Trào Lưu Thời Đại: “DỤC HÓA NỮ GIỚI”
Theo tin từ Rôma, ngày 26 tháng 2 năm 2007, được đăng trên Zenit.org, do Linh Mục John Flynn, thì một xu hướng không lành mạnh nhằm dục hóa nữ giới (tạm dịch từ ‘sexualization of girls’) đang ngày càng có cơ nguy ảnh hưởng đến các thanh thiếu nữ. Đây là kết luận từ một phúc trình của Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (HHTLHK), tức American Psychological Association (APA), được phát hành ngày 19 tháng 2 năm 2007. Đây cũng là kết quả công trình nghiên cứu về nội dung và hiệu quả của các hình thái truyền thông: truyền hình, băng hình ca nhạc, ca từ, tạp chí, phim ảnh, trò chơi điện tử và mạng lưới toàn cầu. Công trình cũng bao gồm việc khảo sát các quảng cáo thương mại về các sản phẩm nhắm vào nữ giới.
“Chúng ta có những bằng chứng vững chắc để kết luận rằng trào lưu dục hóa đang tạo ra những hiệu quả tiêu cực trong nhiều lãnh vực, bao gồm tác động tri thức, sức khỏe thể lý và tâm thần, cũng như việc phát triển phái tính một cách lành mạnh,” đó là nhận xét của Tiến Sĩ Eileen Zurbriggen, cầm đầu nhóm khảo cứu và cũng là giáo sư tâm lý học tại UC Santa Cruz, khi công bố bản phúc trình cho giới báo chí.
Trào lưu dục hóa gây ra các khó khăn cho mọi lứa tuổi, bản phúc trình cho thấy như thế, nhưng còn thêm rằng, đối với lứa tuổi non trẻ thì xu hướng này càng gây nhiều vấn đề hơn. Nghiên cứu nhìn nhận rằng, việc làm cho giới thanh niên trưởng thành phái tính không phải là một tiến trình dễ dàng, nhưng khi thanh thiếu nữ được khuyến khích làm sao để trở thành gợi cảm, mà không cần biết ý nghĩa của nó là gì, thì tiến trình càng trở nên phức tạp hơn.
Tình trạng bão hòa của truyền thông
Bản phúc trình trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy một lượng thời gian rất lớn đã được dành cho việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông. Theo dữ kiện thu thập được, thì trung bình một thiếu niên nam hay nữ đã dành ba tiếng đồng hồ mỗi ngày để xem truyền hình. Tuy nhiên khi tính chung cho tất cả mọi loại hình truyền thông thì trẻ em dành đến sáu tiếng rưỡi mỗi ngày cho truyền hình, trò chơi điện tử, ca nhạc...v.v.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2003, thì 68% các em có máy truyền hình đặt trong phòng, và khoảng 51% các em gái chơi ‘game’ trên máy vi tính hay máy chơi ‘game.’ Trung bình, cả các em trai lẫn gái đều mất mỗi ngày một tiếng đồng hồ xử dụng máy vi tính, lên mạng, nghe nhạc, vào phòng ‘chat,’ chơi ‘game’ và gửi điện thư cho bạn bè.
Phúc trình của HHTLHK nhận xét: “Trên truyền hình, khán giả trẻ nhìn thấy một thế giới đầy nam tính một cách thiếu cân đối, nhất là trong các chương trình dành cho giới trẻ. Ở nơi nào các nhân vật nữ trội hơn các nhân vật nam thì các nhân vật nữ ấy phải hấp dẫn và phải có trang phục khêu gợi.”
Phần lớn các băng hình ca nhạc đều chứa đựng các hình ảnh mang đầy dục tính, và phụ nữ thường xuất hiện trong các trang phục khêu gợi và hở hang. Các nữ nghệ sĩ thường xuất hiện làm sao để người ta không chú tâm đến tài năng hay dòng nhạc họ hát, mà chỉ lo chú ý đến phần thân thể và phái tính của họ mà thôi. Bản phúc trình kết luận rằng, cái sứ điệp được gửi đến cho khán giả chính là: sự thành công phải đến từ một đối tượng dục tính đầy hấp dẫn.
Về ca từ, các nhà nghiên cứu trong HHTLHK than rằng gần đây không hề thấy có một bài phân tích nào về nội dung mang nặng chất dục tính của các ca từ. Tuy nhiên, bản phúc trình của họ trưng dẫn một số những thí dụ về cách thức những lời lẽ trong các bài hát thịnh hành mới đây chất ngất tính cách dục hoá nữ giới, hoặc ám chỉ nữ giới bằng những phương cách rất làm hạ giảm giá trị của họ.
