Chúa Nhật III Phục Sinh (C)

Làm sao để nhận ra “Chúa đó”



Dẫn nhập đầu lễ : Anh chị em thân mến,

Đã hai ngàn năm đi vào nhịp sống của con người như một “lễ hội” của niềm vui và sự sống, Ngày Chúa Nhật quả thật “là ngày Chúa đã dựng nên”, là ngày của qui tụ và gặp gỡ Đấng sống lại từ cõi chết, là ngày Hội Thánh diễn tả tròn đầy căn tính của chính mình để từ đó động viên mọi thành viên hăng say lên đường làm chứng tá.

Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay với những gợi ý sống động qua hình tượng các Tông đồ can đảm và vui mừng vì được “chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (BĐ1), nhất là bầu khí thân thương, huynh đệ xúm xít quanh Đức Kitô phục sinh trong bữa điểm tâm trên bờ hồ Tibêriát (TM). Tất cả những sự kiện đó đã làm nên những “Lời chứng” tuyệt vời đầy thuyết phục để con thuyền Giáo Hội hôm nay chở nặng đông vui và tràn đầy sức sống.

Để xứng đáng lãnh nhận ân sủng phục sinh và xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta sốt sắng nhận lãnh nước thánh rảy trên mình trong tâm tình và thái độ ăn năn sám hối.

Giảng Lời Chúa :

Sau những đỗ vỡ tang thương mất mát, con người thường hay trở về “lối cũ đường xưa” để tìm lại những hình bóng cũ, những gương mặt xưa, những kỷ niệm đã một thời ghi dấu ấn :

Ðêm nay hòa bình tôi muốn đi
Tìm thấy em thơ trong nụ cười của chị
Tìm thấy me xưa trên môi nín của cha
Tìm gặp tên anh trong tình người vợ góa
Tìm thấy bạn bè trong nỗi nhớ của ta…[1]

Đó cũng chính là “những bước chân mệt mõi chán chường đầy thất vọng buồn tênh” của những chàng trai dân chài Galilê trở về “quê cũ nghề xưa” nơi biển hồ Tibêriát, hay trên con đường về Emmau để tìm lại những dấu chân, những kỷ niệm thân thương của Thầy. Bởi chưng, với họ, khi mọi hy vọng về một “ngày mai tươi sáng” đã khép lại sau bức màn tăm tối của buổi chiều Thứ Sáu nghiệt ngã trên đồi Canvê, thì việc trở về tìm lại những nơi ghi đậm hình bóng cũ của Thầy, họ hy vọng sẽ gặp được một thoáng ủi an cho vơi đi phần nào những đau thương mất mát.

1. Từ những bước chân tìm về “dấu cũ”

Thế nhưng, cũng từ những “bước chân tìm về” những địa chỉ còn vương vấn dấu vết của Thầy như thế, họ đã gặp được Đấng Phục Sinh, họ đã được Thầy “khai thông trí hóa” và dẫn đưa vào chính điều cốt lỏi của niềm tin Kitô giáo : Đức Kitô đã chết và đã sống lại.

Và suốt 2000 năm nay, kể từ những buổi sáng tinh mơ của Ngày Thứ Nhất trong tuần trước ngôi mộ trống, hay từ buổi chiều Ngày thứ nhất trong tuần trên đường Emmau, hoặc một buổi sáng khác cũng Ngày thứ nhất trong tuần trên biển hồ Tiberiát, những cuộc “hẹn hò và gặp gỡ với Đấng Phục Sinh” vẫn không ngừng tái diễn, những cuộc qui tụ để cùng “đánh chén với Đấng Phục Sinh” vẫn tiếp tục dài dài, những cuộc “tọa đàm với Đấng Phục Sinh chung quanh chủ đề Thánh kinh về cái chết và sự sống lại của Đấng Cứu Thế” vẫn không ngừng được tổ chức thực hiện. Bởi chưng, tất cả những điều đó, những sinh hoạt cộng đoàn đó, những cuộc qui tụ chúng quanh Đấng sống lại từ cõi chết đó…đã làm nên Chúa Nhật, đã làm nên Kitô giáo, đã làm nên Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở, một Hội Thánh luôn can đảm “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần” về một con người mang tên “Giêsu, Đấng đã bị giết chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa phục sinh” (BĐ 1).

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, hay ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban bình an, ban Lời chân lý và Bánh Trường Sinh, đang ủi an và chia sẻ tình yêu thân mật và hồn nhiên như Ngài đã hiện diện và sẻ chia cùng các môn sinh với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân trên bờ hồ Tibêriát” (TM). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay :

“Đức Giêsu bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần”.

Và Đức Kitô phục sinh đã đến, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho họ cũng như cho bao nhiêu thế hệ con người. Biết bao nhiêu người đã cảm nhận được điều đó như cách cảm nhận của thánh Gioan Tông Đồ với hai từ “Chúa đó !”, khi tường thuật biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra gặp gỡ các môn sinh vào một buổi sáng tinh mơ trên bờ hồ Tibêriát. Sự gặp gỡ thân tình, tế nhị với một bữa điểm tâm dọn sẵn với mấy tấm bánh thơm và vài ba con cá nướng; nhưng đồng thời, cũng là cuộc gặp gỡ đem lại niềm tin và hy vọng ngút ngàn khi một mẽ lưới nặng đầy cá thay cho một đêm trắng tay của những tay chài thiện nghệ.

