Về bài báo vu khống và phỉ báng cha Đắc Lộ
Trong báo Người Lao Động chủ nhật ra ngày 7.1.2007 nơi trang 23, có đăng bài Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ của Gs – Ts. Phạm Văn Hường. Nội dung bài báo vu khống và phỉ báng Alexandre de Rhodes (ta phiên âm là A Lịch Sơn Đắc Lộ, thường gọi tắt là Đắc Lộ) bốn điều : 1) Đạo văn, lấy công trình của Amaral và Barbosa đem xuất bản Từ điển Việt Bồ La với tên mình. – 2) Đã đạo văn lại “tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm” khi ra từ điển ấy. – 3) “Không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”. 4) Không được phép trở lại Đông Nam Á, “Alexandre trôi dạt vào Iran… kết thúc một đời tu hành gian trá”.
Tôi xin đính chính :
1) Rhodes có đạo văn hay không ?
Rhodes đã viết trong lời nói đầu Cùng độc giả của Từ điển Việt Bồ La: Tiếng An Nam “không những thuộc hai vương quốc khá rộng lớn là Đàng Ngoài và Đàng Trong, thêm vào đó vương quốc thứ ba là Cao Bằng (tức Đàng Trên của nhà Mạc, NĐĐ) cũng sử dụng cùng một phương ngữ ấy; mà lại tiếng đó còn thông dụng ở những vương quốc lân cận như Chàm, Cam Bốt, Lào và Xiêm…
“Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 12 năm mà tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội dòng Tên (Giêsu) rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển : ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các vị Hồng y đáng kính” (1).
Như vậy thật rõ ràng : Rhodes có “sử dụng những công trình của nhiều cha khác…, nhất là của cha Gaspar de Amaral (từ điển An Nam – Bồ) và của cha Antonio Barbosa (từ điển Bồ– An Nam)”. Phần Latinh là của Rhodes.
Có lẽ tác giả chưa đọc nguyên bản hoặc bản dịch Từ điển Việt Bồ La – đặc biệt lời nói đầu Cùng độc giả như vừa trích dẫn – nên đã viết : “Hai giáo sĩ do Amaral và Barbosa trước khi mất có để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh (sic) mà họ đã sáng tạo. Alexandro Rhodes là người mang từ điển đó về Âu châu. Năm 1651 người ta thấy có quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh xuất bản Roma với tên tác giả là Alexandro de Rhodes”.
Ts – Gs họ Phạm nói thế nghĩa là Rhodes đã đạo công trình của Amaral và Barbosa, chép lại nguyên xi Từ điển Việt Bồ La (sic). Vứt bỏ tên Amaral và Barbosa đi, rồi đưa xuất bản với tên mình là tác giả.
Đó là vu khống trắng trợn, làm gì có “quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh”, chỉ có từ điển Việt Bồ của Amaral và từ điển Bồ Việt của Barbosa mà thôi. Muốn làm từ điển Việt Bồ La, Rhodes phải đúc kết hai từ điển đó và thêm tiếng Latinh vào mới thành. Hơn nữa, Rhodes có dấu nhẹm hai tên Amaral và Barbosa đi đâu ! Trái lại, ông đã trang trọng ghi trong lời Cùng độc giả là “có sử dụng những công trình của… Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa”. Tuy nhiên, chưa ai biết Rhodes đã sử dụng công trình của Amaral và Barbosa tới mức nào, vì hai từ điển nói trên thất lạc đâu mất.
Từ điển Việt Bồ La không chỉ là từ điển ngôn ngữ – dịch từ tiếng Việt ra Bồ và La ngữ – mà còn là một từ điển bách khoa giải thích cả về địa lý, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ca dao ngạn ngữ… đặc thù của người Việt đương thời. Nếu không có sự đóng góp của người bản xứ, Rhodes không thể thực hiện được công trình để đời này.
Ngoài ra, Rhodes còn viết một chương ngữ pháp tiếng Việt đặt ở đầu sách và vẽ một bản đồ vương quốc An Nam để ở cuối sách. Hai mục ngữ pháp và bản đồ cũng đã đáng kể là công trình rất lớn của Rhodes.
Học giả Nguyễn Khắc Xuyên (Tiến sĩ thứ thiệt nhưng không bao giờ ghép vào tên mình ký hiệu TS) để cả đời chuyên nghiên cứu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ Latinh.Ông đã trước tác nhiều công trình thật giá trị, trong đó có cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651 dày 234 trang, được đánh giá là : “Riêng về giáo sĩ Đắc Lộ, tưởng không có ai nghiên cứu tường tận bằng Nguyễn Khắc Xuyên, nhất là trên khía cạnh mối liên hệ giữa Đắc Lộ và chữ quốc ngữ. Tác phẩm Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ là một bằng chứng cụ thể cho nhận định trên” (2).
Còn bản đồ Vương quốc An Nam (Regnu Annam) của Đắc Lộ vẽ có lẽ phỏng theo bản đồ An Nam quốc đời Hồng Đức (1490) ở đường nét chính yếu và đặt phía tây lên trên. Tuy nhiên, Đắc Lộ ghi thêm độ số vĩ tuyến – kinh tuyến và chú thích các địa danh bằng chữ quốc ngữ cổ chưa bỏ dấu. Bản đồ này có giá trị khoa học địa lý nhất đương thời.
2) Đã đạo văn lại “tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm” khi Rhodes trở về Âu châu cho ra từ điển ấy ?