Nói đến phim ảnh, bản phúc trình bình luận về sự thiếu vắng các nhân vật nữ trong các phim dành cho mọi giới, tức ‘G-rated.’ Một nghiên cứu về 101 cuốn phim dành cho mọi giới phát hành từ năm 1994 cho đến 2004 cho thấy rằng trong số hơn 4,000 nhân vât, thì 75% là nam, 83% các nhân vật trong đám đông cũng là nam, 83% tường thuật viên là nam, và 72% phát ngôn viên cũng là nam. Do đó, bản phúc trình ghi nhận: “Sự thiếu cân đối này trong các phim có nội dung gia đình phản ảnh việc đại khối nữ giới bị lỡ mất cơ hội đại diện cho mình trong các vai trò phi dục tính.”
Các ảnh hưởng đáng ngờ vực
Tạp chí tuổi đôi mươi là một luồng ảnh hưởng quan trọng khác trên thanh thiếu nữ. Phúc trình trưng dẫn một số các nghiên cứu về nội dung các tạp chí này, cho thấy rằng một trong những sứ điệp quan trọng các tạp chí này gửi ra chính là “phải biểu hiện mình làm sao cho thật gợi dục, có vậy mới hấp dẫn được cánh đàn ông, và đó mới là mục tiêu chính của nữ giới.”
Tuy khó lượng định được nội dung rất đa dạng của liên mạng, nhưng các nhà khảo cứu trong HHTLHK đã trưng dẫn một nghiên cứu về những trang trên mạng vốn thường hấp dẫn các thiếu nữ, đó là các trang của những người mê tài tử nam nữ nổi tiếng. Phân tích nội dung cho thấy, dù là trang chính thức hay do những người hâm mộ tạo nên, thì các nữ tài tử nổi tiếng được trình bầy bằng những hình ảnh đầy gợi dục, vượt xa hẳn các nam tài tử.
Quảng cáo cũng là một lãnh vực trong đó nữ giới thường bị dục hóa. Hơn nữa, nghiên cứu ghi nhận rằng khuynh hướng ngày càng gia tăng là trong các mẫu quảng cáo, nữ giới thường được trưng bầy theo cách nặng phần trình diễn hay bị bóc lột, cho đến độ thanh nữ trong các điệu bộ khêu gợi được trưng dụng để lôi cuốn người xem.
Mới đây đã thấy xuất hiện một số những bình luận về thị trường đồ chơi, nơi cũng đang bị xu hướng dục hoá này ảnh hưởng. Bằng chứng là các con phỗng mà các trẻ gái từ 4 đến 8 tuổi say mê thường được cho ăn mặc rất hở hang và khêu gợi.
Về trang phục cũng thế. Ngày càng thấy xu hướng mời mọc thiếu nữ khoác lên mình những bộ đồ được tạo mẫu chỉ nhằm gây chú ý đến dục tính phụ nữ. Còn phấn son thì được quảng cáo rầm rộ ngay cho cả các cô bé vừa mới lớn.
Tất cả các ảnh hưởng trên thâu tóm lại đã tạo ra nhiều vấn đề cho nữ giới. Bản phúc trình cho thấy rằng trào lưu dục hóa thì gắn liền với ba vấn nạn về sức khỏe tâm thần phổ biến nhất nơi nữ giới, đó là: rối loạn về ăn uống, thiếu tự tin và suy nhược.
Các nhà nghiên cứu còn thêm rằng có đủ bằng chứng cho thấy trào lưu dục hóa thanh thiếu nữ và các cảm nghiệm tiêu cực phát sinh từ đó liên quan đến thân thể họ rốt cuộc sẽ đưa đến các vấn đề về tính dục khi họ trưởng thành. Một vấn đề có liên quan khác nữa là xu hướng lý tưởng hóa tuổi trẻ, cho đó là giai đoạn tốt đẹp duy nhất của cuộc đời. Xu hướng áp đặt tiêu chuẩn về sắc đẹp này đã đưa đến việc bùng nổ các sản phẩm chống lão hóa và giải phẫu thẩm mỹ.
Chiến thắng vòng đầu của điện thoại di động
Đi ngược lại trào lưu dục hóa không phải dễ dàng, thế nhưng tuần qua, ở Canada, sự đoan trang đã đạt được một chiến thắng ở ngay vòng đầu.
Vào tháng Giêng 2007, Telus, công ty điện thoại lớn hàng thứ nhì tại Canada, đã “cống hiến” cho khách hàng các hình chụp và băng hình khỏa thân. Do đó, vào hôm 12 tháng 2 năm 2007, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond Roussin đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích công ty có cơ sở đặt tại Vancouver này như sau: “Quyết định của Telus vừa làm nản lòng, vừa gây rối loạn.” Bốn ngày sau đó, vị TGM này tiếp tục tố giác công ty vì đã làm băng hoại xã hội trong khi tìm kiếm lợi nhuận khi chia chác với nền kỹ nghệ khiêu dâm. Ngài kêu gọi công ty phải có các dịch vụ không khiêu khích dục vọng. Ngài khuyên giáo dân và các trường học không nên gia hạn hợp đồng điện thoại di động với công ty Telus. Ngài còn kêu gọi mọi giáo hữu và các công dân Canada thiện chí nên tiếp xúc thẳng với các công ty điện thoại di động để bầy tỏ quan ngại về tệ khiêu dâm đang gia tăng qua các dịch vụ điện thoại di động.
