VATICAN. Sáng 20-11-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến Tổng thống Cộng Hòa Italia, Ông Giorgio Napolitano, đến viếng thăm chính thức lần đầu tiên.

Đây là cuộc viếng thăm chính thức thứ 14 của một vị Tổng thống Italia nơi ĐGH trong vòng 60 năm qua (1946).

Ông Napolitano năm nay 80 tuổi, là tổng thống thứ 11 của Cộng Hòa Italia và là Tổng thống đầu tiên xuất thân từ đảng cộng sản tại nước này. Cùng tháp tùng tổng thống trong cuộc viếng thăm có phu nhân Clio, ngoại trưởng Massimo d'Alema, và 22 người.

Trong diễn văn tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói đến sự độc lập và cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Ngài cũng nhắc đến những khía cạnh sâu rộng của tự do tôn giáo: tự do này không phải chỉ là tự do phụng tự tại các nhà thờ, nhưng còn là một quyền của cá nhân, gia đình, cộng đoàn và của chính Giáo Hội. Việc thi hành quyền này có ảnh hưởng trên nhiều lãnh vực và hoàn cảnh trong đó tín hữu sinh sống và hoạt động.

Ám chỉ tới sự kiện ở Italia, có những người thường nói Giáo Hội xen mình vào việc của nhà nước, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tự do mà Giáo Hội và các tín hữu Kitô đòi hỏi, không hề làm thương tổn quyền lợi của Nhà nước hoặc các nhóm xã hội khác, và không nhắm đạt được quyền tối thượng trên họ, nhưng đúng hơn, đó là điều kiện để Giáo Hội có thể chu toàn việc phục vụ của Giáo Hội dành cho Italia và mọi quốc gia nơi có Giáo Hội”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Tự bản chất và sứ mạng của mình, Giáo Hội không phải và không muốn là một tác nhân chính trị, nhưng Giáo Hội rất quan tâm đến ích lợi của cộng đoàn chính trị”. Sự đóng góp đặc biệt này phần lớn đến từ các tín hữu giáo dân, họ sử dụng quyền được tham gia vào đời sống công cộng như mọi công dân khác.

”Các tín hữu giáo dân dấn thân, bằng lời nói và hành động, đương đầu với các thách đố lớn hiện nay, như chiến tranh, nạn khủng bố, đói khát, nghèo khổ cùng cực của bao nhiêu người, các dịch tễ kinh khủng, sự bảo vệ sinh mạng con người trong tất cả mọi giai đoạn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, sự thăng tiến gia đình, dựa trên hôn nhân, và gia đình là người đầu tiên chịu trách nhiệm về giáo dục”.

Về phần tổng thống Italia, ông cũng nhấn mạnh tích chất đời của Nhà Nước Italia và sự cộng tác với Giáo Hội. Nhiều quyết định thuộc trách nhiệm và sự tự trị của chính trị, nhưng cảm thấy nền tảng luân lý chính trị như tiếng gọi của thiết yếu và cấp thiết. Tổng thống Napolitano nói: ”Không bao giờ chính trị được rời bỏ yếu tố lý tưởng và tinh thần, bỏ qua phần luân lý đạo đức trong bản chất của mình”.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Italia còn hội kiến với ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, và Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng của Tòa Thánh. Sau đó ĐHY đã giới thiệu Tổng thống với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, trong các cuộc hội kiến thân mật, ĐTC, Tổng thống Italia, ĐHY quốc vụ khanh và Đức TGM Ngoại trưởng đã bày tỏ hài lòng vì quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Italia, cũng như giữa Giáo Hội và Nhà Nước tại nước này. Trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo và quyền tự trị của cộng đồng Giáo Hội và dân sự, cũng như trong sự cộng tác với nhau các tín hữu Công Giáo Italia tiếp tục góp phần bênh vực phẩm giá con người, bảo vệ sự sống và gia đình, cũng như công ích của xã hội.

”Các cuộc gặp gỡ này cũng là cơ hội để cứu xét các khía cạnh khác nhau trong đời sống quốc tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình trung đông, và viễn tượng tiến trình thống nhất Âu Châu cũng như những vấn đề trầm trọng của Phi châu. Tòa Thánh và Italia tiếp tục cộng tác để các tổ chức quốc tế hoạt động tốt đẹp hơn nữa”. (SD 20-11-2006)(Radio Vatican)