Như vừa nói, tác giả ho Phạm không đọc hoặc có đọc mà không hiểu nội dung Từ điển Việt Bồ La, nên cho là Rhodes có hành vi đạo công trình của người khác và “đã kèm thêm tên de quý phái… kệch cỡm khi ra quyển từ điển lịch sử” ấy ? Thiển nghĩ tác giả họ Phạm đã không đọc tiểu sử của Rhodes và cũng không hiểu cách đặt tên rất thông thường trong thời phong hầu kiến ấp ở Âu châu trung cổ. Chữ de (hay do hoặc da tùy theo ngôn ngữ mỗi nước) chỉ có ý nói là ở lâu đài kiến ấp hay ở làng xóm nào mà thôi. Cũng thường khi chẳng phải phong hầu kiến ấp gì, nhiều dòng họ cũng lấy tên địa hình tự nhiên mà đặt, như Rivière là ở gần sông, Montagne gần núi, Dubois gần rừng, Dupont gần cầu, Rousseau gần suối, Fontaine gần vòi nước, Desmoulins gần cối xay, Duchêne gần cây sồi,.. Lâu ngày địa danh trở thành tộc danh và người ta bỏ hẳn chữ de. Cách đặt tên họ ở Pháp rất khác với Việt Nam. Trong khi Việt Nam chỉ có trên dưới 150 tộc danh, còn ở Pháp thì có hàng vạn tên. Chữ de thực không có gì là kệch cỡm! Ngay trong bài của tác giả có tên 4 người thì 3 người đã có chữ de. Và hoàn toàn không có sự kiện : “Khi rời Á Đông trở về Âu châu, ông này (Rhodes) đã kèm thêm tên de quý phái”. Tác giả đã dựng đứng sự kiện ấy!
3) “Không biết lễ chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”!
Tác giả họ Phạm cũng không đọc hay có đọc tác phẩm mà không hiểu gì hết. Phép giảng tám ngày nguyên tên đầy đủ là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép Rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời (3). Đây là sách dạy giáo lý (Cathechismus) cho người muốn tòng giáo, mà Rhodes đã biên soạn bằng tiếng Việt và ứng dụng ở xứ ta, rồi cho xuất bản tại Roma năm 1651. Chương trình dạy giáo lý này chia ra 8 phần và mỗi ngày học một phần. Bắt đầu học “Ngày thứ nhít” (nhất) vào ngày nào trong tuần cũng được. Còn có những chương trình dạy giáo lý khác cho người muốn học cả tháng hay cả năm, chứ không nhất thiết phải học trong một tuần lễ 7 ngày !
Phép giảng tám ngày của Rhodes không liên can gì đến tuần lễ 7 ngày. Tác giả họ Phạm thật liều lĩnh khi hạ bút: “Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”. Một giáo sĩ của Dòng Tên thông thái mà không biết lễ chủ nhật (hay Chúa nhật) nằm ở đầu tuần hay cuối tuần sao ! Cả tỷ người theo Kitô giáo, Do Thái giáo và nhiều tỷ người trên thế giới chấp nhận dương lịch Công nguyên đều sinh hoạt theo tuần lễ 7 ngày và “lễ chủ nhật” là ngày đầu tuần. Hầu khắp thế giới nghỉ ngày chủ nhật. Gần đây nghỉ thêm ngày thứ 7 thì gọi là nghỉ cuối tuần (week-end hay fin de semaine).
4) “Alexandre trôi dạt vào Iran cho đến một ngày... chết ở Ispahan (in nhầm là Isfahan cũng như bìa sách Từ điển Việt Bồ La, in sai tên Annam thành Annnam)… kết thúc một đời tu hành gian trá”.
Tác giả họ Phạm đánh giá Alexandre de Rhodes như trên chỉ có thể dựa vào những ý kiến xuyên tạc – nếu không nói là ác ý – của ông đối với người có công lớn trong sự nghiệp sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, mà Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh đã đặt thành một tên đường phố ở trung tâm. Trên 350 năm nay (1651-2006) đã có hàng trăm hàng vạn sách báo viết về Alexandre (có khi viết Alexandro hay Alexander) de Rhodes mà Việt Nam phiên âm thành A Lịch Sơn Đắc Lộ và gọi tắt là Đắc Lộ. Tất cả sách báo ấy – ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới – đều thừa nhận Đắc Lộ có công với sự sáng tạo chữ quốc ngữ, mặc dầu có những đánh giá cao thấp khác nhau. Có lẽ chỉ riêng bài của tác giả họ Phạm là quá quắt vừa phản khoa học vừa đụng chạm đến lễ nghi tôn giáo và thẳng tay kết án Đắc Lộ là đạo văn lấy công trình của người làm của mình, tự thêm tên de quý phái kệch cỡm, không hiểu lễ Chúa nhật ở đầu hay cuối tuần và kết thúc một đời tu hành gian trá!
*
Tôi thực tình ngạc nhiên khi thấy Tòa soạn Người Lao Động rất có uy tín lại giới thiệu bài báo của Gs.Ts Phạm Văn Hường là “có tính chất nghiên cứu khoa học, mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe…”.
Tôi xin gửi Tòa soạn Người Lao Động một số bài báo của Gs. Phan Huy Lê, Minh Hiến, Th. V.. Tâm Chánh, Đỗ Quang Hanh, Hoàng Định… đã đăng trên các báo Lao Động, Thể Thao, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ… khoảng từ (tháng 11.1993 đến tháng 9.1995, để tham khảo trước khi quyết định có nên mở ra cuộc tranh luận với Gs. Ts. Phạm Văn Hường hay không. Cho đến nay các giới chuyên nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và Pháp vẫn chưa biết ông ấy là ai.
(Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 145 tháng 1.2007)