Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ hoan nghênh Quốc Hôi Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay nạn kỳ thị đối với người Dalit là giai cấp cùng đinh nhất ở Ấn Độ. Người trong giai cấp này bị khinh miệt đến nỗi người giai cấp trên gọi người Dalit là người không đáng đụng chạm tới (Untouchable).

Phụ nữ Đalit
Dân biểu Trent Franks của tiểu bang Arizona đã đệ trình nghị quyết sau khi một phụ nữ người Dalit trình bày hoàn cảnh người thuộc giai cấp này trước Uỷ Ban Nhân Quyền Hạ Viện Hoa Kỳ. Dân biểu Franks đã yêu cầu chính quyền Ấn Độ và cộng đồng thế giới hãy nhìn với lòng thương cảm giai cấp cùng đinh bị áp bức nhất trên trái đất này.

Theo hãng Tin Tức Á Châu, Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã biểu lộ lòng tri ân đối với nghĩa cử của Hạ Viện Hoa Kỳ vì vấn đề đã được đem ra ánh sáng

Linh Mục Arokiaraj Cosmon, Tổng Thư Ký Ủy Ban đạc trách Người Dalit thuộc HĐGM Ấn Độ giải thích với hãng Tin Tức Á Châu rằng người Dalit bị đối xử một cách hết sức nghiệt ngã phi nhân cả về phương diện kinh tế, xã hội, bị từ chối không được học hành và tham gia các sinh hoạt chính trị.

Dân số người Dalit ở Ấn Độ là 250 triệu người trong đó có 16 triệu là người Kitô Giáo. Những người Dalit Kitô Giáo lại còn bị giai cấp trên theo Ấn Giáo kỳ thị gấp đôi

Cha Cosmon cho biết thêm: “Người phụ nữ Dalit thường là những nạn nhân của bạo động. Họ không thể báo cáo những tội ác mà người khác đã phạm tới họ, nhất là tội ác hãm hiếp, xâm phạm tình dục. Họ không thể nhờ cảnh sát can thiệp vì cảnh sát không tin họ.

Luật sư và các sĩ quan cảnh sát là những người thuộc giai cấp trên nên cũng chẳng muốn đứng ra bào chữa cho người cùng đinh vì sợ người giai cấp trên tẩy chay

Bà Nanci Ricks, Chủ Tịch Hệ Thống Tự Do Cho Người Dalit tuyên bố:” Sự hỗ trợ của HĐGM Ấn Độ sẽ làm cho các thành viên của Hạ Viện Hoa Kỳ ký tên vào bản nghị quyết. Một khi bản nghị quyết được thông qua thì đó là sứ điệp hy vọng cho người Dalit ở Ấn Độ.

Nghị quyết đòi quyền tự do bình đẳng cho người Dalit tại quốc hội Hoa Kỳ mang số 139. Đây là lần đầu tiên có nghị quyết bênh vực người Dalit và một khi được thông qua nghị quyết sẽ khuyến cáo các cơ sỏ thương mại, những người Hoa Kỳ và các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ tại Ấn Độ hổ trợ việc chấm dứt nạn kỳ thị người “Không đáng đụng chạm tới”