ chức để tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2008 – 2013. Nếu xét về một khía cạnh nào đó thì vị cựu giám mục này có vẻ ham hố quyền hành. Nhưng ai sống nơi này sẽ hiểu vì sao vị nguyên giám mục ở Paraguay lại khước từ chức thánh để tham gia vào sân khấu chính trị. Một cách nào đó vị cựu giám mục này đã cam đảm vì muốn làm một điều gì đó có lợi cho dân, cho nước khi nhìn thấy người dân nghèo khổ và tình trạng bất công xã hội trên đất nước ngài đang sống.
Có lẽ còn nhiều chuyện để nói, để viết về vùng đất “tái truyền giáo” này một khi vị cựu giám mục lên nắm quyền vào năm tới! Xã hội hiện đại và những con người mang dáng dấp trí thức cho rằng cách sống đạo trong Giáo hội Chúa mà người dân ở đây thể hiện có vẻ bình dân, đơn sơ và lạc hậu lại chính là Giáo hội của Chúa Kitô, giáo hội của những người khiêm hạ. Và chính những người khiêm hạ này, nhờ ơn Chúa đã làm cho Giáo hội đứng vững chứ không phải những người tự cho mình là trí thức mà không có ơn Chúa.
Lễ Asunción đầu tháng 7/2007
PARAQUAY -- 17h30 chiều 24/6/2007, lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, tôi đồng hành cùng đoàn rước đi khắp các ngả đường của giáo xứ San Juan Bautista thuộc Tổng Giáo Phận Asunción, Paraguay.
Nhìn vào đoàn rước đi bộ, kiệu thánh tượng Gioan Baotixita và râm ra lần chuỗi Mân Côi qua những đoạn đường lồi lõm của Giáo xứ, tôi chỉ thấy toàn là những người già cả trên tay cầm tràng hạt cùng với những em bé thích thú chạy theo đoàn rước vì thấy là lạ, và cũng có vài thanh niên nam nữ cũng tháp tùng nhưng có vẻ tham gia chiếu lệ. Thấy cảnh tượng như thế, tôi chỉ biết khẩn cầu với Chúa và dâng hết cho Chúa những con chiên khoẻ mạnh đang muốn tách đàn sớm quay trở về.
Tôi được bài sai làm việc truyền giáo tại đất nước Paraguay thuộc Mỹ châu Latin. Vùng đất này đã nhuộm máu của các nhà thừa sai Dòng Tên nên đa số người dân ở đây đều là Công giáo (chiếm khoảng 85%). Dân số ở đây khoảng 6 triệu người nhưng mấy năm gần đây vì kế sinh nhai nên khoảng 1 triệu người đã rời quê hương đến các nước như Brasil, Argentina hay Tây Ban Nha để lập nghiệp.
Do ảnh hưởng của các thừa sai nói tiếng Tây Ban Nha nên ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Tây Ban Nha và bên cạnh còn có tiếng Guarani, ngôn ngữ được nhiều người dân sống ở thôn quê sử dụng.
Mặc dù là một quốc gia có đường biên giới giáp với Brazil (nói tiếng Bồ Đào Nha) và Argentina (nói tiếng Tây ban Nha) và Bolivia (cũng nói tiếng Tây Ban Nha) với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là một quốc gia xuất khẩu điện lớn nhất thế giới, quốc gia này lại là một quốc gia nghèo và chậm tiến nhất vùng Mỹ Latin. Đường xá gồ ghề, nhỏ hẹp. Xe cộ còn khá thô sơ. An ninh không mấy ổn định. Nạm tham nhũng tràn lan khắp đất nước. Tình trạng giàu nghèo rất lớn. Vì nghèo nên nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, tống tiền, nhà chứa, giết người và buôn bán thuốc phiện. Chỉ cần 50USD là có thể dễ dàng mua một khẩu súng tốt để tự vệ!
Tuy là một quốc gia Công giáo nhưng người thực hành đạo rất ít. Chính vì lẽ đó, các tôn giáo khác đang phát triển mạnh ở đây, trong đó có một tôn giáo rất thịnh hành mà nhiều người tò mò muốn tìm hiểu và trở thành tín đồ : Đạo Mammon. Nhiều nhà truyền giáo Tin Lành từ Anh, Mỹ và vùng Caribê đã hiện diện ở đây để chuẩn bị hành động khi thời cơ chín mùi.
Ở thành phố lớn như Thủ đô Asunción, các ngày thường chỉ có vài ba người tham dự. Ngày Chúa Nhật thì chỉ có những người già và các em thiếu nhi. Hội Đồng giáo xứ điều khiển tất cả. Cha xứ chỉ thi hành bí tích. Các nam nữ tu sĩ cũng chỉ là những người tham dự thánh lễ không hơn kém một giáo dân bình thường. Về hình thức thực hành đạo thì không thể so với Việt Nam vì thiếu sinh động. Người trí thức và thanh niên có tham dự thánh lễ thì đi khá trễ mặc dù ở xứ này ngày thứ Bảy và Chúa Nhật không làm việc. Ban giúp lễ và ca đoàn cũng toàn những người già. Nếu xét về phương diện con người, giáo hội ở đây sắp chết!