Thế là vào hôm 21 tháng 2 năm 2007, Telus buộc phải loan báo việc hủy bỏ dịch vụ có “nội dung dành cho người lớn.” Theo phúc trình đăng tải trên tờ “Globe and Mail” tại Canada, thì Telus đã nhận được hàng ngàn lời ta thán của khách hàng. Chính vì thế, Đức TGM Vancouver đã lên tiếng: “Chúng ta chỉ mới khởi sự việc hoàn toàn thừa nhận rằng vấn đề ham mê dục vọng và khiêu dâm mang một tầm mức nghiêm trọng đến thế nào.”
Chính Đức Bênêđictô XVI mới đây cũng tỏ ra quan ngại về tác dụng của nền văn hóa quần chúng. Trong sứ điệp gửi ra nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông, được tổ chức vào ngày 20 tháng 5 năm 2007 sắp tới, ĐTC đã lưu ý về xu hướng ca tụng bạo lực và tầm thường hóa dục tính. Ngài viết: “Vẻ đẹp, vốn là phản ảnh từ Thiên Chúa, có tác dụng linh ứng và linh động hóa những trái tim và khối óc tuổi trẻ, trong khi đó thì sự xấu xa và tục tĩu chỉ mang lại hiệu quả buồn nản cho thái độ và lề lối cư xử.”
Có đôi khi những kẻ tiên phong của nền văn hóa tân thời tố cáo sai lạc rằng Giáo hội bị dục tính ám ảnh. Thực ra, chính xã hội đương thời mới đang bị thiệt hại bởi nỗi ám ảnh này, trong khi Giáo hội vẫn tiếp tục đứng ra bênh vực phẩm giá và vẻ đẹp của nhân vị.
xxx
Chính vì trào lưu này mà ngày mùng 3 tháng 3 năm 2007 mới đây, theo Zenith.org, trong một diễn từ đọc tại phiên họp lần thứ 51 của Ủy Ban về Nữ Giới thuộc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, đã lên tiếng tố giác những tệ nạn đang hoành hành đối với nữ giới trên khắp năm châu: như nạn mua bán dâm trẻ em, nạn bóc lột và lạm dụng tình dục, nạn bạo hành trong gia đình, tệ nạn lao nô trẻ em và buôn bán người. Chưa bao giờ như hôm nay, tệ nạn buôn bán, trao đổi tình dục trên bình diện quốc tế lại nở rộ đến thế, đến độ đã trở thành một nền kỹ nghệ quan trọng với những khoản lợi lộc kếch sù, nhưng đồng thời cũng làm hạ giảm giá trị và nhân phẩm nữ giới chưa từng có. Ai dám bảo rằng chế độ nô lệ tình dục hôm nay không “man rợ” bằng chế độ nô lệ lao động hôm xưa? Do đó cần phải gây tạo một ý thức chống lại hiện tượng bóc lột, vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm, và lối sống sa đọa hưởng lạc. ĐTGM nói: “Việc thăng tiến phụ nữ không thể thành đạt nếu chỉ kêu gọi suông việc bênh vực quyền lợi chính đáng của nữ giới. Còn cần phải thiết lập một căn bản tôn trọng các chân giá trị đích thực của phụ nữ ngay giữa lòng xã hội hôm nay.”
Nhưng muốn tôn trọng chân giá trị của phụ nữ, ta cần bắt đầu bằng việc thấu hiểu tường tận về sự thực, ý nghĩa và giá trị chân thực của phái tính, của dục tính, để có được một niềm tôn trọng cần thiết cũng như một sự trân quý xứng đáng dành cho món quà Thiên Chúa trao ban cho loài người. Vì lý do này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ, một loạt bài xoay quanh mầu nhiệm dục tính hầu có thể giúp phân định rõ rệt tình yêu với tình dục--vốn thường rất dễ lẫn lộn--để rồi cuối cùng có thể chinh phục được thói lăng loàn bằng một cách thức duy nhất: đó là khiêm nhường hàng phục Vị Thiên Chúa của tình yêu. Khi chưa vươn đến cái tầm mức hằng thôi thúc và thách thức chúng ta xây dựng một nền văn hóa của sự sống và một văn minh của tình yêu, thì các bạn trẻ chúng ta đã làm phí phạm bầu nhiệt huyết anh hùng và lòng kiên quyết can trường mà tuổi trẻ ban phát cho chúng ta.