2. Làm sao để nhận ra “Chúa đó” !

Không phải chỉ có tại vùng đất Palestine mới có một buổi chiều tang tóc của đồi Sọ, một buổi tối Thứ Sáu đau thương khi “Con người phó dâng thần khí”, hoặc một buổi sáng đói meo khi “suốt đêm tất bật mà chẳng bắt được con cá nào”. Không, trong thế giới nầy, bất cứ ở đâu, thời nào cũng đều có hàng hàng lớp lớp người đói khổ, vất vả lầm than, vật lộn từng ngày với miếng cơm manh áo, mà suốt cuộc đời vẫn hoài tay trắng, vẫn rách rưới thảm thương ! Cũng vậy, mọi nơi, mọi thời, không thiếu những tâm hồn đau thương thất vọng, chán chường, dập nát, đau thương vì nát tan trong hiện tại, thất vọng với tương lai, không còn gì để bảo đảm, không có gì để định hướng…như các anh tông đồ xứ Galiê đêm nào sau cái chết của Thầy : vất vả với chiếc thuyền câu, với tấm lưới trống, thâu đêm mà chẳng bắt được chú cá nào, trong khi phải trực diện với một hiện tại trống vắng và hụt hẫng với cái chết thảm của Thầy trên đồi Sọ mấy ngày trước đó.

Quả thật, nếu cuộc đời cứ trôi đều như vậy, nếu qua một đêm thất bại với đói khát, các tông đồ lại phải đối diện với một “buổi sáng” nữa vắng bóng Thầy, một buổi sáng nữa với những lo âu và đầy thất vọng…thì thử hỏi, cuộc sống còn chi hạnh phúc, cuộc đời còn đâu vẽ đẹp và hy vọng để ươm mơ và tiến lên phía trước ?. Cũng thế, nếu Chúa cứ im lặng “làm ngơ giả điếc” mặc cho cuộc đời của bao thân phận trải dài với những tháng năm đau thương và bi đát, mặc cho bao tâm hồn loay hoay với bất lực trong vũng lầy của tội lỗi, lầm lạc, khốn cùng…thì còn đâu là một “Thiên Chúa tình yêu”, còn đâu một Thượng Đế toàn năng, toàn chân, thiện, mỹ” ! Chúa phải đến và Chúa đã đến : “Vừa tảng sáng Chúa đã đứng trên bãi biển”.

Vâng, Chúa đã đứng đó từ lâu, Chúa đã thấy rõ bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lắng lo mệt nhọc của những người môn sinh nghèo hèn bé nhỏ, của những học trò vụng dại ngu ngơ. Chúa đã đứng đó, đã chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn, bao xót xa day dứt, bao tăm tối khổ sầu…của bao thân phận con người, bao gia đình nhân thế. Và thấy rồi, không phải Chúa cứ noãnh mặt quay đi và bỏ lại chúng ta bên bờ tuyệt vọng, như bao vị hiền nhân, như bao nhà chính khách, như bao lãnh tụ xưa nay. Không, Chúa đã đến, Chúa đã hiện diện, đã dọn sẵn cho chúng ta, cho nhân loại, “bữa điểm tâm tuyệt vời, đúng lúc và đầy thân thương tế nhị”. Những tấm bánh thơm, những con cá nhỏ trên ngọn lửa hồng bên bờ hồ Tibêriát, hay Bánh Thánh Thể hôm nay, các Nhiệm tích hôm nay ở giữa con thuyền Giáo Hội nào có khác chi đâu ! Bởi vì, tất cả đều đong đầy một ý nghĩa nhiệm mầu duy nhất : Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Vâng, chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại nguồn hy vọng, niềm vui, lẽ sống, sự bình an, như cách diễn tả của thánh vịnh 29 mà cộng đoàn chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca : “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu. Lạy chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (ĐC).

Và như thế, thế giới không còn phải lo “Chúa có đến không ?”, con người khỏi phải ưu tư lo lắng “Chúa có trở về không ? Có ở đó không ?”. Điều còn lại làm sao chúng ta có được “đôi mắt sáng” của Thánh Gioan để mau mắn nhận ra “Chúa đó”, có thái độ nhiệt thành, cương quyết nhưng cũng đầy kính trọng thân thương của Phêrô “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển…” bơi thẳng về phía Đấng Phục Sinh…

Phải chăng ngày hôm nay ở giữa biển đời cuộc sống, hay ở giữa con thuyền Giáo Hội, hai tiếng “Chúa Đó“ cũng đang vọng về, vang lên qua Phụng Vụ, qua các Bí tích, qua những cuộc họp mừng của cộng đoàn Giáo Hội, qua những anh chị em bé nhỏ khó nghèo, qua những lời réo gọi của yêu cầu chứng nhân và truyền giáo nơi những vùng sâu vùng xa hay nơi những môi trường đang quay mặt với Thiên Chúa và những giá trị của Phúc Âm để quay cuồng trong cơn lốc của nền “văn hưởng thụ, văn minh sự chết…”

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin hãy đến, hãy hiện diện và ban bình an cho chúng con. Chúng con đang cần sự hiện diện của Chúa biết bao. Alleluia, Alleluia.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Lời của bài hát “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui” của NS. Trịnh Công Sơn.