Hoạt động của giáo xứ cũng khá rời rạc. Một số cha xứ không ở nhà xứ như ở Việt Nam vì các ngài chỉ đóng vai trò quản nhiệm. Vì thế, nếu có vấn đề gì như đi kẻ liệt hay lo các thủ tục thuộc lãnh vực của cha xứ, giáo dân cũng gặp nhiều khó khăn. Vào một buổi tối nọ đã gần 22h00, một người gõ cửa phòng tôi nhờ đi kẻ liệt vì có một người sắp chết, tôi hỏi sao không gặp cha xứ. Họ trả lời là không biết cha xứ ở đâu. Thế là giữa đêm khuya tôi phải làm nhiệm vụ mà trong lòng cứ phập phồng lo sợ vì ở đây các linh mục ngoại quốc là điểm nhắm của những nhóm bắt cóc và thủ tiêu. Nhưng ơn Chúa quan phòng, tôi đã trở về nhà bình an sau khi làm các nghi thức sau hết cho người chết.
Người dân xứ Paraguay không mấy tha thiết với ơn gọi tu trì. Các cơ sở Dòng tu rất lớn nhưng chẳng có ơn gọi. Nếu có chăng thì chỉ có một vài ứng sinh đến từ các vùng quê và họ là đều những người dân tộc thiểu số. Các ứng sinh người thiểu số ở Paraguay đầu vào rất đông nhưng sau một thời gian học triết, họ lại nói lời chia tay với ơn gọi. Vì thế, các linh mục làm việc ở đây đa số là các thừa sai nước ngoài.
Trở lại chuyện kiệu thánh Gioan Baotixita xung quanh giáo xứ. Đất nước Paraguay này không mấy tha thiết với các thánh bổn mạng như người Việt Nam. Tuy nhiên, có một số thánh mà họ mừng rất trọng thể như thánh Antôn Padua (13/6) vì ngài hay làm phép lạ, thánh Gioan tẩy giả (24/6), vì họ tin rằng thánh Gioan tẩy giả rất linh nghiệm khi những cô gái muốn có người yêu thì viết một mảnh giấy đặt dưới tượng thánh Gioan tẩy giả vào đêm vọng lễ sinh nhật thánh Gioan Baotixita thì lời ước nguyện sẽ thành sự thật. Họ cũng khẩn cầu với Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để cho việc sinh nở của họ được mẹ tròn con vuông.
Bước đi theo đoàn rước và cũng râm ra lần chuỗi Mân Côi, tôi chợt liên tưởng đến sự kiện Fatima năm 1917. Đức Mẹ không hiện ra cho cho các giáo sĩ hay những nhà trí thức. Mẹ cũng không hiện ra cho những người đạo đức thánh thiện kẻo họ thêm kiêu căng tự mãn. Nhưng Mẹ lại hiện ra với 3 em nhỏ mục đồng quê mùa dốt nát để rao truyền sứ điệp rất quan trọng cho cả thế giới. Và tôi cũng chợt nghĩ đến 12 tông đồ của Chúa Giêsu, chẳng có vị nào tốt nghiệp tiểu học cả ngoại trừ ông Mathêu làm ở sở thu thuế. Vậy mà Giáo hội vẫn đứng vững từ hơn 2000 năm qua, vẫn toả sáng, vẫn phát triển dù trải qua nhiều cơn sóng gió.
Những tháng gần đây người ta xôn xao bàn tán về chuyện một vị giám mục ở Paraguay xin từ chức để tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2008 – 2013. Nếu xét về một khía cạnh nào đó thì vị cựu giám mục này có vẻ ham hố quyền hành. Nhưng ai sống nơi này sẽ hiểu vì sao vị nguyên giám mục ở Paraguay lại khước từ chức thánh để tham gia vào sân khấu chính trị. Một cách nào đó vị cựu giám mục này đã cam đảm vì muốn làm một điều gì đó có lợi cho dân, cho nước khi nhìn thấy người dân nghèo khổ và tình trạng bất công xã hội trên đất nước ngài đang sống.
Có lẽ còn nhiều chuyện để nói, để viết về vùng đất “tái truyền giáo” này một khi vị cựu giám mục lên nắm quyền vào năm tới! Xã hội hiện đại và những con người mang dáng dấp trí thức cho rằng cách sống đạo trong Giáo hội Chúa mà người dân ở đây thể hiện có vẻ bình dân, đơn sơ và lạc hậu lại chính là Giáo hội của Chúa Kitô, giáo hội của những người khiêm hạ. Và chính những người khiêm hạ này, nhờ ơn Chúa đã làm cho Giáo hội đứng vững chứ không phải những người tự cho mình là trí thức mà không có ơn Chúa.
Lễ Asunción đầu tháng 7/2007